Friday, January 19, 2018

Nhiều nhà hoạt động bị mất tài khoản Facebook

Kiều Phong-20-01-2018
 (VNTB) Mạng xã hội Facebook là mặt trận chiến tranh tâm lý ngày càng khốc liệt giữa các bên đứng ngược bờ chiến tuyến. Có những nhà hoạt động dân chủ và những nhà hoạt động nhân quyền viết văn khá hay và hiệu quả, chính vì vậy tài khoản Facebook cá nhân thể hiện tiếng nói của họ là mục tiêu chiếm đoạt hàng đầu của giới tin tặc.

Anh Vũ Quốc Ngữ, chủ nhiệm Hội người bảo vệ nhân quyền ( Defend The Defenders) là một trong những người như vậy. Trước đây, khi chưa chú trọng đến bảo mật, anh bị cướp Facebook đến tận...2 lần. Nhiều người liên lạc với anh nhưng bị từ chối, lý do không phải anh từ chối mà là do tài khoản Facebook đó đã bị chiếm đoạt bởi những người không đàng hoàng. Không riêng gì anh Ngữ, rất nhiều nhà hoạt động tên tuổi ở Việt Nam đang ngày đêm bị tin tặc cố cướp nick Facebook cho bằng được. Thị trường cho một thương vụ cướp nick Facebook cũng tăng giá sôi động như cướp nick Gmail.


Bảo mật Facebook bằng 2 lớp mật khẩu giờ đây đã phổ biến trong giới hoạt động. Người ta rủ nhau đặt thêm lớp mật khẩu thứ hai( gọi là lớp xác thực)lưu động bên cạnh lớp mật khẩu thứ nhất cố định. Bằng cách này, tỉ lệ mất kiểm soát Facebook vào tay người lạ giảm xuống dưới 1%. Tất nhiên, trừ một số trường hợp mà lớp mật khẩu thứ hai cũng bị rơi vào tay tin tặc nốt ( như trường hợp có nhà mạng viễn thông nọ lén lút gửi mã số trong sms của khách hàng mình cho tin tặc).

Nhiều nhà hoạt động bị tin tặc xâm nhập vào tài khoản Facebook của mình lúc nào cũng không biết. Thông thường, một tên tin tặc hạng trung bình trở xuống chỉ cướp được Facebook của nhà hoạt động rồi đổi mật khẩu đi, cố gắng chiếm tài khoản đó luôn, không cho nhà hoạt động đăng bài trên tài khoản Facebook quen thuộc đó nữa, bắt anh ta phải lập tài khoản mới. Nhưng có một loại tin tặc cao cấp hơn một chút, chúng lặng lẽ xâm nhập vào tải khoản Facebook của nhà bất đồng chính kiến mà không đổi mật khẩu, không cướp đoạt, chỉ nằm im lặng lẽ đợi ai nhắn tin đến thì đọc lén. Bằng cách đột nhập vào rồi nằm im, tên tin tặc này biết được ai nhắn tin cho nhà hoạt động, nói những chuyện gì và biết được một số đồng đội và bí mật riêng tư của nhà hoạt động, từ đó lần theo vết hành trình di chuyển và hoạt động thực tế của nhà hoạt động này. Thủ đoạn tinh vi này được giới tin tặc chức năng áp dụng cho những nhà hoạt động lớn tuổi là chủ yếu (vì những người này thao tác chậm chạp trên laptop), và những người chưa biết sử dụng các phương tiện nhắn tin mã hóa đầu cuối (1) thay thế cho Messenger vốn hay bị lộ và nhiều rủi ro.

Một cách chơi không đẹp khác của tin tặc quốc doanh, đó là tạo một Facebook rồi làm cho giống với Facebook của nhà hoạt động, tức là làm giả, gây nhầm lẫn cho những người tranh đấu xung quanh. Có người thân không biết nên nhắn tin cho nhà hoạt động, cũng được hồi âm như thật, nào ngờ đang nhắn tin với người khác. Trong trường hợp này, nếu gọi kẻ không đàng hoàng kia là tin tặc hay an ninh mạng thì không xứng đáng, gọi họ là dư luận viên thì đúng hơn.

Bởi vậy, trong những chuyện quan trọng, người ta thường gọi âm thanh (voice call) với nhau thì an toàn hơn là nhắn tin văn bản (text chat).

(1) Các phần mềm (ứng dụng) mã hóa đầu cuối phổ biến hiện nay trong giới đấu tranh ở Việt Nam là Whatsapp và Signal. Kể cả chế độ chat bí mật (secret chat) của Facebook Messenger cũng được coi là ứng dụng liên lạc mã hóa đầu cuối, độ bảo mật vượt trội so với chế độ chat thông thường. 

Khóc là nhục, van xin là hèn

Tâm Don-20-01-2018 
(VNTB) Người cộng sản luôn tự hào về những con người hiên ngang lẫm liệt, khí phách ngút trời trong những phiên tòa mà các tòa án của các chính quyền cũ đưa ra xét xử. Đó có thể là sự tô vẽ. Những khóc lóc, những van xin của ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, của ông Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã nói lên rằng, họ hèn hạ trước đồng chí của mình, họ không đủ can đảm để tạo dựng lương tri và không có đủ can đảm để bảo vệ lương tri ấy.

1.Ông Đinh La Thăng, ông đừng lo lắng cho người bố đã ở tuổi 87 của ông! Chỉ cần bán 01 căn hộ cao cấp ở tòa nhà 12 đường Tân Trào, quận 7, Sài Gòn, bố của ông sẽ được chăm sóc chu đáo, tận tình cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời.

Ông Đinh La Thăng tại tòa
Ông đừng lo lắng cho người con gái 22 tuổi không được phát triển bình thường của ông! Chỉ cần bán thêm 02 căn hộ cao cấp ở tòa nhà 12 đường Tân Trào, quận 7, Sài Gòn, con gái của ông sẽ được nâng niu suốt cả cuộc đời.

Ông đừng lo lắng cho những người thân của gia đình. Chỉ cần bán thêm 03 căn hộ cao cấp ở tòa nhà 12 đường Tân Trào, quận 7, Sài Gòn, họ sẽ sống đủ đầy trong suốt cả cuộc đời.

Xin ông đừng lo lắng cho người thân của ông! Ông đã mang đến cho họ quá nhiều, hơn cả mong đợi, hơn cả mơ ước, hơn cả những phép thần.

Thật đáng thương cho người cha già và cô con gái. Không biết họ đã được hưởng những gì mà đến nước cuối họ cũng bị mang ra để mặc cả!

2.Khi Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bật khóc nức nở tại phiên tòa, người ta nhận ra rằng, Thăng và Thanh chỉ là những kẻ yếu ớt, những kẻ biến sắc tắc kè.

Khi Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh xin lỗi và cám ơn tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên tòa, người ta nhận ra rằng, Thăng và Thanh chỉ là những kẻ u mê không có nhận thức cơ bản về nhà nước và luật pháp.

Khi Đinh La Thăng đòi hỏi được làm con ma tự do, và được chết trong vòng tay của người thân, nếu sâu sắc người ta nhận ra rằng, từ lâu Thăng đã không còn được tự do nữa, và cũng đã từ lâu Thăng chỉ nhận được những xích xiềng tiền bạc chứ không phải là những vòng tay thân ái.

Khi Trịnh Xuân Thanh van xin được trở lại nước ngoài để chăm sóc con cái, người ta nhận ra rằng, Thanh chẳng bao giờ "đầu thú" như miệng lưỡi của chính quyền, và xứ sở giãy chết mới thực sự là thiên đường chứ không phải là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khi khóc lóc và van xin, Thăng và Thanh có tiếc nuối những tài sản khổng lồ mà họ thản nhiên cướp đoạt giờ đã có nhiều kẻ sở hữu và tiêu xài phung phí?

Khi khóc lóc và van xin, Thăng và Thanh có nghĩ rằng, hàng trăm ngàn người, hàng triệu người Việt Nam đã mất đi quyền lợi sống của mình vì sự cướp đoạt, sự phung phí và phá phách của Thăng và Thanh?

Sự khóc lóc và van xin của Thăng và Thanh có thể mua được mấy sự thương cảm của những kẻ tật nguyền về trí tuệ, tha hóa về tâm hồn, nhưng không bao giờ mua được chút cảm thông của những người công chính.

3. Ở Vũng Tàu- thủ đô của ngành dầu khí Việt Nam, chẳng có ai cảm thương cho ông Đinh La Thăng cả. Có lẽ, họ đã quá hiểu khả năng điều hành kinh tế theo phong cách đoàn thể sôi nổi của ông Thăng sẽ dẫn dắt Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam(PVN) đi về một miền hoang thẳm. Với những người gắn bó với ngành dầu khí, tính cách quyết liệt hoặc quyết đoán của ông Thăng chỉ là những cảm thức thuần túy của xúc cảm, là sản phẩm của duy ý chí.

Một số người lạnh lùng hài hước:" Kể từ ngày ông Thăng vô trại, cổ phiếu của các hãng sản xuất rượu Tây tụt giá thê thảm".

Thủ tướng ra Công điện số 82: kiến tạo hay tập kích?

Ánh Liên-20-01-2018
(VNTB) Vào tối 18.01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Công điện số 82, yêu cầu Bộ GTVT cung cấp cho Bộ Công an hồ sơ, tài liệu về đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm BOT và Bộ Công an xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm.

Sau Công điện số 82, lực lượng vũ trang sẽ 'danh chính ngôn thuận' vào cuộc để giải cứu BOT.
Công điện số 82: thù địch, đối tượng xấu, kích động

Tối ngày 18.01, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đưa tin về chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc đối với vấn đề BOT, trong đó tinh thần chung là lập lại an ninh, đồng thời nhấn mạnh các thế lợi thù địch, các đối tượng xấu đã và đang lợi dụng BOT để kích đông, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ông Phúc cũng yêu cầu các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Công an cũng như chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn.

Đây là điều bất ngờ! Vì nhiều người tin rằng, vấn đề BOT sẽ được giải quyết theo hướng xử lý sai phạm của chủ đầu tư để người dân thực sự hưởng đúng đồng thuế (bảo trì đường bộ) mà mình bỏ ra trên tinh thần ưu tiên quyền lựa chọn của người dân (như Thủ tướng Phan Văn Khải trước đó từng khẳng định); đồng thời giải quyết nạn tắc nghẽn tại các khu vực BOT dựa trên tinh thần Luật pháp quốc gia.

Người dân Cai Lậy và cánh tài xế vui mừng khi BOT Cai Lậy xả trạm
Với Công điện lần này, hình ảnh về một ‘Chính phủ kiến tạo’ đã trở nên xấu hơn, bởi nhiều người kỳ vọng đó sẽ là một Chính phủ vì dân hành động hơn là một Chính phủ ‘tiếp tay’ cho Doanh nghiệp sai phạm nhằm thúc đẩy sự lạm thu. Nói cách khác, thay vì chấn chỉnh các trạm BOT về vị trí, giá vé, thời gian hoàn vốn, khoảng cách giữa các trạm BOT, thì lần này, Công điện số 82 khiến người dân hiểu rằng, nó đang ‘bảo kê’ cho các trạm BOT.

Công điện số 82, cùng với việc tăng giá xăng A95 (nhằm bảo hộ cho xăng E5),… Tất cả đã khiến cho chi phí lưu thông trên đường trở nên khắc nghiệt hơn, nhất là khi người dân đang vào dịp Lễ tết cổ truyền.

Công điện số 82 khiến nhiều người thông qua mạng xã hội Facebook đã bày tỏ thẳng thắn rằng: Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc là chính phủ kiến tạo cho phía doanh nghiệp sai phạm để khoan kiệt sức dân. 

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mưa toan gì?

Ông Nguyễn Phú Trọng, người từng đưa ra quan điểm: 'Lòng dân ủng hộ, đang làm rồi phải làm tiếp'.

Nghĩa là, cái gì dân ‘ủng hộ’, thì tiếp tục làm, và kết quả đến nay, một UVBCT đã hầu tòa, những người liên quan đến nhóm đại án kinh tế bắt đầu được điều tra xét xử.

Sở dĩ phải đưa ông Nguyễn Phú Trọng vào trong câu chuyện liên quan đến 'Chính phủ kiến tạo' bởi vì, vào thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng đang can thiệp khá nhiều vào trong vấn đề liên quan đến quyết sách của phía Chính phủ.

Vấn đề, nếu BOT giải quyết theo hướng Công điện 82, thì ít nhiều khiến bức xúc trong xã hội gia tăng, dẫn đến sự méo mó hình ảnh Chính phủ kiến tạo hay hình ảnh ĐCSVN 'vì nhân dân' mà ông Nguyễn Phú Trọng tạo dựng trong cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua.

Vấn đề là vào tối ngày 18.01, báo Tuổi trẻ Online (TTO) đã đưa một bản tin, theo đó: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: ‘Ký hợp đồng BOT Cai Lậy tôi không tư túi’.

Vũ trang hóa BOT là cách thức mà Chính phủ kiến tạo hướng tới?
Vị Bộ trưởng này chia sẻ thêm, ‘dự án BOT Cai Lậy triển khai trước năm 2016 nên có yếu tố lịch sử’, và chia sẻ ‘thanh tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra trung ương đang vào cuộc xem xét toàn bộ dự án BOT quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.’

Như vậy, BOT vẫn đang được kiểm tra! Vậy Công điện 82 đang đi ngược?

Thực ra, có thể Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đang tìm cách đốt nóng vấn đề BOT lên bằng giải pháp ‘an ninh’, sau đó hạ nhiệt nó bằng ‘Cai Lậy’ theo con đường mà không ai nghĩ tới.

Cụ thể,  đốt nóng dư luận và cánh tài xế bằng Công điện 82, sau đó tiến hành dời BOT Cai Lậy. 

Điều này có nghĩa gì? Nghĩa là Chính phủ kiến tạo đang muốn sử dụng tiếp cách thức ‘kỷ luật một vài người để cứu muôn người’, bằng cách hy sinh điểm nóng Cai Lậy để tạo dư luận phấn khởi, kết hợp tăng cường an ninh tại các điểm BOT còn lại.

Như vậy, bằng cách này, BOT vẫn sẽ giữ được phần lớn bằng biện pháp an ninh thắt chặt, trong khi lòng dân tại điểm nóng nhất và xuất phát điểm của phong trào 'làm thất thủ BOT' (Cai Lậy) sẽ được xoa dịu. 

Cách thức này cũng được hiểu hơn qua câu nói trích dẫn của TS Vũ Đình Ánh: “Thu thuế cũng như ‘vặt lông vịt’, đừng để kêu toáng lên.”.

Một sự 'tập kích' có kế hoạch.

Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển...

Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển...
(PLO)- Những cây cổ thụ trăm tuổi cuối cùng trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đã được hạ xuống để làm dự án cầu Thủ Thiêm 2. Người dân rất tiếc nuối nhưng đồng cảm trước một dự án phát triển của thành phố...
Ngày 19-1, trên đường từ Thủ Đức chạy vào trung tâm quận 1, đến gần cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh tôi đã cảm thấy có điều gì đó lạ lẫm.
Đến giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng thì thót tim vì trước mắt là những khoảng trống ngập đầy ánh nắng chói chang. Hàng cây cổ thụ trăm tuổi rợp bóng mát đã gần như biến mất. Một số cây sót lại cũng sắp bị đốn hạ.
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 1
Đường Tôn Đức Thắng trước khi hàng cây cổ thụ chưa bị đốn hạ. Ảnh: Zing.
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 2
Những khoảng trống sau khi cây cổ thụ bị đốn hạ. Ảnh VIỆT HOA
Những cây cổ thụ trăm tuổi cuối cùng trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 đang dần được đốn hạ để làm cầu Thủ Thiêm 2. Chạy qua đoạn đường này, những gốc cây mới đốn xong còn thơm phức mùi gỗ tươi, ánh lên màu vàng tươi như nghệ. Xe cộ vẫn đông đúc, dòng người vẫn hối hả ngược xuôi, tiếng máy cưa xẻ gỗ vẫn đều đều. Nhiều trong số người đi đường vẫn có chút gì ngơ ngác…
Thông tin phải chặt và di dời 258 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để làm cầu Thủ Thiêm 2 nối từ quận 2 sang quận 1 không phải mới. Sở GTVT và UBND TP.HCM đã thông báo nhiều lần, thậm chí trước khi chặt cây còn phải họp báo công bố giải thích rõ ràng. Việc chặt, di dời 258 cây cũng được chia thành mấy giai đoạn để người ta không bị sốc vì sau một đêm ngủ dậy thấy bóng cây chẳng còn...
Không ít người dân thành phố đã rất tiếc nuối, hụt hẫng khi phải phá bỏ đi một lá phổi xanh mà phải mất hơn trăm năm mới tạo dựng được. Nhưng người dân hiểu, chia sẻ với chính quyền thành phố và chấp nhận thực tế là phải chia tay hàng cây cổ thụ quý giá này để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho sự phát triển!
Chắc cũng chỉ còn vài ngày nữa thôi, đoạn đường Tôn Đức Thắng rợp bóng mát này sẽ trở thành kỷ niệm đẹp trong ký ức của nhiều người.
Cách đầu đường có mấy bước chân là Trường ĐH KHXH&NV, ngôi trường hồi xưa tôi từng học. Ngày ấy, dưới bóng những hàng cây này có mấy quán bò nướng lá lốt mỡ chài ngon bá cháy, lâu lâu trong túi rủng rỉnh đám sinh viên chúng tôi mới dám ghé vào. Hồi đó những dãy quán bò nướng cứ mỗi trưa, mỗi chiều chủ quán cứ mang bò ra vỉa hè nướng, khói bay mù mịt nên chỗ này còn được cánh sinh viên gọi là “dốc mù”. Có đi qua, không đủ tiền vào ăn, chỉ ngửi khói thôi cũng đã thèm.
Sau này, những quán bò lá lốt mỡ chài đã bị dẹp buôn bán lấn chiếm vỉa hè nhưng hương vị của nó thì vẫn còn mãi với những ai đã từng đi qua đoạn đường xanh mát này. Cũng như quán bò nướng, những hàng cây cổ thụ trăm tuổi hôm nay, ngày mai và những ngày sau nữa sẽ chỉ còn lại trong ký ức của người Sài Gòn.
Khi những cây đầu tiên hạ xuống, ai đó đã đặt lên mỗi gốc cây một bông hồng nhung đỏ thắm. Hôm qua, một nhóm bạn trẻ đã đến dùng mực in lại hình những gốc cây vừa bị chặt để lưu lại những ký ức về hàng cây cổ thụ đã gắn bó với những thăng trầm của thành phố cả trăm năm nay. 
Người Sài Gòn sẽ còn nhớ thương hàng cây cổ thụ theo cách riêng của mình, bởi sự biến mất của nó sẽ mãi là một khoảng trống mênh mông trong lòng thành phố...
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 3
Cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh : Zing
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 4
Trước khi bị đốn hạ. Ảnh Internet. Ảnh Intetnet
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 5
Đường kính mỗi cây cổ thụ khoảng 2 người ôm. Ảnh: Zing
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 6
Lực lượng chức năng đang đốn hạ những cây cổ thụ cuối cùng. Ảnh Việt Hoa
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 7
Đơn vị đốn hạ cây phải dùng máy cưa cây thành từng phần.
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 8
Gỗ của cây sẽ được dùng để làm ghế ngồi
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 9
Gốc một cây cổ thụ sau khi đã đốn hạ
Một sự đánh đổi nghiệt ngã cho phát triển... - ảnh 10
Sau khi đốn hạ và di dời 258 cây xanh, nơi đây sẽ  là vị trí cầu Thủ Thiêm 2, nối quận 1 và quận 2
VIỆT HOA 
Vì sao hàng loạt cán bộ chủ chốt Đà Nẵng bị kỷ luật?
Trụ sở Thành ủy Đà Nẵng được mở rộng sau khi lấy trụ sở cũ của UBMTTQ TP. Ảnh: TẤN VIỆT(PLO)- Đêm 18-1, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã ra thông cáo về quyết định thi hành kỷ luật đối với một tổ chức và năm cá nhân.
Tối 18-1, Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa XXI kết thúc.
Cũng trong tối cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã ra thông cáo về quyết định thi hành kỷ luật đối với một tổ chức và năm cá nhân có trách nhiệm trong việc tham mưu dẫn đến khuyết điểm, vi phạm của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã xét tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm của từng cá nhân có liên quan một cách khách quan, nghiêm túc, thẳng thắn nhìn vào sự việc như nhiều lần Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã phát biểu.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng.
Cụ thể, Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng thực hiện chưa đúng Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND TP, chưa chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị nhân sự thuộc khối chính quyền trước khi trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP rà soát, kiểm tra các dự án, quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn chưa kịp thời, khi phát sinh một số dự án, công trình vi phạm thì xử lý thiếu kiên quyết.
Đối với ông Trần Đình Hồng (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng): Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã xem xét vi phạm, khuyết điểm của ông Hồng trong việc tham mưu công tác cán bộ dẫn đến vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, ông Hồng có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu công tác cán bộ có liên quan đến điều động nhân sự như: Ông Đặng Việt Dũng, trước đó là phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nay là trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Nguyễn Thanh Quang, trước đó là trưởng Ban Tuyên giáo về làm bí thư Quận ủy Thanh Khê (quận Thanh Khê không phải quận trung tâm, lẽ ra ông Quang phải về quận trung tâm); lấy phiếu tín nhiệm, xin ý kiến các cơ quan trung ương trong việc giới thiệu ông Lê Trung Chinh (hiện nay là bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn) về làm phó chủ tịch UBND TP nhưng sau đó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến không giới thiệu ông Chinh để bầu làm phó chủ tịch TP.
Ông Hồng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Đối với ông Trần Thanh Vân (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng): Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã xem xét vi phạm, khuyết điểm của ông Vân trong việc tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy dẫn đến vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Theo tìm hiểu, việc ban hành quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý là sai thẩm quyền, trái với chức năng, nhiệm vụ được quy định đối với các Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Thành ủy.
Ông Vân bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Đối với ông Đào Tấn Bằng (Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các khu công nghiệp Đà Nẵng, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy): Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã xem xét vi phạm, khuyết điểm của ông Bằng trong việc tham mưu Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương cho phép chỉ định thầu ba dự án công trình trụ sở làm việc các cơ quan khối Đảng không đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã xem xét trách nhiệm của ông Bằng khi đang giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Quản lý đầu tư, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, Phó Chánh Văn phòng UBND TP đã tham mưu lãnh đạo UBND TP ban hành các văn bản không đúng với quy định của pháp luật về đất đai.
Ông Bằng cũng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Đối với ông Vũ Quang Hùng (Thành ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng): Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã xem xét vi phạm, khuyết điểm của ông Hùng trong việc buông lỏng vai trò tham mưu quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị.
Ông Hùng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Cuối cùng, đối với ông Lê Quang Nam (Thành ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT): Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã xem xét vi phạm, khuyết điểm của ông Nam trong việc tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy có chủ trương cho doanh nghiệp triển khai đồng thời quyết định chủ trương đầu tư và đánh giá tác động môi trường, vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường (tại dự án khu đô thị Đa Phước - PV).
Theo thông tin của Pháp Luật TP.HCM, ông Nam còn có vi phạm trong công tác quản lý đất đai như: Có ý kiến trong việc đồng ý chủ trương trong việc cho doanh nghiệp thuê nhà đất trụ sở theo hình thức không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai 2013; có ý kiến đồng ý cho áp dụng đơn giá thuê đất Khu dịch vụ du lịch nhà hàng, cà phê, bar và bến du thuyền tại bờ Tây sông Hàn là vi phạm Luật Đất đai 2013.

Ông Nam bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
LÊ PHI