VRNs (14.02.2014) – Sài Gòn – Trong số 18 người bạn của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thả ra sau khi bắt giam, đánh đập vào đêm hôm qua 13/2, có 2 người giao cho chúng tôi Quyết Định chấm dứt việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính do thượng tá Lê Hoàng Dũng, Phó trưởng công an huyện Lấp Vò, Đồng Tháp ký là ông Tô Văn Mãnh, một tín đồ PGHH và anh Phạm Nhật Thịnh, cộng tác viên VP CLHB DCCT Sài Gòn.
Văn phòng Công lý Hòa bình DCCT Sài Gòn có ý kiến về hai văn bản này.
Hai Quyết định chấm dứt việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính số 25/QĐ-CDTGN của ông Tô Văn Mãnh và số 27/QĐ-CDTGN của ông Phạm Nhựt Thịnh (sic!), cùng đề ngày 12/02/2014, trái pháp luật vì những lý do sau:
1) Quyết định này không có căn cứ pháp luật. Vì lẽ, hai Quyết định này đều “Căn cứ Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và khoản 18 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh XLVPHC năm 2008″… trong khi cả hai Pháp lệnh này đều đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2013 và ngày 31/12/2013. (khoản 1, khoản 2 Điều 141 Luật XLVPHC 2012). Cũng vậy, hai QĐ này căn cứ Nghị định 162/2004 và NĐ 19/2009 đều đã hết hiệu lực từ ngày 17/11/2013 (Điều 40 NĐ 112/2013/NĐ-CP).
2) Quyết định này vi phạm nghiêm trọng pháp luật:
(i) Những người này không thuộc trường hợp bị tạm giữ hành chính (theo khoản 1 Điều 22 Luật XLVPHC và Điều 11 NĐ 112/2013).
(ii) Thời hạn tạm giữ quá 12 giờ, nếu kéo dài thêm (đến tối đa 24 giờ) thì buộc phải có Quyết định kéo dài thời gian tạm giữ (khoản 2 Điều 11 NĐ 112/2013). Hai QĐ này không thể hiện nội dung công an huyện Lấp Vò đã ra QĐ kéo dài thời gian…Chưa kể QĐ không có các nội dung như qui định tại k 1 Điều 11 NĐ 112/ 2013.
(iii) Không thông báo cho gia đình “Ngay sau khi ra quyết định tạm giữ, theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo bằng văn bản, điện thoại, fax hoặc các phương tiện thông tin khác về quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính cho gia đình, cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập của người bị tạm giữ biết. Nếu không thể thông báo được thì phải báo cho người bị tạm giữ biết và ghi vào sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính.”
(iv) Giữ người tại trại tạm giam hình sự “6. Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.”
(v) Phó trưởng công an huyện không có thẩm quyền nếu Trưởng công an có mặt, và phải giao quyền bằng văn bản “2. Người có thẩm quyền tạm giữ người quy định tại các điểm từ a đến i khoản 1 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kì cá nhân nào khác.
(vi) Hai QĐ này không có đầy đủ nội dung theo qui định tại k 3 Điều 13 NĐ 112/ 2013… “Nội dung quyết định chấm dứt việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải ghi rõ số quyết định, giờ, phút, ngày, tháng, năm ra quyết định, căn cứ ra quyết định; họ, tên, chức vụ, cấp bậc, cơ quan, đơn vị của người ra quyết định; họ, tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hay các giấy tờ khác có giá trị thay thế hộ chiếu của người được chấm đứt việc bị tạm giữ; lý do chấm dứt việc tạm giữ, điều, khoản văn bản pháp luật được áp dụng và ký tên, đóng dấu cơ quan của người ra quyết định chấm dứt việc tạm giữ.
Với những căn cứ trên, do Quyết định trái pháp luật, việc tạm giữ người- trong trường hợp này- là vi phạm pháp luật, hai Ông Tô Văn Mãnh và Phạm Nhật Thịnh có quyền tố giác hành vi “bắt, giam người trái pháp luật”, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại.
VP CLHB DCCT Sài Gòn
No comments:
Post a Comment