Tuesday, March 4, 2014

PIC - Nguyễn Tấn Dũng xem tập thơ Xóm Điếm !

Xem thơ Xóm Điếm bên cạnh bình gốm China




Làng Quỳnh Đôi có nhiều xóm.  Cùng với xóm Ao, xóm Đình, xóm Bà Cả, xóm Chợ Nồi, Bờ Rậm… còn có xóm Điếm. Gọi là xóm điếm vì xóm ở đầu làng, có cái điếm canh của làng.  Xóm Điếm là xóm quê của bà Chúa Thơ Nôm - nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cái tên Xóm Điếm từ bao lâu nay đã cùng con em mình đi khắp bốn phương trời. Và, địa danh này mới đây đã đứng tên cho một tập thơ của năm người con xóm mình. Đó là Thơ Xóm Điếm của Dương Huy, Văn Như Cương, Hồ Phi Phục, Dương Danh Dũng, Lam Giang.

Trang 2 bìa sách ghi “Cách đây gần 3 thế kỷ, ông sinh đồ Hồ Phi Diễn từ đây khăn gói ra kinh thành Thăng Long dạy học, lấy vợ và sinh ra bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, còn bây giờ, không thể kể hết tên những tác giả thơ xóm Điếm”. Kỹ sư “3D” Dương Danh Dũng đã xuất bản 8 tập thơ, 3 giải thưởng thơ của tuần Báo Văn Nghệ và báo Người Hà Nội. Ông từng là Tổng giám đốc một đơn vị  giao thông lừng danh – Cienco4, nhưng tâm hồn lại rất thơ. Nhớ về Hồ Xuân Hương ông viết: “Vinh quy chỉ một tấm bia/Hồn thiêng nữ sĩ đã chia phương nào… Mấy đời thi sĩ Quỳnh Đôi/ Câu thơ đóng cọc giữa đời mà lay”, Trước khi trở thành kỹ sư cầu đường, ông đã từng là bộ đội Cụ Hồ, trải qua những năm tháng trận mạc, ra trận trong chiến dịch Mậu Thân đợt 3 năm 1968, “Sờ vết thương vừa kéo da non”, trước giờ tiến công đồn thù, quê hương hiện về trong ông: “Cứ mỗi lúc vào sâu trận đánh/ Lại mơ về mái lá vườn rau”. Nàng thôn nữ bên dậu mồng tơi ngày nào vẫn chờ đợi chàng: “Anh vẫn chưa về em đợi mãi/ Đồng trơ gốc rạ nhện giăng sương”.

  Cũng là người lính làm thơ, Lam Giang (Hồ Sỹ Thành) “ Đêm chợp mắt, nhập nhoàng đạn lửa/ Vẫn thương về ngọn cỏ mướt bờ ao” từ thành phố mang tên Bác xa cách đã xuất bản 18 tập thơ, truyện ký và tiểu thuyết, đoạt 2 giải thưởng thơ của Tuần báo Văn Nghệ 1975-1976. Ông khôn nguôi nhớ về làng “Xa quê ngày tháng tha hương/ Chiêm bao thức giấc còn vương hương Quỳnh (Hương Quỳnh). Khi đưa con gái về làng, bố phải “phiên dịch” hết làng ngoài, thôn trong. Làng Quỳnh như có phép màu với Lam Giang: “Với con đẹp nhất quê mình/ Có hòn lèn Bảng, có hình hòn Nghiên/ Đat văn hiến mãi lưu truyền/ Xuân Hương nữ sĩ tuổi tên lẫy lừng”.

   Trong mạch nhớ quê hương hà thơ Dương Huy, nguyên Quyền Chủ Tịch hội văn nghệ Nghệ An – Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam (xuất bản 13 tác phẩm thơ thiếu nhi và châm biếm – 5 giải thưởng thơ) khi “bước chân líu ríu về làng/ Thêng thang đường nhựa, rơm vàng vấn vương” không quên chùa cổ Đồng Tương có nghĩa trang khói hương mờ mịt, nhớ về luỹ tre xưa và “Chợ nồi ăm ắp tiếng cười/ Bánh đa, bánh đúc, đâu rồi mẹ ta” (làng ơi có nhớ). Từ tình yêu quê hương, ông càng yêu trẻ thơ khi viết thơ cho thiếu nhi khá hóm hỉnh “Thêm râu bỗng phát phì/ Số 0 thành số 9/ Treo ngược lên mà đếm/ Số 9 rơi mất ba/ chơi chồng nự chồng hoa/ Số 0 thành số 8/ chống gậy đi thăm bạn/ Số 0 hoá số 10 (Số 0 tinh nghịch). Tâm hồn nhạy cảm, sự quan sát tinh tế, nhà thơ Duong Huy đã có hai bài thơ được chọn vào Sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiêu học “Chú ở bên Bác Hồ , sách lớp 3 và bài thơ “Thuyền ngủ bãi” sách lớp 1: Bác thuyền ngủ cũng lạ/ chẳng chịu trèo lên giường/ Úp mặt xuống cát vàng/ Nghiêng tai về phía biển”. Phó giáo sư Văn Như Cương, tiến sĩ toán học giảng dạy hơn 30 năm ở Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Sư phạm Hà Nội từ 1957. Năm 1989 ông sáng lập trường Lương Thế Vinh, trường tư thục đầu tiên của cả nước, 55 năm gắn bó sự nghiệp trồng người thầy giáo già đặc biệt với bộ râu quai nón trăng như nước “Năm chục như ta cũng khối người/ Hơn nhau chỉ mỗi bộ râu thôi… thơ viết dăm bài vui với bạn/ Sách in mươi cuốn góp cho đời” luôn nhớ về quê hương. Những năm làm luận án tiến sĩ tại Mạc Tư Khoa, ông nhớ da diết làng Quỳnh với những câu thơ xúc động: “Bông như đâu đây hoa nhài thoang thoảng đưa hương/ Chắc quê ta mùa này hoa nở trắng…Ôi quê hương, ta sẽ về/ Vượt hố bom sâu, vượt cầu giặc phá” (Hoa nhài). Cũng xuất phát từ khoa học tự nhiên, kĩ sư Hồ Phi Phục đã xuất bản 4 tập thơ và có giải thưởng thơ của tuần báo Văn nghệ 1998-2000. Ông nhiều năm hoạt động trong ngành công nghiệp Hà Nội rồi chuyển về quê làm công tác đảng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, nay ở “xóm thợ” Trường Thi-TP Vinh. Quỳnh Đôi vẫn canh cánh và nỗi niềm hoài cổ trong ông: “Luỹ tre làng/Đi biệt tăm/Mang theo khung cửi vày chày giã lụa/Mang theo chữ Nho/Của thầy đồ/Của ngàn người đậu đạt” (Tre làng). Một xóm chỉ có mấy chục nóc nhà cùng với cộng đồng các xóm trong xã đã làm nên tên tuổi của làng Quỳnh với những nhà thơ nổi tiếng Hoàng Trung Thông, các nhà thơ trào phúng Dương Quân (Dương Tự Cường), Sỹ Giang (Hồ Sỹ Giàng), Hồ Sỹ Khuê, Dương Huy…Phải chăng, phong cách nghệ thuật tài hoa, bản lĩnh, tính nhân văn của nữ nghệ sĩ Xuân Hương, là “bệ phóng” cho thế hệ thơ xóm điểm cảm thụ, vận dụng vào sáng tác của mình. Nói đến nhà thơ Dương Huy (Huỳnh Cương), trước hết là mảng thơ trào phúng. Ông đã từng đạt giải nhất cuộc thi “Thơ châm và tranh biếm hoạ” do tuần báo Văn nghệ-Hội Nhà văn tổ chức. Hãy đọc bài “Thủ trưởng hắt hơi” trong xóm điếm thơ: “Bỗng dưng thủ trưởng hắt hơi/Làm phòng hành chính rối bời cả lên/Y tá xóc xóc ống tiêm/Văn thư hốt hoảng đi tìm lá xông”. Chuyện móc ngoặc, tham nhũng tưởng chỉ có khi đương chức, đương quyền, vậy mà chốn lao tù vẫn xẩy ra: “Ngồi tù tưởng thế là xong/ Ai ngờ còn móc qua song cửa tù” (Móc). Một số bài thơ châm biếm ông sáng tác đã lâu vẫn mang tính thời sự “Lẳng lặng mà nghe họ sửa sai/ Sửa đi sửa lại sửa lai rai/ Người đã lên lương dăm bảy đợt/ Khuyết vẫn trơ trơ mọc rễ dài” (Lẳng lặng mà nghe).

Không đậm chất trào phúng như Dương Huy, thơ Lam Giang tự họa theo kiểu Bà chúa thơ Nôm “Đam mê nặng nợ giấy nghiên/ Làm thơ, làm lính đâu phiền lụy ai”. Hay khi nói về “Bạn bè một thuở”, ông viết “Kẻ khôn ngoan có chức quyền/ Người thì lam lũ đến nhìn không ra…Rong chơi cõi tạm xa gần/ Đời như một giấc mơ xuân hảo huyền”

Còn tiến sỹ toán học Văn Như Cương thì: “Văn Như Cương, Toán cũng Như Cương/ Một cuộc đời hai nửa vấn vương/ Toán, Văn nhiều lúc không đa dụng/ Nay quyết ra tay mở mái trường” (Mở trường Lương Thế Vinh). Ông hài hước “Sáu mươi chưa chịu về đâu nhé/ Khối cụ tám mươi vẫn cứ ngồi”(Tuổi sáu mươi). Thật trân trong khi đọc bài thơ “Nịnh vợ” của ông: “Tuổi già cứ đến không sao hết/ Bà vẫn như xưa trong mắt tôi”.

Ở một mạch thơ khác của Xóm Điếm-thơ, ta cảm nhận thơ giàu triết lý của kỹ sư Hồ Phi Phục. Thường từ một sự vật, hiện tượng, thơ ông gợi nhiều suy tư. Ông trăn trở về môi trường sống của Quỳnh Đôi bây giờ: “Bốn lũy tre làng/ Đi biệt tăm/ Giờ đang thưa thớt trở lại/ Làm sao xanh hơn” (Tre làng). Và: “Ngày lại qua ngày/ Ổ mối ruỗng chân đê/ Người đi không ngoái lại/ Sọt rác đầy thơ vô đề” (Ngày lại qua ngày). Đọc thơ ông khiến người ta cũng phải nâng tầm hiểu biết để tư duy: “Triết học là nơi ẩn náu tốt nhất/ cho những ý kiến thiểu số”.

Thơ Dương Danh Dũng thiên về trữ tình và nhiều khi trăn trở nỗi niềm thế sự: “Heo may - một thoáng da gà/ Giật mình mới biết là ta muộn màng”(Tháng mười). Hay: “Qua sông chẳng biết lụy đò/ Gặp ngay sóng lớn, gió to/ Lật thuyền”(Qua sông). Khép lại tập thơ 225 trang gồm 123 bài với nhiều thể loại của 5 nhà thơ Xóm Điếm ở làng Quỳnh Đôi khoa bảng xưa. Văn Như Cương hàm súc với thơ Đường luật, Dương Danh Dũng tài hoa với lục bát truyền thống, Lam Giang biểu đạt giản dị nhiều thể thơ, Dương Huy đặc sắc phong vị đồng dao, Hồ Phi Phục tìm tòi ở thơ tự do, thơ văn xuôi nhưng cả 5 tác giả đều đồng điệu trong chiều sâu văn hóa và gắn bó tha thiết với quê hương, xứ sở, cuộc đời. Bởi thế, Xóm Điếm-thơ còn lan tỏa! 

No comments:

Post a Comment