Thursday, February 13, 2014

Việt Nam có đưa Trung Quốc ra tòa?.

 
Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông
 Hãng tin Anh Reuters vừa đăng tải bài viết của ký giả Greg Torode nói về khả năng một 'cuộc chiến pháp lý' giữa các nước Asean với Trung Quốc trong lĩnh vực chủ quyền ở Biển Đông.
Mới đây, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã gây chú ý khi ông so sánh chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông với Đức Quốc xã thời trước Thế chiến II và kêu gọi quốc tế trợ giúp cho các nỗ lực đối chọi lại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh mà Manila đang đưa ra.
Philippines đã mang tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế để phán xử theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển và theo các luật sư, tòa án có thể cho phép các nước khác cùng tham gia.
Trung Quốc cho tới nay vẫn khước từ tham gia vụ kiện và đã cảnh báo Việt Nam không nên ủng hộ Philippines.
Tuy nhiên, phóng viên Reuters nói Hà Nội vẫn đang cân nhắc và chưa đưa ra quyết định cuối cùng nào.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề quốc tế tại Washington, được dẫn lời nói: "Nếu như có nhiều quốc gia, trong đó có các thành viên Asean, cùng lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp thì Bắc Kinh có thể sẽ thấy rằng họ không thể bác bỏ phán quyết của tòa quốc tế, ngay cả khi phán quyết đó nói đường chín đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp".

Đức quốc xã

"Nếu như có nhiều quốc gia, trong đó có các thành viên Asean, cùng lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp thì Bắc Kinh có thể sẽ thấy rằng họ không thể bác bỏ phán quyết của tòa quốc tế, ngay cả khi phán quyết đó nói đường chín đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp."
Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm CSIS , Washington DC
Các nước tranh chấp chủ quyền trực tiếp ở Biển Đông, ngoài Trung Quốc và Philippines, còn có Việt Nam, Malaysia và Đài Loan.
Trong phỏng vấn với báo New York Times hồi tuần trước, Tổng thống Aquino đã so sánh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Đức Quốc xã năm 1938.
Ông cũng kêu gọi các nước không tiếp tục nhượng bộ trước các yêu sách mà ông ví như Anh và Pháp nhượng vùng Sudetenland với mục đích ngăn ngừa Thế chiến II nhưng bất thành.
Hoa Kỳ có lẽ là một trong các quốc gia lên tiếng đầu tiên ủng hộ Philippines tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua luật biển cho tranh chấp.
Được biết chủ đề tranh chấp Biển Đông có thể sẽ được đặt lên bàn nghị sự trong chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry tới Bắc Kinh tuần này.
Trong khi đó, theo Reuters, Trung Quốc vẫn tiếp tục các động thái ngày càng mạnh bạo tại Biển Đông.
Điều đáng chú ý là phản ứng của các nước liên quan.
Báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin đoàn tàu tuần tra gồm hai tàu khu trục và một tàu đổ bộ hạng lớn đã tới gần bãi James Shoal - cách bang Sarawak của Malaysia có 80 km.
Tuy nhiên không rõ vì sao người đứng đầu hải quân Malaysia lại bác bỏ tin này, trong khi Tân Hoa Xã vẫn tường thuật chi tiết hải trình của các tàu Trung Quốc, rằng chúng đã qua các eo biển chiến lược của Indonesia là Lombok và Makassar để ra Ấn Độ Dương.
Truyền thông Trung Quốc còn cho hay nước này đã đưa tàu tuần tra dân sự tải trọng 5.000 tấn tới quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Tính toán của Việt Nam
Trong khi thông thường giới chức Hà Nội chỉ đưa ra các phản đối có tính khuôn mẫu, giới quan sát cho rằng ở đằng sau Việt Nam đã có những hành động nghe ngóng và tham khảo ý kiến của giới chuyên gia luật quốc tế khiến Trung Quốc phải lên tiếng cảnh báo nước này không nên tham gia vụ kiện của Philippines.
Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra, nói ông được giới chức Việt Nam cho biết đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã mang cảnh báo này tới cho quan chức Việt Nam trong chuyến đi Hà Nội tháng 9/2013.
Theo ông Thayer, Việt Nam đang cố cưỡng lại áp lực để giữ quyền có thể có hành động bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khi được hỏi về áp lực từ phía Trung Quốc đã không trả lời thẳng nhưng nói Hà Nội "theo dõi chặt các bước đi về luật pháp của Philippines".
Đối với câu hỏi liệu Việt Nam có quyết định tham gia vụ kiện hay không, ông Nghị cũng chỉ trả lời rằng Việt Nam sẽ "sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết và hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia".
Hiện tại đội ngũ gồm 5 luật sư Mỹ và Anh của Philippines đang chuẩn bị hoàn tất hồ sơ đệ tòa trước thời hạn 30/3 nhằm chứng minh đường yêu sách chín đoạn, còn gọi là đường 'lưỡi bò' của Trung Quốc, là bất hợp pháp theo Luật biển LHQ.
Luật sư trưởng của Philippines trong vụ này, Paul Reichler, thuộc công ty luật Foley Hoag đặt ở Washington DC, nói tòa trọng tài quốc tế có các điều khoản cho phép các nước khác xin tham gia.
Ông nói với Reuters tuy hiện chưa có nước nào ngỏ ý nhưng họ "còn nhiều thời gian để làm việc này".
Liệu Việt Nam có quyết định tham gia hay không, chắc phải theo thời gian mới có lời giải đáp.

No comments:

Post a Comment