Saturday, March 8, 2014

Ông Putin vs. Tây Phương


Lê Phan

Phải nói là cuộc khủng hoảng ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine là một cuộc khủng hoảng giữa Tổng Thống Vladimir Putin và Tây phương.

Ðiều đó lộ rõ trong suốt cuộc họp báo kéo dài, lan man của ông Putin hôm Thứ Ba, 4 tháng 3. Tất cả những sự tức giận, uất ức thầm kín nhất của ông đối với Tây phương đã được phô bày. Trước toàn thể các nhà báo hiện diện, tổng thống Nga tức tối nói, “Ðây không phải lần đầu tiên mà các partners Tây phương của chúng ta làm vậy ở Ukraine. Họ ngồi bên kia cái ao... một đôi khi có vẻ như họ cảm thấy là họ đang trong một cái phòng thí nghiệm và họ thử đủ cuộc thí nghiệm đối với những con chuột mà không hiểu rõ hậu quả.” Ý hẳn ông nói chuyện gì đã xảy ra ở Kiev chỉ là một cố gắng nguy hiểm mới của Hoa Kỳ trong việc thay đổi xã hội.

Dĩ nhiên là qua việc xâm lăng (lén lút mà lại công khai) Crimea vào cuối tuần trước, ông Putin đã tạo cho chính phủ Obama một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất và cũng hóc búa nhất. Trong khi đạt được điều đó, ông đồng thời đã tạo nên một thử nghiệm xem liệu cái “Tây phương” mà ông tức tối nguyền rủa đó có phải là một thực thể hay không. Cuộc khủng hoảng này sẽ chứng minh là liệu có một liên minh bất biến nối giữa Hoa Kỳ và Âu Châu mà một tổng thống Hoa Kỳ có thể vận động để đối phó một cách quyết liệt với các đe dọa, mà trong hiện nay lại là cho chính các quốc gia Âu Châu.

Có vẻ như Ðiện Kremlin đã giả định rằng Hoa Kỳ, mệt mỏi sau gần 13 năm chiến tranh và một Liên Hiệp Âu Châu vốn suýt gục ngã vì một cuộc khủng hoảng kinh tế, không thể có nổi đoàn kết hay tài nguyên để chống cự lại một cách thực sự vụ chiếm đất ở Ukraine của chính quyền Nga. Ðiều ông Putin thực sự cá độ là nay “Tây phương” chỉ là một huyền thoại.

Trên website Politico tuần này, ông Ben Judah viết, “Nga nghĩ là Tây phương không còn là một liên minh thánh chiến nữa. Nga nghĩ là điều quan trọng nhất đối với Tây phương nay chỉ còn có tiền. Ðiện Kremlin nghĩ là nay họ biết hết những bí mật bẩn thỉu của Âu Châu.”

Những đụng độ nhỏ về ngoại giao vào lúc đầu của cuộc khủng hoảng này cho ông Putin cảm thấy là bản năng của ông đúng. Ðã có những dấu hiệu bất hòa giữa Hoa Kỳ một bên và Ðức và Anh một bên về loại trừng phạt nào cần phải được thi hành để trừng trị Nga. Chả thế mà một tài liệu của Anh, nay đã thành bia miệng cho thiên hạ, khi một phóng viên chụp hình được hôm Thứ Hai trong đó hứa hẹn, “Sẽ không đóng cửa trung tâm tài chánh Luân Ðôn đối với người Nga.”

Ngay cả nếu cuộc khủng hoảng không leo thang, sẽ có những vấn đề khó khăn giữa Hoa Kỳ và Âu Châu nếu ông Putin quyết định chiếm vùng Crimea. Thật dễ có thể tưởng tượng một kịch bản trong đó một số các quốc gia Âu Châu tuyên bố hủy cấm vận và kết thúc tình trạng khẩn trương rồi tìm cách tiếp tục “business as usual.” Trong khi đó ở bờ bên kia của “cái ao Ðại Tây Dương” hẳn là lời chỉ trích “đầu hàng” vang vọng vòng quanh thủ đô DC.

Ngược lại, nếu những chiến dịch của ông đi theo đúng hướng dự trù, ông Putin sẽ thấy là ông đã cung ứng một dịch vụ hữu ích tập trung chiến lược đằng sau hậu trường của nhiều phe nhóm trong khối Tây phương.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã bùng lên vào tháng 11 khi người lúc đó là Tổng Thống Viktor Yanukovich của Ukraine đột ngột từ chối ký vào “một thỏa thuận liên kết” với Liên Hiệp Âu Châu bao gồm một thỏa thuận mậu dịch tự do “sâu đậm và toàn diện.” Căn bản, Liên Hiệp đã đề nghị nới rộng thị trường chung của họ cho Ukraine, chỉ ngừng lại ở việc cho Ukraine tham gia Liên Hiệp. Những người ủng hộ Tây phương xuống đường ở Kiev. Nhiều tuần lễ đối đầu và đụng độ kết thúc hôm cuối tháng rồi khi những tay thiện xạ bắn những người biểu tình, và ông Yanukovich bỏ trốn ngay khi mà ông vừa đạt được một dàn xếp với các ngoại trưởng Âu Châu để tổ chức bầu cử sớm vào cuối năm nay.

Khi phe đối lập lên nắm quyền, Liên Hiệp ngần ngại muốn chờ cho có các cuộc bầu cử và một chính phủ thực sự được thành lập trước khi ký vào thỏa thuận mà họ đã năn nỉ ông Yanukovich ký. Ðiều mỉa mai là vì họ đã hứa cho ông Yanukovich, họ thật khó từ chối thỏa thuận đó cho những người đã bỏ mình vì phất lá cờ Liên Hiệp. Sự nghi ngờ của họ đối với hàng lãnh đạo mới của Ukraine, đặc biệt là với những người biểu tình ở Quảng trường Maidan, đã lộ rõ trong câu chuyện mới tiết lộ tuần này, lần này là giữa ngoại trưởng Estonia và bà Catherine Ashton, ngoại trưởng của Liên Hiệp. Hai người được nghe bàn luận về một lý thuyết âm mưu (conspiracy theory) trong số những người biểu tình ở Maidan là những tay thiện xạ này bắn cả vào người biểu tình lẫn cảnh sát và đã được thuê bởi các đảng lúc đó là đối lập chứ không phải là do ông Yanukovich.

Trong cái bầu không khí nghi kỵ đó, ông Putin đã thành công trong việc thuyết phục Liên Hiệp chấp nhận tân chính phủ và người mà Thứ Trưởng Victoria Nuland của Hoa Kỳ gọi là “Yats,” tức Thủ tướng lâm thời Arseniy Yatseniuk, nay đã trở thành bạn của Liên Hiệp và có lẽ thay vì chờ đến chính phủ thực sự, Liên Hiệp sẽ ký với chính phủ lâm thời thỏa thuận mậu dịch.

Ông Putin còn cho Liên Minh Bắc Ðại Tây Dương NATO một cái lý do để tồn tại. Với cuộc chiến ở Afghanistan sắp chấm dứt, NATO nay phải đối diện với lại một cuộc khủng hoảng niềm tin và hiện hữu mới. Triển vọng của một nước Nga bành trướng sẽ giúp cho liên minh có được một lý do để tiếp tục tồn tại. Và các thành viên mới của NATO ở Ðông Âu hẳn sẽ không bao giờ nghi ngờ sự quan trọng của liên minh này.

Hòa đàm mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu có thể vẫn tiếp tục dầu cho khập khiễng. Dĩ nhiên chuyện đó thường xảy ra trong các cuộc hòa đàm mậu dịch, nhưng ít nhất cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ giúp cung cấp một lý do chiến thuật cho đề nghị mậu dịch Mỹ Âu này.

Những diễn biến mới này cũng sẽ tạo ồn ào thêm trong cuộc tranh cãi ở Hoa Kỳ về liệu có nên bán khí đốt rẻ tiền cho Âu Châu hay không. Hôm Thứ Ba, chủ tịch Hạ Viện thuộc bên đảng Cộng Hòa khẳng định là hủy lệnh cấm xuất cảng, mà bên chính phủ Obama đang tính toán, là “một bước rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ ủng hộ bạn bè và chống lại sự hung hăng của Nga.” Việc này sẽ có hậu quả lâu dài là làm giảm áp lực kinh tế mà Nga hiện nay có đối với Âu Châu.

Và dầu kết quả có làm sao chăng nữa, cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi đường hướng của chính sách ngoại giao của Tổng Thống Barack Obama. Giữa sự “chuyển hướng” sang Á Châu đến những cố gắng liên miên chữa cháy cho vùng Trung Ðông, ông Obama đã bị đổ cho là bỏ quên Âu Châu. Người Ba Lan, Tiệp và các quốc gia Ðông Âu khác đặc biệt cảm thấy điều này khi họ chứng kiến việc chính phủ Hoa Kỳ tìm cách xây dựng một liên hệ tốt với Moscow. Nhưng trong ba năm còn lại của chính phủ của ông, tổng thống hẳn nay sẽ phải tập trung vào Ðông Âu và sự lo âu của các đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng.

Cũng phải nói là cuộc khủng hoảng này, với hết chuyển hướng này sang chuyển hướng khác, ngay cả chỉ trong tuần qua, thành ra thật khó tiên đoán. Có thể ông Putin hiểu rõ tim đen của Tây phương. Một cuộc đối đầu kéo dài giữa Tây phương và Nga sẽ thúc đẩy Moscow tiến gần đến với Trung Quốc hơn. Chả thế mà một nhà bình luận trên báo The Nation của Thái Lan đã nói thực sự thừa nước đục thả câu lúc này chính là Trung Quốc.

Nhưng ít nhất là ông Putin đã thành công trong việc hồi sinh cái liên minh xuyên Ðại Tây Dương mà ông thù ghét.

No comments:

Post a Comment