Monday, March 10, 2014

“Mỹ mượn Nhật Bản ghìm Trung Quốc”


Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận. Ảnh: Kyodo News
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận. Ảnh: Kyodo News
 
Một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ phục vụ cho lợi ích của Mỹ, ngăn không cho Trung Quốc trở thành cường quốc đại dương toàn cầu thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Washington, một nhà phân tích chính trị nhận định.
Theo phân tích của ông John Thomas Didymus trên trang Allvoices (Mỹ), việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bác bỏ, không thừa nhận khu nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông khiến nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng, Washington đang xúi bẩy một cuộc “xung đột hạn chế” giữa Bắc Kinh và Tokyo như một phần trong nỗ lực làm tê liệt ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Nhiều bài bình luận của Xinhua và phụ bản của People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) là tờ Global Times của Trung Quốc cho rằng, những động thái của Mỹ tăng cường các đồng minh quân sự và củng cố sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là tăng cường các biện pháp phòng ngự tích cực hơn.
Những biện pháp phòng vệ trên bao gồm việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, thông qua thiết lập ADIZ bao trùm khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Dẫn lời Doug Bandow, nguyên trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Didymus cho rằng, quan ngại của Trung Quốc tăng lên cùng với chiến lược phòng ngự ngoài khơi là có thể hiểu được, đặc biệt nhằm đối phó chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ.
“Ngư ông đắc lợi”
Nhiều chuyên gia phân tích quân sự ở Washington kêu gọi tiến hành một cuộc “xung đột hạn chế” như vậy giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong lúc năng lực hải quân Trung Quốc vẫn còn tương đối yếu. Tuy nhiên, theo Didymus, có những chuyên gia Trung Quốc như Ma Shikun tin rằng, Mỹ muốn phát động một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ma Shikun cho rằng, Mỹ muốn dùng sức mạnh Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc. Theo Ma, Mỹ muốn nắm quyền kiểm soát Nhật Bản, nhưng lại không muốn cho Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự đến mức trở thành một cường quốc quân sự, sẵn sàng hủy bỏ hiến pháp thời hậu chiến để hành động chống Trung Quốc hoặc chống lại chính Mỹ. Điều này có thể là hiểm họa đối với hòa bình và ổn định mà Mỹ đã duy trì tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
“Trong khi Mỹ có lý do để lo lắng khi Nhật Bản đang có xu hướng tiến tới chính sách quân sự độc lập lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải cân nhắc lựa chọn giữa việc tìm cách thích ứng với sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc hay một Nhật Bản có sức mạnh quân sự”, Didymus viết.
Ông này cho rằng, Nhật Bản sẽ vẫn được dùng như một đối trọng được Mỹ ủy nhiệm nhằm ngăn không để Trung Quốc trở thành một quyền lực hải dương toàn cầu.
Didymus cho rằng, mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc phát triển thành một cường quốc đại dương. “Dùng Nhật Bản kiềm chế Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể làm giảm nguy cơ leo thang, bởi lẽ một cuộc xung đột Trung-Nhật có thể được xem như một cuộc xung đột khu vực nếu Mỹ không trực tiếp dính líu”, ông nhận định.
Bằng cách này, Washington có thể bảo đảm một cuộc xung đột có giới hạn, cho phép làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh hải quân của Trung Quốc mà không lo nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc leo thang căng thẳng địa chính trị.
Với một cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà Trung Quốc và Nhật Bản là địch thủ của nhau, Mỹ chỉ cần đứng sau ủng hộ. Nếu như đó là mục tiêu không tuyên bố của Mỹ, Washington sẽ thúc đẩy Nhật Bản tăng cường sức mạnh hải quân lên tới một cấp độ nếu cuộc xung đột nổ ra, chỉ đòi hỏi đóng góp giới hạn từ Mỹ để đảm bảo đạt mục đích chiến lược.
Didymus cho rằng, sức mạnh hải quân Trung Quốc hiện nay rất dễ tổn thương và có thể dễ dàng bị đánh bại bằng cách Mỹ cung cấp trợ giúp công nghệ quân sự cho người Nhật, để họ gánh vác công việc giúp Mỹ.

Theo Allvoices, Xinhua, Global Times

No comments:

Post a Comment