Friday, February 21, 2014

Nợ không trả nổi, nông dân mang đàn gà đi 'cấn nợ'!

VĨNH PHÚC (NV) Dịch cúm gia cầm bùng phát tại 14 tỉnh thành ở Việt Nam trong tháng qua gây ảnh hưởng dây chuyền đến các hoạt động chăn nuôi, lẫn mua bán thức ăn gia súc.

Mới đây, một chủ trại nuôi gà ở tỉnh Vĩnh Phúc đã phải xin cấn nợ chủ đại lý bán thức ăn gia súc bằng... đàn gà của ông.


Ðàn gà được dùng để trả nợ tiền mua thức ăn gia súc. (Hình: VNExpress)
Báo mạng VNExpress cho biết, ông chủ trang trại đang nợ bà chủ đại lý thức ăn gia súc khoảng 50 triệu đồng, tương đương 2,500 đôla.

Lâu nay, bà chủ - được gọi tên là Hằng, cho các nông dân chăn nuôi mua thức ăn dưới hình thức thiếu chịu. Bán gà xong, chủ trại mới đem tiền trả cho bà. Thời gian trả nợ thường kéo dài vài tháng.

Trong những ngày qua, nại cớ không bán được gà vì dịch cúm gia cầm bùng phát, một số chủ trại gà lần lữa việc trả tiền mua thức ăn gia súc. Mới đây, theo VNExpress, một chủ trang trại gà ở Vĩnh Phúc đề nghị dùng nguyên đàn gà lên đến 400 con, tính theo giá thị trường khoảng 90,000 đồng, tương đương 4.5 đô một ký đến cân... trừ nợ.

Lời đề nghị táo bạo trên khiến bà Hằng trở thành trung gian mua bán gia cầm bất đắc dĩ. Bà Hằng cho biết, một số chủ trại gà ở tỉnh Vĩnh Phúc đã lần lượt yêu cầu được trả nợ bằng... gà. Ai cũng nại cớ gà còn sống, đang chạy nhảy đàng hoàng để định giá cao. Bà Hằng nói rằng ước tính sẽ phải “ôm” đến 6 tạ gà của một đàn 400 con, riêng ông chủ trang trại nói trên.

VNExpress dẫn lời của bà Hằng nói rằng nếu không chấp nhận phương thức thanh toán nói trên, bà có thể bị “xù” nợ, coi như mất “cả chì lẫn chài.” Vì vậy, bà này không còn cách nào khác là “cắn răng” nhận nợ, rồi tìm “đầu mối” sang lại đàn gà 400 con, thu tiền mặt, “được chút nào hay chút nấy.”
Bà Hằng nói người mua bán gia cầm đang bị đặt trong nhiều rủi ro, vì gà vịt có thể lăn ra chết bất cứ lúc nào nếu chẳng may bị nhiễm virus cúm.

Còn theo dư luận, thực tế hiện nay có rất nhiều thương nhân dùng sản phẩm của mình thanh toán tiền quảng cáo, bao gồm bếp gas, bánh ngọt, quần áo và cả... xe hơi. Có người lo ngại rằng tình trạng trên sẽ đưa xã hội tiêu thụ Việt Nam trở về với thời kỳ phi tiền tệ hàng trăm năm trước đây.

No comments:

Post a Comment