Monday, March 10, 2014

Vẫn vạch ranh với người hy sinh bảo vệ Hoàng Sa - Trường Sa

HÀ NỘI (NV) .- Ông Đặng Ngọc Tùng, một Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN vừa lên tiếng kêu gọi công chúng ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.


Trung tá Ngụy Văn Thà (giữa), thiếu tá Nguyễn Thành Trí (trái), trung sĩ Lê Anh Dũng (phải) là 3 trong số 74 chiến sĩ Hải quân VNCH hy sinh trong trận hải chiến ngày 18/1/1974 bảo vệ quần đảo Hoàng Sa chống quân xâm lược Trung Quốc. (Hình: Internet)


Ông Tùng đưa ra lời kêu gọi này với tư cách Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam -  tổ chức công đoàn nhà nước, dành cho cán bộ, viên chức và công nhân Việt Nam.

Trong lời kêu gọi vừa kể, ông Tùng nhắc lại sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974. Sau đó, tiếp tục sử dụng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa từ tay Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1988.
  
Trận hải chiến với lực lượng hải quân Trung Quốc xâm lược ngày 18/1/1974 có 74 sĩ quan, binh sĩ của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tử trận khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Rồi đến năm 1988, có 64 sĩ quan, binh sĩ Hải quân CSVN tử trận khi bảo vệ đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Trong lời kêu gọi, ông Tùng nhận định: “Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội”.

Đây cũng là lý do để “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình ‘Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa’ nhằm tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa, để lịch sử không quên, tôn vinh những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ tổ quốc và thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc”.
Theo dự tính, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam sẽ “vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để “hỗ trợ cha, mẹ, vợ, con, thân nhân của những người lính đã hy sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) đang gặp khó khăn”.

Đồng thời lời kêu gọi của ông Tùng là sẽ “xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa)”.

* Vạch ranh giới

Tuy tiến bộ hơn trước, công khai thừa nhận sự hy sinh của 74 tử sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa là để “bảo vệ tổ quốc”, kêu gọi ủng hộ để hỗ trợ thân nhân của họ nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cố tình phân tuyến khi xác định đối tượng tưởng niệm.

“Đền tưởng niệm” sẽ chỉ dành cho 64 sĩ quan, binh sĩ Quân đội CSVN đã tử trận khi bảo vệ đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Không có chỗ cho 74 tử sĩ Việt Nam Cộng hòa. Bất kể chương trình này được xem là nhằm “thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc”.

Có vẻ như chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” là một hình thức giành lại chính nghĩa. Cách nay khoảng ba tháng, một số người đã tự đứng ra vận động dân chúng đóng góp cho qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa”. Trong thông báo vận động đóng góp cho qũy này, những người khởi xướng cho rằng, “đây không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là thái độ của người Việt Nam hôm nay trước anh linh của những thế hệ cha anh vệ quốc vong thân”.

Bên cạnh việc kêu gọi đóng góp để hỗ trợ thân nhân tử sĩ và những quân nhân tham chiến ở Hoàng Sa năm 1974 như một cách để tri ân, những người khởi xướng còn kêu gọi công chúng cung cấp thêm chi tiết về gia đình của các tử sĩ và thông tin về những quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã từng tham chiến bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là những gia đình, cá nhân đang cần giúp đỡ.

Theo dự kiến, việc hỗ trợ có thể sẽ được mở rộng đến gia đình 64 liệt sĩ của quân đội CSVN đã tử trận tại đảo Gạc Ma, Trường Sa năm 1984, khi Trung Quốc xâm chiếm đảo này. Gia đình của 64 liệt sĩ vừa kể và những cựu binh tham chiến bảo vệ đảo Gạc ma cũng bị bỏ rơi và đang sống hết sức nghèo khổ. Cho đến nay, đã có hơn 400 cá nhân và nhóm cư trú tại cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, Canada, Đức, Thụy Sĩ, Đông Âu, Úc, Nhật,... tham gia bằng cách góp tiền, góp hiện vật bán đấu giá.

Những cá nhân, nhóm tham gia đóng góp tiền bạc, thuộc nhiều giới: văn nghệ sĩ (Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Tô Thùy Yên, Dương Minh Long, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quốc Dũng, Đức Trí...), trí thức (Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, Ngô Quang Hưng,...), ở nhiều bên (cụ Bùi Diễm – cựu Đại sứ Việt Nam Công Hòa tại Hoa Kỳ,  Phan Xuân Biên – cựu ủy viên Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Võ Hiếu Dân - con gái cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt,…).

Gần đây, nhóm này cho biết họ đã nhận được khoảng một tỷ đồng và đang xúc tiến thủ tục để mua cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà một căn hộ mới ở quận 10, Sài Gòn. Bà quả phụ Ngụy Văn Thà (trung tá, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo, tử trận tại Hoàng Sa hồi tháng 1 năm 1974) vốn trong tình trạng “vô gia cư”. Trước đây, bà từng có một căn hộ ở chung cư Nguyễn Kim, quận 10. Chung cư này bị giải tỏa. Sau khi xây dựng lại, cư dân cũ phải trả thêm một khoản tiền lớn mới được “tái định cư” nên vợ cố trung tá Ngụy Văn Thà đang phải ở nhờ.

Nhóm này cũng loan báo, họ đang thảo luận với bà quả phụ Nguyễn Thành Trí (thiếu tá, hạm phó chiến hạm Nhật Tảo, tử trận tại Hoàng Sa hồi tháng 1 năm 1974), các thành viên gia đình những tử sĩ Hoàng Sa, các thành viên gia đình những liệt sĩ Gạc Ma), tiếp tục làm “nhịp cầu” để người Việt ở khắp nơi có cơ hội tri ân những người lính đã hy sinh vì chủ quyền Việt Nam trên biển Đông.


Trước nữa, vào dịp Tết âm lịch, những người vận động Qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa” đã trích 50 triệu đồng, chia thành 10 phần quà, gửi tặng 10 gia đình có thân nhân tử trận khi chống Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Trong đó có 5 gia đình của tử sĩ Hoàng Sa và 5 gia đình của liệt sĩ Trường Sa. 

No comments:

Post a Comment