Thursday, February 13, 2014

Cuộc chiến đồ ăn nhanh tại Việt Nam mới chỉ dành cho doanh nghiệp ngoại!

SM- 13/02/2014       -“Thua ngay trên sân nhà” xem ra không chỉ là thuật ngữ dành riêng cho bóng đá. Việc hàng loạt các hãng đồ ăn nhanh lớn trên thế giới, mà mới đây nhất là McDonald’s, đang xâu xé thị trường Việt Nam cho thấy tiềm năng cũng như độ hấp dẫn nhất định của dải đất hình chữ S. Song trong cuộc đua gay cấn tranh giành thị phần nhìn chung chỉ thấy các doanh nghiệp ngoại, mà vắng bóng các doanh nghiệp trong nước.


“Đại gia” đồ ăn nhanh McDonald’s vừa chính thức đổ bộ vào Việt Nam khiến miếng bánh thị phần trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng các doanh nghiệp nội vẫn đang đứng ngoài cuộc đua. Ảnh minh họa: Getty Images
Đại diện McDonald’s Việt Nam vừa công bố với giới truyền thông rằng trong những ngày mở cửa phục vụ đầu tiên, cửa hàng tại TP. HCM đã đón khoảng 20.000 lượt khách/ngày. Nếu tính nhanh với một thực khách sử dụng trung bình 75.000 đồng (giá một phần bugger kèm nước uống) thì McDonald’s đã bỏ túi 750 triệu đồng/ngày. Con số hấp dẫn này có thể đạt được bởi cái tên McDonald’s đã quá nổi tiếng trên thế giới và bao giờ sự mới lạ cũng thu hút con người. Vậy nên cũng không quá khó hiểu khi người Việt những ngày đầu muốn thử cảm giác được phục vụ và được ăn những món đồ mà người Mỹ mang lại. Còn những ngày sau đó, không ai có thể nói trước điều gì.  
 
Cảnh tượng thực khách xếp hàng dài tại cửa hàng đầu tiên của McDonald's ở Việt Nam trong những ngày đầu khá giống với những gì Starbucks làm được hồi tháng 2/2013. Nhưng hiện nay, khách tìm tới cửa hàng vẫn chủ yếu là nhóm khách nước ngoài và những người đã quen với Starbucks. Lễ khai trương cửa hàng thứ 3 mới đây cũng diễn ra trong sự im ắng và thờ ơ của truyền thông.
 
Nhưng cũng không thể phủ nhận một điều rằng: McDonald’s dù “tấn công” thị trường Việt Nam muộn hơn so với các đối thủ, nhưng lại chọn đúng thời điểm khi khái niệm thức ăn nhanh phần nào đã định hình trong tâm trí nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là lớp trẻ. Đó dường như là những gì mà KFC, Burger King, Pizza Hut,… “gây dựng” được trước đó. Song nếu nói tới thị phần, KFC mới là thương hiệu thức ăn nhanh có nhiều cửa hàng và chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Hiện hãng đang có 135 nhà hàng tại hơn 19 tỉnh, thành phố. Trong khi Burger King cũng sở hữu hàng chục chi nhánh tại TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. McDonald’s có được sự mới mẻ nhưng các đối thủ lại có kinh nghiệm hơn tại Việt Nam.
 
Từ đó có thể thấy, việc McDonald’s đổ bộ vào Việt Nam có thể khiến cuộc chiến đồ ăn nhanh trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng Trưởng Phòng Kinh doanh phụ trách phát triển hệ thống nhà hàng BBQ Việt Nam Đỗ Mỹ Hạnh nhận định trên Người Lao Động rằng mỗi một thương hiệu đều có những chiến lược riêng để giữ và mở rộng thị phần. Do đó, việc xuất hiện thêm một thương hiệu với mô hình tương tự sẽ không thể làm ảnh hưởng quá lớn tới các thương hiệu khác, có chăng là cạnh tranh về địa điểm “vàng” đặt cửa hàng.
 
Nhưng khi nhìn vào cuộc đua tranh này có thể thấy rõ một thực tế. Đó là các doanh nghiệp trong nước đang thờ ơ với mảng kinh doanh này mà để mặc các “ông lớn” ngoại quốc giằng xé miếng bánh fast food được cho là có nhiều tiềm năng ngay trên quê hương. Các nghiên cứu trước đó từng chỉ ra rằng thị trường thức ăn nhanh Việt Nam sẽ còn phát triển với tốc độ 15% trong năm nay. Do đó, vẫn còn “đất” cho doanh nghiệp ngoại, và cũng đồng nghĩa với việc còn cơ hội cho doanh nghiệp nội.
 
Nhận định về sự chậm chân của doanh nghiệp Việt Nam trong phân khúc này, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng hiếm doanh nghiệp trong nước nào có đủ tiềm lực để gây dựng chỗ đứng trong một thời gian dài như những gì mà KFC từng trải qua là 7 năm thua lỗ rồi mới thành công. Dù không ai chắc câu chuyện thua lỗ này sát thực tế đến đâu, nhưng theo ông Hoàng Tùng, các doanh nghiệp nội vẫn thích thú hơn với việc đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực nói chung. Trong khi Việt Nam không thiếu các sản phẩm “ăn nhanh” đặc trưng của vùng trồng lúa nước Đông Nam Á, với những món như xôi, cơm nắm, bánh mì, bánh nướng/rán các loại…
 
Nhận định đó có thể đúng hoặc sai, nhưng thực tế đang phản ánh rằng cuộc đua đồ ăn nhanh đang vắng bóng các tên tuổi trong nước. Nhưng khi không muốn đua, hoặc chưa muốn đua, thì ngay cả tới thị phần cung cấp nguyên - phụ liệu, thực phẩm..., doanh nghiệp nội vẫn không thể chen chân được vào.
 
Bằng chứng là sau 15 năm xuất hiện tại thị trường Việt Nam, đại diện Lotteria cho biết tới 80% nguyên liệu được mua từ doanh nghiệp liên doanh, còn doanh nghiệp nội địa 100% thì rất hiếm. Tương tự như vậy, Burger King khẳng định 100% thịt bò phải nhập từ Úc. Người mới tới McDonald’s cũng có cùng kịch bản khi thịt lợn và khoai tây phải nhập từ Mỹ, chỉ có rau tươi và cà chua lấy từ Việt Nam… Thậm chí cả tới những đồ dùng cơ bản là hộp giấy đựng thức ăn, ly giấy đựng nước uống cũng phải nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Malaysia…
 
Theo bà Đỗ Mỹ Hạnh, nguyên nhân là do chất lượng sản phẩm của Việt Nam chưa tốt, chưa có nhà cung ứng lớn đủ đáp ứng nhu cầu về số lượng lẫn chất lượng. chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định rằng chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước là chưa chuẩn, và chưa đồng nhất từ sản xuất đến tiêu thụ. Do đó, việc không thể chen chân vào chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh là điều dễ hiểu. Khi đó, cuộc chơi vẫn chỉ đang dành cho doanh nghiệp ngoại, nếu có doanh nghiệp nội đi chăng nữa cũng chỉ dành cho các doanh nghiệp thực sự mạnh.
 

No comments:

Post a Comment