Wednesday, November 8, 2017

Hơn 100 người chết do bão số 12

 RFA 2017-11-08  
Người dân tại phố Hội An sử dụng thuyền bè để đi lại sau cơn bão số 12.
Người dân tại phố Hội An sử dụng thuyền bè để đi lại sau cơn bão số 12.  RFA
Đã có ít nhất 106 người thiệt mạng, 25 người mất tích và 197 người bị thương do cơn bão số 12, tính đến thời điểm 7h tối ngày 8/11. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Thiên tai cho biết cập nhật số thống kê về thiệt hại nhân mạng như vừa nêu. Ngoài ra có gần 1.490 ngôi nhà bị sập, hơn 119 ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng.
Số lượng nhà bị ngập cũng rất lớn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Trung Bộ như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và Phú Yên. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có đến hơn 70.200 ngôi nhà bị ngập và Đà Nẵng là hơn 11.500 ngôi nhà.
Sáng ngày 8/11, hàng ngàn cán bộ, công nhân viên và thanh niên xung kích đã tiến hành dọn dẹp Hội An sau bão lũ để phục vụ khách thăm quan nhân Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
Các lực lượng này đã dọn dẹp môi trường, vệ sinh nhà cửa cho người dân, đồ dùng sinh hoạt, xử lý nguồn nước và xác động vật chết.
Cũng tin liên quan, máy bay chở hàng giúp nạn nhân bão lũ Việt Nam do Nga viện trợ vào chiều ngày 8/11 hạ cánh xuống cảng Cam Ranh. Máy bay này chở 40 tấn hàng viện trợ cho những nạn nhân bão lũ, trong đó bao gồm các thực phẩm có đường, sữa, thịt và cá hộp. Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin cũng chỉ đạo trợ giúp Việt Nam số tiền 5 triệu đô la Mỹ.
Một ngày trước vào ngày 7/11, lô hàng cứu trợ thiên tai sau bão số 12 từ Nhật Bản đã đến Đà Nẵng. Lô hàng này bao gồm 105 thiết bị lọc nước mới, hỗ trợ người dân hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, nhằm giúp họ có nước sạch dùng cho sinh hoạt.

Cụ Kình nói gì về phát biểu của Phó Giám đốc công an Hà Nội

Nguyễn Anh Tuấn 
Theo RFA-2017-11-08  
Một người dân đang cố đạp chiếc xe đạp điện trên con đường bị chặn một phần bởi gỗ và các vật liệu ngổn ngang ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội hôm 20/4/201.
 Một người dân đang cố đạp chiếc xe đạp điện trên con đường bị chặn một phần bởi gỗ và các vật liệu ngổn ngang ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội hôm 20/4/201.  AFP
Sáng nay, trước Quốc Hội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết đoàn thanh tra Bộ Công an (do một Thứ trưởng dẫn đầu) đã kết luận toàn bộ quá trình chấp pháp của Công an Hà Nội trong việc bắt giữ cụ Kình ngày 15/4 là hoàn toàn đúng. Theo ông Hải, việc cụ Kình bị gãy chân là do gia đình giằng co với lực lượng thi hành nhiệm vụ, chứ không phải lỗi của công an Hà Nội.
Trước phát biểu này, những tưởng cụ Kình, vốn đang trong quá trình hồi phục và vẫn chưa đi lại được, sẽ rất sốc. Nhưng có lẽ thời gian vừa qua đã quá quen thuộc với các bài vở “đổi trắng thay đen” nên, bằng một giọng điềm tĩnh thường ngày, cụ đã chỉ ra những điểm bất ổn trong phát biểu của Đại tá Hải.
Một, đoàn thanh tra Bộ Công an mà Đại tá Hải nhắc đến là thực hiện công việc như thế nào mà chẳng hề thấy về làng gặp gỡ các nhân chứng.
Bốn nhân chứng mà cụ Kình nhắc đến, những người được các sĩ quan quân đội, công an mời ra đo mốc giới, bao gồm cụ ông Bùi Văn Vệ (cựu chiến binh, đã ngoài 80), ông Bùi Viết Hiểu (thương bình, từng là Trưởng ban Thanh tra Nhân dân xã, đã ngoài 70), ông Bùi Văn Nhạc (cựu chiến binh, nhiễm chất độc da cam, ngoài 70 tuổi), và bà Hoàng Thị Thăng (đảng viên). Họ có mặt ngay ở hiện trường lúc đó, sao đoàn thanh tra Bộ Công an không gặp họ? Sao có thể về làng triệu tập người dân cho vụ án hình sự, mà không thể mời các nhân chứng lên đối chất để tìm ra sự thật?
Hai, lúc các sĩ quan công an, quân đội mời cụ Kình và các nhân chứng ra đo mốc giới, lực lượng mặc thường phục từ trong xe nhảy ra đã bắn hai băng đạn vào bờ tường đá ong gần đó? Ông Hải có dám về gặp dân làng và khẳng định đã không có nổ súng? Đoàn thanh tra Bộ Công an có về điều tra dấu vết đạn bắn ở bờ tường đá ong ngoài đồng? Đó là chưa nói tới việc, luật pháp nào cho phép công an bắt giữ người không có lệnh, không lập biên bản như vậy?
Ba, ông Hải nói rằng cụ Kình gãy chân là do gia đình giằng co liệu có hợp lý không khi ngay ở hiện trường lúc đó chỉ có mỗi ông Lê Đình Công là con trai cụ Kình, cũng bị bắt giải đi luôn ngay lúc đó, và chỉ được thả ra vài ngày sau khi cuộc khủng hoảng giữ cán bộ xảy ra.
Bốn, lúc cụ Kình nằm ở viện 108 sau ca phẫu thuật, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Thành và Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương vào thăm. Tướng Thành có nói đại ý ghi nhận việc cụ Kình chống tham nhũng là tốt, có lợi cho dân làng. Còn Tướng Khương thì bảo rằng rất tiếc đã vào cuộc muộn nên để xảy ra sự việc như thế và xin lỗi cụ Kình. Nếu lực lượng chấp pháp của công an Hà Nội hoàn toàn đúng đắn và cụ Kình gãy chân không hề liên quan tới họ thì Tướng Khương có cần phải xin lỗi cụ Kình không? Ông Hải có dám đối chất với cụ Kình và cấp trên trực tiếp của ông là Tướng Khương không?
Không ồn ào phản ứng, trên đây là bốn điểm cụ Kình đưa ra để dư luận tự rút ra kết luận. Cụ Kình và những nhân chứng liên quan cùng dân làng sẽ sớm có clip livestream để cung cấp thông tin cho dư luận.
Một chuyện quan trọng khác ở đây lại là vấn đề xung đột lợi ích. Làm sao có thể tin rằng kết luận của đoàn thanh tra do Bộ Công an thành lập đủ khách quan khi điều tra một sự việc có liên quan trực tiếp đến lực lượng công an? Và điều đáng suy nghĩ hơn là ở nước ta hiện nay liệu có cơ quan nào đủ độc lập để đưa ra một kết luận khách quan trước một sự việc như thế này?
Nếu câu trả lời là hoàn toàn không, thì đơn giản là hệ thống quản trị quốc gia của chúng ta bị lỗi.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhà nước nghĩ gì khi đi vay?

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2017-11-08  
Người đàn ông đi xe máy chở gỗ trên một đường cao tốc ở ngoại thành Hà Nội hôm 24/5/2017.
  Người đàn ông đi xe máy chở gỗ trên một đường cao tốc ở ngoại thành Hà Nội hôm 24/5/2017.  AFP
Khi nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của nhiều quốc gia chưa phát triển đang mắc nợ quá nhiều, như Venezuela hay Việt Nam và nhiều xứ khác nữa, người dân có thể tự hỏi là nhà nước nghĩ gì khi quyết định đi vay…. Diễn đàn Kinh tế xin đi ngược về câu hỏi rất cơ bản đó…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, nợ công hay “công trái” như ông thường gọi là khối nợ của công quyền. Tại Việt Nam khối nợ ấy đã lên tới mức báo động vì tăng quá nhanh. Nhưng kỳ này, thính giả của chúng ta có lẽ cần trở ngược lên vấn đề nguyên thủy, là nhà nước nghĩ gì khi đi vay để ngày nay Việt Nam lâm vào những khó khăn đó? Ông nghĩ sao về điều này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là chúng ta phải trở lại đầu nguồn với câu hỏi là nhà nước nghĩ gì khi đi vay? Nếu thiếu tiền phát triển, một quốc gia cần đi vay thì phải tính xem là vay ai. Hai giải pháp cho nhu cầu đó là vay trong nước hay vay ngoại quốc. Từ đấy họ có hai chọn lựa, là vay bằng nội tệ là đồng bạc nội địa của quốc gia, hay bằng ngoại tệ, là đồng tiền của xứ khác. Những giải pháp khá cơ bản ấy có nhiều hậu quả khác biệt mà nhà nước phải tính trước.
- Trước nhất, khi nhà nước vay trong nước bằng nội tệ, là đồng bạc do chính mình phát hành, thì khi phải trả nợ chỉ cần phá giá là nhà nước vẫn coi như hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, nhưng với đồng tiền bị mất giá so với khi đi vay. Nhiều xứ lạc hậu vẫn hay nghĩ tới loại giải pháp trưng thu xù nợ ấy và bị khủng hoảng. Thứ hai, khi nhà nước đi vay bằng ngoại tệ thì tránh được biện pháp phá giá hay bơm tiền thật nhiều để trả nợ, nhưng lại gặp vấn đề còn rắc rối hơn.
Nguyên Lam: Ai cũng có thể nghĩ đến bài toán đầu tiên là nếu đi vay thì có thể gặp rủi ro. Ông lại phân biệt hai cách vay là nội tệ và ngoại tệ, rồi nói rằng vấn đề vay bằng ngoại tệ còn rắc rối hơn. Thưa ông, sự rắc rối đó là gì?
Khi nhà nước đi vay bằng ngoại tệ thì tránh được biện pháp phá giá hay bơm tiền thật nhiều để trả nợ, nhưng lại gặp vấn đề còn rắc rối hơn. - Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi vay tiền ngoại quốc là vay ngoại tệ, một quốc gia có thể chọn là khoản nợ ấy được yết giá bằng nội tệ, giả dụ như đồng Việt Nam, hay bằng ngoại tệ, tính bằng Mỹ kim chẳng hạn. Và khi vay thì cũng phải tính rằng tiền lời thỏa thuận là bao nhiêu, từ đó ta có hai vấn đề khác, nôm na là tín dụng và ngoại hối, nghĩa là hối đoái.
- Giả thuyết thứ nhất là vay ngoại quốc mà yết giá khoản nợ bằng nội tệ khi khi trả nợ, trị giá của đồng bạc quốc gia sẽ ảnh hưởng đến phân lời phải thanh toán. Nếu đồng bạc mất giá thì tiền lời sẽ đắt hơn, là trường hợp khá phổ biến của các nước nghèo cần đi vay. Và càng phá giá đồng bạc thì càng gây khó cho việc hoàn trái sau này. Đấy là rủi ro tín dụng và lại thành phức tạp hơn khi ta châm thêm một yếu tố bất trắc là tỷ giá hay hối suất giữa nội tệ và ngoại tệ.
- Giả thuyết thứ hai là vay tiền yết giá bằng ngoại tệ. Khi ấy, trị giá tương đối của hai đồng bạc quy thành tỷ giá hay hối suất cũng ảnh hưởng đến việc trả nợ. Giả dụ như quốc gia vay một trăm triệu đô la với phân lời 10% và tỷ giá là 10 ngàn đồng Việt Nam ăn một đô la thì tiền lời phải trả là 10 triệu đô la một năm, tính ra bạc Việt Nam là 100 tỷ bạc. Nếu đồng bạc mất giá, sau này giả dụ như phân nửa, phải 20 ngàn đồng mới ăn một đô la thì khoản tiền lời 10 triệu đô la ấy sẽ tăng gấp đôi nếu tính bằng nội tệ, tức là sẽ thành một khoản chi lớn hơn cho ngân sách quốc gia. Bây giờ, nếu tính đến phần vốn lẫn lời đến kỳ thanh toán thì ta thấy ra vấn đề.
Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày thì có lẽ người ta hiểu ra vì sao gánh nợ của Việt Nam là vấn đề khi tỷ giá đồng đô la tăng mạnh từ vài năm nay sẽ làm nghĩa vụ trả nợ lại đắt hơn. Khi ấy câu hỏi đặt ra là mặc dù gặp rủi ro như vậy, vì sao nhà nước vẫn đi vay bằng ngoại tệ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có thể thấy vài ba lý do. Thứ nhất, khả năng cho vay trong nước tùy vào khả năng tiết kiệm, sức huy động ký thác và tiền lời cho vay. Ký thác thấp, tiền lời cao với áp lực lạm phát mạnh khiến việc vay tiền trong nước bị giới hạn, như ta đã thấy mấy năm trước. Thứ hai, nhà nước lại coi trọng chỉ tiêu tăng trưởng và đòi bơm thêm tín dụng mà thu hút ký thác không đủ vì lãi suất huy động quá thấp và lãi suất thực của việc đi vay lại quá cao nếu kể thêm các lệ phí thực chất là loại trưng thu phải thanh toán cho các ngân hàng, vì vậy nhà nước tưởng khôn vẫn cho phép doanh nghiệp đi vay bằng ngoại tệ.
- Thứ ba, trong hoàn cảnh yếu kém của hệ thống ngân hàng nói chung, như chúng ta đang thấy ngày nay, mà nhà nước vẫn muốn bơm tín dụng để kích thích sản xuất bất kể tới phẩm chất thì các ngân hàng hay doanh nghiệp của nhà nước được khuyến khích đi vay bằng ngoại tệ, nhất là khi lãi suất trên thế giới giảm mạnh từ mươi năm nay. Và sau cùng, trong khi tư nhân khó được vay bằng ngoại tệ, các chủ nợ ngoại quốc vẫn tin là chính nhà nước bảo lãnh các khoản nợ này nên dễ cho vay hơn. Kết cuộc thì ngân hàng vay ngoại quốc với phân lời thấp và cho bên trong vay lại bằng nội tệ với lãi suất cao và doanh nghiệp nhân danh nhà nước thì càng vay mạnh hơn để đưa vào các dự án kém hiệu năng. Nhưng hậu quá đáng ngại của ngần ấy lý do là nhà nước đi vay với rủi ro dài hạn để có mức tăng trưởng ngắn hạn hàng năm rồi sẽ có ngày tính sổ, là lúc này, vì phải trả nợ đắt hơn trong khi khối dự trữ ngoại tệ thật ra vẫn còn giới hạn.
Dư luận cứ chỉ nói đến khoản nợ công của chính phủ, chứ còn khoản nợ của doanh nghiệp hay cơ sở quốc doanh, bằng nội tệ hay ngoại tệ, là bao nhiêu thì cũng chẳng có thống kê chính xác. - Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nếu vậy thì việc nhà nước đi vay tưởng như vì lý do kinh tế lại có thể phức tạp hơn vì chỉ tiêu tăng trưởng ở trên đưa xuống nhằm kích thích đầu tư và đi vay qua nhiều, khi Ngân hàng Nhà nước không được rộng quyền nâng lãi suất để tăng huy động ký thác trong nước. Thưa ông, phải chăng chính trị vẫn là yếu tố then chốt mà sau cùng thì quy luật kinh tế phản hồi lại nên sẽ gây ra vấn đề tài chính?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thấy hiện tượng này với một kích thước lớn hơn, đó là tại Trung Quốc khi nhà nước, doanh nghiệp lẫn cơ sở tài chính hay các hộ gia đình đều mắc nợ rất nhiều và nhanh để có được mức tăng trưởng cao. Đấy là một trong những bài toàn lớn của xứ này, nhưng họ vẫn còn một khối dự trữ ngoại tệ đáng kể khả dĩtrì hoãn được cái giờ tính sổ, với cái giá phải trả sẽ cao hơn sau này. Lãnh đạo Bắc Kinh hiểu chuyện ấy và đang ra sức giải quyết trong khi người ta chưa biết lãnh đạo Hà Nội tính sao sau khi đã vay quá trớn.
- Dư luận cứ chỉ nói đến khoản nợ công của chính phủ, chứ còn khoản nợ của doanh nghiệp hay cơ sở quốc doanh, bằng nội tệ hay ngoại tệ, là bao nhiêu thì cũng chẳng có thống kê chính xác. Bên trong các khoản nợ này thì tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu có lẽ cũng khó ai biết. Rốt cuộc thì đấy mới là những khoản nợ thật mà toàn dân sẽ phải trả sau này, dưới hình thức thuế khóa, phá giá hay lạm phát và sau cùng là vỡ nợ. Vì vậy chương trình của chúng ta mới khởi đầu với câu hỏi là nhà nước nghĩ gì khi đi vay.
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông nhà nước có thể gặp bài toán nan giải là làm sao giữ cho đồng bạc khỏi mất giá khi được giàng giá vào đồng đô la Mỹ trong một biên độ nhất định, trong khi vẫn cần bơm tín dụng vào kinh tế mà không gây ra lạm phát vì làm đồng tiền sụt giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đấy mới là vấn đề! Nếu muốn tránh lạm phát và giữ giá đồng bạc thì ngân hàng trung ương có thể nâng lãi suất và trả tiền lời ký thác cao hơn để thu hút nhưng lại không kích thích được sản xuất để đạt chỉ tiêu tăng trưởng của nhà nước. Vì muốn làm tất cả hoặc vì không giải quyết nổi bài toán lưỡng nan đó, người ta tìm giải pháp dễ là vay tiền ngoại quốc khi thấy lãi suất quá thấp tại Hoa Kỳ làm tiền Mỹ quá rẻ và dễ vay. Thề rồi vay về lại không xài vào nơi đích đáng, có khi còn dồn vào những quả đấm thép mềm oặt của hệ thống quốc doanh, ngày nay mới khó trả nợ. Khi cùng quẫn thì người ta có thể sáng tạo ra nhiều cách trì hoãn, như phá giá, vét vàng, thậm chí quỵt một phần nợ hoặc bày trò đổi tiền. Nhưng đấy cũng là những liều thuốc đổ bệnh mà chúng ta sẽ sớm thấy ra!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Mặt trận tổ cò đi làm chuyện tài-môi

Tháng Chín (Danlambao) - Hôm qua, 8/11 Mặt trận tổ cò tuyên bố sẽ "giám sát việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường…" (1) Cái tổ cò ngoại vi của đảng độc tài này trên nguyên tắc cũng chỉ là một thứ hội hè / băng đảng, không phải là một cơ quan, bộ phận nhà nước - lấy tư cách gì mà đi lo chuyện... tài-môi của các đấng bên Bộ Tài nguyên & Môi trường?

Sự việc làm tài-môi xảy ra trong cái gọi là "Lễ ký kết Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu."

Rõ ràng là chỉ có đảng và cánh tay nối dài của đảng tự tung tự tác "quậy" chuyện của một chính phủ. Điều cần ghi nhận là trong suốt thời gian xảy ra những thảm họa môi trường, cả đảng lẫn tổ cò bay đi đâu mất tiêu, chỉ thấy có đám Tài-Môi lo viết chuyện láo lếu về tảo nở hoa, thủy triều đỏ, ăn hải sản và cởi trần tắm biển để chứng minh rằng biển có chi mô!

Bảo vệ môi trường là "trách nhiệm" của chính phủ và đứng mũi chịu sào là Bộ TN&MT. Nó cũng là "nghĩa vụ" của mọi công dân. Nhưng sự tham gia của người dân và các tổ chức không thuộc nhà nước không thể bao gồm các quyền hạn như kiểm tra xử lý vi phạm.

Khi các công dân như blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thực hiện "nghĩa vụ" của mình - lên tiếng, đòi hỏi bảo vệ môi trường thì bị tống tù 10 năm. Ngược lại, cả đám tổ cò của đảng đã trơ lì, vô cảm trước thảm trạng môi trường lớn nhất trong lịch sử thì nay đảng lại lôi ra để lãnh sứ mạng... tài môi.

Nhưng việc gì của đảng cũng có lý do của đảng. Đây là "trò" của đảng để tuyên truyền rằng mặt trận tổ cò - một "tập hợp quần chúng" đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Mọi cá nhân khác không nằm trong tổ cò này không được quyền... tài môi và mọi vi phạm sẽ bị chụp cho cái mũ phản động, nhận tiền của ngoại quốc để tuyên truyền, chống phá sự nghiệp... bảo vệ môi trường của đảng và tổ cò.



________________________________

Nỗi lòng của Tổng thanh tra chú phỉnh

Dân Đen (Danlambao) - Nỗi lòng này không phải là làm thế nào để giải quyết quốc nạn tham nhũng vì đảng trưởng đã ra lệnh đập chuột không được bể bình - hay cập nhật cho đúng phiên bản mới của tổng bí thư là đốt củi coi chừng cháy lò. Nỗi lòng của đồng chí tổng thanh tra là có quá nhiều tố cáo các quan cá tra được gửi đến quan thanh tra bằng tin nhắn điện thoại!

Tại phiên họp Cuốc hội, Quan tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chìa phone xịn ra nói: “Tôi vừa nhận nhiệm vụ mới, tin nhắn tố cáo liên tục đổ về điện thoại. Ngồi đây tôi cũng vừa nhận tin nhắn đây”. (*)

Câu hỏi đặt ra là số điện thoại của quan lớn là gì? Có người dân nào được biết không. Quan... xạo thì thôi.

Lôi chuyện quá nhiều tin nhắn ra không phải để khoe mà để phàn nàn là "xử lý" việc tố cáo con cháu của bác cái gì cũng ăn qua phone quá khó, không có chữ ký, không xác định được chủ phone...

Nghe quan thanh tra lý sự, Chủ tịch cuốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bèn nhảy vào hỏi: "Ta đang ở thời đại công nghệ 4.0, không lẽ trong luật Quốc hội ban hành lại đặt tố cáo qua điện thoại, email, fax ra bên ngoài?"

Bà này cũng cho biết - thi thoảng cũng nhận được tin nhắn tố cáo đồng chí đảng ta tham nhũng (!?).

Số phôn của Ngân là số mấy, xin cho anh biết!!! 

Hay nói chung là cũng như đồng chí thanh tra tổng, số phôn của các quan thì chỉ có các quan biết và chỉ các quan cùng một đảng nhưng mà khác băng tố nhau chí chóe qua phôn, chứ có người dân nào chui được vào đống phân CS nhung nhúc ký sinh trùng.

Nhìn kỹ thì các đồng chí cãi nhau ủm tỏi về việc nhận tố cáo qua tin nhắn điện thoại, qua thư, qua fax. Chẳng có ma nào dám làm một cách mạng đả heo mổ lợn đập chuột giết giòi tới nơi tới chốn bằng việc đề xuất mở ra một trang web công cộng mang tên "Toàn dân công khai chống tham nhũng". Trong đó người dân nào cũng có thể gửi toàn bộ tố cáo của mình lên diễn đàn để mọi người cùng biết và các đồng chí "xử lý" đồng rận. Khi gửi có luôn tên tuổi, số CMDN (sẽ bỏ) và mã  số định danh cá nhân (sẽ có). Như vậy thì người dân mới biết thực sự chuyện tố cáo ra sao và các quan có làm tròn nhiệm vụ thanh tra hay không?

Nhưng nói cho có, cho vui, cho... chơi thôi. Làm kiểu đó thì trong đảng còn đứa nào là thanh liêm!!!

09.11.2017



____________________________________

Chính sách siết cổ mạng Internet: cha sao con vậy...

Người Quan Sát (Danlambao) - Luật an ninh mạng của Tàu cộng có hiệu lực vào ngày 1 tháng 6 năm 2017. Đây là kết quả của chủ trương có từ năm 2010: "trong lãnh thổ Trung Quốc, Internet là chủ quyền của Trung Quốc" và luật mới này xem như đã biến hệ thống điện toán toàn cầu sử dụng tại Tàu trở thành hệ thống điện toán toàn... Tàu.

Chỉ 5 ngày sau, ngày 6-6-2017 Bộ Công an CSVN cho ra lò ngay Tờ trình Dự án Luật An ninh mạng để theo đúng bài bản của quan thầy Bắc Kinh.

Trong Dự thảo Luật An ninh mạng lần 4 của công an, nổi bật là Khoản 4, Điều 34 - Bảo đảm an ninh thông tin mạng: Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Điều 34 này của Việt cộng là sao bản Điều 37 của Tàu cộng: Thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng thu thập và tạo ra bởi các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng ở Trung Quốc phải được lưu trữ trong nước...

Luật an ninh mạng của Tàu cộng - Điều 39 cũng cho phép "Các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra tại chỗ các rủi ro bảo mật cơ sở hạ tầng thông tin..." Điều khoản này quy định nhà nước có toàn quyền thanh tra hoạt động mạng của mọi công ty và từ đó tiếp cận với dữ kiện được lưu trữ tại chỗ của các máy chủ. Khi được yêu cầu, các công ty phải hợp tác với cơ quan điều tra tội phạm hoặc điều tra an ninh để các cơ quan này truy cập vào dữ liệu và có những "hỗ trợ kỹ thuật".

Do đó, nếu áp dụng điều này tại Việt Nam thì mọi dữ kiện của người dân được lưu trữ trong Google, Facebook, Viber, Skype... đều nằm trong tay hệ thống cai trị.

Một điều khác mà công an CSVN cũng sẽ bắt chước đó là Điều 46 của luật an ninh mạng Tàu: Cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm đối với việc (những người khác) sử dụng mạng lưới của họ.

Có nghĩa là khi cần, nhà cầm quyền có thể suy diễn và quy kết một bài viết / clip / status trên một trang FB, blog cá nhân, YouTube là mang tính hoạt động chống đối nhà nước và do đó FB hoặc Google hay YouTube phải có trách nhiệm pháp lý trong việc loại trừ trang cá nhân đó (thay vì chỉ yêu cầu / khiếu nại các công ty này phải gỡ bài như hiện nay).

Bổ xung cho Điều 46 là Điều 76. Luật an ninh mạng của Tàu cộng định nghĩa "cá nhân, tổ chức" bao gồm chủ nhân, quản trị của hệ thống mạng lẫn mọi thành phần cung cấp dịch vụ Internet cho người dùng. Với định nghĩa này, một đại lý nhỏ hay một chủ trang FB, Blog phải chịu búa liềm của đảng nếu một bạn đọc nào đó post một status, comment không vừa ý đảng và đảng muốn dùng đó làm lý cớ để "có biện pháp" với người chủ trang.

Mục tiêu của tất cả những biện pháp kiểm soát mạng xã hội được diễn giải ở Điều 31 của luật Tàu cộng - Hoạt động an ninh cho cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng. Không thể khác, dự thảo luật của Việt cộng cũng có ngay Điều 9 - Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Tất cả đều mang danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia để xiết cổ Internet và kiểm soát người sử dụng hệ thống điện toán toàn cầu.

Nếu bạn muốn biết "hình thù" sau cùng của Đạo luật An ninh mạng của Việt cộng thì hãy vào đây để xem đạo luật của Tàu cộng:


Bảo đảm rồi chúng sẽ không khác gì nhau lắm.

Vì cha sao thì con sẽ phải vậy. 

Và Internet / Tự do thông tin là kẻ thù của mọi chế độ độc tài.

08.11.2017

Chủ nghĩa Cờ Sờ

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Trong tháng mười vừa qua có hai hội nghị quan trọng của hai đảng CS, đảng CSVN và đảng CS Tàu, hai trong số bốn đảng CS còn sót lại nắm quyền ở bốn quốc gia trên thế giới. Tuy ở VN chỉ là Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, qui mô rất nhỏ so với Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP Chinese Communist Party), nhưng có những điểm cũng rất giống nhau trong các đại hội đảng CS. Nào cờ đỏ mọi phía, khẩu hiệu mọi nơi, lãnh đạo đảng lãi nhãi, đảng viên dự hội nghị vỗ tay hoan hô nhất trí, nhân dân hồ hởi chào mừng thành công của đại hội... Bao nhiêu kỳ hội nghị đảng CS, ở bất kỳ nơi nào cũng đều như thế và nếu nói như TBT đảng CS “ta” thì “giống nhau đến thế là cùng”, hay nói theo kiểu người miền nam thì “giống nhau dễ sợ quá chừng”. Giống nhau cũng dễ hiểu vì vừa là anh em, vừa là đồng chí, tuy cũng có lúc nổi cơn tam bành trở thành “bọn bành trướng bá quyền Bắc kinh”, và “dạy cho bọn ăn cháo đá bát một bài học bằng máu”... Nhưng sau khi bắn giết lẫn nhau, cả hai đảng CS Tàu và “Ta” lại quay trở lại tay bắt, mặt mừng. Và lại cứ tiếp tục “giống nhau”.

Người CS thường nói, ngón tay trên cùng bàn tay cũng có ngón dài ngón ngắn, nên tuy giống nhưng cũng có cái khác. Ta hãy điểm qua vài điểm khác biệt chính sau hai đại hội đảng gần nhất của hai đảng “anh em” này. 

1/ Đại Đế và Tiểu... gì? 

Về con người lãnh đạo đảng, sau đại hội Tập Cận Bình đã củng cố quyền uy để trở thành một ông vua mới, một Đại Đế mới của nước Tàu khổng lồ. Không còn tập thể lãnh đạo, tất cả mọi chính sách chính trị, kinh tế, ngoại giao... đều do Đại Đế ra lệnh, cấp dưới trong đảng răm rắp thi hành. Người thích gọi là Tập Đại Đế, người ghét gọi là Tập Đại Dế. Gọi thế nào họ Tập cũng rất vui vì “Đại Đế” cho đảng viên, nhân dân nể trọng; còn “Đại Dế” thì là một con dế lớn, gáy oang oang tư tưởng mới, bọn dế con im thin thít, cúi đầu, không oai hùng sao? 

Sau đại hội đảng CSVN năm 2016 và hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XII, Nguyễn Phú Trọng nắm được quyền hành cao nhất trong đảng, nhưng có được như Tập Cận Bình? Đương nhiên TBT không thể là “Phú Đại Đế”, phạm tội tiếm danh với Tập Đại Đế thì chết! Thôi nước mình nhỏ nên TBT làm “Tiểu Đế” hay “Tiểu Dế” có được không? Không được! Vì đảng CS Ta vẫn kiên trì “tập thể lãnh đạo, nhân dân chịu trách nhiệm”! Không cá nhân nào to gan ra mà chống mũi chịu sào, có tập thể để núp bóng, che chắn lẫn nhau cho chắc ăn. Có lẽ VN là quốc gia duy nhất trên thế giới không có một lãnh đạo nào chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định, điều hành chính phủ. Họ núp bóng đảng, núp trong TƯ đảng, trong BCT đảng và chưa bao giờ Tứ Trụ đảng CSVN đứng ra nhận lỗi, chịu trách nhiệm cho bất kỳ thảm họa nào xảy ra trên đất nước. 

Tuy Tứ Trụ và BCT là tập thể lãnh đạo nhưng vẫn tồn tại phe cánh. Sau khi loại được một phần phe Nguyễn Tấn Dũng, phe Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được đảng. Phe Phú Trọng hỉ hả bắt cóc được Trịnh Xuân Thanh, những mong tìm được thằng thầy chóp bu bằng câu nói hồ hởi của TBT “Lò lửa đã nóng, củi khô củi ướt đều cháy cả”. Nhưng không thấy chóp bu nào gào theo TBT mà chỉ thấy chóp bu Chủ tịch Nước biến mất. Sau một thời gian, sự việc bắt cóc TXT tạm lắng xuống, vẫn chưa thấy thầy đỡ đầu cho TXT đâu cả, nhưng Chủ tịch Nước Trần Đại Quang lù lù xuất hiện trở lại, phát biểu nơi này, nơi kia. Đương nhiên họ Trần sẽ lãnh đạo chính phủ VN tham dự APEC và được một suất chính thức tiếp kiến Tổng thống Trump. Trong thời gian hiện tại vai trò TBT rất mờ nhạt và có vẻ ông ta không còn mặn mà gì lắm với Bộ Ngoại giao của Phạm Bình Minh sau kiểu bắt cóc côn đồ, không hiểu biết tí gì về bang giao quốc tế trong vụ TXT. 

Về phương diện kiến thức về khả năng điều hành đất nước, có thể Tập Đại Đế không thuộc bài Mác-Lê bằng TBT nhà ta vì họ Tập dùng chủ nghĩa CS như con chốt để trở thành Đại Đế. Nhưng việc điều hành kinh tế, ngoại giao thì TBT đảng CSVN không thể nào so bì lại với họ Tập. TBT Trọng có thể đọc thuộc lòng giáo điều Mác-Lê, đó là chuyên môn duy nhất có được của ông ta, nhưng lý thuyết cổ lổ ấy không giúp gì trong kinh tế và ngoại giao hiện nay. Về kinh tế, các công ty Tàu học hỏi cùng ăn cắp kỹ thuật phương Tây nên xuất khẩu của Tàu dựa lên chính các công ty của Tàu; trong khi xuất khẩu VN năm rồi phần lớn do Samsung và các công ty người nước ngoài làm chủ. Về ngoại giao, việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh để tạo hậu quả vô cùng tệ hại cho Việt Nam đối với nước Đức nói riêng, và cả thế giới nói chung. Ông TBT đảng “ta” không hiểu gì cả, ông ta đã reo vui lên như em bé được cho quà “củi khô, củi ướt”. Không thể tưởng tượng một người lãnh đạo đảng “ta” lại cư xử một cách ngu xuẩn về ngọai giao như vậy! 

Với tất cả các lý do trên, TBT đảng CSVN chưa thể là Tiểu Đế hay Tiểu Vương. Ông ta rất thích biệt danh “Trọng Lú”, nên để nâng cấp “đỉnh cao trí tuệ” trong thời đại mới nên có tên gọi mới cho ông là “Tiểu Lú”. 

2/ Tư tưởng Tập và tư tưởng... gì? 

Sau đại hội, đảng viên CS Tàu đua nhau ca ngợi “tư tưởng Tập Đại Đế”, các trường đại học Tàu cũng mở khóa học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên môn về “tư tưởng Tập Đại Đế”... Việc này không có gì lạ! Các Chủ tịch, hay TBT đảng CS Tàu luôn đưa ra các tư tưởng này, tư tưởng nọ để đảng viên, quần chúng học tập chết bỏ. Từ tư tưởng Mao được in gọn thành “Mao tuyển” để mỗi đảng viên trước khi xung trận làm bất kỳ chuyện gì cũng phải mở “Mao Tuyển” đọc lẩm nhẩm như đọc thần chú; cho đến tư tưởng “mèo trắng hay đen đều là mèo” của Đặng Tiểu Bình... đến giờ là tư tưởng “Tứ toàn” của Tập Đại Đế. Nói chung đều đề cao đảng CS Tàu, thêm một ít mắm muối cho có vẻ thay đổi phù hợp thời đại. Cũng dễ hiểu vì tiến bộ nhanh chóng khoa học, xã hội... tư tưởng con người cũng phải được cập nhật hoá. 

Nhưng CSVN hoàn toàn khác. Từ ngày thành lập đến nay, đảng CSVN rặn đỏ gay cả mặt mũi chỉ ra được một cục “tư tưởng HCM”. Phải chăng quá ư lạc hậu? Tư tưởng của một người sống ở thế kỷ trước, thời kỳ bao cấp, thiếu điện, thiếu nước, không computer, iphone, internet... lại là kim chỉ nam, chỉ đường đi nước bước cho xã hội hiện tại? Thực ra HCM không phải là một nhà tư tưởng, ông ta chỉ làm việc dựa theo chủ nghĩa Mác-Lê, bắt chước Mao trong việc cải cách ruộng đất ở miền Bắc... Cái gọi là “tư tưởng HCM” chỉ là sáng tác của các “đầu bếp chính trị” trong đảng CSVN. Họ dựa vào thực đơn có sẵn Mác-Lê, thêm ít hành tỏi cho hợp khẩu vị của thời “đổi mới”. HCM của thời bao cấp, nếu có sống lại, ông ta chắc chắn sẽ cho đi học lại “tư tưởng HCM”, vì lướt mạng mà xem: thời đổi mới hiện nay đang có bao nhiêu bài viết của báo chí lề đảng, tự chế nhạo thời bao cấp: “không biết thằng khùng nào đưa ra chủ trương bao cấp tệ hại đến cùng cực như thế?”. Không ai thèm nhớ hay đã quên mất thằng khùng lãnh đạo CS nào ở thời bao cấp? 

Từ tư tưởng Tập, TBT nhà ta cũng có mong ước đưa ra “tư tưởng Trọng Lú” cho có vẻ hiện đại. Nhưng ông ta không có khả năng hay ông ta không có “đầu bếp” tầm cỡ như Vương Hộ Ninh? Hiện tại người dân, đảng viên cắm đầu, cắm cổ tiếp tục học tập “tư tưởng... gì gì “ đó? 

3/ Giấc mộng Tàu và giấc mộng “Ta”? 

Mở cửa nhìn thấy giấc mơ của Mỹ, Đặng Tiểu Bình cũng bắt chước để có giấc mộng Tàu. Họ Tập nối gót theo với khẩu hiệu “Tứ Toàn”: Xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện; Cải tổ sâu sắc toàn diện; Thực hiện nhà nước pháp quyền toàn diện; và Thực hiện kỷ cương Đảng toàn diện. Tất cả đều mong có một giấc mộng chung: một nước Đại Hán hùng mạnh như ngày xưa, các nước nhỏ hơn phải thần phục, phải triều cống hàng năm cho thiên triều. Họ Tập chủ trương xây dựng quân đội hùng mạnh để bảo vệ đất nước, nhưng vẫn đảng là chính (không có đảng làm sao có vua Tập!?); và đồng thời dành lại các phần đất do “ngoại bang (kể luôn “anh em”, con cháu được miễn trừ, VN là anh em hay con cháu?) chiếm đóng trái phép”? 

Lãnh đạo Tàu không mong dân mình được hạnh phúc như dân Đan Mạch, Bắc Âu..., không nói gì đến việc dân Tàu sẽ phấn đấu để có GDP theo đầu người tăng bằng các nước tiên tiến trên thế giới, hay hệ thống y tế, giáo dục cho người nghèo... chỉ mơ nước Tàu mạnh để đè đầu đè cổ dân các nước nhỏ hơn. Một giấc mộng chỉ thấy máu và nước mắt để bắt nạt, trừng phạt các nước nhỏ trong vùng. 

Còn đảng CSVN mơ gì? Mơ được lên thiên đường XHCN thì TBT đã chép miệng than thở “Trăm năm nữa cũng chả thấy đâu!”. Thế mơ lên thiên đường làm quái gì? Thôi thì mơ giống Tàu? Mình mạnh lên đè đầu Lào, Cam Bốt. Còn Thái Lan... Ừ chắc không được, Thái Lan đè mình thì có. Ngay cả Cam Bốt, nó không thèm theo mình. Nó ngang ngược từ bỏ chủ nghĩa CS, chả thèm biết đến CS là gì. Dân nó ăn gạo cao cấp do chính nước nó sản xuất. Đã thế nó còn bắt chước Thái Lan, Indo, dự tính nay mai xuất khẩu xe chạy điện Angkor (chỉ 10 ngàn đô thôi) sang nước mình. Dân mình sản xuất gạo cấp thấp, giá rẻ; mấy con tôm xuất khẩu thì hay bị trả về vì cho ăn kháng sinh quá liều, chỉ may mắn nhờ Samsung cứu nguy, không thì vỡ nợ từ lâu. 

Được tổ chức APEC cũng là dịp để người Việt có một giấc mơ, một giấc mơ thực tế và gần gũi. Mơ có con đường rộng thênh thang, bên cạnh đường tất cả các bảng khẩu hiệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đang được nhiều người vui vẻ đưa vào lò làm củi đốt. Trên đường một đoàn xe sang trọng treo cờ tư bản nước ngoài, có cả trăm xe tải khổng lồ theo sau, chở đầy đô la đang tiến đến gần. Phía tít mờ xa các chiến hạm Mỹ tấp nập ra vào vịnh Cam Ranh... 

Từ những cái “không giống lắm”, ta quay lại những cái giống y như nhau: 

- Nhân quyền: thằng anh nhân quyền tệ hại: độc đảng, công an trị, ai phát biểu chính kiến trái ngược là phản động, người theo giáo phái Pháp Luân Công bị tra tấn, giết hại trong các trại giam, kiểm tra gắt gao thông tin trên các trang mạng internet... Thằng em cũng không kém, toà án, công an chỉ là công cụ của đảng ép dân nói theo đảng... Tất cả giống nhau như khuôn, như đúc. Mục đích các vi phạm nhân quyền cũng giống nhau: tất cả để nhằm bảo vệ chế độ thống trị của đảng áp đặt lên người dân. 

- Tham nhũng: Cả hai đảng hiện nay đều lo đối phó với nạn tham nhũng trong đảng, thằng anh đả hổ diệt ruồi thì thằng em diệt ruồi, đuổi muỗi. Chuyện chống tham nhũng vẫn còn dài dài, không biết đến khi nào thực sự chấm dứt. Nó cũng là cớ để các phe trong đảng loại nhau. 

- Lòng tin: Người dân Tàu cũng như Việt không bao giờ thực sự đặt lòng tin vào lời nói của đảng. Bề ngoài vì bị ép phải ca ngợi, tuân phục đảng nhưng khi đụng chạm đến quyền lợi cá nhân, người Tàu hay người Việt đặt lòng tin vào người trong gia đình, cũng như sự phán đoán riêng của cá nhân. Người Tàu thích tìm mua các thực phẩm, các sản phẩn liên quan đến sức khoẻ sản xuất ở các nước tiên tiến khác, mặc dù sản phẩm trong nước cùng hiệu và rẻ hơn rất nhiều. Người Tàu thoải mái dùng hoá chất, sản xuất để bán cho người tiêu dùng, nhưng cho riêng họ, cho gia đình thì hoàn toàn khác, nếu có chính phủ kiểm tra thì có phí bôi trơn. Các việc này cũng xảy ra ở Việt nam, đâu có gì là lạ! 

Còn rất nhiều các điểm giống nhau trong xã hội cộng sản Tàu cũng như “Ta”. Điểm chủ yếu và gốc mọi vấn đề là sự dối trá của chủ nghĩa Cờ Sờ. Đặng Tiểu Bình đã nêu ra “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” để tiến hành việc “mở cửa”. Họ Tập chỉ thêm mỗi mấy chữ “thời đại mới” để tiếp tục công việc “mở cửa”. Đảng “Ta” theo gót đảng Tàu, đổi mới để đất nước theo con đường “kinh tế thị trường, định hướng XHCN”. Cả hai đều là dối trá một cách trơ trẽn. Tất cả đều là kinh tế tư bản điều hành bởi một độc đảng và chủ thuyết cộng sản thực sự chỉ còn trên bề môi, mép lưỡi. Giữ tên cộng sản mục đích để giữ lại quyền hành, bảo vệ quyền lợi của cá nhân lãnh đạo chóp bu. 

Ở Việt Nam, người dân, đảng viên vẫn học, trau dồi chủ thuyết Mác Lê; tổ chức đảng vẫn rập khuôn như thời Lênin. Nhưng đối với nước ngoài để có cơ hội làm ăn, CSVN luôn mồm kêu gọi nước khác chứng nhận mình là nước tư bản. Cựu ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, trong buổi gặp phóng viên Tom Friedman tại Davos, Thụy sĩ, đã nói ông chỉ còn thấy “chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt” tại Việt Nam, a raging capitalist country. Đây ngôn từ còn mang tính ngoại giao, đúng ra phải nói VN là quốc gia theo “tư bản khùng điên”, một nước tư bản mà người ta có thể dùng đủ mánh khoé lừa bịp, có thể giết người thanh toán như Mafia, chỉ để trục lợi, kiếm càng được nhiều tiền càng tốt. Quốc hội, toà án do đảng nắm chỉ để trang trí hay phối hợp công an để bảo vệ quyền lợi của lãnh tụ đảng. Người ta được tự do lưu manh, dối trá, xảo quyệt để kiếm tiền nhưng phải biết chi phí bôi trơn cho đảng và một điều tối quan trọng: không bao giờ đụng đến chính trị, phê bình chính sách, lãnh đạo đảng CS; thậm chí không được rờ tới những vấn đề “nhạy cảm”. 

Với Tàu hay Việt nam, chủ nghĩa Cờ Sờ với chữ “Cờ sờ” không còn có nghĩa là “cộng sản”. Nó là chữ viết tắt mang hoàn toàn một nghĩa khác. Một ngày nào sẽ lại có đại hội đảng Cờ Sờ, những người dân thường lại đi ngang qua bảng chữ “Đảng Cờ Sờ Việt Nam quang vinh muôn năm”. Có lẽ họ sẽ ngừng và không khỏi mỉm cười: chủ thuyết Cờ Sờ đã hiểu qua một nghĩa khác.

08.11.2017 

Thời tiết & biệt phủ


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Một thực tế là nhà cán bộ càng to thì lũ càng lớn, dân chết càng nhiều. Những căn nhà xa hoa này được đánh đổi bằng mạng dân. Các vị ngủ có ngon không khi dưới chân mình là xác dân lập lờ trong lũ dữTrương Châu Hữu Danh

Cứ theo như lời của nhiều vị chuyên nghề xem vận mệnh qua chỉ tay thì tôi có đường may mắn rất dài, và đường học vấn cũng dài không kém. Hồi trẻ, tôi tưởng thiệt. Sự thiệt, tiếc thay, chỉ đúng được chừng (gần) phân nửa.

Tôi quả là may mắn vì có nhiều khoảng thời gian được cắp sách đến trường, kể cả những trường đại học ở nước ngoài. Chỉ có điều đáng tiếc là tôi hơi chậm hiểu (và rất chóng quên) nên đến già kiến thức vẫn rất mơ hồ, về mọi mặt.

Có năm, tôi ghi danh vào một lớp khí tượng tại San Jose State University vì nghĩ rằng chuyện thời tiết (gió mưa là bệnh của trời/ tương tư là bệnh của tôi yêu nàng) nếu không hoàn toàn thi vị thì cũng “dễ ăn” thôi. Tôi lầm, và lầm lắm. 

Cầm hai cuốn giáo khoa trên tay, tổng cộng dám cỡ bẩy tám trăm trang, mà tôi muốn ứa nước mắt. Khó nuốt thấy rõ. Sách đã dầy lại lắm biểu đồ, và nhiều hạn từ lạ hoắc. Tra tự điển muốn khùng luôn mà vẫn chỉ hiểu rất lơ mơ.

Cả hai bài thi giữa khóa của tôi đều không đủ điểm trung bình. May là dường như cả lớp cũng đều lết bết như nhau nên vị giáo sư phụ trách rộng lòng ban cho chúng tôi một đặc ân, một cơ hội để “thua me gỡ bài cào.” Ông sẽ nâng điểm cho sinh viên nào nộp term paper (ngắn thôi cũng được nhưng tối thiểu phải 500 chữ) viết về kinh nghiệm cá nhân, liên quan đến thời tiết hay khí hậu. 

Mừng hết biết luôn! Tôi nghĩ ngay ra cái tựa rất kêu (“Kinh Nghiệm Về Thời Tiết Ở Việt Nam Qua Tục Ngữ”) và “nổ như tạc đạn” vì tin chắc rằng ông thầy mình hoàn toàn không hề biết chi về những điều này:

- Gió bấc hiu hiu, sếu kêu thì rét

- Mây xanh thì nắng
Mây trắng thì mưa

- Chơm chớp đằng Đông vừa trông vừa chạy
Chơm chớp đằng Nam vừa làm vừa chơi

- Chuồn bay bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm

- Trăng quầng thì hạn
Trăng tán thì mưa

Tôi cẩn thận gạch dưới những từ vần điệu: nắng/trắng, mưa/vừa, hạn/tán... và giải thích rằng đây là phương cách để kinh nghiệm của người xưa được lưu truyền một cách dễ dàng.

Excellent! Tôi được khen ngợi, được cho điểm tối ưu, cùng với lời mời đi ăn “để chúng ta trao đổi thêm những kinh nghiệm lý thú về thời tiết ở Việt Nam qua văn chương truyền khẩu.”

Tôi biết (mẹ) gì mà “trao đổi,” cha nội? Cả đời tôi sống trong phố thị, có thấy “chơm chớp đằng Đông/đằng Tây” hồi nào đâu? Tôi cũng không dám chắc “sếu” có phải là tên gọi khác của “cò” không nữa? Nếu không thì e là tôi chưa nhìn thấy con sếu (bằng xương bằng thịt) bao giờ!

Vốn liếng về ca dao và tục ngữ của tôi đều từ cuốn Văn Học Việt Nam – được giảng dậy ở trường văn khoa Đà Lạt, trước năm 1975 – của tác giả Phạm Văn Diêu. Và vỏn vẹn chỉ có bi nhiêu đó thôi à. Bởi vậy, tôi quyết định “trốn” luôn ông thầy dậy môn khí tượng... cho nó đỡ phiền!

Chuyện phiền phức, tuy thế, vẫn cứ theo đuổi cho đến mãi tuần rồi. Tuần rồi, tôi gặp hai vợ chồng người Tân Tây Lan ở phòng ăn trong một quán trọ ở thủ đô Manila. Khách vắng, không ai ngoài ba chúng tôi nên họ bắt chuyện làm quen, rồi hỏi rằng tôi là người Đài Loan hay Nhật Bản?

Cái đù! Tôi chưa bao giờ cảm thấy hãnh diện gì (ráo) về dòng dõi tiên/rồng nhưng luôn luôn “cải chính” tới bến luôn, nếu bị thiên hạ tưởng lầm rằng mình thuộc một giống dân (bậy bạ) nào khác. Chả may, ông bà Tân Tây Lan lại đang có dự tính du lịch Việt Nam nên quay ra hỏi tới tấp về khí hậu và thời tiết ở quê nhà.

Tôi ngọng, tất nhiên. Tôi sống tha phương đã hơn nửa đời người, có biết chi đâu về chuyện nắng mưa ở cố hương (ngoài năm ba câu tục ngữ học thuộc đã lâu) mà dám nói lăng nhăng với người ngoại quốc. 

Trăng của vũ trụ thì vẫn lúc quầng, lúc tán. Mây của bầu trời thì vẫn lúc trắng, lúc xanh. Ở đâu thì chuồn bay thấp cũng mưa, bay cao cũng nắng, bay vừa cũng râm nhưng riêng ở Việt Nam thì chưa chắc à nha. Khí hậu và thời tiết ở đất nước tôi – gần đây – bỗng trở nên rất bất thường và hoàn toàn ngoài dự đoán vì thiên nhiên bị hủy hoại (không thương tiếc) hằng ngày, nhất là nạn phá rừng.

Hậu quả nhãn tiền và tàn khốc – theo lược thuật của tác giả Đào Đức Thông, trên trang VNTB:

“Thiên tai luôn luôn đe dọa cuộc sống bình yên của con người Việt Nam. Từ xưa đến nay, dù bằng cách nào người ta cũng không thể chế ngự được thiên tai, nhưng có một nghịch lý là chính con người lại gây ra những tai họa do sự thiếu trách nhiệm, do cẩu thả… khiến cho thiên tai nghiêm trọng hơn. Trận mưa lũ lịch sử vừa xảy ra với các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ làm hơn 100 người thiệt mạng và mất tích, hàng vạn ngôi nhà bị tàn phá, đường sá, cầu cống, cây cối, hoa màu bị cuốn trôi…ta có thể thấy trong thiên tai có nguyên nhân từ con người, nói cách khác là nhân họa.” 

Ảnh: VNTB


Trong một bài viết khác (“Nhà Gỗ Xác Dân”) facebooker Trương Châu Hữu Danhcho biết thêm:

“Chỉ trong vòng 40 năm, những cánh rừng bạt ngàn của Việt Nam gần như bị xoá sổ. Bao nhiêu năm chiến tranh, hứng chịu bom đạn, rừng vẫn bạt ngàn xanh... Sau chiến tranh thì rừng mất sạch. Rừng đi đâu? 

...

Trên khắp dải đất hình chữ S này, nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những căn nhà này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân. Những căn nhà này, trớ trêu thay, lại là của cán bộ. Sau lệnh đóng cửa rừng, các món đồ gỗ, nhà gỗ này càng trở nên vô giá. Một thực tế là nhà cán bộ càng to thì lũ càng lớn, dân chết càng nhiều. Những căn nhà xa hoa này được đánh đổi bằng mạng dân. Các vị ngủ có ngon không khi dưới chân mình là xác dân lập lờ trong lũ dữ?”

Không sao đâu. Qúi vị cán bộ đều vẫn “ngủ rất ngon” lành. Họ vẫn cứ “kê gối cao mà ngủ” như thường – theo nguyên văn của bản tin của trang Tiếng Dân, đọc được vào hôm 4 tháng 11 năm 2017, về vụ biệt phủ Yên Bái:

Báo VTC có bài: Thanh tra Chính phủ thừa nhận không thể xử lý được khối tài sản ‘khủng’ của ông Phạm Sỹ QuýVề câu hỏi “theo quy định pháp luật hiện chưa có quy định nào để truy suất nguồn gốc tài sản của vợ, con ông Phạm Sỹ Quý, điều này có đúng hay không“, ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng TTCP cho biết,“trong quy định pháp luật về lĩnh vực này còn có nhiều tồn tại”... Các “đồng chí” cho vợ, con đứng tên tài sản vẫn kê cao gối mà ngủ.

Báo Công an Nghệ An có bài: Không có ‘vùng cấm’ trong chống tham nhũng, tiêu cực. Rõ ràng là không có vùng cấm, nhưng người dân phải chờ đợi mỏi mòn, sau gần chục lần hoãn công bố kết quả, dưới sức ép của dư luận, Thanh tra Chính phủ mới cho công bố. Còn xử lý thì giao về cho địa phương. Cuối cùng thì ông Quý chỉ đổi ghế, còn tài sản thì vẫn chưa bị thu hồi.

Thảo nào mà nhà báo Biên Thùy có bài “Chúc Mừng Ông Phạm Sĩ Qúy” vì sau “thiên tai rồi ‘nhân họa’ liên tiếp ập đến mà ‘biệt phủ’ của gia đình ông chẳng mảy may chút gì cả” và “trên thực tế thì ông mới chỉ ‘hạ độ cao’ chứ chưa đáp xuống mặt đất. Nhưng đây cũng là một điều đáng chúc mừng nữa. Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh tương đương với Phó Giám đốc cấp Sở, như vậy sự xê dịch không đáng là mấy.”

Tôi thì tin rằng công luận sẽ đỡ phẫn nộ (đôi phần) nếu mọi người hiểu ra rằng không riêng gì ông Phạm Sỹ Qúy mà tất cả quan chức của chế độ hiện hành cùng ở trong tâm trạng bất an của những kẻ đang nhấp nhổm trên con tầu vét tốc hành. Họ đều vội vã, hối hả, dành giật thu vén nên còn tâm trí đâu mà nghĩ đến nhân cách hay danh dự – nói chi đến những chuyện xa xỉ như thời tiết, khí hậu, hay quân bình sinh thái. 

Blogger Trần Văn đã có lời khuyên mọi người đừng “nhẹ dạ, cả tin... ảo tưởng vào thành tâm, thiện ý của giới lãnh đạo Đảng CSVN” nữa. Dân Việt phải lo tự cứu đi thôi. 

8/11/2017