Friday, February 21, 2014

Giải pháp nào ngăn chặn công an xã lạm quyền?

22/02/2014 08:49 (GMT + 7)
TT - Đó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với nhiều chuyên gia trước tình trạng nhiều công an xã lạm quyền. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến.
Khám nghiệm tử thi, toàn thân nạn nhân N. (39 tuổi, thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) bị bầm tím - Ảnh: Tr.T.
Giám sát các cuộc lấy lời khai bằng camera
Cho dù là nghi can nhưng khi chưa có điều tra, kết luận cụ thể của cơ quan có thẩm quyền thì người đó vẫn còn đầy đủ các quyền của một công dân.
Tuy nhiên sau những cuộc làm việc, thẩm vấn tại cơ quan công quyền mà xảy ra hậu quả người dân bị thương tật, chết..., trừ khi có đầy đủ bằng chứng rõ ràng lắm thì cơ quan công quyền mới chịu thừa nhận có hành vi tra tấn để lấy lời khai. Tình trạng như thế xảy ra đã nhiều nhưng việc xác định là rất khó.
Để hạn chế tình trạng này, công tác giáo dục, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ trong ngành công an để họ tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong thi hành nhiệm vụ là rất quan trọng.
Ngoài ra, tôi cho rằng có một cách đơn giản để giải quyết vấn đề nếu nơi lấy lời khai được người có trách nhiệm giám sát. Có thể tiến tới bắt buộc phải có camera theo dõi để vừa phục vụ công việc chuyên môn vừa để kiểm tra, giám sát. Như vậy khi có sự cố gì xảy ra mới có bằng chứng khách quan để kết luận thỏa đáng.
* Ông TRƯƠNG LÂM DANH (phó trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM):
Cần minh bạch hoạt động điều tra, xét hỏi
Qua giám sát của HĐND TP, chúng tôi đã đề nghị phải có sự tham gia của luật sư trong quá trình xét hỏi. Đây cũng là cách để các điều tra viên không phải chịu mang tiếng ép cung.
Nhưng cũng có nhiều tình huống luật sư lại gợi ý, mớm cung nên cơ quan công an còn e ngại. Tôi ủng hộ nên có các biện pháp để tạo sự minh bạch, rõ ràng, khách quan trong điều tra xét hỏi, trong đó có việc lắp camera tại nơi lấy lời khai.
Ông NGUYỄN VĂN CHUNG (viện trưởng Viện KSND quận 3, TP.HCM):
Chấn chỉnh việc giữ người trái pháp luật
Tình trạng công an phường, xã giữ người dân, nghi can tại trụ sở để lấy lời khai kéo dài (có khi hơn 24 giờ) không hiếm.
Theo quy định tại điều 86, 87 Bộ luật tố tụng hình sự, công an phường, xã không có thẩm quyền tạm giữ hình sự đối với nghi can. Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định trường hợp việc tạm giữ hành chính cũng chỉ tối đa 12 giờ, trường hợp cần thiết mới kéo dài đến 24 giờ.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định tạm giữ hình sự được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc bắt theo quyết định truy nã.
Nhưng ngay cả trong trường hợp phạm tội quả tang thì công an phường, xã cũng phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ hình sự.
Quyết định tạm giữ phải gửi đến viện kiểm sát cùng cấp để viện kiểm sát tham gia kiểm sát quy trình tố tụng.
Để không còn những cái chết đáng tiếc của người dân, nghi can tại trụ sở công an (nhất là công an cấp cơ sở) hoặc sau khi làm việc với công an thì lãnh đạo cơ quan công an cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tạm giữ người, lấy lời khai nghi can để không còn tình trạng lạm dụng, biến buổi “làm việc” với người dân, nghi can thành đe dọa, đánh đập để lấy lời khai, ép cung gây các hậu quả đáng tiếc.
Thực tế nhiều người dân khi bị mất cắp, cướp tài sản, con cái bị xâm hại... đều báo với cơ quan công an gần nhất là cấp phường, xã.
Thay vì thu thập các chứng cứ tài liệu để xác minh thông tin ban đầu (trước khi chuyển đến công an quận, huyện) thì cấp phường, xã lại mời chính đối tượng bị tố cáo lên lấy lời khai, “làm việc” có khi 1-2 ngày. Từ đó mới xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Lãnh đạo cơ quan công an cấp trên (quận huyện, tỉnh thành) cần kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này.
MAI HƯƠNG - C.MAI ghi

No comments:

Post a Comment