Nhật Nam / SBTN-09/29/2015 - 21:55
Tối ngày 29/9/2015, bạn trẻ có nick Facebook là Hoàng Thành đã bị chủ nhà dưới sự ép buộc của công an lấy lại căn nhà đang thuê, và yêu cầu cậu chuyển đi ngay ngày hôm sau 30/9, chỉ vì cậu tham gia các hoạt động xã hội.
Hoàng Thành với câu khẩu hiệu “Học sinh – sinh viên không phải là chuột bạch!” trước Bộ Giáo Dục.
Mặc dù ba anh em Hoàng Thành mới chuyển đồ đến sáng ngày 29/9, đồ đạc mới được lắp xong, nhưng đến chiều tối cùng ngày, chủ nhà liên tục gọi điện thoại tới và nói rằng cần lấy lại nhà gấp. Sau đó, chủ nhà cùng một viên cảnh sát khu vực đến nhà để yêu cầu họ dọn đi ngay, bất chấp trong hợp đồng thuê nhà đã ghi rõ: nếu bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng, phải báo trước cho bên thuê 15 ngày.
Căn nhà này Hoàng Thành mới ký hợp đồng thuê từ ngày 24/9/015 và có thời hạn thuê trong vòng một năm, tới 24/9/2016. Người đứng tên cho thuê nhà là bà Đỗ Thị Ngân - có người chồng nhận là nhân viên công an thành phố Hà Nội ; đại diện bên thuê là em của Hoàng Thành.
Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng, Hoàng Thành bị chủ nhà chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà dưới sức ép của phía công an, mà không có bất cứ lý do hợp lý và rõ ràng nào cả. Hai căn nhà mà cậu thuê, một căn ở cuối hẻm và một căn ở đầu hẻm, đều thuộc hẻm 79/40 Tổ 1, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Theo Hoàng Thành kể lại, viên cảnh sát khu vực tên là Khánh, phụ trách khu vực Tổ 1, phường Yên Hòa đã lớn tiếng nói với em của cậu rằng, nếu Hoàng Thành còn ở khu vực này, thì anh ta sẽ còn tiếp tục ép “đuổi đến cùng”.
Hoàng Thành là người tham gia tích cực trong phong trào bảo vệ cây xanh Hà Nội. Cậu cũng được biết đến là người đầu tiên cầm khẩu hiệu: “Học sinh – sinh viên không phải là chuột bạch!” đứng trước Bộ Giáo Dục để phản đối phản đối các cuộc thử nghiệm thất bại của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Cậu cũng từng là thành viên của nhóm nhảy Big Toe nổi tiếng tại Hà Nội.
Dù đang mang trên người chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật, thể trạng cơ thể yếu, thường xuyên đau ốm và phải đi cấp cứu, nhưng Hoàng Thành vẫn lựa chọn lựa cách tiếp tục lên tiếng phản đối hành vi sai trái của phía công an, để đòi hỏi quyền lợi của mình.
Trong thời điểm này, blogger Phạm Lê Vương Các cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì những hoạt động viết lách và lên tiếng cho bất công xã hội, anh đã không ngừng gặp khó khăn khi đi thuê nhà để học tập tại Hà Nội.
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng nhân viên an ninh, cảnh sát khu vực gây sức ép, buộc chủ nhà đuổi những người thuê nhà – là các nhà hoạt động nhân quyền hoặc những sinh viên có hoạt động xã hội ra khỏi nhà thuê diễn ra ngày càng phổ biến.
Khi sử dụng những biện pháp hèn hạ, vô đạo đức, xâm phạm đến quyền tự do cư trú và quyền tự do biểu đạt chính kiến của công dân, điều này này sẽ chỉ càng tạo thêm hình ảnh xấu, không thiện cảm cho phía công an và xa hơn nữa là nhà cầm quyền mà họ đang phục vụ.