Saturday, March 8, 2014

Hình ảnh xấu xí của xe buýt!

08/03/2014 13:53 (GMT + 7)
Hai xe buýt 95 và 24 cùng nhau quẹo trái từ đường Bạch Đằng qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ép người chạy xe máy vào giữa (ảnh chụp chiều 6-3) - Ảnh: Quang Định
TT - Cái chết thảm của em Nguyễn Đức Bảo Trác (12 tuổi) dưới bánh xe buýt ngày 6-3 tại ngã tư Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) một lần nữa khiến dư luận bức xúc về việc xe buýt thường xuyên gây tai nạn.
Nhiều tài xế chạy nhanh, lái ẩu
Nếu ai đã nhiều lần chạy xe máy trước hoặc sau xe buýt mỗi lần xe này ghé trạm là có thể kiểm chứng được việc nhiều tài xế chạy nhanh, lái ẩu. Mặc dù tài xế xe buýt có tuân thủ quy định, bật đèn xinhan mỗi khi vào trạm hoặc trở ra, nhưng thực tế cho thấy họ chỉ bật đèn cho có rồi ào ào rẽ vào trạm, ào ào trở ra mà ít quan tâm tới người chạy xe máy phía trước, phía sau và bên hông xe buýt. Nhiều trường hợp người chạy xe máy bị ép sát vào trạm hoặc dừng lại chờ phía sau khi xe buýt đột ngột vào trạm rước, trả khách vì không còn lối vượt lên. Nguy hiểm hơn là mỗi khi xe buýt tới ngã tư, ngã ba, nếu đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu vàng (chuẩn bị đến đèn đỏ), ít tài xế nào giảm tốc độ để xe dừng lại mà họ thường cố chạy vượt qua hoặc dừng không đúng vạch.
* Ông Trần Văn Khuyên (đại biểu HĐND TP.HCM):
Tâm lý người khác phải tránh mình
"Đường Lưu Chí Hiếu chỉ có một vài tuyến xe buýt đi qua nhưng những xe này thường phóng nhanh, chạy ẩu khiến người đi đường thấy bất an. Cơ quan chức năng nên dán số điện thoại đường dây nóng ngoài thân xe buýt để người dân gọi điện phản ảnh khi cần. Ngoài ra, nên có người tuần tra trên những tuyến đường xe buýt thường chạy ẩu để chế tài, xử phạt kịp thời"
Bà Phạm Thị Hồng (ngụ đường Lưu Chí Hiếu, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Tôi thấy có nhiều xe buýt bóp còi quá lớn, bật xinhan và dừng khá đột ngột... khiến nhiều người chạy xe máy loạng choạng. Ngoài ra, tôi đồng ý với các ý kiến phàn nàn dường như hiện nay tài xế xe buýt mang tâm lý và hành xử theo kiểu những người khác, xe khác cùng đi trên đường phải tránh mình chứ họ không để ý đến việc nhường đường cho xe khác.
* Trung tá Nguyễn Bình Tâm (đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an Q.Bình Tân):
Cảnh sát giao thông có ngại xử lý xe buýt
Trên thực tế, có một số vấn đề mà các cảnh sát giao thông làm việc trực tiếp trên đường có phần “ngại” khi phải xử lý những vi phạm của tài xế xe buýt. Thứ nhất, đây là phương tiện công cộng, thường có đông hành khách trên xe... Thứ hai, một số tuyến đường cấm ôtô lưu thông nhưng xe buýt vẫn được quyền lưu thông, nếu tài xế và nhân viên xe buýt không được đào tạo tốt, am hiểu vai trò, vị trí của mình thì dễ nảy sinh tâm lý họ được hưởng đặc quyền, vì thế chủ quan, coi thường luật lệ và cảnh sát giao thông.
Nắm được thực tế nói trên, lãnh đạo công an quận đã nhiều lần điện thoại trực tiếp cho tôi để thông báo về lỗi vi phạm của xe buýt, yêu cầu cử lực lượng ra xử lý ngay và liên tục nhắc nhở, chấn chỉnh cán bộ chiến sĩ tập trung xử lý xe buýt vi phạm. Dù có một số cán bộ, chiến sĩ có tâm lý ngại, nhưng chúng tôi yêu cầu phải xử lý triệt để xe buýt vi phạm. Nhưng quả thật, thời gian nào chúng tôi tăng cường nhắc nhở, siết lại thì số liệu xử lý xe buýt vi phạm tăng, nếu không số liệu này lại giảm.
* Ông Nguyễn Văn Triệu (chủ nhiệm HTX vận tải 19-5):
Cảnh sát giao thông phải tăng cường xử phạt xe buýt vi phạm
Thật ra, kể từ khi các đơn vị vận tải gắn GPS trên xe buýt thì đã giảm đáng kể những nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi tài xế phóng nhanh, vượt ẩu.
Để giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt, tôi cho rằng một mặt các đơn vị vận tải cần tăng cường giáo dục lái xe và có thái độ cương quyết xử lý các lái xe vi phạm. Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông phải tăng cường xử phạt những tài xế xe buýt vi phạm phóng nhanh, vượt ẩu, chạy không đúng làn đường...
* Tài xế T.H. (lái xe buýt tuyến 38 khu dân cư Tân Quy - Đầm Sen):
Gọi xe buýt là “hung thần” cũng không oan
Mọi người gọi xe buýt là “hung thần” trên đường phố cũng có cái đúng. Tôi hiện đang lái xe cho tuyến 38, thời gian quy định cho một lượt đi là 50-70 phút. Nhưng không phải khi nào tài xế cũng có thể đáp ứng được đúng thời gian trên vì dọc đường thường xảy ra kẹt xe, nhất là đoạn qua cầu Kênh Tẻ. Nếu như chúng tôi phải chạy xe chậm ở những đoạn đường bị kẹt xe thì sau đó phải tăng tốc ở những đoạn đường vắng để bù đắp lại thời gian. Dù có quy định nếu trễ giờ nhưng có lý do chính đáng thì không xử phạt, nhưng nếu bị trễ giờ hoài thì cũng không hay lắm nên anh em lái xe vẫn cố gắng chạy nhanh để kịp giờ.
Ngoài ra, hiện nay trên một số xe không có tiếp viên, lái xe phải kiêm luôn việc của tiếp viên là thu tiền và xé vé nên rất khó tập trung cho việc lái xe an toàn.
Tổ chức luồng, tuyến xe buýt chưa hợp lý
Thời gian qua, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ nhận được phản ảnh của nhiều người dân về việc tổ chức luồng, tuyến cho xe buýt chưa hợp lý dẫn đến các xe buýt chạy dàn hàng, vượt nhau trên đường gây nguy hiểm cho người đi đường.
Cụ thể, trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) tập trung rất nhiều tuyến xe buýt đi qua đây. Vào giờ cao điểm có 5-7 chiếc xe buýt xếp hàng trên đường để chờ vào bãi đậu xe trong công viên 23-9. Theo một người dân buôn bán trên đường này, khách du lịch nước ngoài thường rất sợ khi băng qua đường Phạm Ngũ Lão vì xe buýt thường phóng rất nhanh khi về gần đến trạm.
NHÓM PV ghi

No comments:

Post a Comment