Friday, July 20, 2018

Trump dọa đánh thuế lên hết cả 500 tỉ đôla hàng TQ nhập khẩu

Theo VOA-20/07/2018 
Một tàu vận tải chở các container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tại Cảng Oakland, ngày 2 tháng 7, 2018, ở thành phố Oakland, bang California
Một tàu vận tải chở các container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tại Cảng Oakland, ngày 2 tháng 7, 2018, ở thành phố Oakland, bang California
Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẵn sàng áp đặt thuế quan lên hết thảy 500 tỉ đôla giá trị hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, một phát biểu khiến các thị trường tài chính sụt giảm và đe dọa leo thang một cuộc xung đột thương mại với nền kinh tế khổng lồ ở Châu Á.
"Chúng ta đã thu hẹp được một khoản hết sức to lớn," ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn về sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc trên đài CNBC phát sóng ngày thứ Sáu. "Tôi sẵn sàng lên tới 500 luôn."
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2017 là khoảng 505 tỉ đôla, đưa tới thâm hụt thương mại gần 376 tỉ đôla, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.
Tầm mức to lớn của sự mất cân bằng thương mại tiếp tục sang năm 2018, với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đạt kim ngạch 205 tỉ đôla trong năm tháng đầu năm và thâm hụt là 152 tỉ đôla.
Hợp đồng kì hạn chỉ số chứng khoán Mỹ, vốn đã sụt giảm vì những lo ngại về thương mại, lại giảm hơn nữa sau cuộc phỏng vấn, Reuters cho biết.
Ông Trump đang quyết liệt với lập trường bảo hộ mậu dịch hơn so với những tổng thống tiền nhiệm gần đây, khơi ra các biện pháp trả đũa từ các nước khắp thế giới và thổi bùng tranh chấp trên nhiều mặt trận. Đầu tháng này, Mỹ đã áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu trị giá 34 tỉ đô của Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã đánh thuế lên cùng giá trị sản phẩm của Mỹ.
Mỹ hiện đang khiếu nại thuế quan trả đũa của Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Canada, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ, được áp đặt để đáp lại thuế của Mỹ nhắm vào thép và nhôm nhập khẩu.
Khi được hỏi về chuyện thị trường chứng khoán có thể tuột dốc nếu Mỹ áp thuế lên một lượng lớn hàng hóa như vậy, ông Trump nói: “Nếu có thì chịu thôi. Nghe này, tôi không làm việc này vì chính trị.”

Vụ Tuổi Trẻ: Răn đe để... tăng khinh nhờn

Theo VOA-20/07/2018 
Thiên Hạ Luận 
Tuoi Tre Online bị đình bản trong 3 tháng.
Tuoi Tre Online bị đình bản trong 3 tháng. Trân Văn
Quyết định của Bộ Thông tin – Truyền thông: Buộc tờ Tuổi Trẻ nộp phạt 220 triệu đồng và tạm đình bản “Tuổi Trẻ Online” – phiên bản của Tuổi Trẻ trên Internet - trong vòng ba tháng vì “thông tin sai sự thật” và “gây mất đoàn kết dân tộc” giống như một hành vi tự hủy hoại hệ thống công quyền.
Hai trong số những mục tiêu mà các loại hình phạt nhắm tới là răn đe và giáo dục cả đương sự lẫn đám đông, song phản ứng của đám đông thuộc đủ mọi giới cho thấy quyết định vừa kể không những không thể răn đe, giáo dục được ai mà còn khiến người ta thêm chán ngán, khinh bỉ hệ thống công quyền.
***
Hình phạt dành cho tờ Tuổi Trẻ được giải thích là hậu quả từ việc tờ báo này tường thuật rằng ông Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Đại biểu Quốc hội Việt Nam – đồng tình với cử tri là nên có Luật Biểu tình, trong khi ông Quang không nói và không nghĩ như thế. Đó còn là hậu quả từ việc tờ Tuổi Trẻ để cho độc giả nói tầm bậy, tầm bạ trên một diễn đàn bỏ túi quanh chủ đề, tại sao không đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng giao thông ở miền Tây (khu vực đồng bằng sông Cửu Long) từ… tháng 5 năm ngoái...
Chưa rõ hình phạt dành cho tờ Tuổi Trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của tờ báo này nhưng sự nguy hại mà quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ gây ra cho hệ thống công quyền thì có thể cảm nhận ngay lập tức. Trong vài năm gần đây, hệ thống công quyền Việt Nam không giấu diếm khao khát giành lại quyền dẫn dắt dư luận. Quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ chẳng khác gì một nỗ lực nhằm biến khao khát ấy thành ảo mộng bởi công khai khẳng định với công chúng rằng, hệ thống truyền thông chính thức không bao giờ có thể vươn tới độc lập, trung thực, khách quan thành ra không đáng tin.
Trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn điện tử, không ít facebooker nửa đùa, nửa thật như Đặng Huỳnh Lộc rằng: Tôi chỉ đọc Tuổi Trẻ Online. Đình bản ba tháng, tôi phải xa rời sự tuyên truyền của Đảng. Đừng có thế lực thù địch nào lợi dụng nhé. Ở trang facebook của nhóm “Góc nhìn Nhà báo – Công dân”, Anh Mai nhận định thẳng tuột, hệ thống công quyền Việt Nam vừa tái xác nhận báo chí Việt Nam không phải là nguồn cung cấp tin tức mà chỉ là công cụ tuyên truyền. Tiểu Dần nêu thắc mắc, chẳng lẽ chúng ta quay lại thời Lê Duẩn, Trường Chinh (?). Có thể vì sợ các thành viên trong nhóm không hiểu thế nào là thời Lê Duẩn, Trường Chinh, Quy Duong Tran dẫn lại phát biểu để đời của ông Lê Duẩn (Chúng ta là Nhà nước XHCN, chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ) cho tất cả mọi người có thể hiểu tường tận ý của Tiểu Dần.
Thành công lớn nhất có thể nhận ra ngay sau khi quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ được loan báo rộng rãi là những thề thốt, hứa hẹn về một “nhà nước của dân, do dân, vì dân”, một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tất cả “sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, bị chính hệ thống công quyền bôi thêm cho rõ đen. Quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ là lý do Chikien Nguyen nêu ra ba câu hỏi: (1) Phải chăng dân chúng cần phải hiểu rằng Trần Chủ tịch không thích Luật Biểu tình và cũng không có ý định chuyển tải ý chí của cử tri tới Quốc hội? (2) Nếu Tuổi Trẻ tường thuật sai thì Trần Chủ tịch hoặc đại diện của ổng đã chứng minh Tuổi Trẻ sai chưa? (3) Chẳng lẽ Tuổi Trẻ Online bị buộc gánh trọng trách kiểm soát nhận thức, hành vi, phát biểu của độc giả?
Quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ cũng là lý do biến những lãnh đạo cao nhất của hệ thống công quyền trở thành đối tượng bị công chúng miệt thị. Cứ Nguyễn nhân đó xuất khẩu thành bốn câu thơ: Chủ tịch phát biểu nhỡ mồm. Thương chàng Tuổi Trẻ lồm cồm lụm lên. Bây giờ còn nhớ hay quên. Thằng nào “nói bậy” phạt đền cho kinh. Có những facebooker như Ngô Mỹ nhận định: Tuổi Trẻ quá nhát, không dám phản kháng. Ngài Chủ tịch Nhà nước quá hèn. Riêng Ngài Tổng bí thư quá lưu manh. Đáp lại, TrungKhang Nguyen biện bạch cho tờ Tuổi Trẻ: Không phản kháng thì chỉ đình bản. Phản kháng thì thành phản động luôn là chểt! Còn Huu Hung Nguyen biện bạch cho Tổng Bí thư: Không lưu manh sao làm được Tổng Bí thư?
Quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ không chỉ phản tác dụng trên thường dân. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, người từng đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam trong 13 năm, bình luận, quyết định tạm đình bản Tuổi Trẻ Online trong ba tháng là không hợp lý. Nó giống như đình chủ hoạt động của một hãng xe buýt công công chỉ vì một chiếc xe của hãng có vi phạm. Theo ông Dũng, quyết định tạm đình bản Tuổi Trẻ Online là sự trừng phạt hàng triệu độc giả và Bộ Thông tin – Truyền thông nên rút lại quyết định này.
Chanh Tam – người từng là phóng viên tờ Tuổi Trẻ, Tổng Biên tập tờ Sài Gòn Tiếp thị (bị giải tán vào năm 2014) – nhắn với giới hữu trách: Kỷ luật mà các vị định đọat, phần hợp lý chỉ làm người ta sợ chứ không phải là chuẩn mực khiến người ta tuân thủ hay có tính định hướng. Còn thì thấy buồn cười.
Chanh Tam nhấn mạnh: Sài Gòn Tiếp Thị hay Tuổi Trẻ Online sống bằng tiền của độc giả, không phải bằng ngân sách, càng không phải bằng tiền của Đảng. Đóng cửa hay đình bản thì cùng lắm Đảng chỉ bố trí được công việc cho những cán bộ lãnh đạo tờ báo vốn do cấp ủy quản lý. Hàng trăm người khác cùng gia đình họ mất việc, mất ăn, mất học không có trong lo lắng của các vị. Các vị không nuôi chúng tôi ngày nào. Người nuôi chúng tôi đang nuôi chúng tôi tử tế, các vị không cho họ nuôi nữa bằng cách tước của họ quyền tiếp cận sản phẩm. Các vị nói tự do báo chí mà miệng không mắc cỡ khi đó chỉ là tự do đóng cửa, đình bản báo chí. Tờ báo là của độc giả, cũng như đất nước này là của nhân dân, các vị phải hành xử có ngằn. Lý do mà các vị cho là sai phạm kéo dài thực ra chẳng phạm gì tới hoà bình thế giới, an ninh quốc gia, tiến bộ xã hội hay quyền lợi nhân dân cả. Đó chỉ là những nội dung làm công việc lãnh đạo điều hành của các vị khó khăn hơn mà nhiều lúc, nguyên nhân dẫn tới khó khăn chỉ là đấu đá với nhau rồi tuỳ tiện vin vào nhạy cảm chính trị để tước đoạt quyền tiếp cận sản phẩm của người ta, tước đoạt quyền sống, quyền làm việc, học hành của người ta thì tự do kiểu gì?
Quyết định xử phạt như giọt nước tràn ly, thúc Chanh Tam hỏi: Ai đã chỉ đạo không nhắc lại quá khứ đáng tiếc trong trong quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đảng Cộng sản Việt Nam thành chủ trương tuyên truyền không được “đụng” tới “bạn”? Ai biến chủ trương ấy thành kiểu thực hiện - xoá bỏ các ghi nhớ về Chiến tranh Biên giới 1979 với Trung Quốc hay các trận chiến Gạc Ma, Hoàng Sa? Hãy xử lý trước khi xử lý các tờ báo và các đảng viên trong các tờ báo ấy. Làm đi rồi hãy nói chuyện với chúng tôi về cái gọi là sai phạm kéo dài các vị ạ!
***
Nhìn một cách tổng quát, quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ có khác gì thúc đẩy sự bất bình, khinh bỉ bùng lên mạnh mẽ hơn, tản ra trên bình diện rộng hơn?

Bí thư Triệu Tài Vinh nổi như cồn trên ‘gú gồn’

Theo VOA-Nguyễn Hùng/20/07/2018 
Bộ Trưởng Giáo Dục họp báo về vụ nâng điểm thi ở Hà Giang, 17 tháng Bảy.
Bộ Trưởng Giáo Dục họp báo về vụ nâng điểm thi ở Hà Giang, 17 tháng Bảy.
Với vụ gian lận điểm ở Hà Giang đang nóng, Bí thư tỉnh Triệu Tài Vinh là ông quan được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong ngày 19/7.
Ông Triệu Tài Vinh đứng ở vị trí thứ hai và thứ tám trong danh sách 10 cụm từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất hôm thứ Năm tuần này.
Trong diễn biến mới nhất, công an Hà Giang đã khởi tố và bắt giam ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng khả thí và quản lý chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vì lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi sửa điểm trên 300 bài thi của hơn 100 thí sinh ở Hà Giang.
Trong số các thí sinh được sửa điểm có con gái ông Triệu Tài Vinh mà cụ thể là điểm môn toán bị hạ từ 9,4 xuống 6 và ngoại ngữ giảm từ 10 xuống 8 sau khi chấm lại theo Dân Trí. Trang tin này cũng dẫn lời ông Triệu Tài Vinh: “Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”
Trong khi đó báo Người lao động cũng nói lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã có công văn yêu cầu các cấp dưới trong tỉnh phải “[t]uyệt đối tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.” Cấp dưới cũng được yêu cầu phải “[l]àm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên, người thân trong gia đình không tham gia tuyên truyền, bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội, các thiết bị điện thoại, điện tử, internet…”
Trong những ngày qua những người dùng mạng xã hội chia sẻ lại phỏng vấn của VietNamNet được thực hiện từ năm 2016 với em trai Bí thư Triệu Tài Vinh, ông Triệu Tài Phong, Bí thư huyện Quang Bình cũng ở Hà Giang, về chuyện cả nhà làm quan mà anh ông cũng đã giải thích.
“Dư luận chỉ là dư luận, cá nhân tôi chẳng thấy nó có gì liên quan cả,” ông Phong nói trong phỏng vấn cách đây hai năm. “Nếu bảo có tức thì có tức đôi chút vì nó không đúng sự thật. Chúng tôi đi từ cơ sở, phải lăn lộn từ cơ sở mới làm được. Cũng phải học thì mới làm được chứ đâu phải tự nhiên làm được đâu.”
Khi đó ông Phong cũng xác nhận: “Nhà tôi có 5 anh em ruột, cùng làm trong cơ quan nhà nước. Gia đình dù là dân tộc thiểu số [dân tộc Dao] nhưng sinh ra trong gia đình cán bộ, không phải là nông dân. Con gia đình cán bộ thì chắc là ở đâu cũng được học hành, còn học cái gì, làm cái gì thì có thể (mỗi gia đình) có sự khác nhau.”

Czech ngừng cấp visa cho Việt Nam sau vụ thú nhận mật vụ Việt bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

VOA Tiếng Việt/20/07/2018  
Thông báo của Đại sứ quán Czech tại Hà Nội về việc ngừng cấp visa dài hạn cho người Việt. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Nguyễn Hải Long, một người Việt sinh sống ở Czech, thú tội trước tòa án Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cách đây 1 năm.
Chỉ vài ngày sau khi một người Việt thú nhận tại tòa án Đức rằng đã giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chính phủ Cộng hòa Czech tuyên bố ngừng cấp visa dài hạn cho người Việt Nam.
“Chính phủ Cộng hòa Czech đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam,” theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Hà Nội ra ngày 20/7. Thông cáo cho biết Bộ Ngoại giao Czech đã triển khai các biện pháp thích hợp có hiệu lực kể từ ngày 18/7/2018.
Hôm 17/7, Nguyễn Hải Long, một người Việt sinh sống ở Czech, đã thú nhận trước tòa thượng thẩm Berlin rằng ông tham gia vào vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh, mà Hà Nội lúc đó đang truy nã.
Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại tòa Thượng thẩm Berlin. (Ảnh chụp màn hình Thoibao.de)
Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại tòa Thượng thẩm Berlin. (Ảnh chụp màn hình Thoibao.de)
Trong thông cáo của sứ quán Czech ở Hà Nội, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek cho biết lý do đưa ra biện pháp trên là vì hiện nay cơ quan ngoại giao này đang “quá tải về số lượng đơn xin cấp thẻ lao động và thị thực dài hạn theo mục đích không kinh doanh.”
Tuy nhiên một lý do khác mà vị bộ trưởng này đưa ra liên quan đến quyết định ngừng cấp visa cho người Việt Nam là vì “Hội đồng An ninh Quốc gia Cộng hòa Czech đã đề cập tới những lo ngại về các nguy cơ khác.”
Việt Nam đã trở thành một mối nguy an ninh trong lĩnh vực xuất khẩu tội phạm có tổ chức.
Jan Hamacek, Bộ trưởng Nội vụ Czech
Radio Praha trích lời Bộ trưởng Hamacek nói Việt Nam đã trở thành một mối nguy an ninh trong lĩnh vực xuất khẩu tội phạm có tổ chức.
Tháng trước, nguyên Ngoại trưởng Czech Lubomir Zaoralek cáo buộc “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu" của nước ông.
Đầu tháng này Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích và phủ nhận tuyên bố của ông Zaoralek, hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Czech.
Chủ tịch Zaoralek còn cho rằng “chính thị thực du học là công cụ tối ưu nhất để đưa tội phạm vào Czech” khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến những khó khăn trong việc người Việt xin thị thực nhập cảnh vào nước này, bao gồm cả thị thực du học.
Chính thị thực du học là công cụ tối ưu nhất để đưa tội phạm vào Czech.
Lubomir Zaoralek, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech
Czech có số người Việt đang sinh sống đông nhất so với ở các nước châu Âu khác. Có khoảng 100.000 người Việt ở đây và là cộng đồng người thiểu số lớn thứ 3 ở quốc gia trung Âu này, chỉ sau người gốc Ukraine và người gốc Slovakia.
Làn sóng người Việt tới Czech ban đầu để làm công nhân và đã ở lại đó sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Họ bỏ việc tại các doanh nghiệp nhà nước và chuyển sang làm việc trong các nhà hàng ăn uống và bán hàng trên phố. Cả hai ngành nghề này đều có liên quan tới các tội phạm có tổ chức, theo tờ báo có trụ sở tại Hong Kong, South China Morning Post.
Nhiều người Việt trước đây cũng từng bị bắt giữ ở Czech do liên quan đến buôn bán ma túy.

Dân biểu Mỹ: Will Nguyễn sẽ về nhà nhưng người dân Việt còn phải đấu tranh lâu dài

VOA Tiếng Việt/20/07/2018
Biểu tình tại Việt Nam chống luật đặc khu ở TP HCM hôm 10/6.2018. Tòa án Việt Nam quyết định trả tự do và trục xuất Will Nguyễn sau hơn một tháng giam giữ vì tham gia biểu tình ngày 10/6. (KAO NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES)
 Biểu tình tại Việt Nam chống luật đặc khu ở TP HCM hôm 10/6.2018. Tòa án Việt Nam quyết định trả tự do và trục xuất Will Nguyễn sau hơn một tháng giam giữ vì tham gia biểu tình ngày 10/6. (KAO NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES)
Một dân biểu Mỹ nói vụ xét xử William Nguyễn đáng ra không nên để lâu như vậy trong khi các nhà hoạt động dân chủ trong nước không bất ngờ về quyết định của tòa án TP HCM trục xuất sinh viên Mỹ sau hơn một tháng giam cầm.
Dân biểu Đảng Dân chủ Alan Lowenthal nói trong một tuyên bố gửi cho VOA qua email hôm 20/7 ngay sau khi phiên tòa xử William Nguyễn kết thúc rằng ông “phấn khởi và hết lo lắng khi William sẽ về nhà.”
Tuy nhiên dân biểu đại diện cho tiểu bang California nói “điều này đáng ra không nên để lâu như vậy” vì ông cho rằng “William rõ ràng là vô tội và đáng ra không bao giờ bị buộc tội.”
Quyết định ngày hôm nay là một phán quyết tốt cho William, gia đình anh ấy và bạn bè anh ấy. Nhưng rõ ràng nó cho thấy rằng người dân Việt Nam còn cả một chặng đường dài để đi trước khi chính phủ tôn trọng những quyền phổ quát cho tất cả mọi người.
Alan Lowenthal, dân biểu Mỹ
Ông Lowenthal là người đồng ký tên cùng nhiều dân biểu Mỹ khác vào các bức thư gửi tới Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo để thúc giục chính phủ Mỹ can thiệp giúp công dân Mỹ gốc Việt được thả tự do.
William Nguyễn – còn được gọi thân mật là Will – tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu ở TP HCM hôm 10/6 và bị bắt vì tội ‘gây rối trật tự công cộng.
Trong thời gian bị giam giữ hơn một tháng, sinh viên 32 tuổi đã xuất hiện trên truyền hình TP HCM thú nhận đã vi phạm luật phát Việt Nam và hứa không tái phạm.
Quyết định thả và trục xuất Will Nguyễn diễn ra đúng như phía Mỹ dự đoán. Ông Lowenthal hôm 19/7 bày tỏ hy vọng anh Will sẽ được trả tự do trong một phiên tòa xét xử công bằng. Trước đó nghị sỹ này cũng cảnh báo nếu Việt Nam kết án tù Will Nguyễn một cách bất công thì ‘sẽ có những hậu quả nhanh chóng và dứt khoát từ Quốc hội Hoa Kỳ.’
Việc buộc phải trả tự do cho Will Nguyễn cũng không nằm ngoài kịch bản như mọi người đã đoán có nghĩa là những âm mưu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hoàn toàn cũ lắm rồi.
Bùi Thị Minh Hằng, nhà đấu tranh dân chủ và blogger
Kết quả của phiên tòa xử Will Nguyễn cũng không làm các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam ngạc nhiên.
Nguyễn Tín, một người từng tham gia biểu tình ở TP HCM chống dự luật đặc khu hôm 10/6, và nhà tranh đấu từng bị giam giữ trong tù Bùi Thị Minh Hằng cho VOA biết kết quả trục xuất Will Nguyễn sau phiên tòa là “hoàn toàn không bất ngờ.”
Blogger Minh Hằng cho rằng đây là một “âm mưu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nhưng họ thực hiện chính sách này quá ư là cũ rồi.”
“Việc buộc phải trả tự do cho Will Nguyễn cũng không nằm ngoài kịch bản như mọi người đã đoán có nghĩa là những âm mưu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hoàn toàn cũ lắm rồi," bà Hằng nói. "Nhưng họ vẫn thi hành điều đó và càng ngày thì uy tín và nhìn nhận của quốc tế đối với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam càng tồi tệ đi sau những vụ như bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và nay thêm vụ Will Nguyễn. Điều đó khiến cho người dân vô cùng thất vọng.”
Trục xuất Will Nguyễn để “dằn mặt”
Theo hai nhà tranh đấu này thì chính quyền Việt Nam muốn gửi đi một thông điệp tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại và những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong nước với việc phiên xét xử Will Nguyễn.
“Nhà cầm quyền Việt Nam luôn xem những người xuống đường biểu tình là những thế lực thù địch nhận tiền của các tổ chức để xuống đường nhưng đó hoàn toàn không đúng sự thật," theo anh Tín, người từng bị công an giam giữ và đánh đập do tham gia biểu tình trong tháng trước. "Nhà cầm quyền vì bảo vệ chế độ nên bắt buộc họ phải xử lý mạnh tay để răn đe tất cả những người dám xuống đường. Và Will Nguyễn bị trục xuất cũng là để ngăn ngừa những người Việt định cư sinh sống ở nước ngoài sau này muốn về Việt Nam biểu tình thì sẽ không dám như vậy.”
Will Nguyễn bị trục xuất cũng là để ngăn ngừa những người Việt định cư sinh sống ở nước ngoài sau này muốn về Việt Nam biểu tình thì sẽ không dám như vậy.
Nguyễn Tín, người tham gia biểu tình ngày 10/6 ở TP HCM
Với việc xét xử Will Nguyễn, ngoài việc “dằn mặt và ngăn chặn bà con hải ngoại về tham gia công việc trong nước” chính quyền Việt Nam còn muốn “dằn mặt ngay chính cả những người dân có sự phản kháng trong nước,” theo blogger Minh Hằng.
Tháng trước, công an và lực lượng an ninh bắt giữ hàng trăm người tham gia biểu tình hoặc bị nghi có ý định tham gia các cuộc biểu tình phản đối hai dự luật gây tranh cãi là đặc khu kinh tế và an ninh mạng.
Bà Hằng, người từng bị giam giữ ba lần hành vi "gây rối trật tự công cộng, lợi dụng tự do dân chủ chống phá nhà nước" cho biết việc đàn áp của chính quyền ngày càng “điên cuồng” và tình trạng “dân chủ nhân quyền của Việt Nam ngày càng xấu đi.”
Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, 11/5/2017
Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, 11/5/2017
Dân biểu Lowenthal, người thường xuyên lên tiếng về các vấn đề nhân quyền của Việt Nam, cho biết ông đã thường xuyên phản đối sự chuyên quyền của chính phủ Việt Nam ngay từ khi tham gia Quốc hội Mỹ.
“Hết lần này qua lần khác (chính quyền Việt Nam) bắt giữ, giam cầm và bỏ tù những công dân của chính họ chỉ vì họ đứng lên tranh đấu cho nhân quyền,” theo dân biểu Mỹ, người từng kêu gọi trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài.
Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam luôn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Theo Hội Ân xá Quốc tế, cho biết vào tháng 4 năm nay, Việt Nam hiện đang có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao ngay sau đó nói rằng “không có cái gọi là tù nhân lương tâm” ở Việt Nam.
“Quyết định ngày hôm nay là một phán quyết tốt cho William, gia đình anh ấy và bạn bè anh ấy,” ông Lowenthal nói. “Nhưng rõ ràng nó cho thấy rằng người dân Việt Nam còn cả một chặng đường dài để đi trước khi chính phủ tôn trọng những quyền phổ quát cho tất cả mọi người.”

Dân biểu Mỹ: Sẽ có hậu quả nếu Việt Nam không thả Will Nguyễn

Theo VOA-20/07/2018 
Dân biển Alan Lowenthal thường hay lên tiếng về các vấn đề nhân quyền Việt Nam
Dân biển Alan Lowenthal thường hay lên tiếng về các vấn đề nhân quyền Việt Nam
Vài giờ trước phiên tòa xét xử William Nguyễn diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh , một dân biểu liên bang Hoa Kỳ cảnh cáo rằng Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu kết án tù công dân Mỹ gốc Việt này.
Anh William Nguyễn (còn gọi là Will Nguyễn), 32 tuổi, sinh viên cao học tại Singapore, bị chính quyền thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ sau khi tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng hôm 10/6. Hiện anh đang đối mặt với tội danh ‘Gây rối Trật tự Công cộng’ với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Phía Mỹ cho rằng anh Will tham gia các hành động ‘phản đối ôn hòa’ chứ không phải là ‘gây rối’ như cáo buộc của chính quyền Việt Nam.
Từ thủ đô Washington, dân biểu Dân chủ Alan Lowenthal của tiểu bang California, lên tiếng rằng anh William ‘vô tội’ trước những cáo buộc và bày tỏ hy vọng anh Will sẽ được trả tự do trong một phiên tòa xét xử công bằng.
Tuy nhiên ông cũng bày tỏ lo ngại là ‘hệ thống tư pháp Việt Nam rất tồi tệ về tính xét xử công bằng’ và rằng ‘tòa án Việt Nam thường thi hành theo những mong muốn của chính quyền trung ương’.
Nghị sĩ này khuyến cáo nếu Việt Nam kết án tù anh Will Nguyễn một cách bất công thì ‘sẽ có những hậu quả nhanh chóng và dứt khoát từ Quốc hội Hoa Kỳ’.
“Quyết định đó của chính quyền Việt Nam hầu như sẽ lập tức châm ngòi cho một cuộc thảo luận nghiêm túc trong Quốc Hội Hoa Kỳ về các hậu quả tài chính, ngoại giao, và chính trị đối với Việt Nam,” ông nói. “Đó sẽ là một sự tính toán sai lầm nghiêm trọng nếu chính quyền Việt Nam nghĩ rằng chúng tôi sẽ cho phép anh William sống mòn mỏi trong một nhà tù nước ngoài vì những tội danh anh chưa hề vi phạm.”
Ông Lowenthal cũng cho biết ông đã thường xuyên liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ lúc anh Nguyễn bị bắt và đã cùng với các vị đồng nhiệm tại Hạ viện kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gây áp lực lên chính quyền Việt Nam để trả tự do anh Will.
Dân biểu Alan Lowenthal đại diện các khu vực có đông đảo cử tri gốc Việt như các thành phố Westminster, Garden Grove, Anaheim, Long Beach ở bang California. Ông Lowenthal đã lên tiếng rất nhiều về các vấn đề dân quyền của Việt Nam.

Bí thư Tỉnh Ủy Hà Giang ‘không biết, không chỉ đạo’ việc con gái ‘bị nâng điểm thi tú tài’

Ông Triệu Tài Vinh, bí thư Tỉnh Ủy Hà Giang. (Hình: Nông Thôn Ngày Nay)
HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – “Tôi không biết gì về việc con gái mình được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học vừa qua. Nó nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao.” Đó là phát ngôn của ông Triệu Tài Vinh, bí thư Tỉnh Ủy Hà Giang với báo điện tử Dân Trí hôm 19 Tháng Bảy.
Nghi vấn về việc con cái quan chức tỉnh Hà Giang nằm trong số những thí sinh được “quới nhân nâng điểm” nay đã được các báo “lề phải” chính thức xác nhận.
Báo Dân Trí còn dẫn lời ông Vinh nói rằng: “Con tôi năm nay thi tốt nghiệp như thế này thì không phải lỗi của cháu, cũng không phải lỗi của tôi. Nếu báo chí định hướng không tốt thì bao giờ lãnh đạo cũng xấu. Chức năng báo chí cần phải tìm hiểu xem con nhà tôi nói riêng và con lãnh đạo nói chung chất lượng học có đúng như thế không mới là quan trọng.”
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ cùng ngày tường thuật rằng Bí Thư Vinh “không biết và không chỉ đạo” vụ nâng điểm cho con gái, ông còn nói thêm: “Từ trước đến giờ tôi không đi xin xỏ cái gì cả.”
“Bí thư Tỉnh Ủy Hà Giang khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành địa phương xử lý các tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong vụ này một cách thẳng thắn, quyết liệt,” tờ báo viết.
Tờ báo nay chỉ còn phát hành bản báo giấy cho biết thêm: “Một trong ba thí sinh có mức điểm trong tốp cao nhất tỉnh Hà Giang, đứng thứ ba cả nước với 28.6 điểm, sau khi chấm thẩm định thì giảm 9, 10 điểm. Thí sinh này được biết là cháu ruột của vợ ông Vũ Trọng Lương (phó phòng Khảo Thí và Quản Lý Chất Lượng, Sở Giáo Dục và Đào Tạo Hà Giang, người đang bị quy trách nhiệm về vụ sửa điểm thi cho 114 thí sinh ở tỉnh này.)
Ngoài ra, Tuổi Trẻ cho biết trong danh sách thí sinh được nâng điểm có “con của một lãnh đạo phòng Giáo Dục và Đào Tạo một huyện ở Hà Giang,” “các thí sinh có bố mẹ làm việc trong các cơ quan nhà nước của tỉnh Hà Giang.”
Hồi năm 2016, ông Triệu Tài Vinh là nhân vật từng gây xôn xao với vụ “cả nhà làm quan” sau khi mạng xã hội lan truyền tấm hình ghi tám người thân của ông đang giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan ở tỉnh này.
Trong số đó có vợ ông, bà Phạm Thị Hà, đang là phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Giang.
Thời điểm đó, Bí Thư Vinh nói việc bổ nhiệm những người này “đúng quy trình” nhưng phủ nhận hai người trong số đó “không hề có quan hệ ruột thịt.” Điều lạ lùng là sau vụ ồn ào này, người ta thấy ông Vinh vẫn tại vị trong lúc những sự vụ tương tự tại các địa phương đều bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương “vào cuộc làm rõ” và “xử lý kỷ luật.”
Facebooker Nguyễn Tiến Tường bình luận trên trang cá nhân: “Không phải ngẫu nhiên mà dân Hà Giang hậm hực Triệu gia mà vẫn im như thóc. Bởi với một hệ thống họ Triệu này, dân không sợ mới lạ. Có phải vì vậy mà Triệu đại nhân thích làm gì làm, thích nói gì nói? Quan chức thích làm gì thì làm là chuyện không có gì mới mẻ. Nhưng quan chức thích nói gì thì nói là dấu hiệu của việc độc tài bất chấp, khinh nhờn bá tánh, coi trời bằng vung.”
“Đối với một lãnh đạo đầu ngành mà có con trong danh sách nâng điểm, đã xứng đáng được kỷ luật chưa? Trung ương nên ngó xuống và cho một tiếng nói công bình. Sao cứ để Triệu đại nhân múa gậy vườn hoang, hô phong hoán vũ, chà đạp lòng dân như vậy. Thật ngang vua chúa,” ông Tường viết thêm. (T.K.)

Rộ tin tướng quân đội về nắm quyền Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN

Ông Nguyễn Mạnh Hùng được truyền thông “lề phải” ca ngợi là “kiến trúc sư trưởng của đế chế Viettel.” (Hình: InfoNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tiến trình bãi nhiệm ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN có vẻ diễn ra khá chậm chạp, do mọi bước đều phải “tuần tự đúng quy trình.”
Đến hôm 18 Tháng Bảy, theo tin đăng trên mặt báo thì ông Tuấn chỉ mới bị Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc “cảnh cáo” sau khi đã bị “xử lý về mặt đảng,” cụ thể là tước chức vụ bí thư Ban Cán Sự Đảng của bộ này. Tuy vậy, hành động này cũng được cho là xác nhận việc ông Tuấn “đang được cho ngồi không” trong lúc “ông chú Viettel đã vào nắm quyền trong nhà.”
Trong lúc tin chính thức trên mặt báo “lề phải” vẫn chưa xác nhận, nhiều blogger trong giới báo chí ở Hà Nội đã rò rỉ tin về cuộc họp hôm 18 Tháng Bảy về việc Thủ Tướng Phúc quyết định bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Tập Đoàn Công Nghiệp-Viễn Thông Quân Đội (Viettel) sang giữ chức thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông.
Các blogger còn nêu suy đoán rằng tin này sẽ chính thức được công bố trước cuối tuần này.
Do trước đó, ông Hùng đã được Ban Bí Thư cấp tốc chỉ định giữ chức bí thư Ban Cán Sự Đảng của Bộ Thông Tin Truyền Thông nên dễ hiểu là ông này nghiễm nhiên nắm quyền điều hành bộ này trước khi chính danh “bộ trưởng” tại cuộc họp Quốc Hội CSVN vào Tháng Mười tới. Cuộc bỏ phiếu thông qua chức danh bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông của ông Hùng tại nghị trường sắp tới vì thế cũng được dự báo chỉ mang tính hình thức, vì chắc chắn ông này sẽ nhận được “đa số số phiếu thuận” từ các “đại biểu Quốc Hội.”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) và Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trong một sự kiện của Viettel. (Hình: BaoChinhphu.vn)
Việc ông Hùng, một vị tướng quân đội bỗng nhiên được điều chuyển qua nắm một bộ nhiều uy quyền với giới truyền thông khiến giới quan sát ngạc nhiên lẫn hoang mang. Vì tuy đã nắm quyền ở Viettel từ năm 2000 (chức danh phó giám đốc), ông Hùng chỉ mới được Thủ Tướng Phúc bổ nhiệm giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm nhiệm tổng giám đốc tập đoàn này hồi tháng trước.
Người ta suy đoán một trong những nguyên do giúp ông Hùng được điều về Bộ Thông Tin Truyền Thông là ông này “đang được tín nhiệm cao.” Hồi Tháng Sáu, 2018, báo điện tử của chính phủ CSVN đăng bài dẫn lời của Thủ Tướng Phúc: “Đất nước này cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp như Viettel.”
Một chi tiết rất đáng lưu ý trong bài trên website này là ông Hùng khoe với Thủ Tướng Phúc rằng Viettel “đã phát triển giải pháp tường lửa quốc gia, chặn lọc tin rác và hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7.” Chi tiết này là chỉ dấu cho thấy cùng với việc thông qua Luật An Ninh Mạng, “đế chế” của ông Hùng tại Bộ Thông Tin Truyền Thông nhiều khả năng sẽ là sự kiểm soát báo chí và mạng xã hội, đi kèm với việc phạt vạ, rút thẻ nhà báo gắt gao và triệt để hơn hẳn những người tiền nhiệm, cho dù ông Trương Minh Tuấn từng được mệnh danh là “sát thủ tự do báo chí.” (T.K.)