ĐĂNG BỞI  - 
Hợp tác xã Quốc Anh, nơi chuyên sản xuất nguyên liệu giấy từ cây nứa ở huyện miền núi Đông Giang tỉnh Quảng Nam đã bỏ mặc một công nhân bị tai nạn lao động trong hoàn cảnh thảm thương.
Ngã vào nồi nước sôi
Nhận được phản ánh của một bạn đọc về trường hợp tai nạn lao động của anh Nguyễn Phước Lộc (28 tuổi), chúng tôi đã tìm về nhà của nạn nhân ở thôn Sông Voi, xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Trong căn nhà gỗ thấp lè tè được dựng lên từ đầu năm 2012, chị Trần Thị Thanh Yên (SN 1992, vợ anh Lộc) cho biết anh Lộc bị tai nạn vào trưa ngày 13/2 vừa qua.
“Trong lúc anh Lộc nối lại dây điện bên trên hồ nước sôi dùng để luộc cây nứa tại Hợp tác xã Quốc Anh thì vô tình bị trượt chân ngã xuống hồ. Do nước trong hồ rất nóng, cả mấy trăm độ C nên anh Lộc bị bỏng nặng cả hai chân”, chị Yên kể.
Trong khi chị Yên trò chuyện với chúng tôi, đứa con trai mới 19 tháng tuổi của anh chị là Nguyễn Công Phước Tú vẫn vô tư chơi đùa, chưa hiểu được điều gì đang xảy ra với bố mình. Trong ảnh:  
Vợ và con nạn nhân trong căn nhà có tài sản giá trị nhất là chiếc nồi cơm điện. 
Sau khi tai nạn xảy ra, người thân lập tức có mặt để đưa anh Lộc đến bệnh viện cấp cứu.
Anh Nguyễn Hồng Thi, người trực tiếp đưa anh Lộc đi cấp cứu, cho biết khi được báo tin Lộc bị tai nạn anh đã chạy ngay xuống xưởng Quốc Anh để bế anh Lộc ra xe thuê sẵn đi cứu chữa.
“Tôi thấy 2 chân của Lộc bị bỏng rất nặng từ vùng bắp đùi trở xuống, da đã bị tuột cả, lộ ra những thớ thịt trắng nên tôi bảo người nhà đưa Lộc xuống Bệnh viện Đà Nẵng cứu chữa, chứ không lên Trung tâm y tế huyện Đông Giang nữa”, anh Thi nhớ lại.
Còn anh Nguyễn Xuân Ánh, chủ xe tải được thuê để đưa anh Lộc đi cấp cứu, cho biết tháng 12/2013 anh cũng từng đưa 1 công nhân của Hợp tác xã Quốc Anh bị bỏng đi Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.
Tuy nhiên, trường hợp công nhân kia không nghiêm trọng như trường hợp của anh Lộc. “Trong khi tôi chở công nhân bị bỏng vào tháng 12 năm ngoái không bị chảy dịch ra xe thì lần tôi chở Lộc đi nhập viện, dịch chảy rất nhiều từ vết bỏng của Lộc đã thấm qua tấm mền, lan ra cả xe của tôi”, anh Ánh cho biết thêm.
Khi được hỏi tiền thuê xe chở anh Lộc đi cấp cứu ai sẽ trả, anh Ánh cho biết Hợp tác xã Quốc Anh sẽ trả. “Nhưng đến nay họ vẫn chưa trả tiền xe cho tôi. Như lần trước vào tháng 12/2013 phải gần 1 tháng họ mới trả tiền xe cho tôi”, anh Ánh nói.
Bà Trần Thị Lý, mẹ của anh Lộc, cho biết từ ngày anh Lộc gặp nạn, 2 vợ chồng ông bà thay phiên nhau xuống túc trực tại Bệnh viện Đà Nẵng để chăm sóc cho anh Lộc.
Còn vợ anh Lộc, phần vì công việc cộng thêm con nhỏ nên thi thoảng chị mới xuống được với anh. “Gia đình nó nghèo nên bao nhiêu tiền dành dụm trong nhà vợ chồng tôi đã mang đi chạy chữa thuốc thang cho thằng Lộc cả rồi. Giờ phải đi mượn tiền bà con lối xóm mà chạy chữa cho thằng Lộc mau chóng bình phục chứ biết thế nào”, bà Lý nghẹn ngào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì anh Lộc làm việc tại Hợp tác xã Quốc Anh được gần 2 năm nay với mức lương 3 triệu đồng/ tháng. Với vai trò trưởng ca, mỗi tháng anh Lộc nhận thêm được 500.000 đồng nữa.
Dù đã làm việc được gần 2 năm và lại là trưởng ca nhưng anh Lộc không hề được Hợp tác xã Quốc Anh ký hợp đồng lao động cũng như được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định.
Anh Nguyễn Hồng Thi cho biết khi đưa Lộc đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu thì anh phải dùng bảo hiểm y tế cận nghèo của gia đình Lộc để làm thủ tục nhập viện.
Vì sao không đóng bảo hiểm cho người lao động?
Theo gia đình nạn nhân, cho đến hôm qua - sau khi báo chí tiếp cận vụ việc - HTX Quang Anh mới đến thăm và hỗ trợ anh Lộc 2 triệu đồng.

Chúng tôi đã tìm đến Hợp tác xã Quốc Anh tại huyện Đông Giang để nắm rõ thêm vụ việc của anh Lộc.

Trước cơ sở này có đến 2 dòng chữ “Không phận sự cấm vào”. Nhìn vào bên trong thì các công nhân vẫn đang làm việc.
Khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, một người đàn ông đứng trong ngôi nhà phía trên xưởng dùng tay vẫy lên đó để gặp mặt.
Đứng trước căn nhà cấp bốn hình ống có treo tấm biển nhỏ “Hợp tác xã Quốc Anh. Điện thoại: 0914.177...”, người đàn ông này cho biết ông tên Long, là phó quản lý ở Hợp tác xã Quốc Anh.
Theo ông Long thì Lộc bị tai nạn nhẹ thôi, chứ không nghiêm trọng lắm và ông khẳng định “Người dân trên này một đồn mười đó, bỏng như họ nói thì chết mẹ rồi!”.
Lợi dụng người dân miền núi trình độ dân trí thấp, cơ sở sản xuất giấy này bắt người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm nhưng không có bất cứ loại bảo hiểm nào. 
Lý giải việc Lộc không có bảo hiểm y tế của cơ quan khi nhập viện, ông Long cho biết hiện tại Hợp tác xã Quốc Anh có 12 cán bộ nhân viên đang làm việc. Tuy nhiên, chỉ có ông Long và một người nữa có bảo hiểm, còn Lộc cũng như các công nhân khác đang làm việc tại cơ quan này không hề được ký hợp đồng lao động cũng như được mua bảo hiểm y tế hay bảo hiểm lao động.
Trước câu hỏi của chúng tôi là những người lao động trực tiếp như công nhân của Hợp tác xã Quốc Anh là đối tượng dễ bị tai nạn lao động nhất nhưng vì sao phía cơ sở không ký hợp đồng lao động và đóng các loại bảo hiểm theo quy định cho công nhân?
Ông Long lý giải do các công nhân đang làm việc tại Hợp tác xã Quốc Anh đều được thuê làm việc dạng công nhật, với mức lương từ 70.000-100.000 đồng/ ngày. “Dù không có đóng bảo hiểm cho công nhân nhưng chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ để Lộc nhanh chóng được chữa trị khỏi bệnh”, ông Long phân trần.
Khi chúng tôi đề nghị được vào xưởng để thực địa thì ông Long đã từ chối. “Cái này tôi dứt khoát không cho vào được. Trừ khi có giấy đề nghị của công ty tôi mới cho vào”, ông Long quả quyết.
Thậm chí, khi chúng tôi hỏi họ tên đầy đủ của ông Long thì ông trả lời “Tuyệt đối không cho”!
Ông Long cho biết nếu muốn tìm hiểu gì sâu hơn thì hãy liên hệ với anh Nam, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quốc Anh. Và ông Long chỉ cho chúng tôi số điện thoại di động trên tấm biển hiệu của cơ sở này là số của anh Nam. Tuy nhiên, khi một đồng nghiệp của tôi liên hệ vào số máy đó thì người đàn ông đầu dây bên kia bảo đang chuẩn bị đi công tác nên không thể gặp được.
Trái ngược với những nhận định của ông Long về thương tích của anh Nguyễn Phước Lộc, bác sĩ Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa Ngoại bỏng – Tạo hình, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân Lộc nhập viện vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 13/2.
Anh Lộc được xác định bị bỏng nước sôi với diện tích 32%, bỏng độ 2-3. “Hiện tại bệnh nhân bị sốt, vết bỏng không ngừng tiết dịch và bị bong da vùng bỏng. Các bác sĩ phải dùng kháng sinh mạnh để điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Hùng cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hùng thì bệnh nhân Lộc được tiên lượng là bị nặng và phải điều trị kéo dài từ 4-6 tuần nữa mới được xuất viện, có khả năng bị nhiễm trùng vết bỏng.
“Các loại bỏng sau khi được chữa trị đều để lại sẹo. Có 2 loại sẹo là sẹo lồi và sẹo co rút. Nếu bệnh nhân Lộc sau khi điều trị mà gặp phải loại sẹo co rút thì phải làm phẫu thuật 6 tháng sau đó”, bác sĩ Hùng nhận định.
Để điều trị dạng bỏng như của anh Lộc thì cần một khoảng chi phí rất cao. Trung bình, để điều trị 1% diện tích bỏng thì phải tốn từ 800.000-1.200.000 đồng. Trong khi anh Lộc bị bỏng đến 32% diện tích!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 5/2013 và 12/2013, cũng tại Hợp tác xã Quốc Anh đã xảy ra 2 trường hợp bỏng tương tự như anh Lộc, nhưng mức độ nhẹ hơn. Và tất cả các công nhân này đều không được cơ sở sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế. 
Về hoàn cảnh của gia đình anh Lộc, năm 2013 gia đình anh được công nhận là hộ nghèo của xã Jơ Ngây. Năm 2014 này gia đình anh thuộc diện hộ cận nghèo.
Tiểu An