Saturday, March 8, 2014

“Máy bay Malaysia rơi lúc an toàn nhất”



Thứ bảy, 2014-03-08 19:12:03 - Nguồn: 24h.com.vn
Chuyên gia hàng không cho rằng máy bay Malaysia đã gặp nạn trong thời điểm an toàn nhất.
Trong khi lực lượng cứu hộ của các nước có liên quan đang tìm mọi cách xác định vị trí chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi trên vùng biển cách đảo Thổ Chu 153 hải lý, một chuyên gia hàng không thế giới đã nhận định rằng chiếc máy bay này bị rơi đúng vào thời điểm an toàn nhất của chuyến bay.
Chuyên gia hàng không Richard Quest của CNN nhận định: “Chiếc máy bay mất tích khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, thời điểm được cho là ‘chặng êm ái nhất của chuyến bay’. Lúc này máy bay đã trải qua chặng cất cánh, tăng độ cao, và chỉ việc lướt đi theo hành trình.”
“Máy bay Malaysia rơi lúc an toàn nhất” - 1
Chiếc máy bay được cho là gặp nạn trong thời điểm an toàn nhất
“Thế nên trong cả chuyến bay, đây là thời điểm an toàn nhất, và không có gì sai sót có thể xảy ra. Chiếc máy bay đang ở độ cao đủ để kích hoạt chế độ lái tự động, các phi công chỉ phải đưa ra những điều chỉnh nhỏ về độ cao khi máy bay đốt cháy dần nhiên liệu, thế nên nếu tai nạn đến vào thời điểm này thì hẳn phải có điều gì đó cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra.”
Chuyên gia Quest cho rằng chiếc máy bay Boeing 777-200 này đã hoạt động được khoảng 11 năm, và sử dụng 2 động cơ Rolls-Royce Trent được sản xuất ở Anh.
Ông nói: “Thế nên chiếc máy bay này không phải là quá cũ kỹ. Malaysia Airlines có 15 chiếc máy bay 777-200 trong đội bay của mình, và họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành loại máy bay này. Họ là một hãng hàng không danh tiếng với độ an toàn rất cao.”
Ông Greg Feith, một cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho rằng trong trường hợp hệ thống điện của máy bay bị mất thì phi công vẫn có thể báo cáo tình hình về đài kiểm soát không lưu.
Ông nói: “Các máy bay tiêu chuẩn đều có hệ thống điện dự phòng bằng ắc-quy, và chúng vẫn có thể cấp đủ điện cho một số thiết bị và hệ thống liên lạc trên máy bay hoạt động để hoàn thành chuyến bay một cách an toàn.”
“Thế nên bạn có thể mất toàn bộ máy phát điện, bị hỏng cả 2 động cơ, song hệ thống điện dự phòng vẫn phải hoạt động được trong một thời gian nhất định để đề phòng các trường hợp khẩn cấp.”
Ông Feith cũng chỉ ra rằng một nguyên nhân có thể khiến máy bay gặp nạn một cách bất ngờ như thế là do áp suất nội khoang.
“Nếu máy bay gặp phải vấn đề về áp suất ở độ cao 9000 – 1000 mét, áp suất nội khoang giảm một cách đột ngột, phi công có thể bị bất tỉnh nếu không được cung cấp đủ oxy chỉ trong vài giây và không thể vận hành máy bay.”
Khi được hỏi liệu chiếc máy bay này có thể đã hạ cánh khẩn cấp ở đâu đó hay không, ông Quest nói rằng xác suất đó là cực kỳ thấp. Ông nói: “Đây không phải là một chiếc máy bay cỡ nhỏ. Nó là một máy bay chở khách cực kỳ lớn và không thể tùy tiện hạ cánh ở bất cứ nơi nào.”
Bà Mary Schiavo, cựu Tổng Thanh tra Bộ Giao thông Mỹ cũng chia sẻ quan điểm trên: “Với công nghệ liên lạc và các thiết bị rất hiện đại trên Boeing 777, rất ít khả năng chiếc máy bay này có thể hạ cánh đâu đó mà không ai liên hệ được.”
“Có nhiều cách để xác định vị trí chiếc máy bay này như đèn cảnh báo tự động, hệ thống liên lạc vô tuyến, liên lạc kỹ thuật số trong buồng lái và hệ thống định vị vệ tinh GPS. Tuy nhiên việc không thể liên lạc được với chiếc máy bay này chứng tỏ có điều gì đó rất không may đã xảy ra.”
Bà Schiavo nói tiếp: “Nếu tất cả những hệ thống liên lạc đó đều không hoạt động thì rất có thể chiếc máy bay này đã cùng chung số phận như một chiếc máy bay của Pháp bị rơi xuống đại dương trong hành trình bay từ Brazil tới Paris. Người ta đã rất khó khăn trong việc xác định vị trí của nó bởi đại dương quá sâu.”
Chiếc máy bay mang số hiệu 447 của hãng hàng không Air France đã đâm xuống Đại Tây Dương vào ngày 1/6/2009 khiến toàn bộ 228 người trên máy bay thiệt mạng. Phải mất gần 2 năm tìm kiếm với 4 chiến dịch cứu hộ cứu nạn quy mô lớn, cơ quan chức năng mới xác định được nơi máy bay bị rơi, tuy nhiên phần lớn thi thể nạn nhân vẫn bị kẹt lại bên dưới một khe núi ngầm dưới đáy đại dương.
Kết quả điều tra vụ tai nạn cho thấy các phi công trên máy bay đã không phản ứng một cách hiệu quả với các trục trặc của hệ thống cảm biến tốc độ và điều chỉnh quỹ đạo bay sau khi máy bay gặp sự cố.
Tuy nhiên chuyên gia hàng không Jim Tilmon thì cho rằng máy bay Boeing 777-200 được trang bị rất nhiều hệ thống phức tạp nên chúng có hệ số an toàn rất cao. Ông cho biết: “Vụ tai nạn gây chết người duy nhất của máy bay Boeing 777-200 là vụ máy bay của hãng hàng không Asiana đâm xuống sân bay San Francisco hồi năm ngoái. Trước đây cũng từng có một chiếc 777 khác gặp nạn nhưng không ai bị thương.”

No comments:

Post a Comment