Friday, December 7, 2018

Tệ hơn bò!

Ông Phan Nguyễn Như Khuê – đoàn ĐBQH TPHCM nói rằng: «Hiện tại, TPHCM làm ra 100 đồng thì phải nộp lên trung ương hết 82 đồng. Nghĩa là, phải nộp lên trung ương hết 82% thu nhập của thành phố. Và Ông cho rằng, trung ương xem tphcm là con bò sữa và đang vắt kiệt sức của nó».
Phan Nguyễn Như Khuê
Bà mẹ! Ông là ĐBQH mà chả hiểu biết gì! Đành rằng, tphcm nộp ngân sách lên đến 82% là khủng khiếp thật. Nhưng, không phải trung ương coi riêng tphcm là con bò sữa, mà chính xác, họ coi cả dân tộc này cũng là con bò sữa, ông hiểu chưa?
Khắp cả 64 tỉnh thành trên đất nước này tuy rằng, nơi này nhiều, chỗ kia ít, nhưng chẳng có địa phương nào không nộp ngân sách về trung ương. Tiền đó, đảng toàn quyền sử dụng theo ý của đảng. Nào: xây tượng đài, xây học viện khổng tử, xây bảo tàng, xây đền thờ lê duẩn, xây nghĩa trang cấp cao….
– Sang Bắc Hàn chơi, cũng mang tặng cho nó 5.000 tấn gạo.Không những, đảng phung phí ngân sách nuôi dưỡng một bộ máy khổng lồ để bảo vệ cho đảng cầm quyền trong nước, mà còn đem tiền ngân sách đó chơi đẹp với các đảng cộng sản anh em trên thế giới, như:
– Sang Cu Ba chơi, cũng mang tặng cho nó 5.000 tấn gạo.
– Sang Lào chơi, cũng xây tặng cho nó cái nhà Quốc hội, trị giá hơn 100 triệu ông Tơn….
Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Trọng còn tự mình đứng ra xóa nợ mà Cu Ba trước kia đã vay của mình, và ông còn lấy tiền ngân sách để xây trường học cho Lào đứng trên danh nghĩa của cá nhân ông.
Con bò bị vắt sữa nhưng bù lại người chăn còn cho nó ăn. Người nuôi bò bán sữa rồi trích một phần tiền từ nguồn sữa để mua lại cám, rau cho nó. Còn dân tộc này được hưởng lại những gì từ tiền thuế của mồ hôi, nước mắt của mình bỏ ra? Có một dịch vụ nào miễn phí cho dân không? Không hề!
Xem ra, dân tộc này bị đối xử còn tệ hơn con bò sữa! Mà nghĩ cũng đúng thôi! Khi một cái Like cũng không dám bấm cho những bài phản biện, thì chỉ có thể, chúng ta mãi mãi là bò để họ vắt đến kiệt sức mà thôi./.

Ăn cướp đến bao giờ?

Tân Phong – Web Việt Tân
Công đoàn Độc lập và nỗi ám ảnh của thể chế
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, sau khi Australia phê chuẩn hiệp định. Như vậy là 6 quốc gia: Úc, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã phê chuẩn hiệp định này. Các quốc gia khác là Việt Nam, Brunei, Chile, Malaysia và Peru đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng.
Đây là hiệp định tự do thương mại quan trọng mà Việt Nam kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, CPTTP có những yêu cầu bắt buộc về những vấn đề quyền lao động và công đoàn độc lập – điều mà chính quyền Việt Nam hết sức né tránh, coi đây là một “thách thức chính trị” đối với thể chế và hệ thống công đoàn quốc doanh vốn từ lâu là cánh tay nối dài của Đảng.
Trong một bài báo của tờ laodong.vn – tờ báo mạng chính thức của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – ngày 26/7/2013, tác giả Tống Văn Công, đã đưa ra một con số từ thống kê của chính tổ chức này khi cho biết kể từ năm 1995 đến 2013 đã có hơn 5.000 cuộc đình công nhưng không do công đoàn lãnh đạo. Trong đó, có những cuộc đình công với số lượng công nhân tham gia lên tới hơn 10.000 người.Với 90 năm lịch sử hình thành hệ thống công đoàn ở Việt Nam, những người cộng sản có một “bề dày kinh nghiệm xương máu” trong vấn đề kiểm soát sức mạnh tiềm ẩn trong đội ngũ lao động đông đảo đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Tổ chức “nhân danh” đại diện cho giới lao động và bảo vệ lợi quyền cho đại đa số lao động này thực chất đã hoàn toàn bị tha hóa, rời bỏ chức năng là người đại diện và bảo vệ lợi quyền chính đáng cho giới cần lao.
Nguyên nhân chủ yếu là vấn đề tiền công, điều kiện lao động, đối xử bất công, chế độ nghỉ phép và bảo hiểm không đảm bảo. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm, cũng cho thấy một loạt bài báo về tình trạng đình công tự phát ngày một nghiêm trọng. Theo như “thống kê chính thức”, năm 2017, toàn quốc có 314 cuộc đình công và ở một số địa phương số lượng đình công tăng gấp 4 lần so với năm trước, như ở Bình Phước, Bến Tre – những tỉnh nông nghiệp nghèo của Tây Nam Bộ, nơi mà mức lương người lao động rất thấp và chế độ bảo hiểm, nghỉ phép, an toàn lao động tồi tệ.
Liên đoàn lao động Việt Nam trở thành một thứ trung gian ký sinh, hoàn toàn vô dụng nhưng vẫn tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách và sử dụng một nguồn quĩ lớn trích từ đồng lương còm cõi của người lao động. Con số đình công thực tế lớn hơn nhiều lần thống kê do Liên đoàn lao động Việt Nam công bố, cho thấy một thực trạng mâu thuẫn ngày một gay gắt giữa đại đa số giai cấp cần lao với giới chủ. Trong khi đó, vai trò Liên đoàn lao động Việt Nam với một bộ máy quan liêu cồng kềnh có tác dụng duy nhất là khấu trừ 3% tổng quĩ lương của các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động vốn đã bị chính sách thuế, phí tàn bạo tầng tầng lớp lớp của chế độ bào mòn đến tận xương tủy.
Bản cáo chung cho Công đoàn quốc doanh
Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh hôm 5/11 dẫn lời ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình.”
Trước đó, tại kỳ họp quốc hội đầu tháng 11, vị đại diện cho Tổng liên đoàn lao động này cũng bày tỏ những ý kiến của ông ta với những đề nghị tập trung vào việc luật hóa các khái niệm “người đại diện” và các qui định “linh hoạt” cho phù hợp với các yêu cầu theo cam kết với các hiệp định đã ký kết nhưng ngăn chặn việc hình thành các Công đoàn vàng “Ở đó giới chủ tự thành lập và thao túng, biến công đoàn ấy là tay chân của mình”… “Đặc biệt, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.”
Với những phát biểu của đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có thể thấy lo ngại rất lớn từ nguy cơ bị chia xẻ nguồn tài chính và số lượng đoàn viên khi xuất hiện tổ chức công đoàn cạnh tranh. Ông Hiểu cũng ngay lập tức đã đề nghị các biện pháp ngăn chặn và đã sớm đưa ra những luận điệu vu khống trắng trợn mà nhà cầm quyền CSVN có thể dễ dàng qui kết, chụp mũ các tổ chức công đoàn độc lập không chịu sự chi phối của Đảng CSVN.
Những lo ngại về các tổ chức “Công đoàn Đỏ” do chính đảng Cộng Sản thành lập ra để làm “chim mồi” là hoàn toàn có cơ sở. Hơn ai hết, người cộng sản rất giỏi trong việc trá ngụy, lừa dối. Sẽ có nhiều chiêu trò đóng kịch PR công tác “đại diện và bảo vệ lợi quyền người lao động” được những tổ chức công đoàn của đảng tạo dựng. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gần đây cũng chỉ đạo cán bộ công đoàn các cấp phải sử dụng mạng xã hội để “đi sâu sát, nắm bắt tâm tư tình cảm công nhân, đặc biệt ở các khu công nghiệp” và chủ động mở các diễn đàn trên mạng xã hội để chứng tỏ tính “đại diện và bảo vệ lợi quyền người lao động” trên không gian mạng.
Việc thay đổi trong phương thức tuyên truyền, tiếp cận với người lao động của các tổ chức công đoàn quốc doanh này không thay đổi bản chất là “cánh tay nối dài” của đảng và mục đích kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ chính lực lượng đã đem lại sức mạnh quyết định trong những cuộc lật đổ chính quyền trong quá khứ của người cộng sản.
Để phân biệt được “Công Đoàn Đỏ”“Công Đoàn Vàng” hay Công đoàn thực sự của người lao động thì cần có sự hiểu biết và mọi thông tin phải được tìm hiểu rất tường tận trong một quá trình. Nhưng việc mà mọi doanh nghiệp và công nhân viên có thể làm được ngay là việc phản đối qui định “ăn cướp” mà hệ thống công đoàn quốc doanh đã áp đặt bao lâu nay là khấu trừ 2% quĩ lương của doanh nghiệp và 1% lương của các đoàn viên công đoàn.
Doanh nghiệp, tổ chức hay người lao động có thể tự mình lựa chọn một tổ chức đại diện mà họ tin tưởng trong việc bảo vệ lợi quyền chính đáng cho giới cần lao chứ không phải một thứ tổ chức trung gian ký sinh như Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức cơ sở của nó. Dù việc hình thành và phát triển những tổ chức công đoàn độc lập thực sự đại diện cho tiếng nói của người lao động sẽ vô cùng khó khăn trong môi trường chính trị vô nhân tính và độc tài cao độ như Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa những hạt giống Tự do, Nhân quyền không thể nảy mầm và vươn lên thành những cây đại thụ.
Lịch sử là một dòng chảy không thể dừng lại và những thứ rác rưởi sinh ra từ một thể chế tồi bại như CSVN, cuối cùng sẽ bị cuốn trôi.
5/12/2018
Tân Phong

Hãy để cho mọi người biết

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Khi hàng triệu nô lệ biết nhân phẩm và tự do là giá trị và quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình lúc chào đời là lúc những chế độ toàn trị bắt đầu run sợ. Từ nhận thức đến hành động chỉ là vấn đề thời gian vì cuộc cách mạng tự do cá nhân đã bắt đầu nẩy mầm trong lòng của mỗi người nô lệ. Bằng tất cả chân thành và can đảm, các bạn trẻ Việt Nam bắt đầu làm theo lời khuyên của Voltaire - hãy để cho mọi người biết. Nhờ họ Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã xuống đường để vào lòng người...

*

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền kết tinh hai mươi thế kỷ văn minh tinh thần và đạo dức của nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử đa phần nhân loại cam kết với nhau rằng mỗi con người trong mắt của tất cả mọi người là con người đích thực với tất cả sự trọn vẹn về nhân phẩm và tự do. Con người bắt dầu học để đối xử với nhau một cách nhân ái và văn minh. 

Trong suốt hai năm trời các đại biểu từ sáu lục địa đã thảo luận, viết và sửa đi sửa lại bản thảo trong hàng ngàn giờ để rồi cuối cùng vào lúc ba giờ sáng ngày 10 tháng Mười Hai năm 1948 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chính thức thông qua. 

Con đường thành hình bản tuyên ngôn này là con đường chạy dài gần như suốt lịch sử nền văn minh tinh thần của con người. Hạt giống nhân quyền bén rễ đầu tiên ở Hy Lạp cổ đại nơi người ta tin vào những luật tự nhiên phổ quát, và người La Mã hoàn thiện những khái niệm về thượng tôn pháp luật; rồi đến những triết gia Khai Sáng, những người tin tự do là điều kiện tự nhiên và mục đích của chính quyền là phục vụ và bảo vệ công dân. 

Nhưng vào ngày 9 tháng Bảy năm 1975 nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn phát biểu như sau trong bài diễn văn tại New York: 

"Chúng tôi là nô lệ ở đấy ngay từ lúc chào đời. Chúng tôi sinh ra là nô lệ. Tôi không còn trẻ nữa, và chính tôi đã là nô lệ lúc sinh ra; điều này càng đúng hơn đối với những người trẻ hơn. Chúng tôi là nô lệ, nhưng chúng tôi đang cố gắng để được tự do." 

Lời than của Solzhenitsyn sau này được nhiều người Nga lập lại trong những năm cuối cùng của chế độ cộng sản toàn trị ở Liên Xô. Nhà thơ Nga nổi tiếng Robert Rozhdesvensky còn buồn thảm hơn trong lời thơ sau: 

Và ngay cả khi những con tàu vũ trụ của chúng ta bay giữa các vì sao, 
Chúng ta vẫn còn là những nô lệ, những nô lệ. 
Và giống như vết nhơ quá đậm, sự nô lệ này của chúng ta không thể nào rửa sạch. 

Mỗi người trong chế độ toàn trị đều thấm ít nhiều chất nô lệ mà xiềng xích không những chân tay mà còn cả tinh thần và ý chí của họ. 

Như vậy ánh sáng thiêng liêng của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã không xuyên thủng được bóng tối dày đặc che kín toàn bộ cuộc đời của các nô lệ ở các nước cộng sản. Đa phần họ là những nô lệ đáng thương không nhận thức rằng mình là nô lệ vì họ không biết đến nhân phẩm và tự do bất khả xâm phạm mà mỗi con người đều được hưởng lúc sinh ra. 

Đối với người chủ người nô lệ nào ý thức được giá trị tự do và nhân phẩm của mình là thùng thuốc nổ đang chờ que diêm. Cho nên các chế độ toàn trị rất sợ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Họ dựng lên tầng tầng lớp lớp bức tường và hàng rào kẽm gai để ngăn chặn sự lan tỏa tinh thần của bản tuyên ngôn. Bên trong những trại tập trung giam giữ tâm hồn con người ấy, mỗi tối dưới bầu trời không trăng sao, các cai ngục chiếu lên nền trời những ngụy từ lung linh như độc lập tự do và hạnh phúc để ru các nô lệ vào giấc ngủ để chuẩn bị cho ngày nô lệ mới. 

Trở thành công dân tự do có trách nhiệm là con đường duy nhất để thoát ra khỏi cảnh nô lệ thể chất và tinh thần như lời của một nhà báo Nga viết vào cuối năm 1989: 

"Từ suy nghĩ mình là con ốc hay răng cưa rất nhỏ trong guồng máy khổng lồ nghiền nát hàng triệu số phận con người đến sự thấu hiểu mỗi cuộc đời là duy nhất. Và từ nô lệ hân hoan khi nhận khẩu phần thực phẩm đến trách nhiệm của người tự do." 

Tại sao những người dân Liên Xô mới nhận thức họ là nô lệ chỉ vào những năm tồn tại cuối cùng của chế độ. Một nguyên nhân là mọi người không biết đến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Hơn nữa chế độ còn ban ra hiến pháp và luật pháp mà, nếu xét trên bề mặt, còn tốt hơn nhiều những nước có truyền thống tự do và dân chủ lâu đời. 

Nhưng tất cả các quyền con người và sự thượng tôn pháp luật trên các văn kiện ấy của các nước toàn trị chỉ là trên giấy tờ. 

Triết gia thời Khai Sáng Voltaire đã trả lời khi được hỏi nên làm gì với nhân quyền: 

"Hãy để cho mọi người biết." 

Khi hàng triệu nô lệ biết nhân phẩm và tự do là giá trị và quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình lúc chào đời là lúc những chế độ toàn trị bắt đầu run sợ. Từ nhận thức đến hành động chỉ là vấn đề thời gian vì cuộc cách mạng tự do cá nhân đã bắt đầu nẩy mầm trong lòng của mỗi người nô lệ. 

Bằng tất cả chân thành và can đảm, các bạn trẻ Việt Nam bắt đầu làm theo lời khuyên của Voltaire - hãy để cho mọi người biết. Nhờ họ Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã xuống đường để vào lòng người. 

Là người của những thế hệ ngồi chờ, tôi kính chào các bạn - những người trẻ thuộc thế hệ đứng dậy - đang bắt đầu đóng chiếc đinh đầu tiên vào quan tài của chế độ. 



Người chết vẫn đang đợi “truy trách nhiệm”

Mẹ Nấm (Danlambao) – Ngày 18/11/2018, sau cơn mưa lớn kéo dài ở Nha Trang, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú (Hòn Nghê, phường Vĩnh Hoà). Hồ chứa nước trên núi của dự án nghỉ dưỡng cao cấp này bị vỡ đã cuốn trôi, san phẳng gần chục ngôi nhà, cướp đi mạng sống của 4 người trong một gia đình thầy giáo. Cư dân địa phương cho rằng vụ sạt lỡ xảy ra là do vỡ hồ chứa nước (nghi vấn là hồ bơi) trên núi. Tuy nhiên trả lời báo giới ngay sau khi tai nạn nghiêm trọng này xảy ra đại diện Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà nói không có hồ bơi, và chủ đầu tư nói hồ bơi là 'mương đón nước'. Gần một tháng trôi qua vẫn chưa có một cá nhân nào bị truy tố.

Ngày 21/11/2018, ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo quy hoạch 1/500 tại khu dân cư Hoàng Phú (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) thì khu dân cư này có hồ bơi nhưng chưa xác định vị trí, chủ đầu tư chưa phê duyệt thiết kế thi công nên điểm sạt lở là không có hồ bơi. 

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Thanh Châu (chủ đầu tư) lại khẳng định, việc xây dựng hồ bơi tại vị trí trên là thực hiện theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do ông Nguyễn Chiến Thắng (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), ký ban hành ngày 18/7/2011. (1)

Không có một đại diện nào từ Sở Xây dựng hay Sở Tài Nguyên Môi Trường đến thăm viếng gia đình thầy giáo có 4 người tử nạn cùng lúc trong ngày 18/11/2018. Sự việc cũng đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Ngày 6/12/2018, tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hoà, các đại biểu đã truy vấn trách nhiệm của Sở Xây dựng giám đốc sở Lê Văn Dẽ đối với dự án gây sạt lở chết người. Và sau nhiều lần vòng vo ông Dẽ mới thừa nhận "sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiêm túc chỉ đạo khắc phục…" (2)

Không thấy truy vấn đến trách nhiệm của người đã ký quyết định phê duyệt dự án là ông Nguyễn Chiến Thắng – cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, thủ phạm tàn phá cảnh quan thiên nhiên và môi trường biển Nha Trang với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng.

Gần 1 tháng qua đi, 4 mạng người trong một gia đình đã từ giã cõi đời, gần chục hộ dân khác phải sống cảnh màn trời chiếu đất, chỉ nhận được một lời hứa “sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những gì xảy ra? Hay vẫn như bao năm qua cơ quan công quyền sẽ kéo dài sự việc cho đến khi gia đình các nạn nhân mòn mỏi, kiệt quệ vì chờ đợi rồi sự việc sẽ chìm xuồng.

Quyết định đã ký, nhà đã sập, người đã chết, và những vị quan chức vẫn an nhiên với cái bóng trách nhiệm của họ. 

Đừng để thêm một người dân nào phải chết oan vì sự tắc trách của những người có thẩm quyền phê duyệt dự án như trong sự cố trên.

8/12/2018


__________________________________

Chú thích:

Phố Trịnh Văn Bô

Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô. Ảnh báo Thanh niên
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Sau đường Trịnh Văn Bô, rồi ra sẽ có đường Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo chăng? Cứ giết người, cướp của, đầy đọa, chôn sống nhân tài rồi tìm cách xí xoá mọi chuyện bằng một cái bảng tên đường (vớ vẩn) gì đó là coi như xong sao? Chuyện đời đâu có giản dị như vậy. Trúc Nam Sơn có thể không ghi hết tội nhưng mạng internet thì bảo đảm sẽ lưu giữ không thiếu thiếu tội nào. Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?

*

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội!
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi! 
Lẽ nào trời đất dung tha? 
Ai bảo thần dân chịu được? - Bình Ngô Đại Cáo

Khoảng bằng giờ này năm trước, báo Thanh Niên Online (số ra ngày 7 tháng 11) ái ngại loan tin:

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô vừa trút hơi thở cuối cùng vào đêm 5.11 tại Hà Nội trong sự tiếc thương và ngưỡng mộ của hàng triệu người Việt Nam yêu Tổ quốc. Không nhiều người biết, lúc cụ nhắm mắt, nỗi buồn sâu thẳm trong lòng vẫn chưa được khơi thông, thậm chí còn là nỗi buồn nhân đôi!

Chuyện gì mà buồn dữ vậy, Trời?

Tác giả bài báo thượng dẫn, nhà báo Quốc Phong, cho biết: 

"Năm 1954, sau khi Cách mạng về tiếp quản Thủ đô, hai vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô khi đó đã cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mượn ngôi biệt thự tại 34 Hoàng Diệu, Hà Nội có khuôn viên rộng 3.000 m2 trong 2 năm. Lý do tướng Thái muốn mượn là vì nó rất tiện cho công việc. Nhất là lúc này, đất nước vẫn còn chia cắt và cuộc chiến đấu giải phóng đất nước vẫn chưa trọn vẹn. Vị trí này rất tiện làm việc vì nó rất gần Bộ Quốc phòng. Theo như lời hứa của tướng Thái (sau này là đại tướng) thì "khi nào Bắc Nam thống nhất, quân đội sẽ trả anh chị"...

Thế rồi, phải đến ngày 9.9.1994, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô mới có quyết định của Thủ tướng trả nhà, dù rằng có chút tế nhị, ngôi biệt thự 34 Hoàng Diệu được ghi là "Tặng" gia đình, do ông bà Trịnh Văn Bô có công lao to lớn đối với đất nước trong Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc... "Ngày vui vắn chẳng tày gang", tiếc thay, vì lý do nào đó, quyết định "Tặng nhà" trên đã bị tạm dừng (tháng 3.1995) đến nay vẫn chưa được thi hành."

Qua đến năm nay, câu chuyện về “nỗi buồn sâu thẳm” kể trên lại “rẽ” hướng khác (e) cũng chả vui gì – theo bản tin của báo Người Lao Động, số ra hôm 5 tháng 12 năm 2018: “Hà Nội Chính Thức Có Phô Mang Nhà Tư Sản Trịnh Văn Bô.” 

Sự kiện này khiến tôi nhớ đến bức thư (“Gửi Bạn Ở Cõi-Bên-Kia”) của dịch giả Dương Tường, viết vào ngày giỗ đầu của nhà văn Bùi Ngọc Tấn:

“Mình đang đi trên một con phố mới, hình như ở Hải Phòng. Lạ hoắc song lại có nét gì quen quen mà không tài nào xác định nổi. Giống như khi ta cố nhớ ra một cái tên rất thân quen, chắc chắn nó ở quanh quanh đâu đây trong bộ nhớ, chỉ dấn chút xíu nữa là ‘bắt’ được mà nó vẫn vuột mất để rồi đến một lúc thôi không cố nhớ nữa thì nó lại bất ngờ hiện ra. À, đây rồi cái biển tên phố gắn trên một cột đèn. Mình tiến lại và đọc thấy: BÙI NGỌC TẤN…

Thế là mình thức giấc. Và ngồi viết thư cho Tấn đây...

Hà Nội đã có những đường phố mang tên Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng…, những điểm son của văn học Việt Nam. Thế còn bao giờ Nam Định có phố Trần Dần, Bắc Ninh có phố Hoàng Cầm, Thanh Hóa có phố Hữu Loan, Yên Bái có phố Lê Đạt, Thừa Thiên-Huế có phố Phùng Quán? Và Hải Phòng có phố Bùi Ngọc Tấn? Một dự cảm tâm linh nói với mình: rồi những giá trị đích thực sẽ được trả về đúng vị trí. Con đường mình vừa dạo chơi trong mơ – đường Bùi Ngọc Tấn – rồi sẽ thực sư có trong thực tại. Và biết đâu đấy, mình lại có dịp thả bộ trên con đường ấy, như đã thả bộ trên đường Văn Cao dăm năm trước ...”

Con đường “trong mơ” của Dương Tường, tiếc thay, chưa chắc đã được mọi người chia sẻ:

“Tôi thỉnh thoảng dạo phố vẫn hay dừng lại nhìn lên một tên phố mà chuyện trò lặng lẽ với con người ngồi ở trên cái bảng sắt tây dó. Để nghe anh ta giãi bày. Và cũng để anh ta đừng tưởng bở. 

Thí dụ Văn Cao, ngày hai lượt ra trung tâm thành phố và về Cầu Giấy, tôi từng có lần hỏi anh: Cậu khỏe không? ... Bây giờ ở trên cao này có thấy sao không?” Thì Văn Cao bảo tôi: “Tao làm nhạc, làm thơ, vẽ, ai hay nay làm diễn viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài. Mày với tao sống trong cái chăn toàn rận này, mày lạ đ. gì nữa.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Cái chăn đời của Bùi Ngọc Tấn không chỉ toàn rận mà còn thấm đẫm biết bao nhiêu mồ hôi cùng nước mắt. Ở trang bìa sau tác phẩm cuối cùng (Hậu Chuyện Kể Năm 2000) của ông, do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2014, có in những dòng sau:

“Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị, cái trật tự làm thành một bầu trời đá xám úp chụp lên đậu..! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn đời và ghê sợ nó.”


Chả ai ước mơ được đặt tên đường trong một cái xứ sở mà mình “mong đợi từng ngày” cho nó “sụp đổ” cả. Đã thế, thực chả vinh hạnh chi khi tên mình bị đặt nằm giữa những con phố đầy rẫy bất trắc và tệ đoan xã hội:

- “Quét Gái Mãi Dâm Trên Đường Nguyễn Chí Thanh” – báo An Ninh Thủ Đô

- “Đột Nhập Động Mãi Dâm Trên Đường Phạm Văn Đồng” – báo Người Đưa Tin

- “Bắt Kẻ Giao Hàng Trắng Dọc Đường Trường Chinh” – báo An Ninh Thủ Đô

- “Trộm Vàng Táo Tợn Trên Đường Xuân Thuỷ” – báo VietNamNet

- “Phóng Viên Truy Đuổi Đối Tượng Trộm Cắp Trên Đường Phạm Hùng” – báo An Ninh Thủ Đô

- “Dàn Cảnh Cướp Xe Trên Đường Hồ Chí Minh” – báo Dân Trí

-“Đột Kích Hàng Loạt Tụ Điểm Mát Xa Kích Dục Trên Đường Nguyễn Duy Trinh” – Báo Vnexpress.

Thế còn Trịnh Văn Bô? Liệu cụ có hào hứng đứng cạnh các vị “danh tướng” (Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp) mà chính họ hay con cháu đã giựt mất tài sản và nhà cửa của gia đình mình không? Tôi cũng không tin rằng cụ lại “muốn làm diễn viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài” trong khi cái đảng ôn dịch này không chỉ vô ơn mà còn độc ác nữa:

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột ...

Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản dân tộc”, và rất ít khi hai chữ “dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể: “Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì lượng sinh viên người Hà Nội không còn nhiều... Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).

Sau đường Trịnh Văn Bô, rồi ra sẽ có đường Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo chăng? Cứ giết người, cướp của, đầy đọa, chôn sống nhân tài rồi tìm cách xí xoá mọi chuyện bằng một cái bảng tên đường (vớ vẩn) gì đó là coi như xong sao? Chuyện đời đâu có giản dị như vậy. Trúc Nam Sơn có thể không ghi hết tội nhưng mạng internet thì bảo đảm sẽ lưu giữ không thiếu thiếu tội nào. Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?


Chân dung kẻ thù của ông già Noel


Tháng Chín (Danlambao) – Ngày 5/12/2018, ông Lê Thanh Hải, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè ra văn bản 1054, gửi các trường từ mầm non đến THCS, bồi dưỡng giáo dục huyện, các cơ sở mầm non ngoài công lập đề nghị thực hiện chỉ đạo về việc không tổ chức các hoạt động Noel trong các dơn vị trường học.

Trong văn bản chính thức gửi đi từ UBND Huyện Nhà Bè – Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường học:

- Không trang trí tổ chức trang trí hang đá, cây thông, ông già Noel, hộp quà…trong các đơn vị trường học.

- Không tổ chức việc ông già Noel đến trường tặng quà cho các em học sinh, chụp hình. Nếu phụ huynh có đề nghị ông già Noel đến trường tặng quà cho các em học sinh, thì nhà trường đề nghị phụ huynh tổ chức tặng quà cho học sinh ở nhà.

- Nếu trường nào đã trang trí, thì đề nghị tháo gỡ ngay.

Từ trước đến nay, đảng Cộng sản Việt Nam không có chủ trương xem kỳ nghỉ Giáng Sinh là kỳ nghỉ toàn quốc với lý do tôn giáo. Tuy nhiên, ông già Noel lại là nhân vật gắn liền với giấc mơ của trẻ em trên toàn thế giới không phân biệt biên giới, quốc gia, chủng tộc.

Ban hành văn bản cấm tổ chức các hoạt động Noel đối với các trường ngoài công lập là hành động giới hạn quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của các cơ sở giáo dục thuộc đạo Công giáo, Tin lành.

Đến ngày 6/12/2018, lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè, TPHCM qua trao đổi với báo chí đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện rút văn bản chỉ đạo được ban hành vào ngày 5/12/2018 trước đó.



Tháng Chín
danlambaovn.blogspot.com

Thiên nhiên và tham vọng của các tập đoàn

Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Danlambao) – Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam thường xuyên hứng chịu những trận ngập lụt lịch sử. Các tỉnh ven biển chuyên thu hút khách du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… đối mặt với nguy cơ bị huỷ hoại môi trường trầm trọng. Liệu đó có phải là biến đổi khí hậu hay ảnh hưởng thiên tai như thông tin được định hướng?

Tôi vẫn nhớ cuối năm 2016, khi Nha Trang hứng chịu trận lụt lịch sử, lúc nằm trên nền đá lạnh ngắt tôi đã nghĩ về những dự án của Vin Group, Mường Thanh, Hà Quang… Họ lấn biển, lấp sông Quán Trường, thay đổi dòng chảy.. với mục đích khai thác du lịch, đầu tư địa ốc.. Người dân nghèo bị xua ra khỏi nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên để đến những khu vực xa hơn đầy nguy hiểm như Hòn Sện, Hòn Nghê, khu dân cư Đất Lành… 

Hai năm sau, khi tôi đã đặt chân đến Hoa Kỳ, Nha Trang quê nhà của tôi vẫn ngập, đã có người chết.. Và vẫn là hậu quả từ các dự án địa ốc, chung cư đã được phê duyệt, cấp phép đúng quy trình trước đó!

Quảng Ninh, Phan Thiết, Phú Quốc cũng tương tự. Tốc độ chặt cây, quy hoạch đô thị khiến cho những thảm rừng xanh tốt dần mất đi nhường chỗ cho các toà nhà cao tầng, những khu nghỉ dưỡng sang trọng, các căn hộ chung cư đắt tiền mọc lên. Không gian công cộng dành cho người dân dần dần bị lấn chiếm. Nhưng có mấy ai để ý đến việc đó? Sự im lặng và khả năng chịu đựng của người Việt Nam thật ngoài sức tưởng tượng.

Gần đây nhất, tập đoàn Sun Group (SGrp) với tên gọi đầy đủ là Công ty Cổ phần Mặt Trời, một cái tên khá nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản cao cấp, khu vui chơi giải trí tiếp tục dự án Công viên Đại Dương tại bán đảo Sơn Chà gây nhiều tranh cãi. Môi trường biển sẽ bị xáo trộn. Khu vực sinh sống của loài voọc chà vá chân nâu, một loại động vật quý hiếm trong sách đỏ sẽ bị tác động. Ai quan tâm đến chuyện đó ngoài những người đã từng lên tiếng và nhận sự trừng phạt từ các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam – những người gắn liền lợi ích kinh tế với quyền lực chính trị?

Nhiều người nói tôi cực đoan, nói tôi lo xa khi có cái nhìn bi quan với những dự án của các tập đoàn như Vin Groups, Sun Groups, Mường Thanh… Họ xây dựng để thu hút khách du lịch, để kéo đầu tư đến Việt Nam… Tôi đồng ý về việc phát triển du lịch. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, là chúng ta đi sau thế giới, chúng ta có các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Đến nay, mục tiêu cuối cùng cũng vẫn là giữ gìn thiên nhiên, phát triển gắn liền với an sinh cho người dân địa phương thì Việt Nam không thể đảm bảo. Bạn có biết vì sao Thái Lan vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của bãi biển, không thay cát, không xây dựng, không chặt phi lao đi không? Bạn có biết họ cố gắng gìn giữ thiên nhiên ra sao trong khi quy hoạch du lịch hay không? Bạn có biết các nước có nền du lịch phát triển họ gìn giữ cuộc sống bản địa để khách tham quan có thể học hỏi văn hoá và muốn quay trở lại nhiều lần vì khao khát tìm tòi và tận hưởng sự chân phương không?
Làm du lịch cũng cần phải có văn hoá, và quan trọng hơn là phải gìn giữ thiên nhiên cho mai sau.

Ai sẽ trả được nợ cho con cháu nếu cứ tiếp tục xẻ núi, lấn biển, lấp sông, chặt cây?

Các tập đoàn do người Việt từ Đông Âu quay về Việt Nam điều hành đều có tham vọng. Họ khéo léo che giấu tham vọng của mình dưới những mỹ từ như “phát triển”, “đưa Việt Nam ra với thế giới”. Nhưng trên thực tế, họ đã huỷ hoại thiên nhiên, khai thác cạn kiệt cảnh quan môi trường để làm giàu và phục vụ cho bộ máy chính trị đã trao cho họ quyền thao túng đất đai.

Tham vọng của các nhóm lợi ích kinh tế, kết hợp với sự bảo kê của bộ máy chính trị chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh khiến du lịch Việt Nam tuy đạt được thành tích về con số khách tham quan (chủ yếu đến từ Trung Quốc) nhưng mất đi bình yên vốn có. 

Bao nhiêu sai phạm, bao nhiêu khuất tất trong các dự án đều được ém nhẹm. Các tập đoàn lớn như Vin Group, Sun Group, Mường Thanh.. rất khôn khéo trong việc dùng các hợp đồng quảng cáo dài hạn để tháo bài, gỡ tin, để ‘xử lý khủng hoảng thông tin’. 

Họ mua sự im lặng rất bài bản.

Mối nguy hại lớn hơn từ tham vọng của các tập đoàn là vẻ đẹp thiên nhiên, môi trường sống của những người dân địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu bạn ở Nha Trang, hãy lắng nghe người dân Xóm Cồn nói, nếu bạn ở Đà Nẵng, hãy lắng nghe những tâm tư của cư dân Sơn Chà, Bà Nà…

Bạn còn định thờ ơ đến bao giờ? 

Tham vọng của các tập đoàn, sự thuần phục Bắc Kinh là tội ác.

Những gì xảy ra hôm nay, chúng ta sẽ phải trả lời với con cháu trong tương lai, bạn còn định im lặng đến bao giờ?

Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
danlambaovn.blogspot.com

Nhân cách “Thằng” và “Ông”

Nguyệt Quỳnh (Danlambao) - Sông Hóa chỉ là một nhánh sông nhỏ tách ra từ sông Luộc tại địa phận An Khê; thế nhưng nó đã in dấu trong lòng người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác chỉ vì nó khắc ghi lời thề của một dũng tướng: “Phen này không phá xong giặc Nguyên, ta thề không trở lại khúc sông này nữa”. Con sông đã trôi đi hàng nghìn năm nhưng câu nói của Hưng Đạo Vương như còn âm vang trong cỏ cây trời nước. Ngài nói câu ấy khi voi chiến bị sa lầy ở bờ sông Hóa; ngay trước phút xuất quân đánh trận Bạch Đằng với danh tướng giặc là Ô Mã Nhi.

Làm tướng phải có khí phách của người làm tướng, trước khó khăn không hề nao núng, thế cho nên đoàn chiến thuyền của quân giặc Mông Thát lại một phen nữa tan tác trên giòng sông Bạch Đằng. 

Tôi có cái bệnh (có lẽ không ít người VN cũng thế) là hoài cổ, là say mê lịch sử nên chuyện gì xảy ra trong hiện tại cũng làm mình hồi tưởng đến những chuyện ngày xưa. Nhắc lại câu chuyện trên để sẻ chia cùng người dân nghèo quê tôi những điều não lòng khi phải chứng kiến phiên xử cựu Trung Tướng Phan Văn Vĩnh, ông Tướng đã từng đoạt danh hiệu vinh dự, cao quý nhất của nước ta: “Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân”. 

Nhưng trước hết, tưởng cũng cần nhắc lại phiên xử hai ông thượng tá Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ. Nếu hôm 30/7 thượng tá Đinh Ngọc Hệ đã rất thành khẩn khi khai báo trước hội đồng xét xử rằng bằng cấp đại học của ông chỉ là bằng giả, và rằng “trình độ dân trí bị cáo thấp”; thì Tướng Vĩnh cũng thành khẩn không kém: “Do trình độ hạn chế, do năng lực có hạn” và rồi ông khóc khi được tháo còng tay.

Từ thái độ thiểu não của các cán bộ lãnh đạo trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng đến thái độ vụng về té ngã, quên quên, nhớ nhớ trước tòa của tướng Vĩnh làm chúng ta không khỏi kinh hãi với cái ý nghĩ – Than ôi! Thời buổi loạn lạc mà lãnh đạo đất nước ta sao lại thế. Người được sắc phong hàm tướng của cả một lực lượng được xem là thanh kiếm, là lá chắn của tổ quốc sao nhân cách lại thế! Không ai nỡ trách người sa cơ, nhưng nhân cách ấy mà là tướng lĩnh, là cán bộ lãnh đạo thì chúng ta là ai đây? Dân tộc ta sao lại chịu hèn kém thế này!

Tôi lại ngậm ngùi nghĩ đến lịch sử, nghĩ đến chữ “thằng” trong văn hóa dân gian VN. Người Việt ta xưng hô ai đó là “ông” để bày tỏ lòng kính trọng, và gọi bằng “thằng” những kẻ hèn hạ đáng khinh. Lịch sử ta chép rằng một trong những truyền thống của người Việt cổ là tín ngưỡng thờ cúng các vị anh hùng, thủ lĩnh. Người VN trọng cái khí phách, cái đảm lược của một tướng lĩnh trước gian nan, kính cái đức hy sinh, thờ người dám xả thân vì nước; bởi thế cho nên lại càng thêm khinh ghét những kẻ nhu nhược, lòn cúi, làm tay sai cho giặc. Thời Pháp thuộc cha ông ta có câu vè để răn con cháu: 

Việt Gian có lũ thằng Tường
Thằng Lộc thằng Tấn thằng Phương một bầy

Thằng Tường tức danh sĩ Tôn Thọ Tường, Thằng Lộc là Tổng Đốc Trần Bá Lộc, Thằng Tấn là Lãnh binh Huỳnh Công Tấn và Thằng Phương là Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương. Tất cả bốn người trên đều là những “quan to”, thuộc hàng thượng lưu do cộng sự đắc lực và có công lớn với thực dân Pháp trong những vụ truy nã, đánh dẹp các phong trào nghĩa quân của ta. Cha ông đã liệt họ vào hạng “Thằng” để nói lên sự khinh miệt những kẻ theo giặc “cõng rắn cắn gà nhà” là vậy.

Ngày nay các quan to của nước ta đa số là quan tham; chỉ khi bị vướng vòng lao lý thì mới thành khẩn nhận rằng mình xài bằng giả, mình năng lực kém, mình “não bé” chỉ có trái tim trung thành với đảng (lời của Tướng Hóa). Mà đảng thì đã thần phục Trung Quốc; cho nên hễ dân đi biểu tình chống Trung Quốc là chúng mê muội, cứ y lịnh của giặc mà đánh đập người dân đến tóe máu, mà nhốt tù người dân vô tội vạ. 

Không ai chối cãi rằng bạo lực cộng sản đã hủy diệt ý thức và đánh gục ý chí của dân tộc Việt sau hơn 70 năm cầm quyền. Nhưng muốn hạ gục một dân tộc thì cũng cần xem đến quá trình lịch sử của dân tộc đó. Chúng ta đã nhiều lần bị đánh gục nhưng điều quan trọng là người dân VN luôn luôn trỗi dậy mạnh mẽ để vực dậy chính mình và đưa đất nước vượt qua biết bao đau thương và can qua. Điều này đang được nhìn thấy qua thái độ dũng cảm gần đây của số đông người dân VN trước các dự Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng.

Và một khi đã nhận diện ra rằng lãnh đạo chỉ là loại tay sai, chỉ là hàng “não bé” thì thái độ của người dân ngày nay cũng khác. Tôi nhớ đến chiếc dép của cô Nguyễn Thị Thùy Dương, khi cô ném thẳng nó về phía đoàn đại biểu Quốc Hội TPHCM trong buổi tiếp dân ở Thủ Thiêm; tôi nhớ thái độ điềm tĩnh của Bs Nguyễn Đình Thành khi nói với người mẹ trước ngày anh ra tòa thụ án “Mẹ an tâm, hãy xem như con đi học vắng nhà vài năm”; tôi nhớ đến nụ cười của người cựu chiến binh Lê Đình Lượng trước bản án 20 năm tù và câu nói vọng lên của chị Quý, vợ anh trước phiên tòa: “sao xử ít thế!”;…

Họ có cô đơn không? Họ có thể đang là thiểu số, họ có thể đang một mình nhưng chắc chắn họ không cô đơn. Họ đã từng có mặt trên mảnh đất này từ hàng nghìn năm trước, và là nhân tố tạo nên những cuộc đổi thay. Đất nước này đang cần lắm những con người như thế, những người dân bình thường mang trong mình cái đảm lược của một vị tướng trước cảnh voi chiến bị sa lầy. 

Nếu so với họ về nhân cách thì thật là đáng xấu hổ; nước ta ngày nay những kẻ làm tướng lĩnh, làm lãnh đạo chỉ toàn là “Thằng” cả. Thế nên trước những “trò hề công lý”, bảo sao anh chàng chiến binh Nguyễn Văn Túc chẳng nổi giận, mà mắng thẳng vào mặt những kẻ mặc áo gấm đỏ của Tòa Án Nhân Dân Hà Nội những điều dân gian nghĩ trong đầu: “ĐM Cộng Sản, ĐM Tòa.”


Luật sư - Một nghề nguy hiểm ở Việt Nam

Trần Quang Thành (Danlambao) - Trong nền pháp trị xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản độc tài thống trị, ở Việt Nam nghề luật sư là một trong những nghề nguy hiểm;

Hơn 30 năm qua do nhu cầu “mở cửa” làm ăn với nước ngoài giới cầm quyền CS có bước thay đổi trong cách hành xử đối với luật sư nhưng vẫn không vượt ra ngoài khuôn khổ coi luật sư là công cụ pháp lý phục vụ cho ý đồ chính trị của đảng CS. Đoàn luật sư trở thành một cánh tay nối dài của đảng để cai quản các hoạt động của luật sư. Họ thẳng tay trù dập, tước đoạt quyền hành nghề của những luật sư không theo ý đảng mà chỉ thuận lòng dân. Ở Việt Nam luật sư trở thành một trong những nghề nguy hiểm – nguy hiểm về an ninh sinh mạng chính trị; nguy hiểm về an toàn thân thể.

Từ Sài Gòn luật sư nhân quyền Lê Công Định đã bình luận về nghề luật sư ở Việt Nam qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Nội dung như sau – Mời quí vị cùng nghe

Youtube PV Luật sư Lê Công Định