Friday, February 28, 2014

Người mua nhà bị móc túi ngàn tỷ vì thông tư sai luật của Bộ XD

SOHA- 28/02/2014     -"Đẻ" ra cách tính diện tích chung cư sai luật, Bộ xây dựng đã khiến người mua nhà bị móc túi hàng ngàn tỷ đồng và số tiền này bay sang túi các chủ đầu tư.



Việc Bộ Xây dựng tự “vẽ” thêm một cách tính diện tích căn hộ chung cư theo tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ tại Thông tư 16/2010/TT-BXD trái với Luật Nhà ở đã “giúp” chủ đầu tư nhiều dự án chung cư thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Điển hình, một số chung cư đã xảy ra tranh chấp, khiếu kiện do chủ đầu tư áp dụng cách tính diện tích theo hướng dẫn của thông tư 16 mâu thuẫn luật, gây thiếu hụt diện tích thực tế sẽ thấy rõ số tiền mà người dân mua chung cư bị thiệt hại do cách tính diện tích căn hộ chung cư theo tim tường là con số khổng lồ.
Một trong những dự án gây thiệt hại lớn cho người dân mua nhà là dự án chung cư cao cấp Keangnam trên đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội).
Theo số liệu mà bà Trịnh Thúy Mai, một cư dân đang sống tại chung cư Keangnam cung cấp cho PV Infonet, chỉ tính riêng căn hộ B606 bị tính gộp cả diện tích thuộc sở hữu chung lên tới 20,99m2 (gồm diện tích cột chịu lực, hộp kỹ thuật, tường chung) và diện tích thuộc sở hữu riêng theo quy định tại Luật Nhà ở là 176,66 m2. Trong khi đó, diện tích mà chủ căn hộ này phải trả tiền mua theo hợp đồng là 206,95 m2, dẫn tới thiếu 30,21m2 so với hợp đồng.
Với giá bán lên tới 3.000USD/m2, những căn hộ bị thiếu tới hơn 30m2 như căn B606 thì số tiền trả “oan” này lên tới trên 1,5 tỷ đồng.
Với những căn thiếu diện tích ở mức ít nhất, người dân cũng đã phải trả “oan” cho chủ đầu tư vài trăm triệu đồng.
Tương tự, kết quả đo giám định tại căn hộ A610 xác định diện tích còn thiếu so với hợp đồng là 14,74m2; căn B3306 thiếu 27,48 m2. Tại các căn hộ A1101, A710, B3504, B4511, A1404... cũng đều thiếu tới gần 20m2 diện tích so với tổng số diện tích đã trả tiền ở hợp đồng.
Bà Mai cho biết: Theo kết quả trưng cầu giám định, toàn bộ diện tích phần sở hữu chung đã được Keangnam phân chia và cộng vào diện tích của các căn hộ bán cho khách hàng. Trung bình mỗi căn hộ phải thanh toán khoảng 15% diện tích thuộc sở hữu chung.
Người mua nhà bị móc túi ngàn tỷ vì thông tư sai luật của Bộ XD
Người mua nhà tại dự án chung cư cao cấp Keangnam có lẽ đang là những người bị thiệt hại nặng nhất từ Thông tư 16 của Bộ Xây dựng. Ảnh: Minh Thư
Bà Lê Xuân Hoa, một cư dân ở Keangnam tính toán: Nếu chỉ tính trung bình mỗi căn hộ bị chủ đầu tư “ăn gian” diện tích thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng, thì tại Keangnam, chủ đầu tư nghiễm nhiên “đút túi” tới 900 tỷ đồng từ 900 căn hộ bị "ăn gian" diện tích.
Hay như tại dự án khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường (Hà Đông, Hà Nội) có tới xấp xỉ 3.000 căn hộ, trung bình mỗi căn hộ phải trả thêm tiền khoảng 10% cho diện tích sở hữu chung.
Chị Phương, một cư dân sở hữu căn hộ có diện tích nhỏ tại dự án Nam Cường chỉ 56m2, nhưng chị cũng đã phải trả “oan” tới 6m vì cách tính diện tích đến tim tường của chủ đầu tư. Tại thời điểm chị Phương mua, giá nhà là 22 triệu đồng/m2, như vậy cũng mất đứt thêm hơn 130 triệu đồng.
Chưa kể, có những cư dân khác còn mua nhà với giá cao hơn, diện tích căn hộ lớn hơn, với ước tính mỗi căn hộ phải chia trả thêm từ 130-200 triệu đồng cho phần diejen tích chung, thì khi bán ra 3.000 căn hộ tại khu đô thị Dương Nội, chủ đầu tư đã "móc túi" khách hàng lên tới con số xấp xỉ nghìn tỷ đồng.
Tương tự, các dự án của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản cũng từng nổ ra xô xát căng thẳng vì cách tính diện tích theo "bảo hộ" của Bộ Xây dựng.
Từ những diện tích người dân phải trả “oan” tiền lúc mua, người dân còn phải trả thêm tiền cho những khoản phí dịch vụ quản lý hàng tháng, hàng năm cho đơn vị quản lý chung cư, điều này được người dân ví như “một cổ hai tròng”!
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định: cách tính diện tích theo tim tường đưa ra tại Thông tư 16 là trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71 và dù Bộ Xây dựng hướng dẫn 2 cách tính nhưng các chủ đầu tư chỉ áp dụng theo cách tính tim tường, có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người dân mua chung cư.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đề nghị Bộ Xây dựng phải có phương án giải quyết thiệt hại trình Ủy ban pháp luật của QH.
Nhiều ý kiến truy trách nhiệm của Bộ Xây dựng, trách nhiệm bồi thường nhà nước về việc ban hành văn bản sai trái (Thông tư 16). Lợi ích thuộc về ai khi có cả triệu căn nhà “ôm” thêm cả cột, tường chung, hộp kỹ thuật như thế? Giải quyết, bồi thường hậu quả như thế nào đối với những hợp đồng đã ký?...
Đó là những vấn đề nóng tại phiên giải trình việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 25/2, mà trọng tâm “xoáy” vào Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Dư luận đòi hỏi, Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan quản lý thị trường BDDS và cũng là cơ quan ban hành quy định có sai lỗi, cần rà soát, thống kê xem đã có bao nhiêu dự án áp dụng cách tính diện tích theo tim tường, dẫn đến thiếu diện tích. Qua đó mới có thể tính cụ thể con số thiệt hại mà những người mua chung cư đã phải “gánh” suốt 3 năm qua, để tìm giải pháp bồi thường những thiệt hại ngàn tỷ mà người dân đã và đang phải gánh chịu.

No comments:

Post a Comment