Saturday, March 8, 2014

Doanh nghiệp đau đầu với số liệu thống kê ‘ảo’!

SM- 08/03/2014     -Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thông tin được đánh giá là thứ quý như vàng đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang loay hoay trong khoảng trống số liệu. Trong khi, những thông tin vĩ mô được thống kê bởi các cơ quan nhà nước hầu như không giúp ích được gì đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bởi mức độ “nhân bản” của các bản báo cáo thì việc đặt hàng các hãng tư nhân điều tra, phân tích lại được coi là nhiệm vụ bất khả thi bởi mức chi phí “cắt cổ”.


Nhiều doanh nghiệp cho rằng số liệu thống kê của cơ quan nhà nước không giúp ích gì cho họ trong hoạt động kinh doanh.
Thực tế cho thấy sự nghi ngờ mức độ đáng tin cậy cũng như khả năng bám sát thực tiễn của các bản báo cáo số liệu thống kê do các cơ quan nhà nước thực hiện không còn là vấn đề gì quá mới. Hồi tháng 9/2013, nhận định về những số liệu thống kê của nhà nước, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan còn phải thốt lên rằng: “Tôi không dám tin số liệu thống kê”. Trong khi đó, chính Tổng Cục Thống kê hồi tháng 12/2013 cũng phải thừa nhận số liệu thống kê có nhiều bất cập. Thậm chí, kết quả khảo sát do chính Tổng Cục Thống kê thực hiện và công bố hồi tháng 1/2014 cũng cho thấy chưa đến 1/3 trong tổng số 7.000 người tham gia khảo sát đánh giá số liệu thống kê của Việt Nam trong năm 2013 là đáng tin cậy.   
Rõ ràng, những bất cập trong các bản báo cáo thống kê này đã đẩy các doanh nghiệp đứng trước một khoảng trống thông tin, hoang mang không biết được đâu mới là những con số phản ánh đúng sự thật. Tờ Sài Gòn Times hôm 7/3 dẫn lời một giám đốc công ty chăn nuôi ở Đồng Nai khẳng định: Không cần đọc những số liệu thống kê tôi cũng có thể dễ dàng đoán được như thường lệ mỗi năm, mỗi quý, mỗi tháng, lượng đàn gia súc, gia cầm của cả nước sẽ được báo cáo là tăng nhẹ, hoặc có giảm cũng chỉ giảm chút xíu 1% đến 2% so với tháng trước, quý trước…
 
Để minh chứng cho nhận định này, vị giám đốc ở Đồng Nai còn dẫn hẳn con số ước tính của Tổng Cục Thống kê đối với số lượng trâu cả nước trong tháng 2/2014 chi giảm hơn 2% và bò chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, vị giám đốc này còn cho biết thêm, trong nhiều năm qua, ông luôn theo dõi số liệu thống kê của ngành chăn nuôi và kết quả là hầu như số liệu mỗi tháng đều trùng khớp nhau cả về tỷ lệ lẫn câu chữ. Trong khi đó, thực tế lại hoàn toàn ngược lại bởi rõ ràng những năm gần đây sau những biến động lớn bởi dịch cúm và thời tiết khắc nghiệt, hàng chục vạn hộ chăn nuôi lợn, gà đã buộc phải đóng cửa, phá sản, những doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi điêu đứng vì thua lỗ. Tuy nhiên, những số liệu thống kê vẫn chỉ dừng ở mức vĩ mô, quá chung chung và không phản ảnh được những “cú sốc” này. Vì vậy, số liệu thống kê của nhà nước hầu như không có được một tác dụng nào và các doanh nghiệp chăn nuôi buộc phải “dò đá qua sông”, tự dựa vào những kinh nghiệm bản thân để đưa ra các quyết định kế hoạch chăn nuôi tiếp theo.
 
Đồng quan điểm với việc “khó có thể trông mong vào các số liệu thống kê của nhà nước”, ông Phạm Minh Đông, giám đốc Công ty Asia Door, cho biết: Trái ngược lại hoàn toàn với những báo cáo thống kê “màu hồng” của các cơ quan nhà nước trong thời gian gần đây khiến cho thị trường địa ốc có vẻ như đang vực dậy, thực tế điều tra của chính công ty lại cho thấy thị trường BĐS trong những tháng đầu năm 2014 còn tệ hơn năm ngoái.
 
Vì vậy, muốn có được những thông tin đáng tin cậy hơn, các doanh nghiệp buộc phải mua số liệu thống kê của những công ty nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để sử dụng dịch vụ này. Đơn cử như nếu lựa chọn đặt hàng báo cáo phân tích, điều tra từ các công ty tư nhân, trong đó đa phần đều mới khởi nghiệp trong vài năm gần đây như Agrimotor, Stoxplus, Vietnam report... thì cũng phải tốn từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Trong khi đó, nếu thuê các công ty đa quốc gia, công ty kiểm toán, hay một số công ty chứng khoán, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam như AC Nelson, BMI (Business Monitor International), EIU (Economic Intelligent Unit), Reuters, Bloomberg… cung cấp các báo cáo chuyên biệt thì mức giá còn “chát” hơn gấp nhiều lần, thậm chí lên đến cả tỷ đồng. Hậu quả là hơn 600.000 doanh nghiệp tại Việt Nam dù được coi là đang hoạt động trong thị trường thông tin mở nhưng thực chất vẫn “mù” thông tin và vẫn buộc phải tự thân vận động là chính.
 

No comments:

Post a Comment