Sunday, August 12, 2018

‘Cân nhắc lại’ luật Đặc khu: Sợ dân hay sợ nội bộ đảng?

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/10/08/2018  
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018.
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018.
Hoàn toàn không như những gì mà nhóm lợi ích của luật Đặc khu hình dung quy trình thông qua sẽ thông thống suôn sẻ, bộ luật ác nghiệt này không chỉ phải chịu lời oán thán và lên án từ Bắc chí Nam của nhiều triệu người dân Việt, mà còn có thể trở thành một trong những tâm điểm của cuộc chiến ác liệt giữa các thế lực trong nội bộ đảng vào nửa cuối năm 2018 và kéo sang cả năm 2019.
Bất ngờ ‘cân nhắc lại’
Vào những ngày đầu tháng Tám năm 2018, nỗi lo sợ và phẫn nộ của người dân Việt về ‘Luật bán nước’ (một tục danh mà nhân dân đặt cho dự luật Đặc khu) đã một lần nữa tạm dịu xuống khi một bản thông cáo mới nhất về chương trình kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - được phát đi từ Văn phòng Quốc hội - đã bất ngờ biến mất nội dung ‘cho ý kiến về dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu)’ như chương trình được lên trước đó.
Dự án luật này “đang được cân nhắc lại” - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc viện dẫn lý do.
Lần đầu tiên nỗi lo sợ của dân tạm lắng là vào tháng Sáu năm 2018 khi ‘đảng và nhà nước ta’ buộc phải lùi thông qua luật Đặc khu sau cuộc biểu tình khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn và lan ra hơn 50% tỉnh thành trong cả nước, biến thành một sự kiện phản ứng chính trị chưa từng có đối với chế độ cầm quyền kể từ thời đểm năm 1975.
Thân phận của dự luật Đặc khu vào năm 2018 đang ngày càng nhái lại số phận Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội ba năm trước.
Bài học Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội
Vào cuối tháng Ba năm 2015, cuộc đình công của gần 90.000 công nhân tại công ty Pou Yuen ở Sài Gòn và công nhân ở một số tỉnh thành khác phản đối Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội quá bất công khi không cho nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đã mang tính quy mô chưa từng thấy, cũng là lần đầu tiên không phải công nhân phản đối doanh nghiệp mà chính là phản ứng quyết liệt mang tính đối đầu với một chính sách nhà nước.
Tình thế khẩn cấp khi đó là nếu Luật Bảo Hiểm Xã Hội không được sớm sửa đổi và công nhân không thể nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trong đó đương nhiên phải bỏ quy định phi lý về việc người đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm mới được nhận trợ cấp một lần, rất nhiều cuộc đình công và biểu tình của lớp người dưới đáy xã hội này sẽ tái bùng phát và còn ghê gớm hơn nhiều ở các địa phương Việt Nam.
Với tinh thần “nước đến chân mới nhảy” bất di bất dịch trong hệ thống chính trị Việt Nam, chỉ đến lúc giới công nhân đồng loạt phản ứng dữ dội thì 500 đại biểu quốc hội và 200 ủy viên trung ương mới giật mình lo sợ “tình hình sẽ diễn biến phức tạp.”
Sau đó, và như một “phép màu, phía chính phủ phát ra kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội theo hướng trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng như quy định của Luật Bảo Hiểm Xã Hội Luật năm 2006.
Phong trào đình công không khoan nhượng của hàng trăm ngàn công nhân đã thắng lợi!
3 năm sau, 2018. Tình trạng còn trầm trọng hơn nhiều. Không chỉ là một điều luật bất cập mà còn mang nguy cơ mất nước trong những nội dung ‘cho thuê như bán’ của dự luật Đặc khu và khiến ‘Mật ước Thành Đô’ trở nên sờ sờ trườc mắt cho tương lai gần Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc, dù cho tới nay chẳng người dân nào được nhìn thấy bản mặt của mật ước này.
Chính - Ngân và Phúc?
Bất chấp phản ứng dữ dội của dư luận xã hội và hàng triệu cử tri về ý đồ nhượng địa trong dự luật Đặc khu và cảnh báo đặc khu có thể bị Trung Quốc lợi dụng để di dân, vào giữa năm 2018 Quốc hội Việt Nam vẫn một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó: không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’, trong khi hoàn toàn không thèm ngó ngàng gì đến cảnh nạn hàng ngàn người dân ở ‘Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ đã bị chính quyền TP.HCM biến thành dân oan, phải tha phương cầu thực và cả những cái chết tự treo cổ do quá phẫn uất khi bị cưỡng chế đẩy đuổi khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất.
Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.
Mạng xã hội đã biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính - Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này; Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng; và cả Nguyễn Phú Trọng - một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi!’ thì lại gần như mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ dự luật Đặc khu.
Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 chống luật Đặc khu đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Cuộc biểu tình khổng lồ này cũng là đầu tiên xác quyết không chỉ phản đối một chủ trương hay một chính sách của chính quyền, mà còn thể hiện sự phản kháng trực tiếp đối với chính quyền.
Sang tháng Bảy năm 2018, lồng trong bầu không khi căng thẳng và tàn nhẫn khi công an lao vào ‘bắt nguội’ và đưa ra xử án nhiều người dân biểu tình, Thủ tướng Phúc bắt đầu lấp ló ‘sẽ xin ý kiến nhân dân về luật Đặc khu’.
Chính phủ đã quan tâm đến ‘ý kiến nhân dân’ từ khi nào thế?
Còn nhân dân thì làm sao quên được một sự thật quá sức trần trụi: một trong những quyền dân đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1992 là trưng cầu dân ý vẫn chưa hề được luật hóa cho đến tận giờ đây.
‘Luật bán nước’ là một minh chứng hùng hồn về quan điểm quên dân và gạt dân. Dù đã được âm thầm chuẩn bị trong nội bộ đảng cầm quyền từ vài năm trước, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như đặt sự đã rồi. Còn trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu. Và càng tuyệt đối không có bất kỳ ý tưởng nào của chính quyền về ‘trưng cần dân ý’ đối với dự luật gắn liền với cơ thể chủ quyền lãnh thổ này.
Sợ dân và sợ lẫn nhau
Không còn nghi ngờ gì nữa, hiệu ứng của cuộc tổng biểu tình Mười tháng Sáu và phong trào văn thư kiến nghị, phản bác trước đó của giới trí thức đã buộc đảng cầm quyền, chính phủ và một quốc hội ‘đầu sai của đảng’ phải lùi thông qua dự luật Đặc khu để ‘nghiên cứu tiếp’, để cho đến nay phải tìm cách hoãn bàn về ‘luật bán nước’ vì lo sợ sẽ bùng nổ một phong trào biểu tình khổng lồ mới của dân chúng, dù trước đó đã muốn đặt dự luật này vào sự đã rồi mà không thèm quan tâm đến quan điểm, chính kiến và ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Không chỉ sợ dân chúng biểu tình, giới quan chức cao cấp và đặc biệt là những quan chức đã hứa hẹn với đủ điều với Bắc Kinh về một mô hình đặc khu ‘dành cho người Trung Quốc’, những quan chức đã âm thầm gom đất trong các đặc khu để chờ ngày đặc khu được thông qua chính thức thì sẽ ‘xả hàng’ với giá cao ngất trời…, còn sợ hãi lẫn nhau.
Hiện tượng Ủy ban Thường vụ quốc hội của người đàn bà nổi tiếng diêm dúa Nguyễn Thị Kim Ngân bất thần thông báo hoãn bàn về ‘Luật bán nước’ đã hé ra một sự thật: trong đảng và trong khối cơ quan chính phủ cùng các tỉnh thành, không phải quan chức nào cũng ‘đồng cam cộng khổ’ về lợi ích đất đai và xu hướng ‘Thiên triều hóa’ với dự luật Đặc khu, không phải quan chức cũng sẵn sàng cúi gật một cách vô não và vô đạo như một nghị trường ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’.
Từ trước khi dự luật Đặc khu được đưa ra trung ương nghị bàn, một số cựu thần và một bộ phận trong giới cách mạng lão thành đã có những phản ứng nhất định. Nhưng sau khi nổ ra cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu của dân chúng và khi người ta chứng kiến một Nguyễn Phú Trọng cũng nói nước đôi chứ không thể ủng hộ tuyệt đối ‘luật bán nước’ theo cách mà những Phạm Minh Chính, Nguyễn Thị Kim Ngân có lẽ rất mong muốn, đã có những cựu thần công khai lên tiếng phản đối dự luật Đặc khu trước ông Trọng và trong các cơ quan đảng. Hẳn sự phản ứng này, được tích tụ từ trước tháng Sáu và phát ra mạnh hơn sau tháng Sáu, đã tạo nên một sức ép đủ lớn khiến bộ phận quan thức yêu mến ‘luật bán nước’ phải chùn tay mà chưa dám đặt dự luật này lên bàn nghị luận như một hành vi khiêu khích toàn dân.
Không chỉ có thế, những động thái lạ lùng vừa công khai vừa âm thầm xảy ra xung quanh luật Đặc khu từ tháng Năm năm 2018 đến nay càng cho thấy nếu dự luật này được nhóm lợi ích thúc đẩy theo cách cố đấm ăn xôi, nó có thể trở thành một trong những tâm điểm của cuộc chiến ác liệt giữa các thế lực trong nội bộ đảng vào nửa cuối năm 2018 và kéo sang cả năm 2019, dẫn đến những hậu quả tung tóe mà không một quan chức dây phần nào muốn nhìn thấy.

Cứ trả lại Trịnh Xuân Thanh là hết khủng hoảng ngoại giao?

Phạm Chí Dũng

Người Việt 12/8/2018

Phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long (bìa trái) tại Berlin, Đức. (Hình: Olaf Wagner - Pool/Getty Images)
Tròn một năm sau cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt, cơn khủng hoảng thứ hai mang tên Slovakia-Việt và cả EU-Việt sẽ chuyển qua giai đoạn mới: Thời kỳ đóng băng kéo dài nhiều năm.
Đã quá muộn!
Nếu vào mùa Đông năm ngoái hoặc chậm lắm là mùa Hè năm nay, những kẻ bắt cóc chịu “trả lại nguyên hiện trường” theo yêu cầu của nhà đương cục Đức, tức giao lại một Trịnh Xuân Thanh mà được một bản thông báo như thể từ trong bóng tối của Bộ Công An CSVN cho rằng đã tự nguyện về nước đầu thú (để sau đó phải lãnh đến hai án tù chung thân), thì có lẽ cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt đã tạm lắng và còn tưới thêm nước mát vào những tia lửa sắp bùng cháy của khủng hoảng Slovakia-Việt.
Nhưng giờ đây khi mùa Hè năm 2018 vẫn chưa trôi qua và gần hết Châu Âu đang oằn mình trong một đợt nóng kinh hoàng, chẳng có gì được xem là kết thúc khủng hoảng hay triển vọng ngoại giao-kinh tế của chính thể độc đảng ở Việt Nam với người Đức. Ngược lại, núi lửa khủng hoảng đang nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Đã quá muộn để trả lại Trịnh Xuân Thanh!
Lời thú tội của Nguyễn Hải Long – một nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức – tại Tòa Thượng Thẩm Berlin vào ngày 17 Tháng Bảy, 2018, rốt cuộc lần đầu tiên mang tính chứng cứ không thể bác bỏ về không chỉ vai trò của những con tốt Nguyễn Hải Long, Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và một quan chức thừa hành bậc trung là Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh (Bộ Công An) Đường Minh Hưng, mà còn là cơ sở quá rõ để lần đầu tiên tòa án Đức tự tin công bố tên họ những “tác giả” có chức vụ cao hơn thế nhiều nằm trong Bộ Chính Trị đảng CSVN móc xích với phi vụ bắt cóc hệt như phim gián điệp thời Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ XX.
Và dĩ nhiên, chứng cứ trên càng thúc đẩy mau hơn và mạnh hơn những quyết định tiếp tới của ngành tư pháp Đức để chế tài Việt Nam, kể cả việc phát thêm lệnh truy nã quốc tế đối với một số gương mặt quan chức cao cấp nào đó thuộc công an Việt Nam, trong bối cảnh Hà Nội trong hơn một năm qua vẫn chưa có bất kỳ một động tác xin lỗi và “cam kết không tái phạm” nào trước người Đức.
Sau Tháng Bảy, 2017, khủng hoảng Đức-Việt đã bùng phát và kéo theo quá nhiều hậu quả. Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào Tháng Mười, 2017, và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Cho dù Nguyễn Hải Long đã bất ngờ kháng án vào cuối Tháng Bảy, 2018, một động tác bị nghi ngờ là đã có những tác động đe dọa theo kiểu biệt kích từ nhà cầm quyền Việt Nam đối với gia đình của Long ở Việt Nam và khiến phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long có thể sẽ phải dài ra đến cuối năm 2018. Nhưng với toàn bộ lời thú tội bổ túc rất chi tiết của Nguyễn Hải Long trước Viện Công Tố, tòa án và luật sư, xem ra xác suất phản cung thành công của Long là quá thấp. Thậm chí mức án 3 năm 10 tháng tù giam mang tính khoan hồng mà Nguyễn Hải Long đã được tòa án Đức tuyên sơ thẩm, thay vì đến bảy năm rưỡi nếu “ngoan cố,” sẽ không còn giữ được trong phiên tòa phúc thẩm.
Cứ “trả lại” Trịnh Xuân Thanh là xong?
Vào Tháng Sáu, 2018, khi Nguyễn Hải Long còn chưa chịu nhận tội, phía Việt Nam có vẻ tưởng chừng Tòa Thượng Thẩm Berlin sẽ bị bế tắc trong vụ xử Long và sẽ không thể có kết quả đáng kể nào để tác động vào khối hành pháp Đức nhằm chế tài thêm đối với Việt Nam.
Cũng vào Tháng Sáu đó, giới chóp bu Việt Nam bất ngờ trục xuất luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài sang Đức như một chiến thuật “đổi nhân quyền lấy thương mại” – một cử chỉ lấy lòng, bởi vì Đức đang đóng vai trò quyết định trong việc tác động đến nghị viện Châu Âu xem xét có ký kết và sau đó thông qua Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) hay không. Đồng thời, phía Việt Nam phát tín hiệu “sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức”…
Quan chức Việt Nam luôn nổi tiếng là những “chuyên gia đi đêm,” đặc biệt là những phi vụ làm ăn kinh tế và trả treo “đổi nhân quyền lấy thương mại.” Sau Tháng Bảy, 2017, chiến dịch “đi đêm” – như một phương thức đàm phán ngầm về vụ Trịnh Xuân Thanh, bao gồm cả thỏa thuận không công khai cho báo chí và dư luận biết về những nội dung đã thỏa thuận, đã được giới chóp bu Việt Nam chỉ đạo cho Bộ Ngoại Giao của chính thể quá thiếu tính chính danh này tiến hành với người Đức, mà sau đó vài nội dung trong đó đã được báo chí Đức tiết lộ.
Nhưng cứ lén lút trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức thì mọi thứ sẽ trở về như cũ?
Thật quá khó để hình dung theo cách trên.
Bởi lúc này đây đang khác hẳn với thời điểm cuối năm 2017. Sau khi Nguyễn Hải Long đã “khai sạch” và chắc chắn đã làm sáng tỏ nhiều hành vi của một số quan chức công an cao cấp của Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, hy vọng “kết thúc khủng hoảng Việt-Đức” trong năm 2018 và ký kết EVFTA vào cuối năm 2018 lại một lần nữa mờ mịt.
Về thực chất, “thắng lợi vĩ đại” nhất từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là sự “kiến tạo” một bước ngoặt lớn trong trang sử quan hệ ngoại giao Đức-Việt và EU-Việt, làm thay đổi hẳn nhận thức của giới quan chức Đức và Liên Minh Châu Âu đối với phương châm “Việt Nam luôn làm bạn với tất cả các nước.”
Khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và ít ngày sau đó, có lẽ Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao CSVN đã tính toán không ít kế hoạch để đối phó với Đức và với dư luận. Nhưng dù mắt trước mắt sau đến thế nào, họ vẫn quên hoặc không thể nhận thức được – như một trí não bình thường – về một nhân tố căn cơ và mang tính quyết định: Đức là một nhà nước pháp quyền, lấy pháp quyền làm giá trị hàng đầu để điều hành xã hội và đối ngoại.
Tam quyền phân lập là một trong những giá trị pháp quyền ấy. Với tư cách là một thành phần độc lập trong thể chế chính trị tam quyền phân lập, tòa án Đức tách rời một cách tương đối với những quyết định của chính phủ và Bộ Ngoại Giao Đức.
Giờ đây, giới chóp bu Việt Nam chỉ quen tuyên rao “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đang phải đối mặt với Tòa Thượng Thẩm Berlin chứ không chỉ còn là Bộ Ngoại Giao Đức.
Sự thật là trong con mắt nước Đức, một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh nếu có được phía Việt Nam trả lại cho Đức cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Mà trên hết, người Đức cần được chế độ vi phạm nhân quyền quá trầm trọng ở Việt Nam thật sự tôn trọng như một nhà nước pháp quyền, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một phép thử rất lớn.
Khủng hoảng cấp nhà nước Slovakia-Việt và lan ra toàn EU
Trong ít ra vài ba tháng nữa, tương lai “phục hồi quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt” vẫn còn khá ảo ảnh – tỷ lệ thuận với thói “mặt dày” không còn giới hạn nào của Hà Nội. Trong khi đó, dường như phía Đức vẫn lưu giữ kịch bản “cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam” trong tình huống vụ Trịnh Xuân Thanh không thể cứu vãn được.
Trong thực tế và chắc chắn nằm ngoài sức tưởng tượng của những chóp bu “giàu trí tưởng bở” nhất của Việt Nam, ý đồ “chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội” của “đảng và nhà nước ta” đã và đang phải trả giá quá đắt và chưa biết chừng nào mới trả giá xong.
Không có quan hệ đối tác chiến lược với Đức, hoặc mối quan hệ này bị tạm treo vô thời hạn, Việt Nam sẽ khó có hy vọng để tham gia EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) vào năm 2018 hay trước năm 2020 mà do đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này thêm vài phần trăm. Hiện thời, Đức đang được xem có vai trò quyết định đối với việc Nghị Viện Châu Âu có thông qua EVFTA với Việt Nam hay không.
Hậu quả từ cơn khủng hoảng Đức-Việt chưa thể kết thúc lại có thể là tiền đề mà có thể dẫn đến những bất ngờ khác và khó tưởng tượng trong tương lai, không chỉ là tương lai quan hệ giữa Đức và Việt Nam mà còn là quan hệ Việt Nam-Châu Âu.
Hậu quả xảy ra với Việt Nam sẽ từ từ, dai dẳng và không kém phần đau đớn. Nhiều người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô hình trung trở thành nạn nhân của hệ lụy trừng phạt từ phương Tây, nhưng lại chẳng dám thốt ra tên của thủ phạm đã gây ra những hậu quả ghê gớm này.
Không chỉ Đức, từ Tháng Bảy đến nay, mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa các quốc gia như Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Thụy Điển, kể cả một số nước khác ở Châu Âu với Việt Nam đã lạnh lẽo hẳn đi.
Một khả năng có thể xảy đến là trong thời gian tới, những quốc gia như Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Anh sẽ có một số biểu cảm và hành động gần tương tự phản ứng của người Đức đối với Việt Nam qua vụ Trịnh Xuân Thanh.
Những biểu cảm và hành động này sẽ liên đới mật thiết với viện trợ không hoàn lại, tín dụng cho vay, cũng khiến đầu tư nước ngoài của Châu Âu vào Việt Nam có thể sụt giảm đáng kể. Những ưu đãi về hàng rào thuế quan trong nhập cảng hàng Việt Nam cũng bởi thế sẽ được thả nổi theo mặt bằng thị trường chung. Thậm chí khách du lịch Châu Âu – khi đã được báo chí lục địa này dồn dập cảnh báo về “nhà nước bắt cóc” – sẽ chẳng còn mấy tha thiết đi dã ngoại ở một Việt Nam đầy rủi ro rình rập.
Nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu sẽ có thể đặt Việt Nam vào một tầm ngắm mới và khởi tạo một hàng rào kiên cố nhằm ngăn chặn mật vụ Việt Nam hành xử theo “luật rừng” ở Lục Địa Già.
Tháng Bảy, chỉ ba ngày sau vụ Nguyễn Hải Long nhận tội, chính phủ Cộng Hòa Czech đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin visa dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam. Trước đó một tháng, cựu Ngoại Trưởng Czech Lubomir Zaoralek đã cáo buộc “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu” của nước ông.
Điều trớ trêu là Czech lại là quốc gia được chính thể Cộng Sản ở Việt Nam xem là “nền kinh tế thân thiện nhất.”
Trong khi cơn địa chấn khủng hoảng Đức-Việt còn lâu mới chấm dứt, chính thể Việt Nam lại phải đối mặt với một trận động đất với cường độ còn mạnh hơn thế nhiều.
Nếu loại bài điều tra của báo chí Đức (tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung) và báo Dennik N của Slovakia ngày 3 Tháng Tám về “Robert Kaliňák đã giúp Bộ Trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia” là có cơ sở mà cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia Robert Kaliňák không thể phản bác được, khủng hoảng Slovakia-Việt đang chính thức bắt đầu và còn vượt trên khủng hoảng Đức-Việt một bậc.
Trong khủng hoảng Đức-Việt, các cơ quan tư pháp Đức chỉ làm rõ chứng cứ vụ bắt cóc đến Nguyễn Hải Long và một quan chức công an bậc trung là Đường Minh Hưng trong bối cảnh chuyến đi Đức của Tướng Hưng là lén lút chứ không công khai và càng không chính thức, thì chuyến đi của Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đến Slovakia ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, cùng cuộc gặp chính thức của Tô Lâm với bộ trưởng nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák đã xác nhận rằng Tô Lâm là một đại diện chính thức của chính phủ Việt Nam, là tiền đề kéo theo mức độ xung đột ngoại giao giữa Slovakia và Việt Nam là xung đột cấp nhà nước. (Phạm Chí Dũng)

Tù chính trị Trần Thị Thúy: Tôi thà chết vinh còn hơn sống nhục…!

Minh Hải (VNTB) Ngày 10/8/2018, tù nhân chính trị Trần Thị Thúy (SN 1971.Nguyên quán: Đồng Tháp) đã mãn án 8 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999 để về đoàn tụ với gia đình. Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, bà Thúy cho biết khoảng thời gian thụ án trong lao tù tuy khắc nghiệt nhưng bà thà chết vinh còn hơn sống nhục, nhất quyết không nhận tội…
Tù chính trị Trần Thị Thúy tại phiên xử phúc thẩm. 

Một ngày sau khi về đến nhà ở Đồng Tháp, tù nhân chính trị Trần Thị Thúy đã chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) rằng tình hình sức khỏe sau tám năm tù giam hiện tại không được tốt, việc đi đứng rất khó và nhất là đau ở phần đầu triền miên. Bà Thúy nói:

“Cái này là do vào trại giam bị bệnh thôi chứ trước kia tôi không hề, không có những bệnh gì.”

Bà Thúy bị bắt vào tháng 8/2010 với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Khoản 2 Điều 79 Bộ luật hình sự 1999, do trước đó bà Thúy cùng với Mục sư Dương Kim Khải, bà Phạm Ngọc Hoa, ông Nguyễn Thành Tâm, Phạm Văn Thông, Nguyễn Chí Thành và Cao Văn Tỉnh đã có những hoạt động liên quan đến việc khiếu kiện đất đai, nhà cửa, lên tiếng đấu tranh cho dân oan, đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam.

Còn tờ báo Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 18/8/2011, có tường thuật phiên xử phúc thẩm vụ án của bà Thúy do Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh mở nhưng mượn trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre làm nơi xét xử, cho biết “Cáo trạng của Viện Kiểm sát rằng bà Thúy là thành viên của Đảng Việt Tân, được Đảng Việt Tân huấn luyện phương pháp đấu tranh "bất bạo động" nhằm chống nhà nước Việt Nam… Tại phiên xử, do bà Thúy đã quanh co chối tội, không nhận thấy được việc làm sai trái của mình, không có thái độ ăn năn hối cải. Do đó, Hội đồng xét xử đã bác đơn kháng án và tuyên y án sơ thẩm đối với bà Trần Thị Thúy là 8 năm tù giam và 5 năm quản chế”.

Chia sẻ với VNTB, bà Thúy cho biết thời điểm bà bị bắt khoảng 3 ngày thì bà đã bị đánh thô bạo tại nơi tạm giam.

“Có. Ngày 10/8/2010 họ bắt tôi khoảng 3 ngày sau thì họ đánh tôi dữ lắm. Họ đánh tôi xỉu, tôi nghĩ là tôi chết rồi chứ tôi không có còn sống. Họ cho tôi uống thuốc nhưng tôi không uống, ở buồng giam họ đạp tôi họ bắt tôi uống thuốc…tôi bị đau đầu từ lúc bị bắt cho đến ngày hôm nay.”

Và khoảng thời gian 8 năm tù giam là khoảng thời gian đầy khắc nghiệt đối với bà Thúy. Bà bị chuyển đổi trại và trại An Phước tỉnh Bình Dương là trại bà chấp hành án cho đến ngày về, bị đánh đập, hai lần tuyệt thực rồi chống chọi với bệnh tật. Bà Thúy cho biết, nếu không nhờ sự thăm nuôi tích cực từ phía gia đình và sự quan tâm giúp đỡ của dư luận trong ngoài nước thì bà chắc sẽ không sống nổi đến ngày hôm nay.

“Cũng có khá nhiều chuyện, khoảng tháng 10/2010 lúc đó tôi bị đưa về Bến Tre gia đình tôi không có liên lạc được..họ đánh xỉu lên xỉu xuống. Họ cho tôi viết thư gửi về nhà nhưng hai ngày sau họ không gửi thư cho tôi nên tôi nói họ không giữ lời nên tôi tuyệt thực. Tôi tuyệt thực hết 3 ngày. Noí chung tôi từ lúc tháng 10/2010 cho đến tháng 6/2011, tôi hai lần tuyệt thực, lần 3 ngày và lần 5 ngày…”

Dù phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt ở trại giam, cán bộ trại giam nhiều lần khuyên nhận tội để được giảm án nhưng bà Thúy nói nếu ký giấy nhận tội mà thả liền bà cũng không ký, thà chết vinh còn hơn sống nhục, quyết không nhận tội. Bà Thúy chia sẻ:

“Họ nhiều lần nói tôi nhận tội, nhận tội ở khoảng 4 năm về. Tôi trả lời nếu ký giấy nhận tội thả liền tôi cũng không ký. Tôi cho là tôi không có tội. Tôi làm cái việc đó là đúng nên tôi không ký. Họ kêu tôi nhận tội nhiều lần…Tôi nói họ kêu để nói chuyện gì chứ nói nhận tội là không có đáng để tôi trả lời những câu đó…tôi thà chết vinh còn hơn sống nhục.”


Vì kiên cường không nhận tội nên tù chính trị Trần Thị Thúy đã không được giảm án ngày nào, 8 năm tù ở đủ 8 năm rồi về với gia đình vào hôm ngày 10/8/2018. Trước mắt bà Thúy còn phải chấp hành thêm bản án 5 năm quản chế tại địa phương./.

Khi dân trí là 'thế lực thù địch' của cánh tả và CNXH?

Ánh Liên (VNTB) 'Venezuela tàn tạ. Đó không phải lỗi của chúng tôi (người Mỹ). Không phải trách nhiệm của chúng tôi (người Mỹ)'.

'Thế lực thù địch'

Bàn về khái niệm 'thế lực thù địch', nó như là sự áp đặt từ phía nhà nước cho các hoạt động của người dân nhằm làm thay đổi tình trạng chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội; nghĩa là cái khuôn khổ cũ phải được sửa đổi, thậm chí phá đi theo yêu cầu mà người dân muốn.

Ở Việt nam, cái người dân cần là kiềm tỏa quyền lực của hệ thống công an, để tránh sự lạm dùng; phòng trừ tham nhũng một cách có hệ thống và hiệu quả bắt đầu từ kê khai tài sản; theo đuổi và hiện thực các giá trị nhân quyền mà người Việt nam cam kết.

Nhưng đúng là khi cái mới và cái cũ va chạm, thì mặc nhiên sự kêu gọi thay đổi nêu trên lại trở thành yếu tố thách thức quyền lực và quyền sở hữu con người của hệ thống chính trị cũ. Và mặc nhiên, những người kêu gọi là những 'thế lực thù địch'.

Vào năm 2015, Tổng Thống Evo Morales của Bolivia đã tặng Ðức Giáo Hoàng Francis một món quà vô cùng kỳ lạ, nhân dịp vị chủ chăn Vatican đến thăm quốc gia vùng Nam Mỹ này. Ðó là một cây thánh giá, có Chúa Giêsu bị đóng đinh trên một cây búa có cái liềm nằm ngang, một biểu tượng có vẻ như trộn lẫn giữa Công Giáo và lý tưởng Cộng Sản. Ảnh: AP
Yếu tố thứ hai có thể là thế lực thù địch là dân trí, thậm chí là quan trí. Là sự hưởng thụ những cái hiện tại, chấp nhận những cái đang diễn ra (dù là bất công) như một sự hiển nhiên; thậm chí tìm cách chống lại những giá trị cốt lõi tạo nên sự bền vững của xã hội tương lai (như nhân quyền, như tam quyền phân lập,...). Và lần này 'thế lực thù địch' không trở thành khái niệm áp đặt, mà trở thành một khái niệm nghiễm nhiên đối với những thành phần thờ ờ hoặc thủ cựu. Vì mục đích gì đi chăng nữa, những bất công - phi lý diễn ra xuất phát điểm từ chính yếu tố thứ 2 này.

Nghĩa là 'dân trí' cao hay thấp, nhận thức tốt hay tồi,... đều làm nên sắc thái 'thế lực thù địch' của riêng nó.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: làm thế nào để phê phán mạnh mẽ, có hiệu lực đối với yếu tố 'thế lực thù địch' thứ 2.

Tìm cách phê phán thành phần 'thủ cựu', những thế lực thù địch với sự phát triển và bền vững xã hội bằng báo chí chính thống, mạng xã hội,...?

Tìm cách nâng cao dân trí bằng những hội nghị bàn tròn tại quán cafe nhỏ nào đấy, bàn về tam quyền phân lập, xã hội dân sự,....?

Hay cách tốt nhất là hãy để xác chết hiện nguyên hình là xác chết?

Thắng Cộng sản bằng cách thua trước

Một câu nói thỉnh thoảng được dẫn và gán cho Moshe Dayan, vị tướng và chính khách lừng danh của Israel: Các anh không bao giờ thắng nổi Việt Cộng, mà chỉ có một cách duy nhứt là các anh rút ra khỏi Việt Nam để cho người dân họ nếm mùi Cộng Sản một thời gian, sau đó các anh trở lại khỏi cần đánh cũng thắng! Muốn thắng Cộng Sản phải thua bọn họ trước.

Câu nói này thực chất là một biện pháp nâng cao dân trí gián tiếp, tức để người dân trải nghiệm trực tiếp mô hình đó bằng cách sống - làm việc - học tập, và khi sự bất công - phi lý gia tăng một cách đan xen, chính con người đó phải nhận thức trở lại, biến đối tượng là thù địch trở thành phi thù địch và ngược lại.

Nhiều nhà hoạt động, thậm chí người dân lên tiếng về nhân quyền, dân chủ hiện nay, có không ít người từng ra sức bảo vệ Đảng và nhà nước trước luận điệu xuyên tạc. Nhiều trí thức 'lão mà chưa an' từng là những cán bộ, đảng viên trung kiên của ĐCSVN. Và nay, họ ra sức phản đối tình trạng lạm quyền, bất công, phi công bằng từ trong chính sách, chủ trương đến khi thực hiện của bộ máy đảng và nhà nước hiện tại.

Rõ ràng, cái giá của sự trải nghiệm gián tiếp này là đau đớn nhưng vô cùng quý giá.

Bước ra quốc tế một chút, vào năm 2011, trên tạp chí Quốc phòng toàn dân có đăng tải một bài viết với tiêu đề: Phong trào cánh tả Mỹ La-tinh hiện nay và triển vọng trong thời gian tới.
Bản đồ thể hiện sự đảo chiều chính trị ở Mỹ Latinh. Màu đỏ thể hiện các chính phủ theo cánh tả hay chủ nghĩa dân túy. Nguồn: Stratfor
'Trước thực tế đó, từ năm 1998 đến nay, thông qua bầu cử dân chủ, các chính phủ cánh tả tiến bộ đã lên cầm quyền ở nhiều nước Mỹ La- tinh, trong đó có một số chính phủ tái đắc cử, như: Venezuela, Chile, Brazil, Argentina, Panama, Uruguay, Bolivia, Nicaragua, Ecuador... Tại Paraguay, ngày 21.4.2008, ông Fernando Lugo - lãnh tụ phong trào cánh tả - đã đắc cử Tổng thống. Gần đây nhất, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Farabundo Martí (FMLN) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 15 tháng 3 năm 2009, đưa nhà báo Carlos Mauricio Funes Cartagena (thành viên của Mặt trận) lên làm Tổng thống. Trong các nước Mỹ La tinh do cánh tả cầm quyền hiện nay, Venezuela là nước có tiến trình cải cách sâu rộng và triệt để. Tổng thống Hugo Chavez nhiều lần công khai tuyên bố mục tiêu của cuộc cách mạng Bolivia ở Venezuela là đưa đất nước đi lên "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI".

Tuy nhiên, xu thế cánh tả này đến năm 2016 gần như biến mất, khi con số chính phủ cánh tả ở Brazil, Argentina, Ecuador, hay thậm chí El Salvador bị phế bỏ hoặc truy tố vì tội tham nhũng (ví dụ cựu Tổng Thống Funes (El Salvador) vào năm 2016 bị Tòa án tối cao El Salvador ra phán quyết rằng về tội rửa tiền bất hợp pháp hơn 700.000 đô la trong các tài khoản ngân hàng cá nhân); chính phủ Cuba đang cải cách và từ bỏ tiến lên cộng sản; Venezuela đang ngập trong nợ nần và bế tắc; Bolivia - nơi vị tổng thống da đỏ Evo Morales muốn trở thành Hugo Chavez và tìm cách sửa Hiến pháp đã gia tăng nhiệm kỳ quyền lực đang bị dân chúng phản đối; 

Phong trào cánh tả và nhân dân các nước hiện đang còn đang có lãnh đạo cánh tả sẽ tiếp tục nếm mùi vị 'cảnh tả XHCN', đặc biệt là Venezuela đang trở thành tấm gương mà các nước châu Mỹ Latinh noi theo.

Tình trạng một quốc gia giàu có giờ dân phải chạy đi tỵ nạn và luôn trong tình trạng lạm phát đã cho thấy sự yếu kém và tham nhũng trong điều hành kinh tế - xã hội của nhà lãnh đạo tài xế. Bản thân dân Venezuela khá lười, và sự bất ổn lần này đưa họ vô bước đường cùng mà họ nhận thức được. Nhưng tại sao Mỹ lại không tranh thủ cơ hội này giúp người dân Venezuela chống lại Tổng thống tài xế? 

Trải nghiệm, lắng nghe và đòi hỏi của người dân Venezuela. Ảnh: NYT
Lý do đơn giản, họ không muốn mang tiếng xâm lược. Bản chất chế độ của Venezuela là tự khả năng diệt. Nhưng lý do đơn giản hơn, là Mỹ muốn các nước châu Mỹ Latinh phải thức tỉnh và không bị ru ngủ bởi các phong trào cánh tả, dân túy cánh tả tại đây. Phải coi Venezuela như một tấm gương cho sự tin tưởng và ủng hộ cánh tả.

Không phải ngẫu nhiên mà đài Fox Business Voices (đài của Tổng thống D.Trump) trong một video ghi lại cảnh bạo loạn, cướp bóc, dân đói ăn của Venezuela ngày 7.08, người dẫn chương trình Varney & Co đã nhấn mạnh: Hãy rõ ràng: Venezuela tàn tạ. Đó không phải lỗi của chúng tôi (người Mỹ). Không phải trách nhiệm của chúng tôi (người Mỹ). Nhưng đó là một cảnh báo mạnh mẽ đối với những người còn mơ ước xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm này chính xác là những gì đang diễn ra tại châu Mỹ Latinh, nơi người dân đã nhận thức ai là thế lực thù địch thực sự. Và quả thật, dù trải qua một giai đoạn đầy bi đát, nhưng nếu nhận thức và dân trí Venezuela thay đổi, thì tương lai của họ là sự tươi sáng.


Cái ngày họ sẽ 'đối diện' với Nicolas Maduro - người đã biến một quốc gia giàu có trở thành một quốc gia ăn mày bằng chủ trương thiết lập lá cờ đầu tiến lên Chủ nghĩa xã hội ở Nam Mỹ sẽ không còn xa vời... Bởi dân Venezuela đã hưởng và biết họ cần làm gì để kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn.

Phóng viên báo Tuổi Trẻ bị kỷ luật vì post Facebook ‘về vận mệnh đất nước, dân tộc’

Nhà báo Ngọc Vinh tại Washington, DC trong chuyến đi du lịch Mỹ hồi Tháng Ba, 2017. (Hình: Facebook Ngọc Vinh)
Ông Ngọc Vinh cho biết thêm rằng một trong những post Facebook của mình bị “kết tội” là: “Tôi thật sự không hiểu vì sao cuốn sách về lòng yêu nước lại phải chịu số phận truân chuyên đến vậy? Yêu nước là phạm luật, kỵ húy à? Yêu nước mình là đụng chạm nước láng giềng à?” Post này được đăng kèm hình chụp bìa cuốn sách “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử” bị đình chỉ phát hành chỉ sau vài ngày ra mắt.
Ông Ngọc Vinh cũng đặt câu hỏi trên trang cá nhân: “Là một công dân thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ, là một nhà báo có trách nhiệm và là một đảng viên luôn trăn trở về thời sự, tại sao tôi lại bị kết tội khi đặt các câu hỏi về vận mệnh của đất nước và dân tộc mình? Tại sao?”
Trong một post khác trước đó, ông Ngọc Vinh thổ lộ: “Giờ (tôi) chỉ còn có hơn một năm là về hưu, khép lại 42 năm dài cống hiến của cuộc đời, thế mà lại đụng thêm một lần kiểm điểm không muốn có nữa. Và lần này thì đúng là quá sức chịu đựng khi bị kiểm điểm vì những sự thật mà mình đã viết ra với tư cách một nhà-báo-công-dân.”
“Đừng ép tôi, quý vị! Nếu tôi giả dối với chính mình dù chỉ một lần thôi , tôi sẽ không thể viết ra nổi một dòng sự thật trên Facebook, và điều quan trọng hơn, tôi sẽ không đủ sức dạy dỗ con trai mình đi theo đường ngay lối thẳng. Vậy thì phải giải quyết câu chuyện này cho xong, như một người quân tử!”, nhà báo Ngọc Vinh viết thêm.
Hiện chưa rõ báo Tuổi Trẻ quyết định kỷ luật ông Ngọc Vinh ở mức độ nào và thẻ nhà báo của ông có bị thu hồi hay không. Tuy vậy, sự việc khiến người ta nhớ lại một trường hợp tương tự: Hồi năm 2015, nhà báo Đỗ Hùng bị miễn nhiệm chức phó tổng thư ký tòa soạn của báo Thanh Niên Online và bị Bộ Thông Tin và Truyền Thông thu hồi thẻ nhà báo chỉ vì một post trên trang cá nhân.
Post của ông Đỗ Hùng nhân dịp 2 Tháng Chín năm đó mang ý nghĩa tếu táo, trào lộng về một số chi tiết trong lịch sử Việt Nam, với các câu chữ viết toàn dấu sắc: “…Bác Ái Quốc, tướng Giáp với mấy chú, mấy mế xứ Pác Bó vác cuốc, vác giáo mác, vác súng ống xuống đánh Phát xít, đánh Pháp, cướp lấy khí giới, cướp thóc, chiếm bót, cứ thế đánh tới bến…”
Sau vụ của ông Đỗ Hùng, dường như các tòa soạn báo “lề phải” thắt chặt hơn việc bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân của phóng viên, nhân viên trên mạng xã hội. Do vậy, nhiều người làm báo chỉ có thể “mạnh miệng” trên Facebook khi họ đã nghỉ hưu hoặc trở thành phóng viên tự do, không hưởng lương của tòa soạn.
Hồi tháng trước, báo điện tử InfoNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông dẫn lời ông Trần Thanh Lâm, vụ phó Vụ Báo Chí Xuất Bản, Ban Tuyên Giáo Trung Ương: “Hiện có tình trạng nhiều cơ quan báo chí, nhà báo bị mạng xã hội ‘dẫn dắt, định hướng’ thông tin ngược. Ví dụ, khi bàn về Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng, có một số nhà báo, cơ quan báo chí tham gia bình luận thiếu trách nhiệm, có một sự cổ vũ cho các thông tin trái chiều trên mạng xã hội. Có một số nhà báo thể hiện quan điểm hai mặt khác nhau, trên báo viết khác và trên mạng xã hội viết khác.”
Tờ báo cũng cho hay Hội Nhà Báo Việt Nam đang soạn văn bản hướng dẫn về “Chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” và đây là việc “đúng đắn, cần thiết và phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay.” (T.K.)

Đà Nẵng bất lực với người Trung Quốc tổ chức du lịch ‘chui’

Sáu tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng kiểm tra phát hiện 23 người Trung Quốc điều hành, dẫn tour “chui” ở Đà Nẵng. (Hình: Tiền Phong)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Sở Du Lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, Công An thành phố đã phát hiện hàng chục người ngoại quốc, chủ yếu là Trung Quốc hoạt động điều hành, hướng dẫn du lịch “chui.”
Tại buổi gặp mặt các Hội, Hiệp Hội Doanh Nghiệp, Doanh Nhân trong ngành du lịch ở Đà Nẵng, vào ngày 11 Tháng Tám, 2018, Sở Du Lịch Đà Nẵng cho biết, Thanh Tra Sở phối hợp với Công An kiểm tra và phát hiện 23 người ngoại quốc “có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch trái phép,” báo Tiền Phong loan tin.
Trong đó, có 20 người Trung Quốc và ba người Nam Hàn có hoạt động điều hành và hướng dẫn “chui.” Sở Du Lịch đã xử phạt vi phạm hành chính 20 người với tổng mức phạt là gần 323 triệu đồng, hủy thị thực, buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam và đưa vào diện chưa có nhập cảnh 11 trường hợp.
Ngoài ra, trong sáu tháng đầu năm 2018, Sở Du Lịch cũng tiến hành 120 lượt kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 197 triệu đồng.
Tại cuộc họp, vấn đề Hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hoạt động “chui” cũng khiến nhiều đơn vị bất bình. Ông Chế Viết Đông, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc bày tỏ: “Con số báo cáo của Sở Du lịch về số lượng hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động ‘chui’ rất… nực cười. Thực tế, hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc đang hoạt động công khai, ngang nhiên trên các tour.”
Hiện nay, để lách luật thì trên mỗi tour sẽ có hai hướng dẫn viên: một người Việt, một người Trung Quốc, ghi danh tour tuyến do hướng dẫn viên người Việt đứng tên, nhưng trực tiếp dẫn tour là người Trung Quốc.
Giải thích về thực trạng trên, ông Đông cho rằng, do việc nở rộ các “tour 0 đồng” nên các đơn vị lữ hành cần khuyến khích du khách chi tiền ở các cửa hàng để thu lợi nhuận. Hướng dẫn viên người Trung Quốc đóng vai trò như người tiếp thị, PR sản phẩm hàng hóa chứ không phải để giới thiệu về lịch sử, văn hóa Đà Nẵng.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Câu Lạc Bộ Lữ Hành Khai thác thị trường Hoa ngữ cho biết: Các hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động “chui” được là do có sự bao che của các doanh nghiệp lữ hành.
Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, vấn đề hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc là “vấn đề nhức nhối lâu nay và chưa được giải quyết triệt để.”
“Có nghịch lý là khách Trung Quốc tới Đà Nẵng rất đông nhưng hướng dẫn viên tiếng Trung lại thất nghiệp. Các đơn vị cần quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm tình trạng này, xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành sử dụng hướng dẫn viên Trung Quốc,” ông Dũng nói. (Tr.N)

Hàng chục người dân xã nghèo miền núi Phú Thọ nhiễm HIV không rõ nguyên nhân

Hàng chục người dân xã nghèo miền núi Phú Thọ nhiễm HIV không rõ nguyên nhân
Người dân trong một xã nghèo ở tỉnh Phú Thọ trong những ngày này rất hoang mang trước tin hàng chục người bị nghi nhiễm HIV không rõ nguyên nhân.
Truyền thông trong nước hôm Chủ Nhật 12/08 xác nhận hai trường hợp dương tính với HIV đều là những bà nội trợ ở tuổi trung niên tại khu Chiềng 2, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn. Trường hợp thứ nhất là bà Hà Thị G., được chẩn đoán nhiễm HIV khoảng một tháng nay. Chồng bà G. cho biết từ trước tới nay bà chưa đi đâu khỏi khu vực. Người thứ hai dương tính với HIV được nêu tên là bà Trần Thị T., có giấy tờ của bác sĩ Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Phú Thọ xác nhận nhiễm HIV. Cả hai phụ nữ đều là những người duy nhất trong gia đình họ bị nhiễm HIV.
Hiện có nghi vấn phòng mạch tư của một bác sĩ ở xã Kim Thượng dùng chung ống chích cho nhiều bệnh nhân, vì cả hai người phụ nữ đều từng đến nhà bác sĩ này khám bệnh.
Đài VOV hôm Chủ Nhật dẫn lời ông Hoàng Đình Cảnh, phó cục trưởng Cục Phòng Chống HIV/AIDS, cho biết đã đề nghị Sở Y Tế Phú Thọ mở cuộc điều tra. Ông Cảnh nói khi xảy ra sự việc như thế này, người ta thường nghĩ đến lý do dùng chung ống chích, nhưng việc điều tra sẽ không dễ. Ông Cảnh nhắc đến một nghi án trước đây tại tỉnh Bến Tre. Sau hơn 2 tháng điều tra, giới hữu trách không đưa ra được kết luận, vì vật chứng là ống chích không còn, và không tìm được bằng chứng bác sĩ đã dùng chung ống chích cho nhiều bệnh nhân.
Huy Lam / SBTN

Dối trá của cộng sản và sự nguy hiểm của nó

“…Nhà nước hoạt động bằng những vở kịch để lừa mi dân. ĐCS kết thân Tàu để lừa mị dân cho một mưu đồ bán nước. Lớp Cao Cấp Chính Trị cho ra những quan chức lừa mị dân về những “thành quả tốt đẹp” của Đảng…”
vokich_toitan
Đóng kịch, về nghĩa đen là nói đến một hành động có kịch bản để phản ảnh một nội dung cần truyền tải. Mục đích là để truyền thụ kiến thức xã hội, kiến thức lịch sử, hoặc đơn giản là chỉ để mua vui. Về bản chất, nó vô hại với cuộc đời thực, thậm chí nó còn có lợi vì giúp cho đời sống tinh thần người dân được nâng cao.
Nhưng đóng kịch về nghĩa bóng nó hoàn toàn khác. Nó chỉ giống ở hành động giả như thật, nhưng mục đích là đánh lừa sự tin tưởng của xã hội nhằm đạt mục đích đen tối. Nó là công cụ của những kẻ toan tính hại người. Khi đất nước là nơi đua nở những vở kịch này, thì xã hội chìm trong thối nát, cái ác vì thế cũng bùng phát.
Chính Phủ tăng thuế siết cổ dân, trong đó một phần rất lớn được rót vào chi cho xây dựng công trình nhà nước. Hằng năm, ngân sách rót về các Ban Quản lý Dự án. Số tiền rót xuống khi nào? Bao nhiêu? Và khi nào được giải ngân, tất nhiên ban quản lí nắm rất rõ. Thế là ê kíp diễn kịch được thành lập để moi những đồng tiền thuế ấy. Họ moi như thế nào? Họ dùng các chân gỗ để diễn kịch đấu thầu. Chân gỗ là làm hồ sơ đấu thầu để tham gia cho có tụ, mục đích để diễn kịch cho đối tượng đã được chỉ định trúng thầu.
Ở dưới gồm công ty A, công ty B, công ty C, công ty D cùng với BQLDA hình thành 1 group diễn kịch. Hôm nay dự án X trị giá 50 tỷ được giao cho A thì B, C và D làm chân gỗ để A trúng thầu. Hôm sau dự án Y trị giá 45 tỷ được giao cho B thì A, C và D làm chân gỗ để B trúng thầu. Và tới lượt C và D trúng thầu dự án khác cũng tựa như vậy. Sau khi trúng thầu, nhà thầu ngắt phần trăm trên giá trị công trình giao lại cho Ban Quản Lý, còn lại bên dưới thi công chia nhau mà ăn. Kết quả, giá thành xây dựng rất cao nhưng chất lượng rất thấp. Làm thiệt hại cho xã hội, lãng phí tiền thuế dân và vì thế, xã hội thối nát cứ nhởn nhơ tồn tại một cách vững bền trong các vở kịch.
Rồi vở kịch bầu cử. Đảng cử người, dân bỏ phiếu. Đảng tự kiểm phiếu và tự thông báo tỉ lệ trúng cử không thông qua giám sát của một đơn vị độc độc lập. Vì thế đã bầu cử nhưng trúng cử không bao giờ bất ngờ, luôn đúng với dự án quy hoạch cán bộ của Đảng. Rồi những kẻ trúng cử phải chịu sự kiểm soát của Đảng. Trước khi Quốc hội họp, trưởng đoàn đại biểu sẽ phân công ai phát biểu và phát biểu nội dung gì, phải có đăng kí trước. Tất cả những gì diễn ra được truyền hình trực tiếp đều diễn ra theo kịch bản trước đó. Để kiểm soát ai trở chứng với đạo luật phản quốc gia do Đảng đưa ra, Đảng cho biểu quyết bấm nút chứ không bỏ phiếu kín. Lúc đó, ai phản đối ngoài sự chỉ thị của Đảng sẽ bị vào danh sách chú ý. Nhưng dù có bấm nút phản đối thì tỉ lệ đồng ý hiện trên bảng điện tử công khai cũng đã quy hoạch. Tất cả chỉ là vở kịch.
Rồi các lớp Cao Cấp Chính Trị mà ĐCS buộc mọi quan chức phải tham gia học và tốt nghiệp thực chất nó là gì? Nó là lớp dạy cách dối trá khi phát biểu trước dân, hoặc khi trả lời chất vấn của dân. Những quan chức xảo trá nói rằng Việt Nam tốt đẹp, công an Việt Nam giỏi nhất thế giới v.v.. Hay những câu phát biểu tô hồng trông nhố nhăng của ông thủ Phúc cũng từ lớp học đó mà ra. Có điều ông ta vụng về nên làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Tất cả, 100% quan chức CS đều dối trá là vì cái lò đào tạo đó. Cách lừa dân được thành lập nên trường lớp để giảng dạy.
Xét hết chiều dài lịch sử ĐCS cầm quyền, cũng là những vở kịch. Từ năm 1945 quân đội CS được Tàu cấp từ vũ khí, những sĩ quan tham mưu đến miếng lương khô. Khi đó Hồ Chí Minh và ĐCS nhận mệnh lệnh Nga – Tàu, dùng hàng triệu xương máu đồng bào đuổi nền văn minh số 1 thế giới để đưa Việt Nam trở vào vòng tay Nga -Tàu. Với khẩu hiệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” hay “chống Mỹ cứu nước” là để lừa mị cho một vở kịch làm con tốt cho Nga Tàu. Khi đến cuối thập niên 70 Nga -Tàu bất hoà, CS ngã về anh hai Nga nên bị anh ba Tàu bợp tai một phát chí mạng. Sau khi anh hai Nga Xô đổ, CSVN đến Thành Đô quỳ xin lỗi anh ba Tàu và không dám phản bội nữa. Kể từ đó, Việt Nam dần dần trở vào thòng lọng Tàu. Bất chấp tất cả, hàng loạt văn kiện bí mật giữa 2 đảng về số phận Việt Nam được kí kết. Nước Việt bị mất dần dưới cái gọi là “tình nghĩa anh em XHCN”. Đấy là vở kịch dựng lên để che đại họa mất nước.
Nhân dân Việt Nam đang sống trong xã hội đầy rẫy những vở kịch được dựng lên để lừa mị nhau. Nhà nước hoạt động bằng những vở kịch để lừa mi dân. ĐCS kết thân Tàu để lừa mị dân cho một mưu đồ bán nước. Lớp Cao Cấp Chính Trị cho ra những quan chức lừa mị dân về những “thành quả tốt đẹp” của Đảng. Nhân dân Việt Nam tựa như nạn nhân bị nhốt trong container lừa mị, container đang nằm trên con tàu Việt Nam và đang được cướp biển ĐCS lái đi bán. Dân mù tịt, chẳng hề hay biết gì về thảm họa sắp xảy ra với mình.
Đỗ Ngà