15:06 | 21/02/2014
(PetroTimes) - Những ngày qua, vụ việc clip “thầy tát tai, trò lên gối” tại một lớp học ở trường THPT Nguyễn Huệ (Bình Định) gây dậy sóng dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xem lại vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách cho chính cả giáo viên và học sinh.
Theo tìm hiểu của PV, vụ việc thầy và trò đánh nhau giữa lớp học trong clip đang gây xôn xao dư luận xảy ra từ trước Tết Nguyên đán. Cụ thể là vào ngày 20/1 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định), trong giờ hóa học lớp 11 đã xảy ra sự việc trên.
Sau khi bị thầy giáo liên tiếp tát vào mặt, nam học sinh đã phản kháng, đánh lại thầy giáo (ảnh cắt từ clip).
Thầy giáo “tát bôm bốp” vào mặt học sinh trong clip tên Trần Anh Tuấn, là giáo viên dạy Hóa học, thuộc diện hợp đồng một năm. Thầy Tuấn mới ra trường, năm nay 24 tuổi.
Trước đó, ngày 28 và 29 Tết, giáo viên chủ nhiệm cùng lãnh đạo Nhà trường đã đến nhà tiếp xúc, làm việc với phụ huynh những học sinh có liên quan. Sau Tết, vào ngày 8/2, lãnh đạo nhà trường tiếp tục mời phụ huynh của hai học sinh đến để giải quyết. Đồng thời nhà trường cũng tiến hành họp một số bộ phận, hiện đang tiến hành thủ tục xét hội đồng kỷ luật nhà trường.
Liên quan đến sự việc trên, Sở GD - ĐT Bình Định đã yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định và báo cáo cho Giám đốc Sở trước ngày 21/2. Ngành giáo dục tỉnh Bình Định xác định, đây là vụ việc nhà giáo và học sinh vi phạm đạo đức nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín. Quan điểm chỉ đạo xử lý của Sở là xử lý kỷ luật nghiêm túc, đúng điều lệ, không bao che, thiên vị.
GS Văn Như Cương cho rằng cần phải lên án hành động phi giáo dục của người thầy.
Ngoài trường hợp trên xảy ra ở Bình Định, năm 2013 báo chí ghi nhận nhiều vụ việc nghiêm trọng như vụ đánh thầy giáo 70 tuổi của sinh viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, khiến thầy trọng thương phải nhập viên. Trước đó, một nam sinh lớp 10 ở TPHCM đã đánh thầy giáo chảy máu đầu ngay trên bục giảng. Cũng vì nhắc nhở học sinh cắt tóc trọc đến lớp, một thầy giáo trẻ ở Thanh Chương, Nghệ An đã bị chính học sinh rủ bạn đón lõng đánh trọng thương phải nhập viện.
Hay tại Ninh Thuận, cô giáo Lý Thị Thu S. đã bị một nam sinh chặn đường hành hung khiến cô giáo bất tỉnh với vết thương dài sau gáy, gãy xương sống mũi. Vấn đề đang được đưa ra khi việc giáo dục đạo đức trong nhà trường đang bị xem nhẹ.
Trước sự việc trên, GS Văn Như Cương cho biết, ông cảm thấy vô cùng buồn và phẫn nộ khi tiếp nhận sự việc này. Theo GS Văn Như Cương: “Chưa bàn đến hình thức xử lý cho giáo viên đó như phê bình, cảnh cáo, thuyên chuyển giáo viên, nếu trường tôi có sự vụ tương tự xảy ra, chắc chắn tôi sẽ cho giáo viên đó nghỉ việc”.
“Không thể để thầy giáo đó tiếp tục dạy ở lớp này vì học sinh đã chứng kiến vụ việc và bị ấn tượng quá sâu. Nếu chuyển giáo viên đó sang dạy lớp khác thì cũng không được bởi học sinh các lớp khác trong trường cũng đều biết hành động đáng lên án đó của người thầy này. Như vậy hiệu quả giáo dục là không có. Bởi vậy với cương vị là hiệu trưởng, tôi sẽ cho giáo viên đó nghỉ việc". GS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ kiến nghị cần phải xử lý nghiêm cả thầy và trò trong sự việc trên.
Còn theo PGS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hành động của người thầy và trò đều sai.
“Thầy vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nếu học trò có mắc lỗi, giáo viên có thể phạt hoặc liên lạc với phụ huynh, báo cáo với nhà trường… Còn đối với học sinh hành động đánh lại thầy là không đúng. Người học trò phải tôn trọng thầy, người xưa dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên”. Học sinh đều hiểu lễ nghĩa đó nhưng tại sao vẫn làm việc sai trái như vậy? Chính vì thế, cần phải đưa ra hình thức kỷ luật đối với cả thầy và trò. Nhà trường yêu cầu học sinh làm bản kiểm điểm để nhận lỗi, xử lý để làm gương cho học sinh khác. Sau đó, nhà trường kết hợp gia đình theo dõi, quan tâm đến em học sinh đó”, PGS Nhĩ cho biết thêm.
TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam): Học sinh cần học lại những bài học luân lý. Người thầy giáo tát học sinh ở Bình Định còn trẻ tuổi, chỉ là giáo viên hợp đồng, chưa đủ tư cách, bản lĩnh, tầm văn hóa nên hành xử của thầy giáo là sai, không lựa chọn phương pháp sư phạm thích hợp để xử lý tình huống đúng.
“Giá trị truyền thống của ngành giáo dục dường như đang bị thị trường hóa”, TS tâm lý Trịnh Hòa Bình nói.
Hiện nay quan hệ thầy trò đang bị thị trường hóa, không còn chuyện thầy trò nhường cơm sẻ áo như ngày xưa. Mối quan hệ có tính chất truyền thống như thuở nào đang dần mất đi. Nhà trường cũng có xu hướng ít chăm lo đến trao đổi, khơi dậy tình cảm tốt đẹp từ phía thầy và trò, đấy là bức tranh chung của giáo dục VN.
Để điều chỉnh, vẫn là tổ chức sinh hoạt giáo dục, quay trở về những giá trị ban đầu. Nhà trường cần đối thoại thường xuyên, thầy trò dành thời gian cho nhau nhiều hơn ngoài những bài giảng khô cứng, giáo điều. Trong ngành giáo dục, cần có một cuộc vận động nghiêng về giáo dục đạo đức như một giá trị truyền thống cần được khơi dậy, bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất, học sinh cần học lại những bài học luân lý chứ không phải là bài giáo dục công dân cao xa, to tát, trong khi không coi cha mẹ, thầy cô ra gì!
Ở một góc độ khác, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - người có nhiều năm tâm huyết với vấn đề giáo dục thanh thiếu niên, cho rằng giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường đang quá xem nhẹ.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Cần phải nâng cao việc giáo dục đạo đức trong nhà trường”.
Qua vụ việc để thấy rằng, giáo dục đạo đức trong nhà trường đang bị xem nhẹ đến đáng báo động hiện nay. Nhà trường thay vào đó nhồi nhét quá nhiều kiến thức mà không thật sự chú trọng đến dạy đạo đức, lễ phép cho học sinh. Gia đình cũng lơ là trong việc giáo dục con cái sự lễ phép, còn xã hội thì có mặt quá nhiều luồng thông tin thiếu lành mạnh từ internet...
Tất cả những điều này đã khiến học sinh méo mó trong nhận thức, không điều chỉnh được hành vi dẫn đến những hành động sai trái. Riêng vụ việc tại Bình Định, cũng cần phải nói thêm về hành vi thầy giáo tát học sinh. Bản thân người thầy nếu không phải là người mẫu mực trong hành vi, ứng xử, không phải là tấm gương sáng, thậm chí là bạo lực với học sinh thì không bao giờ có thể đứng trên bục giảng để dạy dỗ chính các em. Các trường học vì thế cũng nên đặt câu hỏi tại sao lại có những thầy cô giáo bạo lực như vậy. Thầy cô cũng là một mắt xích trong giáo dục đạo đức nhà trường, vì thế cần là tấm gương để học sinh noi theo.
Ông Tiến cũng cho biết: Hiện nay Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực, trong đó sẽ siết chặt mạnh mẽ vấn đề bạo lực học đường, đồng thời phối hợp cách thức tuyên truyền để vừa nêu gương tốt về đạo đức, vừa lên án mạnh mẽ hành vi phi đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay.
Thảo Phượng
No comments:
Post a Comment