Thursday, February 13, 2014

Chợ Hà Nội chưa biết sợ cúm H7N9

Dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang có nguy cơ lây lan sang các tỉnh biên giới Việt Nam rất cao, trong khi dịch cúm A/H5N1 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, nhất là tại các chợ. Song, việc mua bán gia cầm sống tại chợ hiện nay vẫn khá nhộn nhịp bất chấp mối nguy dịch bệnh có thể bùng phát.

Tạm ngừng nhập khẩu gia cầm Trung Quốc
Tại cuộc họp khẩn về cúm gia cầm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) vào chiều ngày 13/2, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú Y cho biết, cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm, có đặc thù chưa gây bệnh lâm sàng với gia cầm nhưng lại lây truyền sang người và có tỷ lệ tử vong cao.  Tại chợ gia cầm ở TQ, tỷ lệ dương tính với cúm A/H7N9 nhiều hơn các loại khác. Nhiều mẫu phân tươi, chất thải, nước thải ở đây cũng phát hiện virus cúm A/H7N9. Ngoài ra, còn phát hiện ở một lượng nhỏ chim, bồ câu.
cúm, cúm-gia-cầm, cúm-A/H7N9, cúm-A/H5N1, chợ, virus, lây-lan, mua-bán, giết-mổ, gia-cầm-sống
Gia cầm sống tại chợ vẫn được mua bán, giết mổ tràn lan mà không qua kiểm dịch (Ảnh B.H)
Theo ông Đông, tại Trung Quốc, virus này xuất hiện từ 3/2013. Cho đến nay, có tới 330 ca bệnh, có trên 70 ca tử vong tại nhiều tỉnh thành phố ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Hiện, bệnh lây lan tới Quảng Tây, có biên giới sát với 4 tỉnh biên giới Việt Nam.
Việc vận chuyển gà loại thải Trung Quốc từ phía Bắc xuống Nam có phát hiện virus. Vì vậy, nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào VN trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, hàng ngày đều có người nhiễm virs cúm A/H7N9 ở Trung Quốc, cứ 4 người nhiễm có 1 người chết nên nguy cơ lây lan rất cao và nguy hiểm. Virus này tồn tại trên gia cầm nuôi, hoang dã và cả môi trường.
Ông đề nghị các tỉnh biên giới phía bắc triển khai ngay việc tạm dừng nhập khẩu gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm từ Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới, kể cả dưới các hình thức cho, biếu, tặng.
Với virus cúm A/H5N1, gia cầm đều phát bệnh rồi chết nhưng riêng với virus cúm A/H7N9 thì gia cầm không có triệu chứng lâm sàng, không chết nên chúng ta chỉ có thể biết bằng cách xét nghiệm. Virus này tích lũy ở mật độ nhất định tạo nguy cơ cao nhiễm sang người. Hiện nay chưa có bằng chứng việc lây lan từ người sang người nhưng khi virus tập hợp mật độ cao thì nguy cơ lây lan rộng.
Bên cạnh mối nguy dịch cúm A/H7N9 có thể tràn sang Việt Nam thì tình hình dịch cúm A/5N1 cũng có diễn biến ngày càng phức tạp.
“Đây là thời điểm nhạy cảm để virus cúm có thể phát triển và lây lan trên diện rộng. Cả nước hiện đã phát hiện thêm nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 mới. Đơn cử như các ổ dịch ở các tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum), ngoài ra, ở miền Bắc cũng đã phát hiện thêm ổ dịch mới ở Nam Định”, ông Phát cho hay.
Nhộn nhịp chợ gia cầm sống
Nguy cơ bệnh dịch đang khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm sống tại chợ vẫn diễn ra tràn lan mà không phải thông qua cơ quan kiểm dịch nào, các loại gia cầm mổ sẵn không có dấu kiểm dịch cũng được bày bán la liệt.
Ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân, Thành Công, Đại Từ… trên địa bàn Hà Nội thấy chợ nào cũng có hàng chục hàng bán và giết mổ gia cầm sống. Hoạt động mua bán, giết mổ tại chỗ luôn tấp nập. Lông gà, lông vịt vứt bừa bãi, nước bẩn chảy lênh láng tại chợ. Không chỉ vậy, tại chợ Cầu Diễn, hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm sống còn tràn ra cả quốc lộ 32 để tiện cho những người qua đường có thể ghé vào mua.
Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai), mấy ngày nay hoạt động mua bán gia cầm sống không những không giảm mà còn tăng lên khá mạnh, các quầy sạp bán mặt hàng này luôn nhộn nhịp khách mua.
Với lồng gà bày bán không có giấy kiểm dịch tại chợ Đại Từ, chị Thủy chủ hàng lúc nào cũng đon đả chào khách mua hàng và luôn miệng khẳng định với khách hàng rằng tất cả gà ở đây đều ngon, gà quê có nguồn gốc rõ ràng chứ không phải gà nhập lậu. “Cứ mua về ăn đi, chị đảm bảo cho”, chị nói.
Theo chị Thủy, mấy ngày hôm nay người dân đi lễ chùa cộng với sát với ngày rằm tháng Giêng nên nhu cầu của người dân mua gà tăng cao.
“Ngày hôm nay khách mua đông, tôi đã bán được trên 240 con gà các loại. Đứng bán không kịp nên tôi phải thuê một người chuyên ngồi giết mổ mới kịp cho khách lấy hàng”, chi Thủy chia sẻ.
Tương tự, tại các chợ khách, các chủ hàng bán gia cầm sống đều cho biết, mấy ngày gần đây gà bán chạy chẳng khác mấy ngày giáp Tết do nhu cầu người dân mua về cúng rằm tháng giêng tăng cao. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng, các loại gia cầm sống bán tại chợ hầu hết đều được vận chuyển từ quê lên với những lồng gà chứa 100-200 con nên không qua kiểm dịch bao giờ.
Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng khi được hỏi về vấn đề mua gà không có dấu kiểm dịch tại chợ trước tình trạng dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng thì họ đều cho rằng đây không phải là lần bùng phát dịch đầu tiên, vào ngày lễ cần dùng tới gà thì vẫn cứ phải mua chứ không thể tránh được.
Sẽ đóng cửa chợ nếu phát hiện mẫu gia cầm dương tính với virus cúm
Cục trưởng Cục Thú Y cho biết, với các mẫu dương tính ở các chợ, phải dừng hoạt động chợ ít nhất 7 ngày để điều tra, xác minh nguồn gốc. Lấy mẫu các vật phẩm trong chợ, tiêu độc khử trùng… Trong trường hợp phát hiện mẫu ở các trại chăn nuôi thì phải tiêu hủy, đóng cửa trại ít nhất 21 ngày, vệ sinh tiêu độc khử trùng. Ở các địa điểm có yếu tố dịch tễ liên quan, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động tiêu thụ gia cầm”, ông Đông nhấn mạnh.
Bảo Hân

No comments:

Post a Comment