ĐĂNG BỞI  - 
Trong làn mưa bụi lất phất của những ngày đầu đầu xuân, từng tốp phụ nữ vẫn cần mần gánh gạch trên những chiếc cầu ván chênh vênh, gánh nặng oằn lên những đôi vai bé nhỏ, gầy gò...
Những đôi vai gầy nặng gánh
Bãi nổi giữa sông Hồng thuộc địa phận các xã Liên Hồng, Hồng Hà, Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) có gần trăm lò gạch thủ công. Mỗi ngày, nơi đây sản xuất hàng chục vạn viên gạch, cung ứng cho các công trình xây dựng ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Bãi gạch như một “công trường” lớn bởi có hàng trăm người lao động, trong đó phần lớn là những người phụ nữ nghèo khó, lam lũ gánh gạch thuê.
Những nữ phu gánh gạch ở bãi nổi sông Hồng (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: Lê Đoàn.
Những năm gần đây, các lò gạch ở bãi nổi thu hút một lực lượng “phu” gánh gạch, đốt lò đông đến cả ngàn người, gồm cả dân địa phương lẫn dân tứ xứ đổ về làm thuê. Cứ mỗi lò có 15- 20 người chuyên gánh gạch. Mỗi ngày, những nữ “phu” này phải thức dậy từ 6 giờ sáng để đến các lò gạch, bắt đầu cho một ngày mưu sinh cực nhọc. Công việc của các chị chủ yếu là gách gạch, đóng than, vào lò, ra lò và dọn bỏ xỉ than lò. Những công việc nặng nhọc ấy dường như đã trở thành nghề “đặc quyền” của chị em phụ nữ.
Chiếc đòn gánh cong oằn hằn trên những đôi vai gầy, cứ mỏi vai này lại chuyển sang vai kia, họ bấm chân, leo lên những chiếc ván gỗ chênh vênh dẫn vào lò gạch. Những ngày mưa phùn như thế này, ván gỗ dính bùn trơn đi lại rất khó chứ chưa nói đến việc gánh gạch nặng trên vai. 
Chị Nguyễn Thị Hà (quê Thái Bình) cho biết: “Mấy hôm trước, mưa phùn dày hạt, cầu ván trơn tôi bị trượt cầu xuống đống xỉ than lò, may mà không rơi xuống đất, hay đống gạch nung chứ không chắc phải đi viện”. Vậy mà, chỉ xức chút dầu gió chị lại tiếp tục quẩy gánh lên vai bởi nghỉ một ngày là con đói, mình đói.
 Những người phụ nữ này thường gánh gạch, dọn xỉ than, đóng than đốt gạch. Ảnh: Lê Đoàn.
Khi tận mắt chứng kiến cái nghề gánh gạch thuê của các chị, các cô mới thấy được sự cơ cực. Họ có mặt từ mờ sáng và tối mịt mới trở về nhà. Mỗi gánh gạch 30 viên tương đương với 50kg trên vai và nếu tính cả ngày thì mỗi phu gạch gánh trên vai 2,3 tấn gạch là chuyện bình thường. Có những nữ phu có thâm niên 7 năm, thậm chí 10 năm, họ không thể nhớ được mình đã mòn mỏi “cõng” trên vai bao nhiêu tấn gạch.
Vất vả là thế, nhưng những bữa cơm của những phu gạch chỉ là rau, đậu phụ, trứng thay phiên nhau, chỉ thi thoảng họ mới có thịt để “cải thiện”. Làm được bao nhiêu mà ăn thịt thế thì hết hả cháu, có cơm ăn no là được rồi”, chú Nam, người đàn ông ít ỏi trong đội quân phu gạch phân bua.
Những phu gạch ở đây thường giống nhau bởi thân hình gày gò, bởi những chiếc khăn che ngang mặt vì khói và bụi. Có nhiều chị tuổi không lớn, nhưng những nhọc nhằn mỗi ngày hằn in trên khuôn mặt, trên đôi vai khiến họ già hơn nhiều. Chị Phạm Thị Nhung, 36 tuổi (quê Thanh Hóa) nhưng nhìn như hơn 45, 50 tuổi, kéo chiếc khăn che mặt để lộ khuôn mặt nám đen vì cực khổ, vì khói bụi, cười cho biết: “Gánh gạch suốt ngày thế này còn nghĩ gì đến già trẻ, sạch đẹp nữa chú. Ngày nào cũng khói bụi than, không bệnh tật đau ốm là tốt rồi”.
“Chú nói tôi mới nhớ, quốc tế Phụ nữ thì cũng vẫn gánh thôi. Là cái nghiệp nên phải “gánh”, biết sao được”, nói rồi chị Nhung vội quảy quang gánh bước vào lò gạch và nét buồn, tủi thoáng qua trên khuôn mặt của những người nữ phu.
Mỗi phu gạch, mỗi phận đời
Vất vả, cực nhọc là thế, nhưng tiền công của những nữ phu gạch nơi đây thường chỉ được khoảng 150 ngàn đồng, hôm nào cố lắm thì được khoảng 180 ngàn. Sau khi trừ tiền ăn uống, họ phải chắt chiu lắm mới có thể lo được cho gia đình, cho con cái được học hành đầy đủ, để chúng có thể được đổi đời. “Nhiều khi bị ốm, nhìn số tiền dành dụm gửi về cho con vơi đi mà ứa nước mắt” cô Đỗ Thị Nga (quê Thanh Hóa), nghẹn ngào.
Nghề gánh gạch cực nhọc và đầy nguy hiểm. Ảnh: Lê Đoàn. 
Những phu gạch dãi nắng, dầm mưa, hít khói bụi thì có mấy người không đau ốm. Nhưng còn sức, còn đi được thì họ vẫn phải tiếp tục oằn bởi dưới gánh nặng mưu sinh, bởi gánh nặng… tương lai. “Có việc mà làm là tốt lắm rồi, ngừng gánh thì miệng ngừng ăn chú ạ” cô Nga cười. Cô thoáng buồn rồi cũng nhanh thoáng vui, vì: “Mấy đứa nhà cô ngoan lắm, thằng lớn đi học đại học, được giấy khen và còn biết đi làm thêm trả tiền học phí nữa”.
Những nữ “phu” gạch ở đây có người ngót 50, cũng có những em mới chỉ mười chín, đôi mươi. “Em học xong cấp 3, nhưng nhà nghèo còn có 3 đứa em nữa, chẳng dám xin bố mẹ học tiếp. Xuống Hà Nội không kiếm được việc nên em đi theo cô hàng xóm qua đây, cũng được hơn năm rồi. Mới đầu làm được mấy ngày mệt quá em định bỏ, nhưng rồi gánh riết cũng quen”. Em Nguyễn Thị Hà, 19 tuổi (quê Chương Mỹ, Hà Nội) xấu hổ giấu đôi bàn tay gầy guộc, đen nhẻm, cười buồn.
Đang lúi húi xếp gạch, chị Mai (quê Liên Hồng, Đan Phượng) góp chuyện: "Vất vả cực nhọc mang được đồng tiền về nuôi con còn đỡ, chứ như cô Nhu bên kia kìa, có ông chồng suốt ngày cờ bạc, say rượu, hôm nào về không có tiền là bị đánh". Nói rồi, chị chỉ một người đàn bà gương mặt khắc khổ, khóe mắt vẫn còn bầm tím, đang lầm lũi xếp gạch mộc.  
Mỗi phu gạch, mỗi phận đời, cũng vì cuộc sống bần hàn, nghèo khó mà họ cố gồng đôi gánh mỏi. Phía xa, từng tốp nữ phu vẫn mải miết gồng mình, còng lưng gánh gạch ra, vào lò…
Lê Đoàn