Thứ Bảy, 08/03/2014 23:34
Thông tin đáng chú ý nhất trong cuộc tìm kiếm cứu nạn là máy bay của Việt Nam phát hiện dấu vết nghi là vệt dầu loang trên biển, dài 15 km
Ngày 8-3, cả 3 quốc gia có chung khu vực bay theo lộ trình chiếc phi cơ Boeing 777-20 (số hiệu MH370) của hãng hàng không Malaysia (MAS) mất tích (gồm: Việt Nam, Singapore và Malaysia) đã phối hợp tìm kiếm trên biển, trên không. Theo đó, Việt Nam đã huy động 9 máy bay tham gia tìm kiếm, bao gồm 2 chiếc AN26 (số hiệu 286 và 261). Chiếc AN26 cất cách lúc 15 giờ 7 phút, tìm kiếm trong vòng 25 phút. Sau đó, chiếc 261 tìm kiếm trong vòng 20 phút.
Đột ngột biến khỏi tầm theo dõi
Đáng lưu ý là trong thời điểm mất liên lạc với chiếc Boeing, thời tiết không có hiện tượng nguy hiểm đối với hoạt động bay. Chiếc Boeing biến mất khỏi màn hình radar của đài không lưu Malaysia khi chưa liên lạc với vùng thông báo bay Việt Nam. Đài không lưu không nhận được bất kỳ tín hiệu bất thường nào từ tổ bay. Trên máy bay cũng gắn thiết bị định vị khẩn nguy. Khi rơi xuống biển hoặc xuống đất, thiết bị này sẽ phát tín hiệu cấp cứu lên vệ tinh nhưng cho đến nay, không có bất cứ trạm vệ tinh mặt đất nào bắt được tín hiệu khẩn nguy.
Khoảng 15 giờ 30 phút, 2 máy bay tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã quay về căn cứ, 3 tàu biển trên đường ra vị trí tìm kiếm.
Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không tác chiến các biện pháp cứu hộ, cứu nạn Ảnh: Tô Hà
Ngay trước thời điểm chiếc Boeing mất tích, cơ quan kiểm soát không lưu Việt Nam đã liên lạc với máy bay để chuẩn bị tiếp quản điều khiển song không liên lạc được. Cơ quan không lưu Việt Nam đã liên lạc với các máy bay khác trong khu vực gần đó để liên lạc song cũng không được.
Chỉ phát hiện vết dầu loang và cột khói
Thông tin đáng chú ý nhất trong cuộc tìm kiếm cứu nạn là máy bay 286 của Việt Nam phát hiện dấu vết nghi là vệt dầu loang trên biển, dài 15 km, địa điểm nằm trong vùng thông báo bay của TP HCM và cách địa điểm chiếc Boeing mất liên lạc khoảng 135 km.
Tuy nhiên, do bay ở tầm độ cao nhất trong đội bay tìm kiếm cứu nạn của 3 quốc gia nên chiếc AN26 không xác định được đó có phải vết dầu loang hay không và thông báo cho phía Malaysia, Singapore cử máy bay trực thăng tiếp cận. Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam đánh giá trong trường hợp máy bay rơi xuống biển thì sẽ nổ tạo ra vết dầu loang nhiều giờ sau đó. Khi chiếc AN26 số hiệu 261 ra khu vực tìm kiếm đã phát hiện 1 cột khói, không xác định được do tàu thuyền hay vật gì phát ra. Thông tin được thông báo cho các đội tìm kiếm của Malaysia và Singapore.
Trực chiến tại Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam, ông Phạm Quý Tiêu - Phó Chủ tịch Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - cho biết nếu máy bay mất tích trong vùng thông báo bay của Việt Nam thì Việt Nam sẽ thành lập Ủy ban Điều tra tai nạn quốc gia để phục vụ công tác điều tra. Vị trí này là vùng lân cận nên chưa xác định được cụ thể hơn.
Cùng thời điểm, Malaysia và Singapore cũng huy động mỗi nước 2 máy bay tìm kiếm tại khu vực nghi chiếc Boeing mất tích. Máy bay của Malaysia và Singapore bay tìm kiếm trên độ cao 4.000-5.000 feet, máy bay của Việt Nam tìm kiếm ở độ cao 6.000-7000 feet (khoảng 2.000-2.300 m) trên mặt biển.
Theo thông lệ hàng không quốc tế, thời gian tìm kiếm 1 chiếc máy bay mất tích diễn ra trong khoảng 72 giờ. Đến 22 giờ 30 phút ngày 8-3 vẫn chưa xác định được chính xác vị trí cũng như nguyên nhân chiếc máy bay mất tích.
Nghi ngờ máy bay bị rơi
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III nhận được thông tin hồi 0 giờ 20 phút ngày 8-3 và đã đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phối hợp xác minh thông tin; yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho các phương tiện của ngư dân đang đánh bắt trên biển hỗ trợ tìm kiếm.
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5, cho biết thông tin về điểm rơi chiếc máy bay được cơ quan tìm kiếm cứu nạn Malaysia dự tính và thông báo cho Việt Nam sáng 8-3. Cơ quan này tính toán máy bay có thể rơi ở vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia, cách đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) khoảng 153 hải lý.
Chiếc Boeing 777-200 cất cánh lúc 16 giờ 42 phút (UTC) tức 23 giờ 42 phút (Việt Nam) ngày 7-3 từ Kuala Lampur (Malaysia) đi Bắc Kinh (Trung Quốc). Mất liên lạc lúc 17 giờ 21 phút (UTC) tức 0 giờ 21 phút ngày 8-3 (Việt Nam) cách Tây Nam mũi Cà Mau khoảng 120 hải lý, trên vùng biển Malaysia, cách phía Nam vùng chồng lấn Việt Nam - Malaysia khoảng 25 hải lý. Trên chuyến bay, ngoài 12 thành viên phi hành đoàn còn có 227 hành khách (có 2 trẻ sơ sinh) của 13 quốc gia, riêng công dân Trung Quốc có 158 người.
Tích cực xác minh, triển khai cứu hộ
Ngày 8-3, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin chiếc Boeing của MAS mất tích, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam quan tâm sâu sắc và chia sẻ nỗi lo của các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Chiều 8-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện khẩn cho Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Dato Sri Anifah Hj Aman, bày tỏ chia sẻ và quan tâm sâu sắc đối với sự lo lắng của chính phủ, nhân dân Malaysia, các nước liên quan cũng như gia đình các hành khách trên chuyến bay. Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Malaysia để xác minh thông tin, triển khai lực lượng và phương tiện, biện pháp cứu hộ, cứu nạn. B.Diệp-B.T.C
Tô Hà - DUY NHÂN
No comments:
Post a Comment