Monday, March 10, 2014

Hơn 90% xí nghiệp ở Việt Nam thuê “xã hội đen” đòi nợ!

HÀ NỘI (NV) .- Không tin vào hệ thống tư pháp của chế độ, thực tế cho thấy phần lớn các vụ đòi nợ của giới kinh doanh đều nhờ tay giới giang hồ giải quyết cho nhanh gọn.


Đa số xí nghiệp ở Việt Nam thuê “xã hội đen” đi đòi nợ cho nhanh và giản dị thay vì dùng thủ tục tòa án. (Hình minh họa: Vietnamnet)


Bản tin của tờ Pháp Luật thành phố ở Sài Gòn hôm Thứ Hai cho biết, có đến 90% các doanh nghiệp đã sử dụng những kẻ gọi là “xã hội đen” để đòi nợ. Điều đáng kinh ngạc này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong cuộc hội thảo phối hợp với Bộ Tư Pháp CSVN về “Luật thi hành án dân sự - góc nhìn từ doanh nghiệp (DN)” tại Hà Nội mới đây.

Lý do các doanh nghiệp dùng xã hội đen đi đòi nợ thay vì kiện ra tòa, nếu thắng kiện và nhờ cơ quan “Thi hành án dân sự” giúp giải quyết thì “hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50%”, theo cuộc khảo sát được VCCI thực hiện.
Để đưa ra các con số nói trên, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của VCCI cho hay họ đã tổ chức khảo sát tại 15 doanh nghiệp được “thi hành án” và “phải thi hành án” đồng thời với các cuộc phỏng vấn nhiều luật sư, doanh nghiệp thu hồi nợ, chấp hành viên, chuyên gia pháp luật.

Để đòi một món nợ quá hạn, trên lý thuyết, một doanh nghiệp phải kiện con nợ ra tòa. Dựa vào phán quyết của tòa, chủ món nợ nhờ sự hậu thuẫn của cơ quan thi hành án để áp lực con nợ trả nợ. Nhưng qua thủ tục tư pháp thì vừa lâu lắc trung bình đến 400 ngày lại không chắc thành công, chi phí thu hồi nợ chiếm từ 20% đến 30% khoản nợ mà kết quả đạt được cũng chỉ từ 50% đến 60%. Trong khi đó, theo lời ông Đậu Anh Tuấn, nếu sử dụng “xã hội đen”, thời giai đòi được nợ có thể chỉ từ 15 ngày đến 30 ngày. Người ta chấp nhận chi phí khá cao cho kẻ đòi nợ thuê từ 40% đến 70% trị giá món nợ nhưng đổi lại, tỉ lệ thành công cũng cao, lên đến 80% tới 90%.

Không ít lần báo chí tại Việt Nam loan tin các quan chức của cơ quan thi hành án dân sự đã không thi hành đúng chức năng, tùy theo phía nào chi tiền. Những ông quan này lợi dụng chức vụ đòi “lại quả” trong các vụ án cũng không phải hiếm khi xảy ra.

“Tỉ lệ bản án được thi hành và tỉ lệ thi hành án thành công ở Việt Nam hiện nay quá thấp. Chính báo cáo của Tổng cục Thi Hành Án đã cho thấy điều đó, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn tỉ lệ thi hành án dân sự thành công chỉ xấp xỉ 30%.”

Ông Đậu Anh Tuấn nói. “Ngoài tỉ lệ thành công thấp, còn nguyên nhân như đã nói trên đây là thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian. Trong 10 doanh nghiệp đã được thi hành án vừa rồi mà chúng tôi khảo sát thì có đến ba doanh nghiệp cho biết nếu gặp vụ việc tương tự họ sẽ không khởi kiện nữa. Từ trải nghiệm của mình, họ quá ngán ngẩm về thủ tục trong thi hành án. Chắc không doanh nghiệp nào muốn đằng đẵng thời gian dài theo đuổi một vụ kiện, có được bản án rồi lại tiếp tục toát mồ hôi xoay sở để nó được thi hành và khả năng thất bại thì rất lớn.”


Không những vậy, nếu thưa kiện ra tòa, công lý không ở giữa mà ở phía nào chi tiền “chạy án”, theo ông Đậu Anh Tuấn cho hay và khi thi hành án thì “có tình trạng chấp hành viên vòi vĩnh”. 

No comments:

Post a Comment