Thứ bảy, 2014-03-08 22:24:03 - Nguồn: Afamily.vn
17h20 chiều 8/3, theo Tuổi Trẻ, máy bay AN26 tìm thấy dấu hiệu nghi là vệt dầu thứ hai, cách đảo Thổ Chu 150km. Hiện máy bay AN26 chuẩn bị quay về vì trời tối gây khó khăn trong việc tìm kiếm. Trong khi đó, 3 tàu Hải quân, cảnh sát biển và tàu Sar 413 đang tiến ra hiện trường.
Đến thời điểm này, cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Singapore và Malaysia cho biết, chưa tìm thấy dấu vết máy bay. Phía Việt Nam đã thông báo vị trí những dấu hiệu giống vệt dầu loang cho Singapore và Malaysia để xác minh.
Tuy nhiên, theo lực lượng cứu nạn hàng không, vết lạ mới được phát hiện chưa xác định chắc chắn là vệt dầu loang, mà có thể chỉ là màu nước biển khác với khu vực xung quanh. Hiện nay, lực lượng cứu hộ đang tiếp cận vùng nghi có máy bay rơi và dự kiến sẽ đến nơi lúc 23h.
Trước đó, lúc 16h24, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được tin báo từ máy bay AN26 của Hải quân, phát hiện vệt dầu loang dài khoảng 20km tại khu vực tìm kiếm, nghi là của máy bay gặp nạn. 17h, máy bay tiếp tục phát hiện cột khói bốc lên từ mặt biển ở tọa độ 0707,25 độ N - 103độ23’20’’E.
Theo Tiền Phong, cả vệt dầu loang và cột khói vừa được phát hiện đều thuộc vùng FIR (vùng thông báo bay) của Việt Nam. Nơi này cách đảo Thổ Chu 150km về phía Nam, cách mũi Cà Mau khoảng 180 km.
Theo Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu, nếu đúng chiếc máy bay gặp nạn trong vùng FIR của Việt Nam, phía Việt Nam sẽ điều tra vụ việc, còn nếu ngoài vùng FIR, Việt Nam sẽ hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không (thứ 2 từ trái sang) trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm máy bay tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không (Cục Hàng không). Ảnh: Tiền Phong.
Trả lời Zing.vn, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, trước khi bị mất liên lạc, máy bay của Malaysia chỉ cách vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam khoảng 18km. Với tốc độ bay, hướng gió... tại thời điểm đó, nhiều khả năng máy bay đã vào vùng FIR của Việt Nam. Bên cạnh đó, với những dấu hiệu vừa được phía Việt Nam phát hiện, khả năng máy bay rơi là rất cao. Cũng vì thế, phương tiện cứu hộ của các nước mới đổ về khu vực này để tìm kiếm.
Nhiều máy bay, tàu của Việt Nam đã khởi hành
Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN cho biết sau khi nhận lệnh của Bộ Quốc phòng lúc 13h, 14h27 trưa 8/3, một máy bay AN 26 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh từ Tân Sơn Nhất tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines.
Cụ thể lúc 14h, tàu cảnh sát biển CSB 2001 xuất phát từ Hòn Khoai. 14h2, máy bay AN 26 của Quân chủng Phòng không - Không quân cất cánh từ Tân Sơn Nhất.
Đại tá Đậu Khải Hoàn, chủ nhiệm chính trị hải quân Vùng 5, cho biết lúc 16h hai tàu hải quân, trong đó có 1 tàu cứu hộ chuyên dụng xuất cảng Vùng 5 (Phú Quốc) lên đường tham gia tìm kiếm, cứu nạn máy bay mất tích.
Đại tá Doãn Bảo Quyết, chính ủy Vùng cảnh sát biển 4, cho biết sau khi nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, một tàu tốc độ cao cùng Vùng 4 cũng xuất phát làm nhiệm vụ.
Lúc 14h30, nhận được lệnh từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn VN, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vungtau MRCC, đóng tại TP Vũng Tàu) đã điều tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 ra khu vực máy bay Malaysia bị rơi để cứu nạn.
Ông Phạm Hiển, giám đốc Trung tâm Vungtau MRCC cho biết, từ Vũng Tàu ra vị trí máy bay rơi khoảng 500 hải lý. Thuyền trưởng tàu SAR 413 là Phạm Thanh Nam, tàu có 18 thuyền viên. Theo dự kiến, phải hơn 30 giờ đi trên biển, tàu SAR mới đến vùng biển có máy bay rơi.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang bố trí 7 máy bay khác gồm: 1 AN 26, 2 trực thăng Mi 171 (tại Tân Sơn Nhất), 2 Mi 171 (tại Đà Nẵng), 2 trực thăng SUPER của Tổng công ty bay trực thăng Việt Nam sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Ngoài ra có 9 tàu gồm 5 chiếc của Hải quân ở Phú Quốc, 2 tàu Cảnh sát biển (ở Phú Quốc và Hòn Khoai) cùng 2 tàu cứu hộ, cứu nạn SAR 272 và 413 của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam cũng sẵn sàng đợi lệnh đi tìm kiếm.
Theo kế hoạch TKCN của Cục Hàng không Việt Nam, máy bay AN 26 bay tìm kiếm và các trực thăng sẵn sàng cất cánh khi phát hiện được vị trí máy bay của Malaysia rơi.
Thông tin phía Việt Nam ghi nhận được chiếc Boeing 777 thực hiện chuyến bay MH 370 bị mất liên lạc tại tọa độ 6,56 độ vĩ Bắc – 103,35 độ kinh Đông, trên vùng biển Malaysia, cách phía Nam đường chồng lấn Việt Nam – Malaysia khoảng 25 hải lý (thuộc vùng biển Malaysia), cách Tây Nam mũi Cà Mau khoảng 120 hải lý.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 chở 227 khách từ 14 quốc gia cùng 12 nhân viên phi hành đoàn mất liên lạc với Trạm kiểm soát không lưu lúc 1h20 ngày 8/3 khi đang trên hành trình từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) đi thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang – Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, Chánh văn phòng Ủy ban tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng cho biết: Vị trí máy bay mất liên lạc xảy ra trên không phận, hải phận của Malaysia, thuộc quyền kiểm soát không lưu của Malaysia trước khi chuyển giao cho vùng kiểm soát không lưu Việt Nam. Sau khi máy bay mất tích, Malaysia đã tổ chức dùng máy bay cùng nhiều phương tiện khác tổ chức tìm kiếm.
Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng cục hàng không Việt Nam cho biết, khi bộ phận kiểm soát không lưu của Malaysia thông báo với trạm kiểm soát không lưu Việt Nam về chuyến bay MH370 sắp vào không phận Việt Nam để chuẩn bị bàn giao và tiếp nhận thì cả hai bên đều không nhận được bất cứ tín hiệu nào.
Do vị trí xác định máy bay mất liên lạc nằm hoàn toàn trong hải phận, không phận Malaysia nên phía Malaysia đã tổ chức tìm kiếm. Về phía Việt Nam, lực lượng Hải quân Vùng 5 cùng các lực lượng cứu hộ khác đã được thông báo sẵn sàng lên đường thực hiện phương án cứu hộ cứu nạn nếu được phía nước bạn yêu cầu hỗ trợ.
No comments:
Post a Comment