TPO - Sáng nay, 10/3, theo chỉ đạo của Quân chủng Phòng không Không quân, 3 máy bay AN 26 số hiệu 261, 286, 287 tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.
Trong đó, chiếc 287 làm nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin cho hai chiếc còn lại và hai chiếc trực thăng Mi 171 của Trung đoàn không quân 917 thuộc Sư đoàn không quân 370.
Theo nhiệm vụ, hai tổ bay tiếp tục tìm kiếm tại tọa độ khu vực nghi máy bay mất tích.
Cùng ngày, theo thông tin từ Lữ đoàn không quân 918, Quân chủng Phòng không Không quân và Cảnh sát biển đã điều động 2 máy bay tuần thám CASA của Cảnh sát biển (hiện tại do Lữ đoàn không quân 918 quản lý, sử dụng) vào tăng cường cho TPHCM để hỗ trợ tìm kiếm.
Một chiếc CASA cất cánh lúc 9h45 sáng 10/3, chiếc còn lại cất cánh sau 10 phút từ sân bay Gia Lâm, hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng tiếp dầu, sau đó bay thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Hai chiếc CASA số hiệu 8981 và 8982. Một chiếc do đại tá phi công Lê Khiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 làm cơ trưởng. Chiếc còn lại do thượng tá phi công Nguyễn Hoài Thủy, phi đội trưởng lái chính.
Dự kiến đầu giờ chiều, hai chiếc CASA sẽ có mặt tại Sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM.
CASA là loại máy bay tuần thám thuộc loại rất hiện đại. Theo một sĩ quan không quân, hệ thống radar của CASA có thể phát hiện chiếc bật lửa ở khoảng cách 1,5km.Trên máy bay CASA vào tăng cường cho công tác tìm kiếm, ngoài tổ bay còn có tổ tuần thám điều khiển trang thiết bị dò tìm tàu, vật thể đắm.
Chùm ảnh về chuyến bay AN 26 tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngày 10/3:
Đúng 12h15 chiếc AN 26 đầu tiên mang số hiệu 261 do thượng tá phi công Vũ Đức Long, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn làm cơ trưởng hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhiều phóng viên đài truyền hình nước ngoài có mặt tại sân bay để tường thuật thông tin từ chuyến bay tìm kiếm.
Chiếc AN 26 chở nhiều phóng viên trong nước, quốc tế đang vào bãi đỗ.
Máy bay vừa dừng, lực lượng bảo đảm kỹ thuật hậu cần tiếp quản máy bay để kiểm tra.
Thượng tá phi công Vũ Đức Long, cơ trưởng bước xuống đầu tiên. Anh là phi công đã thực hiện liên tục 4 chuyến bay trong 3 ngày tìm kiếm vừa qua. Có ngày, anh bay liên tục hai chuyến, mỗi chuyến trung bình 6 giờ chuẩn bị và bay, trong đó có 4 tiếng trên không.
Tiếp theo là các thành viên tổ bay đón nhận lời chúc mừng của đồng đội tại mặt đất.
Phóng viên đài truyền hình NHK, Nhật Bản, anh Kazoumi Shimizu (trái) tranh thủ phỏng vấn cơ trưởng Vũ Đức Long.
Ngay lập tức, thượng tá phi công Vũ Đức Long trở thành tâm điểm của cuộc phỏng vấn tập thể.
Chiếc AN 26 số hiệu 287 làm nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin, được coi là Sở chỉ huy trên không hạ cánh sau chiếc AN 26 số hiệu 261 khoảng 15 phút.
Tại sân bay, thượng tá phi công Vũ Đức Long cho biết: “Sáng nay chúng tôi đã bay kín khu vực tọa độ nơi nghi máy bay mất tích. Hôm nay, thời tiết thuận lợi, tầm nhìn tốt, độ cao được hạ xuống dưới mức 1.000m so với mặt biển, là mức thấp nhất trong các chuyến bay tìm kiếm máy bay nước bạn mất tích nhưng cũng chưa phát hiện dấu hiệu khác thường nào”.
No comments:
Post a Comment