Thursday, February 13, 2014

Đà Nẵng sẽ kiện Bộ TN-MT nếu Bộ không sửa quy trình điều tiết nước

(Dân trí) - “Nếu Bộ TN-MT không sửa lại quy trình vận hành liên hồ chứa, chúng tôi chắc chắn sẽ kiện Bộ ra tòa án”, đó là khẳng định của ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng với PV Dân trí chiều 13/2.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, theo đề nghị của Bộ TN-MT, UBND TP Đà Nẵng đã gửi góp ý dự thảo về quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 do Bộ này soạn thảo. UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ TN-MT sửa nội dung dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Huỳnh Vạn Thắng
Ông Huỳnh Vạn Thắng

Theo ông Thắng, dự thảo quy trình đã khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) H = 2,53m để làm cơ sở cho vận hành. Trị số 2,53m là giá trị trung bình của mực nước trung bình tháng có dòng chảy nhỏ nhất trong năm trong tài liệu từ năm 1976 đến nay. Nghĩa là mỗi năm lấy 1 tháng có dòng chảy trung bình thấp nhất, bất kể rơi vào tháng nào (có thể tháng 3, 6 hay 7).
“Đây cũng đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng”, ông Thắng phân tích.
Theo ông Thắng, dự thảo quy trình khi H (tại Ái Nghĩa) nhỏ hơn giá trị 2,53m tức là hạ du đang bị thiếu nước nghiêm trọng thì hồ Đăk Mi4 chỉ xả trả lại sông Vu Gia 12,5m3/s. Khi H (tại Ái Nghĩa) từ 2,53 đến 2,67m, tức hạ du đang bị thiếu nước nặng mà hồ Đăk Mi 4 chỉ xả trả lại sông Vu Gia 8m3/s.
 
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ trong mùa lũ năm 2013
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ trong mùa lũ năm 2013
 
Theo tính toán, thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy đi trong mùa cạn trung bình hàng năm 1.300 triệu m3 nước của sông Vu Gia. Trong khi đó, hồ A Vương chỉ mới bổ sung lại khoảng 266 triệu m3 nước, sau này khi đi vào vận hành (cuối năm 2014) cũng chỉ bổ sung thêm được 234 triệu m3. Có nghĩa là khi xây dựng được quy trình vận hành tối ưu nhất thì hạ du sông Vu Gia trong mùa cạn vẫn thiếu đến 700 triệu m3 nước so với điều kiện tự nhiên không có thủy điện trước đây.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng, khi khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa bằng 2,53m có nghĩa là gần như thủy điện Đăk Mi 4 sẽ không xả trả lại cho sông Vu Gia bất chấp hạ du thiếu nước, ngoại trừ 5m3/s để duy trì dòng chảy trên đoạn sông chết từ thủy điện Đăk Mi 4 đến Bến Giằng (huyện Nam Giang, Quảng Nam). “Điều này đi ngược lại với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 phải xả trả lại sông Vu Gia 25m3/s”, ông Thắng bức xúc.
“Như vậy, đơn vị tư vấn lập dự án dự thảo quy trình chỉ biết đặt lợi ích của thủy điện lên trên hết, bất chấp lợi ích của gần 1,7 triệu dân sống vùng hạ du sông Vu Gia (gồm huyện Đại Lộc, Điện bàn, TP Hội An tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước”, ông Thắng nói.
 
Dưới chân các đập thủy điện là những dòng sông cạn trơ đáy vào mùa khô
Dưới chân các đập thủy điện là những dòng sông cạn trơ đáy vào mùa khô
 
Ông Thắng cho rằng, với việc đẩy hạ du vào thế khó khăn trên, dự thảo quy trình đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước tại Khoản 2, 5, 7, 8 Điều 3, Nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Khoản 1 điều 9; Khoản 1, 2 Điều 54; Khoản 1 Điều 55; Khoản 3 Điều 60; Khoản 1 Điều 61…
 
PV Dân trí đặt câu hỏi: "Nếu Bộ TN-MT không sửa đổi dự thảo thì ông sẽ tiến hành như thế nào?". Ông Huỳnh Vạn Thắng khẳng định: "Chúng tôi chắc chắn sẽ đưa vấn đề này ra tòa án theo quy định của pháp luật. Theo tôi có 2 vấn đề, vấn đề thứ nhất chúng tôi sẽ khiếu kiện Bộ TN-MT về việc lập quy trình vận hành liên hồ chứa gây tác động rất lớn cho hạ du vì quy trình này chỉ làm lợi cho thủy điện, bất chấp quyền lợi của hạ du. Vấn đề thứ 2 chúng tôi có thể khởi kiện là bắt chủ đầu tư đền bù những thiệt hại do thủy điện Đăk Mi 4 gây ra mặc dù vận hành đúng quy trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Người nào gây ra thiệt hại thì người đó phải có trách nhiệm đền bù và khắc phục thiệt hại. Đó là quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có Luật về tài nguyên nước".
"Quy trình vận hành này dù rằng có thể được Chính phủ phê duyệt, trong đó những bên có quyền lợi liên quan như huyện Điện Bàn, Đại Lộc, TP Hội An (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng bị thiệt hại. Bộ TN-MT không chú ý chi tiết đó, xây dựng theo ý của Bộ và cái quy trình này gây thiệt hại thì Bộ phải chịu", ông Thắng nói thêm. 
Công Bính

No comments:

Post a Comment