Wednesday, March 13, 2019

Công an ngăn chặn họp báo của dân oan Vườn Rau Lộc Hưng

An ninh mặc thường phục bố ráp nơi dự trù diễn ra họp báo hôm 13 Tháng Ba. (Hình: Facebook Vườn Rau Lộc Hưng)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Không ngoài dự đoán, vào lúc 14 giờ rưỡi chiều 13 Tháng Ba, cuộc họp báo của người dân Vườn Rau Lộc Hưng đã không thể diễn ra vì bị lực lượng an ninh mặc thường phục và đeo khẩu trang bố ráp nghiêm ngặt.
Cuộc họp báo được dự trù là sự kiện lần đầu tiên người dân Vườn Rau Lộc Hưng và các luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ chính thức lên tiếng trước giới truyền thông về yêu cầu được đối thoại với nhà cầm quyền, cũng như cung cấp hồ sơ của vụ này.
Vài giờ trước đó, thông báo do Sở Thông Tin-Truyền Thông ở Sài Gòn nói rằng: “không chấp thuận việc tổ chức họp báo theo đề nghị của các cá nhân.”
Trong vụ này, ông Trần Văn Thuật, ông Cao Hà Chánh, ông Cao Hà Trực và bà Trần Thị Minh Thi là những người đại diện hợp pháp của bà con Vườn Rau Lộc Hưng. Họ muốn thực thi quyền được tổ chức họp báo của công dân theo quy định tại Điều 41 Luật Báo Chí: “Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.”
Cuộc họp báo đã không thể diễn ra. (Hình: Facebook Vườn Rau Lộc Hưng)
Fan page Vườn Rau Lộc Hưng viết: “Buổi họp báo không diễn ra nhưng bà con vẫn quy tụ lại với nhau để khích lệ và nâng đỡ tinh thần nhau trên con đường đầy chông gai, trắc trở đi tìm kiếm công lý.”
Đáng lưu ý, ngoài việc Sở Thông Tin-Truyền Thông ở Sài Gòn công khai trả lời “không chấp thuận việc tổ chức họp báo”, nhà cầm quyền thành phố này còn gây sức ép khiến nhà hàng Đoàn Viên của Công Ty Du Lịch Công Đoàn phải hủy hợp đồng cho thuê hội trường họp báo với lý do “sửa chữa nhà hàng đột xuất”. Do vậy mà cuộc họp báo phải chuyển địa điểm đến nhà một người dân của Vườn Rau Lộc Hưng nhưng cuối cùng vẫn không được diễn ra.
Luật Sư Trần Vũ Hải bình luận trên trang cá nhân: “Cuộc họp báo của dân oan Vườn Rau Lộc Hưng: thước đo cho chính quyền và báo chí Việt Nam. Cuộc họp báo dù nó diễn ra thế nào là cơ hội để chính quyền và báo chí Việt Nam chứng minh cho thế giới, Việt Nam tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hay ít nhất chứng minh, những điều luật khẳng định quyền của công dân về báo chí nêu trong hiến pháp và Luật Báo Chí không phải là những điều luật hình thức, những quyền đó được áp dụng trong thực tế. Và đặc biệt báo chí Việt Nam không chỉ quan tâm đến những vụ việc ‘lá cải’ mà cũng rất nghiêm túc, khi đưa tin về những vụ việc ‘nhạy cảm’ giữa chính quyền và người dân!”
Việc người dân tự tổ chức họp báo liên quan đến “thu hồi đất” đã từng có tiền lệ tại Việt Nam. Theo báo Thanh Niên, vào ngày 14 Tháng Mười Hai, 2018, ông Vũ Bá Quang ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh đã tổ chức họp báo và có khoảng 30 phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí đến tham dự. Cuộc họp báo này nhằm cung cấp thông tin liên quan đến việc chính quyền thành phố Hạ Long thu hồi đất của gia đình ông Quang. Sở Thông Tin-Truyền Thông tỉnh Quảng Ninh được ghi nhận đã cấp phép họp báo cho sự kiện này “đúng theo quy định của pháp luật”. (T.K.)

Bắt dân chui qua háng, chửi bí thư, vẫn đắc cử ‘chủ tịch Mặt Trận’

Ông Vì Văn Hà dù có nhiều vi phạm song vẫn tái cử Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ mới. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Đánh dân, bắt chui qua háng; chửi mắng bí thư thị trấn Lang Chánh, nhận tín nhiệm thấp trong đảng…, thế nhưng ông chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc thị trấn này vẫn được tái cử khóa mới.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM ngày 12 Tháng Ba, 2019, ông Vì Văn Hà, người vừa đắc cử chức chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh), hồi năm 2006 lúc đang còn là trưởng công an thị trấn trên đã từng đánh người dân tại làng Cui (xã Đồng Lương) và bắt dân phải chui qua háng. Sau việc này, ông Hà bị “cảnh cáo trong đảng,” cách chức trưởng công an thị trấn xuống làm xã đội phó thị trấn Lang Chánh.
Đến năm 2008, ông Hà tiếp tục chửi bới cán bộ trong cơ quan nhưng không bị kỷ luật. Một năm sau, ông Hà được thăng lên làm phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị trấn Lang Chánh.
Trong thời gian làm phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị trấn, ông Hà lại nổi máu côn đồ vốn có của giới công an tiếp tục đánh cán bộ văn phòng, chửi bới bí thư đảng ủy và cả chủ tịch thị trấn. Bị “đồng chí” tố cáo, một lần nữa ông Hà bị kỷ luật, chuyển sang làm chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc.
Chưa dừng lại, mặc dù bị giáng chức nhưng đến cuối năm 2017, ông Hà lại tiếp tục chửi bới, hành hung hai “đồng chí” phó chủ tịch, phó bí thư thị trấn. Đến Tháng Tư, 2018, ông Hà bị kỷ luật “khiển trách về đảng và chính quyền.”
Bà Nguyễn Thị Liên, bí thư đảng ủy thị trấn Lang Chánh, xác nhận những vi phạm của ông Hà với báo chí. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Cuối năm 2018 ông Hà bị đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ.” Theo đó, ông Hà có 63% phiếu tín nhiệm thấp trong hội nghị “Đánh giá lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng 2018” và 47% phiếu tín nhiệm thấp trong chính quyền.
Thế nhưng, không hiểu vì sao ngày 29 Tháng Giêng vừa qua, ông Hà vẫn được giới thiệu tái cử và trúng cử vào chức chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc khóa mới.
Bà Nguyễn Thị Liên, bí thư đảng ủy thị trấn Lang Chánh, xác nhận những vi phạm của ông Hà trong quá trình công tác từ những năm 2006.
Tuy nhiên, theo bà Liên, điều khó hiểu là trước khi làm “quy trình nhân sự” cho đại hội Mặt Trận Tổ Quốc thị trấn, thường trực đảng ủy thị trấn “xin ý kiến” thường trực huyện ủy về trường hợp của ông Hà và được đồng ý.
Theo ông Hà Văn Cho, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc huyện Lang Chánh, cho biết quy trình giới thiệu nhân sự là thị trấn giới thiệu lên. Mặt Trận Tổ Quốc huyện thẩm định hồ sơ, sau đó sẽ hướng dẫn thực hiện các bước để Đại hội.
Trước câu hỏi hàng loạt các vi phạm của ông Hà, kèm theo “phiếu tín nhiệm thấp” trong 2 lần hội nghị và kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân trước đó sao hồ sơ vẫn được thẩm định? Ông Cho cho rằng: “cái đó không liên quan gì tới chức danh chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc mà ông Hà đang đảm nhiệm.”
Trong khi đó, nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Văn Ca, phó bí thư Huyện Ủy Lang Chánh, chỉ cho biết: “Căn cứ vào hồ sơ bên Mặt Trận Tổ Quốc huyện làm thì đúng cả, không vấn đề gì. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, chúng tôi sẽ giao cho Ban Tổ Chức xem xét lại toàn bộ quy trình để xử lý theo quy định.” (Tr.N)

Cần Thơ: Truy tố hai cán bộ công an phường vô cớ đánh chết dân

Ông Nguyễn Văn Bé, cha ruột anh Nguyễn Chí Hiếu bất bình trước cái chết oan của con mình. (Hình: Người Lao Động)
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Do không đồng ý ký vào biên bản vi phạm giao thông vì tình nghi công an phường ở quận Ô Môn làm không đúng trách nhiệm, một người dân bị hai cán bộ công an phường này đánh “bầm dập” đến chết.
Ngày 12 Tháng Ba, 2019, Viện Kiểm Sát Nhân Dân quận Ô Môn đã phê chuẩn cáo trạng đề nghị bắt tạm giam, truy tố ông Bùi Đức Nghĩa (32 tuổi, cán bộ công an phường Phước Thới) và truy tố, cấm đi khỏi nơi cư trú ông Nguyễn Tuấn Anh (29 tuổi, công an viên phường Châu Văn Liêm) cùng quận Ô Môn, về tội “cố ý gây thương tích”.
Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng cho biết, ngày 9 Tháng Tám, 2018, Công An Quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ) tổ chức tuần tra trật tự trong khu vực. Tổ này gồm 8 cán bộ do ông Lê Văn Thạch làm tổ trưởng, trong đó ông Nguyễn Tuấn Anh làm thành viên.
Khoảng 11 giờ 30 phút khuya cùng ngày, tổ tuần tra này phát hiện anh Nguyễn Chí Hiếu (29 tuổi, ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn) một mình chạy xe máy trên đường Tôn Đức Thắng “có dấu hiệu say rượu” nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Anh Hiếu dừng xe và xuất trình giấy tờ nhưng không chấp hành để tổ công tác đo nồng độ cồn vì cho rằng, chỉ có cảnh sát giao thông mới đủ thẩm quyền làm việc này. Lúc này, ông Thạch đưa anh Hiếu cùng xe gắn máy về trụ sở công an phường Phước Thới để “làm việc.”
Tại công an phường Phước Thới, anh Hiếu vẫn không đồng ý ký tên vì cho rằng mình không vi phạm. Bất ngờ, ông Bùi Đức Nghĩa lúc này đang trực ban tại trụ sở công an phường Phước Thới nhào tới dùng tay đấm hai cái vào mặt anh Hiếu, khiến nạn nhân té ngã ngửa xuống ghế.
Chưa dừng lại, ông Nghĩa tiếp tục dùng chân đạp liên tục vào vùng bụng, xương sườn và dùng dép vả vào mặt anh Hiếu rồi yêu cầu anh Hiếu ra về.
Bất bình vì vô cớ bị đánh, anh Hiếu không chịu ra về nên ông Nghĩa cùng ông Nguyễn Tuấn Anh kéo anh Hiếu ra trước cổng trụ sở. Tại đây, ông Tuấn Anh dùng tay đấm vào mặt và dùng chân lên gối liên tục vào bụng anh Hiếu.
Để tránh bị công an đánh tiếp, anh Hiếu tự đi qua bên kia đường, ngồi ôm bụng và hăm dọa sẽ kiện hai cán bộ đã đánh mình. Nghe vậy, ông Tuấn Anh chạy đến tiếp tục đá vào người, hông khiến anh Hiếu ngã quỵ xuống đất.
Sau khi đánh anh Hiếu, ông Tuấn Anh cùng tổ tuần tra ra về, còn ông Nghĩa vào trụ sở để ngủ. Riêng anh Hiếu đến một tiệm Internet gần đó ngủ đến gần 5 giờ sáng ngày 10 Tháng Tám, 2018 thì gọi cho bạn là anh Trương Văn Có đến đón về phòng trọ ở quận Bình Thủy.
Giấy xuất viện ghi rõ anh Hiếu bị thương tích khá nặng, dẫn đến tử vong. (Hình: Tuổi Trẻ)
Đến 10 giờ sáng cùng ngày, bụng đau dữ dội anh Hiếu tiếp tục gọi cho anh Có nhờ chở đến Trạm Y Tế phường Trà Nóc để khám.
Do bị thương quá nặng, anh Hiếu được nơi này chuyển lên Bệnh Viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ để tiếp tục điều trị.
Tuy nhiên, đến rạng sáng 13 Tháng Tám, 2018, do bệnh tình anh Hiếu trở nên nặng nên người nhà đã xin xuất viện để chuyển sang Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ với ý định “còn nước còn tát”. Thế nhưng ít giờ sau thì anh Hiếu chết.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Bé, cha ruột anh Hiếu đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra. (Tr.N)