Thursday, October 22, 2015

Kịch bản nào cho tứ trụ triều đình cuối cùng của đảng Cộng sản Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX ngày 1/7/2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX ngày 1/7/2015.
Chiều ngày 11/10/2015, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong phiên họp bế mạc Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương  đảng CSVN lần thứ 12. Ông cho biết vấn đề nhân sự chưa được giải quyết xong và phải chờ đến Hội nghị Trung ương 13 hay 14. Ông nói "Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự...tiếp tục xem xét, rà soát... để báo cáo Trung ương  xem xét, quyết định tại các Hội nghị Trung ương tiếp theo".
Như vậy là sau Hội Nghị Trung Ương 12 của đảng CSVN khai mạc vào ngày 5-10-2015 và kết thúc 6 ngày sau đó, vẫn chưa tìm được sự thống nhất về nhân sự lãnh đạo hàng đầu bộ máy đảng (Tổng Bí thư, Bộ Chính  trị, Ban Bí thư) và nhà nước Việt Nam (Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc Hội) thường được gọi là “Bộ tứ quyền lực”, mà trong bài này chúng tôi gọi là “Tứ trụ triều đình cuối cùng” của đảng CSVN. Mặc dù việc lựa chọn các ghế lãnh đạo đã được thảo luận từ hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi tháng 5-2015, nhưng đã không đưa đến kết quả nào.
Nay người ta nói đến và chờ đợi phải họp thêm vài Hội Nghị Trung Ương như 13 hay 14 nữa, nhanh nhất cũng phải là sau chuyến đi thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cân Bình, được dự trù vào tháng 10, mới được phát ngôn viên chính phủ báo đổi lại vào tháng 11  và Tổng Hoa Kỳ Barack Obama, dự trù cũng vào tháng 11 năm 2015, nếu không có gì thay đổi.
Vậy kịch bản nào cho tứ trụ triều đình cuối cùng của đảng CSVN? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi lần lượt trình bầy:
I- Vì sao đảng CSVN vẫn chưa hình thành được tứ trụ triều đình cuối cùng của chế độ độc tài, độc đảng tại Việt Nam?
Sự thể trên đã phản ảnh tình trạng tranh giành quyền lực gay gắt trong nội bộ đảng CSVN giữa hai khuynh hướng chọn đồng chí Trung Quốc hay chọn đồng minh Hoa Kỳ. Đồng thời cũng là nguyên nhân đưa đến sự bế tắc trong vấn để chọn lựa các nhân sự lãnh đạo hàng đầu trong bộ tứ quyền lực hay tứ trụ triều đình của chế độ độc tài, độc đảng hiện nay tại Việt Nam.
Nếu chọn đồng chí Trung Quốc là chỗ dựa quyền lực, đảng CSVNV phải tiếp tục chịu nhục và mang tiếng “hèn với giặc, ác với dân”; phải tiếp tục theo đuổi chính sách đi dây giữa Mỹ-Trung để duy trì chế độ độc tài, độc đảng hiện nay, ít ra là trong 5 năm tới kể từ sau Đại Hội 12 của đảng CSVN (2016-2021). Hệ quả là đảng CSVN tiếp tục hưởng lợi độc quyền thống trị, không sợ Trung Quốc ra đòn trừng phạt, nhưng hại là Việt Nam tiếp tục phải  chấp nhận sự lấn áp của Bắc Kinh, trong đó có sự lệ thuộc chính trị, kinh tế và nghiêm trọng nhất là việc lấn chiếm các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.  
Nếu dứt khoát chọn đồng minh Hoa Kỳ là Việt Nam phải chấm dứt chính sách đi dây giữa Mỹ-Trung và phải chấm dứt chế độ độc tài để chuyển đổi qua chế độ dân chủ trong vòng 5 năm tới.. Hệ quả là đảng CSVN sẽ không còn nắm quyền thống trị độc tôn và muốn tiếp tục nắm quyền phải thông qua các cuộc tranh cử và bầu cử tự do với các chính đảng khác trong khuôn khổ Hiến Pháp và luật pháp dân chủ.
Vậy sự chọn lựa này liệu có thể đưa đến sự trừng phạt quân sự, chính trị, kinh tế của Trung Quốc hay không? Câu trả lời là dù có hay không vẫn có lợi cho dân tộc, đất nước trong tương lai lâu dài.Vì một khi dứt khoát chọn Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược, Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ trước các đòn trừng phạt quân sự, chính trị, kinh tế của Trung quốc và sẵn sàng trợ giúp Việt Nam khắc phục mọi hậu quả. Trên thực tế, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh trong vùng đã và đang có những hành động cụ thể, cương quyết chống lại các hành vi ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông, ra mặt công khai yểm trợ các quốc gia trong vùng đang bị Trung Quốc lấn áp, trong đó có Việt Nam.
Thành ra, chính những mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng chọnTrung Quốc hay chọn Hoa Kỳ đã là nguyên nhân chủ yếu đưa đến bế tắc trong việc chọn nhân sự lãnh đạo hàng đầu của đảng và nhà nước CSVN. Vì chính những khuôn mặt nắm giữ các chức vụ như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, cũng như các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ủy viên Trung ương đảng sẽ được Đại hội 12 bầu chiếu lệ nay mai, theo danh sách đề cử của các Hội nghị trung ương, sẽ cho thấy khuynh hướng nào trong hai khuynh hướng trên thắng thế hay tạm thời phải thỏa hiệp.
Vậy ai sẽ nắm các chức vụ hàng đầu nói trên để cho thấy khuynh hướng nào trong hai khuynh hướng trên đã thắng thế?
II- Kịch bản nào cho tứ trụ triều đình cuối cùng của đảng Cộng sản Việt Nam?
Theo một bài viết khả tín của ông Trung Điền,  thì trong những ngày vừa qua, nhiều thông tin đã 'nhiễu' ra từ nội bộ lãnh đạo đảng là đang có phương án giữ nguyên Tứ trụ cho đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ vào năm 2018, để có đủ thì giờ tìm nhân sự mới cho 4 trách vụ nói trên,...và phe ông Trọng (thân Trung Quốc đang tìm cách không cho phe ông Dũng (thân Mỹ) dùng tiền để mua ghế Tổng Bí thư" (bit.ly/1MmB0rD). Không rõ phương án này có được Hội nghị Trung ương 12 thảo luận hay không.
Theo ông Việt Dũng trên báo Dân Luận, Bộ Chính trị đã trình Ban Chấp hành Trung ương ba phương án:
- Phương án 1: Nhằm đảm bảo tính chuyển tiếp, kế thừa, cần kinh nghiệm về quan hệ đối ngoại, chọn người có kinh nghiệm điều hành quản lý để giữ chức vụ tổng bí thư. Dự kiến tổng bí thư (TBT) là Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng (TT) là Trần Đại Quang, chủ tịch nước (CTN) là Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Quốc hội (CTQH) là Phạm Quang Nghị.
- Phương án 2: Nhằm trẻ trung hóa cán bộ với độ tuổi trong Bộ Chính Trị (BCT) là khoảng dưới 63 (sinh 1953), các khuôn mặt này được cho là thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng. Dự kiến: TBT là Nguyễn Tấn Dũng, TT là Trần Đại Quang, CTN là Nguyễn Thiện Nhân, CTQH là Nguyễn Thị Kim Ngân.
- Phương án 3: Theo đề nghị của Tiểu ban Nhân sự, chủ yếu là TBT Nguyễn Phú Trọng và Trưởng Ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa, thực hiện theo quy định và Ban Chấp hành Trung ương (BCHTU) bầu theo điều lệ đảng, trên cơ sở nhân sự BCT trình BCHTU. Dự kiến: TBT là Trần Đại Quang, TT là Nguyễn Xuân Phúc, CTN là Nguyễn Thiện Nhân, CTQH là Nguyễn Thị Kim Ngân.
Theo nhận định của chúng tôi, ai sẽ nắm các chức vụ hàng đầu nói trên để cho thấy khuynh hướng nào trong hai khuynh hướng trên đã thắng thế,sẽ có câu trả lời trong Hội Nghị BCHTU cuối cùng trước Đại Hội 12 của đảng CSVN vào tháng 1-2016, diễn ra sau chuyến đi Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Chúng tôi dự kiến 3 kịch bản:

1. Kịch bản 1: Khuynh hướng dứt khoát chọn đồng minh Hoa Kỳ nắm ưu thế tuyệt đối, nếu nhận được những tái cam kết (những thỏa thuận ngầm) khả tín, khả thi của Tổng thống Obama, căn cứ trên những hành động thực tế mà Hoa Kỳ đã và đang giúp Việt Nam thoát Trung. Trong khi vẫn chỉ nhận được những lời hứa hẹn bất khả tín của Chủ tịch Tập Cận Bình, căn cứ trên những hành động thực tế ngày càng gia tăng lấn áp, xâm lược Việt Nam theo kiểu “ tằm ăn dâu” của Trung Quốc trong quá khứ.
Trong trường hợp này, đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể thu tóm quyền lực, cùng lúc nắm các chức vụ TBT kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch nước. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Phạm Bình Minh sẽ là thủ tướng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang lưu nhiệm (hay một người khác cùng khuynh hướng), Chủ tịch Quốc hội sẽ là Nguyễn Thị Kim Ngân (hay một người khác cùng khuynh hướng).
2. Kịch bản 2: Khi khuynh hướng chọn đồng minh Hoa Kỳ thắng thế tương đối, nghĩa là khuynh hướng thân Trung Quốc cũng đồng ý chọn đồng minh Hoa Kỳ là thượng sách, không còn  tin vào những lời hứa hẹn  của Tập Cận Bình, nhưng cũng không muốn làm cho Bắc Kinh nổi giận, có đối sách bất lợi cho Việt Nam, cần bộ mặt nhân sự lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam mang tính trung dung, để ngụy trang cho một chính sách đối ngoại thân Hoa Kỳ có thực chất.
Trong trường hợp này, hai khuynh hướng thân Mỹ, thân Trung Quốc  có thể thỏa hiệp chọn một trong hai phương án đầu của 3 Phương án trình bầy trong bài viết của tác giả Việt Dũng về vấn đề sắp xếp nhân sự lãnh đạo hàng đầu bộ tứ quyền lực.
3. Kịch bản 3: Khi không có khuynh hướng nào nắm ưu thế tuyêt đối hay tương đối, thì phương án giữ nguyên Tứ trụ cho đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ vào năm 2018, để có đủ thì giờ tìm nhân sự mới cho 4 trách vụ nói trên mới khả thi, như  tác giả Trung Điền đề cập trong bài viết của mình như đã nêu trên.
III- Kết luận
Việc lựa chọn các nhân vật lãnh đạo hàng đầu của đảng và nhà nước độc tài độc đảng hiện nay tại Việt Nam sẽ thể hiện chiều hướng chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Việt Nam trong tương lai, ít nhất là 5 năm tới kể từ sau Đại hội 12 được dự trù vào tháng Giêng 2016 tới đây.
Nếu căn cứ vào những biến chuyển trong tình hình thực tế tại Việt Nam tương quan với những biến chuyển trong tình hình quốc tế cũng như khu vực, đa phương cũng như song phương tác động vào nội bộ đảng CSVN, có ảnh hưởng quyết định đối với chiều hướng tương lai Việt Nam, thì cho đến lúc này chúng tôi dự kiến ba điều:
- Một là khuynh hướng chọn đồng minh Hoa Kỳ đang thắng thế nhờ được sự hậu thuẫn của tuyệt đại đa số đảng viên các cấp của đảng CSVN và  hầu như toàn dân Việt Nam đều hướng về Hoa Kỳ như một cứu tinh trước hiểm họa xâm lăng của Trung cộng. Khuynh hướng thân Trung Quốc đành phải chấp nhận đồng tình đi theo khuynh hướng chọn đồng minh Mỹ và chỉ đòi hỏi chia ghế chia phần thế nào, với một đối sách ra sao để  tránh được những thiệt hại quyền lợi cá nhân, phe nhóm và đòn trừng phạt của Trung Quốc đối với Việt Nam.
- Hai là, một khi đã chọn Hoa Kỳ là đồng minh, đối nội Việt Nam sẽ chuyển biến vào giai đoạn cuối cùng của tiến trình dân chủ hóa Việt Nam đã khởi sự và kéo dài 30 năm qua (1995-2015). Vì vậy chúng tôi đã tiên đoán bộ tứ quyền lực lần này là “tứ trụ triều đình cuối cùng” của đảng  CSVN là vậy.
- Ba là gần như chắc chắn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiệm sẽ là tổng bí thư đảng CSVN. Nhân sự trong các cơ quan đầu não của đảng và nhà nước sẽ được sắp xếp theo thế cài răng lược, nhưng đa số chiếm ưu thế vẫn là các nhân vật thuộc phe thân Mỹ. Nguyễn Tấn Dũng có thể là một Mikhail Gorbachev của Việt Nam và Đại hội 12 sẽ là đại hội cuối cùng với  tư thế nắm quyền  độc tôn trong chế độ độ tài, độc đảng, dù vẫn tồn tại trong chế độ dân chủ, đa đảng trong tương lai tại Việt Nam.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Vận động chính trị bằng truyền thông: Tiền đề đa đảng ở Việt Nam

Đại hội 12 của đảng Cộng sản Việt Nam khác với các đại hội trước như thế nào? Cơ chế ‘tách đảng’ có thể từ đó mà ra đời. Rất nhiều khả năng cơ chế này sẽ xuất phát từ chính trong lòng nội bộ đảng Cộng sản VN, để đến một thời điểm không quá xa, đảng cầm quyền sẽ thực sự bị phân rã và chia tách thành ít nhất hai đảng phân liệt.
 Vũ khí cực kỳ hiểm nghèo
Thời thế thay đổi và lòng người không thể trung thành mãi với dĩ vãng. Nhất là khi lòng tham đã át hẳn ý thức hệ.
Có ít nhất một đổi khác trần trụi và dã man: giới chính khách Việt biểu dương thói xấu moi móc triệt hạ nhau bằng truyền thông.
Khác biệt rất lớn với giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho các kỳ đại hội đảng trước đây, tâm lý giới lãnh đạo trung - cao và cả trí thức, người dân đã bắt đầu quen thuộc lẫn tương tác hỗn độn với hiện tượng trang blog Chân dung quyền lực (CDQL) - một năm trước Đại hội 12.
Nếu trước các đại hội đảng trong quá khứ, mâu thuẫn và xung đột phe nhóm được biểu hiện chủ yếu bằng đơn thư khiếu nại, tố cáo  gửi theo đường nội bộ qua từng cấp hoặc cùng lắm là vượt cấp, còn các thủ đoạn tranh quyền đoạt vị chủ yếu được tiến hành bằng biện pháp tổ chức, thì vào thời nay truyền thông mạng xã hội đang trở thành vũ khí sắc bén và hiểm nghèo nhất để dìm đối thủ chính trị xuống bùn đen. Đây chính là một đặc thù nổi bật của ‘giới lãnh đạo tinh hoa’ trong ráng chiều đỏ quạch hoàng hôn đảng.
Trang CDQL là minh chứng tiêu biểu, được đẩy lên tầm mức phức tạp và hỗn mang hơn hẳn các biện pháp tổ chức trước đây: không những công kích thẳng vào một số ủy viên Bộ Chính trị về tham nhũng, tài sản cá nhân và nhân thân chính trị, mà hình thức còn được công khai hóa và mang tính lan truyền hết sức rộng lớn thông qua mạng xã hội.
Những bản sao của Chân dung quyền lực
Mặc dù Internet đã vào VN từ năm 1997, nhưng có lẽ chỉ đến Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012, mạng xã hội mới bắt đầu được các lực lượng chính trị lợi dụng mạnh mẽ để đấu tranh quyền lực. Tiêu điểm của thời gian đó là trang blog Quan làm báo và Tusangnhamhiem. Hai đối tượng chính bị tấn công là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
34 triệu người VN sử dụng Internet không phải là con số nhỏ. Tỷ lệ người dân dùng Internet ở VN vượt hơn hẳn tình trạng bị cấm khẩu mạng ở rất nhiều nơi thuộc Trung Quốc. Và cho dù có đến 85-90% trong số người dùng Internet ở VN chỉ để giải trí, song tâm lý tò mò và dễ bị kích thích, kích động lại là một đặc trưng của lớp thanh thiếu niên Việt trong thời buổi gần hết các giá trị đạo lý, văn hóa từ lung lay đến lộn nhào.
Tò mò lại cộng hưởng với phản ứng hành vi và có thể dẫn đến phản ứng xã hội vốn đang tích tụ đầy tràn. Không quá khó hiểu khi CDQL thu hút được số lượng truy cập đến vài ba triệu/tháng - gấp hàng chục lần lượng truy cập bình quân của một trang báo điện tử loại trung bình của nhà nước, kéo theo cả một cú chạy nước rút của báo chí chí quốc dân lẫn giới tuyên giáo quốc đảng liên quan đến vụ việc Trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh ‘bị đầu độc’ - theo nhiều dư luận.
Những thông tin dồn dập về Nguyễn Bá Thanh lại xảy ra cùng thời gian với chiến dịch tấn công một số ủy viên Bộ Chính trị trên trang CDQL vào thời điểm Hội nghị trung ương 10 đầu năm 2015, cùng lúc diễn ra cuộc bỏ phiếu thăm dò trong Ban Chấp hành trung ương về vị trí tổng bí thư đảng cho Đại hội 12. Hai đối tượng bị tấn công quyết liệt là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đến lúc này, phản ứng xã hội đã không chỉ dừng ở mức độ tò mò thông thường mà đã trở thành phản ứng chính trị: những người truy cập CDQL và các trang mạng đăng lại bài của CDQL phẫn nộ chửi rủa giới quan chức tham tàn và tham quyền cố vị. Ở vào giai đoạn đầu của thời kỳ ‘quá độ lên chủ nghĩa xã hội’, CDQL đã mở ra chiến tích bi tráng cho một cuộc vận động hành lang thoán đoạt các vị trí chính trị chủ chốt.
Một thời kỳ mới cũng tiếp biến trong cuộc chuyển giao không hề êm thắm của chính trị VN: nếu mạng xã hội là khởi đầu cho phong trào xã hội dân sự thì truyền thông xã hội, chứ không phải báo chí nhà nước, lại là mốc khởi nghiệp cho xu hướng công kích nội bộ và có thể dẫn đến hệ quả tách đảng, tan vỡ đảng cầm quyền trong những năm tới.
‘Văn hóa phản biện’
Tuy thế và đối chiếu với lịch sử, điều được gọi là văn hóa công kích nội bộ ở VN đương đại còn xa mới ngang bằng với làn sóng phản biện và công kích chủ yếu về chính sách và ý thức hệ mà ít đả kích đời tư cá nhân ở Liên Xô lẫn Đông Âu vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Hầu như né tránh những vấn đề then chốt về ý thức hệ như chủ nghĩa Mác - Lênin, điều 4 hiến pháp, định hướng xã hội chủ nghĩa, lực lượng vũ trang phải trung thành với ai…, các trang Quan làm báo, Tusangnhamhiem hay CDQL chỉ chuyên chú đả kích cá nhân trong chính giới, với một văn phong thấp hơn nhiều so với những trang mạng phản biện truyền thống trong nước như Boxit, ngoài nước như Thông luận và Diễn đàn.
Sau khi trôi qua thời gian tương đối êm ả ở Hội nghị trung ương 11 vào giữa năm 2015, đến trước Hội nghị trung ương 12 vào cuối năm 2015 lại nổ ra những đơn thư tố cáo và chụp mũ quan điểm chính trị được phổ biến trên mạng xã hội. Tướng Phùng Quang Thanh và Thủ tướng Dũng lại một lần nữa trở thành ‘nạn nhân’. Tuy mức độ của chiến dịch này thua kém CDQL về quy mô và chiều sâu, nhưng mạng xã hội vẫn được các lực lượng chính trị trong đảng coi là phương tiện hành xử nhanh gọn và có hiệu quả nhất để ‘kết liễu’ đối thủ.
Song song với đả kích cá nhân, giới dư luận viên của các lực lượng chính trị cũng nâng cấp một mức về ‘tầm vóc bình luận’. Trước, trong và sau Hội nghị 12, khá nhiều thông tin về khả năng, các phương án dự kiến nhân sự cho ‘tứ trụ triều đình’ và đặc biệt là chức vụ tổng bí thư đã được tung lên mạng. Cung cách hòa trộn mập mờ của những thông tin này mang đậm nét thủ thuật ‘tuyên truyền xám’ và cả ‘tuyên truyền đen’ mà vẫn thường bị giới tuyên giáo đảng tố cáo ‘các lực lượng thù địch lợi dụng để diễn biến hòa bình’.
Tư bản dã man và khuynh hướng ‘tách đảng’
Có thể không quá ngượng miệng để nói rằng hoạt động vận động chính trị bằng truyền thông ở VN đang ở vào giai đoạn tư bản dã man. Tương tự với nền kinh tế VN đã bị các nhóm lợi ích thi nhau xâu xé từ nhiều năm qua, chủ nghĩa tư bản man rợ thời kỳ đầu đang ám ảnh nặng nề ý thức tranh hùng xưng bá vị của giới quan chức lãnh đạo VN.
Gần đây đã xuất hiện một số bài viết trên báo chí nhà nước, đề cập về ‘vận động hành lang’ trong chính trị, mang hơi hướng cổ súy cho hoạt động này và coi đó là một hoạt động bình thường. Rất có thể, dạng bài viết này xuất phát từ một nhóm quyền lực nào đó đang mưu tính chiến lược lâu dài của họ ở VN. 
Tuy thế, hoạt động này chỉ được coi là bình thường trong bối cảnh nền chính trị và tư cách, phong cách chính khách đã trải qua một thời gian đủ dài được nâng cấp về văn hóa. Thế nhưng điều này lại gần như trống vắng nơi giới lãnh đạo VN, để rất dễ dẫn đến hậu quả những cuộc tranh giành quyền lực đầy thô thiển cùng hành vi đầy thô bạo. 
Bao giờ thì báo chí nhà nước sẽ chuyển từ trạng thái kín hở sang chính thức công khai tham gia vào cuộc chiến tranh giành quyền lực trên? Đây là một câu hỏi mà có lẽ sẽ sớm được trả lời. Với điểm khởi phát phần lớn bằng hoạt động PR cho lãnh đạo, có thể vào thời gian sát Đại hội 12 sẽ xuất hiện hiện tượng một bộ phận nhỏ trong báo chí nhà nước vào hùa cùng trang mạng xã hội để tấn công moi móc lẫn nhau giữa giới lãnh đạo quốc gia.
Cũng sát thời điểm Đại hội 12, CDQL có thể tái xuất hiện, nhưng tất nhiên không phải nguyên thể mà bằng những phiên bản khác.
Trong những năm trước mắt, thật khó hy vọng rằng sự nghiệp ‘vận động hành lang chính trị’ ở VN, nếu có thể gọi bằng những mỹ từ này, sẽ diễn ra theo đúng bài bản, đúng nghĩa và tương xứng văn hóa của nó. Có lẽ không thể khác và trong một đất nước có cả rừng luật nhưng vẫn ưa dùng luật rừng, nhiều việc cần được giới chính trị gia giải quyết với nhau bằng nắm đấm.
Đó cũng là những dấu hiệu lồ lộ và tiền đề đầu tiên cho thấy sau Đại hội 12, bất cứ phe nhóm chính trị nào bị thất bại cũng sẽ có khuynh hướng thua keo này bày keo khác bằng hoạt động truyền thông ‘lề trái’ với mức độ ghê gớm đến mức sống còn. Khi đó, những đòi hỏi của phe bị mất quyền đối với phe giành được quyền không chỉ đơn thuần là ‘minh bạch tài sản’, mà còn là thay đổi về chính sách, khung pháp lý về quyền lực và còn có thể ‘cách mạng’ cả điều 4 Hiến pháp. Trong đó, đòi hỏi về thành lập đảng chính trị mới để ‘bảo đảm tranh cử tự do và công bằng’ rất có thể là một điểm then chốt.
Cơ chế ‘tách đảng’ cũng từ đó mà ra đời. Rất nhiều khả năng cơ chế này sẽ xuất phát từ chính trong lòng nội bộ đảng Cộng sản VN, để đến một thời điểm không quá xa, đảng cầm quyền sẽ thực sự bị phân rã và chia tách thành ít nhất hai đảng phân liệt - một tình trạng khá tương đồng với cơ chế đa đảng hậu Liên Xô những năm 1990.
* Blog của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ác mộng trăm năm

Một trong những câu hỏi mà tôi luôn muốn được trả lời là cái âm mưu biến người miền Nam thành bầy thú dữ chuyên ăn thịt người bắt nguồn từ đâu. Trong bài viết “Đúc khuôn Tội ác” trước đây, tôi đã đưa ra bằng chứng không thể chối cãi về những nọc độc văn hóa tiếp tục lan tràn trong huyết quản dân tộc, phần lớn được chuyên chở bởi các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong nhiều năm, tôi không tìm được manh mối nào về nguồn gốc của những âm mưu ác độc, vô luân, phản dân tộc này cho đến gần đây, khi tình cờ đọc một truyện ngắn do một người bạn trên Facebook đưa đường dẫn. Và Eureka! Tôi tin rằng mình đã tìm được bằng chứng cụ thể của “khuôn mẫu tội ác” được áp dụng trong gần ba phần tư thế kỷ qua.
Truyện có tựa đề “Giấc ngủ mười năm, ” được sáng tác vào năm 1949, vào khoảng giữa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp do Việt Minh lãnh đạo. Nhân vật chính, nông dân Nông Văn Minh, kể lại tao ngộ kỳ lạ của mình. Tham gia kháng chiến chống Pháp, bị thương ở đầu, ngất đi và tỉnh lại mười năm sau. Được Đào, cô con gái nay đã lớn khôn, kể cho nghe diễn tiến trong mười năm qua, từ chiến thắng rực rỡ của Việt Minh cho đến những thành quả vượt bực trong việc xây dựng một đất nước độc lập và thống nhất dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh. Một thứ Rip Van Winkle on steroids, theo nhận xét của Ngô Tự Lập. Nguyễn Cao Sinh, trong bài nhận định cùng tên “Giấc ngủ mười năm” đăng trên báo Văn Nghệ Quân Đội năm 2008, đã không hề kiệm lời tán dương nội dung của truyện. “Câu chuyện được viết theo bút pháp, mà các nhà phê bình văn học gọi là ‘bút pháp huyền thoại’, ‘bút pháp giả tưởng’… đã thể hiện một niềm tin chắc chắn, một niềm lạc quan phơi phới về sự tất thắng của cuộc kháng chiến, về một tiền đồ tươi sáng của đất nước ta sẽ ‘tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới’. Đứng trên quan điểm lịch sử, đặt câu chuyện vào thời điểm năm 1949 chúng ta càng thấy giá trị, ý nghĩa cũng như tính dự báo thiên tài của tác phẩm,” Nguyễn Cao Sinh phát biểu.
Người viết không có ý định tranh cãi với ông Nguyễn Cao Sinh về nhận định trên, cho dù “tính dự báo thiên tài” của tác phẩm không hẵn là hoàn toàn chính xác, thí dụ như cái viễn tượng “đất nước ta sẽ tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới” chẳng hạn. Tuy nhiên, qua truyện “Giấc ngủ mười năm,” một số chi tiết hư cấu đã trở thành hiện thực cho dù có xê xích một số năm. Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sự phổ cập của khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” là những bằng chứng cho thấy khả năng “tiên tri” của truyện. Đã có một số ý kiến qua lại liên quan đến việc tác giả của “Giấc ngủ mười năm” có phải là cha đẻ của văn học “viễn tưởng” Việt Nam hay không. Trong khi đây là một đề tài thú vị, người viết xin nhường sân chơi cho quý vị có thẩm quyền trong lãnh vực phê bình văn học để họ quần thảo. Thay vào đó, người viết muốn chia sẻ cùng bạn đọc một chi tiết rất quan trọng nhưng, vì một số lý do không khó hiểu cho lắm, hầu như hoàn toàn bị bỏ rơi hoặc né tránh bởi những người đã bỏ công đọc, nghiên cứu, và tuyên dương truyện ngắn này.
Ở góc nhin của mình, người viết cho rằng “Giấc ngủ mười năm” trước và trên hết là một tác phẩm tuyên truyền bậc thầy với tầm ảnh hưởng vô cùng sâu rộng, tác động lên tâm lý đông đảo quần chúng không chỉ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) mà còn về sau này, trong cuộc chiến tranh “chống Mỹ” và các cơ hội khác. Quan trọng hơn nữa, tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” nếu không phải là điểm khởi hành của thì cũng là bằng chứng cụ thể nhất về một chiến lược tuyên truyền vô cùng hiệu quả nhằm mục đích biến kẻ thù, bất kỳ “kẻ thù” là ai, thành bầy ác thú man rợ để khơi dậy căm thù. Và lửa căm thù thiêu đốt lòng người biến thành sức mạnh cần thiết để chiến thắng. “Biến căm thù thành sức mạnh” là khẩu hiệu quen thuộc được hô hoán liên tục suốt hai cuộc chiến tranh, không phải vậy hay sao?
Điều gì trong tác phẩm tuyên truyền “Giấc ngủ mười năm” đã dẫn người viết đến một kết luận nghiêm trọng như thế, bạn hỏi. Không nhiều, chỉ là một đoạn không dài lắm trong truyện, bắt đầu với những câu văn được trích dẫn dưới đây:
Bắt đầu trích:
 “Người ta nói dân ở gần mặt trận ai cũng hăng. Có gì lạ đâu. Tây nó ác quá. Chúng bắt được đàn bà con gái, thì 7 tuổi đến 70 nó chẳng từ ai. Năm bảy thằng tranh nhau hiếp. Hiếp không chết, thì nó chặt đầu, móc mắt, mổ bụng, rạch trôn. Có khi chúng bắt con trai hiếp mẹ, cha hiếp con gái, cho chúng nó coi và cười. Không nghe thì chúng giết cả nhà.”
Hết trích --
Tất nhiên là không có chút xíu liên hệ nào giữa đoạn văn nói trên và phần mô tả lính “thám báo ngụy” hãm hiếp và hành hạ dã man trước khi sát hại các nữ thanh niên xung phong trong “Tiểu thuyết Vô đề” của nhà văn Dương Thu Hương dưới đây:
Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh.
Trở lại với “Giấc ngủ mười năm.” Phần mô tả tội ác của thực dân Pháp tiếp tục với những hình ảnh càng lúc càng ghê rợn hơn như sau:
Bắt đầu trích:
“Có khi bắt được đàn bà có thai, chúng nó trói lại như trói lợn, rồi đánh đố với nhau. Thằng thì đoán chửa con trai. Thằng thì đoán chửa con gái. Rồi chúng nó mổ bụng người đàn bà chửa, móc đứa con trong bụng ra coi. Thằng nào đoán trúng thì được tiền hoặc thuốc lá.
Có khi chúng nó bắt đàn bà, trói chân, trói tay lại, lột truồng hết áo quần rồi cho chó con bú cụt cả đầu vú. Người đàn bà vô phúc van khóc chừng nào, thì Tây reo cười chừng ấy.
Bắt được người già và thanh niên, chúng nó chọc tiết, chôn sống, chặt đầu, phanh thây, hoặc treo thòng lòng trên cành cây, chất củi thui. Có khi chúng nó bắt ăn thuốc viên, nói là thuốc chữa bệnh. Nuốt xong chừng mấy phút đồng hồ thì trợn mắt lăn ra chết, cả mình mẩy tím bầm.
Trẻ con thì chúng nó bắt bỏ trong chum, nấu nước sôi giội vào. Hoặc trói 2, 3 em lại một bó, quấn rơm và giẻ chung quanh, rồi chúng nó tưới dầu xăng đốt.
Tây ác như vậy, cho nên dân ta ai cũng hăng máu lên. Họ nói thà đánh Tây mà chết còn hơn để nó hành hạ mà chết.”
Hết trích ---
Tây thực dân ác là cái chắc. Đốt nhà, hiếp dâm, giết người, chúng đều đã có làm. Nhưng để nghĩ ra những hành động quái đản, ghê rợn trong phần trích dẫn ở trên, tác giả phải có một khả năng tưởng tượng có một không hai, mãnh liệt đến độ bệnh hoạn. Ở vào thời điểm này, năm 2015, mặc dù đã từng làm quen với những màn giết chóc, thiêu sống người dã man của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trên màn ảnh nhỏ, rất khó để thuyết phục người đọc là bọn thực dân Pháp đã thực sự nhúng tay vào những tội ác ghê tởm như tác giả mô tả trong đoạn trích dẫn kể trên. Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến chống Pháp, một bộ phận rất lớn dân chúng đã dễ dàng tin rằng đây là những tội ác có thật của bọn thực dân. Tai sao? Tại vì tên tuổi, địa vị của tác giả, và nhất là niềm tin và sự tôn sùng của một khối lớn nhân dân mà tác giả giành được qua những thủ đoạn tuyên truyền tinh vi trong giai đoạn lịch sử liên hệ.
“Giấc ngủ mười năm” cùng với/hoặc các sản phẩm tuyên truyền tương tự được dàn dựng, truyền bá rộng rãi đến các tầng lớp dân chúng, được đưa vào chương trình tuyên huấn, dân vận để giáo dục bộ đội và nhân dân biết căm thù, để biến căm thù thành sức mạnh. Và tác giả, không chỉ là một nhà tuyên truyền thiện nghệ mà còn là một chiến lược gia tài ba, đã dựa vào sức mạnh của căm thù để lèo lái cuộc kháng chiến đến thành công. Nguyên tắc “dựa vào căm thù để chiến thắng” tiếp tục sau đó với những cuộc đấu tranh chống kẻ thù giai cấp trong các đợt cải cách ruộng đất, đánh tư sản, đánh trí phú địa hào. Và tiếp theo là cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước,” trong đó kẻ thù, người miền Nam, cần được biến thành ác thú.  Vì độc lập tự do hạnh phúc, vì thống nhất đất nước, mọi thủ đoạn, dù tồi tệ đến đâu, đều có thể được chấp nhận. Hơn nữa, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống là điều bình thường trong công tác tuyên truyền, nhất là khi nhân danh những điều cao quý, đẹp đẽ nhất. Cho nên, ăn thịt người, không phải vì đói khát mà vì nhu cầu khát máu của người miền Nam, là một tội ác “hợp lý” để tròng lên đầu kẻ thù cùng một giống nòi. Nghĩ cho cùng, “ăn thịt người” thì đâu đã thấm gì so với “tội ác” của bọn thực dân Pháp được mô tả bởi ngòi bút thần sầu của tác giả trong truyện “Giấc ngủ mười năm.” Những ai đã tin vào sự hiện hữu của những tội ác như thế nhất định sẽ sẵn sàng tin vào những tội ác kém man rợ hơn, “lính ngụy ăn thịt người” chẳng hạn. Và như thế, trá ngụy biến thành tín điều, và mọi người đều hăng hái kể về, nói về, viết về, và làm chứng cho cái tội ác ghê rợn mà họ không hề chứng kiến.
*
Sẽ bị xem là võ đoán nếu quả quyết rằng sự xuất hiện của tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” là điểm xuất phát của chiến lược sử dụng căm thù để chiến thắng. Cũng liều lĩnh không kém nếu khẳng định rằng khái niệm “biến căm thù thành sức mạnh” là phát minh của tác giả truyện “Giấc ngủ mười năm.” Vào năm 1949, thời điểm tác phẩm này được viết ra và phổ biến, Hồng quân Trung Hoa đã kiểm soát toàn bộ hoặc ít nhất phần lớn lãnh thổ Hoa lục, và ảnh hưởng của đàn anh CS Trung quốc lên giới lãnh đạo CS đàn em tại Việt Nam chỉ có thể ngày mỗi lớn mạnh thêm. Có thể khái niệm căm thù được tác giả “nhập cảng” từ đồng chí Mao Trạch Đông vĩ đại, người phát động chiến dịch “Thổ địa Cải cách”  với khẩu hiệu “Vạn niên đích oan yêu thân – Thiên niên đích cừu yêu báo” trong những năm 1946 – 1949 ở Trung quốc và đem áp dụng cho công cuộc kháng chiến chống Pháp và kế hoạch phát động căm thù trong chương trình Cải Cách Ruộng Đất sau đó. Như vậy, có thể sách lược dựa vào căm thù để chiến thắng đã có mặt ngay trong giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp, trước khi truyện “Giấc ngủ mười năm” được phổ biến. Trong mọi trường hợp, không thể chối cãi “Giấc ngủ mười năm” là bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất về việc sử dụng căm thù như là vũ khí hàng đầu để chiến thắng, trong chiến tranh cũng như trong các cuộc đấu tranh nhằm tiêu diệt kẻ thù giai cấp của đảng CS. Chưa bao giờ và ở đâu nguyên tắc “cứu cánh biện minh cho phương tiện” được nâng lên một tầm cao như vậy.
Căm thù, như thế, đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam  trong gần ba phần tư thế kỷ, nếu tính từ những ngày đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong chừng ấy năm, bao nhiêu máu đã đổ xuống, bao nhiêu xương cốt đã đầy lên, bao nhiêu hận thù đã chồng chất, và còn như vẫn chưa đủ, nọc độc căm thù tiếp tục được bơm vào huyết quản dân tộc, phần lớn qua các hình thái văn học nghệ thuật và giáo dục. Chỉ cần nhìn lại các sáng tác thơ văn xuất hiện trong hai cuộc chiến tranh và xa hơn, đặc biệt từ nền văn học cách mạng. Có được bao nhiêu tác phẩm mà trong đó không nhắc đến chém giết và hận thù? Có khi nào các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà vẽ tranh v.v.. đã đóng góp vào “sự nghiệp” nuôi dưỡng căm thù dừng lại và tự hỏi mình những hình ảnh về  tội ác mà họ sẽ tròng lên đầu lên cổ kẻ thù đến từ đâu?
Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người. Những thế hệ Việt Nam, hàng hàng lớp lớp, được nuôi dưỡng bởi dòng sữa ngập ngụa hận thù, khi trưởng thành, sẽ có những đóng góp gì cho đất nước, đặc biệt về mặt văn hóa? Lợi ích trăm năm hay là ác mộng trăm năm?
*
Đã đến lúc trả lời câu hỏi đang treo lơ lửng trên đầu lưỡi của bạn. Điều gì làm người viết quả quyết truyện “Giấc ngủ mười năm,” đúng hơn là tác giả của nó, có đủ quyền lực để khiến những người cầm bút thuộc nền văn học cách mạng, một cách mù quáng, biến cái tội ác tưởng tượng “lính ngụy ăn thịt người” thành một tín điều bất khả tư nghị và vất qua một bên lý trí và chức năng sáng tạo của mình để chỉ sử dụng một cách máy móc cái khuôn mẫu “tội ác”  mô tả trong văn bản tuyên truyền này nhằm biến người lính miền Nam thành bầy ác quỷ?
Bởi vì tác giả là Trần Lực. Còn được biết đến dưới các bút danh Chiến Thắng, Chiến Sĩ, Howang T.S, Lý Thụy, Nguyễn Du Kích, Nguyễn Ái Quốc trong số hàng trăm tên hiệu được tác giả sử dụng trong suốt quá trình hoạt động của mình. Chức vụ sau cùng của tác giả: Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể bạn sẽ cảm thấy có chút hoang mang hoặc ngay cả có nhu cầu không để bị thuyết phục bởi các dữ kiện do bài viết này cung cấp. Không sao! Đó là phản ứng tự nhiên của người đã quá lâu bị che phủ dưới bóng âm u của thần tượng. Đây là một trong những trường hợp tốt hơn hết nên để cho người đọc tự tìm lấy câu trả lời. Người viết xin nhường cho bạn cái công việc điền vào chỗ trống, hoặc như người Mỹ thường nói, connecting the dots, nối những chấm dữ kiện trong bài viết để rút ra kết luận cho chính mình. Nếu vẫn cảm thấy chưa đủ, chỉ cần bấm vào đường dẫn dưới đây để đọc toàn văn truyện “Giấc ngủ mười năm” cùng với các thông tin liên quan đến thân thế tác giả. Và hãy yên tâm, sẽ không có tường lửa, bởi vì người CS không có thói quen dựng tường lửa ngăn chặn nguồn thông tin tuyên truyền của chính họ!
Đường dẫn đến truyện “Giấc ngủ mười năm”:
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thế hệ 'Kim Yong Un' mới trong đảng Cộng sản Việt Nam

Trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội.
Trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội.
Tin ông Justin Trudeau, 43 tuổi, con trai của cựu thủ tướng Canada Pierre Trudeau, đắc cử chức vụ thủ tướng hôm 20/10 nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công luận thế giới. Báo chí Việt Nam đã dành từ ‘con nhà nòi’ để nói về ông Trudeau. Trong khi đó, những gương mặt trẻ con cái của các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam vừa được bổ nhiệm vào những vị trí chủ chốt ở các tỉnh, thành sau Đại hội Đảng bộ ở các tỉnh thành tuần qua, lại khiến không ít người lo lắng.  
Trong cuộc phỏng vấn với Khánh An của Ban Việt Ngữ đài VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên của Diễn đàn Xã hội Dân sự, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS, phân tích sự khác biệt trong hệ thống và kết quả của quá trình chọn lãnh đạo giữa Việt Nam và các nước dân chủ và nguyên nhân tại sao một thế hệ trẻ lãnh đạo mới lại không hẳn là một dấu hiệu tốt cho Việt Nam.
Trước tiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét chung về những lãnh đạo trẻ mới lên của Việt Nam.
TS. Nguyễn Quang A: Những gương mặt trẻ đó thực sự họ lên được những chức to như thế, không ai biết có phải là bằng tài năng của họ hay không hay chỉ bằng mối quan hệ ‘con ông cháu cha’. Trong một hệ thống không minh bạch, không được bầu cử một cách tự do để lựa chọn những vị lãnh đạo, thì khả năng sau – khả năng ‘con ông cháu cha’ – là nhiều.

VOA: Nếu vậy, ông nhận xét thế nào về những công cụ đánh giá, chẳng hạn như các cuộc thi chuyên viên để được bầu cử vào các chức vụ này nọ?
TS. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ đấy là công cụ của riêng đảng Cộng sản thì khó mà đánh giá là công cụ đó khách quan đến thế nào, chính xác bao nhiêu. Rất đáng tiếc là phải nói như vậy.
VOA: Khi những gương mặt trẻ vừa được nắm giữ các chức vụ, có nhiều luồng dư luận tỏ ra lo ngại, nghi ngờ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam vừa lên tiếng nói ‘không nên cứ thấy bổ nhiệm người trẻ là nghi ngờ’. Đúng là ở các nước khác thì đây là dấu hiệu đáng mừng, tại sao ở Việt Nam lại có sự lo lắng như thế? Ông đánh giá thế nào về thực tế ở Việt Nam, theo tiểu sử thì họ cũng là những người được gửi đi đào tạo ở các nước và cũng có một năng lực nhất định?
TS. Nguyễn Quang A: Tiêu chuẩn trẻ là một tiêu chuẩn tốt. Nhưng bên cạnh tiêu chuẩn trẻ, còn rất nhiều tiêu chuẩn khác có thể còn quan trọng hơn tiêu chuẩn trẻ. Ở những nước có sự cạnh tranh lành mạnh và minh bạch trong việc bổ nhiệm, bầu cử, nếu được người trẻ thì đúng là rất tốt. Nhưng ở những nước độc tài, tiêu chuẩn trẻ chưa nói lên được điều gì. Hãy nhìn vào Bắc Triều Tiên với một lãnh đạo trẻ là ông Kim Jong Un, tôi nghĩ người ta lo ngại là phải.
Một số gương mặt trẻ nổi bật mới trúng cử vào bộ máy lãnh đạo tại Việt Nam

1. Ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giữ chức vụ Bí thư tỉnh Kiên Giang.

2. Ông Nguyễn Minh Triết, 25 tuổi, con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định.

3. Ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi, con trai nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Văn Chi, giữ chức vụ Bí thư thành ủy Đà Nẵng.

4. Ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, con trai Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phương Thanh, vừa giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam và được bổ nhiệm vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

5.  Ông Huỳnh Thanh Phong, 33 tuổi, con trai ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, giữ chức Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang.
Có thể sự so sánh nào cũng đều khập khiễng. Nhưng ông Kim Jong Un cũng được học ở phương Tây từ nhỏ, ở Thụy Sĩ, là một đất nước rất tiên tiến. Thế nhưng khi vào guồng máy như ở Bắc Triều Tiên thì những người đi học ở phương Tây ấy cũng tỏ ra vô ích. Vậy thì những ông ‘con ông cháu cha’ trẻ ở Việt Nam này có đi học ở đâu đâu chăng nữa, nhưng cái guồng máy này nó làm các ông đấy bị hư đi.

Vì sao đình chỉ điều tra blogger Hồng Lê Thọ?

Chân Như, phóng viên RFA -2015-10-22  
Tho_Lap
 Blogger Hồng Lê Thọ (trái) và nhà văn Nguyễn Quang Lập Photo courtesy of nguyentandung.org
Công an thành phố HCM đã quyết định đình chỉ điều tra blogger Hồng Lê Thọ, chủ trang blog Người Lót Gạch, và trước đó một ngày nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng nhận được quyết định tương tự. Chân Như đã lấy ý kiến một số các nhà tranh đấu trong và ngoài nước về sự kiện này.
Vì sao đình chỉ?
Quyết định đình chỉ điều tra blogger Hồng Lê Thọ, chủ trang blog Người Lót Gạch có rất nhiều độc giả trong nước được đại tá công an Lê Hồng Hà ký, và cho rằng “sau khi tiến hành điều tra và nhận thấy hành vi tàng trữ, phát tán tài liệu có nội dung đả kích, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước do bị can Lê Hồng Thọ thực hiện đã được ngăn chận kịp thời, và không còn nguy hiểm cho xã hội  nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự”. Quyết định này được nhiều các nhà blogger và dân chủ trong nước vui mừng, cũng như cho rằng sự việc này cũng do sức ép từ cả bên ngoài lẫn bên trong VN.
Chia sẻ với chúng tôi về việc đình chỉ này, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết đây là một sự trùng lắp, và cho rằng nó có nhiều tác động đến sự kiện đối ngoại nhân chuyến thăm VN sắp tới đây của TT Hoa Kỳ Obama. Ông nói:
Nhận xét của tôi, thứ nhất đó là sự trùng lắpThứ hai là thời gian đình chỉ điều tra kéo dài quá lâu vì thường được thả ra sau quá trình điều tra là khoảng chừng 3 tháng và cùng quá là đến 4 tháng người ta đình chỉ điều tra. Trường hợp của ông lập và ông Thọ kéo dài gần 9 tháng rồi mới đình chỉ điều tra.
Theo tôi, thoạt đầu là việc điều chỉnh điều tra đối với ông Lập và ông Thọ có thể kéo dài qua đại hội XII vì thường trước đại hội XII giới công an và quan chức không muốn đình chỉ bất kỳ ai vì sợ người ta có thể viết lại, lúc đó họ có thể “gây rối” và làm tình hình chính trị phức tạp, cho nên việc đình chỉ đối với ông Thọ và ông Lập chúng ta cần để ý rằng nó có những tác động gì và nó xuất phát từ nguyên nhân nào. Tất nhiên là người ta có thể đưa ra một số các nguyên nhân,nhưng theo tôi, nó có liên quan đến một sự kiện đối ngoại. Đó là chuyến đi thăm dự kiến vào tháng 11 sắp tới của tổng thống Obama đến Hà Nội. Chúng ta cũng nên để ý lại vào tháng 2 năm 2015 khi ông Lập và ông Thọ được thả ra thì cũng chỉ khoảng trước chuyến đi Hà Nội của bà Rose Gottemoeller, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chừng 3 tuần.
Chuyến đi của bà Rose như vậy đã đặt một dấu ấn rất quan trọng, để sau đó khoảng hai tuần, lần đầu tiên có một tướng công an Việt NamBộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đi sang Hoa Kỳ với mục đích chuẩn bị tích cực cho chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Washington vào tháng 7 năm 2015.
Cũng có vẻ như nhà nước và công an muốn “để dành” hai ông Lập và ông Thọ để chờ có sự kiện đối ngoại nào thì mới đình chỉ điều tra đối với họ.
- Nhà báo Phạm Chí Dũng 
Như vậy, việc thả ông Lập,ông Thọ vào tháng 2 năm 2015 và việc đình chỉ điều tra với cả hai ông vào tháng 10 năm 2015 có lẽ đều liên quan đến sự kiện đối ngoại.
Việc thả liền một lúc hai người như vậy và không cách nhau xa, điều đó cho thấy có thể hai người nằm trong chính sách nào đó. Theo tôi, đó là chính sách đối ngoại với những người đã từng nằm trong khám, trong tù; Cũng có vẻ như nhà nước và công an muốn “để dành” hai ông Lập và ông Thọ để chờ có sự kiện đối ngoại nào thì mới đình chỉ điều tra đối với họ.
Tuy nhiên, "nguyên nhân tác động xuất phát tình hình biến động từ trong chính VN chứ không hẳn chỉ riêng vấn đề đối ngoại lại là ý kiến của blogger Nguyễn lân Thắng:
Trước hết là tôi hết sức vui mừng và cũng xin chúc mừng ông Lê Hồng Thọ  cùng gia đình. Việc này tôi cho là ngoài việc vui mừng là ông Lê Hồng Thọ được tự do thì chúng ta cũng phải suy nghĩ là tại sao ông Bọ Lập được đình chỉ điều tra, ông  Hồng Thọ được tại ngoại. Rõ ràng là cái cách hành xử của cơ quan công quyền hết sức là tùy hứng. Có nhiều người nhận định rằng do sức éo của chuyến viếng thăm ngoại giao dự kiến của ông Obama đến Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc này xuất phát từ tình hình biến động từ trong chính Việt Nam, chứ không hẳn riêng vấn đề ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là điều đáng mừng.
Kiện lại công an?
Trong khi đó theo blogger Tạ Phong Tần, với việc đình chỉ điều tra dành cho 2 blogger Hồng Lê Thọ và nhà văn Nguyễn Quang Lập, cho thấy bộ công an đã không có cơ sở pháp lý và bằng chứng để khởi tố hai nhân vật này và  cả hai đều có đầy đủ chứng cớ để kiện cơ quan điều tra công an thành phố. Bà chia sẻ thêm:
Theo quy trình tố tụng được qui định tại bộ luận tố tụng hình sự Việt Nam thì trước khi khởi tố, bắt giam một người nào đó, cơ quan điều tra phải thu thập bằng chứng rồi mới khởi tố và có lệnh bắt giam. Ở đây, việc bắt giam hai ông Lê Hồng Thọ và Nguyễn Quang lập là việc trấn áp quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí nên không có cơ sở pháp lý và cũng không có bằng chứng . Vì vậy, sau một thời gian cố tình giam giữ để đàn áp thì phải đình chỉ điều tra. Việc đình chỉ điều tra này cho thấy việc bắt giam đó là không có bằng chứng và trái pháp luật. Do đó ông  Hồng Thọ và ông Nguyễn Quang Lập có quyền khởi kiện cơ quan điều tra công an thành phố HCM ra tòa dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.
Blogger Điếu cày cũng đồng tình với việc quyền khởi tố công an thành phố HCM, ông cũng cho rằng sự việc đình chỉ này là do sức ép của dư luận và cũng cho thấy rõ hệ thống pháp luật VN được quyền bắt trước và điều tra sau, ông chia sẻ:
Khi mà truyền thông ở trong nước đăng tin ông Hồng Lê Thọ và ông Nguyễn Quang Lập bị bắt và thậm chí là họ còn đăng là bị bắt quả tang nữa thì chúng ta đều biết nếu bị bắt phạm pháp quả tang phải có chứng cứ đầy đủ.
...ông Lê Hồng Thọ và ông Nguyễn Quang Lập có quyền khởi kiện cơ quan điều tra công an thành phố HCM ra tòa dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.
- Blogger Tạ Phong Tần
Đến bây giờ mới đình chỉ điều tra thì chúng ta thấy sức ép của dư luận rất là lớn. Vấn đề đình chỉ điều tra như thế này cũng cho thấy rõ rằng cái hệ thống pháp luật của Việt Nam cho phép người ta bắt trước điều tra sau. Khi đã bắt người trong trại giam, người ta tìm mọi cách để mà khép tội họ bởi vì nếu họ không có tội thì ai sẽ bồi thường những thiệt hại mà họ phải chịu.
Do vậy,trong trường hợp đình chỉ điều tra như thế này thì tôi cũng đồng ý với Tạ Phong Tần là hai bloggers Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường về danh dự, vật chất, tinh thần và tất cả thời gian bị giam giữ như vậy.
Và không chỉ riêng ông Hồng Lê Thọ và ông Nguyễn Quang Lập mà còn cả trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Già và rất nhiều anh em đấu tranh ở trong nước, những người chỉ biểu đạt chính kiến một cách ôn hòa trên internet mà bị bắt giam, bị tù đày với những bản án hàng chục năm tù. Trong khi đó, những chứng cứ mà nhà cầm quyền đưa ra, hầu như là đều vi phạm các luật pháp quốc tế vì quyền biểu đạt chính kiến một cách ôn hòa là quyền mà người dân được tất cả các công ước quốc tế qui định cũng như được hiến pháp Việt Nam thừa nhận.
Vì vậy, việc khởi kiện để đòi lại những quyền lợi chính đáng của người dân là cách tốt nhất để chúng ta không những là đòi lại quyền lợi cho riêng mình mà còn để những người sau này nữa cũng tiếp bước chúng ta để làm cái việc cho nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt cái cảnh bắt giữ, đàn áp báo chí như vậy.”
Được biết blogger Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29 tháng 11 năm 2014, bị tạm giam đến ngày 11 tháng Hai 2015. Ông bị khởi tố tội tuyên truyền chống phá nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Còn nhà văn, blogger nổi tiếng Nguyễn Quang Lập bị bắt chiều 6 tháng 12 năm 2015 tại nhà riêng ở TP.HCM.

Thịt chó, lý lịch, và thái tử đảng

Viết Từ Sài Gòn Theo RFA-2015-10-22  
Triết lý của dân ăn thịt chó rất nhất quán ở điểm: Thịt chó thì rất ngon, nhiều đạm, nó đòi hỏi phải có riềng, sả, lá mơ, mắm tôm và ớt cay. Đương nhiên nhậu thịt chó thì phải nhậu với rượu, rươụ càng ngon thì thịt chó càng có ý nghĩa. Và bạn nhậu phải hiểu nhau, phải giữ hòa khí trong bàn nhậu. Muốn hiểu nhau, trước khi vào bàn nhậu, tốt nhất phải là bạn bè, biết thân thế của nhau. Và muốn ăn ngon thì đừng sợ mình man rợ, không man rợ thì làm sao ăn thịt chó được!
Đương nhiên là một khi đã có triết lý và nguyên tắc hẳn hoi, cũng sẽ có những sắp xếp hợp lý để ăn trọn vẹn một con chó. Ví dụ như trong một con chó, cái đầu chó, dù không ngon nhưng phải dành cho người có số có má bởi nó thể hiện quyền lực trong mâm. Thứ đến là những bộ phận khác. Đương nhiên cái đầu chỉ đóng vai trò tượng trưng thôi chứ đùi chó, dồi chó, chó xáo măng, chó nhựa mận, chó nướng, chó hấp, chó chiên mè, chó hầm đậu đen… kính thưa các loại chó đều có trong mâm của đàn anh.
Cách sắp xếp như vậy thể hiện một trật tự có trên có dưới, có ngon có dở và ai cũng có phần. Ví dụ như hạng đàn anh dư dả, thừa mứa thì chỉ cần ngon, cần thể hiện quyền lực chứ không cần nhiều, bàn phải có cái đầu chó, rồi các món ngon, xắt đẹp, múc đẹp. Nó khác với bàn dưới một chút chỉ có các món cũng giống với đàn anh nhưng thiếu cái đầu chó và xắt, múc không đẹp bằng, miễn là ăn đủ no, rượu đủ say chứ không cần đẹp.
Và bàn dưới nữa thì có thể không ngon so với các bàn trên nhưng lại nhiều, cũng không cần xắt đẹp, múc đẹp mà miễn sao bổ dưỡng, đầy bụng và rượu thịt ê hề là tốt. Có thể là dồi thật nhiều để lót bụng, sau đó là bầy nhầy bạn nhạn và gặm xương cũng tốt, miễn là no say.
Chính nhờ vào sự sắp xếp theo kiểu vàng chơi với vàng, bạc chơi với bạc, đồng ngồi với đồng này mà những mâm thịt chó ngon, bổ, vui phải là những mâm không bị phô hay bị lạc điệu, ngưỡng nào chơi với ngưỡng đó. Và trên hết là phải biết lý lịch của nhau, bởi một khi biết nhau thì tránh tình trạng đang ngồi nhậu, lại nhớ đến chuyện thù hận từ thời ông bà, cha mẹ mà mang ra mắng nhiếc nhau, thậm chí đập nhau. Lý lịch, nghe đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong triết lý thịt chó.
Cái triết lý thịt chó nghe đơn giản đến vô cùng nhưng lại có tính phổ quát trong xã hội mà nó tồn tại. Nó đi từ mâm thịt chó sang chiếu chính trị, từ chỗ đầu đường xó chợ đến sảnh đường nhà nước và thậm chí từ chỗ xóm nghèo đến tận trời Tây khi mang chuông đi đánh xứ người. Cái triết lý thịt chó tuy đơn giản nhưng lại bền vững, nó bền vững vì nó là những qui tắc thịt chó, còn thịt chó thì nó còn tồn tại và nó còn tồn tại thì vấn đề lý lịch vẫn phải được đưa lên hàng đầu nếu như không muốn mâm thịt chó bị hất xuống đất, mắm tôm, lá mơ, riềng, sả, ớt, rượu, dồi, xương… văng tung tóe.
Chính trị cũng vậy, đảng Cộng sản Việt Nam đã rất khôn khéo vận dụng triết lý thịt chó vào tư tưởng lãnh đạo của họ. Yếu tố lý lịch được xếp lên hàng đầu, sau đó là quyền lợi hưởng thụ và sau cùng mới là cống hiến cho xã hội. Điều này hoàn toàn khác so với các quốc gia tư bản dân chủ, lấy pháp trị làm nền tảng phát triển xã hội.
Bởi nếu như không xét lý lịch mà xét trên sự cống hiến thì mâm thịt chó trong nội bộ đảng Cộng sản sẽ nhanh chóng bị hất văng xuống đất, thậm chí nguy cơ chống ăn thịt chó sẽ nhanh chóng phát triển, làm cho triết lý ăn thịt chó trở nên thừa thải và lạc hậu.
Bởi một khi lấy sự cống hiến xã hội làm nền tảng phát triển tài năng và địa vị trong hệ thống chính trị thì khái niệm “thái tử đảng” sẽ bị triệt tiêu, người ta sẽ dựa trên năng lực và thành tựu đóng góp cho xã hội để bầu cử, đề cử hay ứng cử. Chuyện này quá xa lạ trong cơ chế độc tài. Chính vì vậy, yếu tố xét lý lịch và vẫn luôn là tiêu chí đầu tiên trong vấn đề thăng tiến, nắm quyền lực trong bộ máy nhà nước Cộng sản.
Cho đến thời điểm hiện nay, các thái tử đảng vẫn chưa làm được một việc gì cho ra hồn, họ chưa mang lại bất kì sự thay đổi hoặc giả cũng có những đóng góp nhằm làm thay đổi xã hội, để xã hội tốt đẹp hơn nếu không muốn nói là họ lặp lại y vết xe đổ của cha anh họ, nghĩa là tiếp tục độc tài, độc đoán và chuyên quyền. Khi nắm quyền, việc đầu tiên của họ là củng cố địa vị, thế lực, tiếp theo là đe nẹt tôn giáo, bóp nghẹt và dập tắt mọi trào lưu tiến bộ trong xã hội để giữ thế độc tài cho đảng.
Vì sao họ phải làm vậy? Vì lẽ, họ không muốn chia mối lợi lộc với bất kì thế lực nào, cho dù thế lực đó có tiến bộ hay không, họ không quan tâm. Thậm chí, thế lực đó nổi lên không phải là để hưởng lợi mà để làm thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt hơn thì với đảng Cộng sản, đó vẫn là thế lực thù địch.
Bởi lẽ, một khi tài nguyên, ngân sách quốc gia và quĩ đất quốc gia cũng như mọi thứ có được trên quê hương này đã được chuyển hóa thành mâm thịt chó của đảng, để từ đó đảng sẽ phân chia chỗ ngồi, mâm ngồi rồi thứ tự bàn từ trên xuống dưới… Vấn đề cần phải làm là làm sao để bữa thịt chó thật ngon miệng, vui vẻ và có ý nghĩa chứ không phải bàn luận có nên hay không nên ăn thịt chó trong lúc này.
Nhưng, nếu ăn thịt chó mà chỉ toàn những người thích ăn ngon, thích thịt thì xương xẩu, dồi diết bỏ cho ai? Đương nhiên, muốn ăn hết một con chó và muốn trong lúc ăn thấy mình sang hơn người, thậm chí lỡ trong lúc ăn có kẻ đến phá rối thì cũng có đứa đứng ra mà chống đỡ thì cách tốt nhất là phải đông vui. Nghĩa là có thái thượng hoàng, có nhà vua, có thái tử, có lính lác và có cả lưu manh. Thái thượng hoàng ngồi chiếu trên cùng với mâm đầu chó và vài món ngon, đẹp, quí phái như ngọc cẩu thì nhà vua phải có đùi chó xắt mỏng và những món khác ngon hơn thái tử một chút. Đến các món còn lại nhưng dồi chó, xương chó, thịt bầy nhầy bạn nhạn lại dành cho đám lưu manh, lính lác bên dưới.
Chung quy, ai cũng có được thịt chó để ăn, để say, khỏi phải thấy mình bị đối xử bất công, phần mình thì mình hưởng, đừng ai đụng đến quyền lợi của mình là được tất. Cái thứ triết lý này tuy đơn giản, man rợ nhưng lại rất hợp thời đối với Việt Nam Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam thứ 12 sắp diễn ra. Nói là đại hội nhưng trên thực tế, bản chất sâu xa của nó lại là một cuộc chia chác, phân chia quyền lực hay nói khác đi là chuẩn bị chia phần, chia mâm thịt chó cho ổn định và lâu dài. Mặc dù thịt chó bây giờ đã hiếm, người phản đối ăn thịt chó cũng nhiều, chuyện này tương ứng với tài nguyên cạn kiệt, ngân sách trống rỗng, nhân dân oán thán… Nhưng thịt chó thì vẫn phải ăn, quyền lực thì vẫn phải chia, thời loạn lạc, thế lực đối lập nổi lên quá nhiều mà phường lưu manh cũng nhiều vô kể. Cách tốt nhất là cho phường lưu manh được ngồi các chiếu dưới để cùng ăn thịt chó, có như vậy phường này mới đứng ra dẹp những ai phản đối ăn thịt chó.
Cái triết lý nghe rất đơn giản về ăn thịt chó lại rất phù hợp với đại hội đảng sắp tới. Nếu không tin thì nhìn vào cách sắp xếp nhân sự từ trung ương đảng đến các tỉnh, các huyện thì sẽ rõ!
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Làng nổi của người Việt bị di dời đến nơi khó sống hơn

Sơn Trung, thông tín viên RFA-2015-10-22 
20151018_155912-622.jpg
Hồi đầu tháng 10 năm 2015, gần 1.500 nhà bè, nhà nổi của người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang đã di dời khỏi nơi neo đậu sang vị trí mới. RFA PHOTO/Sơn Trung
Hồi đầu tháng 10 năm 2015, gần 1.500 nhà bè, nhà nổi của người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang đã di dời khỏi nơi neo đậu sang vị trí mới. Bà con ở đây cho biết ở vị trí mới, họ gặp rất nhiều khó khăn, và khó có thể duy trì cuộc sống.

Tự di dời trước thời hạn

Nơi tập trung mới của gần 1.500 nhà bè này cùng năm trên con sông là một nhánh của hồ Tonlé Sap và cách xóm cũ khoảng 3km, hướng về phía Biển Hồ. Xóm mới nằm trên khúc sông dài khoảng 1km, rộng từ 700 đến 900 mét, thuộc ấp Chong Koh, phường Phsar Chhnang, thành phố Kampong Chhnang.
Theo thông báo của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thì việc di dời sẽ được thực hiện từ ngày 10 tháng 10 và chấm dứt trước ngày 25 tháng 10 năm 2015. Tuy nhiên, chưa đến thời hạn, hàng trăm ngôi nhà bè đã tự động rời khỏi nơi neo đậu cũ, đến sáng ngày 18 tháng 10 năm 2015, Sơn Trung của đài Á Châu Tự Do thấy xóm nổi cũ chỉ còn hai nhà bè đã khóa cửa.
Việc người dân di dời sớm hơn kế hoạch được ông Sun Sovannarith, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhang và là Trưởng bao chỉ đạo di dời này xem là một bằng chứng khẳng định chính sách di dời nhà bè, nhà nổi của chính quyền là đúng đắn và nhận được ủng hộ của người dân.
Ngày 1 tháng 10 thì người dân đã tự động rời khỏi nơi cũ đến nơi mới. Theo tôi thì có một số người đã lôi kéo họ đi trước để tìm nơi thuận lợi. Và tôi cũng nói thẳng luôn, chính Hội Việt Kiều là người tuyên truyền, lôi kéo người dân.
-Ông Tort Kimsroy
Ông Sun Sovannarith nói: “Kế hoạch là sẽ di dời từ ngày 10 đến ngày 25 nhưng người dân đã tích cực tham gia và họ tự làm chủ, tự nguyện và tự lo chi phí di dời. 98% người dân di dời trước thời hạn.
Tuy vậy, khi tiếp xúc với chúng tôi, một số người dân cho biết không hề có việc họ tự di dời khỏi nơi cư trú cũ vì quá trình di dời rất tốn kém, nơi ở mới không đủ điều kiện sinh hoạt như nơi ở cũ, tuy nhiên, do quá sợ hãi trước sự đe dọa của giới chức địa phương nên bà còn phải dời nhà trước thời gian quy định.
Ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Chủ tịch Hội Việt Kiều tỉnh Kampong Chhnang, là một trong số hộ dân dời nhà đầu tiên chia sẻ: “Ngày nay họp, chiều nay và sáng mai lùa như bầy trâu. Công an ào ào ào… Người dân ở đây rất dốt nát và đang rất sợ chính quyền. Dân nghe chính quyền làm, rồi chính quyền đưa xuống công an bốn năm mặt DP, PM(Lực lượng Cảnh sát quân sự), Công an này kia nọ, chạy dọc dọc đuổi, bà con quá sợ nên cấp tốc đi, nếu mà không cấp tốc đi thì sợ bị tội.”
Chúng tôi mang vấn đề này trao đổi với ông Tort Kimsroy, điều phối viên của tổ chức bảo vệ quyền người thiểu số tại Campuchia (MIRO), ông này thừa nhận rằng có việc người dân tự ý di dời trước thời hạn quy định của cơ quan chức năng, tuy nhiên ông khẳng định nguyên nhân không phải do người dân ủng hộ chính sách này và cũng không hề có việc chính quyền đe dọa buộc người dân phải rời khỏi nơi cư trú.
Ông Tort Kimsroy còn nói thêm lý do còn vì một số người muốn di dời trước để chiếm những vị trí thuận lợi và gần chợ hơn: “Chính quyền lên kế hoạch sẽ ra thông báo vào ngày 5 tháng 10 nhưng đêm ngày 1 tháng 10 thì người dân đã tự động rời khỏi nơi cũ đến nơi mới. Theo tôi thì có một số người đã lôi kéo họ đi trước để tìm nơi thuận lợi. Và tôi cũng nói thẳng luôn, chính Hội Việt Kiều là người tuyên truyền, lôi kéo người dân.”

Xa bến, xa chợ, thiếu mọi thứ

20151018_160259-400.jpg
Nhà nổi của người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang đã di dời khỏi nơi neo đậu sang vị trí mới. RFA PHOTO/Sơn Trung.
Cũng như ở xóm cũ, người dân ở đây vẫn sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và nuôi cá trong các nhà bè. Tuy nhiên, do vẫn chưa có nơi neo đậu ổn định và việc di dời được tiến hành đúng vào thời điểm bắt đầu mùa đánh bắt cá (đầu tháng 10 hàng năm) nên hiệu quả đánh bắt không cao.
Theo bà con ngư dân thì bình quân mỗi ngày một gia đình đánh bắt được từ 2 đến 5 kg cá. Với số lượng cá này thì số tiền bán được không đủ chi phí xăng dầu mang cá ra bến chợ bán nên nhiều người, nhất là những hộ dân có nhà nằm ở phía cuối xóm phải lâm vào hoàn cảnh hết sức thiếu thốn.
Chị Lê Thị Gấm có nhà nằm ở cuối xóm nổi, cách bến chợ hơn 3 km chia sẻ: “Chỗ mới vất vã hơn chỗ cũ, từ lên tới giờ mần có được gì đâu, rồi nó xa xôi. Rồi người nghèo khổ, giả tỷ như làm được hai ký lô (cá), đâu có đủ đem đi bán đâu nên để ăn luôn. Hồi trước gần, dễ hơn, người ta được một ký, hai ký, bán cũng được tiền, còn bây giờ mình ở xa vậy nè, chạy đi về là hết ba bốn (lít) dầu, rồi mần được hai ba ký lô cá làm sao mà đủ sống.
Tuy chỉ cách trung tâm dân cư khoảng hơn 3km, vị trí neo đậu mới này nằm ở khúc sông vắng, hai bên bờ sông có đoạn ngập nước nên ở đây không có điện lưới, không có nước sạch sinh hoạt và gần như biệt lập với bên ngoài.
Chỗ mới vất vã hơn chỗ cũ, từ lên tới giờ mần có được gì đâu, rồi nó xa xôi. Rồi người nghèo khổ, giả tỷ như làm được hai ký lô (cá), đâu có đủ đem đi bán đâu nên để ăn luôn. Hồi trước gần, dễ hơn, người ta được một ký, hai ký, bán cũng được tiền.
-Chị Lê Thị Gấm 
Những người vừa di dời cho biết hồi tháng 5 năm 2015, chính quyền tỉnh Kampong Chhang có thông báo về việc di dời làng nổi sang nơi mới nhưng đảm bảo sẽ chuẩn bị điều kiện để người dân có thể sinh hoạt và hoạt động làm ăn sau đó sẽ cho di dời. Tuy nhiên, gần 1500 hộ dân này phải dời nhà đến vị trí hoàn toàn không có sự chuần bị gì và đời sống hết sức khó khăn.
Ông Bùi Văn Ái, sinh sống nhiều đời trên nhà bè ở tỉnh Kampong Chhnang, cũng thuộc nhóm vừa bị di dời cho biết ông hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của chính quyền và ông không còn tin tưởng chính quyền sở tại. Ông Ái chia sẻ: “Họ nói là sẽ kiếm chỗ cho mình đàng hoàng, điện nước, điện có, đường xá có, tui sống nghề cá thì phé (bến tàu, bến xuồng – tiếng Khmer) cá có, rồi tự dưng người ta thay đổi chương trình, người ta đuổi cấp tốc luôn.”
Giải thích về việc người dân phải sống trong tình trạng thiếu điện, xa chợ, không có trường học, ông Sun Sovannarith, Phó tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang, cho biết hiện nay đoạn bờ sông dẫn từ khu dân cư đến khu làng nổi mới đang bị ngập nước trong tháng 11 tới đây chính quyền sẽ tiến hành kéo điện, làm đường, xây trường, dời chợ để đảm cho bà con có điều kiện sinh sống tốt nhất.
Ông Sun Sovannarith cho biết: “Khi ở nơi cũ, bà con sống co cụm, rất mất vệ sinh và không có trật tự. Khi dời sang nơi ở mới, chúng tôi đã sắp xếp trật tự, có vệ sinh và thuận tiện trong việc quản lý hành chính. Về việc thiếu thốn điện, chúng tôi sẽ bàn bạc với cơ quan chuyên môn nối điện đến đó. Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ san lấp, làm đường lớn và mang bến tàu gần họ, tiếp theo nữa, chúng ta sẽ làm chợ ngay cạnh họ.”
Theo thông tin từ chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thì việc di dời này nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị năm năm từ năm 2015 đến năm 2019 và là bước thứ hai của bảy bước trong kế hoạch đưa người dân lên định cư trên bờ, xóa bỏ nhà bè, nhà nổi trên các nhánh của sông Mekông.
Sơn Trung tường trình từ Campuchia.