Băng giả cảnh sát lừa tiền như thế nào Cao tay hơn, băng lừa đảo này còn giả được số điện thoại của tổng đài, Công an Hà Nội, VKS… để gọi đến dọa nạt các con mồi. Trình báo với Công an quận Tân Bình,...Tags: tin mới, tin tức, tin trong ngày, công an, Pháp luật, tin hot, tin hay
Qua điện thoại, các nạn nhân còn nghe rõ tiếng hỏi cung, buộc tội, tiếng còi hụ cảnh sát… nên tuyệt đối tin người đang cáo buộc mình dính díu đến nhóm tội phạm rửa tiền là "lãnh đạo công an".
Trao đổi với VnExpress, bà Quyền ở quận 1, TP HCM, vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng khi nhắc đến cuộc điện thoại khiến bà mất hàng trăm triệu đồng hồi tuần trước.
Nghi can người Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu một nhóm lừa đảo. Ảnh: Q.T
Bà lão 73 tuổi kể, chiều 20/2, điện thoại bàn đổ chuông rất lâu vì lúc đó chỉ mình bà ở nhà và đang bận tay làm một số việc. Vừa bắt máy, đầu dây bên kia có một phụ nữ xưng là người của Tổng đài, yêu cầu bà Quyền phải đóng gần 9 triệu đồng cước cho một công ty ở Hà Nội mà bà đứng tên đăng ký vào tháng 11/2013. "Nếu không sẽ nhờ pháp luật xử lý", giọng cô này lạnh tanh.
Bực mình vì yêu cầu quá vô lý, bà Quyền được "nhân viên tổng đài" khẳng định đây là việc có thật và hồ sơ nợ cước đã được chuyển sang Công an Hà Nội. "Chút nữa sẽ có cán bộ điều tra nói rõ cho bà biết sự việc", người phụ nữ nói.
Ít phút sau, một người đàn ông tự xưng là cảnh sát yêu cầu bà đọc số CMND để anh ta kiểm tra. Chỉ vài giây, người này xác nhận đúng là bà Quyền mở công ty ở Hà Nội và cho biết cơ quan điều tra vừa bắt một nhóm tội phạm rửa tiền cho đường dây mua bán ma túy và bà bị bọn này khai "có liên quan". Số tiền thu lợi bất chính đang được bà gửi ở một ngân hàng.
"Tôi khẳng định không dính dáng gì nhưng anh ta bảo có 2 nhân viên ngân hàng vừa bị bắt vì đã trộm 500 hồ sơ dùng để rửa tiền, trong đó có tên tôi. Trước giờ làm ăn lương thiện, hơn 3 tỷ đồng đang gửi ở ngân hàng là do tiết kiệm cả đời nên khi nghe vậy tôi rất sợ. Tôi chỉ biết trả lời những câu hỏi của hắn, mong được minh oan, mà không biết mình đang sập bẫy”, bà Quyền buồn bã kể.
Sau ít phút tra lục, người ở đầu dây bên kia cho hay tài khoản của bà đã bị phong tỏa và cảnh sát sắp niêm phong cả căn nhà bà đang ở. Nói đến đây, hắn yêu cầu bà cầm máy để nói chuyện với "lãnh đạo công an Hà Nội". "Trong lúc chờ máy, tôi nghe nhiều tiếng động xột xoạt, người nói chuyện, âm thanh giống như trong một cơ quan nhà nước thật", bà lão nói.
Người tiếp theo nói chuyện với bà Quyền có giọng nghiêm nghị. Ông ta bảo nếu bà muốn thoát tội phải phối hợp với cơ quan điều tra. Vị "lãnh đạo công an" còn dọa có thể nhóm này sẽ tìm đến sát hại bà, con cháu trong nhà cũng có thể bị vạ lây. "Tôi muốn đứng tim khi nghe nói thế. Ông ta sau đó đã trấn an, yêu cầu tôi đọc số điện thoại di động để công an định vị, lên kế hoạch bảo vệ và dặn tôi nhất định phải làm theo lời 'lính' ổng yêu cầu để bắt trọn ổ tội phạm. Nghe thế tôi tin quá rồi", bà Quyền lý giải.
Điện thoại di động bà Quyền đổ chuông, giọng người đàn ông trẻ hơn cũng xưng là công an Hà Nội, nói bà phải giữ máy để dò vị trí, điều trinh sát đến bảo vệ. Sau đó, hắn yêu cầu bà chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản của "cơ quan điều tra" để xác minh nguồn gốc số tiền. Nếu tiền trong sạch sẽ chuyển công văn để ngân hàng chuyển trả lại bà. “Tuyệt đối không được tiết lộ cho ai biết, nếu vụ việc bị phát hiện, nhóm này sẽ giết bà để trả thù”, viên cảnh sát dỏm hăm dọa.
Tiếp đó, người này hướng dẫn bà đến tận cửa ngân hàng. "Có người của chúng tôi đang bảo vệ bà rồi, yên tâm". Khi bà chuyển tiền, hắn còn yêu cầu báo số quầy và tên nhân viên thực hiện giao dịch để "điều tra cho rõ". Sau khi chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản anh ta đưa, bà Quyền được khuyên về nhà nghỉ ngơi, chờ đợi.
“Về đến nhà bình tĩnh nghĩ lại, tôi hỏi mọi người thì mới biết mình bị lừa nên báo công an. Vì mình trong sạch nên khi bị dọa có tội thì sợ lắm, cứ bám víu, tin tưởng vào công an nên sập bẫy lúc nào không hay”, bà Quyên buồn bã nói.
Một số thẻ ATM được làm phương tiện để rút tiền mặt ra ngoài sau khi lừa đảo. Ảnh: Q.T
Cũng rơi vào cái bẫy tương tự, vài ngày trước, bà Lê ở quận 11cũng mất gần 200 triệu đồng. Do đã lớn tuổi, quanh năm chỉ làm nội trợ ở nhà nên khi nhận được điện thoại bàn của nhóm lừa đảo giả cảnh sát hăm dọa, bà đã rất bất ngờ.
Theo bà Lê, trong lúc nói chuyện cũng có lúc bà nghi vấn nhưng người đàn ông xưng là cảnh sát đã nói vanh vách thông tin gia cảnh, nhân thân từng người trong gia đình bà. Mặt khác, có tiếng hỏi cung, câu trả lời khai báo, bàn phím gõ lọc cọc và cả tiếng còi hụ của cảnh sát… vọng vào điện thoại nên bà đã tuyệt đối tin tưởng. Do vậy, khi gã cảnh sát dỏm yêu cầu “hợp tác với cơ quan điều tra” để có thể giải oan việc không dính dáng đến đường dây tội phạm, bà đã không ngần ngại làm theo những gì bọn chúng yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi ra ngân hàng chuyển gần 200 triệu đồng cho chúng, bà chờ mãi mà không thấy hồi âm.
Cao tay hơn, băng lừa đảo này còn giả được số điện thoại của tổng đài, Công an Hà Nội, VKS… để gọi đến dọa nạt các "con mồi". Trình báo với Công an quận Tân Bình, bà Bùi (48 tuổi) cho biết bị một nhóm người xưng là cán bộ VKSND tỉnh Tây Ninh lừa lấy mất 400 triệu đồng. Bà kể, lúc đầu gọi đến họ bảo rằng đang thụ lý điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia mà bà bị tình nghi dính líu đến.Số tiền bà đang gửi ngân hàng bị họ cáo buộc là tiền thu lợi bất chính từ hoạt động phi pháp này.
Kiểm tra số điện thoại gọi đến đúng là của cơ quan công quyền tỉnh Tây Ninh, bà Bùi rất sợ hãi, hết lời thanh minh. Nhóm "điều tra viên" liền yêu cầu bà chuyển 400 triệu đồng vào một tài khoản được khẳng định là của cơ quan điều tra để họ xác minh có hay không là tiền phạm pháp. Nếu bà vô tội, tiền sẽ được chuyển trả lại trong vòng ít giờ. "Do quá sợ hãi, tôi đến ngân hàng ACB Chi nhánh TP HCM chuyển tiền vào số tài khoản mà họ đã đưa. Đợi mãi không thấy tiền được trả lại, tôi mới biết mình bị lừa", bà Bùi cho hay.
Theo thống kê công an TP HCM, chỉ tính từ tháng 1 đến nay đã có gần 10 người là nạn nhân của băng nhóm tội phạm này. Số tiền chúng lừa đảo chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng. Đây là các nhóm tội phạm hoạt động ở nhiều tỉnh thành và có cả sự can thiệp của người nước ngoài. Các nạn nhân từ từ bị đưa vào tròng, cứ ngỡ đang nói chuyện với cảnh sát thật nên tin tưởng nghe theo rồi sập bẫy. Để khó bị phát hiện, nhóm này thường yêu cầu “con mổi” hợp tác trong im lặng, không được tiết lộ với bất kỳ ai.
"Bước đầu Công an TP HCM đã bắt được nhiều nghi can, đang làm rõ hành vi phạm tội cụ thể của từng người. Tuy nhiên, trên thực tế còn một số băng nhóm vẫn sử dụng hình thức này để lừa gạt người dân, mọi người cần đề cao cảnh giác. Bởi nếu là công an thật, khi làm việc với ai sẽ phải có giấy triệu tập, chứ không bao giờ nói chuyện qua điện thoại”, một cán bộ điều tra cho hay.
Quốc Thắng
Theo VNE
No comments:
Post a Comment