ĐĂNG BỞI  - 
Kiểm lâm cho rằng khúc gỗ do dân phát hiện chưa được gọi là gỗ sưa (huê) vì tính pháp lý chưa có; hạt trưởng hạt kiểm lâm Bố Trạch thừa nhận ký bản cam kết trích 30% giá trị gỗ cho người dân;hàng chục giang hồ bao vây đòi chặt chân kiểm lâm... Đó là những thông tin mới liên quan đến vụ trúng sưa tiền tỷ ở ngầm Troóc, Phúc Trạch, Quảng Bình.
Bị vây đuổi đòi chặt chân
Làm việc với chúng tôi về nội dung xung quanh xử lý vụ trúng gỗ sưa khổng lồ vừa đưa về từ ngầm Troóc, xã Phúc Trạch, ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Bố Trạch cho biết, tình hình ở khu vực trong 2 ngày một đêm ở nơi có gốc sưa là rất căng thẳng.
“Khi phương án bảo vệ hiện trường được đưa ra là cắm chốt trong đêm thì tình hình xung quanh rất khó khăn, căng như dây đàn”. Ông Tân tường thuật, anh em dùng máy nổ phát điện để có ánh sáng quanh khu vực, trong lúc đó ở trên rẫy lạc của người dân, nhiều tốp đối tượng lạ mặt như “phục kích” để chờ cơ hội lao vào trục vớt trong đêm.
Một người dân nhà cách khu vực chừng một cây số cho biết, giang hồ trong đêm 25 rạng sáng ngày 26.2 kéo về rất đông, dao kiếm, tụ lại, muốn đánh phá để lực lượng kiểm lâm, công an giãn lực lượng ra đối phó nhằm có cơ hội trục vớt. Nhưng chúng thấy tình hình nghiêm cẩn nên không thể thực hiện vì công an rải đều các ngã đường, chúng khó thoát.
Ông Tân cho biết thêm, gần sáng ông và ông Duẫn, chi cục phó Chi cục kiểm lâm Quảng Bình rời suối, lên đường Hồ Chí Minh tuyến tây để có hội ý với lãnh đạo địa phương, vừa lên một ruộng lạc thì một tốp 20 người, chia hai nhóm bao vây hai đầu, dùng hung khí, hô hét đuổi vây, đòi chặt chân.
Ông Tân cùng ông Duẫn phải thối lui về khu trại cắm chốt ở hiện trường, chờ trời sáng. Khi tốp người trên giải tán, thu giấu hung khí và công an có mặt nhiều hơn hai ông mới lên họp.
 Kiểm lâm cho xây bít các lổ thông hơi để tránh trộm vào cưa sưa.
Ký cam kết 30% vì chỉ đạo
Hiện tại có tranh luận nảy lửa việc có hay không lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch ký cam kết với nhóm người được gỗ sưa vể thỏa thuận trích 30% tổng giá trị khối lượng gỗ cho người phát hiện. Ông Tân cho rằng, bản cam kết đó chính ông ký, đại diện người phát hiện sưa lập.
Ông thừa nhận: “Lúc đó tôi ký, người dân họ lập là trích 1/3 (30%) giá trị gỗ, tại thời điểm đó rất căng thẳng, để an dân, tôi ký theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Trần Quang Vũ”. Nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Tân cho rằng, trích như thế nào là theo quy định của pháp luật. “Văn bản đó tôi ký tên nhưng không ghi nội dung đồng ý hay không”.
Cũng theo ông Tân, một văn bản có tính pháp lý phải lập ra ba bản, còn đây chỉ một bản được lập và do nhóm đại diện cất giữ nên khó để nói được điều gì. Theo luật định, khi phát hiện tài sản như trên, người phát hiện phải có trình báo cho chính quyền hoặc cơ quan chức năng để sau này có căn cứ trích thưởng. Nhưng theo ông Tân, đến giờ này phía kiểm lâm chưa nhận được bất cứ trình báo nào.
Ông Tân nói mình bị lãnh đạo huyện ép ký vào văn bản.
Chưa thể khẳng định là gỗ sưa
Một diễn biến khác, cơ quan kiểm lâm địa phương đã báo cáo sự việc khúc gỗ trên với UBND tỉnh Quảng Bình. Dưới quan điểm của Hạt kiểm lâm Bố Trạch và Chi cục kiểm lâm Quảng Bình, thì khúc gỗ trên chưa được gọi là gỗ sưa (huê) vì tính pháp lý chưa có.
Theo ông Tân, người dân nói gỗ sưa là bằng kinh nghiêm dân gian, còn cơ quan chức năng phải gửi mẫu đi phân tích, sau khi có xác nhận khoa học của Bộ NN&PTNT, của Cục kiểm lâm mới công bố chính thức bằng văn bản đó là gỗ gì rồi sung vào công quỹ, và sở tài chính định giá để chào bán.
Trong khi đó, hiện khúc gỗ sưa khổng lồ trên đã được đưa vào kho của Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn khúc gỗ khổng lồ này, các kiểm lâm viên cho xây bịt các lỗ thông gió nhằm tránh bị trộm đột nhập vào cưa sưa như vụ trộm đột nhập lấy sưa ở Hạt kiểm lâm Phong Nha-Kẻ Bàng hồi tháng 9-2013. 
Việc quay phim, chụp ảnh khúc gỗ trên phải có quy trình rõ ràng để tránh những việc khó lường có thể diễn ra.
 Quốc Nam
 Chú thích ảnh bìa: Khúc gỗ sưa trong kho Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch