“Nhà tôi gần một công viên nho nhỏ. Cứ khoảng hai mươi mét là có một thùng rác, vậy mà người già làm gương cho trẻ nhỏ, vẫn vô tư vứt rác ra ngoài.”
Bẩn từ trong nhà...
Tôi từng ở chung với vợ chồng đứa em trong căn hộ chung cư sáu mươi mét vuông. Từ phòng ngủ của chúng ra đến thùng rác trong bếp chưa đến mười bước chân, vậy mà chúng vẫn lập một giỏ rác ngay ngoài ban công, sát cửa phòng chúng. Và rác tràn cả ra ngoài. Đủ các loại từ có mùi đến không mùi. Với sự tiện tay như vậy, tôi không tin là chúng sẽ không xả rác ra đường.
Mẹ tôi ở chung với chị dâu tôi. Chị ở trên tầng một, và đứa con 7 tuổi của chị uống sữa xong quăng luôn vỏ hộp xuống vườn hoa trước nhà mà ngày nào mẹ tôi cũng lom khom nhặt ra. Tôi cũng không tin mẹ con chị không xả rác ra đường.
… đến nhếch nhác ngoài ngõ
Tôi đón con ở trường, một em bé ăn bánh xong quẳng luôn cái bao xuống đất. Tôi chỉ dám hỏi cháu sao con xả rác vậy. Bà mẹ thản nhiên rằng sáng mai lại có người quét rác mà.
A, thì ra họ cho rằng đã có người quét rác thì họ có thể xả rác. Thật bần tiện hết chỗ nói!
Nhà tôi gần một công viên nho nhỏ. Cứ khoảng hai mươi mét là có một thùng rác, vậy mà người già làm gương cho trẻ nhỏ, vẫn vô tư vứt rác ra ngoài. Một hôm, có nhóm học sinh cấp hai khoảng bốn cháu ngồi ghế đá, ăn bắp xào xong, chúng đem bỏ rác vào thùng. Chỉ có vậy thôi mà sau một phút nín thở quan sát, tôi bỗng thấy nhẹ cả người và thở phào khoan khoái. Tiếc là những dịp như vậy không nhiều.
Còn hình ảnh người ngồi trên xe ăn uống xong vứt rác ngay xuống đường chắc chắn không phải là hiếm thấy. Cứ sau một lễ hội là không gian nơi tổ chức ngập tràn rác thải.
Và đâu cũng thấy rác
Đó là sự thật không thể chối cãi. Tôi về miền Tây qua ngả đại lộ Nguyễn Văn Linh. Đó là con đường dài, rộng có thể nói là đẹp nhất thành phố. Thế nhưng vừa ra khỏi khu Phú Mỹ Hưng, con đường liền thuộc về một thế giới khác. Thế giới của rác, từ phân hủy được như rau, giấy, củ quả, vải vóc, gỗ củi cho đến gần như không thể phân hủy như bao ni lông, chai nhựa, cốc nhựa… và lung tung.
Một người bạn nói với tôi, có lẽ sống lâu trong đống rác, người ta không còn cảm thấy thối nữa.
Tôi theo Quốc lộ 1 xuôi về miền Tây, hai bên đường bao ni lông bay lả tả. Chai nhựa và ống hút lớp lớp nằm trong cỏ. Phong cảnh thì đẹp khỏi nói. Cây cối xanh tươi, hoa trái ngọt ngào, người thì thân thiện (đa số), nhưng rác thì vẫn đập vào mắt tôi trước hết. Chỗ dừng chân trên cầu Rạch Miễu, nhìn xuống vườn nhãn bên dưới thấy mà đau lòng, chừng vài năm nữa thôi chủ nhân khu vườn sẽ thành chủ bô rác. Nói không ngoa, cả đất nước như một cô gái đẹp mà lười tắm rửa.
Nhà sạch thì mát... ông bà nói vậy. Giờ thì khách sạn 5 sao sạch và mát hơn khách sạn 2 sao vì vậy cũng đắt tiền hơn. Nước Nhật sạch sẽ ngăn nắp hơn nên du lịch hẳn cũng đắt hơn một số nước khác. Một đất nước xanh - sạch - đẹp hẳn đầy tự hào hơn một đất nước chỉ có mỗi chữ đẹp.
Nhiều khi tôi tự hỏi, sau chừng ấy năm hội nhập, sau bao nhiêu nỗ lực của ngành giáo dục, chúng ta có những gì trong ý thức? Truyền thông để làm gì, mạng xã hội để làm gì mà điều tối thiểu nhất chứng tỏ là con người chúng ta cũng không làm được?
Cần phải phạt nặng hành vi xả rác nơi công cộng
Tôi nghĩ cần phải phạt thật nặng hành vi xả rác nơi công cộng và làm tổn hại môi trường. Nhưng trước khi trừng phạt, cần bắt đầu bằng tuyên truyền nhắc nhở.
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thay vì quấy rối khách hàng bằng quảng cáo, hãy nhắn tin nhắc họ đừng xả rác. Phát thanh, truyền hình, báo mạng hãy làm nhiệm vụ chính trị của mình bằng cách bớt chút lợi nhuận để nhắc nhở khán giả giữ vệ sinh chung. Cả cộng đồng, toàn xã hội, mỗi ngày hãy nhắc nhau một câu, tôi tin chỉ một năm tình hình sẽ được cải thiện.
Và nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng chế độ thuế ưu đãi khi doanh nghiệp làm nhiệm vụ này thay vì bỏ hàng triệu đô la cho các danh hiệu ảo.
Rồi sau đó hãy phạt nghiêm khắc những kẻ thiếu ý thức. Kể cả đòn roi.
Hãy xem Singapore, kiên quyết đánh bầm mông cả công dân Mỹ dù đã được tổng thống năn nỉ. Hãy nhìn nước Nhật, người dân thấy rác, nhặt bỏ vào túi mang về. Để rồi cả thế giới ngưỡng mộ họ, yêu mến họ và chào đón họ.
Chúng ta có thể làm được như họ không?
Phạm Quy
No comments:
Post a Comment