ĐĂNG BỞI  - 
Có một phụ nữ hàng chục năm trời đi “nhặt nhạnh” những đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi. Đó có thể là đứa trẻ bị bỏ bên vệ cỏ sau cuộc tình không như ý, có thể là đứa trẻ bệnh tật bị bỏ lại trong thùng rác giữa đêm khuya, ngoe nguẩy yếu ớt trong tấm khăn mỏng quấn vội vàng…
Với hàng chục bảo mẫu ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Dĩ An, Bình Dương) và hàng trăm phụ nữ nhân hậu khác, họ dành niềm vui, sự ân cần cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Lần đầu tiên có một ngày 8.3 ấm cúng và xúc động đến như vậy.
Những đứa trẻ đến từ Trung tâm Nhân đạo Quê Hương đều mang họ Huỳnh. Đều là con nuôi của “người mẹ vĩ đại” Huỳnh Tiểu Hương. Người mẹ ấy là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên thiếu tình thương phụ mẫu.
Hàng chục năm trời chị đi nhặt nhạnh những đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi. Đó có thể là đứa trẻ bị bỏ bên vệ cỏ sau cuộc tình không như ý của cô công nhân không may mắn. Có thể là đứa trẻ bệnh tật bị bỏ lại trong thùng rác giữa đêm khuya, ngoe nguẩy yếu ớt trong tấm khăn mỏng quấn vội vàng. Chị nhặt tất cả. 322 đứa trẻ, thành một mái nhà, rồi thành một trung tâm.
Chị xin từng hạt gạo, từng viên thuốc nuôi nấng chúng lớn lên. Cực khổ, thiếu thốn trăm bề, chưa bao giờ làm vơi đi tình mẫu tử với những đứa con không rứt ruột.
Ngày 8.3 vừa qua, người mẹ ấy đổ bệnh không theo các con vui chơi được. Thông tin khiến đoàn người nín lặng một lúc lâu. Những đứa trẻ hồn nhiên được bảo mẫu dắt đi thăm quan Thảo Cầm Viên. Những ánh mắt ngơ ngác hồ hởi. Những nụ cười ngời sáng. Thế giới ngoài trung tâm rộng lớn và chan chứa. Nhưng vẫn có nhiều đứa chừng chưa quen, vẫn nũng nịu khóc nhè gọi “Mẹ Hương”! Những bảo mẫu hiền lành dỗ dành chực cay khóe mắt.
“Mấy đứa nghịch lắm nhưng cũng hay khóc nhè. Xa vài ngày là nhớ, đêm không tài nào ngủ được nên chẳng mấy khi rời các cháu”, bảo mẫu tên Hường tâm sự. Nhiều năm gắn bó với trung tâm, chị coi nó như nhà. Những đứa trẻ là con thật sự. Trừ tết lễ về thăm quê, thời gian còn lại đều dành cho chúng.
Chị nhớ rõ tên từng đứa, nhớ cả thói quen ăn uống sinh hoạt. Nhắc đến ngày 8.3, chị nhìn những đứa trẻ mắt ngấn lệ: “Bọn trẻ vui là món quà lớn nhất cho mình rồi. Mình có cả cuộc đời, mấy đứa thì mất nhiều quá. Cho chúng một ngày có sao đâu”, chị nghẹn ngào.
Các trẻ em trung tâm Quê Hương lên TP.HCM từ sáng sớm. Những cuộc dạo chơi chóng vánh, giờ ăn ngủ cũng chừng gấp gáp. Hình như kinh phí kêu gọi cho các cháu không đủ. Nhưng không sao, vì người ở trung tâm có lẽ đã quen với thiếu thốn, cực khổ. Những nụ cười bé thơ đã bù đắp tất cả.
Tiết mục văn nghệ do các em biểu diễn được tiến hành. Khán phòng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai trở nên quá nhỏ bé so với lượng người đổ về. Đó là bạn trẻ khắp nơi trong thành phố nhận được tin trên facebook. Đó là những mẹ già ở huyện ngoại thành được người thân báo tin cũng lọ mọ tìm về.
Tôi thấy hàng chục sinh viên nam nữ Trường ĐH Tài chính-Marketing lúi húi tặng hoa, pha nước cho khách, rồi cặm cụi sắp ghế ngồi, chỉnh phục trang cho các em nhỏ. Tôi thấy những đôi tình nhân cầm tay nhau đến, lần lượt ôm những đứa trẻ vào lòng.
Hạnh, một  sinh viên nói: “Mỗi năm chúng em mới có một ngày dành cho nhau như thế này. Đến đây với các cháu thấy hạnh phúc hơn anh à”.
“Gì biết tin hôm qua. Nay có ít sữa và quần áo cũ nhờ đứa cháu chỡ gì mang đến cho sắp nhỏ. Mong lâu rồi giờ mới được gặp. Đứa nào cũng khỏe mạnh xinh xắn, gì mừng lắm”, bà Ngọc, ngoại lục tuần lởi xởi rồi tất tưởi lưng còng đi xoa đầu từng đứa trẻ như cháu ruột mình.
“Mình già rồi, 8.3 có quan trọng gì. Hôm nay gặp được tụi nó vui lắm, phải ôm thật nhiều đứa mới được”, bà nói bằng đôi mắt rạng ngời.
Ngày hội hôm ấy mang chủ để “Ngày của mẹ và bé 2014”. Những đứa trẻ của trung tâm sắp đến giờ biểu diễn văn nghệ. Từng đứa, từng đứa được các bảo mẫu chăm chút trang phục, buộc tóc lau mặt... Trẻ nam, trẻ nữ mặt mộc không đánh phấn. Lần lượt từng đứa trẻ ngồi vào lòng các bảo mẫu để chỉnh trang tươm tất. Những ngón tay cần mẫn chạy dài trên mái tóc. 
Có đứa còn hồn nhiên hỏi “Con đẹp không mẹ”? Tôi thấy nhiều bảo mẫu mắt rưng rức trả lời: “Có! Con đẹp lắm”.
Ánh đèn sân khấu đơn sơ bật lên. Những đứa trẻ nắm tay tung tăng ca hát. Đâu đó tôi thấy những ngón tay không lành lặn, những chiếc môi bé xíu chưa cân xứng sau lần phẫu thuật vá lại. Nhưng những nụ cười vẹn nguyên vẫn nở theo điệu hát ngân nga. 
Khán phòng ngưng bặt khi những vành môi chúm chím cất lời “buổi sáng con chào mẹ, buổi chiều con chào bố”. Ai cũng rưng rưng nghĩ đến hàng trăm đứa trẻ không cha mẹ. Không chỉ thiếu thốn tình thương mà trong điều kiện khó khăn của trung tâm, miếng cơm manh áo cho các cháu cũng là bài toán khó.
Tôi nhớ những điều ước của bà mẹ Huỳnh Tiểu Hương có về một ngôi trường cho các cháu nhiều năm trước. Điều ước ấy đã thành hình một ngôi trường nhưng đang đình đốn vì thiếu ngược thiếu xuôi.
Giữa một ngày 8.3 đầm ấm của những đứa trẻ bất hạnh, chợt thấy mong biết chừng nào, giấc mơ tri thức cho đàn con của bà mẹ ấy sớm thành hiện thực.
Ngày 8.3 vừa qua các em được các cô, các chú chăm sóc tận tình
Kiến Giang
Chú thích ảnh bìa: Trẻ em và bảo mẫu Trung tâm Nhân đạo Quê Hương trong ngày 8.3