Friday, February 28, 2014

Cựu Tổng Thanh Tra Chính Phủ 'trong sạch' nhưng xây lâu đài!

BẾN TRE (NV) .- Dư luận tại Việt Nam vẫn còn đang ì xèo về việc một ông nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN xây một lâu đài 'hoành tráng' có thể giá trị cả triệu đô la.


Biệt thự ông Trần Văn Truyền nhìn từ ngoài đường. Tường bao chung quanh làm cầu kỳ với những hình trống đồng và tranh chạm nổi. (Hình: Trí Thức Trẻ)


Chuyện bắt đầu làm dư luận trợn tròn mắt khi báo Người Cao Tuổi có một bài viết chữ thì ít mà hình thì nhiều về cái nhà nghỉ hưu, đúng ra là một dinh cơ gồm nhiều căn nhà và một tòa lâu đài, của nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN Trần Văn Truyền ở xã Sơn Đông thành phố Bến Tre.

Trước hết là cái tòa lâu đài, một phần của cái gọi là “của nổi” của ông Truyền, vô cùng nguy nga, đồ sộ. Thậm chí, chỉ nhìn cái cổng vào và tường rào bao bọc lấy dinh cơ mênh mông này cũng đủ kinh hãi. Tường gạch cao, trang trí bằng những hình trống đồng Lạc Việt và các tranh khắc nổi. Công phu trang trí làm tường bao bọc và rộng lớn mênh mông như thế, dường như chưa có cơ ngơi của một ông quan chức, dù nghỉ hưu hay còn tại chức, của chế độ CSVN mà có được như vậy.

Một số hình ảnh trên cái mục “Thư dãn cuối tuần” của báo Người Cao Tuổi ngày 21/2/2014 chỉ cho người ta thấy được tiền diện và một bên hông của tòa lâu đài. Không có hình ảnh nào của phía bên trong cũng như không thấy hình ảnh đồ đạc bàn ghế trong nhà mà nguồn tin nói rằng trị giá cũng nhiều tỉ đồng.

Sau lưng tòa lâu đài trên diện tích đất khoảng 1.7 ha (hay 17,000 m2) ông còn có 4 căn nhà hoàn toàn bằng gỗ quý, nghe ông phân trần là mua từ Quảng Nam, theo báo Người Cao Tuổi (NCT) thì “thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt”.

Ngoài ra, tờ NCT nói “Nguồn tin từ một số cán bộ ở Thanh Tra Chính Phủ (TTCP) và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Người ta còn đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng, v.v…”

Theo nguồn tin, việc xây dựng “dự án gia đình” này của ông Truyền đã và đang được xây dựng từ nhiều tháng qua mà “nghe nói có cả tốp thợ Nam Hà thi công”, tức là ông phải thuê những người thợ chuyên môn và khéo tay từ rất xa tới làm, không phải người địa phương.

Sau bài viết và hình ảnh của tờ Người Cao Tuổi, một số báo khác nhảy vào khai thác. Theo lời kể của một người hàng xóm của ông Truyền, “đồ đạc trong nhà ông Truyền toàn loại đắt tiền”.

Ông Trần Văn Truyền. (Hình: Soha.vn)

Ông Trần Văn Truyền, năm nay 64 tuổi. Ông được “cơ cấu” làm Tổng Thanh Tra Chính Phủ từ giữa năm 2006. Trước đó ông từng là bí thư tỉnh ủy Bến Tre, Ủy viên Trung Ương Đảng, Đại biểu Quốc hội. Hết nhiệm kỳ 5 năm làm Tổng Thanh Tra Chính Phủ, ông về nghỉ hưu ở quê nhà vui thú điền viên.

Khi còn làm Tổng Thanh Tra Chính Phủ, ông Truyền từng than phiền “Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn” (báo Tuổi Trẻ ngày 15/6/2010). Khoe thành tích thanh liêm của mình, trên tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 2/2/2011 ông kể chuyện “Có lần, cũng chỉ mới đây thôi, một người quen với một họ hàng của tôi qua nhà chơi, nói là vừa đi Trung Quốc vừa, có chút quà nhỏ thăm tôi. Đó là một chiếc cặp, nhìn cũng rất giản dị thôi, nhưng khi yêu cầu mở cặp ra thì bên trong chứa hàng xấp tiền toàn là đôla. Người này sau đó đã xin lỗi và cầm tiền về”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông còn cho hay bị mua chuộc bằng gái, ông cũng né, và “từ khi làm Tổng thanh tra, không chỉ cá nhân mà tôi cũng phải “trông coi” đến cả vợ con, bởi đúng là nhiều khi người ta tác động đến cả vợ con mình.”

Cũng trong bài phỏng vấn của tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN,) để Việt Nam có thể chống nổi đại nạn tham nhũng, ông Truyền nói “Công khai minh bạch chính là chìa khóa, là vấn đề xương sống. Có công khai, minh bạch mới kiểm soát được bộ máy nhà nước, công việc của cán bộ, công chức nhà nước. Đặc biệt là công khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức... Tiếp đến là phát huy vai trò tổng hợp của toàn dân, tìm sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng. Các cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của công dân, làm cho người dân vừa ý thức được trách nhiệm công dân phải được triển khai mạnh mẽ.”
Những gì ông nói như thế, và nhiều nữa, chứng tỏ ông là một ông quan thanh tra thanh liêm, trong sạch vẫn còn lưu trên giấy và trên internet. Nhưng nhìn vào cái lâu đài đó, thì người ta phải ngỡ ngàng và đặt dấu hỏi lấy tiền đâu mà xây. Chắc chắn không phải là số tiền nhỏ. Khi còn tại chức, lương Tổng Thanh Tra Chính Phủ hàng tháng chưa tới 15 triệu đồng gồm cả nhiều thứ phụ cấp. Tích cóp cả đời cũng không biết đủ để xây tường gạch và cái cổng hay không.

Khi bị báo chí xăm soi, ông Trần Văn Truyền không nói chuyện trực tiếp với tờ Người Cao Tuổi là tờ báo 'bắn phát súng báo động đầu tiên.' Trên tờ Pháp Luật thành phố Sài Gòn ngày 26/2/2014, ông Truyền cho hay ông “sẵn sàng cung cấp các thông tin và minh định về tài sản của mình với cơ quan chức năng trung ương, nếu các cơ quan này có nhu cầu xác minh làm rõ...”.

Vê tòa lâu đài, ông công nhận đó là nhà của ông nhưng cho biết nó được xây trên thửa đất mà con trai của ông mua từ nhiều năm trước. Ông nói “Đất này vốn là ruộng phèn, trũng thấp, con trai tôi mua lại của nhiều hộ dân kề cận mới có được tổng diện hơn 16.000 m2 vuông chứ không phải như một số tờ báo nêu trên 30.000 m2”.
Trên tờ Pháp Luật thành phố, theo lời ông Truyền kể, sau khi nghỉ hưu, ông về khu đất này, thuê người đào mương, lên liếp lập vườn… và quyết định dựng một ngôi nhà để cả gia đình cùng cư ngụ. Ông Truyền kể lại: “Ban đầu tôi cùng con trai lên Tây Ninh tìm mua lại một căn nhà gỗ xưa cũ mang về dựng lên, dự định để làm nơi làm chỗ nghỉ ngơi, uống trà. Có lần cô em gái ở Sài Gòn quen thân từ khi tôi còn công tác ở Bến Tre xuống chơi, tỏ ý không hài lòng vì mấy cây cột cũ. Cô này nói có mua cái nhà gỗ định làm nhà vườn và nếu cần thì đem xuống dựng cho tôi (đây được cho là căn nhà có gỗ thuộc nhóm đặc biệt - PV). Còn về căn biệt thự này là do thấy tôi đang tính làm nhà, những người quen ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM động viên và giúp cho bản vẽ thiết kế một ngôi nhà có kiến trúc hơi xưa nhưng cách tân một xíu nên nhìn nó rất là sang chứ giá trị không lớn, đồ vật trong nhà cũng bình thường. Thực sự là tôi không lường hết được nó lại lớn như thế vì anh em thiết kế rồi tổ chức thi công luôn”.

Còn về tiền bạc tốn kém xây dựng báo Pháp luật thuật lời ông cả quyết “Tiền xây dựng nên ngôi nhà này, một phần là tiền của tích cóp của gia đình ông bấy lâu nay, một phần từ sự giúp đỡ của nhiều người bạn cho đá, cho gạch… Trong đó có một cô em nuôi ở quận 9, TP.HCM, có hỗ trợ tiền bạc khi thiếu hụt.”

Các ông quan tham ở Việt Nam đều có các lời giải thích nguồn gốc tài sản rất ngon lành suông sẻ. Người tử tế như ông Truyền chắc phải có rất nhiều “quý nhân phù trợ” nên xây lâu đài được người ta “cho đá cho gạch” mới thành hình.


Nếu muốn biết tiền xây cất dinh cơ của ông Truyền nguồn gốc ra sao, phải điều tra cả cái “cô em kết nghĩa” của ông và những đồng tiền mà ông tích cóp được. Tuy nhiên, không ai tin rằng việc đó sẽ xảy ra. Chuyện lâu đài của ông Truyền hay những dinh thự, bất động sản của các ông bà quan chức cấp cao của chế độ từng bị lôi ra trên mặt báo trong nước chỉ ồn ào được ít ngày rồi cũng trở thành một thứ chuyện... ném đá ao bèo. 

No comments:

Post a Comment