Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng:
ĐĂNG BỞI MỘT THẾ GIỚI -
Ngay sau khi Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) hoàn thành Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa Đăk Mi 4 - A Vương - ông Tranh 2, được sự đồng ý của UBND thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 08/PCLB gửi Bộ TN-MT phản ứng mạnh mẽ và dọa sẽ kiện ra tòa nếu một số điểm trong dự thảo đó không được sửa đổi.
Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã trao đổi với ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng, thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, điểm nào trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa Đăk Mi 4 - Sông Tranh 2 - A Vương mà Đà Nẵng cho rằng Bộ TN-MT phạm luật nếu dự thảo này được thông qua?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Dự thảo khống chế mực nước tại trạm Ái Nghĩa trên sông Vu Gia là 2,53m. Cao trình khống chế mực nước tại trạm Ái Nghĩa là 2,53m thì nó tương đương với mực nước trung bình của từng tháng có dòng chảy nhỏ nhất trong năm theo số liệu thủy văn từ năm 1976 đến nay.
Tương đương với mực nước đó, trong dự thảo Đăk Mi 4 chỉ trả lại sông Vu Gia 12,5 m3/s. Đó là con số chết, hạ du hoàn toàn khô hạn, 1,7 triệu người dân sẽ thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất.
Mặc dù có chỉ đạo của Chính phủ, Đăk Mi 4 vẫn không xả một giọt nước nào vào mùa khô. Ngoài việc ăn gian dung tích phòng lũ, thủy điện này còn chia nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn làm biến đổi tự nhiên một cách khủng khiếp. Đây là một trong những thủy điện bê bối nhất Việt Nam về tác động môi trường. |
Xin ông nói rõ về cơ sở pháp lý để Đà Nẵng khởi kiện nếu dự thảo đó được thông qua?
Dự thảo đó vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước tại Điều 3: Khoản 2, khoản 5, khoản 8; Điều 9: Khoản 1; Điều 54: Khoản 1, khoản 2; Điều 55: Khoản 1; Điều 61: Khoản 1; Điều 60: Khoản 3…
Luật quy định rõ ai gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị đến Bộ TN-MT nếu không được thỏa mãn thì sẽ kiện chứ không phải dọa vì đó là quyền lợi an sinh của 1,7 triệu người dân của Đà Nẵng và một phần các huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam.
Tại sao lại có một dự thảo như vậy? Trước đây Đà Nẵng và các địa phương khác có được mời tham gia góp ý kiến dự thảo đó không?
Tôi nghĩ dự thảo đó chỉ chú ý đến lợi ích của các thủy điện. Trước đó Bộ TN-MT có mời Đà Nẵng và Quảng Nam ra (Hà Nội - PV) góp ý.
Chúng tôi đã góp ý rồi nhưng họ không chịu sửa đổi. Thành phố Đà Nẵng đã phải báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tình trạng thủy điện Đăk Mi 4 chia nước sông Vu Gia về hết sông Thu Bồn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo thủy điện Đăk Mi 4 phải trả lại cho dòng chảy sông Vu Gia 25m3/s.
Thưa ông, thế Đăk Mi 4 có thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tườn Hoàng Trung Hải từ năm 2010 không? Đà Nẵng có giám sát được không?
Không! Đăk Mi 4 hoàn toàn không xả một giọt vào mùa khô. Đăk Mi 4 đã lấy đi ½ nước sông Vu Gia nhưng không trả giọt nào vào mùa khô nên thành phố Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng.
Năm vừa rồi suốt 8 tháng mùa khô và gần 1 tháng đầu mùa mưa, nhà máy nước Cầu Đỏ phải lấy nước ở hồ thủy lợi An Trạch.
Trước khi có thủy điện không có vậy giờ nó (thủy điện Đăk Mi 4 - PV) gây ảnh hưởng thiệt hại đến sức khỏe, đời sống, sản xuất… của hàng triệu người dân. Để chứng minh thiệt hại đó chúng tôi có thể tính toán bằng con số rất dễ dàng.
Ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PT NT Quảng Nam:
Chúng tôi có góp ý cho Dự thảo quy chế vận hành liên hồ chứa Sông Tranh 2 - Đăk Mi 4 - A Vương. Những thể chế, quy chế, quy trình… trước khi có dự thảo này rất lâu chúng tôi cũng có ý kiến và được ghi nhận, sửa chữa. Thủy điện ảnh hưởng đến Quảng Nam mùa lũ, mùa khô ảnh hưởng ít hơn. Mùa khô chủ yếu ảnh hưởng Đà Nẵng nên trong dự thảo này chúng tôi không kiến nghị nữa.
Tại sao lúc dự án thủy điện Đăk Mi 4 mới bắt đầu thiết kế thành phố Đà Nẵng không có ý kiến về việc chia nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn mà sau này mới có ý kiến?
Trước đó mình không biết, nó không hỏi ý kiến của Đà Nẵng. Sau này mình tự phát hiện ra nó chia nước mới kêu cứu lên Bộ Công thương nhưng Bộ Công thương kiên quyết bảo vệ.
Chúng tôi đã từng đề nghị tạm dừng dự án đó cho đến khi giải quyết xong nhưng không được.
Sau đó chúng tôi kiến nghị lên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và được Phó Thủ tướng chỉ đạo trả 25m3/s nhưng nó có trả nước đâu.
Như vậy theo lập luận của TP Đà Nẵng, thủy điện Đăk Mi 4 và cả dự thảo của Bộ TN-MT về vận hành liên hồ chứa mới đây đều vi phạm nghiêm trọng khoản 1, Điều 55 về chuyển nước lưu vực sông trong Luật Tài nguyên nước?
Đúng vậy!
Xin cảm ơn ông!
Minh Sơn thực hiện
Đà Nẵng kinh hoàng mùa khô, Quảng Nam kinh hoàng mùa mưa
Ngày 15.11.2013, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ lưu lượng từ 4.000 đến 4.500 m3/s. Đợt lũ này tỉnh Quảng Nam có 3 người chết, nhiều vùng, nhất là huyện Đại Lộc bị ngập nặng do thủy điện xả lũ. Đăk Mi 4 do Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư với công suất thiết kế 190MW nằm ở thượng nguồn sông Vu Gia thuộc huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam. Trong quá trình thi công, thành phố Đà Nẵng phát hiện thủy điện này đã chia nước sông Vu Gia về Thu Bồn làm cho Đà Nẵng thiếu nước và kiện ra trung ương yêu cầu trả lại nguồn nước. Nhiều năm nay thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào mùa mưa gây ngập nặng vùng hạ du. Nguyên nhân chính việc xả lũ gây lụt là do nhà đầu tư thủy điện này đã ăn gian dung tích phòng lũ. Đăk Mi 4 có dung tích 516 triệu m3 nước, dung tích phòng lũ theo quy hoạch 149 triệu m3 nhưng chỉ thiết kế vỏn vẹn 2,2 triệu m3 dung tích phòng lũ.
No comments:
Post a Comment