Friday, February 21, 2014

Vụ thất thoát trên 22 tỉ đồng: “lọt lưới” từ Sở TN&MT đến phòng công chứng

21/02/2014 14:54 (GMT + 7)

TTO - Sáng 21-2, TAND TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã bước sang ngày làm việc thứ hai xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Duy Khiêm (40 tuổi, nguyên trưởng phòng đăng ký đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và môi trường Bình Thuận) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Đại diện Viện kiểm sát và luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Duy Khiêm đã tiến hành thẩm vấn những nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát, ông Huỳnh Tùng, trưởng phòng thẩm định thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của Sở TN&MT Bình Thuận, thừa nhận trong ngày 15-4-2011 hồ sơ đất của Công ty Hawaii đang được xử lý tại bộ phận của ông nhưng sau đó ông đem cho bị cáo Lê Duy Khiêm mượn là sai quy định.
Còn ông Lê Văn Bé, phó giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, trả lời đại diện Viện kiểm sát chi tiết khi Lê Duy Khiêm đưa hồ sơ cho ông thì ông đã ký chỉnh lý hồ sơ đất, nhưng lúc này Công ty Hawaii vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.
Luật sư Lê Dũng bào chữa cho bị cáo Khiêm hỏi ông Lê Văn Bé khi Lê Duy Khiêm trực tiếp đem hồ sơ đến cho ông Bé ký (sai quy trình xử lý) thì đây là trường hợp đầu tiên ông Bé “cải cách” hay đã “cải cách” từ lâu rồi. Ông Bé trả lời một số nhân viên của Lê Duy Khiêm trước đó có trình hồ sơ và ông cũng ký như vậy.
Luật sư Dũng đã giải thích rõ theo quy định tại quyết định số 214 ngày 31-10-2008 của giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, bộ phận trình hồ sơ cho ông Lê Văn Bé ký phải là Văn phòng Sở TN&MT chứ không phải là bộ phận của bị cáo Lê Duy Khiêm.
Sau khi “lọt lưới” qua được Sở TN&MT Bình Thuận, bộ hồ sơ gồm bốn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được đem đến Văn phòng công chứng Thịnh Phát (huyện Bắc Bình, Bình Thuận). Tuy nhiên, dù là đất sản xuất kinh doanh nhưng văn phòng công chứng đã chứng thành đất ở lâu dài (theo quy định vay thế chấp thì đất sản xuất kinh doanh không thể thế chấp vay tiền ngân hàng). Sau đó hồ sơ đất được giao cho nhân viên ngân hàng để làm thủ tục thế chấp.
Luật sư Lê Dũng đặt câu hỏi với bà Nguyễn Thị Tem, trưởng văn phòng công chứng Thịnh Phát: “Hồ sơ đất ghi là đất sản xuất kinh doanh nhưng vì sao lại được công chứng thành đất ở lâu dài, tạo điều kiện cho Ngô Văn Phưởng đem thế chấp ngân hàng?”, bà Nguyễn Thị Tem trả lời: “Tôi viết theo cảm nhận”.
Một tình tiết đáng chú ý nữa do Ngô Văn Phưởng khai nhận tại tòa là trước khi thực hiện “phi vụ” chỉnh lý bốn GCNQSDĐ trong vòng một ngày, Công ty Hawaii đã tặng Sở TN&MT Bình Thuận 2 chiếc máy cày. Sau đó Sở TN&MT còn gửi thư cảm ơn cho Công ty Hawaii.
Ông Huỳnh Giác, giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, nói với HĐXX khi phát hiện bốn GCNQSDĐ được chỉnh lý mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu Công ty Hawaii nộp lại bốn GCNQSDĐ trên vì đây là hành vi trái pháp luật.
Đến 11g30 chủ tọa phiên tòa tuyên bố nghỉ trưa.
Các cán bộ sai phạm khác sẽ được xử lý sau
Theo cáo trạng, Công ty TNHH du lịch Hawaii (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) do bà Trần Hoài Thanh làm giám đốc và ông Ngô Văn Phưởng (chồng bà Thanh, cả hai đều ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) làm phó giám đốc. Toàn bộ hoạt động của công ty đều do ông Phưởng điều hành, quyết định. Ngoài ra Phưởng còn thành lập và làm giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Hoàng Long (TP.HCM).
Ngày 28-3-2008 và ngày 11-7-2008, Sở TN&MT Bình Thuận ký hợp đồng cho Công ty Hawaii thuê 98.390,4m2 đất tại xã Hòa Thắng và cấp 4 GCNQSDĐ cho công ty để xây dựng dự án du lịch. Vì là đất thuê của Nhà nước, trả tiền hằng năm không thể thế chấp cho ngân hàng để vay vốn được.
Ngày 15-4-2011, Phưởng đã nhờ Lê Duy Khiêm, trưởng phòng đăng ký đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN&MT Bình Thuận, giúp Phưởng chỉnh lý GCNQSDĐ với điều kiện không phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Sau khi có GCNQSDĐ mới (là đất được Nhà nước giao), Phưởng đem hồ sơ các lô đất trên thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh 7 tại TP.HCM để vay vốn cho Công ty Hoàng Long của Phưởng.
Hành vi của Khiêm và Phưởng đã gây thất thu cho ngân sách số tiền trên 22,1 tỉ đồng và trên 160 triệu đồng lệ phí trước bạ mà lẽ ra Công ty Hawaii phải nộp khi được chỉnh lý từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, đồng thời gián tiếp tạo điều kiện cho Phưởng dùng các GCNQSDĐ này để thế chấp vay ngân hàng hơn 29,4 tỉ đồng, đến nay không có khả năng trả nợ.
Đối với Ngô Văn Phưởng đã có hành vi thế chấp 4 GCNQSDĐ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của Công ty Hawaii để vay 29,48 tỉ đồng của Ngân hàng NN&PTNN đến nay không có khả năng hoàn trả nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Phưởng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài bị cáo Lê Duy Khiêm ra, bản cáo trạng nêu rõ đối với hành vi của một số cán bộ Sở TN&MT Bình Thuận đã có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 285 Bộ luật hình sự. Nhưng do không thể hoàn thành sớm việc điều tra nên cơ quan điều tra đã tách vụ án về tội danh này để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
NGUYỄN NAM

No comments:

Post a Comment