ĐĂNG BỞI  - 
“Mấy tháng nay sữa tăng giá nhiều lần lắm, giống như cố đổ thêm khó khăn lên tụi tui. Mà mấy đứa nhỏ đâu thể thiếu sữa để uống được!”. Chị Trần Hoài Thương chống cằm nhìn mớ quần áo ngổn ngang trong căn phòng trọ nhỏ ở quận 9 (TP.HCM) nói như muốn khóc. Phần tiền trả thêm do sữa lên giá vừa "tước đoạt" của gia đình chị vài ký gạo tháng này…
Nghẹn lòng...
Sinh tới đứa con thứ hai thì chị Thương phải ở nhà. Đứa con gái lớn 3 tuổi được ưu tiên đi học mầm non. Đứa nhỏ vừa thôi nôi, vợ chồng chị không còn đủ khả năng cho bé đến nhà trẻ cho ba mẹ rảnh rang mưu sinh.
Hai vợ chồng chị Thương quê ở Quảng Ngãi. Chồng làm thuê cho một đại lý sơn nước. Vợ làm công nhân may. Tổng thu nhập của anh chị chỉ đủ trang trải vài hộp sữa mỗi tháng cho con, tiền trả nhà trọ ở Sài Gòn và tùm lum thứ chi tiêu nhọc lòng khác.
Thế rồi sữa tăng giá. Tháng 6.2013, một lốc sữa tươi Vinamilk mua ở Q.9 có giá 26.000 đồng/4 hộp. Qua tháng sau, vẫn lốc sữa đó, người mua phải mất thêm 3.000 đồng.
Hộp sữa bột Friso 1,5 kg cũng tại thời điểm kể trên là 560.000 đồng, giờ đã là 610.000 đồng. Vị chi chị Thương đã phải mất 50.000 đồng cho một hộp sữa. Số tiền phải trả thêm cho sữa tăng giá đồng nghĩa nhà chị Thương mất đi hơn 3 ký gạo, hoặc tương đương 5 mét khối nước ở nhà trọ để sinh hoạt…
“Tôi hiểu rằng con tôi không thể thiếu sữa. Đời ba mẹ nó đã thấp bé, nhẹ cân thì đời con cái phải cải thiện chứ. Vậy mà không hiểu sao giá sữa cứ tăng cao miết” - chị Thương nghẹn giọng.
Cắt giảm mọi chi tiêu vì con
Đại lý sữa T. trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 vừa thông báo với một phụ nữ khách quen mua sữa tươi dạng hộp rằng: “Chị mua thêm thùng nữa đi, vẫn còn đủ hạn sử dụng. Từ tháng 3, sữa tăng giá rồi đó!”.
Chị Ngọc Huệ, khách mua sữa xoay những đồng tiền nhàu nhĩ, nét mặt đăm chiêu. Rồi bất chợt, chị đặt thùng sữa lên xe, chào chủ cửa hàng, tất tả hòa vào đám đông. Thùng sữa dự tính mua thêm đã không được chị chọn.
“Không cần phải là một chuyên gia kinh tế cũng đủ nhận ra rằng, sữa tăng giá sẽ kéo theo rất nhiều lo toan cho biết bao gia đình. Một chiếc thẻ điện thoại trả trước của chồng sẽ giảm mức tiền, cây son bình dân của vợ cũng sẽ thành xứ xa xỉ…” - anh Phương, một công nhân ở trọ trên đường Đỗ Xuân Hợp thổ lộ với chúng tôi.
Vợ chồng anh Phương từ Bến Tre về Sài Gòn mưu sinh bằng nghề xây dựng. Anh chị có lý lịch nghề nghiệp khá giống nhau: Chồng làm thợ hồ, còn vợ làm phụ hồ. Họ có 2 đứa con, một đứa ở quê với ông bà nội, đứa nhỏ theo ba mẹ ở nhà trọ. Mỗi tháng anh chị gửi trẻ hơn 1 triệu đồng.
“Giờ thì sữa tăng giá. Ban đêm vợ chồng có cái tivi để coi cải lương cũng phải xếp cất vì tiết kiệm tiền điện để thêm sữa cho con. Không biết người giàu sống ra sao, chứ cuộc đời dân lao động như chúng tôi càng chắc bạc tóc vì giá sữa mất!” - anh Phương thở dài ngao ngán khi nhìn vợ vét đến muỗng cuối cùng của hộp sữa bột kêu lên những tiếng khô khốc…
Nếu so sánh với anh Phương, thì chị Huệ không phải nhà nghèo. Chị làm việc cho công ty nước ngoài, tốt nghiệp đại học và có nhà riêng ở thành phố. Nhưng không vì vậy mà sữa tăng giá không ảnh hưởng đến những người có điều kiện kinh tế như chị.
“Chỉ trong thời gian ngắn, sữa tăng đến 6 lần. Không có gì nghịch lý nào hơn vậy. Tôi tự hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường đã làm gì để tình trạng mọi người dân khốn khó vì nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình. Sữa là loại sản phẩm cải thiện giống nòi, càng tăng giá thì càng không thể đòi hỏi người Việt nâng cao thể trạng, thể hình, thể lực… rồi từ đó mà thua thiệt các dân tộc khác” - chị Huệ nói.
Thanh Nhã