HÀ NỘI (NV) .- Chi phí xây dựng cầu Chu Va ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được lấy từ nguồn viện trợ của Đan Mạch và đó có thể là lý do khiến nhà cầm quyền tích cực khác thường.
Một cây cầu treo ở Đăk Lăk. Tuy nguy hiểm cho tính mạng dân chúng nhưng nhà cầm quyền không thèm đoái hoài. (Hình: báo Phụ nữ TP.HCM)
|
Cây cầu này dài 51 mét, bề ngang 1.5 mét, chỉ mới đưa vào sử dụng hồi năm 2012, đột nhiên bị sập hôm 24 tháng 2 năm nay do gãy ốc neo cáp, đúng vào lúc có một đám tang băng qua cầu, khiến 9 người thiệt mạng, 35 người bị thương.
Trò chuyện với BBC, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam tiết lộ, chi phí xây dựng cầu Chu Va được lấy từ Qũy Danida (Quỹ Hợp tác phát triển của Bộ Ngoại giao Đan Mạch). Tiền viện trợ được chuyển cho Bộ Tài chính CSVN. Việc phân bổ và sử dụng nguồn viện trợ này do nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện và chịu trách nhiệm. Ông Nielsen nói thêm rằng, khi viện trợ, Đan Mạch yêu cầu Việt Nam phải có đánh giá và cam kết về việc dùng tiền vào mục đích gì. Theo lời Đại sứ Đan Mạch thì tại huyện Tam Đường, tỉnh Lạng Sơn, còn vài cây cầu nữa được xây từ bằng nguồn tiền do quỹ Danida cung cấp.
Chuyện cầu Chu Va được xây bằng tiền do Đan Mạch viện trợ có thể là nguyên nhân khiến chính quyền Việt Nam phản ứng tích cực một cách khác thường so với những vụ sập cầu khác.
Chu Va không phải là cây cầu treo đầu tiên bị sập. Năm 2012, cầu treo Buôn Khanh, tọa lạc ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk LắK bị sập. Năm ngoái, thêm một cầu treo khác bắc ngang thị trấn Krông Kmar, cũng thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục sập làm một người bị thương nặng chẳng được ai quan tâm.
Đến vụ sập cầu Chu Va thì nhà cầm quyền Hà Nội vội vã điều động trực thăng đưa nhân viên y tế từ Hà Nội lên Lạng Sơn cấp cứu cho các nạn nhân. Bộ Giao thông - Vận tải CSVN tổ chức thanh tra ngay lập tực những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng cây cầu treo này. Còn Bộ Xây dựng ra lệnh kiểm tra toàn bộ cầu treo trên toàn quốc.
Nhà cầm quyền không thèm làm cầu nên dân chúng huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phải đu dây vượt sông như đứa trẻ trong ảnh. Ở huyện này, có ba xã (Đăk Nông, Đăk Ang, thị trấn Plei Kần) mà dân tự căng cáp để đu dây sang bên kia sông. (Hình: VnExpress)
|
Theo báo chí tại Việt Nam, đa số cầu treo tại Việt Nam đều trong tình trạng không an toàn, nguy hiểm cho tính mạng của người qua lại. Chẳng hạn tỉnh Đăk Nông hiện có 164 cầu tạm, cầu treo làm bằng gỗ, không có lan can, khi có người qua lại thì rung bần bật. Tỉnh Đăk Lăk cũng có hàng chục cầu treo không biết sẽ sập lúc nào. Quảng Nam cũng có vài chục cầu treo giống như “bẫy của tử thần” ở hai huyện Bắc trà My và Nam Trà My.
Một điểm đáng chú ý khác là theo báo chí Việt Nam, đa số cầu treo tại Việt Nam do dân chúng tự làm, tự bảo trì, nhà cầm quyền không thèm đoái hoài. Nhiều vùng do không có cầu treo, cầu treo bị sập không được bắc lại nên từ người già tới trẻ con phải đu dây khi muốn vượt sông.
Cầu Chu Va sập chắc chắn sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho chế độ Hà Nội khi xin viện trợ từ các chính phủ và tổ chức quốc tế. Việt Nam vốn đã có nhiều tai tiếng vì ăn chặn viện trợ và do vậy, đã có nhiều dự án, kế hoạch phải bỏ dở bởi bị cắt viện trợ. Hồi tháng 8 năm ngoái, một thống kê chính thức tiết lộ, có tới 40% vốn ODA cho các chương trình xây dựng trường học, đường sá, hạ tầng bị ăn chặn nhưng những cá nhân có liên quan chỉ bị cảnh cáo.
ODA là ba chữ viết tắt của Official Development Assistance (hỗ trợ phát triển chính thức). ODA có thể là các khoản cho vay không tính lãi hoặc tính lãi thấp với thời gian vay dài. Đôi khi ODA là viện trợ không hoàn lại. Mục tiêu của ODA là trợ giúp để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở quốc gia nào đó. Tuy nhiên ODA luôn là một nguồn béo bở để các viên chức từ trung ương đến địa phương xà xẻo, bỏ túi riêng.
Năm ngoái có khá nhiều scandal liên quan tới ăn chặn ODA bị phơi bày. Chẳng hạn, trong các năm từ 2009 đến 2010, sau khi Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây dựng trường học, đường sá, hạ tầng, một phụ nữ mà báo điện tử VietNamNet không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề “chạy dự án”, với điều kiện khi thành công, phải “cắt” cho bà ta 40%.
Sau đó, nguồn vốn ODA vừa kể được rót về ba xã: Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Trong đó, xã Gia Phố được nhận 80,000 USD để xây dựng trường Tiểu học Đông Hải và chính quyền xã này đã lấy 8,000 USD chia cho nhau, rồi lấy thêm 24,000 USD chi cho người phụ nữ làm môi giới. Chuyện tương tự cũng xảy ra tại hai xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, chỉ có một khác biệt là người phụ nữ làm môi giới được chia tới 40% “hoa hồng”.
Do bị ăn chặn, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã vừa kể đều phải giảm quy mô và chất lượng tất nhiên cũng giảm. Chẳng hạn trên giấy tờ, trường Tiểu học Đông Hải ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là một khu nhà hai tầng với 6 phòng học nhưng trên thực tế chỉ là một dãy nhà cấp 4 với ba phòng học.
Điểm đáng chú ý là dù ăn chặn trắng trợn như thế nhưng khi sự việc đổ bể, không rõ tại sao hệ thống tư pháp CSVN lại lờ đi, không xem xét trách nhiệm hình sự của bất kỳ ai. Người phụ nữ làm môi giới dự án vẫn là một nhân vật không ai rõ tên tuổi, không hiểu vì sao bà ta chạy dự án và các viên chức cấp xã tham gia ăn chia vốn ODA chỉ bị cảnh cáo.
Trong quá khứ, Nhật – quốc gia dẫn đầu về cấp ODA cho Việt Nam – đã từng tuyên bố cắt nguồn ODA, đòi Việt Nam phải điều tra, xử lý các viên chức tham nhũng sau khi vụ tham nhũng ở dự án “Đại lộ Đông – Tây” tại Sài Gòn bị đổ bể.
Hồi cuối tháng 5 năm 2012, Đan Mạch – một trong những quốc gia dẫn đầu trong nhóm cấp ODA cho Việt Nam, cũng đã dừng việc cấp ODA để thực hiện ba dự án tài trợ cho Việt Nam, sau khi phát giác có dấu hiệu gian lận và lãng phí từ phía Việt Nam. Lúc đó, ông Christian Friis Bach, Bộ trưởng Phát triển của Đan Mạch tuyên bố rằng, cần phải tìm ra những tổ chức và cá nhân sử dụng sai mục đích nguồn vốn viện trợ của Đan Mạch để làm rõ hậu quả. Ông Bach nhấn mạnh: “Những hành vi gian dối đó phải bị chặn đứng và trừng phạt”.
Tuy không đề cập chi tiết nhưng theo báo chí Đan Mạch thì các dự án bị dừng có liên quan tới việc nghiên cứu biến đổi khí hậu, do qũy Danida cấp vốn. Lý do khiến Đan Mạch ngưng cấp ODA là vì phát giác phía Việt Nam chi quá nhiều cho các dịch vụ đáng ngờ. Số tiền bị nghi là tham nhũng được ước đoán khoảng 550 ngàn USD. Phía Đan Mạch đã chính thức yêu cầu chính phủ Việt Nam hỗ trợ điều tra nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được công bố.
No comments:
Post a Comment