Wednesday, January 29, 2014

UPDATE: VỤ LÀNG VĂN KIỆN ZING: $450 TRIỆU CHO 250 TRIỆU LẦN XEM

WESTMINSTER, California (NV) - Trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt qua email, sau khi tin công ty Làng Văn kiện trang mạng Zing và các công ty liên quan là VNG, International Data Group, IDG Ventures, IDG Ventures Vietnam vì vi phạm bản quyền, được loan tải, bà Mimi Nguyễn, giám đốc điều hành Làng Văn, bày tỏ:

“Vụ kiện này là một bước trong nỗ lực nuôi dưỡng và phát triển văn hóa Việt Nam của chúng tôi, một lý tưởng mà cha mẹ của chúng tôi đã dành hết đời họ để theo đuổi.”



Một sản phẩm của Làng Văn, bài hát “Lá Thư Miền Trung” do ca sĩ Thanh Tuyền trình bày, bị Zing vi phạm bản quyền, và vẫn còn nằm trên trang mạng của công ty này, gần một tuần sau khi Làng Văn nộp đơn kiện. (Hình: Chụp qua màn trang mạng của Zing)

Vụ kiện cũng được gia đình bà xem như một hành động bảo vệ nghệ sĩ của Làng Văn và là một tiếng nói chung cho các nghệ sĩ ở khắp mọi nơi có quyền bị vi phạm.

Theo Digital Music News, nạn vi phạm bản quyền tăng 160% từ năm 2011-2013. Một tài liệu của tổ chức Recording Industry of America Association cho biết vi phạm bản quyền âm nhạc gây thiệt hại tới $12.5 tỉ hàng năm cho nền kinh tế Mỹ, khiến hơn 70,000 người trong ngành sản xuất nhạc bị mất việc làm với tiền lương tổng cộng ước lượng là $2 tỉ.

Và chắc chắn sống còn là một lý do nữa khiến Làng Văn quyết định nộp đơn kiện trang mạnghttp://mp3.zing.vn (một phần của trang mạng Zing.vn) và công ty mẹ là VNG Corporation, cũng như công ty IDG Ventures, IDG Ventures Vietnam.

Trước đó, trong một cuộc gặp gỡ tại tòa soạn nhật báo Người Việt, bà Lan Nguyễn, mẹ của Mimi Nguyễn, và là đồng sáng lập viên của công ty chuyên sản xuất băng đĩa nhạc Làng Văn, cho biết gia đình bà đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc vào vụ kiện vì không thể ngồi yên nhìn người ta vi phạm bản quyền của mình “một cách trắng trợn” và giết đi cả một kỹ nghệ.

Còn bà Mimi Nguyễn thì kể do một “tình cờ rất may mắn” và cũng nhờ bà và người em trai làm việc ở Việt Nam mới biết ông Nguyễn Bảo Hoàng, con rể ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, liên quan trực tiếp đến việc điều hành VNG Corporation, công ty mẹ của http://mp3.zing.vn.

Theo hồ sơ của vụ kiện, vào Tháng Sáu, 2005, VNG Corporation công bố nhận được một “đầu tư đáng kể” $500,000 từ IDG Ventures, và một thông cáo báo chí của IDG Ventures Vietnam cho biết ông Nguyễn Bảo Hoàng sẽ gia nhập hội đồng quản trị của VNG để hỗ trợ đúng mức cho các hoạt động của VNG.
Hiện giờ, VNG được liệt kê trên trang web của IDG Ventures Việt Nam như một trong những công ty mà IDG đầu tư, ca ngợi VNG là “công ty Internet hàng đầu Việt Nam” và xác nhận rằng VNG “cũng thiết lập và điều hành Zing, một cổng thông tin âm nhạc, tin tức, giải trí và tìm kiếm mà đã trở thành trang mạng có người xem cao thứ tư ở Việt Nam.”

Làng Văn cáo buộc rằng sự lớn mạnh của trang mạng Zing.vn, bao gồm cả sự ra đời của trang web nhạc Zing http://mp3.zing.vn chỉ xảy ra sau khi IDG Venture, qua ông Nguyễn Bảo Hoàng tích cực tham gia vào việc điều hành công ty, cung cấp “ kinh nghiệm thực tiễn” của ông để đưa đến thành công cho VNA, và sự lớn mạnh nhanh chóng này bao gồm vi phạm bản quyền.

Nhớ lại những ngày đầu khi thoáng biết trang web nhạc Zing vi phạm bản quyền của mình, bà Mimi Nguyễn nói “không ngờ họ lấy nhạc của mình nhiều như vậy” cho đến khi Làng Văn gia nhập tổ chức Liên Ðoàn Quốc Tế Ngành Công Nghiệp Ghi Âm (IFPI), và được IFPI cung cấp cho một lập trình chuyên theo dõi những vụ vi phạm bản quyền.

Làng Văn bắt đầu sử dụng chương trình này trên trang web của Zing nhạc vào cuối năm 2012. Lập trình của IFPI, khi áp dụng cho trang web âm nhạc Zing vào Tháng Mười, 2012, cho thấy hàng ngàn đường truyền dẫn đến các tác phẩm có bản quyền của Làng Văn, mà mọi người xem có thể tải về máy vi tính của mình, từ ở bất cứ đâu trên thế giới, kể cả từ Hoa Kỳ.

Không chỉ tìm ra những đường truyền này, Làng Văn còn khổ công cho nhân viên truy cập những đường truyền này để xem có phải đúng là nhạc của Làng Văn không, và nhạc có tải xuống được không.
Việc điều tra và kiểm chứng mất nhiều tháng để hoàn thành, và việc quét trang web cho thấy - hành vi xâm phạm tác phẩm do Làng Văn giữ bản quyền của VNG diễn ra một cách quy mô.

Hàng ngàn đường truyền (link) vẫn còn nằm trên trang web nhạc Zing trong những cuộc “quét” diễn ra từ Tháng Mười, 2012 đến Tháng Mười Một, 2013 cho thấy các đường truyền có sẵn trên trang web nhạc Zing dẫn tới hơn 3,000 bài hát và hơn 600 album thuộc sở hữu của Làng Văn.

“Ngay cả bây giờ, gần một tuần lễ sau vụ kiện một số bài nhạc của Làng Văn vẫn còn nằm trên website Zing,” bà Mimi Nguyễn cho biết, và đơn cử vài thí dụ:

Bà Mimi Nguyễn cũng cho biết lập trình của IFPI cho thấy tổng số các bài hát của Làng Văn xuất hiện trên trang web nhạc Zing có số lần vào xem đáng kinh ngạc là 250 triệu lần.

Ðược hỏi là trước khi quyết định kiện, hai bên có tiếp xúc không, bà Lan Nguyễn nói trong suốt năm 2012, đại diện của Làng Văn đã nhiều lần gặp giám đốc điều hành cấp cao của VNG, để chính thức thông báo về việc vi phạm bản quyền diễn ra trên trang web của nhạc Zing.

Tại các phiên họp,VNG thừa nhận sử dụng trái phép các tác phẩm Làng Văn giữ bản quyền và cố gắng biện minh cho sự vi phạm của họ bằng cách đổ lỗi cho bản chất của thị trường âm nhạc trực tuyến. VNG cũng đã lấy một số nhạc của Làng Văn xuống khỏi trang web của Zing Music, nhưng sau đó lại xuất hiện trở lại.
Theo hồ sơ kiện, Làng Văn cho biết có chứng cớ cho thấy VNG đã mướn nhân viên và ra chỉ thị rõ ràng cho nhân viên đó, tìm các bản sao nhạc có bản quyền của Làng Văn và tải chúng vào trang web Zing Music.
Hiện Làng Văn đang kiện Zing và những công ty liên quan $150,000 cho mỗi vi phạm, như vậy tính ra số tiền phạt có thể lên tới $450 triệu, nếu tòa xử cho Làng Văn thắng.

Liên quan đến công ty IDG Ventures và ông Nguyễn Bảo Hoàng, giới am tường luật pháp cho rằng mọi việc còn tùy Làng Văn có chứng minh được là IDG, qua ông Nguyễn Bảo Hoàng có biết hay trực tiếp chỉ huy việc Zing vi phạm bản quyền hay không.
––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

Tết đến, người lao động vẫn mòn mỏi chờ lương

(VTC News) - Trong lúc các cơ quan, doanh nghiệp đang bận rộn với kế hoạch thưởng Tết, thì nhiều công nhân đang phải nhăn nhó vì bị nợ lương gần 4 năm.  
Phản ánh lên báo điện tử VTC News, chị Huyền - người lao động  thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà cho hay, tính đến nay, chị và nhiều công nhân khác đang bị nợ lương lên tới 38 tháng, còn nợ bảo hiểm xã hội lên tới 54 tháng.
lao động 
Theo chị Huyền, số công nhân bị nợ lương hiện tại lên tới 28 người, tổng số tiền mà công ty nợ công nhân tính sơ sơ cũng lên tới 6 tỷ đồng.
“Chúng tôi, có những người đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, từng tham gia quân ngũ kháng chiến đánh giặc, được kết nạp Đảng trong chiến đấu, nhưng vẫn bị công ty“ đem con bỏ chợ” , bị nợ lương, bảo hiểm và các chế độ khác đến 3 - 4 năm trời kéo theo sự cơ hàn, túng quẫn cả thể xác và tinh thần”, chị Huyền tâm sự.
Thậm chí, theo chị Huyền, nhiều công nhân do không có lương đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì phải vay lãi cao để sống qua ngày, gia đình lục đục, ốm đau không có tiền chạy chữa lại không có bảo hiểm y tế, nhiều gia đình đã phải thế chấp hoặc gán nhà để trả nợ .. , cuộc sống ngày càng khốn đốn hơn, có trường hợp do quẫn bách dẫn đến vi phạm pháp luật và đã phải đi tù.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà (gọi tắt là Công ty Hải Hà) được thành lập tháng 3/2007 với cam kết góp vốn của các Tập đoàn, Ngân hàng, Tổng công ty nhà nước, thực hiện nhiệm vụ “Đầu tư xây dựng và kinh, doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà” thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
 Sau 7 năm hoạt động, đến nay còn 3 cổ đông là 3 doanh nghiệp nhà nước gồm: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Sông Đà, trong đó Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam giữ vai trò là cổ đông chi phối và là đầu mối để báo cáo với chính phủ.
Với đặc điểm là Doanh nghiệp được thành lập theo Dự án và là Công ty cổ phần 100% vốn nhà nước (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Sông Đà đã góp vốn 5,1 triệu USD (khoảng 81 tỷ đồng) để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án, nhưng số tiền này đang bị một Công ty TNHH một thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chiếm dụng).
Sau khi vụ việc ở Vinashin bị khởi tố và nhiều lãnh đạo của Vinashin phải hầu tòa và lãnh án. Tháng 7/2010, thực hiện Quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Công ty được chuyển giao sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) nhưng một thời gian sau Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Chính phủ về việc không có khả năng thực hiện tiếp nhận Dự án và công ty lại trở về với chủ cũ.
Trong thời gian này, người lao động của công ty bị nợ tiền lương, không được tiền đóng bảo hiểm và các chế độ có liên quan khác.
 Sau nhiều lần người lao động kiến nghị với các Cổ đông, Hội đồng quản trị và báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về việc giải quyết các khoản nợ đọng kéo dài và các chế độ có liên quan của Doanh nghiệp đối với người lao động, ngày 11/7/2011, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý đã ký thông báo số 165/TB/VPCP, trong đó có nêu trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiêp tàu thủy Việt Nam : “Là đơn vị có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tồn tại của Công ty Cổ  phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà”.
Tới ngày  4/1/2012, Đại hội Cổ đông và Hội đồng quản trị Công ty mới tổ chức họp phiên bất thường và ra Nghị quyết số 01/-ĐHCĐ ngày 5/1/ 2012, trong đó có nội dung “ Kiện toàn tổ chức, bộ máy, giải quyết các vấn đề tồn đọng, trả nợ lương , bảo hiểm , chế độ cho người lao động ...”. Nhưng tất cả hành động chỉ nằm trên mặt giấy và cán bộ công ty này đều “tiến thoái lưỡng nan”. 
 Mới đây, ngày 24/12/2013, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có công văn số 14060/BGTVT-QLDN gửi Tổng công ty công nghiệp tàu thủy về việc phản ánh, kiến nghị của công đoàn và tập thể người lao động Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà sau khi Văn phòng chính phủ có công văn 10532/VPCP-VI chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xử lý kiến nghị của người lao động.
Ngày 21/1, Ban lãnh đạo của Công ty Hải Hà cũng đã có cuộc họp để tiếp tục kiến nghị về việc giải quyết nợ lương và các chế độ cho cán bộ nhân viên.
 Theo chị Huyền, tại cuộc họp này, đại diện người lao động đã đưa ra kiến nghị nếu không có tiền trả thì cho các nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên cũng chưa thể cho cán bộ, nhân viên nghỉ việc vì không có tiền để thanh toán lương nợ và chế độ bảo hiểm.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc công ty Hải Hà cho biết, vấn đề nợ lương của người lao động suốt gần 4 năm qua cũng khiến chúng tôi suy nghĩ tìm cách giải quyết rất nhiều. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp với Hội đồng quản trị công ty, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
“Hiện ý kiến của 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là sẽ mỗi bên góp một ít vốn để giúp đỡ người lao động, nhưng phía Vinashin – cổ đông lớn nhất thì lại không đồng ý”, ông Nguyên cho hay.
Ngoài ra, ông Nguyên cũng cho biết, hiện số tiền 5,1 triệu USD của công ty Hải Hà bị Vinashin cho 1 đối tác khác vay vẫn chưa đòi được. Vì vậy, vẫn chưa nguồn kinh phí để chi trả lương cho người lao động.
Năm hết, Tết đến nhưng nhiều người lao động tại Công ty Hải Hà vẫn phải sống lay lắt trong đợi chờ mà chưa biết đến bao giờ sẽ được thanh toán tiền lương và chấm dứt hợp đồng lao động.

Sốc với giá đổi tiền mới mừng tuổi “ăn” tới 30%

Thứ Năm, 30/01/2014 08:11 (GMT + 7)
Tiền nguyên cọc theo seri được hét giá như sau: Tiền 10.000-20.000đ phí 15%, tiền 2.000-5.000đ phí là 30%, tiền 50.000đ phí là 6% và tiền 100.000-200.000đ phí 4%.
Sốc với giá đổi tiền mới mừng tuổi “ăn” tới 30%


Càng gần đến Tết, dịch vụ đổi tiền càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Khác với tiền lẻ mệnh giá nhỏ dưới 2.000 đồng mà người dân quen dùng để đi đền chùa có thể đổi rải rác suốt cả tháng Giêng, thì nhu cầu đổi tiền mới từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng tiền mới để mừng tuổi lại chỉ chủ yếu đổi đến hết ngày 30 Tết là dừng. Thế nên, vào những ngày cao điểm này, giá đổi tiền lên tục bị hét trên trời, thậm chí tới 10%, tức là cứ 1 triệu đồng thì mất phí 100 nghìn đồng.

Trên các diễn đàn mạng, nhan nhản các lời rao đổi tiền mới với mức giá lên tới 10%-30%. Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền, chúng tôi toát mồ hôi hột khi nhận được bảng phí. Theo đó, tiền nguyên cọc theo seri được hét giá như sau: Tiền 10.000-20.000đ phí 15%, tiền 2.000-5.000đ phí là 30%, tiền 50.000đ phí là 6% và tiền 100.000-200.000đ phí 4%.

Như vậy, với mức giá cao nhất, khi đổi 1 triệu đồng tiền mới, người đổi phải trả thêm tới 300.000 đồng. Đây cũng là mức giá mà các điểm đổi tiền “chợ đen” giao dịch. Chỉ có điều khác là ở trên mạng, tình trạng rao bán công khai, thì ở “chợ đen”, hoạt động có phần lén lút hơn do lo ngại các lực lượng chức năng kiểm tra.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Một tờ tiền bằng chất liệu polymer có tuổi thọ lên tới 5-7 năm. Bởi vậy, khi tiền trong lưu thông còn nhiều, thì NHNN không thể năm nào cũng in thêm 1 số lượng lớn tiền mới chỉ để phục vụ nhu cầu mừng tuổi của người dân, vì việc in thêm này sẽ gây ra một sự lãng phí lớn cho ngân sách. Thế nên, năm nay việc tiền mới khan hiếm là có thật, nhưng tiền trong lưu thông thì NHNN đáp ứng đầy đủ và không thiếu bất kỳ mệnh giá nào. Ông Tú cũng cho biết thêm: NHNN cũng vừa có đợt kiểm tra tại NHNN chi nhánh Hà Nội về việc phân phối tiền trong lưu thông, đặc biệt là siết chặt việc tiền mới mệnh giá nhỏ dưới 2.000 đồng.

Về phía NHNN chi nhánh Hà Nội, để ngăn chặn tình trạng đổi tiền lẻ lấy lãi, đặc biệt là việc dùng tiền lẻ rải khắp các đền, chùa, ngay từ giữa tháng 1, đơn vị này đã phối hợp với các sở, ngành liên quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an TP Hà Nội… cùng ngồi lại để bàn cách hạn chế thói quen dùng tiền lẻ đi lễ chùa. Được biết, trong năm 2013, chi nhánh này đã thu về tiền loại mệnh giá 500 đồng khoảng 900 bao tiền (9 tỷ đồng), trong khi chi phí in ấn và phát hành số tiền này vào khoảng 30 tỷ đồng, gấp 3 lần mệnh giá.

Tính đến cuối ngày 14/1, số tiền mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống chiếm gần 50% diện tích kho tiền, nhưng giá trị chỉ khoảng 5% so với tổng giá trị tiền tại kho. Điều này đã gây khó khăn cho việc sắp xếp kiểm kê, kiểm đến và xuất nhập tiền. Vì thế, cùng với việc giảm cung, Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và từ bỏ thói quen không đúng khi dùng tiền lẻ đi lễ chùa.

Các giải pháp cụ thể như in đĩa tuyên truyền, tận dụng hệ thống loa phường, xã, hay tại các đình chùa… tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền lẻ đúng mục đích đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Các lực lượng chức năng khác như Công an TP Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh đổi tiền lấy lãi, đặc biệt tại các khu vực lễ hội, đền chùa hoặc kinh doanh trên mạng, gây ảnh hưởng xấu đến lưu thông tiền tệ trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội khẳng định: “Nếu phát hiện ra tình trạng nhân viên NH “tuồn” tiền lẻ từ NH ra ngoài, chúng tôi sẽ yêu cầu lãnh đạo các NHTM có hình thức xử lý nghiêm khắc. NHNN cũng đã có văn bản vận động cán bộ NH không đi chùa hoặc thờ tự bằng cách bỏ tiền nhỏ lẻ. Còn riêng với họat động đổi tiền lẻ lấy lãi của một số đối tượng, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Các hoạt động kinh doanh tiền tệ đều phải có phép. Nếu đổi tiền lẻ không phép là sai quy định và sẽ bị xử lý nghiêm khắc”, bà Sương nhấn mạnh.

Theo CAND

50 cảnh sát dập đám cháy cỏ gần hầm Thủ Thiêm



Thứ tư, 2014-01-29 16:10:01 - Nguồn: VnExpress.net
Trưa 29/1, khu đất trống rộng hàng chục ha ở quận 2 (TP HCM) bùng cháy dữ dội khiến lực lượng cứu hỏa phải mất 2 giờ để dập lửa.
Lửa bùng cháy dữ dội ở đám cỏ khô. Ảnh: Châu Thành
Lửa bùng cháy dữ dội từ đám cỏ khô. Ảnh: Châu Thành
12h trưa, lửa bùng lên ở bãi cỏ khu đất trên đường Mai Chí Thọ, gần giao lộ Trần Não, quận 2, TP HCM. Do gió lớn và cỏ khô nên ngọn lửa lan rất nhanh. Khói đen cuồn cuộn bốc lên len lỏi vào những cao ốc đang xây dựng gần đó.
Bốn xe chữa cháy cùng hàng chục cảnh sát cứu hỏa quận 2 khó tiếp cận đám cháy nên phải chia ra nhiều phía để khống chế ngọn lửa.
Cảnh sát cứu hỏa tích cực dập đám cháy bãi cỏ trưa 29 Tết. Ảnh: Châu Thành
Cảnh sát cứu hỏa tích cực dập đám cháy bãi cỏ trưa 29 Tết. Ảnh: Châu Thành.
Sau 2 giờ chiến đấu với "bà hỏa", các cảnh sát đã dập tắt đám cháy. Một diện tích lớn cỏ bị cháy rụi.
Châu Thành

Sát Tết, cuống cuồng cầm đồ trả nợ

Thứ Ba, 28/01/2014 09:28 (GMT + 7)
Vừa bước xuống cửa hiệu cầm đồ đường Láng, vị khách tay cầm điện thoại luôn miệng nói “đang cố gắng thu xếp, mai sẽ trả”, “đừng gây áp lực với nhau".

Phải mất tới hơn 10 phút với 4 cuộc điện thoại thì vị khách này mới dứt được câu chuyện. Trong khi đó, người nhân viên của tiệm cầm đồ đã nhanh nhảu ra tận xe Santafe ngó nghiêng một lúc. Đợi khách dứt điện thoại, nhân viên tiệm cầm đồ nói luôn với vị khách quen: “Anh đi xe vào bãi đi. Lát em ra rồi mang theo biên nhận luôn”.

Tại cửa hiệu cầm đồ trên đường Láng này, cứ vài phút lại có thêm một khách. Có người cầm vừa bước xuống taxi đã khệ nệ bê cả bộ loa mới coóng còn dán nhãn đặt thẳng lên bàn chủ hiệu cầm đồ. Tuy nhiên, phải chờ một lúc lâu thì vị khách này mới thực hiện được giao dịch của mình.


Một dãy hiệu cầm đồ ở đường Láng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào.
Tiệm cầm đồ đông khách, tôi đứng đợi gần nửa tiếng mới tới lượt mình ghi biên nhận gửi đồ. Chiếc AirBlade mới mua hơn 2 tháng tôi mang đi gửi được định giá 10 triệu đồng. Kỳ kèo đẩy giá lên 15 triệu thì nhân viên của tiệm tỏ ra cáu bắn nói: “Anh đi tới đâu giờ cũng chỉ có giá đấy thôi. Chả ai còn tiền để đặt giá cao hơn đâu. Ngày thường bọn em có thể nhận xe của anh lên tới 20 triệu, nhưng Tết nhất thế này thì chịu”. Theo người nhân viên của tiệm cầm đồ này thì chỉ trong ngày hôm qua, chủ tiệm này đã đổ ra hơn 1 tỷ, trong đó có 4 chiếc ôtô nhập kho, nên cũng đang bí tiền không cho gửi cao.

“Bây giờ kho cũng chật rồi, như con Santafe ban nãy anh thấy đấy. Nhận rồi, nhưng bọn em còn lấy cả phí gửi xe nữa. Rẻ thì 100 nghìn đồng/ngày, còn nếu mà không tìm được chỗ gửi nữa thì bọn em cũng không dám nhận”.

Tại cửa hiệu cầm đồ khác cách đấy vài nhà, phía trong cửa hiệu tại góc kín có hai vị khách - một nữ, một nam - đang ngồi tần ngần trước hai túi đen trước mặt, để lộ ra những cọc tiền mệnh giá 500 nghìn đồng. Thi thoảng người khách nữ lại cau mày tỏ ra cáu giận rút điện thoại đọc địa chỉ nơi mình đang ngồi. Đợi hơn 10 phút thì có 3 nhân viên ngân hàng cầm theo cả tập giấy tờ tới đặt trước bàn.

Vẻ mặt thiểu não, vị khách này nói: “Đây là 180 triệu chị vừa gửi chiếc xe của chị. Bên công ty chị chỉ còn đấy thôi. Bên em muốn thêm, làm căng thì gọi trực tiếp cho anh Minh, chị chỉ được lệnh gọi em tới giao thôi”. Người nữ vừa dứt lời, một nhân viên ngân hàng định nói điều gì, nhưng người đồng nghiệp bên cạnh đụng khẽ tay ra dấu ngăn lại…

Đợi cho các giao dịch của khách xong, người chủ hiệu cầm đồ này mới nói rằng từ hôm qua tới nay đã chứng kiến 3 cuộc giao dịch của khách như vậy, người đòi nợ ngoài nhân viên ngân hàng còn có cả dân anh chị giang hồ. “Thấy phiền, em cũng bảo họ sang quán café gần đây ngồi đợi chủ nợ, nhưng khách không chịu. Họ bảo cứ ngồi ở đây để chủ nợ thấy phải mang cả ôtô đi cầm để đỡ đòi thêm nữa”.

Quan sát thêm 3 cửa hiệu cầm đồ khác, cảnh tượng cầm đồ trả nợ cũng diễn ra phổ biến. Tại cửa hàng cầm đồ trên đường Trung Kính, người khách vừa gửi chiếc xe SH được 25 triệu thì móc túi đưa ra đếm thêm tiền rồi đưa cả cho người đầu trọc đi cùng mình.

Theo khảo sát của PV, cách đây vài hôm, các hiệu cầm đồ đã không còn nhận những đồ cầm có giá trị thực dưới 10 triệu nữa. Điện thoại, laptop là những vật gửi đồ khá phổ biến trong ngày thường thì ngày sát Tết cũng ít cửa hiệu dám nhận. Một chủ hiệu cầm đồ đường Lương Thế Vinh nói: “Với bọn em vốn ít, trước đó sinh viên gửi đồ nhiều quá cạn vốn. Anh chủ cũng đi vay ngoài thêm được 200 trăm triệu vào nên có gửi đồ giá trị thì cũng chỉ cho vay ít. Laptop, điện thoại với xe số thì bọn em thôi không nhận nữa”.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá lãi suất của đồ cầm trong ngày tết cũng tăng chóng mặt, với giá ngày thường chỉ 2 tới 3 nghìn/ triệu đồng thì hiện này giá mặt bằng chung đã là 5 nghìn đồng/ một triệu đồng đồ cầm, có cửa hàng đã nâng giá lên tới 10 nghìn đồng/ triệu.
Theo T. Chí (Lao Động)

Sắm tết mất vui vì… bảo vệ !



Thứ tư, 2014-01-29 12:09:01 - Nguồn: ThanhNien.com.vn
Những ngày cận tết ở Đà Nẵng, chuyện hành xử khó coi của nhân viên một bãi giữ xe đã khiến niềm vui mua sắm tết giảm đi ít nhiều.
Người bảo vệ (băng đỏ) hành xử như một người say rượu - Ảnh N.T.T
Siêu thị Big C nằm ở trung tâm TP.Đà Nẵng là một địa chỉ được nhiều người lựa chọn để mua sắm tết. Cạnh đó có một bãi đỗ ô tô, trong đó có nhiều xe ngoại tỉnh du xuân đến Đà Nẵng mua sắm. Mỗi ô tô vào bãi được bán một vé giữ xe giá 15 nghìn đồng, đề tên Công ty CP Xây dựng & thương mại Hùng Hưng Phát, địa chỉ K114/14 Hà Huy Tập, TP.Đà Nẵng.
Điều đáng nói là cách hành xử của những người bảo vệ bãi xe ở đây, kể từ khi xe đến cho đến khi rời bãi. Cách nói năng của họ khiến nhiều người rất khó chịu.
Ngày 28.1, một người gửi xe ô tô ra lấy xe thì thấy một bảo vệ còn trẻ, anh này một mực la lớn chỉ huy người lái xe bằng giọng: “Đánh hết tay lái, đánh hết đi, cái ông này, đánh hết tay lái, tôi bảo mà, đụng tôi chịu”. Người lái xe mở kính từ tốn: “Thì tôi đang đánh, đụng xe ngày tết hay ho gì mà chịu trách nhiệm”. Người thanh niên này đỏ mặt tía tai: “Ông không đánh hết tay lái thì biến đi”. Nói xong anh ta toét còi inh ỏi, tiếp tục dọa: “Biến, biến, từ nay đừng bén mảng đến bãi xe này”. Anh ta vừa nói vừa hoa chân múa tay.
Lúc đó mới 10 giờ trưa, chẳng lẽ anh này đã say rượu, nếu không say rượu thì người có bình thường không?
Rất đông người chứng kiến đứng nhìn ngạc nhiên. Người viết thấy kỳ nên đến bên một người bảo vệ lớn tuổi hơn đang đứng nhìn, giới thiệu mình là ai và hỏi tại sao anh bảo vệ đó có lối hành xử với ông khách đó như vậy. Anh này cũng chẳng khá hơn, bảo: “Mắc gì đến ông. Biến!”. Tôi bất ngờ đến mức muốn nổ lòi con mắt vì những gì trông thấy, nghe thấy.
Đây là lần thứ ba tôi chứng kiến cảnh này, ở đây.
Phiếu gửi xe không ghi đủ thông tin và không thu lại - Ảnh N.T.T
Đà Nẵng có tiếng là thành phố văn minh, vậy mà hôm đó, một đoàn xe ngoại tỉnh (biển số 50, 51…) vào đây rồi chứng kiến cảnh này, thử hỏi họ nghĩ về Đà Nẵng thế nào đây?
Điều đáng nói, sau khi chiếc ô tô trên ra khỏi bến thì bảo vệ vẫn không thu lại phiếu gửi xe. Trong phiếu đề số 001489, giá vé 15.000 đ; có ghi phiếu chỉ có giá trị trong ngày nhưng không đề ngày nào, không ghi biển số xe.
Nếu ông khách trên quay lại đưa phiếu lấy xe thì bảo vệ xử lý ra sao?
Bảo vệ, cho dù là bảo vệ của một công ty cổ phần, thì không thể hành xử như một tay “chợ búa bến bãi”, nó không chỉ làm cho người ta du xuân mất vui mà cảm tình với một thành phố, vẫn tự hào là “thành phố đáng sống”, cũng mất đi ít nhiều.
Nguyễn Thế Thịnh

Bãi tắm tiên giữa lòng Hà Nội !!!!!



Thứ tư, 2014-01-29 11:17:01 - Nguồn: 24h.com.vn
Người Hà Nội vốn kín đáo nên khi nói Hà Nội có một bãi tắm tiên, mà chẳng phải ở...
Xin được tiết lộ luôn là bãi tắm tiên, hay nói theo cách văn hoa là “tắm nude” còn nói dân dã như những người ở đây là “tắm chuồng” nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, một cây cây cầu đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi của Hà Nội. Mà đặc biệt hơn nữa, bãi tắm này có hai khu với số lượng thành viên CLB “tắm tiên” vào mùa hè lên đến hàng trăm người.
Bãi tắm tiên giữa lòng Hà Nội - 1
“Tiên cảnh” của những gã tắm tiên
Tôi tình cờ biết đến bãi tắm tiên này vì hay đi lang thang ở khu vực bãi giữa dưới chân câu Long Biên. Đó là một không gian rất khác với Hà Nội thường nhật dù chỉ cách Bờ Hồ có chưa đầy 2 cây số. Nếu lấy hồ Hoàn Kiếm là trung tâm (mà thường là người Hà Nội luôn mặc nhiên công nhận điều đó) và so về khoảng cách thì chỗ bãi giữa này còn trung tâm hơn nhiều những khu cao ốc ở… Mỹ Đình, Trung Hoà- Nhân Chính…
Không gian ở đây rất khác vì gần Tháp Rùa đến thế mà nó giống như một làng quê có bãi mía, cánh đồng trồng ngô, có những người nông dân ngày ngày trồng tưới, chăm sóc cho thửa ruộng nằm trên bãi bồi do phù sa sông Hồng tạo nên.
Không biết từ bao giờ những bãi tắm tiên này hình thành, chỉ biết rằng số lượng thành viên cứ đông dần lên khi họ có chung một thú vui và sở thích: tắm chuồng và ngắm nhìn Hà Nội từ giữa dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa.
Các thành viên câu lạc bộ (CLB) tắm tiên tụ họp theo “ca sáng” và “ca chiều”. Vào mùa hè, “ca chiều” đông đúc hơn trong khi đó mùa đông để tránh rét, CLB tắm tiên lại tụ họp từ 10 sáng đến 12 giờ trưa. Anh Hoàng Anh quả quyết: “Tôi đã tham gia bãi tắm tiên này được gần chục năm nay và hầu như chưa ngày nào nghỉ. Những người ra đây không hẹn nhau, cũng không tụ họp ở những địa điểm khác, không gian khiến chúng tôi quen biết nhau, gặp nhau và giao lưu chỉ nằm duy nhất ở bãi tắm sông Hồng này”.
Các thành viên bãi tắm tiên ở nhiều độ tuổi khác nhau, già có, trẻ có. Cao lão nhất có người đã hơn 70 tuổi, còn trẻ nhất mới chỉ đôi mươi xuân xanh. Nghề nghiệp của họ cũng rất khác nhau, đa phần đều là công chức về hưu. Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên là một thầy giáo của một trường trung học ở Hà Nội thường được “cư dân” tắm tiên gọi là “giáo Bình”, bảo rằng: “Điểm chung gần như là duy nhất của hội tắm tiên này là tất cả đều yêu thiên nhiên và thích đi… xe đạp, không thích những nơi ồn ào, xô bồ”.
Theo ông “giáo Bình”, bãi tắm tiên ở chân cầu Long Biên không chỉ giúp những người yêu thiên nhiên được hoà mình vào dòng chảy tự nhiên nhất mà còn được ngắm nhìn rất nhiều cảnh đẹp của Hà Nội. Từ đây, nhìn về phía Nam là cầu Chương Dương, rồi cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, phóng tầm mắt về phía Bắc có cây cầu Nhật Tân đang sắp đến ngày hợp long. Ngoái lại phía sau là khu phố cổ Hà Nội giờ cũng mọc lên nhiều cao ốc như vẻ đẹp chấm phá trong bức tranh Hà Nội cổ xưa
  “Nhiều người nghĩ chúng tôi bệnh hoạn”
Không phải cư dân Hà Nội nào cũng biết về bãi tắm tiên giữa lòng Thủ đô này, mà kể cả có biết không phải ai cũng đủ “dũng cảm” để mò xuống đây cũng như… nhập hội.
Trong ánh mắt và ý nghĩ của nhiều người “đứng đắn” thì đám đàn ông tắm tiên ở đây là lũ người “dở hơi”, bất bình thường, thậm chí “bệnh hoạn”. Họ nghĩ rằng chỉ nhưng gã trai có vấn đề về giới tính mới thoải mái nude trước mặt nhau, thoải mái khoe cơ thể cho nhau xem và đôi khi họ bàn tán cả về chủ đề “súng ống” của nhau. Ông “giáo Bình” lúc đầu cũng không hoan nghênh những kẻ lạ mặt như tôi tìm đến họ để hỏi về những câu chuyện xung quanh bãi tắm này vì cũng đã có nhiêu dư luận bàn tán không hay về bãi tắm và không gian của họ.
Nhưng sự thật mà tôi phát hiện ra ở bãi tắm tiên này ngược hẳn với những gì dư luận vẫn nghĩ. Họ không những không phải là những người “bệnh hoạn” mà còn là những người nhờ tắm tiên, nhờ sống hoà mình vào thiên nhiên mà đã đầy lùi được bệnh tất.
Không ít những người đàn ông trước khi đến bãi tắm này mang trong mình những căn bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, huyết áp cao, nhiều người béo phì đã nhiều năm và dùng đủ mọi biện pháp ăn kiêng vẫn không thay đổi được tình hình. Tuy nhiên, bãi tắm này như một phép màu đã thay đổi cuộc sống của họ.
Bãi tắm tiên giữa lòng Hà Nội - 2
“Đó là lý do giải thích tại sao, dù mùa đông lạnh cắt da cắt thịt nhiệt độ Hà Nội chỉ còn 5 độ C bãi tắm này vẫn xôm tụ, ngày lễ, ngày Tết cũng không có gì ngoại lệ”- ông “giáo Bình” chia sẻ. Ở đây, những người đàn ông mình trần như nhộng, làn da đen nhẻm vì cháy nắng cùng nhau bơi, cùng nhau tập thể dục, có người ngồi thiền, luyện yoga, có người tập chạy dọc bãi sông. Hình như khi được hoà mình vào thiên nhiên, nhiều căn bệnh do thời đại và sinh hoạt tạo nên tan biến. “Khi tắm chuồng cũng là lúc chúng tôi được lắng nghe cơ thể mình”- một người phân tích và nói thêm rằng: “Vì thế việc tắm tiên mang lại rất nhiều lợi ích về cảm giác và tinh thần chứ không chỉ là thể chất”.
Sau nhiều lần xuống với bãi tắm tiên này trở thành người bạn của các thành viên CLB, chính tôi đã được rủ xuống đây với lý do: “Nếu quan tâm tới bản thân và sức khoẻ của chính mình thì đây là một địa chỉ tuyệt vời. Hai tiếng mỗi ngày đều đặn trong vài tháng bạn sẽ thấy sức khoẻ của mình thay đổi rõ ràng theo chiều hướng tích cực”- nhiều thành viên khuyên tôi như thế.
Họ, trước đây cũng từng đi bơi ở những bể bơi bình dân có, cao cấp có, sang trọng cũng có trong thành phố nhưng rồi tất cả không thể chịu được cảnh bơi trong bể nước tù túng. Có một chi tiết lý thú nữa mà tôi tình cờ phát hiện, hầu hết các thành viên đến bơi ở đây đều đi xe đạp và đặc biệt tất cả đều là dân Hà Nội “gốc” chứ không chỉ có “mác” Hà Nội hay “hộ khẩu” Hà Nội.
Tôi nhớ, nhà văn Nguyễn Việt Hà, tác giả của tập tạp văn “Con trai phố cổ” có một bài viết rất hay nói về bọn con tra sinh ra và lớn lên phố cổ Hà Nội. Anh gọi họ là những “gã cao bồi”. Ở bãi bồi ven sông này hình như cũng có những gã cao bồi mà tôi dám chắc thiếu họ Hà Nội sẽ mất đi nhiều lắm sự thi vị.
Năm nào cũng có “rái cá” chết đuối
Điều duy nhất khiến tôi sợ khi đến bãi tắm này không phải là những người đàn ông mình trần, tất cả cùng nhau sinh hoạt trong không gian của họ như sống ở thời… nguyên thủy mà là việc năm nào ở bãi tắm này cũng có người chết đuối.
Anh Lê Đức Long kể: “Những người đã xuống đây đều là những người bơi giỏi, có một số thành viên còn được gọi là rái cá sông Hồng nhưng vẫn có những tai nạn đáng tiếc”. Nhìn con nước sông Hồng êm đềm, hiền hoà là vậy nhưng năm nào cũng có người mất mạng trong tay hà bá. Chính vì thế, dù bơi không quần áo nhưng nhiều người vẫn quả quyết, tốt nhất khi đã xuống sông là phải có chiếc phao để đề phòng bất chắc.

Sốt "đô vàng" giả lì xì tết, giá đắt ngang USD thật

Tờ “đô vàng” làm bằng plastic có kích thước và họa tiết y như USD thật mệnh giá 2 USD, 100 USD, có giá bán 20.000 đồng/tờ in một mặt và 40.000 đồng/tờ in 2 mặt.

Tràn ngập tờ 2 USD
Không chỉ có dịch vụ tiền mới VNĐ bùng phát vào dịp Tết mà việc đổi tiền 2 USD (Lucky money – tiền may mắn) để lì xì cũng hết sức nhộn nhịp và được tiếp thị công khai trên các đường phố.
Cửa hàng công khai tiếp thị đổi tiền 2 USD lì xì. 
Vài ngày trước Tết, tại một tiệm quần áo thể thao cạnh Công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP HCM), chủ tiệm trưng bày chiếc bảng “đổi tiền lì xì 2 USD” ngay trước cửa. Chị cho biết cứ 55.000 đồng đổi được tờ 2 USD mới.
Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn đổi 10.000 tờ 2 USD để mang về tỉnh lẻ bán lại song còn băn khoăn về giá cả và các phân biệt USD thật giả, chủ tiệm quần áo liền nói: “Nếu cần số lượng nhiều thì tôi tính giá sỉ 50.000 đồng/tờ. Anh yên tâm đi, hàng còn nguyên đai nguyên kiện, số seri…”. Chúng tôi thắc mắc tiền 2 USD ở đâu mà nhiều vậy. Chủ tiệm nói đổi ở ngân hàng và có người ở nước ngoài mang về.
Nhiều chủ tiệm vàng cũng cho hay thị trường năm nay tràn ngập tờ 2 USD, giá chuyển đổi khoảng 45.000 – 50.000 đồng/tờ. Khách hàng cần bao nhiêu cũng có. Một điểm thu đổi ngoại tệ ở TP HCM cho biết nguồn cung của tờ 2 USD chủ yếu từ các ngân hàng lớn. Còn Việt kiều mang về là không đáng kể vì tại Mỹ, mỗi cá nhân chỉ đổi được 100 tờ mệnh giá 2 USD.
Lãnh đạo một số NH cũng thừa nhận dịp gần Tết họ nhập tờ 2 USD mới để đổi cho khách hàng “ruột” theo phương thức tờ 50 USD hoặc 100 USD được đổi nhiều tờ 2 USD.
Trong khi đó, dư luận cho rằng các đầu mối đổi tiền phải có quan hệ thân thiết với nhân viên ngân hàng hoặc phải thông qua doanh nghiệp mới có được tiền mới lượng với số lượng dồi dào. Bởi thực tế đã có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng chấp thuận đổi hàng trăm ngàn tờ 2 USD.
“Đô vàng may mắn”
Ngoài đổi tiền 2 USD thật để lì xì thì dịp Tết Giáp Ngọ năm nay, ở TP HCM còn xuất hiện loại tiền USD mạ màu vàng được bán công khai trên nhiều tuyến đường như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Trương Định…. Người bán là các bạn trẻ, để bảng trên vỉa hè giới thiệu “đô vàng may mắn” khiến người đi đường tò mò ghé mua.
 Khách đi đường tò mò xem loại tiền mới.
Theo quan sát của PV, tờ “đô vàng” làm bằng plastic có kích thước và họa tiết y như tiền USD thật được in nổi sắc sảo với hai mệnh giá 2 USD và 100 USD. Giá bán cho loại tiền này là 20.000 đồng/tờ in một mặt và 40.000 đồng/tờ in 2 mặt cho cả 2 mệnh giá.
Những ngày cận Tết, nhiều điểm bán “đô vàng may mắn” tăng cường hoạt động nên một số nơi đã chủ động giảm giá xuống còn 15.000 đồng/tờ in 1 mặt và 20.000 đồng/tờ 2 mặt. Mua 5 tờ còn được tặng 1 tờ.
Loại đô vàng may mắn bán rất chạy trong dịp Tết Giáp Ngọ.
Phong, một sinh viên bán hàng tại ngã tư Tú Xương – Trương Định (quận 3), còn giới thiệu thêm do “tiền” in từ một khuôn nên có seri giống nhau là 68688686 và seri năm 1976. Nếu là tiền thật sẽ có giá rất cao.

Theo Người Lao Động

Bến xe khách vắng vẻ, đìu hiu ngày giáp Tết

(Kienthuc.net.vn) - Ngày 29 Tết, các bến xe khách tại Hà Nội chịu cảnh đìu hiu do phần lớn khách đã về quê từ trước đó nhiều ngày.

Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, lúc 10 - 11h sáng nay (29 Tết), thời điểm được cho là "giờ nóng" hằng năm nhưng ác bến xe khách tại Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên... lại lâm vào tình trạng rất vắng vẻ, trái hẳn với cảnh quá tải, chen chúc vài ngày trước đây.
Những vị khách tới bến xe hôm nay chủ yếu là người dân ngoại tỉnh, dân lao động không ổn định, người làm thêm, người phải trực Tết... Đối tượng học sinh, sinh viên do được nghỉ từ khá sớm nên đã trở về các địa phương từ nhiều ngày trước, người dân cũng vì ngại cảnh chen chúc, lèn người trên xe khách nên cũng tranh thủ về quê sớm.
 Sảnh chính, phòng bán vé tại bến xe Giáp Bát đìu hiu, không một bóng người trong buổi sáng ngày 29 Tết.
Theo quan sát của PV, bến xe Giáp Bát là nơi vắng vẻ nhất, khu vực sảnh chính, nhà chờ, phòng bán vé đìu hiu, chỉ xuất hiện lác đác một vài nhân viên. Trong bãi cũng rất ít người qua lại, các quán ăn, quán nước không có khách. Các tài xế chờ khách “dài cổ”, thậm chí có những chuyến xe đường dài như Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng... chấp nhận xuất phát mà trên xe còn rất nhiều chỗ trống.
Anh Tấn, phụ xe Hoàng Hà, cho biết, bến xe Giáp Bát năm nay khách chỉ đông đến mức cao điểm trong những ngày từ 23 – 26 Âm lịch, sau đó thưa dần và đến những ngày 29, 30 Tết thì gần như không có khách. Chuyến xe Hoàng Hà đi Thanh Hóa sáng nay cũng buộc phải đi tỉnh khác gần hơn bởi số lượng khách đi xe quá ít.
 Bãi đỗ xe tại Giáp Bát gần như không có khách. Xe dừng chờ khách từ sáng đến trưa nhưng nhiều chuyến vẫn phải hoãn hoặc đi tỉnh khác vì khách quá thưa thớt.
Dịp nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay đến sớm và kéo dài đến 9 ngày và ngoài xe khách cũng còn rất nhiều phương tiện khác giá rẻ, nhanh chóng, phục vụ tốt cho các đối tượng khách từ sinh viên đến dân lao động, do vậy số lượng người đi xe khách về quê ăn Tết năm nay giảm mạnh, có đông thì cũng chỉ tập trung vào những ngày đầu của kì nghỉ Tết. Đó là suy đoán của anh Huy, chủ xe Hải Vân về nguyên nhân dẫn đến sự vắng vẻ tại các bến xe những ngày cận Tết.
Anh Tú

Vận tải đáng sợ: xe máy lủng lẳng bên hông xe tải

29/01/2014 18:05 (GMT + 7)
TTO - Trưa 29 tết âm lịch, nhiều người đi đường qua huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) đều chú ý đến một chiếc xe tải đang “cõng” phía sau hai chiếc xe máy đu đưa, được cột tạm bợ bằng hai sợi dây.
Xe tải "cõng" hai xe máy
Vì xe tải chở đầy hàng nên hai chiếc xe máy chỉ còn cách treo như vậy. Không biết chủ nhân của hai chiếc xe máy có xót thương khi nhận hàng không khi đoạn đường qua miền Trung rất xấu, phải qua đèo Cả (nối Khánh Hòa và Phú Yên).
Cách chuyên chở này khiến nhiều người ngán ngẫm vì xe máy sẽ bị “bầm dập”. Quan trọng hơn là an toàn giao thông trên đường cũng rất đáng lo.
Từ TP. Hồ Chí Minh ra Bình Định, chúng tôi nhận thấy xe tải trên xuất phát từ Sài Gòn qua các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa…nhưng không thấy CSGT xuất hiện kiểm tra và xử lý.
Trong những ngày qua, CSGT các tỉnh miền Trung tập trung chủ yếu kiểm tra bằng lái của các bác tài xe khách hoặc các xe khách chạy quá tốc độ mà quên mất những chiếc xe tải kiểu này, chở quá nặng làm mặt đường đang bị sụt lún, nặng nhất là đoạn qua Ninh Thuận và Phú Yên.
PHẠM NGUYỄN

Ngày Tết và thân phận nông dân



image
Người nông dân và nghề phụ lúc nông nhàn đề kiếm thêm thu nhập
Người nông dân Việt Nam được mô tả là cố gắng tồn tại trong muôn vàn khó khăn của những năm khủng hoảng. Những người nông dân “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” đón Tết Giáp Ngọ như thế nào.
Nam Trung bộ
Kinh tế khó khăn khiến cho 140.000 người lao động ở thành thị không có tiền thưởng Tết Giáp Ngọ. Thế nhưng ở nông thôn, cả nước có đến hơn chục triệu hộ nông dân tương đương vài chục triệu người chưa khi nào có thưởng Tết, nếu hiểu theo nghĩa thu nhập ngoại lệ, tiền thưởng, tiền lương tháng thứ 13-14. Những người nông dân trồng hoa, trái cây vụ Tết thì vẫn cứ là công việc bình thường của họ.
Ở Phú Yên, một tỉnh nghèo ở Nam Trung bộ, mỗi hộ nông dân được cấp khoảng 500 m2 đất, thu hoạch hai vụ lúa thì chỉ là để có gạo mà ăn. Người nông dân phải làm mọi thứ nghề phụ lúc nông nhàn đề kiếm thêm thu nhập. Bác Hai một nông dân lớn tuổi nói với chúng tôi là nhiều gia đình nông dân của Phú Yên không có Tết, họ phải xuôi Nam đến các thành phố lớn để kiếm tiền trong dịp Tết, họ đi bán dạo như bán giấy số chẳng hạn. Bác Hai nói về ngày Tết ở quê nghèo Phú Yên:
“ Tết Giáp Ngọ này xét cho cùng thì tôi thấy thua Tết năm Quý Tỵ vừa rồi. Đồng ý có những người có điều kiện ăn Tết rộn rịp, nhưng mà mình nói cái mặt bằng chung vì người ta phấn đấu cho có công bằng xã hội mà, những người thiếu hoặc tạm đủ ăn chiếm 80%. Không khí Tết thì người ta cũng chộn rộn đi mua đi sắm. Thực tế có nhà thì có điều kiện ăn Tết bình thường, có những nhà phải đi vay nóng vay nguội để có cái Tết như những người khác, ngoài ngày người ta sẽ lo đi làm trả nợ. Những người nghèo quá thì nhà nước cũng có trợ giúp. Thí dụ hộ nghèo được 400.000đ, hộ cận nghèo 300.000đ nhưng cũng tùy theo huyện. Rồi họ có thiếu thốn thì vay mượn thêm để có một cái Tết tương đối vậy thôi.”
Nam Tây Nguyên
Tây Nguyên, nơi đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch cà phê xuất khẩu gần 3 tỷ USD niên vụ 2012-2013, nhưng Tết này giá cả cầm chừng ở mức 33.500đ/kg làm cho người trồng cà phê phải hạn chế bán, tức cũng hạn chế chi tiêu trong dịp Tết. Ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho nông dân cà phê từ Đắc Lắc phát biểu:
“ Tết thì nông dân cũng cố gắng sắm sửa ăn Tết theo như truyền thống ngày lễ của dân tộc. Còn về vấn đề mua sắm thì có phần hạn chế hơn, chi tiêu những khoản lớn người ta cố gắng đợi ra năm để được cái giá khả quan hơn. Mỗi nhà cũng bán vài tạ cà phê để trang trải chi tiêu cho ngày Tết truyền thống của mình. Bà con cũng đi mua sắm Tết, đi chợ Tết, chợ hoa các thứ. Nhìn chung đời sống của người dân mình không bằng một hai năm trước đây.”
image (1)
Một người nông dân dẫn trâu về đi dưới các lồng đèn đỏ Trung Quốc sản xuất treo ở làng Ước Lê ở ngoại ô Hà Nội cho Tết Nguyên đán ở Việt Nam. AFP
Theo thăm dò của hãng tin tài chính Bloomberg, nông dân Tây Nguyên dự kiến chỉ bán ra 33% lượng cà phê vừa thu hoạch xong trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Mức này thấp hơn 10% so với trung bình 5 năm vừa qua.
Một số người trồng cà phê ở Tây nguyên có xen canh trồng tiêu và chính lợi nhuận lớn từ giá tiêu cao ngất, đã giúp nông dân giữ lại cà phê chờ giá mà không phải bán hết để tiêu Tết. Câu chuyện ở Tây nguyên ít ra còn có được ít nhiều niềm vui, khi nông dân ở đây mừng xuân mới đón Tết Giáp Ngọ.
Đồng bằng sông Cửu Long
Tại một khu vực nông nghiệp xuất khẩu khác là đồng bằng sông Cửu Long, năm 2013 tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch giảm hơn 1 triệu tấn, chỉ đạt 6,61 triệu tấn trị giá 2,95 tỷ USD. Do vậy Việt Nam từ vị trí thứ nhì bị rớt xuống thứ ba trong danh sách các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cũng may gạo xuất tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc được cho là tới 1,5 triệu tấn, nên nông dân mới bán được hết lúa, mặc dầu tính chung giá cả thấp hơn năm 2012.
Nông dân Tám Cước ở đồng bằng sông Cửu Long nói về ngày Tết của gia đình ông và xóm giềng;
“ Đêm Giao thừa mình ở nhà cúng ông bà, cũng cầu nguyện cho quốc thái dân an gia đình mạnh giỏi làm ăn phát triển. Qua mùng 1-2-3 mình đi giao lưu với mấy gia đình dòng họ bà con bạn bè chúc Tết, mình không đi đâu xa. Nông dân năm nay ăn Tết không bằng năm ngoái bởi vì thu nhập năm nay bấp bênh quá.”
Cũng tại đồng bằng sông Cửu Long, những người nuôi cá tra được mô tả là tiếp tục thêm một cái Tết chạy ngược chạy xuôi đòi nợ doanh nghiệp. Họ đòi nợ tiền cá để có tiền trả nợ của mình, trước khi năm cũ kết thúc và may ra còn chút tiền ăn Tết.
Ông Sáu Học một người nuôi cá đã muốn bỏ nghề từ lâu nhưng nợ nần dây dưa khiến vẫn cứ phải gánh nợ trần ai cho con cá tra. Ông Sáu Học cho biết giá cá hiện nay 22.600đ/kg ngang ngửa giá thành.
Tình hình khó khăn lắm…Ở chợ cũng như ngoài đường lộ mấy ổng sửa soạn cũng có vẻ Tết lắm treo cờ khắp cả. Nhưng “phập” vô trong vườn thì vẫn vậy không thấy Tết gì trơn, hàng hóa đầy chợ nhưng ít người mua, bánh kẹo bán Tết, quần áo treo đầy nhưng có cái là dân ít chịu mua…
Ông Sáu Học
“Tết năm nay thì cũng như tết mọi năm cũng ráng kiếm tiền ăn Tết cho nó qua cái Tết…chứ tình hình kinh tế này không phát triển nổi, càng ngày càng thấy tiêu điều…Nếu mà kể thì thôi ‘hổng’ có nói nổi. Nhiều nhà Tết không có gạo ăn, mấy ông chánh quyền cũng chia sớt cũng cho hộ nghèo một mớ. Mấy ông khá giả ở chợ hay mấy ông có tâm từ thiện cũng cho mỗi người chục kg, 20kg gạo…Tình hình khó khăn lắm…Ở chợ cũng như ngoài đường lộ mấy ổng sửa soạn cũng có vẻ Tết lắm treo cờ khắp cả. Nhưng “phập” vô trong vườn thì vẫn vậy không thấy Tết gì trơn, hàng hóa đầy chợ nhưng ít người mua, bánh kẹo bán Tết, quần áo treo đầy nhưng có cái là dân ít chịu mua…tại vì dân không có tiền.”
image (2)
Một chị nông dân bán hoa đào ngày Tết. AFP
Nông thôn xứ đạo Hà Tĩnh
Xa hơn về phía Bắc, ở nông thôn Hà Tĩnh người dân ăn Tết như thế nào. Ông Nguyễn Hữu Vinh một nhà hoạt động xã hội dân sự phác họa bức tranh ngày Tết ở xóm đạo nông thôn. Ông nói:
“Ngày Tết là ngày người ta náo nức, trẻ con được dịp đó đi chúc tết ông bà người thân, thăm bạn bè… đây là một dịp lễ nghĩa. Vì điều kiện nông thôn người dân vất vả, hạn chế về thời gian nên Tết là một dịp cho họ. Người ta lo sắm bộ quần áo đẹp nhất để dành cho ngày Tết và thông thường đêm 30 Tết ở các xứ đạo có một Thánh lễ tập trung toàn thể giáo dân ở nhà thờ. Ngày xưa cũng như bây giờ thánh lễ đó là để chúc mừng tổng kết lại một năm âm lịch đón mừng năm mới và sau đó đón lộc xuân đầu năm mới, khi giao thừa đến với những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Sáng mùng một Tết ngày đầu tiên của năm mới có Thánh lễ rất long trọng để cầu nguyện cho đất nước, tổ tiên… giáo dân chúc mừng nhau giáo dân chúc mừng cha xứ…cha xứ chúc mừng giáo dân…Tất cả những thành tích tốt đẹp nhất được biểu dương trong buổi lễ này…”
Với những gì chúng tôi ghi nhận về ngày Tết của nông dân nông thôn ở một số nơi như Phú Yên, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và nông thôn xứ đạo Hà Tĩnh… tất cả ý kiến đều thể hiện truyền thống coi trọng ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc. Giàu nghèo sang hèn, có thể nói tất cả mọi người đều bằng cách thức của mình chào đón mùa xuân mới với hy vọng mọi sự tốt đẹp hanh thông hơn năm cũ.
THEO RFA


Tết nghèo của người dân thượng nguồn Quảng Ngãi



image (3)
Quầy bán chuối bồ hương ở chợ những ngày giáp Tết
Những người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi đang phải đón một cái Tết với nguyên tháng Chạp lạnh cắt da cắt thịt. Vì với người miền Trung, đặc biệt từ Quảng Ngãi trở vào, sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà họ quen chịu đựng là nắng nóng chứ không phải rét lạnh. Năm nay, chưa kịp hồi sức sau thiên tai, khí lạnh ùa về, ngày hết Tết đến mà hầu như không khí Tết ở các huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ vẫn chưa thấy gì. Đặc biệt, các xã ven sông Vệ như Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, sự đói khổ hiện ra rõ nét.
Quà cứu trợ bị cắt xén
Một người dân xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành kể với chúng tôi:“ Heo, gà… mất hết rồi lấy gì đâu còn, có gì mà vui. Tiền bạc không có, không có gì mua đồ ăn Tết ấy chứ, sau ngập lụt tới giờ còn gì, không có mua gì đâu, không có tiền đâu. Còn đường thì khỏi nói, bụi ngập đầu, thì cái phù sa hồi xưa để lại, giờ nó khô, đi xe thì nó ngập thôi. Không khí Tết không có gì cả, nguyên cả chòm (xóm) lụt, gà vịt chết hết, ra Tết còn chưa làm lại được đâu.”
Anh này cho biết thêm là năm nay, nguy cơ ăn một cái Tết đói ở đây rất cao. Tuy nhà nước có cứu trợ, cứu đói cho bà con nhưng thực chất chỉ cứu trợ, cứu đói qua loa bằng vài gói mì tôm, vài chai nước mắm, vài hai dầu và vài ký gạo. Mà các món quà cứu trợ vừa nói cũng do các đơn vị cá nhân đến địa phương ủy thác cho nhà nước phân phát. Chính vì sự khó khăn trong đi lại để cứu trợ, chính quyền địa phương nhúng quá sâu vào hoạt động cứu trợ nên tiêu cực bùng phát đầy rẫy khắp nơi.
Bằng chứng của những thứ tiêu cực này là ngay cả chủ tịch xã Hành Tín Tây tuy vừa trải qua lũ lụt, bà con nhân dân không có cái để sống, vậy mà ông chủ tịch xã đã mang quà đến tặng chủ tịch huyện với giá trị phần quà không dưới mười triệu đồng. Số tiền để mua quà đương nhiên là trích ra từ ngân sách xã. Trong khi chủ tịch huyện thừa mứa quà Tết, với số tiền mười triệu đồng sẽ cứu được ít nhất là hai mươi gia đình có cái để bỏ vào bụng trong ba ngày Tết. Thế nhưng, chủ tịch xã đã không chọn bà con nông dân mà chọn tặng quà cho cấp trên bằng chính nguồn tiền rên xiết của dân nghèo.
Một người nông dân khác, yêu cầu giấu tên, nói với chúng tôi rằng tuy dân nghèo thế, đói thế nhưng riêng chủ tịch xã, bí thư xã cùng bộ sậu chủ chốt cấp xã vẫn ăn nhậu mỗi ngày, vẫn dắt nhau đi quán sang và Tết về, rượu bia ngập lối đi của họ, ngay cả thức ăn của chó nhà chủ tịch xã cũng còn ngon hơn thức ăn của người dân khó khăn.
Anh này tỏ ra bức xúc khi nhắc đến chuyện cứu đói ngày Tết, vì lẽ, mỗi khi có cứu trợ, cán bộ địa phương đã tranh thủ sự mất mát của bà con để làm giàu, phè phỡn. Và mỗi đợt cứu trợ, cán bộ địa phương giàu ra trông thấy. Bây giờ, lại thêm Tết này, nghe đâu có cứu trợ gạo từ trung ương xuống cho bà con dân nghèo, vậy là thêm một lần nữa, bà con phải ngóng chờ còn các quan thì chễm chệ như một ông trời đang ban phát cho dân.
image (4)
Sau trận lụt vừa qua bùn non đọng khắp nơi gây rất nhiều trở ngại cho bà con. RFA
Cách làm việc tắc trách của giới quan chức địa phương khiến cho không ít người bất bình, nhất là nhiều gia đình nghèo rớt mùng tơi vì thiên tai đã cuốn sạch nhiều thứ của họ nhưng lại không được xếp vào diện hộ nghèo vì nhà họ có xây tường bằng gạch. Trong khi đó, suất quà của bà con hoàn toàn không đúng với giá trị ban đầu từ bên trên rót xuống hoặc các nhà tài trợ đưa về.
Cái Tết nghèo hiện ra rõ nét
Một người dân xã Hành Tín Đông, thuộc huyện Nghĩa Hành, yêu cầu giấu tên nói với chúng tôi là năm nay, chỉ có các quan chức địa phương mới đón một cái Tết no lưng ấm cật, còn bà con nghèo thì vật vã với Tết vì không có gì để ăn. Vì mùa màng chưa vào vụ thu hoạch, chỉ mới được gieo trồng, còn phải lo để dành tiền mà ra Giêng chăm bón cây, có như vậy mới hy vọng mùa sau mang lại chút lương thực mà sống tiếp.
Hiện nay, những con đường vào các xã ở Nghĩa Hành vẫn còn đọng một lớp bùn non khá dày, trời mưa thì lầy lội, dơ dáy, trời nắng thì bụi bặm, nguy cơ bệnh đường hô hấp rình rập. Có nhiều gia đình, sau trận lụt kinh hoàng vào cuối năm 2013, họ chỉ còn mỗi một tấm chăn để đắp, tấm chăn trở thành vật cứu tinh giúp gia đình họ chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt tháng Chạp.
image (5)
Không thấy một dấu hiệu gì cỏ vẻ Tết tại đa số nhà dân ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. RFA
Một người nông dân khác, tên Trần Xí, buồn bã nói với chúng tôi rằng vấn đề tài sản của bà con bị mất sau lụt 2013, có lẽ phải ba, bốn năm sau mới bù đắp nổi nếu như cả gia đình lao động cật lực và những năm sau này không có thiên tai như năm vừa qua. Với mức thu nhập bình quân đầu người không tới 200 ngàn đồng mỗi tháng từ nghề nông, hiếm có người nào làm nông mà không bị đói khổ trong Tết.
Anh Xí bày tỏ thêm nguyện vọng tha thiết được cứu trợ từ những nhà hảo tâm, vì với bà con bây giờ, cứu trợ nhà nước chẳng thấm béo vào đâu, hơn nữa bà con cũng cần những thức quà mà các nhà hảo tâm trao tận tay, có như vậy, phần quà mới tròn trịa và không bị cắt xén. Hiện tại, đã có nhiều gia đình bôn tẩu làm thuê làm mướn ở miền Nam kể từ ngày sau lũ. Và họ có gọi điện về bà con, báo rằng Tết năm nay không về quê được bởi vì tiền tích lũy quá ít, nếu về ăn Tết xong, việc đi tàu xe vào lại miền Nam sẽ rất khó.
Chúng tôi thử ghé vào một nhà đang ăn cơm trưa, đóng vai người đi mua gỗ cây xá xị về làm tượng và bắt gặp một bữa ăn đạm bạc của gia đình ông Khả. Một gia đình gồm năm người, ngồi quây quanh mâm cơm với một quả trứng vịt luộc dầm nước mắm, một dĩa rau lang luộc và một nồi cơm lưng. Những đứa bé trong nhà ốm yếu, xanh xao đến tội nghiệp vì thiếu ăn.
Chủ gia đình này cho chúng tôi biết thêm là ông đã chuẩn bị Tết bằng một ang nếp để dành từ mùa trước. Ngày 29 Tết này, ông sẽ hong lá chuối để gói bánh Tét cúng ông bà, tổ tiên, chỉ cần chừng đó là đủ. Ba ngày Tết của gia đình ông sẽ có duy nhất món bánh tét và dưa kiệu. Với hoàn cảnh hiện tại của ông, như vậy là quá đủ rồi, chứ còn nhiều người không có cái gì để ăn ba ngày Tết nữa kia!
Nói đến đây, ông tiếp tục nhai kĩ và nuốt cơm, gương mặt ông hơi cúi xuống như đang giấu đi nỗi buồn. Chúng tôi tạm biệt gia đình ông Khả. Và còn nhiều, rất nhiều gia đình như thế, một cái Tết lạnh đang chờ họ!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
THEO RFA