Wednesday, May 24, 2017

‘Tiến Quân ca được cấp phép’ hay nhân quyền hình thức?

Anh Văn-25-05-2017 
(VNTB) - Hiến Pháp nhà nước – văn bản luật tối cao của 1 chính thể, quốc gia đã bị tầm thường hóa thành một văn bản… giấy lộn.


Ca khúc lâu đời bị “bạt tay”

Tiến Quân ca được Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã “cập nhật, bổ sung” danh sách 324 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó phần lớn là các ca khúc nhạc đỏ rất quen thuộc với công chúng.

Ca khúc có từ năm 1944 – là Quốc ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1946, là Quốc Ca của CHXHCN Việt Nam năm 1975. Nhưng gần đây nó mới được cho phép “phổ biến rộng rãi”.

Nghĩa là dù được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam công nhận, dù được ghi trang trọng vào Hiến Pháp là Quốc Ca, thì số phận của bài hát này cũng chỉ là mới được… cập nhật, bổ sung.

Đó là câu chuyện bi hài? Không – đó là câu chuyện rất đúng quy trình tại một nhà nước XHCN chất phác, ngây thơ như Việt Nam.

Việt Nam nói và làm? Giờ đây dưới mái hiên nhà XHCN, Việt Nam nói một đàng, làm một nẻo. Là trạng thái mất nhận thức về nhiều mặt trong đội ngũ công chức của bộ máy chính trị - nhà nước.

Chính vì vậy, cái tưởng chừng như đơn giản và thuần túy như Quốc Ca, giờ đây lại trở thành câu chuyện đầu đường của không ít người.

Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam đã bị hạ nhục một cách công khai chỉ với cụm từ “cập nhật, bổ sung”. Hàng triệu người từng hát Quốc ca cũng bị “đưa tay chạm má” với quyết định này của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Và quan trọng hơn, cái Hiến Pháp nhà nước – văn bản luật tối cao của 1 chính thể, quốc gia đã bị tầm thường hóa thành một văn bản… giấy lộn.

Nhân quyền ghi nhận Hiến pháp đầy… sáo rỗng

Câu chuyện Quốc ca cũng là câu chuyện cách ứng xử Nhân quyền của Việt Nam. Một thứ Nhân quyền lý thuyết, sáo rỗng và đầy tính chất giả tạo.

Nhà nước đã ghi nhận gần như đầy đủ các quyền cơ bản vào Hiến Pháp, và cũng gần như từng ấy quyền chưa hoặc thực thi không đúng bản chất của nó. Vì thế, cứ vào năm mới, chính quyền Việt Nam lại bắt đầu ca vang bài ca “bắt-thả” những người dám phê phán Chính phủ, cáo buộc họ có động cơ chính trị như “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Đàn áp tiếng nói hay quyền tự do dân luận một cách công khai, và tất nhiên là hoàn toàn “tùy tiện” theo cách của nhà nước. Trở thành một món quà chuộc để có thể tiến tới một sự “vay mượn” từ lợi ích bên ngoài cho thể chế.

Ông Ban Ki-moon và khẩu hiệu cổ vũ nhân quyền
Tác giả Thiền Lâm trong nội dung bài trên Việt Nam Thời Báo phải thừa nhận rằng, “bầu không khí cải thiện nhân quyền không hé lộ một chút gì đỡ u tối” hơn.

Hàng loạt vụ bắt giữ những nhà báo, blogger, nhà hoạt động Nhân quyền tiếp tục diễn ra trong năm nay, để làm gì? Có phải đó là cách mà nhà nước dùng số lượng đó để “thương lượng” với một đối tác thương mại ưa thích là Mỹ? Là quốc gia có thể hỗ trợ chính thể Việt Nam bớt sụt bại trong cuộc chơi kinh tế? Và đó sẽ lại là một chủ đề rất quen mang tính “đổi chác” tại Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt kỳ 21?

Chỉ biết rằng, Nhà nước đã sử dụng thành thạo và có phần tinh vi với cuộc chơi nhân quyền. Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất cho quyền LGBT phát triển để tạo điểm son, và bắt nhà đấu tranh nhân quyền về chính trị - kinh tế - văn hóa – giáo dục để trao đổi lợi ích. Đó là cuộc chơi 2 mặt đầy thô bỉ, hèn hạ và có phần mang tính bất nhân mà nhà cầm quyền – những nhóm người đứng lên trên Hiến Pháp để thực hiện nó.

Kết

Quốc Ca rồi sẽ qua, nhà thơ, hoạ sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết “gia đình không quan tâm việc ca khúc Tiến quân ca vừa được thông báo phổ biến bởi lâu nay nó đã ở trong lòng nhân dân Việt Nam.”

Nhưng câu chuyện Nhân quyền, dù cùng một cách bị ứng xử nhưng nó cần phải được quan tâm, thậm chí phải là sự “quan tâm thái quá”. Phải làm sao mỗi một người đấu tranh bị bắt thì người dân phải biết và họ phải đau. Họ phải nói lên, hành động để đứng bên cạnh những nhà đấu tranh nhân quyền, nếu không, thì những nhà đấu tranh sẽ mãi là một con tốt thí của nhân quyền, là ngôi sao đơn lẻ trong một xã hội mà họ muốn nó tốt lên.

Về phía nhà nước, khi “lòng dân” chưa chú tâm, thì Nhà nước vẫn thoải mái sử dụng luật pháp mù mờ để hành xử, thậm chí, ở mức nào đó có thể dùng “đặc công” để chống lại nhân quyền.

‘Sớm ban hành Luật Biểu tình chính là ‘trả nợ nhân dân’

Chim Báo bão-25-05-2017
(VNTB) Tháng 2 năm 2017, tôi có một chuyến đi đến thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa, tới một khu nhà toàn những biệt thự chủ yếu của nhà giàu và cán bộ. Giữa khu đô thị thu nhỏ ấy, tất thảy đất thịt đều đã bị phủ xi măng. Nhiều nơi trên nước Việt Nam bây giờ như vậy, có những đứa bé đã bốn-năm tuổi mà từ lúc sinh ra chưa bao giờ được đặt chân trần lên đất thịt, vì đâu còn đất thịt nữa.

Giữa thành phố Vũng Tàu, đây có lẽ là một hình ảnh hiếm hoi. Hai em trai đang bắt cá thìa-lia ở trong một cái vũng nước hoang. Vào mùa này, Vũng Tàu trời nắng, vũng nước teo tóp lại đến bằng chỉ một cái bàn. Tôi đã được trông thấy niềm vui bắt cá đến độ nghiêm nghị của hai em. Không phải là con nhà giàu, nhưng hai em cũng mặc quần áo mới, và không tiếc bộ quần áo mới đó. Trong hàng chục ngàn thiếu nhi ở Vũng Tàu, có còn mấy đứa được bắt cá, được có tuổi thơ đồng nội như thế này nữa? Hỏi vậy cũng như hỏi rằng, trong cả thành phố Vũng Tàu kể cả ngoại ô, còn có bao nhiêu ao cá chưa bị lấp đi mà xây ki-ốt nữa. 

Tại thành phố này, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt với tình trạng vô chính phủ trên đất nước Việt Nam. Hàng loạt những cánh đồng bờ xôi ruộng mật, những ao hồ đang bị san lấp ngày đêm để phân lô bán nền. Giữ được những vườn rau, những ao hồ kênh rạch bỗng dưng trở thành những việc khó. 

Trong bức ảnh này, một bác nông dân đang chăm sóc vườn rau của mình. Lúc tạm ngơi công việc, bác đến nói chuyện với tôi. Bác chia sẻ rằng đến việc làm nông dân cũng không xong nữa: vườn rau thì bị quấy, đưa ra ra chợ cũng bị quấy. Nhưng bác không sợ gì cả, vẫn kiên quyết giữ vườn rau. Vào mỗi buổi sáng, bác vẫn ra làm. Tuy tuổi đã cao nhưng thân thể bác vẫn rất rắn chắc. Bác hỏi, tôi đáp mình là sinh viên, ở Sài Gòn xuống Vũng Tàu chơi. Bác lại hỏi tiếp, là sinh viên trường nào, nếu là sinh viên thì có quan tâm đến đất nước, đến Hoàng Sa- Trường Sa hay không. Rồi bác nói rằng bác phát ngôn về Hoàng Sa- Trường Sa, là đảo của Việt Nam, bác không sợ ông nào đến cùm hết. Lâu nay bác nói, chính quyền nghĩ bác là nông dân nên dễ bắt nạt, hết dụ dỗ rồi đòi dẹp vườn rau, vợ con bác quyết không cho dẹp, giữ miếng đất cho bằng được. Dù có ai trả thế nào, bác cũng không bán. 

Cách đó không xa, chưa đầy 100 km là thành phố Sài Gòn, sau 1975 chính quyền mới đổi tên là TP.HCM. Ở quận 9 có những cánh rừng tràm do dân trồng, người già và trẻ em thường đi vào đó vui chơi. Và đây là những gì còn lại của một cánh rừng tràm như vậy chỉ sau chưa đầy một tháng có chủ mới:


Đất bờ xôi ruộng mất thì kêu xe ủi vào san lấp, rừng cây điều hòa không khí thì đem máy cưa đến chặt đi, phủ xi măng lên xây mấy nhà xưởng, các giáo sư- tiến sĩ của đảng ta gọi đó là công nghiệp hóa. Nếu công nghiệp hóa xong mà biết bao thế hệ thiếu nhi không còn nơi vui chơi, người già không còn nơi đi dạo thì công nghiệp hóa để làm gì? Việt Nam còn bao nhiêu đất hoang, và trong bấy nhiêu sót lại đó thì có bao nhiêu sắp bị đưa ra mổ trên bàn thịt của giới tư bản? 

Có một câu danh ngôn nổi tiếng thế giới như thế này: “Một đất nước không có những bãi đất hoang thì không còn là một đất nước nữa.”

Quốc hội sắm thêm vũ khí triệt hạ dân quyền?

Lê Văn Sơn-25-05-2017
(VNTB) - Cởi trói, buông bỏ những điều luật bắt giam người phản biện, bất đồng chính kiến là điều đảng cộng sản nên làm để thể hiện thiện chí chân thành muốn đối thoại với nhân dân. Bằng không thì chỉ là ngửa mặt lên trời phun nước miếng.


   Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắc Lắk phát biểu về Bộ Luật Hình sự

Sáng 24.05.2017, Quốc hội thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự. Bà Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho hay, hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, lan truyền những nội dung biết rõ là sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng.

Bà Xuân đề nghị: "Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi này, tôi đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155, điều 156 tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Trước đó vào sáng 18/05/2017, người dân có vẻ như hồ hởi đón chào một tín hiệu rất đáng khích lệ từ ông Võ Văn Thưởng ,Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tuyên bố Đảng Cộng sản Việt Nam không sợ đối thoại và tranh luận, có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng.

Từ phát biểu này của ông Thưởng, nhiều luồng ý kiến khác biệt được bàn luận một cách nghiêm túc về sự khả tín của đảng cộng sản có thiện chí đối thoại hay cũng chỉ là chiêu bài chính trị trong bối cảnh kinh tế, chính trị, ngoại giao, phản kháng và hỗn loạn xã hội, nội bộ chính trị đang ở ngưỡng đụng trần để đạt lợi ích cho phía đảng.

Thành phần nào có tiếng nói phản biện nhiều hơn cả trong dân? Chắc chắn là giới trí thức, các nhà bất đồng chính kiến hay các nhóm hoạt động xã hội dân sự. Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy mánh lới chính trị của nhà cầm quyền đã để lại những bài học xương máu cho các thành phần phản kháng ôn hòa. Bên Trung Quốc thời giữa những năm 1950 đã sử dụng chiêu kế “dụ rắn ra khỏi hang để đàn áp trí thức”.

Trong Chương 6 Bộ Luật Hình Sự đã  thủ sẵn những điều luật mơ hồ vi phạm nhân quyền để bắt giam bất cứ ai lên tiếng phản biện. Chẳng hạn điều 79, 87, 88, đã được Hà Nội sử dụng thường xuyên trong các vụ án chính trị từ trước đến nay. Những năm gần đây, nhiều điều luật khác cũng được sử dụng triệt để bắt giam những tiếng nói đối lập như 245, 257, 258.

Từng bấy nhiêu điều luật giăng ra để dập tắt bất cứ tiếng nói phản biện nào thì đảng sẽ “đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng như thế nào đây?

Bà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân đề nghị bổ sung thêm những khung hình phạt cho đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt thực phải chăng hợp thức hóa việc sắm thêm vũ khí để chống lại những tiếng nói của nhân dân khi tố cáo tham nhũng, lạm quyền, gây tổn hại cho nhân dân và đất nước của giới lãnh đạo?

Lãnh đạo thanh liêm trong sạch, nhà nước do dân, vì dân mà phục vụ vị tất người dân đâu có cái cớ gì mà tố cáo, lên án? Ngược lại, lãnh đạo tham nhũng, nhà nước bạc nhược thì người dân có quyền phản biện, cớ sao lại suy diễn và quy chụp thành bôi nhọ , chống phá, xuyên tạc đây?

Đề nghị của bà Xuân đang đi ngược lại các nguyên tắc phổ quát về các quyền tự nhiên của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí. Một ý niệm dùng luật pháp để trói buộc quyền con người trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa ngày hôm nay  đó là một sai lầm lớn, một bước thụt lùi trên nền tảng pháp lý mà bà Xuân vấp phải.

Sử dụng các điều luật vi hiến xâm phạm quyền con người để dập tắt các tiếng nói của nhân dân sẽ không củng cố sức mạnh của đảng mà chỉ tạo ra thêm những hố sâu ngăn cách trong lòng dân đối với đảng, sự hòa hợp hòa giải dân tộc càng trở nên mịt mờ, tối tăm hơn vì những vũ khí luật pháp trói buộc quyền con người mà thôi.

Cởi trói, buông bỏ những điều luật bắt giam người phản biện, bất đồng chính kiến là điều đảng cộng sản nên làm để thể hiện thiện chí chân thành muốn đối thoại với nhân dân. Bằng không thì chỉ là ngửa mặt lên trời phun nước miếng.

Tận cùng ác độc!

Hà Văn Thịnh-24-05-2017
Khả năng bị điên, có lẽ, chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu mỗi ngày lại đọc để CHỘ, THẤY, BIẾT rõ ràng lòng lang dạ sói của cái gọi là... CÁN BỘ thời nay(!)

Điện Biên cấp heo giống 160.000đồng/kg cho dân
Heo giống được cấp năm 2016 cho người nghèo ở Tủa Chùa, Điện Biên - Ảnh: tư liệu
Chỉ cần nghe những cái tên như Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà..., là hầu như ai cũng hình dung ra cảnh cơ cực của người DÂN Điện Biên vinh quang thuở nào, nay khốn khổ ra sao!...

Thế nhưng, chính những kẻ gọi là "cháu, con" của miền đất đã từng làm "lừng lẫy năm châu" ấy, giờ đây, đang làm chấn động cả địa cầu khi ra quyết sách "xóa đói, giảm nghèo" bằng cách BUỘC DÂN mua lợn giống với giá... 160.000 đồng/ 1kg!

Chẳng lẽ lũ cán bộ tệ hại này lừa Dân suốt 63 năm qua chưa... đã hay sao hở trời?!

Chẳng lẽ trong cái đầu tham lam của chúng không còn, dù chỉ một mẩu có hình người?

Chẳng lẽ chúng không biết vay của Ngân hàng Thế giới 12 tỷ đồng để giúp Dân Điện Biên bớt nghèo, nhưng thực hiện theo "quy trình" khốn nạn nhất có thể - như chúng đã nghĩ, đã làm, sẽ khiến cho Dân khốn khổ hơn cả trăm lần?...

Không đủ ngôn từ tục tằn để nói về hành động khốn nạn của những kẻ bắt Dân Nghèo mua một con heo giống nặng 20 kg với giá 3.200.000 đồng - trong khi giá thị trường hiện nay ở Điện Biên, con heo nặng 100 kg giá chỉ có 3.500.000 đồng!

Nuôi cho lợn nặng thêm... 80 kg để "LÃI" 300.000 đồng không kể thức ăn, công cán, suốt cả năm,

Trời nghe hỡi Trời!

Chỉ có thể bình luận rằng, với loại gọi là cán bộ đó, đáng phải đem ra mà... tùng xẻo!

(FB Hà Văn Thịnh)

Cục Nghệ thuật Biểu diễn hành xử bất nhất

Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-05-24  
Nhạc sĩ Văn Cao.
  Nhạc sĩ Văn Cao.  File photo
Cục Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam vừa qua ra quyết định cấm một số bài hát; sau đó lãnh đạo của Cục phải có biện pháp sửa chữa sai lầm.
Hành xử “bất nhất”
Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, ông Nguyễn Thái Bình, vào ngày 22/05/2017, cho biết Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực hiện theo chỉ đạo của Bộ đăng tải cập nhật các ca khúc được phổ biến rộng rãi từ rất lâu để khẳng định những bài hát được phép sử dụng. Ông Nguyễn Thái Bình còn nhấn mạnh đây là lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận tiện và dễ dàng cho việc sử dụng khi cần thiết.
Mặc dù đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch viện dẫn như vừa nêu về việc cập nhật hơn 300 bài hát cách mạng, còn được gọi là nhạc đỏ trên website của cơ quan này vào hôm 19/05/2017, nhưng giới văn nghệ sĩ lẫn những người yêu âm nhạc tại Việt Nam vẫn không đồng tình. Họ nêu ra lập luận kho tàng văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc của Việt Nam vô cùng phong phú. Câu hỏi họ đặt ra đến bao giờ Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới cập nhật xong danh sách những ca khúc nào được phép và các nhạc phẩm nào bị cấm đoán? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng cũng nói với báo giới trong nước rằng dù dưới bất kỳ gốc độ nào thì việc cập nhật hơn 300 bài hát của Cục Biểu diễn Nghê thuật là “việc khó lý giải, khó chấp nhận”.
Quốc ca mà phải cấp mới được hát, không cấp thì không được hát. Vậy gọi là Quốc ca để làm gì? Tôi thấy quá nhảm nhí.
- Một người dân 
Kể từ thời điểm Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 hồi trung tuần tháng Ba và không lâu sau đó, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn lên tiếng nhận trách nhiệm chính về quyết quyết định này khiến cho dư luận hoang mang không biết bài hát nào của những thể loại nhạc gì, khi nào được hát, khi nào không. Và qua việc cập nhật danh sách 300 ca khúc nhạc đỏ mà đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều thập niên qua càng làm cho nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao hàng trăm bài hát trong danh sách vừa được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cập nhật đến bây giờ mới được cấp phép? Họ càng không hiểu khi bài Tiến quân ca do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, nay là Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải cho phép thì dân chúng mới được hát? Một người dân cư ngụ ở Sài Gòn lên tiếng về sự bức xúc của mình:
“Mấy tháng trước đây và cũng gần đây nhất có lệnh là Cục Biểu diễn cấp phép thì mới được hát, không có phép thì không được hát. Cụ thể đợt trước đây cấm 5 bài hát không được hát. Mặc dù 5 bài hát này được hát rất nhiều. Cấm xong thì chưa đầy một tháng nói ‘xin lỗi’. Làm như vậy tôi không hiểu được, khiến cho tôi đánh giá rằng người ra chỉ định đó không được bình thường và hình như họ không có trình độ về âm nhạc, về cả kiến thức, nói chung là ‘cờ trong tay’ mà phất tầm bậy. Mới đây nhất là bài Quốc ca. Quốc ca mà phải cấp mới được hát, không cấp thì không được hát. Vậy gọi là Quốc ca để làm gì? Tôi thấy quá nhảm nhí.”
Xin lỗi là xong?
Trước những thắc mắc của dư luận, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương, vào sáng ngày 23/05/2017, chính thức xin lỗi và nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết cơ quan này không cấp phép cho các ca khúc đã được phổ biến, mà những ca khúc đó có nội dung tốt, không trái thuần phong mỹ tục và đi ngược lại chủ trương chính sách nhà nước.
Vào tối ngày 23/05/2017, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) kiêm phó chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan mới nhất từ Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch:
“Chính ngày hôm nay Bộ Văn hóa đã ra một văn bản, trong đó có sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng là đã quy định lại và xóa bỏ tất cả những vấn đề mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm trong mấy ngày vừa rồi và cả mấy tháng trước nữa. Bây giờ chỉ yêu cầu tất cả những tác phẩm đã diễn rồi thì đương nhiên không cần phải có việc công bố được phép lưu hành nữa mà tất cả các tác phẩm ấy đương nhiên được lưu hành, trừ những trường hợp mà văn bản của Bộ Văn hóa đưa ra chỉ hai điều: trái với lợi ích quốc gia, xâm hại đến thuần phong mỹ tục. Ngoại trừ hai điều đó thì đương nhiên các bài hát được phép lưu hành.”
Người ta sẽ đánh giá như thế nào một người cầm cân nẩy mực, đâu phải con nít mà làm lệnh đưa ra cho cả nước Việt Nam tuân theo, rồi tự nhiên bây giờ xin lỗi.
- Một thính giả 
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhắc rõ theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức và cá nhân sử dụng tác phẩm của những tác giả và chủ sở hữu quyền tác phẩm trong môi trường kinh doanh phải xin phép tác giả vì chỉ tác giả và chủ sở hữu quyền tác phẩm mới có quyền cho phép sử dụng về mặt phổ quát cơ bản. Còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ có vai trò làm nhiệm vụ kiểm duyệt trong trường hợp tác phẩm vi phạm hai điều quy định được nêu trong văn bản vừa ban hành của Bộ Văn hóa-Thông tin & Du lịch.
Trả lời câu hỏi của RFA xoay quanh lời xin lỗi của Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật, một số thính giả ở Việt Nam, là những người yêu âm nhạc, bày tỏ việc làm của Cục Biểu diễn Nghệ thuật trong những tháng qua làm mất thể diện của một quốc gia có lịch sử bốn ngàn năm văn hiến vì trong thời đại internet, thông tin được tiếp cận một cách nhanh chóng và dễ dàng:
“Người ta sẽ đánh giá như thế nào một người cầm cân nẩy mực, đâu phải con nít mà làm lệnh đưa ra cho cả nước Việt Nam tuân theo, rồi tự nhiên bây giờ xin lỗi”.
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận cư dân mạng tại Việt Nam cho rằng ông Cục trưởng của Cục Biểu diễn Nghệ thuật nên từ chức vì một cơ quan nhà nước không phải là nơi để những người lãnh đạo đem người dân ra thử nghiệm với các quyết định “hôm nay vầy, ngày mai khác”, mà hơn hết lại là những quyết định liên quan đến kho tàng văn hóa của Việt Nam.

Đề án quản lý tài nguyên môi trường biển: Báo cáo và thực tế!

Cát Linh, phóng viên RFA 2017-05-24  
Trẻ em địa phương bán đồ lưu niệm san hô khô cho khách du lịch tại một địa điểm thuộc tỉnh Phú Yên hôm 1/8/2016.
Trẻ em địa phương bán đồ lưu niệm san hô khô cho khách du lịch tại một địa điểm thuộc tỉnh Phú Yên hôm 1/8/2016.  AFP photo
Tại cuộc họp lần thứ 10 về tổng kết điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, Bộ TNMT cho biết việc thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, còn gọi là Đề án 47, còn một số tồn tại và hạn chế. Đa số các dự án triển khai không đúng với tiến độ, chỉ có 6/43 dự án hoàn thành đúng thời gian cho phép. Đến nay có 19 dự án (trong tổng số 44) đã hoàn thành và đã được nghiệm thu.
So với thực trạng môi trường biển Việt Nam vốn đang được các nhà khoa học lên tiếng nhiều lần kể từ sau tai hoạ ô nhiễm vùng biển 4 tỉnh miền Trung, thì đề án 47 có tầm nhìn đến năm 2020 có khả thi hay không?
Công nghệ yếu!
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường Trường Đại học Công nghiệp TP HCM, từ Sài Gòn cho chúng tôi biết thực chất “dự án môi trường biển là một chuyện rất khó khăn và không hề đơn giản”.
“Vì các công cụ của Việt Nam mình vẫn còn yếu kém. Đó là các công cụ phục vụ cho mục đích quy hoạch, khảo sát, đánh giá rất yếu. Các số liệu mình có cũng rất đơn giản. Tàu mình không có. Một nhà khoa học muốn đi nghiên cứu biển cũng không có tàu, phải thuê của dân. Một vài tàu nhỏ chỉ đi được vài chục cây số rồi quay vô thôi, làm sao mà có được tính hiện đại như những nước khác?”
Chính vì vậy ông nói rằng nếu có những con số đưa ra trong khảo sát để quy hoạch dự án cũng chưa thể tạo ra độ tin cậy.
Trong báo cáo của Bộ TN-MT tại cuộc họp lần thứ 10 Ban chỉ đạo nhà nước về tổng kết điều tra cơ bản Đề án 47, việc thực hiện Đề án 47 còn một số hạn chế là do ở giai đoạn xây dựng, thẩm định, trình báo và phê duyệt dự án kéo dài, cộng với kinh phí thực hiện dự án chưa hợp lý. Theo thông tin từ cuộc họp cho biết, kinh phí triển khai thực hiện Đề án, đã được phê duyệt khoảng 6.325 tỷ đồng, thì số được giao thực hiện hơn 40%, chừng khoảng 2.607 tỷ.
Tàu mình không có. Một nhà khoa học muốn đi nghiên cứu biển cũng không có tàu, phải thuê của dân.
- Giáo sư Lê Huy Bá
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, người chủ trì cuộc họp đề nghị Bộ TN-MT nhanh chóng triển khai và đưa các kết quả điều tra đã thu được vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông đề nghị rằng: “Phải sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên biển quốc gia, phân cấp quản lý; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý biển, phát triển kinh tế biển; xây dựng quy trình công nghệ điều tra tài nguyên môi trường biển”.
Khi được hỏi về lời đề nghị này, Giáo sư Lê Huy Bá không đánh giá về kinh phí của Đề án 47, tuy nhiên, ông đề cập đến tầm quan trọng của ngân sách để đạt đến tính hữu ích của việc quy hoạch, khảo sát, đánh giá. Theo ông, cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi và những công cụ tối ưu.
“Tuy nhiên, tất cả những cái đó ở Việt Nam đang thiếu. Và chúng ta xưa nay làm theo kiểu cảm tính nhiều hơn. Thậm chí đôi lúc còn võ đoán. Xác định các biển, đảo trong 1 liên kết hữu cơ với nhau, thềm lục địa, ven bờ, nối bờ, biển sâu… những chuyện đó xưa nay có được nghiên cứu gì mấy đâu?
Gần đây có chuyện tranh chấp biển với Trung Quốc và các nước khác thì mới nghĩ đến việc nghiên cứu biển.”
Theo ông, ba miền của Việt Nam đều là biển và sở hữu hơn hàng nghìn hòn đảo, thế nhưng chuyện nghiên cứu về biển trước đến giờ ít được quan tâm đến.
Khả năng phục hồi biển?
000_NI7CT-400.jpg
Các tàu du lịch neo đậu tại bãi biển Phú Quốc hôm 11/4/2017. AFP photo
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 21 tháng 5, rằng “Phục hồi tái tạo môi trường biển cần 1 số tiền khổng lồ”.
Tuyên bố của Ông Nguyễn Xuân Cường liên quan đến vấn nạn ô nhiễm biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra hồi tháng 4 năm ngoái, đã khiến hàng tấn cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200.000 người, theo một báo cáo của chính phủ vào năm ngoái. Vụ việc này cho đến nay vẫn chưa được chính phủ Việt Nam giải quyết thoả đáng, về nguyên nhân cũng như hậu quả.
Ngay cả chính lời cam kết ngừng xả thải của Formosa cũng không thể giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường biển trong thời gian ngắn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang khẳng định việc ngừng xả thải để nâng cao thiết bị xử lý như Formosa cam kết cũng không thể hoàn trả lại biển sạch cho môi trường.
“Tác động môi trường của ô nhiễm công nghiệp là mang tính tích luỹ, cũng như con người đã ăn những chất độc hại trong người thì dù không ăn nữa, chất độc hại đó vẫn tác động. Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài.”
Để khôi phục lại môi trường biển, không phải chỉ nhờ vào khả năng làm sạch, mà phải là tác động của con người nữa.
- Tiến sĩ Nguyễn Tác An
Do đó, bên cạnh “ngân sách khổng lồ’ mà ông Nguyễn Xuân Cường đề cập, hay cho dù Formosa có tiếp tục xả thải như theo giả định của Tiến sĩ Nguyễn Tác An, thì Giáo sư Lê Huy Bá còn đưa thêm một nhận định của ông:
“Để khôi phục lại môi trường biển, không phải chỉ nhờ vào khả năng làm sạch, mà phải là tác động của con người nữa.”
Theo ông, vấn đề cần được quan tâm nhất, đó là các rặng san hô, cái mà ông gọi là “rừng nhiệt đới của biển”
“Người ta làm ô nhiễm, làm độc biển, làm các rặng san hô trắng xoá, bị chết, mà không khôi phục được thì đừng nói đến chuyện phục hồi biển.”
Vào hôm 17 tháng 5, Việt Nam tiếp tục khuyến cáo ngư dân 4 tỉnh miền Trung không nên đánh bắt hải sản ở tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho bốn tỉnh bị ảnh hưởng bao gồm Hà Tĩnh, Quảng  Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đây là bốn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Formosa thải chất độc làm cá chết hàng loạt vào tháng 4 năm 2016.
Mặc dù cả nước đã có nhiều hội đoàn dân chủ độc lập lên tiếng, cũng như nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ của dân chúng liên tục diễn ra đòi bồi thường thiệt hại và đóng cửa nhà máy, tuy nhiên trong một quyết định mới nhất, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép.
Trước đây, vào ngày 10 tháng 5, khi Hội đồng giám sát liên ngành của Việt Nam công bố quyết định cho phép nhà máy thép này được vận hành thử nghiệm lò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ trong thời hạn 6 tháng, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải Dương Học Nha Trang, đã trả lời Đài Á Châu Tư do rằng nhà nước không thể xem nhẹ mức độ an toàn khi cho Formosa vận hành thử nghiệm lò cao cũng như xưởng luyện thép, dù chỉ trong 6 tháng:
“Bây giờ tất cả đều hòa tan trong biển, nó đi nó phát ra khắp nơi, nó chả còn gì đọng lại quanh đó cả nhưng mà cũng phải cảnh giác.”
Riêng với giáo sư Lê Huy Bá, ông nói rằng dù chỉ còn lại một lỗi dập cốc ước, dập cốc khô chưa khắc phục được trong 53 lỗi của nhà máy Formosa, thì đó vẫn là điều làm cho các nhà khoa học lo lắng.
“Về bản thân các nhà chuyên môn chúng tôi vẫn chưa thật yên tâm lắm. Hơn nữa, tất cả số liệu quan trắc ấy nên được phổ biến rộng rãi cho các nhà khoa học và dân chúng đều biết.”
Chưa biết được đến năm 2020, đề án 47 có được thực thi đúng như lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị với Bộ TNMT hay không? Chỉ biết rằng tại cuộc hội thảo mang tên “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái pháp luật” tại Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 23 tháng 5 cho biết tình trạng ngư dân Việt Nam bị bắt ở lãnh hải nước khác do xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật ngày càng tăng. Nguyên nhân được đưa ra do là nguồn tài nguyên thuỷ sản trong vùng biển trong nước bị cạn kiệt.

Gần 2000 công nhân đình công ở Thái Bình

RFA 2017-05-24  
Hàng nghìn công nhân may mặc của Công ty TNHH Ivory Việt Nam Thanh Hóa trong một lần đình công. Ảnh minh họa.
Hàng nghìn công nhân may mặc của Công ty TNHH Ivory Việt Nam Thanh Hóa trong một lần đình công. Ảnh minh họa.  Courtesy of giadinh
Gần 2000 công nhân công ty chuyên sản xuất hàng may mặc Ivory Việt Nam, tại thị trấn Vũ Thư, tỉnh Thái Bình  đình công vào sáng ngày 24 tháng 5. Mục tiêu cuộc đình công được cho biết đòi tăng tiền chuyên cần, tiền thâm niên và tiền hỗ trợ xăng xe.
Báo trong nước trích lời một nữ công nhân tham gia đình công nói rõ vì lý do lương cơ bản của người lao động quá thấp nên buộc các công nhân đòi hỏi các chế độ phụ cấp để có thể bảo đảm cuộc sống.
Công nhân đã nhiều lần phản ảnh đề nghị công ty tăng tiền chuyên cần từ 500 ngàn lên 700 ngàn đồng/tháng, xăng từ 300 ngàn lên 500 ngàn đồng/tháng và tiền thâm niên từ 30 ngàn lên 50 ngàn đồng/tháng nhưng công ty không thực hiện.
Sau khi xảy ra vụ đình công, Liên đoàn lao động huyện Vũ thư đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh để giải quyết vụ việc; nhưng đến cuối giờ chiều ngày 24 tháng 5 vẫn chưa có thỏa thuận cụ thể.
Công ty Ivory VIệt Nam là công ty 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất hàng may mặc tại thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ thư, tỉnh Thái Bình.

Chờ mòn mỏi “món nợ” Luật Biểu Tình

Lan Hương, phóng viên RFA 2017-05-24  
Công an ngăn cản người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 7 năm 2016.
Công an ngăn cản người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 7 năm 2016.  AFP photo
Một số đại biểu Quốc hôi tại phiên thảo luận hôm 23 tháng 5 tiếp tục có ý kiến về việc chính phủ Hà Nội trì hoãn trình Luật Biểu tình.
Nguyên nhân vì sao và người dân liệu có thể thực thi quyền biểu tình khi chưa có luật cụ thể hay không?
Tại phiên thảo luận sáng ngày 23/5, kỳ họp thứ 3, quốc Hội khóa XIV, đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh là luật biểu tình chưa được Chính phủ quan tâm, ông có nhắc đến vấn đề hiện nay là quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định nhưng luật chưa có nên người dân không biết thực thi như thế nào cho đúng.
Cũng tại phiên họp, đại biểu Dương Trung Quốc nói rằng một trong những mặt hạn chế trong xây dựng luật nói chung và luật biểu tình nói riêng là do Quốc hội giao phó cho Chính phủ mà không có sự tham gia của đại biểu.
Không muốn tạo điều kiện cho dân biểu tình?
Nói với đài RFA, ứng cử viên Quốc hội Nguyễn Trang Nhung nhận định rằng nguyên nhân luật Biểu tình chưa được trình cho Quốc hội vì bị cho là vấn đề nhạy cảm. Nếu có một hành lang pháp lý cho người dân để biểu đạt quyền này, theo cô, Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát người dân khi đi biểu tình:
Tất nhiên đây là quyền hiến định, là quyền mà người dân đương nhiên có được ngay cả khi không có luật biểu tình. Tuy nhiên nếu có luật biểu tình thì người dân sẽ thực hiện một cách dễ dàng hơn. Lúc này, nhà nước sẽ không thể dùng các biện pháp để ngăn cản như trước đây ví dụ như công an ngăn cản với lý do gây rối trật tự công cộng.
Tất nhiên đây là quyền hiến định, là quyền mà người dân đương nhiên có được ngay cả khi không có luật biểu tình.
- Nguyễn Trang Nhung
Trong khi đó luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do chuẩn bị chưa thấu đáo và một số ý kiến trao đổi với ông rằng Nhà nước lo sợ nếu ban hành luật này có thể sẽ không thể kiểm soát được tình hình:
Theo mạng lưới thông tin toàn cầu thì luật biểu tình Việt Nam đưa ra cũng phải phù hợp với các nước trên thế giới. Nhưng nếu để họ thực hiện quyền biểu tình một cách tự do như vậy, có thể sẽ xảy ra một số cuộc biểu tình lớn không kiểm soát được.
Cũng tại phiên thảo luận sáng 23/5, nhiều đại biểu khác cũng yêu cầu làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao Quốc hội yêu cầu khẩn trương soạn thảo luật Biểu tình nhưng đến bây giờ Chính phủ vẫn chưa có động tĩnh gì.
Trước đó tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội hôm 22/4, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói là dự án luật Biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết dự luật biểu tình chưa được đưa vào chương trình làm việc của QH từ nay đến hết năm 2017.
Luật sư Ngô Ngọc Trai từng nói với đài RFA rằng ông không đồng tình với việc Chính phủ chần chừ khi ban hành luật biểu tình vì người dân cần luật này để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia đấu tranh. Nghệ sĩ Kim Chi lại cho rằng nếu có luật biểu tình thì chính quyền sẽ không còn ngang nhiên đến bắt bớ, đánh đập, khủng bố người biểu tình được nữa.
Có được biểu tình khi chưa có luật?
000_A4698-400.jpg
Người dân Hà Nội biểu tình chống lại tập đoàn Formosa Đài Loan hôm 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Theo cô Trang Nhung, mặc dù chưa có luật biểu tình nhưng người dân vẫn được quyền tham gia biểu tình bởi vì đây là quyền được quy định trong hiến pháp. Tuy nhiên, cô cũng giải thích một số hạn chế:
Lúc này hành vi biểu tình của người dân sẽ không được điều chỉnh bởi vì luật biểu tình chưa có, mà sẽ được điều chỉnh bởi các luật, văn bản dưới luật khác quy định về hành vi liên quan đến biểu tình. Chẳng hạn như hành vi tụ tập, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng,.. Lúc đó người dân sẽ phải chịu trách nhiệm với các hành vi vi phạm pháp luật đó.
Nhiều người tham gia biểu tình, đặc biệt là các cuộc biểu tình phản đối nhà máy Formosa xả hóa chất độc hại ra biển đã bị bắt giữ, hoặc hành hung đến trọng thương bởi những người mặc thường phục mà dân cho là an ninh. Điển hình gần đây anh Hoàng Đức Bình đã bị công an bắt giữ tại Nghệ An với cáo buộc vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích quốc gia, theo điều 258 bộ luật hình sự.
Luật sư Trần Quốc Thuận giải thích rằng hiện tại pháp luật về biểu tình chưa có nên việc biểu tình xét về pháp lý là chưa phù hợp:
Hiện tại chưa có pháp luật quy định thì các quyền đó chưa thể triển khai thực hiện được. Đó là cách hiểu theo hiến pháp và luật của Việt Nam.
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Bởi vì trong Hiến pháp họ có viết thêm phần đuôi, tức là quyền biểu tình, lập hội phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhưng hiện tại chưa có pháp luật quy định thì các quyền đó chưa thể triển khai thực hiện được. Đó là cách hiểu theo hiến pháp và luật của Việt Nam.
Trong cuộc họp báo hôm 19/5 về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV , Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định rằng mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền biểu tình, lập hội nhưng dự án Luật Biểu tình trình lên Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng nên cần hoàn thiện.
Theo quan điểm của cô Trang Nhung, để luật biểu tình đạt chất lượng thì cần đảm bảo những yếu tố cơ bản nhất là bảo vệ quyền biểu tình của người dân, chứ không phải hạn chế quyền đó. Ngoài ra theo cô, người làm luật cần tham khảo các quốc gia dân chủ trên thế giới và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.
Biểu tình là quyền công dân được Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp 2013 quy định nhưng chưa được Quốc hội soạn thảo thành luật chính thức.