Chống H7N9 lây lan ở Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily.
Trước tình hình virus H7N9 khiến hàng chục người dân Trung Quốc thiệt mạng, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đề xuất các biện pháp ngăn chặn virus này xâm nhập Việt Nam.
Nguy cơ lây nhiễm virus H7N9 – được đánh giá nguy hiểm như cúm A H5N1 – từ Trung Quốc sang Việt Nam đã khiến Bộ trưởng Cao Đức Phát nhiều lần bày tỏ sự sốt ruột trong cuộc họp khẩn chiều 13/2.
Theo Bộ trưởng Phát, chủng virus này tồn tại trên gia cầm nuôi, chim hoang dã và cả trong môi trường. Sự khác biệt là nếu H5N1 làm hầu hết gia cầm mắc bệnh chết thì gia cầm nhiễm H7N9 hầu hết không có triệu chứng lâm sàng, không chết. Cách nhận biết chỉ có thể thông qua lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, khi gia cầm tích lũy virus H7N9 đến một mật độ nhất định thì tạo ra nguy cơ lây sang người.
Cũng theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, hiện chưa có bằng chứng lây nhiễm H7N9 từ người sang người nhưng cũng như virus H5N1, có cúm gia cầm thì có người nhiễm và tử vong. Do đó, điều cần thiết lúc này là phải hành động ngay. Việt Nam chưa phát hiện H7N9 cả trên người lẫn gia cầm, thì phải bằng mọi cách không cho virus xâm nhập.
“Virus H7N9 đang đe dọa chúng ta hàng ngày hàng giờ. Tôi rất sốt ruột. Năm 2013 chúng ta đã ngăn chặn được thì năm nay phải nỗ lực cao nhất để duy trì kết quả đó”, Bộ trưởng Phát yêu cầu.
Một số biện pháp được ông đưa ra là theo dõi sát tình hình, thông tin cập nhật tới người dân về dịch cúm đồng thời quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm gia cầm và gia cầm có nguy cơ cao nhiễm virus vào Việt Nam. Những khu vực nằm trong diện dễ bị virus tấn công phải thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra.
Khẳng định lại nguy cao của H7N9, Cục trưởng Thú y Phạm Văn Đông cho hay, khu vực virus có khả năng xâm nhập nhất chính là 4 tỉnh biên giới giáp Quảng Tây và các địa điểm nhập khẩu sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc.
Các kịch bản ứng phó cũng được ông Đông nêu tại cuộc họp (tính đến cả khả năng xấu nhất là virus H7N9 xuất hiện cả trên gia cầm lẫn người) nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe người dân cũng như tác động tới nền kinh tế, đời sống xã hội. Bộ đã cử 9 đoàn công tác tới các tỉnh, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm 2 lần mỗi tuần ở 60 chợ nhằm kiểm soát chặt nếu virus xuất hiện.
Ông Đông nêu một số kinh nghiệm từ phía Trung Quốc, trong đó có việc giám sát chặt chợ gia cầm sống, đóng cửa tạm thời các chợ gia cầm, đặc biệt tại những nơi được xác định bị H7N9 tấn công…
Đánh giá cao nỗ lực ứng phó của Việt Nam, tiến sĩ Subhash Mozaria (Giám đốc khu vực của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp với dịch bệnh lây qua biên giới, thuộc Tổ chức Nông Lương thế giới – FAO) cho rằng cần thiết phải thực hiện các hoạt động diễn tập từ trung ương tới địa phương, truyền thông về rủi ro của dịch cúm, nhất là ở vùng biên giới. Việc tạm thời đóng cửa các chợ gia cầm là biện pháp quan trọng, giúp khoanh vùng, giảm thiểu lây lan trong tình huống có dịch.
Ông cũng đề xuất việc phối hợp thường xuyên giữa Bộ Nông nghiệp, Y tế của Việt Nam với các tổ chức quốc tế như WHO, FAO nhằm cung cấp thông tin và đánh giá rủi ro.
“Nếu virus được phát hiện thì cần truy xuất nguồn gốc, theo dõi nơi virus có khả năng lây lan tới. Ngoài H7N9 còn nhiều chủng cúm A biến đổi phức tạp, các hoạt động cần có tính toán dài hơi để ứng phó được với các chủng virus này”, vị đại diện của FAO đề nghị.
Tiến sĩ Mozaria nhấn mạnh, việc ứng phó sớm là cực kỳ cần thiết, tránh tác động tiêu cực tới nền kinh tế như Trung Quốc đang gặp phải khi hứng chịu thiệt hại tới 26 tỷ USD từ dịch cúm.
Chốt lại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, sẽ đề xuất Chính phủ tạm ngừng nhập tất cả các loại gia cầm sống và thịt, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc chưa qua xử lý chín bằng nhiệt vào Việt Nam.
Cũng theo ông Phát, trong tình huống phát hiện virus, thẩm thẩm quyền đóng cửa chợ thuộc lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, nếu thành viên ban chỉ đạo ứng phó với dịch cúm thấy cần thiết sẽ có văn bản đề nghị. Ông yêu cầu các thành viên phải sẵn sàng thực thi mọi biện pháp để tránh dịch lây lan vào Việt Nam. Việc giao ban để nắm thông tin và chỉ đạo ứng phó sẽ được tổ chức hàng tuần.
Theo Bộ Nông nghiệp, cúm A H7N9 được phát hiện lần đầu tại Trung Quốc tháng 3/2013 và sau chưa đầy một năm, hơn 300 ca bệnh trên người đã được ghi nhận. Hơn 70 người tử vong tại 12 tỉnh của Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan. Còn theo đại diện Bộ Y tế, tại tỉnh Quảng Tây – giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, virus H7N9 đều đã phát hiện cả trên gia cầm lẫn người.
THEO VNEXPRESS
No comments:
Post a Comment