“…Lãnh tụ chống cộng sản là ai? Xin trả lời là quần thể những người đã và đang đấu tranh. Đang sống ở hải ngoại, vô gia cư, đang chăn vịt, ngồi trong tù, bị quản thúc, đánh đập, theo dõi... Lãnh tụ không là một người, mà là nhiều nhân vật khác nhau…”
Với thương hiệu Hồ Chí Minh, đảng cộng sản đã thêu dệt huyền thoại của lãnh tụ tài đức song toàn. Nhưng công tâm xem xét, ngay trong tự truyện viết ra để tâng bốc mình, huyền thoại của vị cha già dân tộc, hy sinh vì nước vì dân chẳng có gì phi thường, vượt bực.
Nỗi gian nan của ông Hồ tìm đường cứu nước thì người vượt biên nào cũng đã trãi qua. Thường thì nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
Chuyện ăn cơm độn ngô ở hang Pắc Bó thì người dân nào cũng nếm phải trong thời bao cấp. Nhiều khi chỉ muốn ăn ngô, khoai, bo bo thôi mà cũng chẳng được.
Đảng cộng sản lấy nhà sàn của ông Hồ làm biểu tượng cho sự giản dị, tiết kiệm. Nhưng đố ai tìm được một khung cảnh phong thủy hữu tình hơn chốn này ngay giữa lòng Hà Nội. Ngược lại, nó chứng minh rằng Hồ Chí Minh là một người rất sành hưởng thụ !!!!
Cái tài của Hồ chí Minh và các đồng chí nó ở chỗ khác, chẳng đời nào dám nói ra : Khả năng dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt đối kháng mà không đếm xỉa gì đến nhân tâm, đạo đức hay sinh mạng !!!
Vì sống trong với môi trường cộng sản, nhiều người đấu tranh, nhất là những người trẻ cũng ước ao có một người đầy đủ tài đức đứng ra chỉ huy cuộc cách mạng chống cộng sản. Một thứ minh chủ, lãnh tụ, leader… tài đức song toàn và siêu việt. Những người này vướng phải 2 sai lầm.
Thứ nhất xem lãnh tụ chỉ là một người mà không phải là một quần thể lãnh tụ. Thứ hai là người lãnh tụ này phải có khả năng siêu phàm mà không còn là một con người bình thường như mọi người khác.
Lãnh tụ khác với lãnh đạo. Trong ngôn ngữ Việt Nam, lãnh tụ là một danh từ. Lãnh đạo vừa là danh từ, vừa là động từ.
Lãnh tụ là một biểu tượng. Lãnh đạo là người chỉ huy, điều hành.
Lãnh tụ thuyết phục những người khác hành động. Lãnh đạo ra lệnh cho những người khác hành động.
Lãnh tụ có quyền lực tâm lý khi chưa có quyền lực thật sự. Lãnh đạo phải có quyền lực, nếu không thì chẳng làm được gì.
Lãnh tụ chỉ xuất hiện trong hoàn cảnh đấu tranh, xây dựng thế lực từ hai bàn tay trắng. Lãnh đạo là người thừa kế, nhờ có vốn liếng sẵn mới phát huy những gì mình có sẵn để thêm to tát.
Một lãnh tụ, một đảng phái sẽ dễ độc tài.
Trong cuộc chiến đấu dành độc lập chống Pháp của Việt Nam có rất nhiều đảng phái, nhân vật. Nào là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học... Nào là Cao Đài, Hòa Hảo, Quốc Dân Đảng, Đại Việt... Không ít thì nhiều, họ vẫn có công lao cống hiến cho đất nước và là những biểu tượng ái quốc. Cộng sản cố tình bỏ quên hay làm lu mờ những lãnh tụ này. Lịch sử bị lèo lái theo một hướng duy nhất: Hồ Chí Minh vĩ đại, đảng cộng sản muôn năm.
Nếu ai cũng khư khư ao ước được một nhân vật đứng ra lãnh đạo thì sớm hay muộn gì cũng dẫn đến độc đảng và độc tài. Một ông vua và một triều đình.
Quốc gia dân chủ không thể có một độc đảng, một lãnh tụ duy nhất. Nếu có thì họ chỉ là nhân vật của một giai đoạn mà thôi. Những lãnh tụ, đảng phái nào tự cho rằng chỉ có mỗi mình mới có thể cầm quyền mãi mãi đều trở thành những chính quyền độc tài. Nếu ai còn bênh vực cho Hồ Chí Minh thì hãy nhìn những nhân vật khác như Mao Trạch Đông, Stalin, Nã Phá Luân, Lý Thế Dân, Kadafi, Kim Nhật Thành…
Trong mọi cuộc cách mạng, lúc nào cũng có nhiều nhân vật, tổ chức, đảng phái khác nhau. Trong cuộc chiến chống lại đế quốc Anh để dành độc lập. Ngoài George Washington ra, Hoa Kỳ còn lắm anh hùng khác như La Fayette, Benjamin Franklin, Thomas Jefferson…
Trong việc lập quốc nước Do Thái. Ngoài Ben Gourion ra, còn nhiều nhân vật của các đảng phái then chốt khác như Menahem Begin, Moshe Dayan, Golda Meir...
Nhiều người lãnh đạo được lịch sử ghi lại như những lãnh tụ như Nelson Mandela, George Washington, Ben Gourion... khi từ nhiệm ở đỉnh cao quyền lực. Chuyện mà chẳng có một lãnh tụ cộng sản nào làm được!
Lãnh tụ phải siêu phàm?
Lịch sử Đông Tây đã chứng minh, lắm vị lãnh tụ, anh hùng dân tộc lại là những nguời bình thường. Thậm chí rất bình thường. Nelson Mandela là một anh chàng háo sắc. Gandhi là một người cha rất tồi. Winston Churchill là một người thất bại trong hôn nhân, nghiện rượu, bị trầm cảm, từng muốn tự tử và thích dùng bạo lực !!!!! Vậy cái gì đã làm những người bình thường này trở thành lãnh tụ?
Giới nghiên cứu cho rằng người có khả năng lãnh đạo, và nếu hoàn cảnh cho phép, sẽ trở thành lãnh tụ nếu có bốn đức tính sau đây : Lạc quan, tự tin, chân thật và quyết đoán.
- Sự lạc quan, thái độ tin tưởng tương lai tốt đẹp không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của khả năng vượt qua khó khăn hiện tại để tiên liệu về tương lai. Ai đó đã nói lãnh đạo là tiên liệu. Không những người lãnh đạo chính trị tiên liệu được tương lai, mà còn phải tiên liệu được hành động của mình và đường lối của đảng phái đối với người khác. Nếu đường lối, cách ứng xử, những phát biểu của đảng mình như vậy, như vậy... thì hậu quả sẽ như thế, như thế...
Như mọi người, một lãnh đạo lạc quan sẽ có những tự tin cần thiết. Sự tự tin sẽ lan tràn đến các thành viên của đảng phái mình. Ở đâu cũng vậy, trong quốc gia, hãng làm, đảng phái hay gia đình, lúc nào những người tự tin cũng là những nhân vật đầu tàu. Nói trước làm trước và tạo ra những thành quả vượt bực.
Vì lạc quan và tự tin, người lãnh đạo sẽ không ngần ngại chia sẽ những khó khăn một cách thành thật với các thành viên khác để tìm ra giải đáp. Ngược lại, những thành viên cũng thành thật khai báo những khó khăn, khuyết điểm của mình để người lãnh đạo tìm cách bù đắp, sữa sai. Người lãnh đạo đã tạo ra một không khí thành thật không cần phải dối trên lừa dưới, đối kỵ hay bè phái.
Có lạc quan, tự tin và thành thật rồi vẫn chưa đủ. Người lãnh đạo còn phải có khả năng cuối cùng là quyết đoán. Sự quyết đoán là những gì tinh hoa nhất của một người lãnh đạo. Những quyết định tài tình sẽ đưa bản thân, đảng phái, quốc gia… vượt qua khó khăn kinh tế, nguy cơ bị đồng hóa hay bị tiêu diệt.
Hiện nay các cấp lãnh đạo của đảng cộng sản không có những yếu tố kể trên. Cứ nghe những phát biểu, việc làm của các bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng… và phản ứng như thế nào của dân chúng thì biết ngay là họ không có khả năng lãnh đạo quốc gia.
Và nhiệm vụ của người lãnh đạo có tầm vóc của lãnh tụ là gì? Nói cho nhiều, nhưng chỉ có ba nhiệm vụ chính mà thôi :
a) Thuyết phục những người khác hành động bằng nhân cách sống, lối ứng xử, cách giải quyết… của mình.
b) Qua sự giao tiếp, hiểu rõ và đáp ứng nguyện vọng của những thành viên.
c) Sát cánh và hổ trợ những người cộng sự có công với tập thể, tổ chức.
Những đức tính này lại có trong quần thể đấu tranh cho dân chủ. Những hành động của họ, dù nhỏ nhoi vẫn là những khích lệ, thúc đẩy những người khác đi vào con đường đấu tranh. Hơn thế nữa, họ đã chứng tỏ đầy đủ bản lãnh để thành rường cột cho quốc gia khi Việt Nam thay đổi chính trị.
Với những tuyên bố quyết liệt ngay khi còn trong tù, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Cù Huy Hà Vũ… có thể đứng đầu những tổ chức công đoàn, đoàn luật sư để bảo vệ công nhân, nông dân, dân oan.
Trịnh Hội đã huy động tiền bạc cứu giúp người Việt ở Phillippine hiệu quả hơn hẵn đại sứ quán. Đặng Xương Hùng đã ly khai trong đỉnh cao quyền lực trong bộ ngoại giao, cởi bỏ chức vụ đọc và chép để thành một người đấu tranh tự do. Sau này họ có thể là rường cột của bộ ngoại giao - gạch nối liền giữa người Việt ở trong nước và hãi ngoại.
Với kiến thức và can đảm về chính trị, những người như ông Nguyễn Gia kiễng, gia đình Huỳnh Ngọc Tuấn, nhà báo Đoan Trang… có đầy đủ khả năng làm việc trong quốc hội, vạch những đường lối chính trị để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường.
Với khả năng ăn nói, viết bài lưu loát vốn là nghề nghiệp của mình, Trương Duy Nhất, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Đức Kiên, Mẹ Nấm, Nguyễn Hưng Quốc, Tưởng Năng Tiến… cùng với những người điều hành của blog Dân Luận, Dân Làm Báo, Anh Ba Sàm… có đủ chuyên môn để làm ở đài truyền hình, bộ giáo dục.
Xin các người đấu tranh khác thứ lỗi cho việc liệt kê sơ sài này. Tác giả không thể ghi hết tên và khả năng của tất cả. Chỉ ghi vài tên tuổi để chứng minh rằng :
Giới trí thức đấu tranh trong và ngoài nước hoàn toàn dư giả nhân tài để thay thế đảng cộng sản. Trong mọi lãnh vực.
Cũng như một công ty kinh tế, tìm được giàn nhân vật để làm đầu não rồi thì tìm những người thừa hành dễ hơn. Một Tình trạng hỗn loạn quốc gia, mà dân chúng lo sợ sau sự ra đi của nền chính trị độc tài sẽ không xảy ra.
Các đảng viên cộng sản yêu nước và có thực tài cũng nên yên tâm. Hãy nhìn Đặng Xương Hùng, Phạm Chí Dũng, Lê Hiếu Đằng... đã được phe đấu tranh dân chủ chào đón như thế nào. Trong chế độ dân chủ, những phần tử tinh hoa đều có cơ hội để phát huy tài ba của mình. Thay vì phải học thuộc, đọc lại, làm theo... chế độ chuyên chế. Nếu chính trị Việt Nam không thay đổi bằng máu thì không có lý do gì mà các đảng viên cộng sản bị trả thù.
Trở về với hai câu hỏi mà nhiều người sắp đấu tranh thắc mắc: Lãnh tụ chống cộng sản là ai?
Xin trả lời là quần thể những người đã và đang đấu tranh. Đang sống ở hải ngoại, vô gia cư, đang chăn vịt, ngồi trong tù, bị quản thúc, đánh đập, theo dõi... Lãnh tụ không là một người, mà là nhiều nhân vật khác nhau. Sau này dân chúng, những tổ chức dân sự, đảng phái chính trị... sẽ lựa chọn người đại diện cho chính phủ. Sau này là sau này. Đừng đòi hỏi một chuyện mà chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
Và những lãnh tụ này muốn chúng ta làm gì?
Xin thưa, họ mong muốn chúng ta hành động tùy theo khả năng của mỗi người chúng ta.
Người nào đấu tranh được thì đấu tranh. Không công khai được thì ngấm ngầm.
Hỗ trợ được thì hỗ trợ. Không vật chất được thì tinh thần.
Hãy làm những gì mà mỗi chúng ta có thể làm và dám làm. Vì những người lãnh tụ, cũng như chúng ta, cũng chỉ là những người bình thường. Họ cũng chỉ làm những gì mà họ có thể làm.
Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, mỗi một người chúng ta vừa là kẻ thừa hành và cũng vừa là lãnh tụ.
Dương Thành Tân
No comments:
Post a Comment