Wednesday, January 22, 2014

Vụ thu tiền “chống trượt” Cao học: Tổng số tiền thu hơn 1 tỷ đồng

Dân trí)-Sau khi nắm bắt thông tin về vụ thu tiền “chống trượt” Cao học, đại diện Trường ĐH Kinh tế-ĐHQGHN đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa để làm rõ những thông tin liên quan đến vụ việc. Được biết, tổng số tiền thu là hơn 1 tỷ đồng.

Ngày 22/1, đại diện Thanh tra và Phòng đào tạo của trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (sau đây gọi tắt là ĐH Kinh tế) đã vào làm việc với lãnh đạo Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa xung quanh một số vấn đề liên quan đến vụ việc thu tiền “chống trượt” của học viên thi vào lớp Cao học Quản lý kinh tế, ĐH Kinh tế.
Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa.
Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa.
Ông Đào Phan Thắng - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa cho biết, hai bên đã làm rõ với nhau về việc lớp chuyển đổi đã được ký kết hợp đồng giữa Trung tâm và trường ĐH Kinh tế và khẳng định trong quá trình tổ chức chuyển đổi môn học không có vấn đề gì.
“Trường và Trung tâm không phối hợp với nhau ôn thi. Vì không tổ chức nên không biết ai, không mời ai, trường cũng không cử ai vào dạy cả. Bản thân tôi cũng không biết nộp tiền cho ai. Trường cũng mong muốn vào tìm người, nhưng không có”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng thì kết luận buổi làm việc là vấn đề ôn thi và nộp tiền các học viên tự tổ chức với nhau. Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc số tiền đã thu được đưa cho ai, ông Thắng khẳng định việc này bản thân ông không biết.
Cũng theo nhận định của ông Thắng: “Mang tiền ra rồi, sự việc chưa xong, ngày thi có 3 học viên bị đình chỉ thi nên mới xảy ra việc này, có thể là chưa kịp đưa”.
Trước đó, khi phát hiện vụ việc, ông Thắng đã yêu cầu mời các học viên lên đối chất. Tuy nhiên, các học viên không tham gia mà ủy quyền lại cho ban cán sự lớp làm việc với Trung tâm, theo ông Thắng thì do các học viên “thẹn”. 
Đến thời điểm này, các học viên đã nhận lại tiền và đều thống nhất, cam kết không khiếu kiện về vấn đề này. Còn ba cán bộ của Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật vì tội “Môi giới hối lộ”.
Được biết, có 40 học viên tham gia đóng tiền, với số tiền là 28 triệu/học viên. Sau đó, mỗi trường hợp trích lại một triệu để lo một số việc khác, còn lại 27 triệu là để “củng cố tâm lý” thiếu tự tin của các học viên trước khi thi.
Duy Tuyên

Đủ 'chiêu' lừa hàng đại hạ giá cuối năm.


Sản phẩm lỗi mốt, chất lượng kém được nâng giá rồi gắn mác xả hàng, thanh lý cuối năm... là những “chiêu” đánh lừa người tiêu dùng hám rẻ.

Vừa khai trương đã treo biển “xả hàng”
Cách đây vài ngày, một video clip cho thấy khung cảnh hỗn độn khi hàng trăm người la hét, quẫy đạp để giành giật quần áo giảm giá tại một của hàng “giảm giá sốc” trên đường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên). Cảnh tượng này cũng không lạ trên một số tuyến phố ở Thủ đô.
Những ngày cận Tết, nhiều con phố bán quần áo ở Hà Nội: Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Nguyễn Lương Bằng... trưng đủ loại biển hấp dẫn: “Xả hàng cuối năm”, “xả hàng Tết giá sốc”, “mua 1 tặng 1”, “giảm giá 70%”...
Để tìm hiểu các sản phẩm khuyến mại, PV đã tới hàng loạt cửa hàng treo biển “xả hàng dịp Tết” trên đường Cầu Giấy. Cửa hàng rộng chừng 20m2 với 2 nhân viên nữ bán hàng. Quần áo chia làm nhiều loại gắn giá tiền cụ thể.
Một nhân viên nữ đon đả mời: “Giá tại cửa hàng này đảm bảo rẻ nhất Hà Nội. Chị chấp nhận bán lỗ để sang năm nhập hàng mới. Đây là dịp cuối cùng xả hàng, mua chậm sẽ hết, không còn hàng đẹp”.
Vô lý nhất, có không ít cửa hàng, vừa khai trương đã treo biển “xả hàng”, “bán lỗ thu hồi vốn”... Một khách hàng nữ vào cửa hàng, tay mân mê chiếc áo len cổ tím màu đỏ được gắn 2 giá, giá cũ 260.000 đồng, giá mới 170.000 đồng.
Chất liệu áo len không có gì đặc biệt, xuất xứ được nhân viên cho biết nguồn Trung Quốc buôn từ Lạng Sơn. Vị khách này sau khi mua áo “hàng xả” đã cùng PV lên chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) so sánh.
Đủ chiêu lừa hàng đại hạ giá cuối năm (1)
Người dân lựa chọn quần áo giảm giá cuối năm trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Như ý
Chủ cửa hàng bán quần áo Nguyễn Thị Hoa (tầng 1 tại chợ) cho biết, giá bán buôn: 120.000 đồng/chiếc với ba màu: Xanh, đỏ, kem và không bán mặc cả; giá bán lẻ: 140.000 đồng/chiếc. Quầy bán hàng của chị không treo biển giảm giá, khuyến mại.
“Tôi buôn bán ở đây 10 năm. Tiểu thương các chợ, cửa hàng trên phố đều nhập về bán. Ngoài chợ thường bán rẻ hơn cửa hàng bởi tiền thuê cửa hàng, nhân viên rẻ hơn...”, chị Hoa nói.
Như vậy, với chiếc áo len, dù cửa hàng trên phố gắn xả hàng, nhưng vẫn đắt hơn ngoài chợ Đồng Xuân 30.000 đồng. Không ít người sau khi mua loại xả hàng về, giặt vài nước chỉ có thể dùng làm giẻ lau nha.
“Của rẻ là của ôi”
Mùa này, phố Chùa Bộc (Hà Nội) được mệnh danh là “thủ phủ” quần áo giảm giá. Nhiều cửa hàng bày sản phẩm giảm giá la liệt trên vỉa hè. Tại cửa hàng quần áo treo biển “Giảm giá cuối năm” gần Học viện Ngân hàng, PV nhìn mác gắn giảm giá lên tới 70% với chiếc áo dạ.
Theo đó, chiếc áo này có giá cũ hơn 1 triệu đồng, sau khi giảm giá chỉ còn 300.000 đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, đây là loại lỗi mốt, kiểu dáng xấu, đường chỉ may lệch. Người bán hàng mách nước với khách mua: “Loại hàng này mua về tặng các cụ ở quê rất hợp. Kinh tế khó khăn, tiền đâu mà mua đồ xịn. Vẫn là quần áo mới, nhưng giá đại hạ đấy thôi. Không nói ra, ai biết”.
Theo khảo sát của PV, nhiều cửa hàng giảm giá “sốc”, nhưng kỳ thực mặt hàng đều dễ dàng tìm thấy ở ngoài chợ với chất lượng như nhau (chỉ khác mỗi giá cả).
Một nhân viên bán thuê tại cửa hàng giảm giá trên phố Chùa Bộc tiết lộ: “Cửa hàng thuê với giá 20 triệu đồng/tháng, lương nhân viên 2,5 triệu đồng/tháng/người do đó biển quảng cáo giảm giá chỉ là chiêu trò để thu hút khách hàng tới mua. Nhiều khách mua một lần và không quay lại. Đa số khách hàng đến mua là sinh viên nên không thắc mắc nhiều”.
Chiều 21/1, trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết: Hiện nay, tâm lý người Việt Nam không mặn mà với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, vì vậy nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ nước này được gắn mác Việt Nam.
Để hấp dẫn khách hàng, nhiều cửa hàng treo biển quảng cáo giảm giá các kiểu. Người tiêu dùng nên cảnh giác.
“Để đánh vào tâm lý của khách hàng ưa hàng giảm giá, nhiều cửa hàng dùng chiêu trò giảm giá để kích cầu. Người tiêu dùng nên thận trọng bởi các cụ vẫn thường có câu của rẻ là của ôi”, ông Hùng nói.

Đường đắt nhất hành tinh: Hà Nội lờ cho phạm luật?

Chỉ dài 547m, đường nối từ ngã năm Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu phải chi tới hơn 700 tỷ đồng, tức mỗi mét đường có giá 1,3 tỷ.

Nhưng “con đường đắt nhất hành tinh” lại đang xấu xí vì nhiều nhà siêu méo.
Khởi công từ tháng 4/2010, con đường từ ngã năm Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu đã chính thức thông xe từ ngày 15/1. Nhấn ga một vòng qua tuyến đường 2 làn dài hơn 500m thuộc tuyến đường vành đai I quan trọng của Hà Nội, đập vào mắt bất cứ ai đi đường là hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo, hình thù kỳ dị.
Đường đắt nhất hành tinh: Hà Nội lờ cho phạm luật?
Con đường dài hơn 500m nhưng mỗi mét đường có giá hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Lê
Đơn cử, ngay đầu Ô Chợ Dừa mọc ngay căn nhà trơ trọi có tới 3 mặt tiền cao hai tầng. Hai bên đường nhiều nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên với nhiều hình thù khác nhau, cái thò thụt, có những căn nhà mặt tiền chỉ hơn 1m hoặc 4-5m, chiều sâu chỉ hơn 1m, nhất là nhiều ngôi nhà cũ phá dở dang nằm trơ ngay mặt đường rất lem nhem…
Đường đắt nhất hành tinh: Hà Nội lờ cho phạm luật?
Nhà cũ phá dở, nhà mới xây... khiến bộ mặt đô thị ven đường trở nên lem nhem. Ảnh: Nguyễn Lê
Chị Thu Hà, một người dân có ô đất bám mặt đường cả chục mét nhưng chiều sâu chỉ 1,5m cho biết: Khi lập phương án giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư tuyến đường đã không có phương án xử lý nốt phần đất còn lại của nhà chị. Hơn nữa, gia đình chị đã nhiều lần thương lượng với hộ liền kề về việc bán mảnh đất hoặc chuyển đổi nhưng đều không thành. Bản thân gia đình chị cũng không muốn xây nhà có hình hài xấu như thế.
Đường đắt nhất hành tinh: Hà Nội lờ cho phạm luật?
Nhà siêu méo ngay đầu đường, Ảnh: Nguyễn Lê
Trao đổi với PV, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: Con đường nối từ ngã năm Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu xây dựng sau khi có Luật quy hoạch đô thị. Mà Luật này yêu cầu khi làm con đường trong đô thị thì phải phát triển đất đai 2 bên đường trong phạm vi 50m, khi đó có điều kiện chia lô vuông vắn với đường, xây dựng những ngôi nhà đàng hoàng.
“Đằng này, làm đường chỉ biết làm đường mà không làm hai bên đường là vi phạm Luật quy hoạch đô thị”, ông Liêm nói.
Theo ông Liêm: Hà Nội không coi việc nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề gì, coi đấy là lỗi của dân chứ không coi đó là lỗi của mình. Đáng lẽ, khi làm đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa đã sinh ra hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo thì phải rút kinh nghiệm, nếu chú ý làm hai bên đường thì không có chuyện là “con đường đắt nhất hành tinh” vì khi làm hai bên đường thì đất có giá, bán cho những người xây công trình thu lãi bù vào tiền vốn làm đường, rất lợi ích thì không làm.
Đường đắt nhất hành tinh: Hà Nội lờ cho phạm luật?
Vỉa hè vẫn còn dang dở, chưa lát xong sau 7 ngày thông xe chính thức. Ảnh: Nguyễn Lê
“Trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, khi làm con đường trong đô thị thì không phải riêng công việc của một người làm đường, mà đây là việc phát triển cả một khu vực đô thị có con đường đó đi qua, mình lại tách ra chuyện làm đường riêng, phát triển đô thị hai bên đường là việc khác là không đúng. Làm con đường không chỉ để đi mà còn làm đường phố đẹp, khang trang cho cả đô thị nữa.
Nhà siêu mỏng, siêu méo chỉ là hậu quả, nếu như chữa bệnh mà chỉ chữa triệu chứng thôi thì lần này đến lần khác sẽ lại xảy ra, tương lai nếu không lường trước sẽ lại tiếp tục tái diễn ở con đường Hoàng Cầu – Cầu Giấy”, ông Liêm cảnh báo.Thành phố cần rút kinh nghiệm, mà tại sao Bộ Xây dựng là đơn vị quản lý đô thị không “thổi còi” khi có đơn vị vi phạm Luật quy hoạch đô thị? Không khó để triệt tiêu được nhà siêu mỏng, siêu méo, tôi nghĩ Thủ tướng cần có công văn.khiển trách TP Hà Nội về vấn đề này vì Hà Nội không tự mình rút kinh nghiệm sửa chữa để không tái diễn câu chuyện này ở những con đường khác”, ông Liêm đề xuất.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội: để triệt tiêu nhà siêu mỏng siêu méo khi mở đường mới giống như tuyến đường ngã năm Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu cần phải xác định luôn những trường hợp sẽ phải hợp khối, thu hồi rồi làm quỹ đất phát triển cây xanh. Tuy nhiên, việc này phải có phương án ngay khi lập dự án mở đường và quản lý chặt.Còn tại trường hợp này, theo ông Nghiêm thì khó xử lý vì “gạo đã nấu thành cơm”. Phương án giải quyết có thể là vận động người dân còn ít đất ở mặt phố thỏa thuận dồn đổi, hợp khối tạo thành ô thửa vuông vức hoặc Nhà nước hay chủ đầu tư sẽ phải bỏ tiền ra mua rồi làm kiot, trồng cây xanh, quy hoạch sao cho đẹp mắt.

Khóc như mưa khi nhận… thưởng Tết

Thời buổi khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận mang tiếng xấu với người lao động. Quà cảm ơn nhân viên cuối năm của họ, nào là chiếu cói, thảm chùi chân, nào là tương ớt, quần đùi và thậm chí cả hương (nhang)…

 Người lao động nhận thưởng Tết bằng chiếu ở Nga Sơn, Thanh Hóa đã mang ra chợ bán. Ảnh:Người lao động nhận thưởng Tết bằng chiếu ở Nga Sơn, Thanh Hóa đã mang ra chợ bán. Ảnh:M.H

Chiếu cói, thảm lau chân, ốc vít đều là “quà Tết”!

Thoạt đầu nghe thông tin thưởng Tết bằng quần đùi, tương ớt, giấy vệ sinh… không ít người ngạc nhiên, thậm chí thấy trớ trêu. Tuy nhiên thực tế tại nhiều doanh nghiệp, việc thưởng Tết đang làm khó cho cả doanh nghiệp và người lao động bởi không ít doanh nghiệp không thưởng thì  không đành lòng nhưng thưởng lại khiến cho người lao động đau lòng hơn.

Chị Nguyễn Thị Bình, công nhân làm ở cơ sở sản xuất Hương V.A thổ lộ: “Lúc ông chủ đưa quà thưởng Tết tôi đã khóc. Lúc ấy không biết nước mắt ở đâu nó cứ trào ra. Khi cầm quà tôi khóc rưng rức, không thể nào kìm lòng được. Chồng tôi mất vì tai nạn giao thông cách đây 3 tháng, mọi gánh nặng gia đình, nuôi 2 con ăn học dồn hết vào tôi. Lúc lại phải cầm hương mang về tôi thấy tủi thân quá, tủi thân vì thưởng Tết chỉ là một phần, tủi nhất là phần thưởng lại đánh vào nỗi đau của tôi - mang hương về thắp cho chồng”…
Là doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, với trên 40 lao động, năm nào doanh nghiệp của anh N.V.N cũng thưởng Tết cho người lao động. Nhưng năm nay, hàng sản xuất ra ứ đọng đầy kho nên anh đành thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật, mỗi người một đôi chiếu, một đôi thảm lau chân, một làn cói, một bộ thảm đặt ấm chén.

Chị Lê Thị Mơ, công nhân làm hàng thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp anh N cho biết: “Đi làm công ăn lương, giám đốc thưởng gì thì nhận nấy, không có cũng phải chịu. Tôi sẽ mang về nhà dùng dần vì chiếu, thảm ở nhà vẫn còn lành. Không dùng thì đem làm quà cho anh em họ hàng cũng được. Nhưng đúng là khó khăn, có thưởng Tết vẫn không giảm được khó”.

Dẫu “hẻo”, chiếu cói, thảm lau còn là món quà có thể mang đi biếu tặng lại nhưng có những món thưởng Tết, người lao động chỉ biết ngậm ngùi mang về nhà như hương (nhang), tương ớt, giấy vệ sinh, quần đùi…

Nhân viên kinh doanh một doanh nghiệp sửa chữa, bảo dưỡng ô tô tại huyện Từ Liêm, Hà Nội ngậm ngùi: “Chúng tôi bị nợ đọng lương đến nay đã gần 5 tháng. Trước đây làm ăn thuận lợi thì nhận lương, thưởng đều nhưng trong năm nay thì bắt đầu từ tháng 5 trở đi là doanh nghiệp nợ lương. Cứ 45 ngày thì được trả lương một tháng, cứ mỗi tháng chậm 15 ngày, cộng dồn lại đã bị nợ gần 5 tháng.

Mới đây, vị phó giám đốc nửa đùa, nửa thật nói: “Năm nay đói, lương còn phải nợ chưa biết lấy gì thưởng Tết hay mỗi người nhận ít ốc vít về dùng dần?”.

Cơ sở sản xuất hương thơm V.A ở huyện Đan Phượng, Hà Nội đã thưởng Tết cho công nhân 100.000 đồng/người. Ngoài số tiền này, còn có món quà là mỗi người được thưởng… 7 loại hương, mỗi loại một bó. Anh Trần Quốc V, chủ cơ sở sản xuất hương thơm V.A cho biết: “Nghe thưởng Tết bằng hương thì nhiều người thấy sợ nhưng tôi nghĩ, dịp Tết nhà nào cũng phải thắp hương nên tôi nói với công nhân đó là quà của tôi cho mọi người. Năm nay hẻo vì làm ăn khó khăn nên thưởng Tết mỗi người chỉ được 100.000 đồng”.

Không ít người thì méo mặt khi nghe sếp công bố thưởng Tết bằng viên gạch men lát nền như tại Công ty vật liệu xây dựng N.D (trụ sở tại đường Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên). Theo đó, mỗi người được thưởng 200 viên gạch men lát nền, tương đương với hơn 2 triệu đồng. Nhận thưởng Tết bằng gạch, không ít người méo mặt vì nhà không cần dùng đến, mang bán chẳng có người mua, mà không nhận thì tiếc của.

Phổ biến chuyện thưởng “bằng hiện vật”

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thưởng Tết bằng hiện vật thay vì tiền mặt đang được xem là một hiện tượng khá phổ biến trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

Theo ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ,TB&XH), tiền thưởng thì không có quy định cụ thể là trả bằng tiền mặt hay hiện vật. Vì vậy, trong năm làm ăn khó khăn doanh nghiệp thưởng bằng hiện vật cũng không thể can thiệp được.

Trong điều kiện hiện nay, người lao động cũng nên thông cảm chia sẻ với doanh nghiệp, còn với doanh nghiệp thưởng bằng thành phẩm nhưng biết cách động viên, khích lệ tinh thần người lao động cũng là một việc rất quý.
Còn ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng cho rằng: “Thời buổi kinh tế khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được doanh nghiệp buộc phải thưởng bằng hiện vật là chuyện cực chẳng đã. Với cách giải quyết này doanh nghiệp cũng có nhiều cái hay, vừa bớt được một khoản tiền, vừa có cơ hội quảng bá thương hiệu của công ty”.

TS Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế) cũng đồng tình với cách giải quyết chuyện thưởng Tết bằng hiện vật của doanh nghiệp. TS Vũ Đình Ánh bày tỏ: “Thưởng Tết bằng hiện vật không có gì đáng cười cả. Kinh doanh ai cũng muốn có lãi, thưởng Tết chu đáo cho người lao động nhưng “lực bất tòng tâm”. Hàng sản xuất ra không bán được buộc doanh nghiệp phải thưởng bằng hiện vật, thành phẩm, đó cũng là chuyện rất bình thường”.

Thưởng Tết không đơn giản là chuyện đưa cho người lao động bao nhiêu tiền, mà còn thể hiện sức khỏe của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp.

Việc thưởng Tết cũng thể hiện sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp, tạo động lực để họ tiếp tục làm việc hơn trong năm tiếp theo. Đáng buồn, nhiều doanh nghiệp đã “né” thưởng Tết bằng cách sa thải người lao động ngay trước Tết.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, sự chia sẻ, cảm thông giữa người lao động và doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Các ông chủ cũng cần công khai những khó khăn, thuận lợi để nhận được sự chia sẻ từ người lao động.

Trong lúc khó khăn, thưởng Tết có thể chỉ là sự quan tâm, chia sẻ, là những lời chúc tốt đẹp, mong muốn chân thành chứ không hẳn là món quà giá trị.

Theo Mai Hạnh
Gia đình & Xã hội

Đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa

Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì việc nghiên cứu, đưa vấn đề biển Đông và chủ quyền VN với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK các cấp học.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vào ngày 30/12/2013.
Theo kết luận này, Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và các cơ quan liên quan tập hợp và huy động các nhà sử học trong cả nước tham gia biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử).
Theo đó, đây là bộ sử chính thống của đất nước và của dân tộc, trong đó tổng hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu huy động các nhà sử học tích cực tham gia tư vấn, phản biện các công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc, như sách giáo khoa lịch sử, chương trình môn lịch sử trong trường học, các hoạt động liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam; tiếp tục củng cố, mở rộng hệ thống tổ chức Hội ở các Bộ, ngành, địa phương và phát triển hội viên ở các chi hội; chú trọng mở rộng quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế.
Mặc khác, Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử, kể cả các công trình viết sử nghiệp dư của các ngành nghề, địa phương, cơ quan, dòng họ. Đồng thời nghiên cứu, hướng dẫn phương pháp sưu tầm, xử lý tư liệu và cách trình bày viết sử nghiệp dư, bảo đảm tính thống nhất và tính khoa học.
Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Trung tâm lưu trữ tư liệu quốc gia về biển, đảo trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
Theo NLĐ

Hàng dỏm xuất xứ Trung Quốc tràn lan thị trường.

Theo ghi nhận của chúng tôi trên thị trường Tết, do việc kiểm soát tại các cửa khẩu không chặt chẽ nên hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng độc hại, hàng cấm… có xuất xứ từ Trung Quốc ồ ạt tuồn vào thị trường nội địa với khối lượng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, gây rối loạn thị trường và an ninh trật tự…
Thực tế trên cho thấy, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc nhập vào thị trường nội địa không chỉ bằng đường tiểu ngạch, xách tay, mà các đối tượng còn liều lĩnh, ngang nhiên nhập khẩu bằng đường chính ngạch. Chính vì sự buông lỏng trong việc kiểm soát tại các cửa khẩu nên hàng dỏm có cơ hội tung hoành trên thị trường.
Gần đây nhất là vụ 10 container (40 feet) hàng bách hóa (xuất xứ Trung Quốc) nhập khẩu gian lận thương mại bị Đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV, Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) phối hợp với Đội Quản lý thị trường 2A phát hiện, bắt giữ vào rạng sáng 31/12/2013 khi vừa đánh tháo hàng ra khỏi cảng VICT (quận 7). Phải mất 5 ngày ròng rã, lực lượng PC46 và Quản lý thị trường (QLTT) mới kiểm đếm xong 10 container hàng. Trong đó, có rất nhiều mặt hàng “hút” trong mùa Tết, như: hàng trang trí Tết, pháo điện, giấy tiền vàng mã, vải rèm, mỹ phẩm, giày dép, quần áo, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, hàng điện tử, rượu, máy đánh bạc (kèm với hơn 2 tấn tiền xu dùng để chơi loại máy này)…
Các sản phẩm đồ chơi trẻ em nghi nhiễm chất độc bị thu giữ và lấy mẫu kiểm nghiệm.
Ngoài ra, còn có nhiều mặt hàng Trung Quốc giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ, như: giày hiệu Nike (ghi made in Viet Nam); thuốc nhuộm tóc “16 power” (ghi sản xuất và phân phối tại An Phước, Long Thành, Đồng Nai); máy sấy tóc Fujika – 3001 (ghi made in Japan); bao bì dầu gió xanh Eagle (ghi xuất xứ Singapore)… tất cả hàng hóa kiểm tra thực tế có đến 90% sai về số lượng và 70-80% sai về chủng loại so với tờ khai hải quan. Ước tính, hàng hóa trong 10 container trên có trị giá hàng chục tỷ đồng. Toàn bộ lô hàng trên là của 2 công ty nhập khẩu từ Trung Quốc về, gồm: Công ty TNHH TM XNK Nhất Minh (phường 8, quận 6) do Trần Thị Thu Sang (25 tuổi, ngụ phường 8, quận 6) làm Giám đốc và Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (phường 8, quận 11) do Hồ Sấm Dũng (27 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) làm Giám đốc. Tuy nhiên, sau khi lô hàng bị cơ quan chức năng bắt giữ thì 2 giám đốc của 2 công ty cũng đã bỏ trốn. Cơ quan CSĐT xác định, với tài liệu và chứng cứ thu thập được cho thấy có dấu hiệu buôn lậu, trong đó có hàng cấm nhập khẩu.
Liên quan đến vụ án này, ngày 14/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vụ buôn lậu này. Từ đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/2.
Trước đó, cũng nhập khẩu bằng đường chính ngạch vào thị trường nội địa, lô hàng hiệu nổi tiếng thế giới nhãn hiệu Gucci và Dolce & Gabana (xuất xứ Italy) “đội lốt” hàng Trung Quốc cập cảng ICD Phước Long (quận 9) cũng đã qua mặt được Hải quan. Chỉ đến khi 4 xe tải chở hàng ra khỏi cảng để đưa về điểm tập kết thì mới bị trinh sát Phòng PC46 phát hiện, bắt giữ. Kiểm tra thực tế, lô hàng trên gồm 1.253 món quần áo, giày, túi xách, thắt lưng… hiệu Gucci và Dolce & Gabana (xuất xứ Italy) nhưng trong tờ khai chỉ thể hiện 1.052 món, gồm: quần áo, giày, túi xách không nhãn hiệu, xuất xứ China (Trung Quốc).
Sau khi lô hàng bị phát hiện, Trần Anh Tuấn (Việt kiều Mỹ, chủ lô hàng này) đã “cao chạy xa bay”, cơ quan CSĐT, PC46 đã phát lệnh truy nã toàn quốc, đồng thời đề nghị Interpol Việt Nam truy nã quốc tế đối với Trần Anh Tuấn về tội “Buôn lậu”.
Trước phản ứng của dư luận về việc bóng bơm hơi Trung Quốc (đồ chơi trẻ em) có nhiễm chất độc, ngày 3/1, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam phối hợp với Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh ra quân kiểm tra việc kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn thành phố, phát hiện cửa hàng Tuấn Kiệt - Mỹ Linh (phường 13, quận 5), kinh doanh nhiều loại bóng bơm hơi Trung Quốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đoàn lấy ngẫu nhiên 3 mẫu (bóng bơm hơi gai, bóng nhựa hình trái dưa hấu, con vịt bằng nhựa), đều là hàng không rõ đơn vị sản xuất, nhập khẩu, để đưa đi kiểm nghiệm. Kiểm tra cửa hàng Đức Anh (phường 2, quận 6), đoàn liên ngành cũng phát hiện tại đây kinh doanh nhiều đồ chơi bóng bơm hơi, bóng nhựa. Đoàn kiểm tra cũng lấy 2 mẫu để đưa đi kiểm nghiệm độc tố. Kết quả cho thấy, cả 5 mẫu đưa kiểm nghiệm (100%) đều dính độc tố (chất phthalate) vượt 300-400 lần mức cho phép.
Mới đây nhất là vụ đồ chơi phát nổ (bóng nổ) có xuất xứ Trung Quốc khiến hàng loạt trẻ em phải nhập viện cấp cứu khi nghịch đồ chơi này, ngày 18/1, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục kiểm tra và tịch thu 100 sản phẩm bóng nổ có xuất xứ Trung Quốc, là hàng nhập lậu, không kiểm định chất lượng. Lực lượng kiểm tra cũng đã lấy mẫu để kiểm định chất độc hại đối với loại sản phẩm trên để cảnh báo cho người tiêu dùng...
Thúy Hà

Cảnh giác nạn thịt bẩn cuối năm.

Cận tết, thịt bẩn bị phát hiện càng nhiều, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua để tránh các loại thịt này.

Cảnh giác nạn thịt bẩn cuối năm
Bà Thủy (đường 475, P.Phước Long B, Q.9) chào bán thịt đặc sản nai, đà điểu dỏm - Ảnh: Hoàng Việt
“Thịt gì em không biết”
Trong vai người cần mua thịt đặc sản cho ngày tết, chúng tôi đến một cửa hàng trên đường 475, P.Phước Long B, Q.9. Vừa nghe khách hỏi, chủ cửa hàng tên Thủy đưa xuống nhà bếp, mở tủ đông, lôi ra mấy gói hàng mẫu “thịt nai”, “thịt đà điểu”… nhìn đã thâm đen. Trên bao bì ngoài tên loại thịt, trọng lượng đều ghi “Thực phẩm của thời đại; Công ty TNHH một thành viên”, nhưng không hề có địa chỉ, điện thoại liên lạc của nhà sản xuất, không có số chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Thủy cho biết muốn mua bao nhiêu cũng có, chỉ cần báo trước 1 ngày sẽ giao hàng tận nơi. Thịt nai giá 140.000 đồng/kg. Thịt đà điểu giá 120.000 đồng/kg. Chúng tôi đặt vấn đề sẽ mua nhiều nên cần giảm giá thêm, bà Thủy giãy nảy: “Hàng này giá thấp lắm rồi, không bớt được nữa. Tôi bỏ mối cho các quán nhậu giá cũng vậy. Nếu anh lấy số lượng nhiều và giao hàng ở khu vực quận 9, Thủ Đức sẽ giảm thêm được 5.000 đồng/kg”.
Không thể xuất hóa đơn đỏ được, chỉ xuất hóa đơn bán hàng nhưng cũng chỉ ghi là thịt động vật. Bởi vì đó không phải thịt đà điểu, thịt nai nhưng cụ thể thịt gì thì em không biết
Bà Thủy, chủ một cửa hàng bán thịt động vật
Bà Thủy, chủ một cửa hàng bán thịt động vật
Bà Thủy cho biết ở nhà chỉ có vài ký hàng mẫu, khi khách đặt bà mới lấy hàng ở lò và người của lò sẽ giao hàng tận nơi cho khách. Chúng tôi đồng ý đặt hàng số lượng lớn nhưng yêu cầu xuất hóa đơn đỏ và ghi rõ ràng: “Thịt đà điểu, thịt nai”, bà Thủy lắc đầu nguầy nguậy: “Không thể xuất hóa đơn đỏ được, chỉ xuất hóa đơn bán hàng nhưng cũng chỉ ghi là thịt động vật. Bởi vì đó không phải thịt đà điểu, thịt nai nhưng cụ thể thịt gì thì em không biết” (?).
Tại một đại lý bán thịt nai, đà điểu ở tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân), người đàn ông bán hàng cho biết có bán “thịt đà điểu, thịt nai xịn”, nhưng “không có giấy tờ, nguồn gốc” (?). Ở chợ Phước Bình (Q.9), chủ một sạp thịt đon đả mời chúng tôi mua thịt nai, heo rừng, đà điểu đồng giá 140.000 đồng/kg, giao hàng tận nơi miễn phí, mua số lượng nhiều được giảm 5.000 đồng/kg. Quan sát mấy gói thịt ở đây chúng tôi thấy trên bao ni lông trọng lượng 0,5 kg chỉ ghi đúng mấy chữ “Phi lê đà điểu”, “Phi lê thịt nai”… và không có bất kỳ thông tin nào khác. Sạp kế bên cũng bán thịt đà điểu, thịt nai giá từ 140.000 - 145.000 đồng/kg, thịt heo rừng 180.000 đồng/kg. Giá có khác nhưng bao bì thì giống y chang.
Liên tục phát hiện thịt trôi nổi
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Thú y Bình Chánh (TP.HCM), cho biết cuối năm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều hơn, tình trạng giết mổ, vận chuyển thịt bẩn diễn ra tinh vi hơn, chủ hàng đối phó với lực lượng chức năng manh động, chống đối cũng nhiều hơn. Trong ngày 22.1, Đoàn kiểm tra liên ngành Bình Chánh phát hiện một vụ giết mổ lậu trên địa bàn, chủ “lò” này là tổ trưởng dân phố. “Lò” này công khai để bảng mua bán gia cầm trong khi việc kinh doanh gia cầm trái phép bị cấm. Khi đoàn liên ngành kiểm tra, những người trong “lò” đã tẩu tán thịt bẩn.

Những gói thịt đặc sản dỏm mua tại nhà bà Thủy
Cũng theo đại diện Trạm thú y Bình Chánh, thời gian qua liên tục phát hiện các vụ thịt trôi nổi, trong đó có những vụ quy mô lớn. Cụ thể, trạm đã phát hiện hơn 12 tấn thịt bò Canada, sườn bò Úc hết hạn từ 8 tháng đến gần 2 năm tại kho lạnh Nhan Lý (5B/19K Trần Đại Nghĩa, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM). Trạm cũng phối hợp Trạm kiểm dịch sản phẩm động vật Thủ Đức bắt quả tang vụ tập kết khoảng 2 tấn vú heo, thịt dê không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch về địa bàn, từ đó phân phối đến các quán ăn, quán nhậu. “Có ngày trạm phát hiện 2 vụ giết mổ trái phép. Trong đó hiện trường một vụ còn nguyên dụng cụ bơm chất độn nhằm tăng trọng gia cầm và hóa chất. Chủ hàng thừa nhận hành vi dùng hóa chất nhuộm vàng gà, biến gà công nghiệp thành gà ta”, ông Nguyên cho biết. 
Thịt bẩn có thể gây đột biến gien, ung thư
Theo bác sĩ Đào Yến Thủy, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, sử dụng các loại thịt trôi nổi là có nguy cơ tiêu thụ hàng kém chất lượng và thiếu an toàn thực phẩm. Thịt có thể bị biến chất, gây dị ứng, khó tiêu hóa. Thậm chí, có thể xảy ra ngộ độc nếu thịt bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc nhiễm hóa chất độc hại do bị dùng màu, mùi, hóa chất khác trong quá trình chế biến… Một số hóa chất không bài tiết được sẽ tích lũy dần dần trong cơ thể gây tổn thương, rối loạn chuyển hóa, đột biến gien gây ung thư.
Hoàng Việt

Cán bộ Hải quan có dấu hiệu tiêu cực.

Có dấu hiệu tiêu cực của cán bộ Hải quan TP.HCM khi để lô hàng có giá trị gần 30 tỷ đồng trong 10 container thông quan dễ dàng.
Liên quan đến vụ “bắt 10 container hàng nhập xuất xứ Trung Quốc” như Infonet đã thông tin, đến nay việc kiểm tra, phân loại, thẩm định giá vẫn đang được Chi Cục quản lý thị trường TP.HCM tiến hành. 
Lô hàng 10 container đang được cơ quan chức năng kiểm đếm, thẩm định.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định được 2 công ty đứng tên nhập số hàng trên là Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (quận 11) và Công ty TNHH TM XNK Nhất Minh (quận 6). Tuy nhiên, đến nay đại diện 2 công ty trên vẫn không đến nhận lô hàng.
Theo thông tin trên tờ khai Hải quan hàng hóa trong 10 container trên gồm nhiều chủng loại là phụ kiện đèn bằng sắt mạ, đèn led, dây viền trang trí, bao lì xì… Nhưng thực tế kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện máy chơi game dưới hình thức đánh bạc, hàng kim khí điện máy, vải, rượu, linh kiện ĐTDĐ… nhập từ Trung Quốc và được thông quan trót lọt.
Thượng tá Cao Xuân Lợi, phó phòng CSĐT tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP.HCM thông tin, hồ sơ hải quan thể hiện 10 container trên được mở và đóng cùng giờ, cùng ngày. Cán bộ Hải quan đã không kiểm kê 5% trên tổng số hàng như quy định. 
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, khả năng cán bộ Hải quan có dấu hiệu tiêu cực khi để số lượng hàng lậu lớn thông quan một cách dễ dàng như vậy. Giá trị lô hàng trên ước tính gần 30 tỷ đồng. “Trong thời gian tới, chắn chắn cơ quan điều tra Công an TP.HCM sẽ xem xét khởi tố vụ án buôn lậu này”, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết. 
Trước đó, vào đêm 30/12/2013 trinh sát đội 2 phòng PC46, Công an TP.HCM phối hợp cùng Chi cục quản lý thị trường TP.HCM chặn bắt 10 container được vận chuyển ra khỏi cảng container Quốc tế Việt Nam (VICT), quận 7, TP.HCM.
Phương Nguyễn

Người đàn bà buôn người.

 Hoàng Thị Loạn (SN 1966, trú tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái). Có lẽ tên người vận vào tính cách nên Loạn không bao giờ thích cuộc sống yên ả với chồng và con. Kết hôn từ khá sớm nhưng chỉ được ít năm Loạn “đổi chồng”. Cho đến khi bị bắt, Loạn đã có năm đời chồng và rất nhiều con. Để có tiền phục vụ những cuộc chơi phóng túng, Loạn chọn “nghề” buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Hai nạn nhân của Loạn may mắn tìm được đường về là chị L. và M. cùng trú tại Nghĩa Lộ, Yên Bái. Trong một lần về quê, Loạn tìm đến nhà bạn cũ Lò Thị Thịnh (SN 1972, trú tại phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Đôi bạn từ thuở chăn trâu có cùng một một sở thích là kiếm thật nhiều tiền. Vốn lăn lộn nhiều năm trên chốn giang hồ lại từng lấy chồng ngoại quốc nên Loạn biết rõ bên Trung Quốc có nhiều đàn ông không lấy được vợ và đang có nhu cầu “mua vợ” với giá cao. Loạn đặt vấn đề với Thịnh đi tìm những cô gái có hoàn cảnh khó khăn để lừa bán. Loạn phân công Thịnh đi tìm các cô gái, còn Loạn trực tiếp đưa sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sau mỗi vụ, Loạn sẽ chia cho Thịnh 15 triệu đồng.
Thịnh và Loạn
Thịnh tìm đến nhà chị L. và M. dụ lên Lào Cai làm thuê với mức lương hơn 2 triệu đồng một tháng. Đang gặp khó khăn, hai chị đồng ý và Loạn đã đưa họ vượt biên. 
Bị bán cho hai người đàn ông lớn tuổi, nhưng dù sao chị L. và M. cũng đã gặp may. Họ được bán cho những người tử tế nên được đối xử khá tốt. Năm 2011, chị L. còn được chồng đưa đến biên giới để về quê thăm người thân. Về đến nhà, chị làm đơn tố cáo Loạn và Thịnh. Vốn thừa kinh nghiệm đối phó với công an nên Thịnh và Loạn kịp xóa hết dấu vết, một mực khẳng định không biết chị L. Vụ án rơi vào bế tắc, Loạn và Thịnh nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Thoát vụ này, Loạn mò lên Sơn La tiếp tục buôn bán trẻ em và bị Công an tỉnh Sơn La bắt giữ. Trong phiên tòa sơ thẩm, Loạn bị tòa án tuyên phạt 11 năm tù giam.
Trở lại với vụ chị L. bị lừa bán, mặc dù chưa đủ căn cứ để bắt giữ Loạn và Thịnh nhưng Công an Yên Bái vẫn tổ chức điều tra, tìm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Loạn và Thịnh. Cuối năm 2013, chị M. cũng được chồng cho về thăm quê và làm đơn tố cáo. 
Sau khi củng cố chứng cứ, một tổ công tác đã đến Trại giam Tân Lập nơi Loạn đang thụ án để đấu tranh. Cũng như những lần trước, Loạn chối bay mọi tội lỗi nhưng khi biết cả chị L. và M. đều đã về Việt Nam, kẻ buôn người đầy thủ đoạn đành cúi đầu nhận tội.
Loạn khai, sau khi gặp chị L. và M., Loạn mua vé xe đưa hai người đến Lào Cai. Tối hôm đó, Loạn đưa hai nạn nhân xuống đò, vượt sông về nhà trọ của Loạn ở bên kia biên giới.
Nhốt hai người vài ngày, Loạn tìm được khách và bán hai cô gái với giá 7.000 nhân dân tệ. Lẽ ra theo đúng thỏa thuận, sau khi bán được người, Loạn phải chia cho Thịnh 15 triệu đồng/một người nhưng vốn là kẻ quen lừa lọc, Loạn chỉ gọi điện thông báo với bạn là đã bán được “hàng” sau đó tắt máy luôn. Cho đến khi bị bắt, Thịnh không được Loạn chia cho một đồng nào.
Ngày 20-1-2014, Công an tỉnh Yên Bái cho biết đã khởi tố bị can đối với Loạn và Thịnh để điều tra hành vi buôn bán người. 
Minh Phương

Đánh hàng xóm hư thai vẫn... “vô tư”.

Chỉ vì vài quả hồng nhỏ do trẻ con nghịch ngợm hái trộm mà người hàng xóm đã đánh một phụ nữ lâm vào nguy kịch và sẩy thai. Thế nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý.

Kết quả siêu âm không tim thai
Sáng 22-1, nằm điều trị tại khoa sản của Bệnh viện huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) gần một tuần nay, sức khỏe vẫn chưa trở lại bình thường, chị Hồ Thị Liễu (SN 1972, ngụ xóm 19/8 xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) bàng hoàng kể lại: “Hôm đó khoảng 17 giờ 30 ngày 16-1, tôi vừa đi cấy ngoài đồng về, gần đến ngõ thì nghe anh Lê Văn Chung (láng giềng sát nhà) gọi con bé đầu nhà tôi đưa mấy quả hồng hái trộm lúc chiều sang nhà. Tôi bảo cháu Hồ Thị Mai (học lớp 3) đưa sang, có gì tí nữa về mẹ sẽ sang xin lỗi. Thế nhưng vừa đi ngang ngõ nhà anh Chung thì bị anh ta lao ra túm tóc và đấm liên tục vào đầu làm tôi ngã. Anh ta dùng chân đạp lên người và đánh vào bụng khiến tôi ngất xỉu. Được hàng xóm đưa đi cấp cứu tại phòng khám Quang Khởi thị xã Hoàng Mai siêu âm cho kết quả tôi bị sẩy thai và được chuyển thẳng vào khoa sản Bệnh viện huyện Quỳnh Lưu cho đến nay”.
Anh Việt chăm sóc vợ bên giường bệnh
Anh Hồ Bá Việt (SN 1970, chồng chị Liễu) cho biết: “Ngay sau khi đưa vợ đi cấp cứu, phòng khám đa khoa Quang Khởi và Bệnh viện huyện Quỳnh Lưu cho một kết quả chung là thai nhi 8 tuần không thấy tim thai (thai bị sẩy), tôi đã trực tiếp báo với công an xóm, xóm trưởng, bí thư chi bộ xóm. Thế nhưng lạ kỳ là xóm trưởng đề nghị để thương lượng, đừng báo lên ban công an xã. Chờ đối tượng Lê Văn Chung đến thương lượng bồi thường mãi không thấy nên tôi gửi đơn lên Công an xã Tân Thắng. Vậy mà đến nay đã gần 1 tuần trôi qua, vợ tôi bị sẩy thai nằm điều trị mất gần 10 triệu đồng, sức khỏe chưa có dấu hiệu hồi phục, nhưng công an xã vẫn chưa giải quyết, đối tượng hành hung người vẫn chưa bị xử lý”
Được biết gia đình anh Việt, chị Liễu là hộ nghèo, cháu Mai là con đầu mới học lớp 3, cháu Trung con thứ học lớp 2 và cháu út tên Yến mới hai tuổi, chập chững bước đi. Khi mẹ bị đánh điều trị tại bệnh viện, bố nuôi mẹ thì cả ba cô con gái đều chưa tự nấu được cơm nước, Mai phải nghỉ học. Anh Việt cho biết, hiện số tiền điều trị phải vay nóng với lãi suất cao để cứu vợ mà khó tìm được nguồn trả. Còn chị Liễu biết nằm viện tốn kém nên không dám ăn uống, bồi dưỡng, chỉ muốn xin xuất viện sớm để về chăm sóc con cái và kiếm tiền trả nợ.
Việc đánh một phụ nữ gây thương tích nặng dẫn đến sẩy thai cần phải được xử lý nghiêm theo pháp luật. Rất mong chính quyền địa phương xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sớm vào cuộc..
Hương Nhàn
 


Nhân viên xe buýt "choảng" nhau, hành khách chạy tán loạn.

TTO - Phát hiện nhân viên bán vé xe buýt thu tiền nhưng không phát vé cho khách, hai nhân viên kiểm tra lộ trình lập biên bản. Trong lúc cự cãi, một người đã bị đâm ngay trên xe khiến hành khách hoảng loạn bỏ chạy.
Khoảng 8g20 sáng 22-1 trên QL1 đoạn qua ngã ba Nam Cấm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), chiếc xe buýt Đông Bắc tuyến số 04 mang BKS 37B-008.69 chạy hướng TP Vinh - mỏ đá Hoàng Mai, nhân viên bán vé xe Trần Phúc (quê Hà Tĩnh) thu tiền của hành khách nhưng không phát vé (giá vé chặng là 30.000 đồng).
Phát hiện sai phạm của Phúc, hai nhân viên kiểm tra lộ trình là Đào Quốc Đại (23 tuổi, ngụ xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) và Ngô Trí Trữ (22 tuổi, ngụ xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu) đã lập biên bản sai phạm ngay trên bảng kê bán vé.
Do Phúc không chịu nhận sai phạm nên hai bên đã xảy ra cự cãi. Trong khi hai anh Đại và Trữ lập biên bản thì bất ngờ Phúc rút ra một con dao bấm đâm anh Trữ khi anh này đang quay lưng lại.
Thấy vậy, anh Đại đưa tay ngăn lại thì bị đâm một vết rách sâu ở tay. Được sự hỗ trợ của một số hành khách, anh Đại và anh Trữ mới khống chế được Phúc. Hàng chục hành khách trên xe hoảng loạn bỏ chạy và yêu cầu tài xế cho xuống xe.
Nhận được tin báo, tổ công tác số 3 Công an huyện Nghi Lộc đã lấy lời khai của bị hại, thu giữ tang vật và lập biên bản vụ việc.
Anh Đào Quốc Đại đã được đưa đến Bệnh viện huyện Diễn Châu để cầm máu, băng bó vết thương. Riêng nhân viên bán vé Trần Phúc nhân cơ hội không ai chú ý đã đi khỏi hiện trường.
Được biết, Phúc là nhân viên bán vé của tuyến xe buýt TP Vinh - TP Hà Tĩnh nhưng đã bị đuổi việc. Phúc mới xin vào làm việc bán vé cho Công ty thương mại và xây dựng Đông Bắc - chi nhánh Nghệ An được khoảng 10 ngày thì xảy ra sự việc.
CẢNH PHÚC

TQ tuần tra trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Trung Quốc sẽ thiết lập các đợt tuần tra trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng một tàu tuần tra trọng tải 5.000 tấn, tờ China Ocean News (Trung Quốc) đưa tin ngày 21/1.
 
Báo Thanh niên dẫn nguồn China Ocean News cho biết, Trung Quốc sẽ neo đậu chiếc tàu nói trên tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đảo Phú Lâm là nơi Bắc Kinh ngang nhiên thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
 
“Chính quyền địa phương sẽ dần dần thành lập 3 hệ thống tuần tra thường xuyên tại Tam Sa” bằng chiếc tàu tuần duyên 5.000 tấn này, tờ báo Trung Quốc dẫn thỏa thuận đạt được giữa cái gọi là “chính quyền thành phố Tam Sa” và chính quyền đảo Hải Nam.
 
Binh sĩ Trung Quốc đứng gác trên tàu sân bay Liêu Ninh tại một cảng biển ở đảo Hải Nam
Khu trục hạm Hải Khẩu của Trung Quốc sắp xuống Biển Đông diễn tập
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo, cũng như “một hệ thống nhằm chia sẻ dữ liệu an ninh hàng hải”.
Mục đích của việc này là nhằm “bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, thúc đẩy hỗ trợ trên biển, đảm bảo an toàn hàng hải”, theo bản tin của China Ocean News. Tuy nhiên, tờ báo này không nói rõ khi nào các cuộc tuần tra được bắt đầu.
 
Gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hoạt động trái phép trên Biển Đông. Cách đó một ngày, Thanh niên đưa tin, một đội tàu thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc hôm 20/1 rời quân cảng ở tỉnh Hải Nam để tiến hành cái gọi là cuộc tập trận tác chiến ở Biển Đông, theo Tân Hoa xã.
 
Đội tàu trên gồm có tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn và hai khu trục hạm Vũ Hán và Hải Khẩu. Tân Hoa xã khoe rằng Trường Bạch Sơn là tàu đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc về trọng tải và được trang bị hệ thống vũ khí tiên tiến. Còn hai tàu kia từng tham gia các cuộc diễn tập lớn.
 
Khu trục hạm Hải Khẩu của Trung Quốc sắp xuống biển Đông diễn tập
Binh sĩ Trung Quốc đứng gác trên tàu sân bay Liêu Ninh tại một cảng biển ở đảo Hải Nam
Khi đến Biển Đông, đội tàu này sẽ cùng nhóm tàu ngầm tham gia diễn tập, theo Tân Văn xã, hãng thông tấn lớn thứ 2 của Trung Quốc. Không chỉ ở Biển Đông, đội tàu này cũng sẽ diễn tập tại vùng biển Tây Thái Bình Dương và phía đông Ấn Độ Dương.
Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Tương Vĩ Liệt tuyên bố cuộc diễn tập lần này tập trung vào khả năng tác chiến cho các tàu dẫn đầu, tàu ngầm và lực lượng trên không…
 
Đợt diễn tập được tiến hành trong lúc Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt phi lý cho khu vực chiếm gần 2/3 diện tích Biển Đông, vốn đã bị Việt Nam, Philippines, Mỹ lẫn Nhật Bản lên tiếng phản đối.
 

Ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị trả lời báo chí, nói rõ: Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông...
 
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”, ông Lương Thanh Nghị tuyên bố.

Tăng cường phòng chống dịch cúm A/H7N9

(TNO) UBND TP.HCM hôm nay 22.1 có công văn gửi Sở Y tế và nhiều sở, ngành trên địa bàn thành phố yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9.

Giám sát thân nhiệt hành khách từ xa qua máy theo dõi đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Thanh Tùng
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Y tế tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh; chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Việt Nam.
Sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định.
Giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, bệnh nhân viêm phổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp mới trở về Việt Nam từ vùng dịch bệnh để có thể theo dõi, chẩn đoán và xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Khi có nghi ngờ, cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm, chẩn đoán, xác định.
Công văn của UBND TP.HCM cũng yêu cầu cơ quan y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và điều trị cho bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Củng cố đội y tế thường trực cơ động chống dịch sẵn sàng đi điều tra, xử lý khi có yêu cầu; tổ chức tốt trong các ca trực dịch, trực cấp cứu, điều trị bệnh nhân và báo cáo kịp thời, đúng quy định về Bộ Y tế.
UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.
Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm A/H7N9 trên các đàn gia súc.
Khi phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho ngành y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người…
Thanh Tùng - Đình Phú

Tin buồn: Ông Lê Hiếu Đăng qua đời !



Danlambao - Ông Lê Hiếu Đằng - một biểu tượng của phong trào thoái đảng vừa qua đời tại bệnh viện 115 (Sài Gòn) vào tối ngày 22/01/2014, hưởng thọ 70 tuổi.

Tin buồn về sự ra đi của ông Lê Hiếu Đằng được ông Kha Lương Ngãi loan báo ngay trong tối cùng ngày. Di hài của ông hiện đang ở Trung tâm Pháp y 336 Trần Phú để làm thủ tục tẩm liệm vào 9h sáng mai (23/01/2014). Được biết sau đó, tang lễ của ông sẽ được cử hành tại chùa Xá Lợi, trên đường Trương Định.

Ông Lê Hiếu Đằng phải nhập viện từ cuối năm 2013, sức khỏe có lúc trở nên hết sức nguy kịch. Sau một thời gian dài kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư, cuối cùng ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 22:07 tối, 22/1/2014.

Viết về sự ra đi của ông Lê Hiếu Đằng, blogger Huỳnh Ngọc Chênh chia sẻ: "...Anh chia tay mọi người trong thanh thản vì anh đã biết sẽ có ngày này. Những người bạn thân thiết của anh, những lớp đàn em của anh, những người mến mộ anh hầu như cứ đến mỗi lúc mỗi đông.

Ngọn lửa yêu nước đến cháy bỏng trong anh không bao giờ nguội đi ngay trong những ngày anh trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Anh hoàn toàn không lo chiến đấu với căn bệnh đang hành hạ trong anh từng giây từng phút, anh chỉ lo với những chuyện bên ngoài xã hội, lo cho anh em, lo cho những người dân oan, lo cho những hoàn cảnh bị vùi dập vì sự bất công tạo ra bởi chính quyền mà anh đang góp phần dựng lên..."
Luật gia Lê Hiếu Đằng sinh năm 1944, quê ở Quảng Nam, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Trong thời gian cuối đời, nhận thấy sự xuống cấp trầm trọng của đất nước, ông đã tích cực lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Đảng CS có những thay đổi nhằm tránh đưa dân tộc đến bên bờ khủng hoảng toàn diện. Tuy nhiên, những đóng góp của ông không hề nhận được sự tiếp nhận từ phía lãnh đạo ĐCS VN. 

Vào tháng 8/2013, qua một bài viết, ông Lê Hiếu Đằng đã công khai tố cáo đảng cộng sản phản bội nhân dân, phản bội đất nước; ông kêu gọi dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng để cứu đất nước thoát khỏi tình thế nguy cấp hiện tại. Ý tưởng về việc thành lập chính đảng mang tên Đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam sau đó đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Sau hơn 40 năm, ngày 04/12/2013, ông tuyên bố dứt khoát ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam, mở đầu một phong trào li khai đảng của nhiều đảng viên khác. 

Trong bức thư ra khỏi đảng, ông tố cáo đảng cộng sản "đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.”

Ngoài ra, Lê Hiếu Đằng còn là một người có tư tưởng chống sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông mạnh mẽ. Ông là một trong những người tham gia nhiệt tình các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn vào năm 2011 và 2012.

Đưa tin về sự ra đi của ông Lê Hiếu Đằng, phóng viên Thụy My của RFI nhận định: "Luật gia mất đi mang theo những hoài bão chưa thành, một tấm lòng trăn trở vì dân vì nước. Ông luôn đau đáu ngóng về Biển Đông, lãnh thổ cha ông để lại cho con cháu đẩt Việt đang bị đe dọa từng ngày từng giờ."

Bản tin RFI trích lời ông Huỳnh Kim Báu cũng nói rằng, trước khi qua đời, ông để lại bản di chúc dài khoảng ba trang giấy gởi lại cho các thế hệ đi sau. Trong những ngày tháng cuối đời, ông cũng biết tin tức về các hoạt động kỷ niệm 40 năm  Hải chiến Hoàng Sa.