Tuesday, September 26, 2017

Cảnh sát Nam Hàn bắt giữ đường dây người Việt gian lận trong cuộc thi tiếng Hàn

Cảnh sát Nam Hàn bắt giữ đường dây người Việt gian lận trong cuộc thi tiếng Hàn
ẢNh: Kinh Tế Đô Thị
Một đường dây gồm nhiều người môi giới đã bị bắt quả tang gian lận thi cử cho những cuộc thi khả năng tiếng Hàn ở Hà Nội.
Nhật báo Chosunilbo hôm Thứ Ba 26/09 đưa tin cảnh sát ở Busan, Nam Hàn, đã bắt giữ nhóm người môi giới và 18 người nhận tiền để thi giùm. Sự việc xảy ra hồi tháng Tư trong kỳ thi trắc nghiệm khả năng tiếng Hàn TOPIK cấp sơ đẳng. Khoảng 2,400 người Việt Nam đã dự thi. Theo tờ báo Nam Hàn, một thanh niên Việt Nam 27 tuổi, có bằng cao học từ Đại Học Quốc Gia Seoul và thông thạo tiếng Hàn, đã hoàn tất bài thi dự trù kéo dài 100 phút chỉ trong 20 phút. Người này đưa các câu trả lời cho hai người môi giới đang chờ bên ngoài. Tờ báo Nam Hàn tiết lộ hai người môi giới này là những người đang điều hành một dịch vụ du học nước ngoài và một trường ngôn ngữ.
Kế đó, hơn một chục phụ tá dùng phương tiện kỹ thuật số gửi các câu trả lời cho những thí sinh đang trong phòng thi. Tất cả những kẻ gian lận đều đã thi đậu và xin được visa học nghề một năm tại một trường cao đẳng ở Ulsan.
Được biết những kẻ môi giới này đã đòi 15 triệu won (13,000 Mỹ kim) cho dịch vụ thi giùm. Đây là một khoản tiền gấp ba lần số lương năm của một người lao động Việt Nam trung bình. Ba người môi giới và 18 người gian lận đều bị bắt giữ tại phi trường quốc tế Gimhae ở Busan hôm 15 tháng 9, khi họ nhập cảnh vào Nam Hàn.
Gian lận thi cử, dùng bằng cấp giả đã trở thành quốc nạn tại Việt Nam. Và giờ đây, họ đem hoạt động gian dối này sang tận Nam Hàn.
Huy Lam / SBTN

Kế toán trưởng Tập Đoàn Dầu Khí bị bắt và khởi tố

Kế toán trưởng Tập Đoàn Dầu Khí bị bắt và khởi tố
Ảnh: Tuổi Trẻ
Cơ quan an ninh điều tra thuộc bộ công an CSVN vừa truy tố hình sự và bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu, kế toán trưởng Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam PVN.
Báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Ba 26/09 đưa tin ông Mậu, người đồng thời giữ chức trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán của PVN, đã bị bắt để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản trị kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan an ninh điều tra cũng truy tố và ra lệnh khám xét đối với ba người khác gồm ông Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản trị dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN; ông Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản trị dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; và ông Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC. Ba người này cũng bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản trị kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo một thông cáo về việc bắt giữ gửi về gia đình ông Mậu được tờ Tuổi Trẻ trích dẫn, kế toán trưởng của PVN cùng các đồng bị cáo đã có sai phạm trong việc sử dụng số tiền tạm ứng cho dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Các cụ bắt giữ và khám xét này diễn ra giữa lúc một tòa án ở Hà Nội đang xử một số giới chức cao cấp của PVN cùng với khoảng 50 viên chức ngành ngân hàng trong cái gọi là “đại án OceanBank”.
Huy Lam / SBTN

Đức ngưng cấp visa cho đoàn công tác nhà nước và du học sinh Việt Nam

Đức ngưng cấp visa cho đoàn công tác nhà nước và du học sinh Việt Nam

Du học sinh Việt Nam và nền kinh tế của một tỉnh ở Việt Nam đang gánh chịu hậu quả từ cuộc khủng hoảng ngoại giao với Đức, tiếp theo sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Tờ ThờiBáo.de hôm Thứ Ba đưa tin, lịch ghi danh phỏng vấn xin visa với thời hạn trên 90 ngày cho người Việt Nam đi học hoặc đi làm việc tại Đức đã bị đóng băng ít nhất tới hết tháng 1 năm 2018 mà không có lời giải thích. Sự việc này cũng khiến các sinh viên, học sinh đang du học và công nhân Việt Nam đang làm việc tại Đức xôn xao lo lắng. Họ không biết tình trạng căng thẳng quan hệ giữa hai nước có làm ảnh hưởng đến công việc cũng như tình trạng cư trú của họ hay không.
Vẫn theo tờ ThờiBáo.de, một đoàn công tác gần 20 người tháp tùng chủ tịch một tỉnh ở miền Bắc Việt Nam vừa bị từ chối cấp visa sang Đức vào dịp cuối tháng 9. Tờ báo không cho biết đây là tỉnh nào, nhưng nói rằng đoàn này sang Đức để tham dự một hội nghị giới thiệu và kêu gọi đầu tư để tạo việc làm cho người dân tỉnh nhà. Được biết hội nghị tại Việt Haus Berlin vào ngày 2 tháng 10 sắp tới sẽ không diễn ra như dự định.
Các diễn biến này xảy ra sau khi chính phủ Đức hôm 22 tháng 9 loan báo tạm thời rút khỏi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời trục xuất thêm một giới chức ngoại giao tại tòa đại sứ CSVN ở Berlin.
Huy Lam / SBTN

Trường mẫu giáo đang xây ở Hà Nội bất ngờ đổ sập trong đêm

Trường mẫu giáo đang xây ở Hà Nội bất ngờ đổ sập trong đêm
Ảnh: eva.vn
Một tòa nhà bê tông cốt thép đang xây làm trường mẫu giáo ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bỗng dưng đổ sập trong đêm. Đến sáng hôm sau, nhà chức trách vẫn chưa rõ có vụ thương vong nào hay không.
Truyền thông trong nước đưa tin, vụ sập tòa nhà xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng Thứ Hai 25/09 tại dự án trường mẫu giáo Vườn Xanh, thuộc khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì ở phường Mỹ Đình 1. Báo Trí Thức Trẻ dẫn lời ông Vũ Hữu Chung, 55 tuổi, nhân viên bảo vệ công trình, cho biết vào khoảng hơn 2 giờ sáng, ông đang ngồi thì nghe thấy những âm thanh rắc rắc trên tòa nhà, những miếng bê tông nhỏ bắn ra liên tục. Sau đó, cả công trình đổ sập một cách nhanh chóng. Một số công nhân cho biết lúc xảy ra vụ sập, mọi người chỉ biết hô hoán nhau chạy ra khỏi công trường một cách nhanh chóng. Toàn bộ khu vực dự án trường mẫu giáo Vườn Xanh sau đó bị phong tỏa.
Được biết chủ công trình là Trường Vườn Xanh, và nhà thầu xây cất là công ty Hải Đăng. Công trình bắt đầu cách đây hai tháng và thời gian xây dự trù dài 2 năm.
Hôm Thứ Ba, một báo cáo của đội thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói nguyên nhân của vụ đổ sập trường mẫu giáo Vườn Xanh là do chất thải đổ sàn tầng 3, tác động vào kết cấu không không đủ khả năng của giàn giáo, dẫn đến sàn tầng 2 và sàn tầng 3 bị sụp đổ.
Huy Lam / SBTN

Tuyên giáo Đà Nẵng đòi báo chí không ‘khai thác sâu’ những vụ bê bối của giới chức chóp bu

Tuyên giáo Đà Nẵng đòi báo chí không ‘khai thác sâu’ những vụ bê bối của giới chức chóp bu
Ảnh: Tuổi Trẻ
Dư luận Việt Nam đang xôn xao sau khi ban tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cơ quan báo chí không “khai thác sâu” những vụ bê bối của giới chức chóp bu của thành phố này.
Báo Thanh Niên hôm Thứ Ba 26/09 đưa tin, vào chiều 25/09, tại một cuộc họp nhằm đưa ra những huấn thị với giới truyền thông, ban tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cơ quan báo chí không đánh giá hay đưa ra những nhận định mang tính suy đoán, tiêu cực.
Được biết cuộc họp này có liên quan đến báo cáo gây chấn động từ một cuộc kiểm tra của ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản về những dấu hiệu vi phạm của ban thường vụ thành ủy Đà Nẵng và một số quan chức. Hàng loạt cuộc điều tra đang diễn ra tại Đà Nẵng về 9 dự án, trong đó có dự án xây dựng trung tâm nghỉ mát và du lịch trên bán đảo Sơn Trà gây tranh cãi. Dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới cuộc điều tra về những vụ chuyển nhượng 31 căn nhà và mảnh đất công sản tại thành phố này từ năm 2006 đến nay.
Nhiều người đọc trang mạng báo Thanh Niên đã bình luận, trong đó có người tên Bích Hoa từ Sài Gòn viết rằng: “Như vậy thì quyền tự do báo chí nằm ở chỗ nào?? Thành ủy Đà Nẵng có được quyền vi phạm… tự do báo chí hay không??”. Một người tên Hạnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu nhận xét một cách ý nhị rằng: “Vậy là các vấn đề ở Đà Nẵng rất sâu”.
Trước đó, và hôm Thứ Hai, báo Lao Động đăng cả một bích chương tóm tắt những sự kiện gây chú ý tại Đà Nẵng từ nhiều năm nay.
Huy Lam / SBTN

CSVN tiếp tục đàn áp, khủng bố các nhà hoạt động trong nước

CSVN tiếp tục đàn áp, khủng bố các nhà hoạt động trong nước
ẢNh: Dân Luận
CSVN vẫn đang tiếp tục chiến dịch đàn áp, khủng bố, bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến trong nước. Mới đây nhất là trường hợp của luật sư Nguyễn Đình Hà.
Theo thông tin từ FB Nguyễn Nữ Phương Dung, vào khoảng 19h tối ngày 23/9, một nhóm công an, an ninh đã cạy cửa, đột nhập vào phòng 1 khu chung cư cao cấp trên đường Lạc Long Quân, Sài Gòn. Công an cho rằng đây là nơi luật sư Hà tổ chức học một khoá học xã hội dân sự.
Khi anh Hà  mở cửa vào nhà, thì đã thấy an ninh trong nhà. Họ đã bắt Hà về đồn công an phường 5 quận 11 làm việc. Theo lời kể, tại đây anh Hà đã bị đánh rất nhiều. Công an tịch thu điện thoại, máy tính, máy ảnh… buộc anh Hà phải khai mật khẩu để họ vào máy xem các dữ liệu.
Hai người bạn của luật sư Hà là Hanh Meo và Sơn cũng đến căn nhà này, cũng bị bắt đi. Họ bị an ninh tra khảo suốt đêm, mãi đến khoảng 15h trưa 24/9 thì mới được thả. Một số đồ dùng cá nhân như máy tính laptop, điện thoại cá nhân, máy ảnh… của hai người cũng bị an ninh tịch thu.
Cách đây khoảng 1 tháng, an ninh Hà Nội cũng đã bắt giữ tùy tiện luật sư Nguyễn Đình Hà ngay tại sân trường đại học Luật. Công an đã đưa anh về đồn làm việc, tịch thu một số tiền lớn, máy tính, máy chụp hình. Công an hăm dọa anh Hà nếu không dừng hoạt động sẽ bị nặng nề hơn.
Luật sư Nguyễn Đình Hà là một nhà hoạt động xã hội tích cực ở Hà Nội. Anh là thành viên nhóm Green Trees, đã từng tham gia ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016 như là một ứng cử viên độc lập, nhưng đã bị CSVN loại ngay từ đầu cũng như một số nhà hoạt động khác.
Chiến dịch bố ráp, bắt bớ của công an đối với các nhà hoạt động trong nước được cho là qui mô nhất trong nhiều năm nay. Khi đang phải đối đầu với muôn vàn khó khăn đến từ cả trong lẫn ngoài nước, chính quyền CSVN đang tìm cách dập tắt mọi tiếng nói phản biện trong nước, để bảo tồn cho sự an nguy của chế độ.
Đoàn Hưng / SBTN

Giáo viên bị quy trách nhiệm là trở ngại đổi mới giáo dục

Giáo viên bị quy trách nhiệm là trở ngại đổi mới giáo dục
Ảnh: Vietnamnet
Những đề tài liên quan đến giáo dục tại Việt Nam đã được nhiều người quan tâm bàn tán trong cả một thập niên nay. Người thì cho rằng phải đổi mới, nếu không Việt Nam sẽ bị bỏ rơi trên mặt trận kinh tế thế giới. Người thì cho rằng phải làm một cuộc cách mạng về giáo dục, để tránh tình trạng sinh viên ra trường với mớ kiến thức chẳng nơi nào cần.
Thế nhưng phong trào đổi mới hay cách mạng giáo dục đã không xảy ra, và nay thì người ta đã “tìm ra” nguyên nhân đã làm hụt mất cuộc cách mạng này. Theo ông Tạ Quang Sum- cựu hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, Khánh Hòa- thì nguyên chân chính đã làm cho công cuộc đổi mới giáo dục không xảy ra chính là… giáo viên!
Tại buổi hội thảo giáo dục 2017, ông Sum cho rằng: “Rất nhiều giáo viên không thích đổi mới vì ảnh hưởng tới việc dạy thêm học thêm. Việc tổ chức tập huấn đổi mới không chính quy, đại khái chủ nghĩa lan rộng, không tạo ra ảnh hưởng gì mới bởi chính những con người cần phải đổi mới”.  Nhiều đại biểu khác thì lại cho rằng tiền lương thấp, chế độ đãi ngộ kém cũng là nguyên nhân khiến giáo viên hiện nay thiếu động lực, trách nhiệm với công việc của mình.
Thay vì phải tìm ra một đường lối mới để thay đổi cho tình trạng giáo dục hiện nay, thì cuối cùng đại hội đổ thừa cho tại giáo viên nên cuộc cách mạng giáo dục đã không xảy như mọi người mong muốn.
Các đại biểu trong đại hội có lẽ cố tình không nhắc đến việc đảng cộng sản xem giáo dục như là một công cụ tuyên truyền chính trị nên có cách mạng. Có đổi mới hay không thì phải đến từ quyết định của đảng chứ không đến từ giáo viên.  Ngày nào còn đảng, thì ngày đó sẽ không có ai chịu trách nhiệm về sự xuống cấp mọi mặt của đất nước Việt Nam.
Tường Thắng / SBTN

‘Đồng Chí X’ có sẽ bị tống vào ‘lò’?

 Theo VOA-26/09/2017
 Lê Anh Hùng 
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Đấu đá, tranh giành quyền lực là một trong những đặc trưng của các chế độ cộng sản, kể từ khi hình thái chính trị phi nhân này ra đời trên thế giới cách nay đúng một thế kỷ. Trên đấu trường khốc liệt đó, các đấu sỹ vốn là những bậc thầy về mưu mô, thủ đoạn thường dành cho đối thủ của mình những cú đòn triệt hạ như thể họ là kẻ thù không đội trời chung, ngay cả khi kẻ chiến bại đã bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Dậu đổ bìm leo
Ở Việt Nam, dù chưa từng nắm giữ ngôi vị lãnh đạo tối cao, nhưng nhờ đứng đầu bộ máy hành pháp và lại được phần lớn Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, nên Nguyễn Tấn Dũng cùng bộ sậu đã từng “làm mưa làm gió” trong suốt quãng thời gian 10 năm ngồi trên ghế Thủ tướng. Một thời gian dài ông ta thậm chí còn được coi là chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam. Dĩ nhiên, trong bối cảnh đó, việc ông ta “mua thù chuốc oán” với vô số “đồng chí” của mình là điều dễ hiểu.
Chính vì thế, sau khi “đồng chí X” bị loại khỏi chính trường một cách tức tưởi tại Đại hội XII Đảng CSVN, người ta vẫn ngóng chờ những cuộc “thanh toán” mà đối thủ của ông ta nhằm vào “nhóm lợi ích Nguyễn Tấn Dũng”.
Và sau khi những đệ tử thân tín của ông ta như cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bí thư Thành uỷ Tp HCM Đinh La Thăng bị xử lý và đặc biệt là sau khi ông trùm ngân hàng Trầm Bê (người từng được coi là “tay hòm chìa khoá” của “đồng chí X”) bị bắt, không ít người tin chắc việc ông ta bị sờ gáy chỉ còn là vấn đề thời gian.
Số phận của Nguyễn Tấn Dũng sẽ thế nào?
Đây là câu hỏi mà không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác, ít nhất là vì hai lý do sau.
Thứ nhất, trong chế độ cộng sản, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều này xuất phát từ một thực tế đơn giản: Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực tối cao quyết định mọi vấn đề của đất nước – không chịu sự điều chỉnh của bất kỳ bộ luật nào. Thực thể quyền lực này có thể nhóm họp bất cứ lúc nào, ra bất cứ quyết định gì, về bất cứ vấn đề hệ trọng nào… mà không cần phải thông báo cho ai biết.
Thứ hai, cộng sản là một chế độ dối trá, và bản chất đó không hề thay đổi kể từ khi hình thái chính trị này ra đời cho đến nay. Càng leo lên những nấc thang quyền lực trong hệ thống, các chính trị gia cộng sản càng cho thấy họ là những chuyên gia “nói một đàng, làm một nẻo”. Vậy nên, chỉ những ai quá ngây thơ thì mới dễ dàng tin vào những câu phát ngôn do những kẻ “ăn của dân không từ một thứ gì” phát ra.
Vì thế, ở đây chúng ta chỉ có thể đưa ra những lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng bị tống vào “lò” cũng như những lý do giúp ông ta tiếp tục “làm người tử tế”.
Ba lý do giúp Nguyễn Tấn Dũng không bị xử lý
(i) Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng là “đồng minh chiến lược”
Trong bối cảnh chiếc ghế TBT của Nông Đức Mạnh bị lung lay dữ dội do dính vào vụ bê bối PMU 18 trước thềm Đại hội X Đảng CSVN (tháng 4/2006), bộ ba Nông Đức Mạnh - Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải đã bắt tay nhau và hình thành nên một liên minh hùng mạnh để ngăn chặn Bí thư Thành uỷ Tp HCM Nguyễn Minh Triết trở thành TBT, bảo vệ “ngai vàng” cho Nông Đức Mạnh và bảo đảm chiếc ghế Thủ tướng cho Nguyễn Tấn Dũng. Theo kế hoạch của bộ ba này, tại Đại hội XI năm 2011, Nguyễn Tấn Dũng sẽ thâu tóm chiếc ghế “2 trong 1” Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, còn Hoàng Trung Hải sẽ trở thành Thủ tướng. Kế hoạch này về sau đổ bể.
Ngay sau Đại hội X, Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành “quả đấm thép”, nhưng không phải là của lực lượng cấp tiến trong đảng nhằm vào cuồng vọng của Bắc Kinh như những kẻ ngây thơ lầm tưởng, mà là của Nông Đức Mạnh nhằm vào những người tích cực nhất trong việc phanh phui vụ PMU 18.
Trước Đại hội XI (tháng 1/2011), để chống lại một Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đang tràn đầy cơ hội tiếp quản chiếc ghế TBT của Nông Đức Mạnh hoặc ít nhất là thay thế vị trí Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gia nhập liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh. Sau một nhiệm kỳ Thủ tướng đầy ê chề, điều hành nền kinh tế một cách kém cỏi, khiến lạm phát gần như luôn thường trực ở mức hai con số, nhưng trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khoá XII, Nguyễn Tấn Dũng vẫn được tân TBT Nguyễn Phú Trọng hết lời ca ngợi: “Thủ tướng đã điều hành, quản lý đất nước năng động và quyết liệt.”
(ii) “Ý chỉ” của các ông chủ Trung Nam Hải
Trước Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, Nguyễn Tấn Dũng tưởng như sắp bị kỷ luật đến nơi (do Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang thúc ép Nguyễn Phú Trọng ra tay). Tuy nhiên, sau cuộc gặp Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngày 20/9/2012, tình thế của ông ta đã xoay chuyển, khiến Nguyễn Phú Trọng phải mếu máo đọc diễn văn bế mạc Hội nghị vào chiều ngày 15/10/2012.
Lần này, số phận của “đồng chí X” có thể cũng sẽ như vậy. Đội ngũ dư luận viên của Hà Nội cùng hai tờ Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu Thời Báo của Bắc Kinh đã dày công nhào nặn nên một hình tượng Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật chống Tàu số 1 Việt Nam. Chừng nào “hình tượng” đó vẫn còn hữu ích cho các ông chủ Trung Nam Hải, chừng đó ông ta vẫn còn được tiếp tục “làm người tử tế”.
(iii) “Thần thiêng nhờ bộ hạ”
Do mới rời khỏi chính trường nên Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn mối liên hệ với không ít tay chân trong bộ máy: Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (hai nhân vật được ông ta đưa vào Bộ Chính trị), Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành uỷ Tp HCM Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, v.v.
Ba lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị xử lý
1. Những người cộng sản vốn không có tình đồng chí, bởi đồng chí là danh từ cao đẹp dành cho những người cùng hướng đến một mục đích cao cả nào đó, trong khi chủ nghĩa xã hội từ lâu đã cho thấy là một quái thai của lịch sử. Sợi dây kết nối giữa các đảng viên cộng sản chỉ là mối quan hệ đồng đảng. Vì thế, việc Nguyễn Phú Trọng dẫm đạp lên “xác chết chính trị” của Nguyễn Tấn Dũng hầu đánh bóng tên tuổi, tạo “thế và lực” cho cá nhân và phe nhóm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
2. Giống như trường hợp cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (nhân vật từng được coi là “tận trung với Tàu”), với các ông chủ Trung Nam Hải, Nguyễn Tấn Dũng giờ đây cũng chẳng khác gì quả chanh đã bị vắt kiệt. Do vậy, việc ông ta phải nối gót Vũ Huy Hoàng để giúp Nguyễn Phú Trọng “ghi điểm” trong mắt công chúng và Ban Chấp hành Trung ương là một khả năng thực tế.
3. Nếu không tống được một “con hổ” nào đó vào “lò” thì chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng khó mà thuyết phục được dư luận, nhất là khi ông ta đang muốn tại vị đến hết nhiệm kỳ, thay vì nửa nhiệm kỳ như dự kiến ban đầu. “Con hổ” Trần Đại Quang thì e là khó nhằn, bởi ít nhiều nó vẫn còn nanh vuốt khó lường; xem ra chỉ còn “con hổ” Nguyễn Tấn Dũng là khả dĩ hơn cả.
Tóm lại, chỉ thời gian mới trả lời được câu hỏi liên quan đến số phận “đồng chí X”. Tuy nhiên, cho dù có bị các “đồng chí” của mình tống vào “lò” lần này hay không thì Nguyễn Tấn Dũng vẫn sẽ được sử sách “lưu danh” như là người lập được nhiều “chiến công” nhất cho Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Vì sao Nguyễn Phú Trọng né đống ‘củi khô’ BOT?

 Theo VOA-25/09/2017 
Lê Anh Hùng 
Công văn số 404/TTg-KTN ngày 18/3/2013 của PTT Hoàng Trung Hải đồng ý chỉ định nhà đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, một dự án còn tai tiếng và nhơ nhuốc hơn cả BOT Cai Lậy. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.

Công văn số 404/TTg-KTN ngày 18/3/2013 của PTT Hoàng Trung Hải đồng ý chỉ định nhà đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, một dự án còn tai tiếng và nhơ nhuốc hơn cả BOT Cai Lậy. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.

Hơn một tháng qua, công chúng Việt Nam hết xôn xao về dự án BOT đường tránh thị xã Cai Lậy lại đến bàn tán về các dự án BOT giao thông trên khắp Việt Nam.
Và càng ngày, khi sự thật về các dự án BOT càng được phanh phui, người ta càng nhận thấy sai phạm trong loại hình đầu tư công này không hề mang tính chất ngẫu nhiên, đơn lẻ. Ngược lại, chúng diễn ra một cách có hệ thống, từ trên xuống dưới.
Hầu như dự án BOT giao thông nào cũng có vấn đề, với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng: người dân bị tước quyền lựa chọn (nói cách khác là bị ép buộc sử dụng thứ hàng hoá đặc thù này) khi dự án không phải là tuyến đường mới; mặc dù là dự án đầu tư công nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư lại không thông qua thể thức đấu thầu công khai, mà lại được chỉ định thầu rất tuỳ tiện; thời hạn thu phí được xác định thiếu căn cứ, vượt quá xa thời gian hoàn vốn; các trạm thu phí đặt sai vị trí (quá gần nhau, hoặc theo kiểu “giăng lưới lùa xe”) và mức phí thì quá cao; tình trạng “tự tung tự tác” của các nhà đầu tư, còn vai trò quản lý nhà nước lại hết sức mờ nhạt, v.v.
“Đồng tiền liền khúc ruột.” Giống như bà con dân oan khi bị các thế lực mafia trong và ngoài bộ máy cấu kết với nhau cướp đoạt đất đai, vườn tược dưới vỏ bọc các dự án kinh tế, các tài xế qua trạm thu phí BOT Cai Lậy cũng đã bày tỏ thái độ phản kháng theo cách của mình. Họ sử dụng tiền mệnh giá thấp để trả phí, buộc chủ đầu tư phải liên tục xả trạm để giải toả giao thông, bởi việc kiểm đếm tiền lẻ mất nhiều thời gian làm giao thông bị ùn tắc kéo dài. Cuối cùng, từ ngày 15/8, Công ty TNHH BOT Cai Lậy đã phải rút toàn bộ nhân viên khỏi trạm thu phí, và đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại.
Thực ra, các tài xế qua trạm BOT Cai Lậy được “truyền cảm hứng” từ thắng lợi của người dân ở hai bên đầu cầu Bến Thuỷ 1 (Nghệ An – Hà Tĩnh). Mặc dù không đi trên đường BOT mà vẫn phải trả phí, họ đã kiên trì đấu tranh bằng cách căng băng-rôn phản đối, dùng tiền lẻ mua vé, v.v. Sau 4 tháng ròng rã như thế, đến ngày 11/4/2017, Bộ GT-VT đã quyết định giảm 100% phí cho cư dân hai đầu cầu qua trạm thu phí BOT Bến Thuỷ 1.
Thắng lợi của các tài xế qua trạm BOT Cai Lậy đã có tác dụng lan toả. Một mặt, chiến thuật sử dụng tiền mệnh giá thấp trả phí đã được giới tài xế sử dụng ở một số trạm thu phí BOT khác, như dự án BOT Biên Hoà, BOT quốc lộ 5 (Hưng Yên) hay BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh). Mặt khác, nhân sự kiện “Cai Lậy thất thủ”, hàng loạt sai phạm tại các dự án BOT giao thông trên khắp cả nước đã bị báo chí phanh phui, khiến dư luận càng bức xúc.
Thậm chí, trong buổi tọa đàm khoa học "Các dự án BOT – Chính sách và giải pháp" được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/9 vừa qua, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, còn đề xuất: “Với những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ công bố về các dự án BOT và BT, có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.”
Đề xuất của TS Nguyễn Sỹ Dũng không có gì là bất ngờ, bởi những sai phạm trong các dự án BOT và BT giao thông là quá rõ ràng, nghiêm trọng và đặc biệt là có hệ thống, còn nỗi bức xúc trong dư luận thì ngày càng dâng cao.
Điều khiến người ta phải ngạc nhiên ở đây là, mặc dù chiến dịch “đốt lò” do TBT Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra đầy khí thế, với những tuyên bố hùng hồn của người “nhóm lò” (“Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, v.v.), song chưa một quan chức nào dính líu đến sai phạm trong các dự án BOT/BT giao thông phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào, dù là nhẹ nhất, chứ đừng nói đến chuyện bị khởi tố.
Vì sao lại như vậy? Chẳng phải những quan chức ở Bộ GT-VT và các tỉnh thành liên quan không chỉ là thứ “củi” rất phù hợp với cái “lò” mà ngài Tổng Bí thư cùng bộ sậu đang hè nhau “đốt”, mà còn là “củi khô”, vốn rất dễ “bắt lửa” và “cháy” hay sao? Chẳng phải cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, người dính líu đến nhiều sai phạm ở các dự án BOT giao thông, đã bị cách chức Bí thư Thành uỷ Tp HCM, bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và đang “ngồi chơi xơi nước” ở Ban Kinh tế Trung ương hay sao (tức không còn là thứ “củi tươi” đến mức không thể tống vào “lò” nữa)? Chẳng phải với 88 dự án BOT giao thông đang hoạt động trên khắp cả nước, vấn nạn này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người Việt, và việc mổ xẻ khối ung nhọt này do đó sẽ giúp lấy lại uy tín cho chính quyền hay sao?
Vậy lý do vì sao mà đến tận thời điểm này ngài TBT vẫn chưa hề hé răng lấy nửa lời về thảm nạn BOT giao thông?
Xin thưa, lý do không có gì quá khó hiểu: Tất cả các dự án BOT giao thông ở Việt Nam hiện nay đều thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt việc lựa chọn nhà thầu, chỉ đạo việc thực hiện dự án) của (cựu) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải. Chính ngài Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trong thời gian ngồi trên chiếc ghế Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế từ năm 2007 đến 2016, mới là người có tiếng nói cuối cùng và chịu trách nhiệm cao nhất về các dự án BOT giao thông trên cả nước, chứ không phải là Bộ trưởng Giao thông - Vận tải.
Mấu chốt vấn đề là, từ năm 2008 đến nay, ông Hoàng Trung Hải bị dư luận lên án nhiều điều nghiêm trọng; và mặc dù 9 năm đã trôi qua nhưng các lên án vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật, lý do là vì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bắt tay với Hoàng Trung Hải để được ngồi vào chiếc ghế Tổng Bí thư khoá XI.
Thế nên, giống như với Formosa Hà Tĩnhtoà nhà 8B Lê Trực hay hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác mà “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải là “tác giả”, Nguyễn Phú Trọng đã và sẽ tiếp tục im lặng với vấn nạn BOT giao thông. Xem ra đó mới là sứ mạng cao cả nhất của ngài TBT khả kính trong sự nghiệp chính trị đầy vinh quang của mình.

Đổ vỡ Việt - Đức: Nguyễn Phú Trọng có ‘vô can’?

Theo VOA-26/09/2017 
Phạm Chí Dũng 
Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp Tập Cận Bình.
Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp Tập Cận Bình. Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp Tập Cận Bình.

Đêm 22 tháng Chín năm 2017 có thể lại là một đêm dài tê tái trong cơn mất ngủ mãn tính của giới chóp bu Việt Nam, sau đêm đầu cuống cuồng vì bị người Đức phát hiện âm mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin hai tháng trước.

Lại một đêm mất ngủ
Rốt cuộc, quan điểm “trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội” của não trạng quan chức Việt đã phải trả giá đắt, quá đắt. Người Đức còn trừng phạt hơn nhiều so với những đầu óc tưởng tượng nông cạn như chỉ đến mức trục xuất nhân viên ngoại giao: tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Động thái bất ngờ trên có thể ví như một cơn động đất chính trị ngay tại Hà Nội.
Cơn động đất này lại thình lình hiện ra chỉ vài tuần trước thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền tại Việt Nam - một kỳ họp Ban chấp hành trung ương được cho rằng mang mục tiêu “thanh trừng” đối với một số quan chức cao cấp mà ông Nguyễn Phú Trọng liệt vào dạng “chống tham nhũng thời kỳ trước”.
Trong vòng một chục năm qua, chính thể cộng sản Việt Nam luôn tự hào đã ký được đến một chục thỏa thuận đối tác chiến lược với một chục quốc gia. Đối tác chiến lược Việt - Đức là thỏa thuận đầu tiên bị hủy bỏ giữa chừng, và cho dù mới chỉ mang tính “tạm thời” nhưng ai cũng hiểu cơ sự còn có thể khốn khổ hơn nữa trong thời gian tới.
Mộng du duy ý chí
Vài tuần sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đức- Việt, đã xuất hiện những ý kiến bên lề nội bộ đảng ở Việt Nam về khả năng “xét cho cùng thì Đức cũng còn nhiều cái lợi trong quan hệ với Việt Nam. Do đó rất ít khả năng Đức sẽ làm căng với Việt Nam, mà chỉ cần Việt Nam uyển chuyển khôn khéo, tiến hành đàm phán với Đức và có thể nhân nhượng một vài vấn đề gì đó về thương mại thì câu chuyện Trịnh Xuân Thanh sẽ chìm dần theo thời gian. Đến cuối năm nay hoặc sang năm 2018 thì quan hệ giữa Việt Nam và Đức sẽ bình thường trở lại…”.
Nhưng rốt cuộc, dự báo với não trạng một chiều trên đã phá sản. Cũng như đã cơ bản phá sản những dự báo của các cơ quan ngoại giao, công an về tính hậu quả có thể nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị người Đức phát hiện và làm rùm beng. Nguyên nhân chủ yếu của dự báo sai lầm là căn bệnh thành tích trầm kha trong nội bộ đảng, cùng não trạng vào thói quen thiên về báo cáo thành tựu trong khi làm giảm bớt rủi ro và tính hậu quả. Có thể, phía Việt Nam đã đặc biệt duy ý chí để tự tin đưa ra giả thiết là nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị lôi ra ánh sáng, chính phủ Đức cùng lắm cũng chỉ gửi công hàm phản đối và việc này có thể làm chậm lại tiến trình viện trợ 260 triệu euro năm 2017 - 2018 của Đức cho Việt Nam…
Và có thể đó chính là lý do để mật vụ Việt Nam, được đôn đốc chỉ đạo từ một cấp rất cao, đã vừa quá vội vàng lại vừa tự tin đến mức còn không thèm quan tâm chuyện xóa những vết máu cùng tang vật là bình xịt hơi cay trên chiếc xe hơi được thuê từ Séc để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Dự báo sai về quá khứ lại là cơ sở của sai dự báo thời hiện tại. Dàn tham mưu của Nguyễn Phú Trọng quá tệ!
“Không có gì phải vội vàng cả”
Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức có thể tiến tới chính sách tạm cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong một tương lai không xa, nếu Hà Nội vẫn không có bất kỳ một lời xin lỗi nào về vụ mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng Bảy năm 20167, không chịu xin lỗi và cũng chẳng chịu cam kết “sẽ không tái phạm”…
Giờ đây, có lẽ nhiều người cần nhớ lại thái độ và cách biểu cảm của người Đức vào đầu tháng 8/2017 sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố về vụ Trịnh Xuân Thanh. Sau yêu cầu “phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý”, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer đã khẳng định: “Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển."
Toàn bộ nội hàm “chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển” lại chính là nội dung của quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt.
Người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đó còn là từ ngữ “bội tín”. Cái từ thiên về bản chất dưới đáy của chính trị này lại càng khiến công luận xã hội ở Việt Nam không thể nào quên được nhân vật ủy viên trung ương đảng, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối xử với người dân Đồng Tâm ra sao - ký sống, lăn tay điềm chỉ nhưng sau đó xổ toẹt tất cả.
Không có gì phải vội vàng cả” - cũng cần nhớ lại cụm từ này với mọi hàm ý của nó.
Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, đã có một buổi Họp báo Liên bang ngày 9/8/2017. Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang, Bà Ulrike Demmer và Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ông Schäfer đã trả lời các câu hỏi liên quan đến mối quan hệ Đức - Việt, trong đó có nội dung: “Tuy nhiên, khi vụ việc như vậy xảy ra thì chắc chắn ở đâu đó còn thiếu sự tôn trọng và lưu tâm. Vì vậy, như đã nói, chúng tôi không thể để vụ việc dừng lại tại đây. Chúng tôi sẽ bình tĩnh phân tích. Không có gì phải vội vàng cả. Chúng tôi sẽ cân nhắc và bàn thảo kỹ lưỡng rồi sau đó sẽ thông tin tới các đối tác Việt Nam của chúng tôi”.
Một số ý kiến cho rằng câu “Không có gì phải vội vàng cả” có vẻ dư thừa hoặc không rõ nghĩa. Nhưng một số ý kiến khác lại suy ngẫm về câu nói này với một ẩn ý rõ rệt nào đó.
Cuối cùng, người Đức đã hành động!
Một hành động thích đáng và không hề cho thấy “Đức cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Đức” như một lối tuyên truyền của giới dư luận viên tuyên giáo và công an Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng có “vô can”?
Tình hình giờ đây như thể bãi hoang địa sau cơn động đất phạm vi rộng. Nếu sau bản tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức vào đầu tháng 8/2017, nguy cơ tan vỡ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) là lớn chưa từng có, thì nay là cả tương lai sụp đổ của Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức.
Tương lai ấy lại “ăn” cả vào đời sống của hơn chín chục triệu người dân Việt - hầu như không khác ấy cảnh đám quan lại “ăn của dân không chừa thứ gì”. Giới quan chức Bộ chính trị và các ủy viên trung ương đảng no mập có thể chẳng mấy quan tâm đến số phận của EVFTA, nhưng nếu không có hiệp định này, doanh nghiệp Việt sẽ càng bế tắc đầu ra xuất khẩu, còn người sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng triệu nông dân, có thể sẽ phải chuyển bữa ăn từ cơm sang cháo.
Những cơ quan nào và những ai trong nội bộ đảng phải chịu trách nhiệm về hai cú tan vỡ và sụp đổ trên?
Hậu quả đã khủng khiếp đến mức ngang bằng với tội “phá hoại”. Phải có ít nhất một ai đó, một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm và bị xử lý.
Với tư cách là người đứng đầu đảng, người từng chỉ đạo “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh” và có thể là người hưởng lợi nhất trong cuộc chiến phe phái khi nắm giữ được Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Phú Trọng có “vô can” khi để xảy ra những hậu quả khủng khiếp trong quan hệ Việt - Đức?

Nợ nần, bội chi và giải pháp nằm ngoài ‘định hướng’

Trân Văn
Theo VOA-25/09/2017
Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. Bộ Tài chính Việt Nam loan báo, tính đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim. (Hình: Trích từ website của The Economist)

Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. Bộ Tài chính Việt Nam loan báo, tính đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim. (Hình: Trích từ website của The Economist)


Tuần trước, Bộ Tài chính Việt Nam loan báo, tính đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim, tương đương hơn hai triệu tỉ đồng, trong đó vay mượn ngoại quốc là 39,6 tỉ Mỹ kim, vay mượn dân chúng trong nước là hơn 54 tỉ Mỹ kim.
Tình trạng nợ nần của Việt Nam càng lúc càng trầm trọng và để có “gấu” vá “vai”, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục tìm đủ mọi cách để tăng nguồn thu từ thuế, phí song song với cắt giảm chi tiêu cho phúc lợi công cộng. Mỗi gia đình, bất kể khu vực cư trú, từng cá nhân, dẫu giàu hay nghèo giờ đều có thể cảm nhận sức nặng của nợ nần khi vật giá gia tăng, kiếm sống khó hơn, chi tiêu phải dè sẻn hơn,…
Đã có rất nhiều phân tích về nguyên nhân nợ nần gia tăng, Đảng CSVN, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành không ít nghị quyết, chỉ đạo hàng loạt giải pháp nhằm giảm bội chi, kềm giữ nợ nần nhưng thực tế cho thấy, bội chi và nợ nần của Việt Nam vẫn là một nan đề.
Liệu còn lời giải nào cho nan đề nợ nần và bội chi của Việt Nam?
Dường như là có nhưng câu trả lời lại thuộc loại nằm ngoài “định hướng”…
***
Đầu tháng này, trong hội thảo về “Việt Nam và trật tự thế giới mới”, diễn ra ở Budapest (Hungary), ông Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc, trình bày tham luận “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam”.
Chuyên gia - về phân tích tương quan giữa các dữ liệu đã được thống kê với tác động của chúng tới kinh tế của một quốc gia - này đã đưa ra hàng loạt các nhận định đáng chú ý: Nợ chính phủ Việt Nam vay trực tiếp xấp xỉ 65% GDP. Nếu tính cả nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã vay thì tổng số nợ nần của Việt Nam trong năm 2016 khoảng 431 tỉ Mỹ kim hoặc hơn, con số đó tương đương 210% GDP (205,2 tỉ Mỹ kim). Ông Việt lưu ý thêm là nếu cộng cả nợ của khối tư nhân thì tổng nợ của kinh tế Việt Nam có thể xấp xỉ 250% GDP.
Nói cách khác, tính theo GDP, nợ nần của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới!
Nợ cao, áp lực trả nợ tất nhiên sẽ tăng. Khi không còn có thể vay mượn để chi tiêu và trả nợ, kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Theo ước tính của ông Việt, với mức độ nợ nần trên 200% GDP và lãi suất từ 9% đến 10%/năm như hiện nay, cộng với lạm phát khoảng 4% năm, GDP của Việt Nam phải tăng ít nhất 10% mới đủ để… trả lãi. Đáng nói là trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam chẳng có cách nào để đạt được mức tăng trưởng như thế.
Nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng là vì thu liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng tăng. Dựa trên những số liệu thống kê thu thập được từ một số nguồn khác nhau, ông Việt đã lập hàng loạt biểu, bảng để chứng minh, chi tiêu của hệ thống công quyền gia tăng không phải do gia tăng đầu tư hay trả nợ mà chỉ vì không kềm giữ được chi thường xuyên.
Năm 2009, chi thường xuyên tương đương 54,4% tổng chi ngân sách, sáu năm sau (2014), chi thường xuyên vọt lên tới 65,5% tổng chi ngân sách. Ông Việt ước tính, chi thường xuyên của Việt Nam chiếm tới 34% GDP. Vượt xa các quốc gia trong khu vực (Indonesia 21,7%, Singapore 14,9%,…)
Bởi nguồn thu giảm trong khi chi tiêu không ngừng tăng, phải vay mượn để chi nên Việt Nam liên tục bội chi, tỉ lệ bội chi khoảng 6% GDP, gấp đôi mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (3%).
Một trong những lý do khiến Việt Nam liên tục bội chi là vì phải nuôi đội ngũ công chức và viên chức càng ngày càng đông (so với năm 2013, năm 2014, số lượng công chức tăng 4,1%, số lượng viên chức tăng 9,8%). Tuy lương căn bản của công chức và viên chức tăng liên tục (giữa năm 2016 đã tăng 5,2%, đến giữa năm 2017 lại tiếp tục tăng thêm 7,4%), đồng nghĩa với việc phải tăng vay mượn để nuôi công chức và viên chức nhưng nhiều người vẫn cho rằng lương công chức và viên chức Việt Nam còn quá thấp.
Theo ông Việt, nếu dựa vào mặt bằng chung của nền kinh tế, nghĩa là tính theo GDP bình quân/người thì lương công chức và viên chức ở Việt Nam cao hơn GDP bình quân/người gần 40%, tương đương với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự bất hợp lý trong chính sách lương bổng của công chức, viên chức nằm ở chỗ lương được tăng đại trà thành ra lương công chức cấp dưới vẫn rất thấp. Ông Việt cũng đã chỉ ra một yếu tố khác mà ông nhấn mạnh là “kỳ lạ”: Việt Nam không hề kiểm soát lương của giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước thành ra lương của giới này cao hơn lương của giới bổ nhiệm và kiểm soát họ. Cũng vì vậy “không thể không dẫn đến lỗi hệ thống”.
Tuy nhiên đáng chú ý nhất trong phân tích “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam” là chi tiêu cho quốc phòng và an ninh.
Trong tham luận vừa kể, ông Việt đã trình bày rất cặn kẽ cách thu lượm dữ liệu, phương thức tính toán, theo đó, năm 2014, hệ thống công quyền Việt Nam đã chi cho ngành công an khoảng 6,4 tỉ Mỹ kim, chi cho quân đội khoảng 4,5 tỉ Mỹ kim (bao gồm cả mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng - khoảng 1,9 triệu Mỹ kim). Nếu tính theo tổng chi ngân sách, chi cho công an chiếm 12%, chi cho quân đội chiếm 9%. Tỉ lệ chi của Việt Nam cho quân đội tính trên tổng chi ngân sách ngang với Hoa Kỳ nhưng tỉ lệ chi của Việt Nam cho công an gấp sáu lần Hoa Kỳ (chi cho cảnh sát của Hoa Kỳ chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách).
Ông Việt nhận định chi tiêu cho quân đội và công an nếu quá lớn “sẽ tạo ra áp lực mạnh vào các khoản chi tiêu khác cho xã hội”. Theo ông Việt, sở dĩ Việt Nam phải chi một khoản khổng lồ cho công an vì ngoài hoạt động bảo vệ, gìn giữ trật tự xã hội, công an Việt Nam đang thực hiện những công việc mà các quốc gia khác xem là hoạt động dân sự (Đăng ký hộ khẩu, Chứng nhận hạnh kiểm, Cấp hộ chiếu phổ thông, Đăng ký xe máy...). Ông Việt đưa ra nhận xét tuy có thể làm vài chục triệu người vui nhưng khiến hàng triệu người buồn là lực lượng công an quá đông sẽ không chỉ làm ngân sách mất cân đối, gia tăng vay mượn để nuôi mà còn tạo tiền đề cho lạm dụng quyền lực, tham nhũng, bất mãn gia tăng, gây bất ổn cho xã hội.

***

Nếu bỏ vài giờ xem “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam”, có thể thấy ông Việt đã soạn tham luận này một cách hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, kèm nhiều dẫn chứng, nhận định xác đáng, gợi ra nhiều vấn đề, giải pháp cần ngẫm nghĩ, tất nhiên không loại trừ khả năng cần tranh luận.
Tuy nhiên như mọi tham luận cùng loại, “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam” sẽ không đến nơi cần đến. Nó nằm ngoài “định hướng” của các tiến sĩ chuyên ngành “xây dựng Đảng”, “tư tưởng Hồ Chí Minh”,… Nó dưới “tầm” hàng trăm tiến sĩ tốt nghiệp những đại học kiểu như Southern California University for Professional Studies.
Mỗi năm, vào mùa Hè, một số trí thức người Việt sống tản mác ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam lại tụ họp với nhau ở đâu đó để thảo luận về một chủ đề cụ thể có liên quan đến hiện trạng và tương lai Việt Nam. “Việt Nam và trật tự thế giới mới” diễn ra hồi đầu tháng này ở Budapest (Hungary) là một trong khoảng 20 cuộc hội thảo như vậy trong 20 năm vừa qua. Những “Hội thảo mùa Hè”, rộng hơn là những nghiên cứu, khảo sát, khuyến nghị của nhiều chuyên gia người Việt, mang đủ thứ quốc tịch khác nhau, chỉ giống nhau ở chỗ cùng trăn trở về vận mệnh Việt Nam dù công phu, đầy tâm huyết chỉ mới đạt được một kết quả chung: Minh họa rằng chủ trương “chiêu hiền, đãi sĩ”, những lời mời gọi “hiến kế, góp sức xây dựng, phát triển” chỉ mới là chiêu bài.
Đọc “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam” đi, bạn sẽ thấy… buồn!

Bộ phim dài không có hậu

 Bùi Tín
Theo VOA-25/09/2017  
Poster của phim The Vietnam War.

Poster của phim The Vietnam War. Poster của phim The Vietnam War.



Bộ phim dài 10 tập (18 tiếng đồng hồ) của 2 đạo diễn Mỹ Ken Burns và Lynn Novick đã được trình chiếu rộng rãi trên TV cũng như trên internet.
Nhiều người chăm chú xem, thưởng thức và bình luận. Người khen khá nhiều, cho rằng các tác giả đã dày công sưu tầm, tuyển chọn những đoạn phim, hình ảnh tiêu biểu, quý giá nhất, có được cách nhìn khách quan, đa chiều.
Nhiều người phân vân, chê trách bộ phim có nhiều thiếu sót, chưa nói lên đầy đủ bản chất của cuộc chiến, tuy có đầu đề là «Chiến tranh Việt Nam», nhưng lại nặng về cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam!
Riêng với người Việt Nam, bộ phim bị chê trách nhiều hơn là khen.
Ở trong nước, ban tuyên huấn của Đảng Cộng Sản ra chỉ thị cho bộ máy truyền thông không trình chiếu, không bình luận, không bàn tán về bộ phim này, chắc là vì chưa nói lên được công lao của đảng trong toàn thắng « giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước», còn nêu lên các vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế, trại cải tạo sĩ quan viên chức Viêt Nam Cộng Hòa và vụ thuyền nhân bi thảm.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao cho rằng bộ phim không có giá trị vì không nói lên được chính nghĩa và thiện chí của đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh cách mạng.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung đánh giá thấp, phê phán khá mạnh bộ phim, cho là không khách quan, không cân đối, không công bằng, sai lệch trong đánh giá thấp chính quyền miền Nam, đánh giá thấp quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhìn nhận sai lệch quá ưu ái với phong trào chống chiến tranh trên đất Hoa Kỳ.
Tất nhiên cuộc chiến tranh kéo dài trong gần 30 năm, với 2 chiến trường miền Bắc, miền Nam Việt Nam, lây lan sang Cam-bốt, Lào, dính liền với cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 phe gồm các siêu cường, cường quốc trên thế giới, với biết bao diễn biến với nhiều mặt phức tạp, khó lòng mô tả cho đầy đủ, làm vừa lòng mọi người, ở mọi phía.
Nhưng dù sao đây cũng là một cố gắng to lớn, mang cách nhìn phóng khoáng, đa diện ít định kiến, hiếm hoi, so với các bộ phim đã xuất hiện xưa nay.
Theo ý riêng của tôi, đây là cuốn phim hoành tráng, mang nhiều cố gắng, phản ánh nhiều mặt, nhiều nhân vật tiêu biểu của cuộc chiến.
Chỗ đứng chính trị của các tác giả làm phim chưa rõ. Họ có đứng trên lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, bảo vệ nhân quyền, cổ súy sự tôn trọng pháp luật quốc tế, của những công dân của thế giới mới hay không? hay chỉ là lập trường lạnh lùng, trung lập, cách nhìn trung dung của người ngoài cuộc?
Điều mà hình như các tác giả bỏ qua là cuộc chiến thuộc thế kỷ XX, mà nay đã bước vào thế kỷ XXI. Phần lớn những diễn viên chính của cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng, bộ phim này là để cho lớp con cháu họ xem và suy ngẫm cho cuộc sống hiện tại.
Có những sự kiện lịch sử phải cần một thời gian khá dài mới có thể đánh giá đầy đủ đúng, sai, tốt xấu, tiến bộ hay lạc hậu. Hậu quả của cuộc chiến ra sao? tốt đẹp hay bi đát cho từng bên, từng đối tượng. Như phải ngắm một quả núi từ xa.
Ví dụ như đối với nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, tuy đảng cộng sản huênh hoang là chính nghĩa, thiện chí, yêu nước, giải phóng, thống nhất, đại thắng, hoàn thành sứ mạng vẻ vang… nhưng hiện nay tất cả là giả dối, lừa gạt, là bịa đặt, không có thật. Sự thật chỉ là con số không to đùng.
Họ nói độc lập, nhưng từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990) Việt Nam sống dưới một chế đô Bắc thuộc, phụ thuộc cả về chính trị, kinh tế, đối ngoại vừa tinh vi vừa lộ liễu, vậy thì lời thề Độc lập và Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 chỉ còn là bánh vẽ.
Họ nói dân chủ XHCN, nhưng không hề có bầu cử tự do, chỉ có đảng chọn dân bầu, bỏ tù hàng trăm tù chính trị chống bành trướng, coi các công dân yêu nước, yêu dân chủ, nhân quyền là thù địch. Quốc hội chỉ là đảng hội khi 90% là đảng viên. Vậy dân chủ hay đảng làm chủ?
Họ nói giải phóng, hứa hẹn, cam kết hòa hợp dân tộc nhưng cầm tù hàng trăm ngàn sĩ quan, viên chức Việt Nam Cộng hòa, cho nửa triệu cán bộ chính trị, kinh tế, văn hóa, đảng viên, công an, giáo chức, viên chức miền Bắc trình độ yếu ớt vào tiếp quản, cai trị miền Nam, thực tế là phá phách toàn diện cuộc sống vốn tiến bộ hơn miền Bắc, vậy giải phóng hay kềm kẹp, đẩy lùi miền Nam?
Và lời hứa của ông Hồ sau chiến tranh sẽ xây dựng đất nước to lớn giàu mạnh gấp 10 lần thời chiến nay, đi đến đâu? Có nhiều nhà cao tầng, nhưng thu nhập bất công gấp trăm lần thời xưa, nạn tham nhũng vượt xa thời thuộc Pháp, thời phong kiến. Đời sống, thu nhập dân thường kém Thái lan, Malaisia hàng 20 năm.
Vậy thì chiến thắng, đại thắng để làm gì? Câu nói «dân ta tòan thắng đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai» trở nên cay đắng bẽ bàng. Đến nay phải công nhận rằng dân Việt Nam đã thua, thua to, thua triệt để, thua trắng tay. Linh mục Nguyễn Văn Lý nói không sai «Cộng hòa XHCNVN: chưa Độc lập - thiếu Tự Do – chưa Hạnh Phúc», là rất đúng, nhưng lại bị trả giá bằng hơn 10 năm tù!
Nhiệm vụ các nhà làm phim chân chính của nước ta là nên làm một bộ phim dài nói lên những sự thật ấy, khi mà bộ phim «The Vietnam war» đã bỏ quên.
Lẽ ra các nhà làm phim nói trên nên suy nghĩ để qua cuộc chiến tranh thế kỷ XX gợi ý cho những giải pháp cho các cuộc chiến, tranh chấp trong thế kỷ XXI này.
Vũ khí nguyên tử từng chuẩn bị được dùng ở Điện Biên Phủ, ở Triều Tiên, Cuba. Nay lại có nguy cơ nổ ra thật sự do cậu bé Kim Chính Ân - Ủn lên gân.
Các cuộc chiến ở Syria, Trung Đông, Ukraina… nên tìm ra giải pháp nào? Làm sao tiêu trừ nạn khủng bố do nhà nước Hồi giáo IS chủ trương?
Vai trò của Liên Hợp Quốc trong sứ mạng bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, cứu trợ các nạn nhân và người di cư ra sao?
Vai trò của Hoa Kỳ nên co lại lo cho «nước Mỹ trước hết» hay cần đóng vai cường quốc số 1 có trách nhiệm cao quý trên thế giới?
Bộ phim sẽ rất hay, hấp dẫn hơn, có ích khi nó có hậu nói đến hậu quả các cuộc chiến cho đến ngày hôm nay, mối quan hệ Việt Mỹ nay ra sao, Việt Nam đang trong tình hình thế nào và gợi ý, nhắn nhủ cho người xem tham gia vào giải quyết những vấn đề trước mắt của thế giới ra sao. Có lẽ nó cần bổ xung thêm 1 hay 2 tập kết thúc. Mong các nhà làm phim quan tâm.

Tăng thuế vẫn không thể cứu nguy nhà nước thiếu hụt

Nguyễn Quốc Khải
Theo VOA-22/09/2017  
Một cuộc đình công tại Việt Nam.
Một cuộc đình công tại Việt Nam. Một cuộc đình công tại Việt Nam.

Nhà nước có bộ nào thì Đảng CSVN có ban đó. Dân bị đánh thuế hai lần, sống trong tình cảnh “một cổ hai tròng”.
Kế hoạch tăng thuế
Trong tháng 8 vừa qua Bộ Tài Chánh Việt Nam đã đề nghị một số biện pháp sửa đổi liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên thiên nhiên.
Bộ Tài Chánh Việt Nam đã đề nghị tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) nói chung từ 10% lên 12%, dự trù bắt đầu có hiệu quả từ 2019. Thuế suất GTGT lại có thể tăng từ 12% lên 14% vào 2021.
Một số sản phẩm cần thiết đối với các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, khoa học và kỹ thuật hiện nay chịu thuế suất GTGT 5%, sẽ phải trả 6% trong tương lai. Phân bón, dụng cụ nông nghiệp, và tàu đánh cá ngoài khơi cũng sẽ phải trả thuế GTGT thay vì hoàn toàn được miễn thuế như hiện nay.
Theo đề nghị của Bộ Tài Chánh, xe tải mui trần sẽ phải trả thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cao hơn. Thuế suất 15% sẽ áp dụng cho xe có xylanh lên đến 2,500 phân khối, 20% cho xe có đến 3,000 phân khối và 30% cho các xe lớn hơn. Những gói thuốc lá gồm 12 điếu sẽ phải trả thuế suất TTĐB 75% kể từ 2019 và tất cả các gói thuốc lá sẽ phải trả thêm VNĐ 1,000 kể từ 2020. Nước ngọt hiện nay được miễn thuế, nhưng kể từ 2019 sẽ phải chịu thuế suất TTĐB là 10%.
(Chart: Nguyễn Quốc Khải)
(Chart: Nguyễn Quốc Khải)
Cũng theo đề nghị của Bộ Tài Chánh, thuế bảo vệ môi trường được dự trù tăng từ 3,000 VNĐ/lít xăng dầu lên đến VNĐ 8,000/lít. Đối với tài nguyên, thuế suất đã được tu chính vào 2015 và đã có hiệu lực từ 01-07-2016. Tuy nhiên tài nguyên có khung giá tính thuế mới bắt đầu có hiệu lực kề từ 01-07-2017.
Doanh nghiệp tiếp tục được hưởng thuế suất thuận lợi. Thật vậy hiện nay các doanh nghiệp chịu thuế suất thu nhập giảm xuống còn 20%, so với 32% trước đây. Theo đề nghị của Bộ Tài Chánh, thuế suất thu nhập doanh nghiệp mới 15% sẽ áp dụng cho các công ty nhỏ và trung bình có thu nhập hàng năm dưới VNĐ 3 tỷ, và 17% cho các công ty có thu nhập hàng năm trong khoảng từ VNĐ 3 tỷ – VNĐ 50 tỷ.
Hiện tại, thuế thu nhập cá nhân là 5% áp dụng cho những người có thu nhập hàng tháng từ VNĐ 5 triệu trở xuống và 10% cho VNĐ 5 triệu kế tiếp. Trong tương lai thuế thu nhập cá nhân là 5% sẽ áp dụng cho những ai có thu nhập hàng tháng từ VNĐ 10 triệu trở xuống.
Tóm lại, Bộ Tài Chánh đề nghị tăng thuế GTGT và tiêu thụ đặc biệt đồng thời giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp và cá nhân. Mục đích chính của những biện pháp này là để giảm ngân sách quốc gia thiếu hụt và nợ công.
Ngân sách quốc gia thiếu hụt
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Trưởng Tài Chánh, từng tuyên bố rằng “Điều hành ngân sách như đi trên dây”. Thật vậy, Việt Nam đang gặp phải vấn đề ngân sách thiếu hụt trong nhiều năm qua và tương lai cũng không được sáng sủa. Theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF), ngân sách nhà nước thiếu hụt tăng từ VNĐ 22.1 ngàn tỷ (5% GDP) vào năm 2000 lên đến VNĐ 293 ngàn tỷ (6.5% GDP) vào năm 2016. Trong khi đó, nhà nước ấn định mức ngân sách thiếu hụt không được quá 3.5% vào năm 2020. Kể từ năm 2000 đến nay, năm nào ngân sách cũng bội chi. Theo dự đoán, ngân sách tiếp tục thiếu hụt vào những năm 2017-2018.
TS Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Institute of South East Asian Studies) tại Singapore, nhận định rằng chi phí về hành chánh, an sinh xã hội, lương bổng, đặc biệt an ninh và quốc phòng đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm qua. Đây là nguyên nhân chính làm cho ngân sách thiếu hụt. Ngoài ra, Việt Nam còn phải trả tiền lời và vốn trên những món nợ công. Riêng tiền lời phải trả là VNĐ 95 ngàn tỷ cho năm 2016 và VNĐ 99 ngàn tỷ và VNĐ 126 ngàn tỷ lần lượt cho các năm 2017 và 2018 theo dự đoán.
Khoảng 98% nợ nước ngoài của Việt Nam trong những năm gần đây xuất phát từ nguồn Viện Trợ Phát Triển Chính Thức (Official Development Assistance - ODA) với lãi suất rất thấp khoảng 1% và thời gian hoàn trả nợ từ 15 – 40 năm. Trong số món nợ ODA, thông thường có ít nhất 25% là số tiền viện trợ không phải hoàn trả. Nay Việt Nam không còn được vay từ nguồn ODA nữa. Khi được xếp vào hạng các nước có thu nhập trung bình (middle income), Việt Nam phải trả tiền lời cao hơn và thời gian đáo nợ ngắn hơn.
Thu nhập cho ngân sách quốc gia của Việt Nam có gia tăng nhờ kinh tế phát triển khoảng trên 6% mỗi năm nhưng không bắt kịp chi phí. Thu nhập về thuế từ VNĐ 32.8 ngàn tỷ vào năm 2005 tăng gấp 23 lần lên đến VNĐ 761 ngàn tỷ vào năm 2016. Tuy nhiên thu nhập về dầu thô đã giảm xuống một cách đáng kể. Vào năm 2012 Việt Nam xuất cảng một số lượng dầu trị giá VNĐ 125 ngàn tỷ khi giá dầu thô (Brent crude) còn trên US$ 100/thùng. Nay con số này xuống chỉ còn 55 ngàn tỷ đồng vào 2016 và ước tính tiếp tục đi xuống tới khoảng VNĐ 40 ngàn tỷ trong hai năm tới 2017-2018 vì giá dầu thô trên thị trường quốc tế tiếp tục ở mức thấp. Trong 4 tháng vừa qua, giá dầu thô (Brent crude) ở trong khoảng US$ 48 - US$ 54.2/thùng. Khoản tiền viện trợ không phải hoàn trả cũng giảm từ VNĐ 10 ngàn tỷ vào năm 2012 xuống còn 3 ngàn tỷ vào năm 2016. Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế giới về kinh tế Việt Nam vào tháng 7, 2017, ngân sách nhà nước mất một số thu nhập vì việc hủy bỏ thuế nhập cảng (import tariff) qua những hiệp định thương mại tự do.
Nợ công gia tăng
Theo báo cáo của mạng tin tài chánh The Economist, tổng số nợ công của Việt Nam tính đến ngày 16-7-2017 là US$ 94.854 tỷ, khoảng US$ 1,039 mỗi đầu người. Nợ công của Việt Nam gia tăng liên tục trong nhiều năm qua, tương đương với 36% của tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) vào năm 2001. Con số này lên tới 62.4% vào năm 2016. IMF dự đoán nợ công của Việt Nam sẽ là 63.3% và 64.3% so với GDP vào 2017 và 2018 trong khi đó nhà nước giới hạn mức nợ công vào 2020 là 65% của GDP. Từ 2010 đến 2015, mức tăng trưởng của GDP trung bình là 5.9%. Trong khi nợ công tăng trung bình hàng năm gấp 2-3 lần GDP.
Dự đoán của Ngân Hàng Thế Giới còn bi thảm hơn. Theo đó nợ công có thể gia tăng đến 65.4% của GDP vào năm 2022. Tuy nhiên nếu bội chi ngân sách không giảm và tiếp tục ở mức độ của năm 2017, nợ công có thể gia tăng đến 70.1% của GDP vào 2022 tức là vượt xa mức cao tối đa. Ngoài điều kiện bội chi ngân sách vừa kể, nếu có thêm thay đổi lớn về lãi suất trên thị trường tài chánh quốc tế vào 2018, nợ công của Việt Nam có thể lên đến 74% của GDP vào 2022. Nhiều quốc gia cả giầu lẫn nghèo đều vay nợ ít hay nhiều để phát triển. Đối với Việt Nam tỉ lệ nợ công/GDP an toàn không thể quá 40%.
Ông Bộ Trưởng Tài Chánh Đinh Tiến Dũng trong buổi nói chuyện với Quốc Hội ngày 25-5-2017 cho biết rằng nợ công tăng nhanh như vậy là vì quản trị và sử dụng các món nợ yếu kém. Ông cũng nói thêm rằng một số cơ sở không có khả năng trả nợ khiến nhà nước phải lãnh chịu vì đã đứng ra bảo lãnh những món nợ này.
Khi nợ công lên cao, nhà nước sẽ phải bỏ ra những số tiền rất lớn để trả tiền lời hàng tháng. Do đó, ngân sách sẽ tiếp tục thiếu hụt, không có nhiều tiền để đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế, mua võ khí cho quốc phòng.
(Chart: Nguyễn Quốc Khải)
(Chart: Nguyễn Quốc Khải)
Theo định nghĩa của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế giới, nợ công bao gồm nợ trực tiếp bởi nhà nước (trung ương và đia phương) và những món nợ được chính phủ bảo đảm (public and publicly guaranteed debt - PPG). PPG có hai phần: quốc nội và quốc ngoại. Theo định nghĩa của chính phủ Việt Nam, nợ công không bao gồm nợ bởi Ngân Hàng Trung Ương, công ty quốc doanh và những cơ sở do nhà nước quản trị. Một số tài liệu nghiên cứu ở trong nước chỉ đề cập đến nợ công của chính phủ trung ương.
Giải pháp
Nợ công và thiếu hụt ngân sách nhà nước là hai khía cạnh của một vấn đề chung là tài chánh quốc gia. Chánh phủ Việt Nam dự tù tăng thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, và thuế bảo vệ môi trường để bù vào bội chi ngân sách khoảng VNĐ 450,000 tỷ. Biện pháp tăng thuế bị chống đối mạnh mẽ. Ô. Nguyễn Sinh Hùng, khi còn là chủ tịch Quốc Hội, cũng đã phải tuyên bố rằng đất nước lúc này không phải là lúc để tăng thuế. Việc dự trù tăng thuế môi trường từ VNĐ 3,000/lít xăng dầu lên đến VNĐ 8,000/lít bị dân chúng chỉ trích nặng nề vì giá xăng dầu ở Việt Nam đã quá cao so với thu nhập của người dân và so với các quốc gia trong vùng. Cuộc phỏng vấn của Đài Tự Do Á Châu (RFA) phổ biến vào ngày 18-04-2017 cho thấy một số chuyên gia kinh tế được tiếp xúc đều cho rằng tăng thuế xăng dầu quá mức chịu đựng của dân chúng và nền kinh tế. Người dân còn tố cáo rằng nhà nước tăng thuế môi trường nhưng không phải là để bảo vệ môi trường mà là để lấy tiền lấp vào lỗ trống trong ngân sách.
TS Vũ Thanh Tự Anh, một nhà nghiên cứu tại Harvard Kennedy School đồng thời là giám đốc nghiên cứu của Fulbright Economics Teaching Program tại Việt Nam, cho rằng không thể giải quyết tình trạng nợ công gia tăng và ngân sách thiếu hụt giản dị bằng cách bắt dân trả thuế thêm. Thuế GTGT “không có mắt”, không phân biệt giầu nghèo. Mọi người tiêu thụ phải trả cùng một thuế suất. Do đó, người ta gọi GTGT là thuế lũy thoái (regressive tax) thay vì lũy tiến (progressive tax). Nghĩa là nó làm tổn hại người nghèo nhiều hơn người giầu. Nhà nước không thể cứ chi tiêu bừa bãi, để cho cán bộ đục khoét tài sản quốc gia, rồi bắt dân è cổ ra chịu.
Biện pháp hữu hiệu hơn cả là cải tổ việc quản trị và sử dụng các món nợ vì đây là nguyên nhân to lớn góp phần vào nợ công gia tăng. Những công ty quốc doanh thua lỗ triền miên là những thí dụ điển hình. Vụ Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát ngân quỹ của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam VNĐ 3,300 tỷ rồi trốn qua Đức đã thu hút sự chú ý của những nhà đầu tư quốc tế về tình trạng tham nhũng tại các công ty quốc doanh ở Việt Nam.
Khối tài sản đang nằm trong tay của các công ty quốc doanh ở Việt Nam trị giá khoảng US$ 300 tỷ. Nếu những công ty này hoạt động hữu hiệu đã mang lại nguồn tài chánh và kỹ thuật để phát triển đất nước. Nhưng kết quả trái ngược. Kế hoạch cải tổ khu vực quốc doanh qua việc cổ phần hóa đã tiến hành trong vài thập niên, nhưng chưa đạt được tiến bộ đáng kể. Những công ty quốc doanh vẫn tiếp tục nhận được nguồn tài trợ với những điều kiện ưu đãi so với các công ty tư nhân. Gần đây số một luật lệ được thiết lập để giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, ngăn cấm khu quốc doanh đầu tư vào những khu vực không phải là cốt lõi, ngăn chặn việc ăn cắp tài sản, và xúc tiến nhanh chóng việc tư nhân hóa một số công ty quốc doanh lớn.
Bộ Tài Chánh sẽ thâu về được khoảng 4 tỷ Mỹ kim khi hoàn tất việc bán 10 công ty bao gồm Công Ty Cổ Phần Sữa Việt Nam, Công Ty Đầu Tư và Phát Triển Công Nghệ FPT, Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT, Bảo Hiểm Bảo Minh, Công Ty Tái Báo Hiểm Quốc Gia Việt Nam, Công Ty Nhựa Tiền Phong, Công Ty Nhựa Bình Minh, Công Ty Đầu Tư và Phát Triển Hạ Tầng Việt Nam, Công Ty Cổ Phần Cơ Khí Khoáng Sản Hà Giang, Công Ty Xuất Nhập Khẩu Sa Giang có thể mang về 3 tỷ Mỹ kim. Những dự định tương tự đang được sắp xếp.
Tư nhân hóa khu vực quốc doanh sẽ chấm dứt sự hoang phí tài nguyên quốc gia và mang lại một số tiền lớn lao cho ngân sách và bù đắp vào bội chi ngân sách. Để việc cải tổ khu vực quốc doanh nhanh chóng và hữu hiệu, biện pháp cổ phần hóa cần đi đôi với việc cải tổ ban quản trị của các công ty chưa thể giái vốn 100%. Nếu không, các nhà đầu tư sẽ không tin tưởng để bỏ vốn vào.
Chính Đảng CSVN với bốn triệu đảng viên là một gánh nặng lớn lao cho ngân sách quốc gia vì tất cả mọi chi phí cùa CSVN đều được trang trải bởi ngân sách quốc gia, từ lương bổng cho đến các cơ sở và hoạt động của Đảng CSVN. Theo số liệu của Bộ Tài Chánh Việt Nam, ngân sách của nhà nước đã dành cho Văn Phòng Trung Ương Đảng CSVN VNĐ 11.8 ngàn tỷ từ 2006-2015 (không kể năm 2009 vì không có số liệu), hơn cả Văn Phòng Quốc Hội (VNĐ 9.1 ngàn tỷ), Văn Phòng Chính Phủ (VNĐ 6.3 ngàn tỷ), và Văn Phòng Chủ Tịch Nước (VNĐ 1.0 ngàn tỷ). Ngân sách dành cho Văn Phòng Trung Ương Đảng CSVN chiếm 41.8% trong tổng ngân sách dành cho bốn cơ quan này trong thời gian chín năm. Xin nhấn mạnh một điều ở đây rằng ngoài Văn Phòng Trung Ương còn các văn phòng thành ủy, tỉnh ủy, huyện ủy. Dưới đó có đảng ủy xã/phường/thị trấn theo tổ chức của Đàng CSVN.
Hơn thế nữa ngân sách quốc gia còn tài trợ cho những tổ chức chính trị dưới hình thức các tổ chức ngoại vi và các tổ chức xã hội dân sự trá hình của Đảng CSVN, đặc biệt Mặt Trận Tồ Quốc, Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Nông Dân Việt Nam, và Hội Cựu Chiến Binh. Sáu tổ chức này liên hệ mật thiết với Đảng CSVN, nhận được VNĐ 1.5 ngàn tỷ trong năm 2016 từ ngân sách nhà nước. Riêng việc quản lý Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh chi tiêu mất VNĐ 318.7 Tỷ trong năm 2016.
Trên thực tế, dân vừa đóng thuế cho nhà nước vừa đóng thuế cho Đảng CSVN. Ô. Nguyễn An Dân, tác giả bài báo “Đảng CSVN sẽ lấy tiền đâu để chi tiêu” trên mạng của “Tin Tức Hàng Ngày” gọi tình trạng này là “một cổ hai tròng”. Nhà nước có bộ nào thì Đảng CSVN có ban đó. Những nhà tài trợ quốc tế thường xuyên gây áp lực để tách Đảng CSVN ra khỏi ngân sách quốc gia. Nếu điều này tạm thời chưa thể thực hiện được thì một giải pháp thực tiễn cần áp dụng ngay là sát nhập cơ quan đảng vào nhà nước. TS Lê Hồng Hiệp cho biết rằng thí nghiệm này đã thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh có tên gọi là “nhất thể hóa cơ quan đảng và chính quyền”.
Kết luận
Trên nguyên tắc có bốn biện pháp để giải quyết ngân sách thiếu hụt (1) tăng thuế; (2) giảm chi tiêu; (3) phát triển kinh tế; và (4) biện pháp hỗn hợp. Giải pháp (4) hỗn hợp giữa (2) và (3) xem ra thích hợp nhất đối với tình hình Việt Nam hiện nay.
Tăng thuế làm người nghèo thiệt thòi một cách bất công, làm tăng lạm phát, cản trở việc phát triển kinh tế, và có thể làm cho ngân sách bội chi và nợ công rơi vào vòng luẩn quẩn. Hơn bao giờ hết, để phải đương đầu với ngoại xâm, Việt Nam phải xây dựng sức mạnh kinh tế để có sức mạnh quân sự. Phải đẩy mạnh xuất cảng mới có tiền mua võ khí. Một chiếc tầu ngầm lớp Kilo của Nga trị giá US$ 300-US$ 400 triệu.
Giảm chi tiêu là một giải pháp hơp lý và khả thi. Nó sẽ không những không cản trở mà trái lại còn giúp phát triển kinh tế. Cổ phần hóa những công ty quốc doanh, ngoại trừ một số ít cần nhà nước quản trị vì lý do an ninh và quốc phòng. Nhà nước không cần phải lo việc sản xuất giấy, quần áo, thực phẩm, bia và rượu, nước ngọt, nhựa, cao su, bảo hiểm, khai thác khoáng sản, … Giải thể những công ty quốc doanh thua lỗ. Biện pháp này còn có tác dụng tích cực cho kinh tế phát triển.
Loại bỏ hay sát nhập các cơ quan của Đảng CSVN cùng có nhiệm vụ giống nhự các bộ vào guồng máy nhà nước cũng sẽ tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách. Giảm bớt số nhân viên đồng loạt cho tất cả các bộ trong guồng máy chính quyền dân sự và công an khoảng 10% – 20% trong vòng năm năm. Đây không phải là một giải pháp mới lạ. Nhiều quốc gia đã áp dụng như Canada vào thập niên 1990. Đối với Việt Nam, những chi phí thường xuyên hàng năm như hành chánh, lương bổng, an sinh xã hội, an ninh, và quốc phòng tăng rất nhanh trong vài năm qua. Những chi phí này chiếm khoảng 66.3% trên tổng chi phí của ngân sách nhà nước Việt Nam vào 2016, so với 18.7% trả tiền lời, và 15.0% chi phí đầu tư theo số liệu của Bộ Tài Chánh Việt Nam. Chi phí thường xuyên hàng năm là một yếu tố quan trọng nhất làm ngân sách thiếu hụt. Việt Nam cần phải sáng suốt và cương quyết thực hiện biện pháp này vì tình hình đất nước nguy ngập bị ngoại xâm đe dọa, giặc đã ở ngoài ngõ rồi, không cho phép chính quyền chần chừ được.
Tất cả những phần cần phải giảm chi kể trên đều là gánh nặng cho quốc gia, không nằm cho khu vực sản xuất. Cho nên biện pháp giảm chi này sẽ không làm kinh tế thoái hóa mà trái lại còn giúp cho nhà nước giảm được mất mát vì thua lỗ và giải tỏa được nguồn tài chánh để dành cho việc phát triển. Những biện pháp cải tổ kinh tế và cấu trúc chính quyền tích cực kể trên sẽ tạo thêm sự tín cậy vào nền kinh tế và sẽ khuyên khích đầu tư nước ngoài.
Một ảnh hưởng tích cực của việc ngân sách thiếu hụt dai dẳng và nghiêm trọng và nợ công tăng nhanh là nhà cầm quyền Việt Nam thấy đã đến lúc phải cải tổ sâu rộng cấu trúc của guồng máy chính quyền và kiểm soát nghiêm chỉnh chi tiêu cùa Đảng CSVN, không thể trao cho khu vực nhà nước yếu kém đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường.
Tài liệu tham khảo:
1. ADB, “Vietnam: Macroeconomic and Debt Sustainability Assessment,” 2010.
2. IMF, “Joint Bank – IMF Debt Sustainability Framework for Low-Income Countries,” April 14, 2017.
3. IMF, “Vietnam – Staff report for the 2017 Article IV Consultation – Informational Annex,” May 23, 2017.
4. Intellasia, “Fiscal Discipline Indispensable to Close Vietnam’s Budget Deficit,” July 1, 2017.
5. Kính Hòa, “Đảng CSVN Xài Ngân Sách Quốc Gia Như Thế Nào?” RFA. 26-3-2015.
6. Le Hong Hiep, “Growing Fiscal Deficit Presents a Major Risk for Vietnam,” ISEAS, July 2016.
7. PWC, “Vietnam Pocket Tax Book 2016,” March 2016.
8. Vu Thanh Tu Anh, “The Tax Debate: Why Raising VAT in Vietnam is just a Bad Idea,” VNExpress International, September 2, 2017.
9. World Bank, “Taking stock, an Update on Vietnam’s Recent Economic Developments,” July 2017