Sunday, May 11, 2014

New York Times: Trung Quốc làm tăng căng thẳng Biển Đông

theo VietnamPlus | 11/05/2014 14:54
Bài báo cho rằng trước các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia láng giềng cần có phản ứng thống nhất.

Bài viết đăng trên The New York Times của Mỹ đã thẳng thắn chỉ ra rằng, Trung Quốc đã làm gia tăng tình hình căng thẳng Biển Đông với việc lần đầu tiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới khu vực mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.
Theo bài viết, động thái này chắc chắn sẽ khiến cho các nước trong khu vực cảm thấy bị đe dọa hơn bởi yêu sách lãnh thổ theo chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Giàn khoan thuộc quyền sở hữu của một công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đã được đưa tới vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1/5. Sau khi phía Việt Nam lên tiếng phản đối, Trung Quốc đã điều 80 tàu tới khu vực trên. Hà Nội đã cử 35 tàu tới ngăn chặn hoạt động của giàn khoan.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn vào ngày thứ Tư (7/5) khi Việt Nam cung cấp bằng chứng khẳng định Trung Quốc đâm và sử dụng vòi rồng bắn vào một số tàu Việt Nam. Sáng thứ Năm (8/5), một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc vu cáo phía Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc 171 lần trong vòng 4 ngày và cho rằng việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng thể hiện sự kiềm chế tối đa và hợp lý bởi lẽ việc khoan dầu được tiến hành trong "lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc". Đến ngày thứ Sáu (09/5), Bắc Kinh cáo buộc Mỹ cổ súy cho hành vi của Việt Nam.
Bài viết cho rằng những lập luận phản đối của Trung Quốc không mang tính thuyết phục vì lý do sẽ chẳng có đối đầu nếu nước này không triển khai giàn khoan. Việt Nam lên tiếng rằng công trình này được đặt trong thềm lục địa mà Việt Nam có đặc quyền khai thác hydro carbon và các tài nguyên khoáng sản theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc phản đối lập luận trên. Nước này đã nêu yêu sách chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông - tuyến đường thương mại sống còn của thế giới. Do đó, Trung Quốc hiện đang có xung đột với Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan, những quốc gia đang cạnh tranh lợi ích với nước này về vùng biển, các đảo và các bãi đá.

Một số chuyên gia cho rằng phía Trung Quốc triển khai giàn khoan vì các trữ lượng dầu và khí đốt mới được phát hiện gần đó. Nhưng động thái này cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với Tổng thống Obama và mối quan tâm đang ngày càng gia tăng của ông đối với khu vực châu Á.
Trong chuyến công du châu Á mới đây, ông Barack Obama đã tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ các đảo tranh chấp trong khu vực biển Hoa Đông theo hiệp ước an ninh mà nước này đã ký kết với Nhật Bản, đồng thời củng cố cam kết hiệp ước với Philippines. Washington hiện không đứng về phía nào trong các tranh chấp trên biển nhưng khẳng định các tranh chấp này phải được giải quyết một cách hòa bình.
Thứ Năm vừa qua (8/5), Trung Quốc đề nghị đàm phán với Việt Nam, nhưng với điều kiện phi lý là Việt Nam rút các tàu của mình. Hồi tháng Ba, Philippines - quốc gia thường xuyên đối đầu với Trung Quốc liên quan các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đã đưa tranh chấp một bãi đá nhỏ với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế ở La Haye theo công ước luật biển.
Theo bài viết, Việt Nam cũng nên theo đuổi cách giải quyết tương tự như vậy. Mặc dù là một thành viên tham gia ký kết công ước, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào thủ tục tài phán quốc tế đối với một số vấn đề lãnh thổ. Nếu Trung Quốc thực sự tin rằng mình có quyền khoan dầu ở gần Việt Nam, nước này không nên lo lắng khi phải bảo vệ yêu sách theo cơ chế giải quyết tranh chấp được quốc tế thừa nhận này.
Trước các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia láng giềng cần có phản ứng thống nhất. Cuộc họp thượng đỉnh của các quốc gia Đông Nam Á ở Myanmar cuối tuần này sẽ là cơ hội để đưa ra một phản ứng như vậy.
Phản ứng đó nên bao gồm việc ủng hộ việc tòa án La Haye phân xử các yêu sách trên biển, đồng thời gạt bỏ viễn cảnh về các dự án phát triển dầu khí chung với Trung Quốc.

PICS:Điểm mặt thực phẩm 'bẩn' Trung Quốc đang bán tại Việt Nam

Thị trường Việt Nam đang tràn ngập các thực phẩm bẩn, thực phẩm giả có xuất xứ từ Trung Quốc, gây nỗi lo ngại cho phần đông người tiêu dùng.
1. Hoa quả
Dù Việt Nam là đất nước nhiệt đới ôn hòa có điều kiện thích hợp cho nhiều loại trái cây phát triển nhưng thị trường, đặc biệt thị trường phía Bắc vẫn tràn ngập các loại hoa quả có nguồn gốc từ bên kia biên giới. Giá thành cực kì rẻ, gán đủ các loại nhãn mác hàng ngoại như nhập khẩu Mỹ, Nhật, Úc...hoa quả Trung Quốc từ lâu đã là món hời cho dân buôn nhưng là nỗi lo về an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng.


Các loại táo, cam vàng, nho được giới thiệu là hàng nhập từ Mỹ nếu mua ở các chợ đầu mối chỉ có giá trên dưới 100.000 đồng, các loại hoa quả bình dân hơn như cam, quýt giá từ 10.000 đến 20.000 đồng. Với giá thành như vậy, mua hoa quả Việt Nam còn khó khăn, chưa nhắc tới hàng nhập khẩu.


Theo nghiên cứu thị trường của nhiều nhà phân tích, hoa quả mang mác nhập khẩu được bày bán tại các chợ đầu mối có tới 60% xuất xứ Trung Quốc, 20% còn lại xuất xứ không rõ ràng, chỉ có một phần rất nhỏ là trái cây Việt Nam.


Không chỉ đội lốt trái cây nhập khẩu, trái cây Trung Quốc còn giả danh thương hiệu trái cây nổi tiếng Việt Nam như dâu tây Đà Lạt, nho Ninh Thuận, cam Hà Giang... Đã có rất nhiều công bố về mức độ tàn dư hóa chất độc hại có thể có trong trái cây Trung Quốc, nhưng lái buôn ham lợi, người mua non kinh nghiệm nên hàng ngày việc ăn phải trái cây không rõ xuất xứ, chứa nhiều nguy cơ độc hại vẫn diễn ra.


2. Gia cầm mang dịch bệnh, nội tạng bẩn nhập lậu

Gia cầm mang dịch bệnh

Gia cầm nhập lẩu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu không chỉ mang tới nỗi lo về nguồn thực phẩm không an toàn mà còn chứa nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm. Nhập lậu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm là vấn đề nhức nhối trong dư luận bấy lâu nay. 


Thời điểm bùng phát các loại dịch bệnh liên quan tới gia cầm, chính phủ Trung Quốc đóng cửa chợ kinh doanh nhưng lại tạo điều kiện cho các loại gia cẩm thải loại, nhiễm bệnh "tuồn" sang Việt Nam. Nguy cơ lây lan và bùng phát dịch cúm gia cầm trên diện rộng có thể rất cao bởi virus cúm gia cầm đã biến đổi, hiệu quả bảo hộ của vắc xin không đáng kể và mầm bệnh phát tán từ gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc thường trực ồ ạt tràn vào Việt Nam.


Gà thải loại, gà bị dịch từ Trung Quốc vào Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ khoảng 15.000 đồng/kg nên việc nhập lậu các loại gà này đang diễn biến phức tạp trong khi việc kiểm soát gia cầm nhập lậu của chúng ta còn tương đối lỏng lẻo.


Nội tạng bẩn nhập lậu



Thói quen tiêu thụ các loại phủ tạng động vật khá phổ biến ở Việt Nam. Nguồn cung trong nước đất đỏ, không ít lái buôn đã nhập lậu cả tấn nội tạng trâu, bò, lợn từ Trung Quốc về chế biến phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Việt. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, hầu hết các sản phẩm động vật sau giết mổ này đều bốc mùi hôi thối, không thể tái sử dụng.

3. Thực phẩm giả


Chưa bao giờ thực phẩm làm giả, thực phẩm được ngâm tẩm, chứa hóa chất lại tràn lan bày bán nhiều như hiện nay. Hầu hết đều được chứng minh có nguồn gốc Trung Quốc.

Ruốc, mực làm giả từ sắn dây

Ruốc làm từ bã sắn dây thường có màu nhờ nhờ, nhạt nhạt. Khi cho vào nước, thực phẩm giả này sẽ mềm nhũn nhanh chóng, dần chuyển từ màu vàng ươm về màu trắng bợt giống bã sắn dây. Khi ăn, ruốc giả có vị chát hoặc ngọt lạ nhờ hương liệu, bột ngọt, foocmon ngâm tẩm chứ không có vị ngọt thơm của thịt. Đặc biệt, sợi ruốc sắn dây càng nhai càng thấy rất dai.


Mực khô là món khoái khẩu của nhiều người Việt. Trên thị trường cũng đã xuất hiện không ít mực giả làm từ sắn dây. Mực giả được làm từ bột gạo, củ sắn dây, bột sắn. Khi xé ra, mực tơi xốp, bở hơn mực bình thường. 


Mực, thịt bò khô, bạch tuộc, trứng gà non giả làm từ cao su

Nhìn bề ngoài, những thực phẩm được làm giả từ cao su không có gì khác lạ, chỉ khi ăn mới thấy nhiều bất thường như độ dai, có thể kéo giãn như cao su hay có độ đàn hồi lớn. Mực, bạch tuộc làm từ cao su nướng lên có mùi nhựa cháy, không cong mà thẳng đuỗn Thịt bò khô cũng dễ dàng bắt lửa.


Trứng gà non là một thực phẩm rất bổ dưỡng và chúng hiện nay đang được làm giả rất nhiều từ cao su. Nhìn qua, chúng như thạch, mịn, lòng đỏ trứng không xốp và bột như trứng thường. Trứng giả có độ đàn hồi, uốn cong như cao su, vị nhạt, nhìn bên ngoài, những quả trứng giả này rất khó phân biệt với trứng thường.


Nếu người tiêu dùng vô tình ăn các loại thực phẩm làm giả từ nhựa và cao su này một thời gian dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ, thần kinh không ổn định, và những vấn đề về não, hoặc gây đau dạ dày, ung thư, chảy máu dạ dày.

4. Gia vị

Từ các loại gừng, tỏi, hành khô...

Sau thông tin gừng, khoai tây Trung Quốc bị phát hiện có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khiến không ít người tiêu dùng hoang mang thì các chợ đầu mối, chợ lẻ vẫn là xứ sở để tiêu thụ các mặt hàng gia vị Trung Quốc như hành củ, hàng tây, tỏi, cà rốt...


Giá các mặt hàng này rẻ như bèo, thấp hơn rất nhiều so với những loại gia vị trong nước. Đơn cử như hành củ khô, hành tây, cà rốt, gừng giá nhập khẩu chỉ khoảng 2.500 đồng/kg, tỏi 3.400 đồng/kg.


Mặc dù các loại gia vị Trung Quốc có nhiều tai tiếng về chất lượng, hàng trong nước cũng khá dồi dào nhưng vì ưu thế giá rẻ, mẫu mã đẹp, được nhà hàng, quán ăn ưa chuộng nên lượng tiêu thụ gia vị Trung Quốc khá mạnh.

Tới các loại gia vị chế biến sẵn


Trên thị trường hiện nay có nhiều loại gia vị, hương liệu mới phục vụ các bà nội trợ. Chúng hấp dẫn không chỉ vì giá rẻ, tiện lợi mà còn có hương vị thơm ngon nên được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, ít ai biết phần lớn các loại hương liệu, gia vị này là hàng trôi nổi không nhãn mác có xuất xứ từ Trung Quốc.


Quả thật, thị trường gia vị rất phong phú. Muốn hương vị nào cũng có gia vị chế biến sẵn dưới dạng bột, viên hoặc nước. Từ gia vị thịt kho tàu, bò kho, cá kho, cà ri, lẩu Thái, canh chua, phở, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang… cho đến bún riêu, bún chả, bún thang rồi đến các loại dầu giấm, nước mắm pha sẵn…Ngay cả các loại nước mát như trà chanh, sữa đậu, trà sữa...cũng đều có thể dùng thêm hương liệu hóa học giá rẻ làm tăng hương vị.


Theo một số chuyên gia, các loại chất tạo mùi bản thân đã là chất độc. Dùng trong thực phẩm bắt buộc phải là hương liệu được chế biến dành riêng cho thực phẩm, không lẫn tạp chất và phải dùng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, có giấy chứng nhận công thức hóa học. Hương liệu kém chất lượng hoặc dùng sai mục đích có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ thể, gây dị ứng, thậm chí có thể gây ung thư.

Thứ Hai, 12/05/2014 09:45 
Theo Depplus

Tướng Pháp: Hành động của Trung Quốc nằm trong tổng thể nhằm độc chiếm Biển Đông

Bằng hành động đưa giàn khoan tới cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền của mình đồng thời vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam.

Hành động này là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng đường chín đoạn mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó. Đây là nhận định của Tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu về Biển Đông có uy tín.

 

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên TTXVN tại Pháp, Tướng Daniel Schaeffer cho rằng trước hành động vi phạm quyền chủ quyền một nước như vậy, nếu cộng đồng quốc tế không làm gì để phản đối âm mưu này, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi bởi những va chạm nhỏ ban đầu sẽ dần dần trở thành sự đã rồi, bản chất vấn đề nằm ở chỗ đó.
Theo Tướng Daniel Schaeffer, Trung Quốc nói rằng họ sẽ thăm dò tại vùng biển này trong thời gian từ 4/5 đến 15/8, nhưng nói vậy không có nghĩa rằng sau 15/8 họ sẽ rút. Khi đã có một giàn khoan khổng lồ như vậy thì không có chuyện nó chỉ được đặt ở đó có 3 tháng. Chắc chắn nó sẽ tiếp tục được duy trì ở đó cho tới khi được thay thế bằng một giàn khoan cố định.

Mục tiêu tổng thể của Trung Quốc là hợp thức hóa đường chín đoạn nhằm vạch ra những không gian biển mà họ tuyên bố là có chủ quyền. Vụ việc hiện nay là một bước nối tiếp hàng loạt hành động trước đó, trong đó có việc Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thực hiện hồi tháng 6/2012 là mời các công ty nước ngoài làm việc với tập đoàn này trên 9 lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tức ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
 Thứ Hai, 12/05/2014 10:41
Theo TN (Tin Tức)

Ăn theo giàn khoan HD-981, tàu cá Trung Quốc lộng hành

Hàng chục tàu cá Trung Quốc hành nghề lưới giã cào đã tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam, cách vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 45 - 50 hải lý để bắt trộm cá.

Những ngày này, lợi dung Trung Quốc kéo và đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (HD-981) trái phép trong vùng biển của Việt Nam, ngoài các tàu của lực lượng Hải cảnh, Kiểm ngư và tàu quân sự thì hàng chục tàu cá Trung Quốc hành nghề lưới giã cào đã tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam, cách vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 45-50 hải lý để bắt trộm cá. Việc làm này khiến bà con ngư dân đang hoạt động tại ngư trường này hết sức bức xúc.
Ăn theo giàn khoan HD-981, tàu cá Trung Quốc lộng hành - Ảnh 1
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Vừa cho con tàu cá 405 CV, cập đảo Lý Sơn trong chuyến vươn khơi dài ngày trên biển bằng nghề lưới vây rút chì, ngư dân Lê Dư, chủ tàu cá QNg 96490 TS, ở thôn Đông xã An Vĩnh, cho biết: “Những ngày qua, không riêng gì ngư dân đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa gặp khó vì liên tục bị tàu Trung quốc truy đuổi, đập phá, tịch thu tài sản mà hàng chục tàu cá hành nghề vây rút chì xa bờ của ngư dân Lý Sơn cũng khốn đốn, bởi tàu cá Trung Quốc liên tục lấn sâu vào vùng biển Việt Nam để bắt trộm cá bằng hình thức tận diệt”.
“Họ vào sát đảo Lý Sơn khoảng 50 hải lý để bắt trộm cá bằng lưới giã cào chân sâu. Khi tàu mình tới, họ ỷ đông, không chỉ lấn ép mà còn giơ nắm đấm dọa nạt, quấy phá không cho ngư dân của ta thả lưới nên chúng tôi đành chịu lỗ để chạy về cập đảo” - ngư dân Dư phẫn nộ.
Ăn theo giàn khoan HD-981, tàu cá Trung Quốc lộng hành - Ảnh 2
Dù gặp khó nhưng tàu cá của ngư dân Lý Sơn vẫn ngày ngày vươn khơi Hoàng Sa.

Cùng chung cảnh ngộ, tàu cá QNg 96434 TS, của ngư dân Nguyễn Văn Trí, ở xã An Vĩnh, cũng đang hành nghề lưới vây rút chì khơi, phàn nàn: “Ra khơi gần cả tuần nhưng 14 lao động đi trên tàu chỉ khai thác được vài tấn cá vì tàu cá Trung Quốc sử dụng lưới cào bắt hết cá lớn, cá bé. Họ dàn hàng ngang mỗi tốp 3-4 chiếc, đi đến đâu là cào sạch mọi thứ.
Trước đây, chỉ 1-2 là chúng tôi có thể khai thác từ 5 -10 tấn cá nhưng từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan xuống đây, nhiều tàu cá của họ cũng xuống theo nên việc làm ăn của chúng tôi thất bát hẳn”.
Ông Lê Khuân, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, cho biết: “Dù vươn khơi lúc này là khó nhưng không vì thế mà ngư dân chùn bước. Với mỗi ngư dân đảo Lý Sơn, Hoàng Sa là máu thịt, là ao nhà mà lớp cha ông ngày trước đã đổ bao xương máu để gìn giữ, nên dù khó khăn đến mấy ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển, bám ngư trường, vừa làm kinh tế vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
23:04 PM, 11-05-2014
THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Mỹ dạy Trung Quốc về cách hành xử ở Biển Đông

(ĐSPL) – Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt trước việc Mỹ định dạy Trung Quốc về cách hành xử ở Biển Đông.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, Washington gọi việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan dầu khí ở vùng biển tranh chấp là "khiêu khích và hành vi nguy hiểm”. Mỹ cũng gọi ý định của Trung Quốc dùng tàu quân sự và máy bay để đẩy tàu Cảnh sát biển Việt Nam ra khỏi khu vực xảy ra sự cố là “áp lực có hại cho an ninh trong khu vực”.
Mỹ dạy Trung Quốc về cách hành xử ở Biển Đông - Ảnh 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki gọi việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan dầu khí ở vùng biển tranh chấp là "khiêu khích và nguy hiểm”.

Phản ứng từ bên kia đại dương gây ra một vụ bê bối ngoại giao mới trong quan hệ Trung-Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh gọi bài học mà Mỹ dạy cho Trung Quốc về cách hành xử ở Biển Đông là sự can thiệp “bất hợp pháp và vô trách nhiệm”. Bà này ngang ngược cho rằng việc lắp đặt một giàn khoan ở Biển Đông không liên quan đến Việt Nam và đặc biệt là không liên quan đến Mỹ.

***Video: Phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố của ASEAN.

Về phần mình, Việt Nam khẳng định rằng giàn khoan dầu của Trung Quốc đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu Trung Quốc cũng đã cố tình đâm vào tàu Việt Nam gây ra nhiều thiệt hại đáng kể.
Giáo sư Yevgeny Kataev ở tổ bộ môn Chính sách thế giới của Trường Kinh tế Cao cấp (Nga) nhận định: “Bắc Kinh và Washington có cách giải thích khác nhau ranh giới các vùng lãnh hải của Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định rằng 80% Biển Đông là vùng biển nội địa của Trung Quốc. Washington coi vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc chỉ hạn chế trong vòng 12,5 hải lý từ đất liền và đảo Hải Nam, ngoài ra là thuộc vùng biển quốc tế. Trung Quốc và Mỹ cũng có cách hiểu khác nhau về tự do hàng hải ở Biển Đông. Đối với Trung Quốc, đó là sự tự do đi lại của tàu buôn. Đối với Hoa Kỳ - đó là sự di chuyển không bị cản trở của tàu quân sự. Và theo Washington, Trung Quốc chính là quốc gia đặt vấn đề về hạn chế tàu chiến Mỹ và các đồng minh của Mỹ đi lại tự do ở Biển Đông.”
Theo ông Evgeni Kanaev, vấn đề Biển Đông trong mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp: “Mỹ và các đồng minh coi nam Thái Bình Dương là khu vực ảnh hưởng và kiểm soát của mình. Đồng thời Biển Đông nằm ở trung tâm của khu vực này. Bắc Kinh coi các đợt diễn tập địa chính trị là nỗ lực mới để Trung Quốc bành trướng lãnh thổ, để phát triển chiến lược chống lại những gì trái với lợi ích của nó, trái với sự trỗi dậy của Trung Quốc ra thế giới. Do đó, Biển Đông sẽ vẫn là nguồn xung đột Mỹ- Trung Quốc ở châu Á. Và nhiều khả năng mức độ nghiêm trọng của vấn đề này sẽ tiếp tục gia tăng.”

07:19 AM, 12-05-2014
VĂN LINH

TPHCM: Cháy kho hóa chất, nhiều người hốt hoảng

VOV.VN -Nhà kho bị cháy đen có nguy cơ đổ sập, nhiều tài sản bên trong bị thiêu rụi
Khoảng 20h15 ngày 11/5, kho chứa hóa chất của cửa hàng Quốc Huy số F1/3/3B đường Hương Lộ 80 (ấp 6, Vĩnh Lộc, Bình Chánh) bất ngờ bốc cháy khiến khu dân cư náo loạn.
Hiện trường nhà kho hóa chất bị cháy
Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, nhiều người dân sống trong khu vực này nghe tiếng nổ lớn phát ra từ trong cửa hàng Quốc Huy do bà Nguyễn Thị Minh Phụng làm chủ. Lúc này nhiều người chia nhau đi kiểm tra thì phát hiện lửa và khói đang bốc cháy từ trong kho chứa hóa chất và sơn PU của cửa hàng nên tri hô thông báo cháy.

Nhiều bình chữa cháy được huy động dập lửa nhưng do mùi hóa chất nồng nặc khiến mọi người bị ngạt phải bỏ chạy ra ngoài.
Nhiều tài sản trong nhà kho bị cháy rụi
Nhận tin báo, đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực I thuộc PCCC huyện Bình Chánh nhanh chóng có mặt tại hiện trường tổ chức chữa cháy. Các chiến sĩ phải đeo bình dưỡng khí kéo máy bơm phun bọt vào trong kho hóa chất dập lửa. Khoảng 20 phút sau, đám cháy được không chế và dập tắt hoàn toàn.
Nhiều người dân theo dõi vụ việc
Tại hiện trường, nhà kho bị cháy đen có nguy cơ đổ sập, nhiều tài sản bên trong bị thiêu rụi, hàng trăm thùng hóa chất và sơn PU kịp thời di dời ra ngoài, may mắn vụ cháy không gây thương vong gì về người nhưng khiến người dân một phen hốt hoảng.
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định do chập diện trong nhà kho. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ./.
Tính Lập/VOVGT-TP HCM
 

Tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu Việt Nam

TT - 10g sáng 11-5, một hồi còi dài báo động vang lên từ buồng lái, thuyền trưởng Cao Duy phát lệnh: “Đã phát hiện mục tiêu, toàn tàu vào vị trí chiến đấu”.

Hai phóng viên Tuổi Trẻ Viễn Sự và Tấn Vũ trên tàu kiểm ngư Việt Nam khi rời cảng Tiên Sa, Đà Nẵng - Ảnh do một thủy thủ trên tàu kiểm ngư chụp
Lúc này trên biển dày đặc tàu Việt Nam và Trung Quốc đang chen nhau ở thế cài răng lược. Từ mạn phải của con tàu, chúng tôi có thể quan sát thấy khá rõ giàn khoan HD981 cách tàu khoảng 5 hải lý. Cạnh giàn khoan này là hai tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc. Trên mỗi tàu có ít nhất ba khẩu pháo đang quay hướng liên tục theo đường di chuyển của các tàu Việt Nam. Trung Quốc còn bố trí ba tàu quân sự cùng khoảng mười tàu hải giám và hải cảnh có trọng tải khoảng 5.000 tấn để bảo vệ giàn khoan HD 981. Ở khoảng cách xa hơn và luôn di chuyển cơ động để uy hiếp tàu Việt Nam là hàng chục tàu hải giám và hải cảnh khác của Trung Quốc.
Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ, có khoảng 80 tàu vây quanh giàn khoan HD 981. Ở vị trí này, các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam xuất hiện cũng khá nhiều và liên tục di chuyển để đề phòng sự tấn công của tàu Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ những tàu Việt Nam khác đang có dấu hiệu bị tàu Trung Quốc tấn công.
10g20, chuông báo động lại vang lên. Thuyền trưởng Cao Duy thông báo có ít nhất tám tàu Trung Quốc đang quay mũi trực tiếp vào các tàu kiểm ngư Việt Nam. Các kiểm ngư cho biết đây là cách “chào sân” quen thuộc mấy ngày qua mà các tàu Trung Quốc thường xuyên làm với tàu Việt Nam. Và gần như ngay lập tức, một máy bay của Trung Quốc không rõ số hiệu cũng xuất hiện, quần thảo trên bầu trời tại vị trí các tàu Trung Quốc đang tấn công tàu Việt Nam.
10g35, nhóm tàu Trung Quốc tách tốp, ba chiếc lao trực diện vào tàu kiểm ngư của Việt Nam, năm chiếc tăng tốc bọc ra phía sau, tìm cách đâm vào hông tàu của ta. Âm mưu này của các tàu Trung Quốc bị các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam ngăn chặn, khiến đội hình tấn công gồm tám tàu Trung Quốc bị xé lẻ. Tuy nhiên chiếc tàu to nhất trong nhóm tàu của Trung Quốc là tàu hải giám 3401 vẫn không từ bỏ mục tiêu, tiếp tục lao thẳng vào tàu kiểm ngư của Việt Nam. Khi tàu hải giám Trung Quốc cách tàu kiểm ngư của Việt Nam (có trọng tải 4.000 tấn) chừng 200m thì đổi hướng, quay sang tấn công tàu cảnh sát biển 4032 của Việt Nam. Lúc tàu hải giám chuẩn bị đâm ngang mạn phải thì tàu cảnh sát biển 4032 tránh được cú đâm này.
Từ sáng đến chiều tối qua, các tàu vận tải của kiểm ngư Việt Nam tiếp tục nhiều lần bị tàu hải giám của Trung Quốc truy đuổi nhưng các thuyền viên trên tàu Việt Nam đã không để các tàu hải giám Trung Quốc thực hiện được ý đồ này.
Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Tạo - một chỉ huy của lực lượng kiểm ngư đang có mặt tại đây - cho biết trong hai ngày qua các tàu Trung Quốc có giảm bớt sự hung hăng, trong khi đó các tàu Việt Nam đã có kinh nghiệm tác chiến nhiều hơn, nên các tàu Trung Quốc không còn áp sát được để xịt vòi rồng như trước. Tuy nhiên, việc truy cản của các tàu Trung Quốc đang hết sức manh động. Tàu Trung Quốc còn dùng thêm loa công suất lớn áp sát gây tiếng ồn với tần số âm thanh cực lớn. Vào ban đêm, tàu Trung Quốc dùng đèn pha rọi thẳng vào các tàu Việt Nam.
PV Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục tường thuật diễn biến nóng trên biển trong các số báo tới.

12/05/2014 08:28 (GMT + 7)
VIỄN SỰ -TẤN VŨ

Bàng hoàng đề thi Sử đến… chuyên gia cũng xin nhận điểm 1

(Dân trí) - Một đề thi môn Lịch sử của lớp 10 được đăng tải trên một số diễn đàn, trang Facebook làm nhiều người không khỏi bàng hoàng. Chỉ để đọc hết đề bài cũng khó đủ thời gian chứ chưa nói đến việc làm bài.

Đề thi chỉ hai câu nhưng kéo dài… kín mít hai trang giấy với thời gian làm bài là 45 phút (không kể thời gian phát đề). Chưa bàn đến mức độ khó cũng đã làm nhiều cộng đồng mạng, giáo viên, chuyên gia giáo dục… phải toát mồ hôi trước đề thi này.
Đề thi Sử làm nhiều người không khỏi... hết hồn

Đề thi Sử làm nhiều người không khỏi... hết hồn
Đề thi Sử làm nhiều người không khỏi... hết hồn.

“Kính mời các thầy cô dạy môn Lịch sử ở khắp mọi miền ngồi vào vị trí của học sinh thử làm bài xem ạ?”; “45 phút đọc còn không xong đề, sao bắt tụi nhỏ làm hả trời” -là một trong các ý kiến bình luận.

Một thạc sĩ phải thốt lên chấp nhận mình “dốt” trước đề thi này: “Phần mình, nói thiệt chỉ một việc đọc cho xong 2 trang giấy A4 chi chít chữ như thế này đã quá là choáng rồi, chưa nói đến chuyện đọc - nghĩ - nhận định - trả lời. Thôi tự nhận điểm 1 cho nó lành”.

Và theo người này, chưa nói đến việc dạy, đề thi kiểu này thì việc có hàng ngàn điểm 0 môn Sử trong các kỳ thi là chuyện… hết sức bình thường, không có gì phải sốt sắng. Cũng như lý do vì sao các em lại “quay lưng” với môn Sử, chỉ rất ít em chọn môn thi này trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng bày tỏ sự “thán phục” với sự dày công, công phu của người ra đề thi. Đây được cho là đề thi cuối kỳ lớp 10 của một trường THPT ở Cần Thơ.
Chủ Nhật, 11/05/2014 - 10:23
Hoài Nam

Chủ giàn khoan Hải Dương 981 là ai?

Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Anh quốc
01:54 GMT - thứ sáu, 9 tháng 5, 2014
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) vào trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Dàn khoan HD 981 là thuộc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).
Nhưng cụ thể CNOOC là công ty gì? Tại sao họ lại tiến hành một vụ việc như thế lúc này?

Kiếm dầu

Được thành lập năm 1982, CNOOC là một trong 116 doanh nghiệp nhà nước (SOEs) thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc (SASAC).
Theo Tạp chí Fortune, năm 2013, CNOOC có đến 102,562 nhân viên và có doanh thu lên tới 83.5 tỷ USD. Và với mức doanh thu cao như vậy, CNOOC được tạp chí này xếp thứ 93 trong số 500 tập đoàn, công ty có doanh thu lớn nhất trên thế giới.
CNOOC thậm chí được xếp trên hai hãng nổi tiếng là Sony (thứ 94, doanh thu 81.9 tỷ) và Boeing (thứ 95, doanh thu 81.7 tỷ).
Hơn nữa, xét về mặt lợi nhuận, CNOOC cũng không thua bao nhiêu so với Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec). Năm 2013 lợi nhuận của CNOOC là 7,7 tỷ, trong khi đó Sinopec chỉ có 8.2 tỷ dù doanh thu của tập đoàn này lên tới 428.2 tỷ và được Fortune Global 500 xếp ở vị trí thứ tư.
Dù bị xếp sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) và Sinopec trong lĩnh vực dầu khí, CNOOC là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi.
Đây cũng là nhiệm vụ chính của công ty này.
Theo một bài nghiên cứu có tựa đề ‘China's State-Owned Enterprises: How Much Do We Know? From CNOOC to Its Siblings’, được phổ biến vào tháng 6 năm 2013, của Duanjie Chen thuộc Đại học Calgary, Canada, trong thời gian đầu CNOOC chủ trương hợp tác với các công ty nước ngoài để thăm dò, khai thác dầu ở ngoài khơi Trung Quốc.
Một sự hợp tác như vậy không chỉ giúp CNOOC tìm nguồn vốn mà còn có thể tiếp cận, sử dụng các công nghệ tiên tiến của những công ty ấy.
Hơn nữa, khi tiếp xúc và quan sát cung cách kinh doanh của các tập đoàn lớn trên thế giới, CNOOC cũng đã học được cách làm ăn và cạnh tranh.
Nhờ vậy, CNOOC đã lớn mạnh rất nhanh về nhiều mặt.
Trái hẳn với thời gian đầu, giờ CNOOC được trang bị các phương tiện, kỷ thuật hiện đại có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi.
Giàn khoan HD 981 là một ví dụ.
Được biết, CNOOC đã đầu tư đến 923 triệu USD và mất ba năm để xây dựng giàn khoan này. HD 981 là một giàn khoan nước sâu khổng lồ – nặng đến 31,000 tấn, dài 114 m, rộng 90 m, cao 137.8 m – và có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m.
HD 981 đã được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 09/05/2012 khi tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một vị trí trên Biển Đông, cách Hong Kong 320 km.
Ngoài việc phát triển, trang bị kỷ thuật hiện đại, CNOOC còn tìm cách ký kết các hợp đồng (mua bán, hợp tác) với nhiều công ty khác trên thế giới để thăm dò, khai thác dầu khí.
Tiêu biểu cho các hoạt động ấy là việc CNOOC mua Nexen – một tập đoàn năng lượng của Canada – với giá 15,1 tỉ USD vào đầu năm 2013. Đây là thương vụ mua lại công ty nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc và cũng là một vụ mua bán gây nhiều tranh cãi ở Canada.

‘Cơn khát dầu'

Xây dựng giàn khoan HD 981 hay bỏ hơn 15 tỷ để mua lại một công ty nước ngoài của CNOOC tất cả đều nhằm mục đích kiếm dầu để đáp ứng ‘cơn khát’ dầu của Trung Quốc.
Trong bài viết ‘CNOOC’s Offshore Strategy Intensifies’, đăng trên mạng Energy Tribune hôm 18/07/2013, Tim Daiss cho rằng nhiệm vụ mà Bắc Kinh giao cho Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương là phải tìm kiếm được nhiều dầu khí chừng nào có thể.
CNOOC là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của Trung Quốc, sau CNPC và công ty mẹ của Sinopec. Khai thác dầu ngoài khơi TQ và cả ở Indonesia, Úc, Nigeria, Uganda, Argentina, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Brazil. Tháng 2/2013, CNOOC đã thành công trong vụ mua công ty dầu Canada, Nexen Inc. trong thương vụ 15,1 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử mua đứt lại công ty nước ngoài của TQ."BBC Monitoring
Năm 2005, Tập đoàn này đề nghị mua Unocal – công ty dầu lớn thứ tám tại Mỹ – nhưng đã thất bại vì Hạ viện Mỹ không tán thành việc mua bán đó. Unocal sau đó đã được bán cho Chevron, công ty dầu khí lớn thứ hai tại Mỹ, với giá 17.1 tỷ – ít hơn giá mà CNOOC đề nghị là 18.5 tỷ USD.
Các dân biểu Mỹ không đồng ý thương vụ ấy vì họ e ngại nó sẽ tác động xấu đến an ninh Mỹ dù Unocal chỉ chiếm 0.8% số lượng dầu sản xuất tại đây.
Trung Quốc và CNOOC không hài lòng về quyết định của Unocal vì họ không thể có thêm được một nguồn cung cấp dầu quan trọng.
Vì quá cần dầu khí – và việc tìm các nguồn dầu khí từ các nước khác trên thế giới lại không dễ dàng – Trung Quốc luôn nhóm ngó các vùng biển đang có tranh chấp – hay thậm chí thuộc chủ quyền của một số nước – trong khu vực, như Biển Đông.
Biển Đông được coi là một trong những vùng biển chứa nhiều khí đốt.
Trong bài ‘China’s territorial sovereignty dispute is all about energy’, được đăng trên trang mạng của Global Risk Insights hôm 22/01/2014, Becca Cockayne nhắc lại rằng vào tháng 11 năm 2012, CNOOC đã ước tính khu vực này chứa khoảng 125 tỷ thùng dầu.
Hơn nữa, như tựa đề của bài viết mô tả tác giả này cho rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông đều liên quan đến dầu khí.
Cụ thể việc Trung Quốc quyết đình đưa giàn khoan HD 981 vào một vị trí nằm trong EEZ hay có những động thái khá hung hăng ở Biển Đông trong thời gian qua không ngoài tham vọng lấn chiếm phần lớn vùng biển này và qua đó có thể độc quyền khai thác dầu khí ở đây.
Khi CNOOC tìm cách mua Nexen, có người trong dưới phân tích cho rằng ngoài việc tìm kiếm thêm một nguồn năng lượng cho Trung Quốc, CNOOC còn muốn tiếp cận kỹ thuật hiện đại để có thể tiến hành thăm dò và khoan dầu tại những địa điểm sâu ở Biển Ðông.
Cách đây hai năm – khi CNOOC hạ thủy giàn khoan HD 981– có không ít người cho rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan này vào thăm dò và khoan dầu tại những vị trí đang tranh chấp hay thuộc chủ quyền của một số nước ở Biển Đông.
Nay thì sự việc đang diễn ra đúng như vậy.
Bài viết thể hiện cách nhìn của tác giả Đoàn Xuân Lộc, một nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Global Policy ở London.

“Trong tháng 5, Trung Quốc phải rút giàn khoan” ??


(Kênh 13) – “Vì bản chất câu chuyện này, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đâu phải để khoan dầu mà chỉ để xem thái độ và phản ứng của chúng ta thôi…”, Tướng Lê Mã Lương nhận định.
“Việt Nam không bao giờ mắc bẫy Trung Quốc vì chúng ta biết quá rõ cái bẫy mà Trung Quốc đang giăng, chúng ta kiềm chế không dùng vũ lực, không sử dụng vũ khí nóng…”- Tướng Lê Mã Lương (ảnh) - nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự nhận định về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.
Tướng Lê Mã Lương
Tướng Lê Mã Lương
Thưa ông, liên quan đến việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam, dù tình hình căng thẳng nhưng Việt Nam đã rất kiềm chế. Liệu trong tình huống hiện nay, “một sự nhịn” này có phải là “chín sự lành” không, hay chúng ta càng nhịn, Trung Quốc càng lấn tới?
- Trung Quốc ngang ngược như vậy là sự tất yếu của một chuỗi dài hành động mà họ âm mưu hòng chiếm trọn Biển Đông. Không chỉ có Biển Đông, xa hơn nữa Trung Quốc muốn dành quyền chủ động ở khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là mấy cửa biển, trong đó có eo biển Malacca. Trong việc đưa giàn khoan HD 981 đến lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam không phải đơn thuần là để khai thác dầu mà có hai ý đồ.
Một là, để thăm dò phản ứng của Việt Nam và dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Có điều rất tốt là Mỹ lên tiếng kịp thời, phản đối sự vi phạm của Trung Quốc đối với quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Hai là Trung Quốc thế hiện tham vọng cướp Biển Đông và thế giới đã biết được những tham vọng này của họ.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi tàu kiểm ngư Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi tàu kiểm ngư Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam.
Những cuộc đụng độ vừa qua, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, không chỉ lần vừa rồi chúng ta kiềm chế mà đó là cả một chuỗi kiềm chế của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc vô cùng ngang ngược, có những tàu của Việt Nam bị đâm tới 9 lần, thiệt hại nặng… Chúng ta đã kiềm chế hết mức, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mọi thứ đều có giới hạn. Khi đã đến giới hạn rồi, buộc các tàu của chúng ta phải có hành động đáp trả tương tự.
Trong xu thế hiện nay, Trung Quốc không muốn có chiến tranh. Không phải Trung Quốc nói đánh ai là đánh được đâu, nhất là hiện nay nội bộ Trung Quốc đang còn nhiều vấn đề nổi lên như Tân Cương, Tây Tạng… Không phải Trung Quốc muốn làm gì thì đều làm được.
Ngoài ra, các nước trong khu vực cũng không nước nào muốn có chiến tranh. Vì xảy ra chiến tranh giữa hai nước không chỉ có thiệt hại đối với hai nước mà ảnh hưởng đến phạm vi toàn cầu. Chỉ riêng mặt kinh tế, có nguy cơ khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu.
Nhưng có ý kiến cho rằng, cách gây hấn, khiêu khích của Trung Quốc như chủ động tấn công vào tàu Việt Nam là nhằm để Việt Nam rơi vào bẫy mà họ giăng ra và Trung Quốc có lý do để khơi mào xung đột quân sự?
- Chúng ta không bao giờ mắc bẫy Trung Quốc vì chúng ta biết quá rõ cái bẫy mà Trung Quốc đang giăng vì thế chúng ta kiềm chế không dùng vũ lực, không sử dụng vũ khí nóng. Những người lính Việt Nam không bao giờ mắc bẫy Trung Quốc. Khi Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, chúng ta chịu đựng đến một giới hạn nào đó và chúng ta cũng sẽ đâm tàu trở lại và khả năng buộc Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển của Việt Nam là rất lớn.
Cũng có người cho rằng, Trung Quốc không chịu lùi bước, nhưng theo tôi, Trung Quốc sẽ không chịu nổi dư luận của thế giới. Trung Quốc mà tiếp tục làm nữa thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của Trung Quốc trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực ASEAN, bản thân Trung Quốc là một trong những nước ký DOC, nhưng chính Trung Quốc lại đang vi phạm những nguyên tắc đã ký với ASEAN về DOC. Dư luận thế giới càng mở rộng ra thì ảnh hưởng càng lớn và Trung Quốc sẽ phải xem xét để điều chỉnh.
Vì bản chất câu chuyện này, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đâu phải để khoan dầu mà chỉ để xem thái độ và phản ứng của chúng ta thôi. Việt Nam phải phản ứng quyết liệt, dùng mọi biện pháp cứng rắn hòa bình, dùng đường dây nóng để phản đối. Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ lùi bước, trong phạm vi tháng 5 này, họ sẽ phải rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Quan điểm của ông như thế nào về khả năng Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines đang làm?
- Tôi tán thành với việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Như vừa qua, Philippines đưa Trung Quốc ra tòa, rõ ràng Trung Quốc xuống thang với Philippines ngay biểu hiện ở những động thái Trung Quốc lên án Philippines “không nên làm như thế này, thế kia…”. Bản thân Trung Quốc đã thấy được việc đó làm phương hại đến uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế. Để thực hiện tham vọng một nước Trung Hoa phát triển, “giấc mơ Trung Hoa” là muốn lãnh đạo cả thế giới này, đó là bước đi chiến lược của Trung Quốc thì Trung Quốc cần phải giữ hình ảnh.
Chúng ta nên làm nhưng với thái độ mềm mỏng và kiên quyết, bởi với Trung Quốc “mềm nắn, rắn buông”.
Xin cảm ơn ông!
Mỹ phản đối hành động gây hấn của các tàu Trung Quốc
Chiều 8.5, tại Hà Nội, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đang ở thăm Việt Nam, đã có cuộc gặp báo chí, khẳng định Mỹ ủng hộ việc xử lý căng thẳng hiện nay trên Biển Đông theo đàm phán hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 đến khu vực biển của Việt Nam mà không được sự cho phép, ông Daniel Russel nhấn mạnh, những tranh chấp về tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển, trong đó có vùng biển liên quan đến quần đảo Hoàng Sa phải được xử lý một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế. Về hành động Trung Quốc ngang ngược đâm tàu của Việt Nam, ông Russel cho biết, Mỹ rất quan ngại về bất cứ hành vi nguy hiểm nào trên biển, và phản đối bất cứ động thái hăm dọa nào của các tàu, đặc biệt là ở những vùng biển đang tranh chấp.
Ông Daniel Russel khẳng định : “Mỹ đã có quan điểm rõ ràng về cam kết tự do hàng hải, thương mại hợp pháp. Vì vậy, tôi thúc giục các quốc gia trong khu vực kiềm chế các động thái có thể đe dọa hòa bình và gia tăng căng thẳng. Nếu các kênh ngoại giao không đem lại kết quả, các bên có quyền vận dụng các cơ chế quốc tế hợp pháp, song kiềm chế, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế là việc cần thiết nhất”. Ông Daniel Russel cũng cho biết, trong các cuộc gặp với giới chức Việt Nam, không có bất cứ đề xuất nào từ phía Việt Nam về vai trò của quân đội Mỹ. Nếu có, ông cũng nhấn mạnh quan điểm là các bên phải giải quyết hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Vi phạm tín hiệu đèn, dùng gạch đánh CSGT

(Dân trí) - Phát hiện người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông, chiến sỹ CSGT, Công an TP Thanh Hóa ra tín hiệu dừng kiểm tra hành chính, người điều khiển phương tiện đã hành hung người thi hành công vụ.

Thông tin từ Công an TP. Thanh Hóa cho biết, vào lúc 10h sáng 10/5, trong khi đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Đại lộ Lê Lợi, TP. Thanh Hóa, Đại úy Ngô Hồng Hải - Đội CSGT,Thanh Hóa phát hiện một thanh niên điều khiển xe vi phạm tín hiệu đèn đỏ.
Trần Quang Độ tại cơ quan công an
Trần Quang Độ tại cơ quan công an
Ngay lập tức, Đại úy Hải ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không chấp hành lệnh, sau một hồi chống cự còn đánh lại và dùng gạch đập vào đầu làm Đại úy Hải bị thương.
Sau khi hành hung CSGT, thanh niên này lên xe bỏ chạy. Trước hành động coi thường pháp luật của nam thanh niên, người dân đã gọi điện báo lực lượng CS113, đồng thời đưa Đại úy Hải đi cấp cứu. Một số người còn dùng điện thoại quay lại hình ảnh sự việc và đưa lên mạng xã hội.
Hình ảnh cắt từ clip.
Hình ảnh cắt từ clip.
Đến 14h cùng ngày, Công an đã bắt giữ đối tượng Trần Quang Độ (SN 1994), ở phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa vì đã có hành vi chống người thi hành công vụ.
Hiện vụ việc đang được Công an TP. Thanh Hóa điều tra làm rõ.
Duy Tuyên

Mối nguy TQ và cơ hội cho VN

Võ Thị Hảo
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Berlin
Hôm 11/5 là ngày Chủ nhật Đỏ Việt Nam.
Ba miền biểu tình. Nhiều nơi ở hải ngoại biểu tình. Được nhà nước “bật đèn xanh” chứ tạm thời chưa thấy đàn áp.
Trước đây những nhân sĩ trí thức, bloger, người xuống đường bày tỏ ý chí phản đối Trung quốc xâm lược đã bị nhà cầm quyền cho công an, thậm chi những kẻ đội lốt côn đồ- đến ngăn cấm, đe dọa, hành hung, đạp vào mặt, léo lê trên đường, vu khống là phản động, o ép cắt đứt kế sinh nhai của họ, thậm chí bỏ tù nhiều người bằng cách viện dẫn những điều luật trái Hiến pháp. Nay chính quyền lại ngầm “bật đèn xanh” cho báo chí đưa tin về tàu chiến Trung Quốc xâm lược, và đặc biệt, cho những cuộc biểu tình rầm rộ hàng vạn người ở nhiều tỉnh thành trong nước.
Động cơ nào chi phối sự thay đổi này? Nhiều người đặt câu hỏi: có thành thật không, hay đó là màn chót của một “vở diễn bảo vệ chủ quyền” để xoa dịu lòng người dân yêu nước, khi lâu nay sự đớn hèn của một số người cẩm quyền đã “mở cửa hang cừu” cho “con sói” đặt vào từng chân một mà cấm dư luận phản đối hoặc chỉ phản đối một cách chiếu lệ để con sói có đủ thời cơ khoét sâu ngách hang kiên cố của nó trong ổ cừu. Khi tàu chiến Trung Quốc cùng giàn khoan khổng lồ đã chốt chặt ở Biển Đông, thì con sói giơ chiếc chân thứ 4 vấy máu lên từ trong ổ cừu và nói rằng bữa tiệc cừu đã xong.
Nếu thực sự bữa tiệc cừu đã xong, thì việc dân biểu tình hoặc báo chí được phép đưa tin bây giờ(còn ngày mai và sau nữa thì có thể sẽ lại bị cấm như trước đây), chỉ là màn chót ve vuốt, chỉ là để xì bớt hơi quả bóng quá căng đầy phẫn nộ của người dân khỏi phát nổ mà đe dọa đến địa vị và quyền lợi riêng của họ - điều mà có nhiều lý do để nghi ngờ rằng họ lo sợ hơn là họa mất nước?!
"Cơ sở nào để người dân tin rằng việc làm của nhà cầm quyền là thành thật? Là sẽ không có những cuộc tráo trở về sau?"
Và sau khi quả bóng xì bớt hơi, sói trong hang cừu yên ổn, tiếp tục xơi những chú cừu khác. Những người xuống đường trong Ngày Chủ nhật Đỏ được “bật đèn xanh” hẳn là yên ổn. Nhưng số phận những người biểu tình sau này sẽ ra sao ?
Cơ sở nào để người dân tin rằng việc làm của nhà cầm quyền là thành thật? Là sẽ không có những cuộc tráo trở về sau? Cần phải theo dõi và giám sát. Vấn đề là hành động chứ không phải là lời nói
Dẫu sao, ngày Chủ nhật Đỏ cũng bộc lộ được sự nồng nhiệt của người Việt Nam trước nguyện vọng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nhưng người dân cũng đừng quên điều cốt tử: người dân chỉ thực sự có chủ quyền trên đất nước của mình khi vấn đề đó phải gắn chặt với một thể chế minh bạch, có dân chủ, tự do, thiết lập khoa học quản trị vận hành quốc gia tốt. Nếu không, chúng ta sẽ vẫn mãi lê bước lưu vong trên chính đất Mẹ của mình như xưa nay mà thôi.

Tại sao Trung Quốc xâm lược?

Câu hỏi này có vẻ quá dễ trả lời. Thì vì bành trướng bá quyền chứ sao.
Tiếc rằng không chỉ đơn giản như vậy. Một trong những nguyên nhân để Trung Quốc ngày nay luôn muốn xâm lược và có thể xâm lược được Việt Nam là do nhà cầm quyền không đủ, thậm chí đã tự tước bỏ sức mạnh nội tại. Đó mới là điều quan trọng nhất để bảo vệ chủ quyền.
Nhà cầm quyền Việt Nam thực ra cũng đã thử nhiều cách, trong đó hy vọng tựa vào bộ xương mủn nát ý thức hệ cộng sản mác xít và ý thức hệ, thể chế xã hội chủ nghĩa để mong con rắn cùng phe ta thì không xâm hại. Nhà cầm quyền cũng đã cạn mỹ từ và những lời đong đưa để ve vuốt con rắn. Nhưng kết quả thì thảm hại.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã tự tước đoạt thứ vũ khí cơ bản nhất để con rắn không nuốt nổi: sức mạnh nội tại của lòng dân, chỉ có thể có được khi có một thể chế dân chủ và minh bạch, và một liên minh thực sự, chân thành, toàn diện với những nước phát triển, tự trọng và có tiềm lực trên thế giới.
Hãy biến ngay nguy cơ, hiểm họa hiện nay thành thời cơ đắc lợi."

Thời cơ thoát vòng nô lệ

Xét về sức mạnh quân sự, chính trị và ngoại giao hiện thời, Việt Nam không thể khởi động một cuộc chiến tranh vì sẽ trăm phần trăm là thất bại nếu áp dụng phương pháp chiến tranh truyền thống. Việt Nam cũng không thể thêm một lần dại dột đem xương máu của người dân Việt làm đấu trường cho những mục đích quyền lợi của các tay siêu cường tham lam. Không thể buộc dân mình thêm những lần chết để nếu sống, thì lại phải lưu vong khốn khổ trên đất nước mình nếu kết cục vẫn chỉ là một chính thể độc tài và lạc hậu.
Hãy biến ngay nguy cơ, hiểm họa hiện nay thành thời cơ đắc lợi.
Hãy đảo ngược tình thế bằng những biện pháp mà các chuyên gia chính trị và hầu hết mọi người đều nhìn thấy: hãy dùng mọi hành động, biện pháp và sự chân thành tối thiểu đạt chuẩn văn minh để thiết lập ngay một khối liên minh toàn diện, đặc biệt là về quân sự với Mỹ, khối Nato và khối EU để nhân lên gấp trăm ngàn lần sức mạnh quân sự và chính trị của Việt Nam. Khi đó Việt Nam sẽ thoát khỏi phận con ếch èo uột, trở thành con cua mà con rắn không thể nuốt trôi.
Và mọi người đều biết rằng, muốn làm được điều đó, cốt tử là phải cải cách thể chế chính trị này một cách toàn diện.
Hãy gắn cuộc biểu tình Đỏ này với những kiến nghị cấp bách, không khoan nhượng đối với chính quyền về dân chủ, tự do, nhân quyền và cải cách triệt để thể chế.
Bài viết nêu quan điểm riêng của một nhà văn sống ở Hà Nội, được viết khi đang thăm Berlin, Đức.