Saturday, March 8, 2014

Công an tảng lờ các cáo buộc về tra tấn người dân!

LONG AN .- Đã tròn một tháng kể từ ngày anh Huỳnh Thế Anh, 24 tuổi bị Công an huyện Đức Hòa, Long An bắt giữ trái phép, tra tấn ép nhận tội nhưng Công an tỉnh Long An vẫn lặng thinh.


Một tháng sau khi bị tra tấn, sức khỏe của anh Huỳnh Thế Anh vẫn chưa hồi phục. (Hình: Một Thế Giới)


Vào ngày 7 tháng 2, anh Anh, ngụ tại xã Lương Hoà, huyện Bến Lức được bạn bè gọi điện thoại rủ uống cà phê, sau đó rủ nhậu. Đang nhậu thì hai người trong nhóm lấy xe đi mua dưa leo. Trên đường, cả hai va chạm với một chiếc xe vận tải rồi gây gổ với tài xế, phụ lái và kêu gọi bốn người đang ngồi nhậu đến trợ lực.

Vì tài xế xe tải dùng gậy tấn công, cả nhóm xông vào đánh trả. Hai người trên xe tải bị thương nhẹ và bỏ đi. Nhóm sáu người, bao gồm cả Huỳnh Thế Anh bỏ dở cuộc nhậu, vào một quán cà phê gần đó uống nước. Ít phút sau thì cảnh sát đến, năm người bạn của anh Anh bỏ chạy. Riêng anh Anh ngồi lại vì nghĩ mình vô can và bị bắt.
Cảnh sát đã đưa anh Anh về trụ sở Công an xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hoà. Tại đó, bốn viên công an thay nhau đánh đập anh Anh, không cho nạn nhân nói gì. Trong đơn tố cáo vì bị tra tấn, anh Anh cho biết, trước khi bị tra tấn, anh bị còng một tay vao ghế, tay còn lại vào xe hai bánh gắn máy. Sau đó, bốn viên công an liên tục dùng roi điện chích vào các đầu ngón tay, ngón chân. Dùng tay đánh vào mặt, vào ngực, lưng. Dùng gậy cao su đánh vào hai đầu gối. Dùng giày đạp vào chân. Đặc biệt là dùng ớt tươi đập dập chấm vào mắt, dùng ớt bột xát vào hạ bộ. Tuy anh Anh ngất đi, tỉnh lại nhiều lần song các cuộc tra tấn không chấm dứt.

Ngày hôm sau, anh Anh được chuyển về Công an huyện Đức Hòa. Công an huyện Đức Hòa nhắn cha mẹ anh Anh tới làm thủ tục bảo lãnh. Đại diện Công an huyện Đức Hòa bảo cha mẹ anh Anh rằng, sau khi xác minh, con trai họ không phạm tội nào cả. Họ nên dạy con chăm học, chăm làm rồi bỏ đi.

Bà Trần Thị Trên, mẹ anh Anh kể với báo giới, lúc nghe tin con trai bị giữ tại trụ sở Công an xã Hữu Thạnh, bà có chạy đến để hỏi thăm thực hư nhưng không được gặp mặt con trai, chỉ nghe tiếng anh Anh kêu la đau đớn. Vợ chồng bà chạy đi, chạy lại như thế giữa trụ sở Công an xã Hữu Thạnh và trụ sở Công an huyện Đức Hòa suốt hai ngày. Bà Trân kể, khi được thả , con trai của bà đã kiệt sức, không thể đi hay đứng. Vợ chồng bà phải dìu con ra xe chở về nhà.

Cho đến nay, anh Anh vẫn chưa hồi phục, các thương tích trên cở thể vẫn còn dấu. Hai đầu gối vẫn sưng tấy, phải băng bó. Một tháng đã trôi qua kể từ ngày vô cớ bị tra tấn, dù anh Anh đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi song Công an tỉnh Long An vẫn im lặng.

Bất chấp sự phẫn nộ của dân chúng về tình trạng công an đánh đập, tra tấn khiến nhiều người thiệt mạng ở ngoài đường, tại các đồn công an, tình trạng tra tấn, ép nhận tội không giảm. Đáng lưu ý là hệ thống tư pháp Việt Nam phớt lờ mọi tố giác.

Chẳng hạn cho đến nay, hệ thống tư pháp ở Sóc Trăng chỉ mới quyết định “thay đổi biện pháp ngăn chặn”, không tạm giam và cho tại ngoại đối với 7 người bị giam oan suốt 8 tháng. Sáu trong số bảy người này không giết ai nhưng vẫn thú nhận đã “giết người”. Dù chuyện “giết người” không hề có nhưng người còn lại vẫn thừa nhận đã “không tố giác tội phạm”.

Các điều tra viên thực hiện điều tra vụ án mạng xảy ra hồi đầu tháng 7 năm ngoái, tại xã Đại Ân, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được khen và đang chờ nhận tiền thưởng thì một trong hai hung thủ ra đầu thú. Thay vì xin lỗi, giải oan, bồi thường cho 7 người bị giam oan thì hệ thống tư pháp tỉnh Sóc Trăng lẳng lặng thả họ ra theo kiểu “không nhất thiết phải tạm giam” chứ không phải vì họ vô tội.

Trò chuyện với báo giới, các nạn nhân cùng bảo rằng, họ nhận tội vì không chịu nổi tra tấn. Tra tấn xảy ra liên tục từ công an huyện đến công tỉnh và khai theo hướng dẫn của các điều tra viên là cách duy nhất để được sống.

Bị báo chí chất vấn về chuyện tại sao các bị can không giết người nhưng đồng loạt nhận tội, ông Thái Văn Đợi, một viên phó giám đốc  của Công an tỉnh Sóc Trăng, bảo rằng đã báo cáo cho Tổng cục Cảnh sát chứ không cung cấp thông tin cho báo giới.

Năm ngoái, sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn, ngụ tại Bắc Giang, bị giam 10 năm thì được trả tự do vì bị kết án oan, chỉ trong vài tháng cuối năm, báo chí Việt Nam nêu ra khoảng 20 vụ án có dấu hiệu oan sai song tất cả những đề nghị tái thẩm đều chưa có hồi đáp.

Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc giết một người hàng xóm. Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội nhưng ông Chấn vẫn bị phạt chung thân. Mãi tới năm ngoái, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do hồi cuối năm ngoái, trở về nhà khi vợ đã hóa điên do tuyệt vọng, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vì đói nghèo. 


Trong 10 năm đó, tất cả những điều tra viên tham gia tra tấn, ép ông nhận tội giết người đều được thăng thưởng và trở thành lãnh đạo công an huyện hoặc công an tỉnh. Cho đến nay, tất cả vẫn “bình an vô sự”. 

No comments:

Post a Comment