Thursday, April 11, 2019

Có phải ‘an ninh mạng’ đã bỏ lỡ những ‘hiện tượng xấu’ trên mạng?

Trung Khang, RFA-2019-04-10 
Trần Ngọc Phúc tức Phúc XO, người nổi tiếng với việc đeo 13kg vàng, sở hữu những chiếc xe hơi và mô tô mạ vàng.
 Trần Ngọc Phúc tức Phúc XO, người nổi tiếng với việc đeo 13kg vàng, sở hữu những chiếc xe hơi và mô tô mạ vàng.  Photo courtesy of Phúc XO
Công an TPHCM vào ngày 10 tháng 4 năm 2019 vừa bắt giữ Trần Ngọc Phúc tức Phúc XO, người nổi tiếng với việc đeo 13kg vàng, sở hữu những chiếc xe hơi và mô tô mạ vàng. Không chỉ có 1 kênh Youtube, Phúc XO còn kéo theo mình hàng chục youtuber quay phim, phỏng vấn, trò chuyện… Phúc XO sẵn sàng kể về vàng, xe, về con ngựa mạ vàng đặt trước cửa quán Karaoke XO Pharaon của anh. Lý do bắt giữ Phúc XO, theo cơ quan chức năng để làm rõ hành vi tổ chức sử dụng ma túy tại tụ điểm kinh doanh của ông.
Trước đó, hôm 3 tháng 4 năm 2019, ‘Khá Bảnh’ với tên thật là Ngô Bá Khá, ở Bắc Ninh, là nhân vật “nổi tiếng” trên mạng xã hội những video phát ngôn và hành động tiêu cực như đập phá và đốt xe máy.v.v… chủ kênh Youtube có 2 triệu người đăng ký theo dõi đã bị Công an Quảng Ninh bắt, khởi tố với tội danh tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép.
Ngoài vụ việc ‘Khá Bảnh’ và Phúc XO; nhiều cư dân mạng cũng chú ý đến trường hợp nhân vật Dương Minh Tuyền, mệnh danh ‘thánh chửi’. Nhân vật này cũng có kênh YouTube với hàng ngàn người hâm mộ theo dõi.
Vì sao những hình ảnh như vậy lại được hàng triệu bạn trẻ theo dõi và hâm mộ. Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 4 năm 2019, Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nhận định:
Người ta vẫn thích bởi vì một góc độ nào đấy thì những người đấy lại tỏ ra rất hảo hớn, theo cái nghĩa anh hùng hảo hớn ngày xưa cứ thấy ‘cứu được người này, đe được người kia’…
-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương
“Tôi nghĩ cách giới trẻ họ hâm mộ những người như thế là theo phong trào thôi, chứ nhiều khi họ cũng không suy nghĩ kỹ thế nào là tốt hay xấu đâu, mà cứ vui là được, đó là hiệu ứng đám đông. Có khi hôm nay hòa vào đám đông vui thế, nhưng đến mai thì lại người ta cũng quên luôn người ấy là người nào? Ngoài ra cũng có thể người ta cũng biết những người đó là tốt theo đúng cái nghĩa mà xã hội chính thống tuyên truyền. Nhưng người ta vẫn thích bởi vì một góc độ nào đấy thì những người đấy lại tỏ ra rất hảo hớn, theo cái nghĩa anh hùng hảo hớn ngày xưa cứ thấy ‘cứu được người này, đe được người kia’…”
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, đây cũng một phần là lỗi của xã hội khi mà lực lượng chức năng, lực lượng chính thống mà không thể nào lo hết mọi khía cạnh trong đời sống. Xã hội còn nhiều bất công:
“Vẫn còn những người yếu bị bắt nạt, vẫn còn những kẻ mạnh có thể đàn áp, dùng bạo lực để đàn áp người yếu thế chẳng hạn, trong khi đó thì xã hội lại không bênh vực, hoặc cơ quan chức năng thì không bảo vệ. Những trường hợp như vừa nói thì người ta thấy những thế lực này có thể giải quyết cái nhu cầu bức xúc của người ta, thì người ta tung hô.”
Một sinh viên trường Đại học Tây Bắc không muốn nêu tên thì cho rằng, có lẽ những bạn trẻ này muốn nổi, muốn thể hiện tâm lý bản thân, nên đua đòi làm theo:
“Cái này thì cũng đương nhiên thôi anh, cái gì nổi thì người ta chia sẻ, hâm mộ như vậy… Nhưng riêng bản thân em thì em cũng không thích mấy cái như vậy, em cũng chưa bao giờ hâm mộ những trường hợp như Khá Bảnh, đó là những trò tiêu cực của xã hội mà họ cứ đăng lên mà giới trẻ lại thích. Em không hiểu sao họ lại thích?”
Theo bạn sinh viên này, chỉ một phần giới trẻ mới ủng hộ việc này chứ không phải đa số, chẳng hạn như bạn bè cùng trang lứa với Anh thì không như vậy.
Sau khi hiện tượng của những Khá “bảnh” Dương Minh Tuyền, Phúc XO nổi đình đám trên mạng xã hội và gần đây gây ra nhiều phản ứng trái chiều, các trang mạng xã hội của những nhân vật này lập tức bị gỡ bỏ.
Ngô Bá Khá tức ‘Khá Bảnh’ (ngồi) khi chưa bị bắt.
Ngô Bá Khá tức ‘Khá Bảnh’ (ngồi) khi chưa bị bắt. Courtesy photo.
Cụ thể, sau khi kênh YouTube 2 triệu lượt đăng ký của Khá Bảnh bị YouTube xóa, thì đến ngày 3/4 fanpage Facebook với nửa triệu lượt theo dõi của nhân vật này cũng bị tạm khóa.
Ngay khi vừa bị bắt, Facebook chính thức của Phúc XO đã không còn hoạt động. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên RFA, cho đến sáng ngày 11 tháng 4 năm 2019,  kênh YouTube ‘Phúc XO’ vẫn còn tồn tại.
Nhưng điều đáng chú ý là các trang mạng xã hội của các nhân vật này dù bị báo chí nói là có nhiều hình ảnh, lời lẽ phản cảm, có tác động xấu lên xã hội nhưng vẫn được hoạt động trong một thời gian dài. Trong khi đó những kênh youtube, trang facebook của các nhà hoạt động xã hội và nhân quyền thường xuyên bị báo cáo, bị treo như trường hợp của blogger Nguyễn Thiện Nhân, trang Facebook của nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội cũng bị gỡ bài.v.v…
Nhận định về vấn đề này, từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS tự giải thể, đưa ra nhận định:
“Họ chỉ tập trung vào một cái chuyện mà họ cho rằng nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ, ảnh hưởng đến cái ghế của họ, cái mà họ gọi là an ninh quốc gia. Họ tìm cách đàn áp một cách khốc liệt nhất đối với những người mà họ cho là như thế. Trong khi những chuyện khác, những sự đồi bại của xã hội, những ảnh hưởng kỳ lạ bất thường, thì đối với họ không phải là mối quan tâm hàng đầu. Tất nhiên là đến một lúc nào đấy, xã hội phản ứng một cách khá là mạnh mẽ thì lúc đó họ để ý đến một chút, thế thôi. Nhưng cái trọng tâm của họ là việc bảo vệ sự tồn vong của đảng, của chế độ này, không chỉ là vấn đề an ninh mạng, mà trong tất cả mọi hoạt động.”
Họ chỉ tập trung vào một cái chuyện mà họ cho rằng nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ, ảnh hưởng đến cái ghế của họ, cái mà họ gọi là an ninh quốc gia.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Theo Báo Tuổi Trẻ Online đăng ngày 25/12/2017, Đội ngũ an ninh mạng 'hùng hậu' của Việt Nam mang tên Lực lượng 47 với hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên”, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao…
Theo Báo Quân đội Nhân dân, tính đến hết tháng 6 năm 2018, theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, Google đã gỡ bỏ 6.700 video clip ra khỏi Youtube, trong đó có gần 300 video clip theo cơ quan chức năng Việt Nam là có nội dung phản động, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và 6 kênh Youtube đã bị chặn hoàn toàn... Ngoài ra Facebook cũng đã gỡ bỏ gần 1.000 đường link, khóa hàng trăm tài khoản bị cho là có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết thêm:
“Bởi vì đầu óc của họ đã sơ cứng ở một cái thời cách đây 50 năm, 70 năm, và đến bây giờ họ vẫn tư duy như thế. Họ không lưu ý gì đến cái chuyện sự phát triển của công nghệ, sự phát triển của xã hội và những tâm lý của trẻ em bây giờ nó như thế nào, và họ để những cái chuyện như vậy nó xảy ra. Tôi nghĩ chắc không phải là một chiến dịch bắt bớ như vậy, mà họ thấy những người như thế, như ‘Khá Bảnh’ chẳng hạn, mà có hàng triệu trẻ em theo là nguy hiểm đối với họ thì họ phải dẹp thôi, thu hút được số đông người quan tâm thì họ phải dẹp thôi.”
Theo báo cáo của Digital Marketing trích số liệu từ We are social. Năm 2018 Việt Nam có hơn 96 triệu dân, thì có đến 64 triệu dân sử dụng internet và 55 triệu người dùng mạng xã hội.

Giá của ký ức

Theo RFA-Tuấn Khanh/2019-04-10  
Hình minh họa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa và bài thơ trong sách học của học sinh
 Hình minh họa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa và bài thơ trong sách học của học sinh-Courtesy of FB, RFA edit
Trong những ngày này, trên các trang mạng đang lan truyền các bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa được dùng trong sách giáo khoa, được cho là nằm trong tập Tiếng Việt và Toán lớp 2, tập 2, NXB Giáo dục, dùng cho học sinh toàn Việt Nam.
Cảm xúc hay tuyên truyền?
Nhưng rồi đọc những vần thơ của ông Trần Đăng Khoa trên sách giáo khoa ấy, thật sửng sốt, và hơn nữa, "thơ" lại còn giúp mở ra những điều nghi hoặc về một vùng tối trong lịch sử cách mạng.
“Bệnh viện vừa truy điệu bác chiều nay
Nhưng bác chỉ yên nghỉ ban ngày
Chứ ban đêm là bác rời linh cửu
Bác chào chú lính gác
Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới
Để chăm sóc trẻ em
Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện” (trích)
Trích trang sách học có thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa
Trích trang sách học có thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa Courtesy of FB, blogger Tuấn Khanh
Những câu văn tuyên truyền vặt và nhảm nhí như vậy được đưa vào sách giáo khoa, đem lại một cảm giác đau đớn cho các thế hệ sau của Việt Nam, những đứa trẻ bị tù đày trong cái gọi là "trí tuệ xã hội chủ nghĩa" như vậy. Thật đáng thương.
Đọc thơ, lại dấy lên một nghi vấn về một vụ lobby tinh thần chính trị, được dựng lên để mê mị người dân miền Bắc trong những ngày tháng bị dẫn dắt vào cuộc chiến tranh thống khổ. THậm chí, "thần đồng" có thể là một nghi án về văn chương, cần được thảo luận rộng rãi để làm rõ hơn.
Một nền giáo dục nát, và cả những con người nhân danh giá trị giáo dục, cũng nát – đang hiện rõ từ sách giáo khoa của con trẻ Việt Nam như vậy.
Ký ức có màu gì?
Nhưng có vẻ chạm vào thơ của Trần Đăng Khoa, là chạm vào ký ức của rất nhiều người miền Bắc đã từng sống ở đó trước tháng 4-1975. Cũng có một ít người công khai lên tiếng phản đối việc tôi bất bình với sách giáo khoa và giá trị "thần đồng" của ông được dùng trong sách, mà danh hiệu ấy vốn được chính quyền VNDCCH tuyên tặng rất trân trọng trong thời mở cuộc chiến vào miền Nam.
Ký ức của chúng ta luôn đẹp. Nhưng đôi lúc, ký ức chất chứa các giá trị được giảng rao vào lúc tri thức và thông tin khó khăn, khan hiếm, rồi cũng đến lúc chúng tự thú về các giá trị mang tính tạm dung - chuyên chở trong một giai đoạn.
Sự phản đối từ cách rất trí thức cũng như vô học của các ý kiến, cho thấy sự khác biệt văn hóa và tư duy rất lớn của 2 bên vĩ tuyến 17.
Miền Nam, nếu có ai đó đó đòi xét lại giá trị nghệ thuật của Nguyễn Du, điều đó sẽ mở ra những cuộc tranh cãi mang tính tri thức chứ không phải là việc giành giật cho những điều được ấn định trong tư duy, nhất định không thể thay đổi. Dù không có ý phân biệt vùng miền, hay kỳ thị, nhưng tôi nhận ra rằng không ít những anh chị bạn bè ở phía Bắc không dám thay đổi những giá trị trong ký ức mà họ đã được giáo dục, hay tệ hơn là những trường hợp từng bị gọi là nhồi sọ.
Người miền Nam có thể rất thích âm nhạc Trịnh Công Sơn nhưng đồng thời cũng có thể chỉ ra bất kỳ bài hát nào đó của ông để chê trách không tiếc lời. Thậm chí những quan điểm không đánh giá cao Truyện Kiều của Nguyễn Du hay Nhật Ký Trong Tù của Hồ Chí Minh đều được trao đổi, chia sẻ một cách hết sức bình thường.
Dĩ nhiên, đó là nói về công chúng và giới trí thức thừa hưởng tinh thần dân chủ và tự do ngôn luận được thừa hưởng từ 2 nền Cộng hòa của chính quyền miền Nam VNCH. Còn về giới trí thức đã quen o ép trong khung tư duy của chế độ độc tài thì không cần phải bàn.
Riêng về trường hợp của thần đồng Trần Đăng Khoa, cũng có rất nhiều lời xì xầm và chuyện những bài thơ xuất sắc của ông đã nhận được sự chỉnh sửa của nhà thơ Xuân Diệu và Chế Lan Viên, vốn là những bậc thầy về ngôn ngữ mà mục đích để tạo dựng một điểm tựa văn hóa tinh thần, và rồi sau đó được sử dụng trong tuyên truyền chính trị rất nhiều.
Dĩ nhiên, lời đồn đãi thì không thể kiểm chứng, nhưng những sự khác biệt cơ bản giữa những bài thơ xuất sắc của ông và những bài thơ thường ngày sau đó khiến cho người ta phải suy nghĩ rất nhiều. Khoảng cách thật xa.
Đặc biệt những giá trị "thần đồng" đó đã không thể nối dài, vào lúc nhà thơ đã trở thành một người chín chắn hơn, nhiều tri thức hơn, và trải đời hơn.
Ký ức thật quan trọng, nhưng ký ức không thể chỉ là bức tranh treo tường đầy màu sắc, mà đôi khi cũng cần được nhìn lại nội dung đó, mảng màu đó mang ý nghĩa gì với đời mình.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu  Tự Do

Quân đội Sudan lật đổ chế độ độc tài cầm quyền suốt 30 năm

Người dân Sudan vui mừng khi nghe tin chế độ độc tài Omar al-Bashir bị lật đổ. (Hình: AP Photo)
KHARTOUM, Sudan (AP) — Quân đội Sudan hôm Thứ Năm, 11 Tháng Tư, lật đổ chính quyền của Tổng Thống Omar al-Bashir, trong khi có thêm người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chế độ độc tài cầm quyền đã 30 năm này, cũng như tình trạng kinh tế ngày càng kiệt quệ.
Tuy nhiên, thành phần tranh đấu đòi dân chủ lại phải thất vọng và giận dữ khi bộ trưởng quốc phòng loan báo quân đội sẽ cầm quyền trong hai năm tới.
Chế độ al-Bashir bị lật đổ chỉ khoảng một tuần lễ sau khi có các cuộc biểu tình phản đối ở Algeria buộc nhà lãnh đạo lâu năm ở quốc gia này là Abdelaziz Bouteflika phải từ chức.
Các quan sát viên cho rằng những điều đang xảy ra có thể là đợt nhì của các cuộc biểu tình trên đường phố tám năm trước đây sau các cuộc nổi dậy gọi là “Mùa Xuân Ả Rập”, trong đó một số chế độ lâu năm ở vùng Trung Đông bị lật đổ.
Tuy nhiên, cũng như đợt đầu của các phong trào quần chúng nổi dậy vào năm 2011, những phong trào hiện nay cũng phải đối đầu với cùng nỗi khó khăn: đó là việc phải đối phó với tình thế sau khi chế độ độc tài sụp đổ
Thành phần lãnh đạo biểu tình ở Sudan nhanh chóng lên án việc quân đội nắm chính quyền và khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc xuống đường cho tới khi một chính phủ dân sự chuyển tiếp được thành lập.
Hàng chục ngàn người biểu tình kéo đến tập trung ngay trước cửa Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sudan, ngay tại trung tâm thủ đô Khartoum.
Họ phản đối Bộ Trưởng Quốc Phòng Awad Mohammed Ibn Ouf, người cũng bị chính phủ Mỹ trừng phạt vì có liên hệ đến các hành động tội ác chiến tranh ở Darfur trước đây. (V.Giang)

Tòa Trọng Tài Quốc Tế: Ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện chính phủ Việt Nam hơn $37 triệu

Cát Linh/Người Việt
Ông Trịnh Vĩnh Bình trước Tòa Án Quốc Tế năm 2017. (Hình: Tường An)
PARIS, Pháp (NV) – Sau hơn 20 năm theo đuổi vụ kiện chính phủ Việt Nam, doanh nhân Hòa Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình vừa được Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế (ICC) gửi thông báo thắng kiện.
Theo đó, chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tổng cộng $37,581,596 thiệt hại và gần $7.9 triệu án phí.
Nguồn tin này được ông Trịnh Vĩnh Bình cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) biết ngay sau khi nhận được thư của ICC. Một số trang cá nhân của các blogger ở Việt Nam cũng lan truyền sự việc này. Truyền thông Việt Nam chưa nhắc đến.
Chính phủ Việt Nam vi phạm
Trong thông báo gần 200 trang VOA nhận được từ ICC, ghi rõ: Bên bị đơn (chính phủ Việt Nam) đã vi phạm Điều khoản 3(1) về Đối xử Công bằng và Thỏa đáng, và Điều 6 về trưng thu trong Hiệp Định Khuyến Khích và Bảo Hộ Đầu Tư Lẫn Nhau giữa Vương Quốc Hòa Lan và nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Thông cáo của tòa ICC. (Hình: VOA)
Trả lời phỏng vấn VOA, ông Trịnh Vĩnh Bình xúc động nói: “Qua hơn 20 năm tranh đấu để đòi lại công lý, tôi thấy con đường Tòa Án Quốc Tế là rất tốt. Họ rất công tâm. Họ xử trắng ra trắng, đen ra đen. Cho nên về mặt luật pháp, công lý thì vụ này là rất rõ ràng. Tòa án đã cho mình thấy là những gì mình trông đợi ở tòa án để cảnh báo chính phủ Việt Nam về những việc làm sai trái của họ, những gì đang xảy ra hằng ngày ở Việt Nam và vẫn đang tiếp tục xảy ra, thì họ phải điều chỉnh lại.”
Ông hy vọng rằng vụ kiện của ông sẽ mở ra một con đường cho những người dân khác mất đất đai, tài sản tại Việt Nam muốn giành lại công lý.
Điều này được blogger Lê Nguyễn Hương Trà đề cập trong bài viết mới nhất trên facebook cá nhân về vụ thắng kiện: “Mới nhất là vụ ồn ào lô hàng 700 chiếc BMW 15 triệu Euro nhập khẩu không được thông quan hồi 2016 – liên quan đến Euro Auto và nhiều người bị bắt hình sự; đã bị tập đoàn Sime Darby, Malaysia, khởi kiện và giành thắng lợi ngoài nước. Phía Việt Nam đã phải trả lại xe, tái xuất và hoàn lại thuế.”
“Hồi 2014 là vụ nhà đầu tư Pháp DialAsie kiện chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh Viện Quốc Tế Thận và Lọc thận tại TP.HCM. Năm 2017 có hai vụ kiện của 2 nhà đầu tư nước ngoài là Saigon Metropolitan và Recofi. Vụ Metropolitan ông Bộ Tư Pháp cùng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương họp báo bảo giải quyết xong. Nhưng theo dõi sẽ thấy vụ này rất là… gân gà khó nuốt, cũng có khả năng lại bị kiện tiếp,” Lê Nguyễn Hương Trà viết trên Facebook của cô.
Hơn hai năm trước
Hơn hai năm trước, Tháng Chín, 2017, trước khi phiên tòa diễn ra, khi còn được tiếp xúc với truyền thông một cách đúng luật, ông Trịnh Vĩnh Bình từng bày tỏ rằng ông tự tin sẽ thắng kiện trong vụ tái khởi kiện lần thứ hai vì ông đã thực hiện đúng Hiệp Thương giữa Hòa Lan và Việt Nam. Ông cho biết là một doanh nhân sống và làm việc lâu năm ở Hà Lan, ông rất tôn trọng và giữ đúng những vấn đề liên quan đến luật lệ, khai thuế…
Trước đó, theo tiết lộ từ Giáo Sư Nguyễn Vi Khải – thành viên Ban Nghiên Cứu, Cố Vấn Thủ Tướng Phan Văn Khải khi đó, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển (VIDS) cho biết: “Thủ tướng có văn bản gửi xuống cho các ngành an ninh, bộ trưởng công an lúc đó là ông Lê Minh Hương, để xem xét sự việc và tìm nguyên nhân giải quyết theo luật pháp. Khoảng hai lần thủ tướng yêu cầu Bộ Công An giải trình.”
Bộ sưu tập xe của ông Trịnh Vĩnh Bình. (Hình: Trịnh Vĩnh Bình)
Tuy nhiên những cam kết không được phía Việt Nam thực hiện nên đến năm 2014, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định kiện Việt Nam lại lần nữa. Và lần này ông thuê Hãng Luật Hoa Kỳ King & Spalding LLP cãi cho ông.
Vụ án doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện chính phủ Việt Nam từng được xem là một vụ kiện thế kỷ chưa từng xảy ra trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Thời điểm đó, dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm đến vụ việc ông tái khởi kiện nhà nước Việt Nam, yêu cầu bồi thường hơn $1 tỷ do những oan sai mà ông đã nhận.
CSVN “cướp” trắng trợn
Vào đầu những năm 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình từ Hòa Lan về Việt Nam đầu tư vào một số dự án ở Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam.
Cho đến năm 1998, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt ông Trịnh Vĩnh Bình với cáo buộc đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý-bảo vệ đất đai. Ông bị tuyên án 11 năm tù sau đó và tòa buộc ông Trịnh Vĩnh Bình phải đóng tiền phạt và tịch thu toàn bộ tài sản của ông ở Việt Nam.
Vào năm 2000, ông vượt thoát khỏi Việt Nam trở về lại Hòa Lan.
Năm 2003, ông Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện nhà nước Việt Nam tại Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại ở Stockholm, Thụy Điển, đòi bồi thường trên $150 triệu.
Tuy nhiên, Việt Nam đã thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình để ngưng vụ kiện và cam kết trả lại tài sản cũng như tạo điều kiện để ông Trịnh Vĩnh Bình trở lại đầu tư ở Việt Nam. Nơi diễn ra cuộc thương lượng năm đó là Singapore.
Cũng hơn hai năm trước, khi nói về vụ kiện này, Giáo Sư Tạ Văn Tài, cựu giảng viên luật trường Đại Học Harvard, từng đưa ra dự đoán: “Khả năng thắng kiện là có.”
Giáo Sư Tài giải thích rằng: “Cái thế mạnh về thủ tục của ông Trịnh Vĩnh Bình là ổng đã đầu tư dựa vào Hiệp Định Thương Mại Đầu Tư giữa Việt Nam và Hòa Lan. Hiệp định này chắc chắn đã quy định rằng nếu có tranh chấp thì đưa ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế. Ông ấy đi theo đúng hiệp định đó mà làm vụ kiện nên có những đường đi chắc chắn về thủ tục.” (Cát Linh)

Luật Đất Đai bị lùi đến 2020, nhiều phận người sẽ ‘màn trời chiếu đất’

Bà Cấn Thị Thêu (thứ ba, trái qua), người từng đi tù vì đấu tranh giữ đất Dương Nội, đến thăm dân làng Đồng Tâm. (Hình: Facebook Nguyen Anh Tuan)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều vấn đề phức tạp đặt ra trong quản lý đất đai khiến Chính Phủ CSVN “xin rút dự án sửa đổi Luật Đất Đai ra khỏi chương trình làm luật năm 2019”, theo báo Tuổi Trẻ.
Luật Đất Đai là khởi nguồn của các vụ tranh chấp đất đai nổ ra trên khắp ba miền. Những vụ nổi bật trong các năm gần đây là Dương Nội, Đồng Tâm và Thủ Thiêm.
Báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hồi Tháng Tám, 2018, viết: “Luật Đất Đai 2013 có kẽ hở, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thâu tóm đất đai, trục lợi trong công tác giải phóng mặt bằng với giá đền bù thấp. Chính vì không rõ ràng ở khái niệm ‘phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng’ đã và đang là kẽ hở để các nhóm lợi ích lợi dụng. Những dự án phát triển kinh tế-xã hội thuộc diện thu hồi đất thỏa thuận với người dân theo quy định ở Điều 73 Luật Đất Đai 2013 có thể bị ‘phù phép’ trở thành những dự án do Nhà Nước thu hồi đất dựa trên khái niệm ‘lợi ích quốc gia.”
Đáng lưu ý, trong dịp này, không chỉ có Luật Đất Đai bị ‘ách’ lại mà các luật được cho là gắn liền với nhân quyền của người dân như Luật [lập] Hội, Luật Biểu Tình và Luật Đặc Khu cũng đang phải “chờ xin ý kiến Bộ Chính Trị” trước khi được bàn thảo tại Quốc Hội.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, người từng đưa tin độc lập về vụ Đồng Tâm vào hai năm trước, bình luận trên trang cá nhân hôm 11 Tháng Tư: “Chính Phủ vừa chính thức lùi thời hạn sửa Luật Đất Đai, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều phận người Việt màn trời chiếu đất chỉ sau một đêm như lâu nay, và rất nhiều người khác phải tiếp tục quằn quại trong uất ức cuộc đời do chứng kiến ruộng đất mồ hôi xương máu của mình bị quan quyền cưỡng đoạt bằng con dấu và chữ ký, mà kỳ thực là dùi cui và súng đạn.”
“Nhưng mặc cho áp chế của cường quyền, mặc cho bạo ngược của súng đạn, một khi dám cùng nhau đứng thẳng như người Đồng Tâm và người Dương Nội, chắc chắn hoa vẫn sẽ đơm, trái vẫn sẽ kết trên đất của mình. Đúng vậy, trên đất-của-mình,” ông Tuấn viết. (T.K.)

Mười hai người ra tù sau 10 tháng vì tội ‘chống Luật Đặc Khu’

Một trong 12 người đi tù về được gia đình chào đón. (Hình: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hôm 10 Tháng Tư, 12 nam thanh niên, phụ nữ Biên Hòa được phóng thích sau 10 tháng đi tù vì tham gia biểu tình ôn hòa phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh ghi nhận trên trang cá nhân: “Các cháu đã trở về nhà trong niềm vui đoàn tụ của gia đình, làng xóm, tràn ngập hoa và tiếng cười. Các cháu càng vui hơn khi biết rất được mọi người quan tâm, đặc biệt vinh dự được nhận giải thưởng Trần Văn Bá, giải thưởng dành cho những người ở quốc nội đang trực diện, bất chấp hiểm nguy, đòi hỏi và đẩy mạnh tự do, công lý và bảo toàn lãnh thổ cho Việt Nam. Các cháu đều hiểu và tự hào rằng tù đày là vinh quang.”
Danh sách này gồm các anh chị: Nguyễn Thị Trúc Anh, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Ngọc Huyền, Đinh Mã Phong, Hồ Công Duy, Diệp Út Tiền, Đoàn Văn Thưởng, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thanh Toàn…
Hầu hết trong số này là phụ nữ và ở độ tuổi 20. Họ là những công nhân và người buôn bán bình thường đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai, đi biểu tình vì “muốn thể hiện thái độ và trách nhiệm công dân của mình trước hiểm họa nguy hại cho đất nước của Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng, theo trang trang Nhật Ký Biểu Tình.
Những người nêu trên nằm trong số 20 người bị bắt trong ngày biểu tình 10 Tháng Sáu, 2018 và bị phạt tù 10 tháng trở lên trong một phiên tòa “chớp nhoáng” diễn ra tại Tòa Án tỉnh Đồng Nai hôm 30 Tháng Bảy, 2018. Tất cả những người này đều bị khép tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015.
Thời điểm đó, trang Nhật Ký Biểu Tình tường thuật: “Phiên tòa xử 20 người tham gia biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng diễn ra với sự hiện diện của hàng trăm công an mặc thường phục và sắc phục bao vây quanh bên ngoài và bên trong phiên tòa. Đúng như kiểu ‘phiên tòa bỏ túi’ điển hình của chế độ, phiên tòa diễn ra nhanh chóng trong vài tiếng đồng hồ. Mức án thấp nhất là 10 tháng và cao nhất là 1 năm 4 tháng tù giam.”
“Nhiều gia đình người biểu tình có mặt tại phiên tòa đã rất uất ức trước bản án quá nặng nề dành cho người thân, con em của họ. Trước đó nhiều lần các nhân viên an ninh đã dụ dỗ người biểu tình ký vào biên bản nhận tội để được thả sớm, và cũng dùng hình thức lừa dối đó để dụ các gia đình nạn nhân phải im lặng,” theo trang Nhật Ký Biểu Tình.
Hồi Tháng Mười Một, 2018, khi phiên phúc thẩm xử vụ 20 người Biên Hòa biểu tình diễn ra, Luật Sư Nguyễn Văn Miểng viết trên trang cá nhân: “Các ảnh trong hồ sơ cho thấy công an đã đồng hành với đoàn biểu tình trong trật tự, chia cắt nhỏ đoàn biểu tình, ép họ vào con đường Nguyễn Ái Quốc và cuối cùng dồn họ vào con đường Dương Tử Giang để hốt họ lên xe chở về đồn công an. Hành vi của các bị cáo đều giống nhau, lái xe mô tô, chở người cầm cờ, cầm khẩu hiệu và hô “phản đối” được cáo trạng liệt kê mỗi người chỉ độ 5, 7 dòng. Khi tiếp xúc với luật sư, tất cả các bạn trẻ đều nhận rằng họ có đi biểu tình phản đối Luật Đặc Khu xuất phát từ lòng yêu nước, chứ không bị ai xúi giục và không có ai cho 300.000 đồng ($13) [như dư luận viên rêu rao và cáo buộc người biểu tình].” (T.K.)

Điều tra sĩ quan công an được thuê gài bẫy đẩy người dân vào tù

Bà Nguyễn Thị Vững tại phiên xử. (Hình: Pháp Luật)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tòa án quận Nam Từ Liêm trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ vai trò của nữ thượng úy Bộ Công An trong việc nhận tiền tỷ để tổ chức gài bẫy ma túy nhằm đưa người dân lương thiện vào tù.
Ngày 10 Tháng Tư, 2019, Tòa Án Nhân Dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên xử sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Vân (37 tuổi, trú quận Tây Hồ, Hà Nội) về hai tội “tàng trữ trái phép chất ma túy và vu khống.”
Nạn nhân chính là ông Nguyễn Văn Thiện (44 tuổi, trú cùng địa phương), người yêu của bà Vân và là người bị bà muốn chiếm tài sản, thuê công an gài ma túy để ‘tống’ vào tù.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 11 Tháng Tư, tại tòa, bà Vân giữ nguyên lời khai như trong quá trình điều tra, cho rằng đã bỏ ra số tiền 1 tỷ đồng ($43,000) để nhờ bà Nguyễn Thị Vững, thượng úy công an, Cục Cảnh Sát Phòng, Chống Buôn Lậu, Bộ Công An “đạo diễn” việc gài bẫy để bắt ông Thiện.
Bà Vân khai rằng, trong quá trình chung sống cùng nhau như vợ chồng, ông Thiện  thường xuyên đánh đập mình. Do đó bà Vân mang chuyện này tâm sự với bà Vững và được bà này gợi ý sẽ lên kế hoạch đưa ông Thiện vào tù.
Bà Vững đưa ra giá 1 tỷ đồng, nhưng vì bà Vân không có tiền nên bà Vững đã cho vay 500 triệu đồng ($21,500) với điều kiện bà Vân phải thế chấp một căn hộ. Quá trình thương lượng giữa hai bên đều được bà Vân ghi âm lại.
Bà Vân khẳng định “bà Vững là người chỉ đạo và sắp xếp mọi nước đi trong việc đặt bẫy.” Cụ thể, bà Vững cho người gọi điện thoại tới ông Thiện hỏi mua đất ở khu vực quận Mỹ Đình, từ đó biết lịch trình đi lại của ông Thiện.
Bị cáo Nguyễn Thị Vân và người bị hại Nguyễn Văn Thiện tại tòa. (Hình: Pháp Luật)
Đối chất ngay tại tòa, bà Vững khẳng định những lời khai của bà Vân “chỉ đúng một phần nhỏ, còn lại đều sai sự thực.” Cụ thể, bà quen với bà Vân và ông Thiện từ trước, và việc báo tin cho cảnh sát biết xe hơi của ông Thiện có chứa ma túy, bà Vững giải thích theo hướng hoàn toàn khác với lời khai của bà Vân. Theo bà Vững, bà Vân có nói với bà rằng biết một chiếc xe hơi chứa ma túy và đưa cho bà một phong bì, trong đó chứa thông tin của xe hơi nói trên.
Sau khi nhận được thông tin, bà Vững chuyển cho cơ quan công an, kết quả cho thấy xe hơi “là của một người đàn ông tên H” nhưng khi cảnh sát chặn xe, kiểm tra và phát hiện có ma túy, bà Vững “cũng rất bất ngờ vì trong xe lại là ông Thiện và bà Vân.”
Tại tòa, ông Thiện khẳng định “không nhất trí với cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân khi xác định bà Vân là người duy nhất thực hiện hành vi trong vụ án này”.
Ông Thiện cho hay mình đã nộp rất nhiều chứng cứ cho cơ quan điều tra, trong đó có đoạn ghi âm dài ba tiếng đồng hồ.cho thấy bà Vân thuê bà Vững 1 tỷ đồng để gài bẫy, Thế nhưng, cơ quan điều tra lại chỉ trích nội dung đến phút thứ 59, điều này là thiếu khách quan, bỏ lọt chứng cứ của vụ án…
Trước tòa, ông Thiện đọc một đoạn trong ghi âm trên, được cho là cuộc nói chuyện giữa Vân và bà Vững xoay quanh việc gài bẫy ông. Tuy nhiên, bà Vững cho biết mình không hề nói với Vân về chuyện này.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Thiện sau đó cũng công bố một đoạn ghi âm ngắn, đồng thời cho rằng cơ quan giám định chỉ trích sao đến phút thứ 59 trong đoạn ghi âm mà ông Thiện giao nộp làm bằng chứng là không khách quan nên đề nghị Hội Đồng Xét Xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ chi tiết này.
Sau ít phút hội ý, tòa quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều tình tiết quan trọng. Trong đó, việc cơ quan điều tra tách tài liệu để điều tra về hành vi của bà Vững và thanh niên đưa ma túy là “không đúng quy định, ảnh hưởng tới sự thật khách quan, cần xác định các đoạn ghi âm có bị cắt ghép hay không, nội dung toàn bộ của đoạn ghi âm dài hơn ba tiếng là gì…”
Theo luật, do bà Vững là cán bộ công an nên không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao. Nếu cho rằng vụ này phức tạp thì cơ quan tố tụng quận Nam Từ Liêm “có thể đề nghị hoặc cấp trên là Công An Hà Nội hay Bộ Công An lấy hồ sơ để điều tra cho khách quan.” (Tr.N)

Bắt 700 kg ruột heo hôi thối sắp đưa lên ‘bàn nhậu’ ở miền Tây

Lực lượng hữu trách chuẩn bị tiêu hủy số ruột heo hôi thối. (Hình: Người Lao Động)
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Cảnh sát Cần Thơ đã kịp ngăn chặn 700 kg ruột heo đã chuyển màu đen, chảy nước bốc mùi hôi thối đang trên đường vận chuyển đưa đến các quán nhậu ở khắp miền Tây để tiêu thụ.
Phòng Cảnh Sát Môi Trường thành phố Cần Thơ đã tiến hành tiêu hủy 700 kg ruột heo “bẩn.”
Trước đó, rạng sáng cùng ngày, Phòng Cảnh Sát Môi Trường tiến hành kiểm tra, kiểm soát xe cộ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, gia súc, gia cầm…
Lực lượng hữu trách đã phát giác ông Hà Huỳnh Thế Dinh (36 tuổi, ở  tỉnh Sóc Trăng) lái xe tải chở 700 kg ruột heo đang bị biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối. Thế nhưng ông Dinh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; không có “giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh” đối với số lượng ruột heo nói trên.
Ông Dinh khai nhận, số ruột heo trên được ông thu mua tại các chợ ở Sài Gòn chở về bán lại cho các quán nhậu tại các tỉnh miền Tây.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt ông Dinh 7 triệu đồng ($301) và tịch thu sau đó tiêu hủy toàn bộ số lượng ruột heo nói trên. (Tr.N)

Khám phá đường dây tổ chức mang thai hộ người Hoa

Bà Phạm Thị Huế, người cầm đầu  tổ chức mang thai hộ cho người Trung Quốc. (Hình: Người Lao Động)
BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Hai phụ nữ Việt Nam cấu kết với nhóm người Trung Quốc đứng ra tổ chức đường dây chuyên mang thai hộ xuyên quốc gia “lớn chưa từng thấy.”
Ngày 10 Tháng Tư, 2019, Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Công An thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết đã ra quyết định khởi tố, bắt khẩn cấp bà Phạm Thị Huế (35 tuổi, ở xã Song Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) và bà Ninh Thị Hải Yến, (31 tuổi, ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) về tội “Tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại.”
Theo báo Người Lao Động, nhận được tố cáo của người dân cho hay, tại quán cafe Famyli (ở khu 1A, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long) thường diễn ra những hoạt động bất thường, nghi đang tổ chức mang thai hộ, ngày 13 Tháng Ba vừa qua, công an thành phố Hạ Long đã tiến hành kiểm tra nhân, hộ khẩu, xác định bên trong ngôi nhà có 3 người đang tạm trú là bà Phạm Thị Huế; anh Trần Văn Khải (21 tuổi, ở xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) và bà Phạm Thị Hồng T (30 tuổi, trú Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Do thời điểm kiểm tra không có bà Hồng T ở nhà nên cơ quan công an đã triệu tập bà Huế và anh Khải về trụ sở để làm việc.
Ngôi nhà nơi các thai phụ người Việt được chăm sóc, chờ ngày sinh nở. (Hình: Người Lao Động)
Thoạt đầu bà Huế khai nhận cuối năm 2017, khi đang bán hàng tại Trung Quốc thì có quen một ông họ Dương (không rõ về lai lịch, nơi ở) là giám đốc một bệnh viện Trung Quốc.
Bà Huế thỏa thuận với ông giám đốc bệnh viện ở Trung Quốc này nếu tìm người Việt Nam sang Trung Quốc mang thai hộ sẽ nhận được số tiền từ 50 đến 60 triệu đồng/người ($ 2,155- 2,586) và tiền công chăm sóc người mang thai hộ là 1,000 tệ (khoảng $146/ người/tháng).
Sau đó, bà Huế về Việt Nam, thông qua các mạng xã hội tìm người sang Trung Quốc mang thai hộ. Bà Huế đã tìm được 4 người đồng ý mang thai hộ, trong đó có bà Ninh Thị Hải Yến. Cả 3 người kia được bà Huế đưa sang Trung Quốc cấy phôi thành công. Riêng bà Yến không đủ điều kiện để mang thai nhưng bà này đã giới thiệu cho bà Huế được 5 người mới đủ điều kiện mang thai hộ và số người này đã cấy phôi thành công tại Trung Quốc.
Tin cho biết, trong khoảng thời gian từ Tháng Ba đến Tháng Mười, 2018, bà Huế đưa toàn bộ số người trên sang một bệnh viện ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), đồng thời được giám đốc họ Dương thuê làm phiên dịch, chăm sóc cho tổng số 17 người.
Đến cuối Tháng Mười Một, 2018, ông Dương yêu cầu bà Huế về Việt Nam tìm thuê nhà để đưa một số phụ nữ đang mang thai từ Trung Quốc trở về chăm sóc.
Bà Huế đã thuê quán cà phê Famyli để chăm sóc cho những người đang mang thai hộ từ ngày 4 Tháng Mười Hai, 2018. Trong khoảng thời gian này, có một người đã đẻ xong được bà Huế nhờ đến nấu cơm và chăm sóc những thai phụ chưa sinh.
Tổng số tiền bà Huế đã nhận được từ việc giới thiệu và chăm sóc 15 người mang thai hộ là 260 triệu đồng. Bà Hải Yến được số tiền môi giới do bà Huế trả là 30 triệu đồng. Những người mang thai hộ sau khi giao con thành công sẽ được nhận từ 300- 340 triệu đồng ($12,929 – 14,653).
Ngoài ra, trước đó khi còn ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, bà Hải Yến cũng đã môi giới cho một bà tên Thủy (không rõ lai lịch) đang sinh sống ở Trung Quốc 5 người phụ nữ Việt Nam để mang thai hộ, với số tiền môi giới là 30 triệu đồng/người ($1,292).
Chưa hết, theo khai nhận của bà Huế, hiện còn 9 người Việt Nam mang thai hộ đang ở Trung Quốc. (Tr.N)

‘Vẽ’ bệnh lấy tiền bỏ túi, nhóm bác sĩ ở Hà Nam bị bắt

Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hà Nam, nơi nhóm bác sĩ và nhân viên bị bắt. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
HÀ NAM, Việt Nam (NV) – Bà bác sĩ phó trưởng Khoa Khám Bệnh của Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hà Nam ‘vẽ’ bệnh bắt nhiều người chụp MRI để lấy tiền mặt nhưng không đưa hóa đơn, chứng từ. Số tiền này sau đó bị “ém” không nộp lại cho bệnh viện mà lọt vào túi của nhóm 5 bác sĩ, nhân viên.
Chiều ngày 9 Tháng Tư, 2019, ông Lê Quang Minh, giám đốc Sở Y Tế tỉnh Hà Nam, xác nhận với báo Người Lao Động cho biết công an đã bắt quả tang 5 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hà Nam về tội đưa người đến khám bệnh đi chụp MRI (Magnetic Resonance Imaging, hay gọi cộng hưởng từ) để lấy tiền mặt nhưng không có hóa đơn thanh toán, cũng không nộp lại cho bệnh viện theo quy định mà chia nhau bỏ túi.
Tin cho biết, vào ngày 29 Tháng Ba, có bốn bệnh nhân đến Phòng khám của Khoa Khám Bệnh, Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hà Nam, gặp Bác Sỹ Trương Thị Phương Lan, phó trưởng Khoa Khám Bệnh để khám bệnh.
Sau khi khám bệnh, Bác Sỹ Lan yêu cầu cho bốn bệnh nhân này đi chụp MRI. Toàn bộ tiền phí là 6.8 triệu đồng($293) phải đưa trực tiếp cho bà Lan, nhưng bà Lan không đưa hóa đơn thanh toán.
Thực hiện việc thu phí sai quy định của Bác Sỹ Lan có sự trợ giúp của 4 đồng phạm khác là Bác Sỹ Hoàng Xuân Nam, phó trưởng Khoa Chẩn Đoán Hình ảnh; ông Tạ Minh Châu, kỹ thuật viên trưởng, Khoa Chẩn Đoán Hình ảnh; ông Phạm Tuấn Anh, kỹ thuật viên Khoa Chuẩn Đoán Hình Ảnh.
Khi nhóm người này đang chia số tiền trên, thì bị Công An tỉnh Hà Nam bắt quả tang và bắt giữ với tội danh “lạm dụng quyền trong thi hành công vụ.”
Sau ba lần tạm giữ, công an đã bắt giam hẳn để điều tra. (Tr.N)

Thực phẩm ‘dính độc’ bị nước ngoài trả lại, đem bán cho dân Việt

Thủy sản Việt Nam xuất cảng thường xuyên bị các thị trường cảnh báo về an toàn. (Hình: VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng chục container thực phẩm, nông sản bị ngoại quốc “cấm cửa” trả về vì “dính độc” không đáp ứng tiêu chuẩn nước sở tại, nhưng khi về Việt Nam doanh nghiệp đem bán cho người dân “vô tư” vì “đủ tiêu chuẩn an toàn.”
Báo VietNamNet ngày 11 Tháng Tư, 2019, cho biết nhiều lô hàng xuất cảng của Việt Nam gần đây thường xuyên bị cảnh báo hoặc trả về bởi có tiêu chuẩn thấp và khác biệt hoàn toàn so với tiêu chuẩn nhiều nước.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực xuất cảng và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam: Vai trò của quản lý hóa chất nông nghiệp” diễn ra hồi cuối năm 2018, ông Vương Trường Giang, phó cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật, Bộ Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết chỉ tính riêng thị trường Châu Âu, Việt Nam bị xếp nằm trong nhóm các nước “có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất.”
Trong năm 2017, có đến 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất cảng vào thị trường này bị cảnh báo hoặc trả về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Đến năm 2018, tiếp tục có thêm 40 trường hợp nữa.
Ngoài thị trường trên, nhiều nước như Mỹ, Nhật, Nam Hàn…cũng rất cảnh giác với các mặt hàng thực phẩm xuất cảng của Việt Nam.
Mới đây, người dân ở Việt Nam lo lắng trước thông tin hơn 18,000 chai tương ớt hiệu Chin-Su do Công Ty Tập Đoàn Thực Phẩm Masan sản xuất của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã bị chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) bắt thu hồi do chứa chất cấm Acid Benzoic (chất phụ gia chống nấm mốc). Theo tiêu chuẩn của Ủy Ban Tiêu Chuẩn Thực Phẩm Quốc Tế (Codex), chất này cũng bị cấm ở 185 quốc gia khác.
Tương ớt Chin-Su bị Nhật Bản thu hồi vì chứa axit benzoic, nhưng chất cấm này lại được phép sử dụng ở Việt Nam. (Hình: VietNamNet)
Trước đó, nhiều lô hàng xuất cảng của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản, thường xuyên bị cảnh báo, thậm chí bị trả về bởi “dính độc.” Việc này buộc đại diện Cục Chế Biến Thương Mại Nông Lâm Thủy Sản và Nghề Muối, thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, phải yêu cầu các doanh nghiệp xuất cảng gạo “cần kiểm tra chất lượng kỹ trước khi xuất cảng vào Mỹ” do hàng loạt lô gạo Việt Nam bị phát hiện tồn dư các chất Acetamiprid, Chlopyripos, Hexaconazoe,… dùng trong các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ước tính có khoảng 10,000 tấn gạo của 16 công ty bị Mỹ trả về trong vòng 4 năm qua.
Tương tự, hồi Tháng Bảy, 2015, cơ quan hữu trách tỉnh Lâm Đồng, loan tin chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, hàng ngàn tấn chè ở Lâm Đồng xuất cảng sang Đài Loan bị trả về do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng quy định của nước này.
Thế nhưng, điều làm cho người dân Việt Nam lo lắng và bất bình là, tất cả những lô hàng bị ngoại quốc từ chối nhập cảng nêu trên khi bị trả về đều được các cơ quan hữu trách khẳng định vẫn an toàn do “đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam” và thế là doanh nghiệp tự do tung ra bán trong nội địa cho người dân sử dụng.
Cụ thể, với vụ tương ớt Chin-Su, quy định của Nhật Bản là cấm không dùng, thế nhưng trong cả hai thông tư của Bộ Y Tế năm 2012 và 2015 quy định ở danh mục phụ gia thực phẩm, chất Acid Benzoic đều có mặt và đều được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm quả dạng nghiền như tương ớt.
Dù cho phép sử dụng, nhưng khi xảy ra hậu quả nhiều vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, dư luận ầm ĩ thì gần như các cơ quan hữu trách cố ý để sự việc trôi theo thời gian và rồi cho “chìm xuồng.” Mặc báo chí đưa tin, mạng xã hội lan truyền, trên website Bộ Y Tế, website Cục An Toàn Thực Phẩm, hay những cơ quan chịu trách nhiệm về việc này thì bất động, làm ngơ để cho các doanh nghiệp tung hàng có “dính độc” bán ra thị trường cho người tiêu thụ. (Tr.N)

Tự nguyện nhặt rác, bảo vệ môi trường, bị công an ‘mời lên phường’

Một nhóm bạn trẻ nhặt rác ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn. (Hình: Thanh Niên)
NINH THUẬN, Việt Nam (NV) – Những người nhặt rác và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam lắm khi phải đối mặt với nguy cơ bị công an mời lên phường, điều tra “động cơ”.
Vụ mới nhất xảy ra ở tỉnh Ninh Thuận, được Giáo Viên Đặng Nguyên Triết, trường Trung Học Phổ Thông Tôn Đức Thắng kể trên trang cá nhân: “Sáng 10 Tháng Tư, an ninh tỉnh Ninh Thuận mời một học sinh cũ của tôi lên làm việc vì ‘dám cả gan’ tham gia nhặt rác ở bãi biển cùng các học sinh. Họ, [an ninh viên] vẫn với chiêu trò cũ rích, nhưng rất thành công ở những năm trước. Lúc mới nghe em kể, mình không bất ngờ, nhưng vẫn tức đến run người, mãi một lúc sau không nói được lời nào. Mình nghĩ lúc đó, có tên nào đứng trước mặt mình, chất vấn những điều này, mình sẽ chỉ thẳng mặt, mắng lớn ‘các anh có phải là con người nữa không?”’
Ông Triết đề cập về nhóm “Rủ Rê Lượm Rác” là các học sinh của ông và nhóm này chỉ mới đi nhặt rác được hai lần thì bị công an mời làm việc.
Một thanh niên dọn rác ở bãi biển An Hải, Phú Yên, trong Tháng Tư, 2019. (Hình: Zing)
Ông Triết viết trên trang cá nhân: “Tôi không tham gia cùng các em được hôm nào, nhưng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những bài đăng rủ các em chung tay nhặt rác. Nếu cần làm việc thì hãy làm việc trực tiếp với tôi, đừng khủng bố tinh thần thêm bất kỳ em nào như vậy nữa. Đề nghị cơ quan chức năng có cách hành xử có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường hơn, và quan trọng nhất là không làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt người dân.”
Có hơn 500 lượt share post của ông Triết, nhiều bình luận trong số này bày tỏ sự ngạc nhiên về chuyện tại sao học sinh lại không được đi nhặt rác. Trả lời câu hỏi của một blogger, ông Triết viết thêm: “Họ không cho phép cá nhân tự đứng ra tổ chức nhóm nhặt rác, nhất là học sinh, sinh viên”.
Hồi tháng trước, báo Tuổi Trẻ cho hay: “Một nhóm bạn trẻ chơi thuyền sup (xuồng cao su) tại Sài Gòn thực hiện ý tưởng dùng thuyền vớt rác trôi nổi tại một số kênh rạch. Tuy nhiên khi sự kiện sắp sửa diễn ra thì bị cơ quan chức năng địa phương ngăn cản do chưa xin phép. Chia sẻ về việc gặp khó khăn với cơ quan chức năng, một thành viên ban tổ chức cho biết nhóm rất muốn tổ chức nhiều buổi dọn rác làm sạch kênh rạch nhưng không biết phải xin phép ai. Đã có lần nhóm này xin được dọn rác tại kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nhưng gặp cơ quan này xin phép lại bị chỉ qua cơ quan khác. Họ rất mong cơ quan chức năng có chỉ dẫn cụ thể.”
Các vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh phong trào giới trẻ tham gia nhặt rác, bảo vệ môi trường đang được lan rộng trên mạng xã hội, với trào lưu post ảnh hiện trường trước và sau khi dọn để cho thấy sự khác biệt.
Những người khởi xướng chiến dịch này muốn thu hút sự quan tâm và chung tay của cộng đồng mạng để góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, mạng xã hội liên tiếp ghi nhận những vụ người bảo vệ môi trường bị giới chức địa phương “làm khó”.
Kế hoạch bơi thuyền nhặt rác trên kênh thuộc phường Thảo Điền, quận 2, Sài Gòn của gần 100 bạn trẻ hôm 17 Tháng Ba bị hủy vào giờ chót. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hôm 30 Tháng Ba, trang fanpage Save Tam Đảo cho hay một thanh niên đề nghị không nêu danh tính, ngụ ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, cho biết rằng người này bị công an xã mời lên phường chỉ vì “ký tên và chia sẻ những post liên quan đến Vườn Quốc Gia Tam Đảo trên mạng xã hội”. Tuy nhiên, giấy mời của công an thì ghi “mời làm việc liên quan tới việc chia sẻ trên mạng những nội dung phản đối chính sách của đảng và nhà nước”
Người này sau đó bị ép buộc xóa bỏ các post đã chia sẻ.
“Thay vì gây áp lực và mời thanh niên này lên làm việc, đúng ra cơ quan công an nên làm việc trực tiếp với Tập Đoàn SunGroup, buộc doanh nghiệp này phải thực hiện đúng quy trình xây dựng dự án, thực hiện kiểm tra giám sát các hoạt động của họ và yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi Trường công bố bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án SunGroup theo nội dung Luật Bảo Vệ Môi Trường đã quy định. Như vậy mới phù hợp với chính sách của đảng và luật pháp,” trang Save Tam Đảo viết.
Đến nay, một trong những trường hợp vì tham gia phong trào bảo vệ môi trường vụ Formosa mà bị kết án tù được nhiều người biết là nhà hoạt động Hoàng Đức Bình (tên tắt là Hoàng Bình).
Ông Bình tham gia giúp ngư dân các tỉnh miền Trung kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại do thảm họa cá chết. Hồi Tháng Hai, 2018, ông bị chế độ cáo buộc hai tội “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” và bị tuyên án 14 năm tù giam. (T.K.)