Hí họa của NTH/Người Việt |
Hôm Thứ Năm 20 tháng 2, 2014, báo PetroTimes có bài viết do chính ông tổng biên tập Nguyễn Như Phong có tựa đề “PetroTimes công bố tư liệu đặc biệt về 2 cuộc gặp của Dương Chí Dũng và tướng Phạm Quý Ngọ”.
Bài viết này có phóng ảnh khúc đầu và khúc cuối của “Bản tự khai” viết tay của ông Dương Chí Dũng đề ngày 17/10/2012 tại trại giam Yên Trạch, tỉnh Lạng Sơn. Bài viết có đoạn giới thiệu dài 289 từ cho “Bản tự khai” rồi tác giả bài viết (Nguyễn Như Phong) được đánh máy lại (rất có thể) một phần tổng cộng 841 từ.
Nội dung “Bản tự khai” 5 trang viết tay trên giấy khổ nhỏ được ông Nguyễn Như Phong “công bố” tóm tắt lại lời khai của ông Dương Chí Dũng phản cung lời khai trước đó khi bị bắt từ Cambodia đưa về giam ở Sài Gòn.
Trong đó, ông Dũng “Sau khi suy nghĩ lại toàn bộ diễn biến vụ việc trước khi tôi bỏ trốn tôi xin trình bày lại một số nội dung” trong đó ông đánh số thứ tự gồm bao nhiêu số, không biết, chỉ thấy được PetroTimes đánh máy lại nội dung số 1 mà ông nói về hai lần đến gặp tướng Phạm Quý Ngọ. Một lần ở khách sạn trên đảo Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh, ngày 29/4/2012, lần sau là ngày 2/5/2012 tại nhà riêng của tướng Ngọ ở tòa chung cư cao cấp Pacific trên đường Phan Bội Châu, Hà Nội.
Ở khách sạn đảo Tuần Châu, ông Dũng viết rằng “Sau khi nói chuyện với anh Ngọ xong tôi xin phép về và hôm đó tôi không đưa tiền cho anh Ngọ như tôi đã khai tại trại B34 thành phố Hồ Chí Minh…”
Rồi về lần đến nhà tướng Ngọ 3 ngày sau, ông Dũng cũng khai ngược lại rằng “Sau khi nói chuyện với anh Ngọ xong tôi xin phép về và hôm đó tôi cũng không hề đưa tiền hay quà cáp gì cho anh Ngọ cả.”
Khúc cuối của “Bản Tự khai” của ông Dương Chí Dũng được tờ PetroTimes đánh máy lại là “Với bản khai này tôi xin khẳng định việc tôi khai trước đây tại B34 là sai sự thật do lẫn và hoang tưởng. Tôi không hiểu tại sao tôi lại khai như vậy, tôi rất xin lỗi anh chị Ngọ và mong cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ sự thật mà tôi khai tại bản khai này."
Tuy nhiên, nó khác với phóng ảnh khúc cuối của bản viết tay của ông Dũng mà người ta đọc thấy: “Tôi xin cam đoan lời khai trên của tôi là đúng sự thật và chịu trách nhiệm về lời khai của tôi trước pháp luật”. Dưới cuối phóng ảnh còn có ghi chú “Bản tự khai gồm có 03 tờ và 05 trang được đánh số thứ tự từ 01 đến 05” và ký tên.
Hoang tưởng hay không hoang tưởng khi ông Dương Chí Dũng khai lần đầu khác với lần khai lại, và lại nói ngược lại cho giống lần khai ban đầu khi làm chứng trong phiên tòa xử người em trai là đại tá, phó giám đốc công an Hải Phòng Dương Tự Trọng. Nó cho người ta nhiều nghi vấn mà nếu không có những phiên tòa của một nền tư pháp độc lập, sẽ không có lời giải đáp trung thực.
Trang đầu tiên trong bản khai của Dương Chí Dũng.(Hình: Petrotimes) |
Thứ nhất, đây là tài liệu của Cục điều tra tội phạm tham nhũng (C48) Bộ Công an về chuyên án tham nhũng tại tổng công ty Vinalines của thời ông Dương Chí Dũng làm chủ tịch Hội đồng Quản trị. Không phải ai cũng có thể có được tài liệu này khiến người ta phải đặt dấu hỏi về động cơ, chủ đích của hành động tung tài liệu ra trên mặt báo.
Chỉ một ngày trước (19/2/2014), chính ông Nguyễn Như Phong có bài viết ngắn với tựa đề là một thành ngữ Hán Việt “Tử giả bất luận” mà ông giải thích trong bài là “người đã mất rồi thì không nên luận bàn về cái tốt, cái xấu hay những góc khuất trong đời người ta - cổ nhân đã có câu như vậy.”
Nếu vậy thì ngày hôm sau ông còn lôi “Bản tự khai” của ông Dương Chí Dũng để mượn ông này chối tội ăn hối lộ hai lần tổng cộng $510,000 đô la cho ông thượng tướng thứ trưởng Phạm Quý Ngọ làm gì?
Không là mâu thuẫn à?
Thứ hai, để như ông viết giúp “độc giả có thông tin đa chiều”, ông hãy công bố phóng ảnh đầy đủ, toàn bộ các “Bản tự khai” của ông Dương Chí Dũng khi bị giam ở Sài Gòn, rồi những lần sau nữa ở nhà giam tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời ông cũng nên đánh máy lại toàn bộ lời khai của ông Dương Chí Dũng trong tư cách nhân chứng trong phiên tòa xử Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, không cắt xén. Có như vậy thì mới đúng là “đa chiều”.
Trong phiên tòa vừa kể, ông Dương Chí Dũng nêu khá chi tiết về hai lần gặp tướng Ngọ đưa tiền hối lộ, nhờ giúp đỡ chạy tội. Thậm chí, ông Dũng còn nói rằng phải chuẩn bị bán nhà để có tiền tiếp theo mà “chạy án”. Ông tướng Ngọ, được ông Dũng thuật lại rằng, ông Ngọ an ủi ông không cần phải làm như thế, chỗ anh em, cứ để cho ông ấy lo. Ông Dũng khai đã được ông thứ trưởng khuyên dùng “sim rác” để hai người liên lạc với nhau mà “sim rác tứ quý” của ông Dũng khai tại tòa là 0975-00-8888.
Nếu ông Nguyễn Như Phong không công bố toàn bộ các tài liệu như nói trên mà chỉ nhằm chối tội ăn hối lộ và mật báo cho ông Dũng đi trốn, người ta có thể suy diễn rằng, “tư liệu” về lời khai của ông Dương Chí Dũng được đưa ra, do một chủ ý to lớn hơn có sự chỉ đạo “ở trên”.
Trang cuối có chữ ký của Dương Chí Dũng trong bản khai.(Hình: PetroTimes) |
Trong vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” mà ông tướng thứ trưởng Phạm Quý Ngọ là đối tượng sẽ bị thẩm vấn nếu còn sống, tai tiếng không chỉ riêng với cá nhân của ông Ngọ mà cả guồng máy Công an CSVN. Từ trước tới nay, dư luận đều tin ăn hối lộ hay vòi vĩnh hối lộ, chạy chức chạy quyền vô cùng phổ biến, từ trên xuống dưới, trong cái lực lượng “bảo vệ an ninh trật tự” được coi là “lá chắn” bảo vệ chế độ.
Nếu không phải vì mượn tờ PetroTimes và cá nhân của ông tổng biên tập Nguyễn Như Phong, chống chế cho guồng máy đại tham nhũng này, hàng loạt bài viết chống chế, bênh vực cho tướng Phạm Qúy Ngọ và gia đình anh em ông Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng lại không được viết dài dài như thế.
Guồng máy công an có đủ mặt báo riêng của họ từ Bộ ở trung ương tới các địa phương, với hai tờ báo cũng có nhiều tiếng tăm, mà không dùng để chống chế vì không muốn dư luận hiểu là gà nhà bênh nhau, “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”.
Nhưng dùng ông Nguyễn Như Phong vốn là một đại tá Công an và tờ báo của ông ta thì thiên hạ cũng chẳng đến nỗi quá khờ khạo mà không hiểu dụng ý.
Như lời ông Trương Việt Toàn, Phó chánh án tòa án thành phố Hà Nội, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xử nhóm Dương Tự Trọng giúp Dương Chí Dũng đi trốn, nói trên tờ Thanh Niên ngày 19/2/2014 là “vụ án làm lộ bí mật nhà nước” sẽ bị đình chỉ vì đối tượng điều tra đã chết rồi, theo luật hình sự hiện hành.
Nhưng theo một số luật sư, vụ án còn nhiều điều bỏ ngỏ cần được tiếp tục vì ông Dương Chí Dũng không chỉ khai về việc ông Phạm quý Ngọ mật báo cho ông đi trốn. Ông khai ông Ngọ còn nhận tiền hai lần hối lộ của chính ông và một lần đưa hối lộ 1 triệu đô la dùm bà Trương Mỹ Lan, chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn muốn thầu “chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn” có thể lên nhiều tỉ đô la.
Đồng thời ông Dũng còn khai hối lộ cho ông Cục trưởng C48 lúc đó là Trần Duy Thanh và một ông tên Sơn ở cơ quan này. Thấp thoáng trong đó còn có lời khuyên bảo của ông bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Rồi lại có bóng của ông đại úy Công an Phạm Mạnh Hùng (con trai tướng Ngọ) dắt ông Phạm Chí Dũng đi hối lộ cho ông Trần Duy Thanh.
Nếu coi chuyện “đình chỉ vụ án” theo cái chết của ông Phạm Quý Ngọ, rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp sẽ không chìm xuồng mà vẫn còn được thiên hạ bàn tán, bình luận chứ chưa hết đâu. Hiện giờ người ta chỉ nhìn thấy khi ông Phạm Quý Ngọ chết, chỗ dựa để ông Dương Chí Dũng hy vọng thoát án tử hình đã bị tuyên ngày 16/12/2013 thêm mờ mịt.
Tư Ngộ
Người Việt
No comments:
Post a Comment