Chủ nhật 09/03/2014 06:55
ANTĐ - Thanh Khê (ảnh) là một thôn nhỏ nhất và cũng nghèo nhất của xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là cái thôn chỉ có trên 100 nóc nhà với khoảng 500 nhân khẩu ấy lại nhan nhản… người điên. Ruộng đất ít, kinh tế khó khăn, thanh niên trong làng đi làm công nhân hết, khi chúng tôi đến, những người trong làng còn nói đùa rằng bây giờ đến Thanh Khê chỉ toàn gặp người già, trẻ em và người điên mà thôi.
Ông Vũ Hữu Pha không khỏi xót xa trước số phận hẩm hiu của cậu con trai út của mình là anh Vũ Hữu Huấn. Anh Huấn trước kia đẹp trai nổi tiếng trong làng, ăn nói khéo léo đến mức “con kiến trong lỗ cũng phải chui ra”, bao cô gái phải si mê mong được về làm dâu nhà ông. Rồi anh Huấn cũng chọn được một thiếu nữ xinh đẹp làm vợ, sinh con. Nhưng bỗng nhiên lấy vợ xong anh đâm ra lẩn thẩn, mức độ ngày càng nặng khiến chị vợ không chịu được phải bỏ về nhà bố mẹ đẻ.
Từ đây, anh cứ nhốt mình trong nhà, hoang tưởng có người đến tìm đánh mình rồi la hét, rồi đem đồ đạc ra chặn ngang cửa, lại có khi cầm gạch đá để sẵn sàng… ứng chiến với kẻ thù. Gia đình cũng tìm đủ mọi cách để chữa trị cho anh, có lần còn phải trói chân tay cho lên ô tô đưa đi bệnh viện nhưng rồi anh cũng trốn về vì “con có bệnh gì đâu mà đưa đi bệnh viện”. Sau khi điều trị một thời gian, bệnh tạm thời ổn định thì bố mẹ lại cưới cho anh người vợ thứ 2 những mong có vợ, bệnh của anh sẽ đỡ dần, nhưng cuối cùng bệnh vẫn cứ nặng thêm, người vợ này không chịu được lại bỏ về nhà mẹ đẻ. Mới đây, ông Pha lại phải lặn lội nhờ người mai mối cho anh người vợ thứ 3 và sinh thêm một bé trai. “Khổ lắm anh chị ạ. Vợ nó đi làm công nhân được vài triệu bạc, không đủ ăn, thi thoảng nó lại lên xin tiền, có hôm nửa đêm trời rét căm căm nó cũng gõ cửa xin, không cho thì không được. Bây giờ có thuốc thang, nó bình thường, dù không đi làm ăn gì nhưng nó còn ở nhà nấu nướng cho con nó ăn được, chẳng biết bao giờ nó lại lên cơn. Mỗi lần nó lên cơn thì vợ chồng tôi phải tạm lánh ra ngoài chứ không nhỡ nó lại phang cho cục gạch chả biết chừng” - ông Pha than thở.
Nhà có mấy người điên
Trong làng ai cũng biết gia cảnh vừa đáng thương, vừa đáng giận của anh Vũ Hữu Nền. Anh Nền sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng có đến 2 anh em mắc chứng bệnh tâm thần, người em trai của anh đã bỏ đi biệt xứ cách đây hàng chục năm. Trước đây, anh Nền cũng lập gia đình với một phụ nữ trong xã nhưng do không chịu đựng được những lần lên cơn của anh nên chị đã ôm con bỏ vào miền Nam sinh sống. Anh Nền ở nhà một mình, không vợ con, tình trạng bệnh càng nặng. Anh lại sa đà vào rượu chè, những lúc tỉnh táo đi làm được dăm ba chục lại mua rượu uống hết, uống xong lại đi lang thang, nói xằng nói bậy, hết tiền lại đi xin, xin không được thì chửi, có khi ra cả ủy ban xã nằm lăn ra mà chửi. Có lúc anh ta cứ đi lang thang, gặp đàn bà con gái thì đẩy xuống ao rồi cười hả hê, lại có khi ngày mùa dân làng phơi rơm rạ thì anh ta châm lửa đốt sạch.
Trong thôn Thanh Khê, còn có những gia đình có đến 3 người con cùng mắc bệnh thần kinh. Đó là trường hợp của ba anh em họ hàng ông Vũ Hữu Hoàn, Vũ Hữu Đối và Vũ Hữu Ân. Thực ra trước đây họ là những người hoàn toàn bình thường, cũng học hành rồi đi bộ đội, xuất ngũ lấy vợ và có cuộc sống bình thường. Nhưng những năm gần đây họ bỗng nhiên lẩn thẩn rồi phát bệnh nặng thêm. Ông Đối bị nặng nhất, trước kia cứ bình thường thì không sao nhưng tự nhiên lên cơn lại lôi vợ ra đánh thừa sống thiếu chết, lúc tỉnh lại không nhớ gì. Không những thế, đứa con trai ông Đối hiện nay cũng trong tình trạng “có vấn đề” giống bố, suốt ngày bỏ đi lang thang, không làm ăn gì.
Hay như ông Phạm Văn Khôi, trước đây ông từng đi bộ đội rồi đi học trường sĩ quan tại Đà Lạt. Đang học thì bỗng nhiên ông phát bệnh, suốt ngày nói nhảm nhí một mình, ông bị trường trả về và điều trị bệnh. Thế nhưng hơn 20 năm nay tình trạng bệnh của ông không khỏi mà ngày càng nặng thêm, uống nhiều thuốc thần kinh đến nỗi bụng phệ ra, không làm ăn gì được phải sống nương tựa vào chị gái.
Là thôn nghèo, cái gì cũng ở mức thấp nhất xã, chỉ có người điên là nhiều nhất, ông Phạm Văn Hạnh, trưởng thôn không khỏi buồn bã thở dài: “Làm trưởng thôn, vác tù và hàng tổng đi làm các chính sách cho họ đấy mà buồn lắm. Tất cả những gia đình có người bị thần kinh đều được chính quyền hỗ trợ, người thì được hưởng chế độ hộ nghèo, người thì hưởng chính sách người tàn tật, rồi thẻ bảo hiểm y tế để hỗ trợ thuốc thang, khám chữa bệnh. Thế nhưng hễ mỗi lần chính sách Nhà nước thay đổi ảnh hưởng đến quyền lợi của họ là họ lại kéo đến trưởng thôn thắc mắc, đề xuất, rồi đề xuất không được còn chửi bới, vác gạch đá ném vào nhà, nhiều khi thấy họ đến là phải đóng cửa giả vờ đi vắng”.
Bị điên vì đào ao chạm long mạch?
Những người dân trong thôn Thanh Khê đang rất hoang mang, bởi gần đây số người điên trong xã tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong khoảng 6-7 năm trở lại đây. Ông Phạm Văn Hạnh cho biết hiện tại Thanh Khê chỉ có 120 hộ nhưng số người chính thức có bệnh án tâm thần trong thôn là 9 người, chưa kể những người đã bỏ đi hoặc một số trường hợp mới phát bệnh nhưng gia đình giấu. Điều đáng nói là tất cả những người bị tâm thần đều là nam giới, đang khỏe mạnh bình thường tự nhiên lẩn thẩn rồi ngày càng nặng thêm.
Hiện tượng có nhiều người bỗng nhiên phát điên trong làng khiến cho rất nhiều người dân Thanh Khê hoang mang, lo lắng. Trong bệnh án tâm thần của bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, những trường hợp này được xác định là mắc chứng thần kinh phân liệt nhưng nguyên nhân do đâu thì người dân không rõ. Họ đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau để lý giải cho tình trạng này. Có người thì bảo do di chứng chiến tranh để lại, có người thì cho rằng do cuộc sống khó khăn, họ suy nghĩ nhiều, nên sinh ra thần kinh, lại có ý kiến những người này bị thần kinh do lạm dụng rượu, thậm chí có người cho rằng bị ma ám.
Đặc biệt, gần đây có nhà phong thủy ở Hà Nội về Thanh Khê, sau khi xem xét phong thủy của thôn, ông này phán nguyên nhân khiến số người thần kinh trong xã nhiều và tăng đột biến là do bị “động long mạch”, và nếu không làm cái việc là hoàn thổ long mạch thì số người điên sẽ còn tăng nhiều. Sự việc này càng khiến người dân Thanh Khê thêm hoang mang. Phân tích về điều này, trưởng thôn Phạm Văn Hạnh cho biết: Thanh Khê là một thôn thuần nông khó khăn, không có chợ búa bến bãi gì. Năm 1992, để có tiền làm điện thôn đã phải bán những vùng đất trũng cho tư nhân, sau này làm đường cũng phải bán thêm nhiều vùng đất trũng khác. Những khu đất này, đa phần được người mua sử dụng vào việc đào ao thả cá. Khi nhà phong thủy nọ tìm về, sau khi đi xem xét quanh làng, ông cho biết toàn bộ số ao thả cá ở phía Bắc của làng đã bị chạm long mạch.
Theo thầy phong thủy này thì muốn chấm dứt tình trạng đàn ông trong xã cứ đổ ra điên hàng loạt, chỉ có cách là lấp toàn bộ số ao này để “hoàn thổ long mạch”. “Đất đã bán cho người ta rồi, việc để hay lấp là ở quyền người ta, thôn cũng không có quyền bắt ép, vì vậy giải pháp này là bất khả kháng. Mà cứ sống trong tình trạng này cũng lo sợ, vì đời con cháu mình sống trên đất này không biết sẽ ra sao” - ông Hạnh buồn rầu.
Trong khi người dân hoang mang thì các cơ quan y tế, chính quyền địa phương cũng chưa có câu trả lời nào về nguyên nhân của tình trạng trên. Một cán bộ trạm y tế Lai Hạ cho biết, hiện tại theo chế độ bảo hiểm y tế của Nhà nước thì hàng tháng các bệnh nhân có bệnh án tâm thần ở Thanh Khê đều được cấp miễn phí thuốc điều trị. Tuy nhiên các thuốc này chỉ có tác dụng tạm thời, giúp họ cân bằng, ổn định tâm lý chứ không thể khỏi bệnh hoàn toàn. Còn về nguyên nhân của tình trạng nhiều người điên thì y tế xã cũng không đủ khả năng kết luận, phải chờ các cấp y tế cao hơn. Còn ông Vũ Hữu Sói, Phó chủ tịch UBND xã Lai Hạ cũng cho biết, đúng là số người điên ở thôn Thanh Khê có nhiều hơn các thôn khác trong xã nhưng xã cũng chưa lý giải được nguyên nhân sâu xa. Với những trường hợp gia đình có người mắc bệnh, chính quyền cũng hỗ trợ một phần để giúp cuộc sống củ họ bớt khó khăn hơn.
Rõ ràng việc số người điên nhiều và tăng đột biến ở Thanh Khê là bất thường. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm rất cần vào cuộc sớm để đưa ra những kết luận đủ căn cứ khoa học, tránh để người dân hoang mang.
No comments:
Post a Comment